Bưng chén cơm giữa mùa dịch
Viết từ Sài Gòn, RFA, 26/08/2020
Giữa mùa dịch, không riêng chi người Việt, mà hầu như tất cả những nơi nào có dịch bùng phát, con người đều phải khổ, cái ăn, cái mặc hay chỗ ở là cả một nỗi niềm riêng tây. Thế nhưng cũng giữa mùa dịch, tin một ông nghị mua quyền công dân xứ khác với giá hai triệu rưỡi đô la, nghe cứ như chiêm bao, bởi ông ấy đại diện cho tiếng nói người dân, ông ấy phải biết rằng nhân dân còn khổ cực lắm lắm, không thiếu những chén cơm chan nước mắt trong lúc này. Hơn nữa, đó là chưa muốn nói đến các qui định về nhân thân của một ông nghị trong luật pháp. Nhưng thôi, hãy nghĩ đến chén cơm của người dân lúc này !
Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hòa Cyprus
Tôi nhớ đến những người lao động nghèo, đi phụ hồ, có người mới đi làm chưa đầy một tháng, sau đợt giãn cách hồi tháng Tư, vì quá khó khăn nên ra thành phố phụ hồ kiếm tiền mua gạo cho gia đình, chưa kịp nhận lương thì thành phố bị phong tỏa, những người ở đậu không có phiếu mua lương thực, đi lại cũng khó khăn do lệnh cách ly, đói khổ, buồn bã, thậm chí tuyệt vọng… Đó là chuyện có thật của người lao động Việt nghèo khổ giữa thành phố đáng sống nhất Việt Nam, giữa thế kỉ 21 đầy tham vọng và thịnh vượng này.
Lại nhớ đến những người miền núi, những đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở phía Tây Quảng Trị hay những người K’ Dong, Tà Ôi ở phía Tây Huế, Quảng Nam, người Kor ở Tây Quảng Ngãi, người H’Mong ở Tây Bắc và Tây Nguyên, người Raglai ở Ninh Thuận và người Khmer ở Tây Nam Bộ… Tất cả các nhóm người, các sắc tộc này đều có chung một điểm, đó là nghèo đói, họ nghèo đói một cách trịnh trọng và nghiêm túc. Nói họ nghèo đói trịnh trọng và nghiêm túc bởi hiếm có người Việt nào giống họ trong cách ứng xử với cái đói : Sẵn sàng cho bởi tin rằng có người đang khổ hơn mình.
Tôi từng chứng kiến một gia đình Pa Kô ở Quảng Trị, nhà tranh vách nứa tuềnh toang, gió lộng tứ bề, cả gia đình làm nông mút chỉ đường tà, hết trồng khoai sắn trên rẫy lại đi đào củ mài, hái măng rừng, làm vài mảnh ruộng lúa nho nhỏ… Cái ăn chỉ loay hoay quanh mấy thứ nông sản này, tiền cho con ăn học thì dựa vào con heo nái, mỗi đợt xuất chuồng được vài triệu đồng, một năm xuất hai lứa, lứa nào được giá thì dao động từ hai đến ba triệu đồng, lứa nào không được giá thì may lắm được một triệu đồng, mọi khoản phí đều dựa vào đó. Ngày rảnh việc nương rẫy, người vợ đi rửa chén bát thuê ngoài thị trấn, mỗi ngày được trả năm mươi ngàn đồng, thêm phần cơm thừa của quán được chủ cho mang về. Tôi đến gặp lúc gia đình ăn cơm trưa, tất cả cơm nguội được cho ra thau, dùng đũa đánh cho tơi, một ít cơm cháy được xếp lên trên mặt thau. Cả gia đình xúm xít kho một nồi mắm cáy, họ phi hành tỏi, cho chén mắm cáy vào chảo dầu đang sôi và cho thêm một ít nước lã vào, khuấy đều cho đến lúc chảo mắm sôi lên sùng sục. Bên cạnh chảo mắm là một nồi rau luộc. Khi chảo mắm được bưng lên, rổ rau luộc được bưng lên bên cạnh thau cơm. Có thể nói rằng một cuộc càn quét ẩm thực đang kéo qua với mấy đứa nhỏ, người lớn có phần từ tốn hơn…
Nghèo vậy, nhưng nghe chúng tôi nói rằng có nhiều nơi còn nghèo hơn họ, nói rằng có nhiều gia đình ở quê tôi cầm hom sắn để trồng mà không có tiền mua thì họ nhờ tôi mang về một ít hom sắn của họ gửi tặng ngay. Đương nhiên là thử lòng nhau như vậy không hay cho mấy nhưng chí ít cũng thấy được tấm lòng của người nghèo. Mà hầu như đi đâu cũng gặp cảnh người càng nghèo thì lòng càng hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ, không cần suy tính gì nhiều… và từ Bắc chí Nam, có nơi nào mà người thiểu số, người sống ở vùng heo hút không khó khăn, nghèo khổ ? ! Đó là những ngày bình thường, còn có thể đi lại để kiếm chút tiền mua gạo, những ngày các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, quán ăn, chợ búa… còn mở cửa bình thường, còn bây giờ, khi mọi thứ co cụm, thiếu trước hụt sau, nhiều người bị thất nghiệp, nhiều công việc tạm chấm dứt cho đến ít nhất cũng tháng sau, có khi cả vài năm, thì liệu người đi làm thuê, người nghèo biết dựa vào đâu để hi vọng !
