Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/08/2020

Đoàn viên Thanh niên Việt Nam có thể giáo dục người khác về ‘Chân-Thiện-Mỹ’ ?

RFA tiếng Việt

Tại Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XXIII, vừa diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vừa nêu lên vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp, đồng thời nhắc các đoàn viên thanh niên về ‘Chân-Thiện-Mỹ’ để giáo dục thanh niên ngoài đoàn.

chanthienmy01

Đại hội Đảng bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XXIII, diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/8, tại Hà Nội. Courtesy TP

Giới trẻ quan niệm ‘Chân-Thiện-Mỹ’ như thế nào ?

Từ Hà Nội, Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhận định với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/8/2020 :

"Thật ra giới trẻ hiện nay quan niệm khá là đa dạng, đa chiều... Nếu như trước đây, những quan niệm theo kiểu truyền thống thì phần lớn mọi người trong xã hội theo một chuẩn mực nào đấy, phần lớn là đồng nhất, giống nhau. Thế nhưng bây giờ thì rất đa dạng, trước đây ta hay theo kiểu Khổng giáo của Tàu thì nó một chiều. Bây giờ thì trào lưu ảnh hưởng của phương Tây, toàn cầu hóa, những quan niệm ở nền văn hóa khác nhau, thành ra tôi quan sát thấy người dân quan niệm nói chung rất đa dạng, đặt biệt giới trẻ lại càng đa dạng hơn nữa về quan niệm. Hầu hết mọi người đều nói đến ‘Chân - Thiện - Mỹ’, nhưng cách người ta hiểu thế nào là ‘Chân’, thế nào là ‘Thiện’, thế nào là ‘Mỹ’... cũng rất là khác nhau".

Thế nào là ‘Chân-Thiện-Mỹ’ ? Theo Tự điển Tiếng Việt, ‘Chân’ thường được hiểu là thật, là chân thật, xác thực... đối lập với phạm trù cái giả - cái không thật...

Còn ‘Thiện’ theo ý nghĩa từ Hán Việt là tốt, lòng tốt, lương thiện, để đối lập với cái ác. Và ‘Mỹ’ là một phạm trù thẩm mỹ rất phức tạp, song hiểu một cách thông dụng nhất là cái đẹp, cái đẹp ở trong cuộc sống và trong con người...

Giới trẻ hiện nay quan tâm như thế nào về vấn đề đạo đức xã hội, sự chân thật, hướng thiện và cái đẹp trong cuộc sống ?

Một bạn trẻ ở Nghệ An khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho biết ý kiến của mình :

"Suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam hiện nay là người ta không quan tâm đến vấn đề đạo đức xã hội, mà chỉ biết đến những thú vui và những suy nghĩ bồng bột theo chiều hướng xa hoa, hào nhoáng... họ sẽ trở nên những con người vô cảm".

Còn một bạn trẻ khác ở Hà Tĩnh thì cho rằng, những vấn đề đạo đức chính trị xã hội, thật ra nó chỉ là những cách đối nhân xử thế, đó là những vấn đề rất nhỏ trong cuộc sống... Bạn nói tiếp :

"Nhưng nếu người ta vô cảm với vấn đề chính trị xã hội, nó sẽ làm suy giảm các giá trị đạo đức. Theo em nghĩ, trước nhất chính bản thân chúng ta phải sống đúng chuẩn mực, biết đồng cảm với mọi người và biết yêu thương nhau. Đối với gia đình, muốn con cái trở nên tốt hơn thì phải biết sống yêu thương nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau, các thế hệ phải biết quan tâm đến nhau, người lớn phải làm gương cho con cái. Và môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức, không chỉ là nơi nhồi nhét kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức và giáo dục sự đồng cảm với các bạn trẻ. Học sinh cần phải biết cách ứng xử, biết cách quan tâm giúp đỡ mọi người và phải được giáo dục những kỹ năng sống thiết thực".

Giáo dục ‘Chân-Thiện-Mỹ’

Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có thật sự hiểu đầy đủ về giá trị của sự chân thật, xác thực... hướng thiện, để đối lập với cái ác và hiểu một cách rõ ràng cái đẹp ở trong cuộc sống và cái đẹp trong con người... để mà giáo dục ‘Chân-Thiện-Mỹ’ cho các thanh niên khác ? Hay Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ lo chạy theo thành tích, mù quán góp sức cùng với nhà nước đàn áp biểu tình, gây rối khi người dân ra công viên tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma để bảo vệ Tổ quốc ?

chanthienmy02

Các vụ bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở Việt Nam. File photo

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/8/2020, liên quan vấn đề này, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, phụ trách Hội thánh Mennonite Độc lập tại Sài Gòn, cho biết ý kiến của mình :