Tôi chưa bao giờ mong rằng các quan tham có thể cởi bỏ bớt lòng tham để nghĩ đến người nghèo. Nhưng dù sao, khi cả thế giới đều đói khổ, lẽ nào anh không động lòng trắc ẩn, lẽ nào anh lặng lẽ liếm bộ lông của mình cho sạch sẽ, bóng mượt, bỏ mặc đồng loại rên xiết và kêu đau ? Thế nhưng có vẻ như trong hoạn nạn, nếu như có nhiều người buồn cho tha nhân, có nhiều người sẵn sàng chia sẻ với đồng loại thì cũng có những kẻ tranh thủ lúc này, vơ vét, khoắn càng nhiều càng tốt. Khoắn cho đầy túi tham, khoắn để tìm đường chạy ra nước ngoài, khoắn cho hả dạ cô bồ nhí… Dường như người ta đạp lên nỗi đau của nhau mà sống. Đồng loại càng rên xiết, đau đớn, kêu than, đói khổ thì họ càng có thêm khoái cảm cuộc đời, họ càng thấy sự giàu có của họ tăng giá trị… Cuộc sống đôi khi khốn nạn là vậy !
Giá như giữa lúc này, mọi thứ được luân chuyển theo một trật tự khác, nghĩa là không phải thời đại mà kẻ có tiền được phép làm những gì họ muốn, họ thích, mà họ chỉ được quyền làm những gì họ cần. Thế giới trở nên loạn lạc và điêu linh bởi ngày càng có thêm nhiều người được phép làm những gì họ muốn, họ thích trong lúc cộng đồng chưa đạt đủ điều kiện cần. Thế giới chỉ ổn định khi mọi người đều may mắn tìm được thứ họ cần và những người may mắn hơn có thể tìm được thứ họ muốn và thích.
Việt Nam lúc này, có bao nhiêu triệu người cần xóa đói giảm nghèo, cần một bữa cơm đúng nghĩa với bữa cơm, cần một chỗ dựa trong công việc kiếm cơm sau mùa dịch ? Và Việt Nam hiện nay có bao nhiêu quan chức muốn, thích những thứ xa xỉ, những bữa ăn mà cả nhiều thế hệ nhà nghèo cũng không đủ tiền góp lại mua lấy một bữa trưa của họ, hoặc những chuyến đi chỉ để uống cà phê, tìm cảm giác lạ mà nó có thể qui ra lương thực chia cho hàng vạn người ấm bụng lúc đói. Nói như vậy để thấy rằng, cái bất công không phải do ngẫu nhiên sinh ra, mà do chính sự ham muốn, sự thích thú và lòng tham của kẻ có quyền, có tiền !
Đến lúc này, nếu các quan tham, các tay quyền lực không kịp tỉnh thức, không kịp tự suy nghĩ để biết sống bớt ích kỉ và nhỏ nhen, để biết chia sẻ với đồng loại, thì đến một lúc nào đó, khi người nghèo chịu hết nổi, nạn cướp bóc, giật dọc tràn lan và người ta chết chùm vì đói khổ, tuyệt vọng… Lúc đó, các ông các bà sống với ai ? Đừng tưởng cao chạy xa bay là thoát khỏi vòm trời ! Và giữa lúc này, có ai bưng chén cơm, tự dưng nhớ đến nhiều điều, và cái gì gây nhớ cũng làm cay mũi, bởi quanh mình, có quá nhiều người đắng cay, họ, bưng chén cơm hôm nay mà không biết vài tháng sau lấy gì để sống, vì mọi thứ khó khăn chực chờ trước mắt !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 26/08/2020 (VietTuSaiGon's blog)
********************
Tên của giống loài
Tuấn Khanh, RFA, 26/08/2020
Khi bạn có thể âm thầm bỏ ra 2,5 triệu USD để mua quốc tịch mới, ngay cả khi bạn đang có một vị trí cao hơn người khác về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, có nghĩa là :
- Tài sản của bạn, vốn có được từ khả năng quan trọng nhất là Cao cấp lý luận chính trị, ít nhất là phải nhiều gấp 10 số đó, hoặc nhiều lần hơn nữa.
- Vị trí đại biểu Quốc hội của bạn chỉ có thể là bù nhìn hoặc là tay sai, vì mục đích lớn nhất không phải vì tiếng nói của nhân dân mà vì quyền lợi thầm kín của bạn đang theo đuổi.
- Trong lòng của bạn không hề kính trọng đất nước mà bạn đã sinh ra và lớn lên, và coi thường luôn cả chế độ mà bạn đang tham gia. Nó chỉ là một cái chảo nóng sôi quyền lợi, mà bạn chọn len vào, rồi luôn mưu tìm một lối thoát khác bí mật cho mình.
- Thu nhập khổng lồ mà bạn có được, chỉ mô tả rõ rằng bạn đã và đang đào bới và đục khoét trong đất nước, bao gồm của cả những người già yếu và những đứa trẻ khốn khổ cùng tiếng nói với bạn, để bạn sớm rời bỏ họ ra đi.
- Trong một đất nước độc tài chuyên chế về ý thức chính trị, để có một vị trí cao hơn đồng bào mình, giàu có hơn đồng bào mình, chỉ có thể là lừa dối chính bản thân, lừa dối ngay cả hệ thống chính trị mà bạn đang thề phụng sự cho nó, và lừa dối luôn cả cha mẹ, vợ, con cái... bằng ngôn luận trơ trẽn phổ biến của loại sâu mọt : phấn đấu hy sinh cho đời sau.
- Khi bạn tìm thấy một đường dây mua quốc tịch mới giá cao như vậy, ắt là phải có mai mối hoặc tìm kiếm từ những đường dây bí mật nào đó, thì thào giữa các quan chức với nhau. Điều đó có nghĩa là không chỉ có riêng mình bạn là người cẩn thận chuẩn bị chọn một quốc tịch để lưu vong khi cần.
- Bạn chỉ là một kẻ vô danh trong số những người có thể mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD. Vậy còn những kẻ ở vị trí cao hơn, lừng danh hơn, thì tài sản và các quốc tịch sẽ như thế nào ?
- Bạn không phải là người đầu tiên trong hệ thống quan chức đầu tiên bị tìm thấy, đang giấu một chiếc phao cứu sinh trên chiếc tàu mục ruỗng, tức đã từ lâu bạn không còn một niềm tin nào vào hành trình của chiếc tàu đó. Vậy thì bạn và những người như bạn, vẫn ca hát nhảy múa trên chiếc tàu mục ruỗng đó, át cả những tiếng khóc oan trái, bất công, giữa tín ngưỡng bị chà đạp, nhân quyền bị bóp nghẹt... bạn là giống loài gì ?
Tham khảo :
Ngày 24/8/2020, tờ Al Jazeera có một bài viết đặc biệt, tiết lộ một đường dây mua các quốc tịch nước ngoài để phòng bị, nếu như có những biến cố và chính trị. Người bị tiết lộ là một quan chức cộng sản Việt Nam.
Bài viết có tựa đề "Việc Cyprus bán quốc tịch cho những cá nhân chính trị bị tiết lộ" (Cyprus sold passports to 'politically exposed persons').
Nội dung sự việc được tóm tắt như sau :
Một vụ rò rỉ lớn các tài liệu mật của chính phủ Cyprus do do phóng viên của Al Jazeera tìm thấy, có tên The Cyprus Papers tiết lộ rằng hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" từ Síp (Cyprus) từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019.