"Tôi có gởi một tâm thư, kiến nghị đến 14 bộ ngành, đề cập nhiều đến vấn đề đạo đức đang lao dốc trong xã hội Việt Nam, và tôi có góp ý phục hồi giá trị tâm linh đạo đức của tổ tiên, hay các giá trị đạo đức của Công giáo, coi đó như sự đóng góp tích cực ngăn ngừa tội phạm từ bên trong. Còn việc giáo dục đạo đức cần có một hệ thống giáo sư, những người dạy ‘Chân - Thiện - Mỹ’ họ ý thức ‘Chân’, ý thức ‘Thiện’, ý thức ‘Mỹ’... khao khát sống cho giá trị đó, tận hiến hy sy cho giá trị đó thì mới dạy cho thanh niên được. Ví dụ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, lãnh đạo ban đầu của họ là những người hướng đạo sinh, như ông Huỳnh Tấn Phát, kể cả ông Hồ Chí Minh cũng là hội trưởng danh dự năm 1946 của Hội hướng đạo Việt Nam".

Nhưng theo Mục sư Nguyễn Hồng Quang, những người cộng sản Việt Nam ngày nay lại chế diễu, chống phá hướng đạo sinh, nghiền nát hướng đạo sinh. Ông nghi ngờ quyết tâm giáo dục về ‘Chân-Thiện-Mỹ’ của Trung ương Đoàn :

"Như vậy bây giờ họ nói thì phải xem họ có quyết tâm hay không ? Họ có tôn trọng hướng đạo sinh hay không ? Tôn trọng các sinh hoạt từ thiện đạo đức của tôn giáo hay không ? Đoàn thanh niên họ nói như vậy thì ghi nhận họ thấy đạo đức xuống cấp và đề xuất, nhưng họ không có phương hướng. Đoàn toàn đi nói láo, thì làm sao đi dạy nói thật được, họ đặt vấn đề thì đúng nhưng cách giải quyết của họ thường không sạch, tôi hoài nghi".

Thời gian qua, sự xuống cấp về đạo đức xã hội ở Việt Nam đã trở thành vấn đề được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Chưa bao giờ các hành vi vô nhân tính, vô đạo đức trong các mối quan hệ xã hội như trò đánh thầy, phụ huynh đánh thầy... kể cả giữa những người thân trong gia đình khi mâu thuẫn cũng có thể hãm hại nhau... lại xuất hiện với một tần xuất dày đặc trên báo chí như hiện nay.

Vấn đề giáo dục đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay được quan tâm như thế nào ? Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương cho biết về những tác động có thể giúp giáo dục ‘Chân - Thiện - Mỹ’ cho thanh niên :

"Theo cách hiểu của tôi, những ảnh hưởng đối với thanh niên về ‘Chân - Thiện - Mỹ’ thì tôi nghĩ có hai yếu tố tác động mạnh nhất là trong gia đình và trong mối quan hệ xã hội. Trong quan hệ xã hội thì cũng có thể là bạn bè trong nhà trường và bạn bè ngoài nhà trường... Chứ còn nói đến vai trò của nhà trường hay vai trò của các tổ chức đoàn đội... thì tôi thấy nó khá là mờ nhạt".

Theo Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, nhà trường chỉ lo chạy theo thành tích, chạy theo điểm số nhiều hơn là quan tâm đến giá trị ‘Chân - Thiện - Mỹ’... Bà nói tiếp :

"Những giờ trên lớp thì thầy cô cũng chỉ chạy theo những kiến thức chung để lấy điểm số, chứ người ta không quan tâm đến những diễn biến tâm lý, những diễn biến thái độ của thanh niên nhiều lắm. Hơn nữa là vẫn theo kiểm giáo dục áp đặt một chiều, mà một khi cứ áp đặt thì sẽ kém hiệu quả vì thanh niên không thích bị áp đặt như thế và sẽ có suy nghĩ riêng. Tất nhiên thanh niên cũng sẽ lắng nghe giáo viên hay cấp trên... nhưng khi ra ngoài thì thanh niên sẽ ứng xử hoàn toàn khác".

Không chỉ Tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương có nhận xét như vừa nêu. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, trên thực tế việc giáo dục hướng đến ‘Chân - Thiện - Mỹ’, giáo dục đạo đức trong các nhà trường hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đó cũng là hạn chế chung của ngành giáo dục. Các trường học vẫn chỉ chú trọng dạy chữ, chạy đua thành tích... chứ chưa thực sự chú trọng việc dạy người, dạy đạo đức, nhân cách, lối sống và kỹ năng sống...

Nguồn : RFA, 26/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)