Trong số những người đã mua hộ chiếu, giá trị đầu tư tối thiểu 2,5 triệu đô la mỗi hộ chiếu,
Các quan chức này, được gọi ẩn danh là những người tiếp xúc chính trị (politically exposed persons - PEP), vốn bị các tổ chức điều tra quốc tế ghi chú là nhóm các cá nhân có nguy cơ tham nhũng cao hơn vì họ hoặc các thành viên trong gia đình của họ nắm giữ một số vị trí trong chính phủ.
Tiết lộ được đưa ra một ngày sau khi nhóm phóng viên điều tra của Al Jazeera tiết lộ rằng Cyprus đã bán hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án và những kẻ trốn chạy pháp luật.
Theo tiết lộ của loạt phóng sự đặc biệt này, thì tên tuổi hai quan chức bị tiết lộ đã mua hộ chiếu vàng là Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội của Việt Nam, và Igor Reva quốc tịch Nga, từng là Thứ trưởng Phát triển Kinh tế.
Các PEP như Phạm Phú Quốc, được tờ báo này đánh giá là một trong chuỗi các quan chức. thường nắm giữ những khoản tiền khổng lồ của người đóng thuế, quan chức chính sách cấp cao Laure Brillaud từ chống
Tổ chức Phi Chính phủ Minh bạch Quốc tế về tham nhũng nói với Al Jazeera.
Ông Laure Brillaud , Tổ chức Phi Chính phủ Minh bạch Quốc tế về tham nhũng nói với Al Jazeera : "những người như vậy có quyền truy cập vào các nguồn lực công, họ có thể lấy được các hợp đồng của chính phủ và có quyền đưa ra quyết định, do đó, rủi ro tài chính cao là họ đang tham nhũng hoặc lôi kéo người khác cùng tham nhũng".
-----------------
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 26/08/2020 (tuankhanh's blog)
*********************
Phạm Phú Quốc sẽ hạ cánh an toàn ?
Nguyệt Đình, VNTB, 26/08/2020
Ai sẽ là người rà soát lại những đảng viên có song tịch bằng các đầu tư để tránh vết nhơ đảng viên tìm chỗ hạ cánh an toàn sau khi đã vơ vét nặng túi ?
Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc sẽ hạ cánh an toàn nhờ có hộ chiếu Cyprus !
Mười hai giờ trưa ngày 25/8, báo SGGP đăng tin ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho biết về việc giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc có tên trong danh sách các chính trị gia "mua" hộ chiếu Châu Âu.
Tuy nhiên, ông Túy lưu ý báo chí "cần rất thận trọng khi xem xét thông tin từ các trang thông tin nước ngoài". Ông Tổng thư ký, Người phát ngôn của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng yêu cầu "báo chí xác minh cẩn trọng, bởi ngay cả trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cũng bị giả mạo".
Nói cách khác, những người làm công tác tổ chức nhà nước không muốn tin việc một Đại biểu quốc hội có song tịch là thật. Bởi nếu thật thì đó lại là một sai phạm lớn trong công tác quản lý các bộ trung ương. Gần mặt trời đến thế mà còn sai phạm thì huống gì là các cơ quan xa xôi hẻo lánh nơi mà các quan chức chính phủ không mấy thấy vi hành tận nơi.
Thế nhưng đến chiều cùng ngày thì chính ông Phạm Phú Quốc đã thú nhận việc ông có quốc tịch của Đảo Síp (Cyprus) là sự thật. Tuy nhiên ông không thừa nhận việc đã bỏ tiền ra mua quốc tịch của đảo quốc này với giá 2,15 triệu Euro mà là do gia đình bảo lãnh.
Lời thú nhận có quốc tịch thứ hai này của ông Phạm Phú Quốc có lẽ là một điều sỉ nhục cho những người làm công tác tổ chức cán bộ của Quốc hội và cả của đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vì đã không theo sát được việc thay đổi quốc tịch của một đảng viên cao cấp.
Và nếu không có trang tin nước ngoài như Al Jareeza phanh phui thì liệu ông Phạm Phú Quốc sẽ có công khai thông báo cho tổ chức ? Nếu không có trang tin nước ngoài này thì đến khi nào ông Trần Văn Túy và ông Nguyễn Hạnh Phúc mới được biết ông Phạm Phú Quốc đã có được quyển hộ chiếu màu đỏ bọc đô của EU trong tay ?
Ông Phạm Phú Quốc không phủ nhận việc có hai quốc tịch, tuy nhiên lại phủ nhận việc bỏ tiền ra mua quốc tịch thứ hai cho mình với giá 2,5 triệu đô la (2,15 triệu euro). Vậy có thật là bảo lãnh cho thân nhân và nhận quốc tịch Síp có thật dễ như ăn kẹo vậy hay không ?
Theo thông tin nhập cư vào Đảo Sip, có 4 cách để trở thành công dân Đảo Síp hợp pháp :
1. Nhập tịch dựa trên số năm cư trú. Người xin nhập tịch phải ở Đảo Síp 7 năm. Thời hạn chờ đợi xét duyệt và được cấp quốc tịch là 1-2 năm.
2. Kết hôn với một người Síp trong 3 năm và có 2 năm ở Đảo Síp. Nếu không có con chung và thời gian kết hôn chỉ tròn 3 năm thì phải giải trình vì sao có nguyện vọng xin quốc tịch Síp. Thời hạn chờ đợi xét duyệt và được cấp quốc tịch là 1-2 năm.
3. Người gốc Síp.
4. Chương trình đầu tư hay Hộ chiếu Vàng.
Để có được Hộ chiếu Vàng – Golden passport của đảo quốc này cần phải đầu tư 2 triệu euro vào bất động sản. Ngoài ra còn phải tự nguyện đóng góp 75.000 euro cho Quỹ Nghiên cứu và phát triển chính phủ và 75.000 euro cho Tổ chức Phát triển đất đai.
Bên cạnh đó người xin Hộ chiếu vàng phải mua cho bản thân một căn nhà trị giá 500.000 euro. Việc đầu tư phải được thực hiện trước khi nộp đơn xin quốc tịch.
Thời hạn để có được quốc tịch Síp trong chương trình đầu tư chỉ mất có 6,5 tháng.
Trở lại với thông tin về các mốc thời gian mà ông Phạm Phú Quốc trả lời cho Tuổi Trẻ Online thì sẽ thấy các vấn đề sau đây.
– Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.
Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.
Vợ và con gái ông đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch đại Đảo Síp năm 2017 và đến năm 2018 làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho ông Phạm Phú Quốc, đến giữa năm 2018 thì ông đã có quốc tịch Síp. Tổng cộng thời hạn chỉ trong vòng 1 năm.
Vợ con ông Quốc chắc chắn không có khả năng xin quốc tịch theo cách 1,2 và 3 vì không phải là người gốc Síp, không kết hôn với người Síp và cũng chẳng định cư ở đảo quốc nay trên 7 năm. Ngoài ra vợ con ông đã được cấp hộ chiếu trong thời gian là chưa đầy một năm. Vậy thì ai cũng có thể rút ra kết luận ở đây là vợ con ông Quốc đã "thực hiện các thủ tục xin quốc tịch đại đảo Cyprus" thông qua cách thức thứ 4, tức là Chương trình đầu tư hay Hộ chiếu Vàng
Khi trả lời câu hỏi "Vợ và con ông có quốc tịch Cyprus vào thời điểm nào ? Được biết để có quốc tịch Cyprus đòi hỏi phải có một khoản đầu tư khá lớn, hàng triệu USD ?" ông Quốc không phủ nhận việc vợ con ông mua quốc tịch, đồng thời gián tiếp cho biết vợ và con trai ông có tiền để làm điều đó vì họ "đều là những doanh nhân".
Ông Quốc cho biết đến "giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus", và "Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018".
Việc bảo lãnh cho ông Quốc sau khi vợ con ông có quốc tịch là hoàn toàn không có cơ sở. Để có được quốc tịch Síp thì ông Quốc phải sinh sống tại đảo quốc này ít nhất 2 năm, trong khi đó thì giữa năm 2018 ông Quốc đã có quốc tịch nước ngoài rồi.
Vậy thì lý giải sao cho việc ông Quốc có được quốc tịch nước này nhanh tới như vậy ?
Chương trình đầu tư có nêu rõ, người đầu tư sẽ được nhập tịch cùng với toàn bộ gia đình gồm người hôn phối, con cái dưới 28 tuổi và cả con cháu sau này. Bố mẹ của người đầu tư cũng sẽ được nhập tịch nếu có sở hữu bất động sản trị giá ít nhất 500.000 euro.
Xét theo các yêu cầu nhập tịch này thì :
1. Chính ông Quốc đã xác nhận gián tiếp vợ ông là người đầu tư, nên con gái ông là người ăn theo nhập tịch.
2. Nếu vợ ông là người đầu tư, thì ông không thể nhập tịch theo diện bảo lãnh như ông nói vì nếu bảo lãnh theo diện vợ chồng, ông không có đủ thời gian cư trú tại nước sở tại ; và ông lại càng không thể được nhập tịch ăn theo nhờ làm bố mẹ của người trực tiếp đầu tư.
Từ đây có thể kết luận là ông Phạm Phú Quốc chỉ nói đúng có một điều là "ông đã có quốc tịch thứ hai từ năm 2018".
Ông cũng nói đúng luôn là ông không mua quốc tịch với giá 2,5 triệu đô la mà là vợ con ông mua.
Trường hợp ông Phạm Phú Quốc nói đúng việc ông có được quốc tịch nhờ bảo lãnh của gia đình thì sẽ dẫn đến việc ông có được quốc tịch theo cách thức bất hợp pháp và cơ quan chức năng của đảo Síp có thể sẽ tiến hành cuôc điều tra đường dây này.
Ông Phạm Phú Quốc đã báo cáo với tổ chức đảng và cơ quan chủ quan nhưng liệu chỉ có báo cáo khi bị trang tin nước ngoài phanh phui làm cho mọi chuyện đổ bể ?
Cơ quan chủ quản, tổ chức đảng trực tiếp và ban tổ chức quốc hội sẽ xử vụ này ra sao ? Hay lại chỉ bãi nhiệm chức Đại biểu quốc hội của ông Phạm Phú Quốc như đã từng làm với bà Nguyệt Hường, người có quốc tịch Malta, trước đây và rồi mọi chuyện lại xí xoá cho qua ?
Ai sẽ là người rà soát lại những đảng viên có song tịch bằng các đầu tư để tránh vết nhơ đảng viên lại bỏ nước ra đi để tìm chỗ hạ cánh an toàn sau khi đã vơ vét nặng túi ?
Nguyệt Đình
Nguồn : VNTB, 26/08/2020
Tham khảo :
2. https://gk-lawfirm.com/publications/4-ways-to-get-cyprus-citizenship/
********************
Phân tích đầu tư làm Đại biểu quốc hội
Đỗ Thành Nhân, VNTB, 26/08/2020
Nếu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng cho đấu thầu "ghế" đại biểu quốc hội, thì các đại gia sẵn sàng bỏ ra nhiều lần con số 1,5 triệu USD mà bà Châu Thị Thu Nga đã khai.
Châu Thị Thu Nga xin "tiết lộ" 1,5 triệu USD "chạy" đại biểu Quốc hội, nhưng chủ tọa phiên tòa không cho phép.
Nhân sự kiện bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng để "chạy" Đại biểu quốc hội (Đại biểu quốc hội),cụ thể như thế nào thì pháp luật và công luận đánh giá. Tuy nhiên, có khả năng điều này sẽ là bí mật quốc gia, bởi vì tại công đường mà bị cáo vẫn không được trình bày (xem bài viết : Châu Thị Thu Nga xin "tiết lộ" 1,5 triệu USD "chạy" đại biểu Quốc hội).
Tác giả chuyên tư vấn đầu tư và đấu thầu dự án công với hàng trăm dự án lớn nhỏ trên cả nước, lợi thế vẫn dành cho "quan hệ" (Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ và… trí tuệ !). Không có quan hệ thì dùng "tiền tệ" mua "quan hệ" hoặc mua người có quan hệ. Khi đảng cho phép doanh nhân được tranh cử đại diện cho dân thì từ Hội đồng nhân dân cấp xã lên Quốc hội không ít đại gia cố gắng kiếm một ghế, mặc dù họ không có thời gian điều hành doanh nghiệp.
Bài viết dưới đây chỉ phân tích dưới góc độ đầu tư.
Thực tế không thể phủ nhận là đầu tư từ vốn ngân sách hay tài nguyên quốc gia là một miếng bánh mà không dễ ai cũng được chia phần. Theo quy định pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải có tình hình tài lành mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm và tham gia đấu thầu công khai. Nhưng thực trạng lại không như vậy ; nhiều gói thầu, dự án ngay từ giai đoạn đề xuất đầu tư đã xác định được doanh nghiệp thực hiện.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải "chạy" dự án.
Các ngã đường chạy dự án hiện nay vẫn tập trung vào hai hướng chính là "quan hệ" và "tiền tệ". Với doanh nghiệp, mục đích cuối cùng là hiệu quả đầu tư, dù cho "quan hệ" như thế nào đi nữa cũng được quy đổi thành tiền. Nếu đã có nền tảng "quan hệ" thì phần "tiền tệ" chi ra cũng giảm bớt, thậm chí bỏ một số khâu trung gian, rút ngắn thời gian "chạy", đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư tăng.
Không riêng gì ở Việt Nam, ngay cả những nước phát triển, những tập đoàn kinh tế cũng gián tiếp đưa người của họ tham gia vào bộ máy nhà nước để vận động, hoạch định chính sách có lợi cho một hoặc nhóm doanh nghiệp.
Không phải bây giờ, mà từ trước công nguyên đã có hình thức đầu tư "buôn quan", thậm chí là "buôn vua", mà nổi tiếng trong lịch sử là Lã Bất Vi làm tướng quốc nước Tần thời Chiến Quốc.
***
Trả lời câu hỏi : "Bà Châu Thị Thu Nga có nên đầu tư 30 tỷ đồng để chạy Đại biểu quốc hội không ?" ; trước hết cần phải xem đầu tư làm Đại biểu quốc hội để được gì ?
– Thứ nhất là "QUAN HỆ"
Trong cơ chế không minh định "tam quyền phân lập" thì Đại biểu quốc hội là "đồng nghiệp" với những người quyền lực nhất của cả 3 nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp từ trung ương xuống địa phương ; là "đồng chí" với các đảng viên từ ủy viên thường vụ của một huyện lên đến Trung ương Đảng.
Khi đã là Đại biểu quốc hội thì mặc nhiên quan hệ "đồng nghiệp, đồng chí" được thiết lập ; Quốc hội họp hai lần trong năm, mỗi lần khoảng một tháng để "Giám đốc, Đại biểu quốc hội" phát triển "quan hệ" ngày càng tốt đẹp.
– Thứ hai là "ĐẶC QUYỀN"
Theo Hiến pháp quy định thì Đại biểu quốc hội "có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước". ; "có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định".
Trong cơ chế quản lý nhà nước của cơ quan hành pháp chưa thể nói là thực sự minh bạch, liêm chính thì rõ ràng đây là một quyền rất lớn, nếu chỉ thuần túy là giám đốc doanh nghiệp thì không thể có được.
– Thứ ba là "ĐẶC LỢI"
Ngoài những tiêu chuẩn, chế độ quy định cho Đại biểu quốc hội, cái này không đáng kể. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp có "Giám đốc, Đại biểu quốc hội" sẽ được các cơ quan nhà nước đối xử trọng thị hơn ; sớm có được thông tin quy hoạch ; ít bị các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức o ép, thanh tra, kiểm tra ; mà ngược lại còn được ưu ái tạo điều kiện giúp đỡ sẽ dễ dàng loại được các đối thủ cạnh tranh.
***
Với ba yếu tố có được là "quan hệ, đặc quyền, đặc lợi", thì đầu tư 30 tỷ đồng nếu "chạy" được vào Đại biểu quốc hội là rất hiệu quả.
Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, phân bổ mỗi năm là 6 tỷ.
Với 6 tỷ/năm để chi phí cho cơ hội tìm kiếm dự án đối với một doanh nghiệp là không phải lớn. Chỉ cần mỗi năm "Giám đốc, Đại biểu quốc hội" biết khai thác các "quan hệ, đặc quyền, đặc lợi" để có được được một dự án khoảng 10 triệu USD (hơn 200 tỷ VND), với lợi nhuận khoảng 20% là đã dư sức thu hồi vốn rồi.
Nếu thuận lợi thì chỉ cần một dự án đầu tư hạ tầng (như : công trình giao thông, đô thị, khu công nghiệp, …) khoảng 500 tỷ đồng thì xem như đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
Do đó, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên hay bất ngờ khi bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng để "chạy" Đại biểu quốc hội với toan tính làm "Giám đốc, Đại biểu quốc hội" nhằm có được "quan hệ, đặc quyền, đặc lợi" trong cơ chế kinh tế thị trường nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Trường hợp đặc biệt : Có đại gia làm Chủ tịch Tập đoàn kinh tế lớn, bận rộn đến mức không có thời gian để … ăn ; vậy mà vẫn cố tham gia cuộc đua vào Quốc hội kể cả việc khai lý lịch không trung thực. Theo dõi cả nhiệm kỳ không hề thấy bất kỳ một phát ngôn nào của đại gia trên nghị trường. Tuy nhiên, với vai trò Đại biểu quốc hội, đại gia đã thiết lập được quan hệ với các đồng chí cấp trung ương, để sau đó có được dự án xẻ thịt một Sân golf hơn 62 ha tại trung tâm thành phố để phân lô bán nền kiếm lãi ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Rõ ràng, đầu tư quan hệ này là quá siêu lợi nhuận.
Kết luận : nếu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đảng cho đấu thầu "ghế" đại biểu quốc hội, thì các đại gia sẵn sàng bỏ ra nhiều lần con số 1,5 triệu USD mà bà Châu Thị Thu Nga đã khai.
Đỗ Thành Nhân
Nguồn : VNTB, 26/08/2020
***********************
Những ai mua ‘hộ chiếu vàng’ của Cyprus ?
BBC, 25/08/2020
Loạt phóng sự điều tra của hãng truyền thông Al Jazeera dựa trên tài liệu mật của chính phủ Cyprus (Đảo Síp) bị rò rỉ cho thấy đảo quốc này tạo điều kiện cho các chính khách nước ngoài 'dễ dính tham nhũng' mua quốc tịch EU.
Hộ chiếu Cyprus
Người có hộ chiếu Cyprus được phép đi lại, làm việc trên khắp EU và được miễn thị thực nhập cảnh tới 174 quốc gia.
Thông tin trong bộ hồ sơ có tên "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Cyprus) tiết lộ rằng hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" của Cyprus từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.
Những người muốn "mua hộ chiếu" được mô tả là phải đầu tư tối thiểu 2,5 triệu đô la (khoảng 57 tỉ VND).
Họ là chính khách hoặc nằm trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và cũng nhiều trường hợp mua hộ chiếu cho cả người nhà, theo Al Jazeera.
Trong 2.351 hồ sơ tham gia đầu tư vào chương trình này thì Nga là đông nhất (922), tiếp theo là Trung Quốc (482) và Ukraine (100) và các nước khác tại Trung Đông và Đông Nam Á.
Biểu đồ trong một bài của phóng sự của Al Jazeera cho thấy ít nhất 26 công dân Việt Nam tham gia vào chương trình đầu tư cho "hộ chiếu vàng" trong giai đoạn nói trên.
Chính khách và doanh nhân
Al Jazeera lập 100 hồ sơ từ hàng chục nước khác nhau và hiện mới nêu tên hai người từ Việt Nam là Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu quốc hội Tp HCM) và doanh nhân Phạm Nhật Vũ.
Hồ sơ cho thấy ông Phạm Phú Quốc được cấp quốc tịch Cyprus ngày 12/12/2018 và vợ ông cũng có quốc tịch Cyprus.
Ông Phạm Nhật Vũ, hiện đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG, có hộ chiếu Cyprus ngày 06/05/2019 và vợ ông cũng được cấp quốc tịch Cyprus.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ ngày 25/08 về việc này, Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc nói "Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình [vợ và con] bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD".
"Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.
"Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
"Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus", ông Quốc nói thêm.
Ông Phạm Phú Quốc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và từng là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp HCM, nói ông đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy được truyền thông trong nước dẫn lời nói Ban Công tác Đại biểu đang phối hợp với Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh xác minh thông tin xuất hiện trên một tờ báo nước ngoài về việc một đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài khác ngoài quốc tịch Việt Nam.
"Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định rõ về việc Đại biểu quốc hội không được có 2 quốc tịch. Luật cũ trước đây tuy không quy định nhưng tinh thần một Đại biểu quốc hội là không được có 2 quốc tịch", ông Trần Văn Túy nói.
Hồi năm 2016 một đại biểu quốc hội Việt Nam bị bãi nhiệm vì có thêm quốc tịch nước ngoài.
Nguồn : BBC, 25/28/020