Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/09/2020

Đôi điều về hai cái chết - 1

Phạm Đình Trọng

1. Cái chết của một con người

Nhà văn tỉnh lẻ ở Hội Văn nghệ Đồng Tháp, Đinh Thành Nam. Cuộc đời lận đận. Viết văn âm thầm. Nhà khoa học địa vật lí Nguyễn Thanh Giang. Lặng lẽ làm khoa học. Sắc sảo trong lí luận đấu tranh chống độc tài cộng sản.

caichet1

Nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang (trái) mất ở tuổi ngoài tám mươi và nhà văn âm thầm lao động chữ nghĩa Đinh Thành Nam (phải) mất ở tuổi ngoài bốn mươi, tôi đều có bài viết ngậm ngùi thương tiếc khi cuộc đời lại mất đi một người bình dị và lương thiện.

Nhưng ông Lê Khả Phiêu. Một ông tướng as ao quân đội cộng sản đã từng đứng đầu đảng cộng sản đương nắm chính quyền, đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước cộng sản, khi hết lộc Trời về hư vô ở tuổi vừa chớm chín mươi, tôi không thể viết được một chữ. Đến một chữ trên các báo cộng sản ca ngợi ông Phiêu, tôi cũng không đọc nổi.

caichet2

Ông Lê Khả Phiêu, một ông tướng ba sao quân đội cộng sản

Nhắc đến ông Phiêu, tôi chỉ nhớ đến những hải lí biển mang hồn thiêng cha ông người Việt ở vịnh Bắc Bộ, nhớ những kilomet đất rộng dài của lãnh thổ Việt Nam ở thác Bản Giốc, nhớ bức tường thành kì vĩ cổng nước của lịch sử Việt Nam ở Lạng Sơn đều đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc theo hiệp định phân định biên giới đất liền và lãnh hải mà ông Lê Công Phụng, một đồng hương Thanh Hóa với ông Phiêu, trưởng đoàn Việt Nam trong đàm phán biên giới, đã kí với Trung Quốc thời ông Phiêu đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền cũng là người đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước cộng sản.

caichet33

Cột mốc biên giới Việt Trung được phân định theo công ước Pháp Thanh năm 1895 - Ảnh minh họa

Nhắc đến ông Phiêu tôi lại nhớ đến hình ảnh những cột mốc biên giới Việt Trung được phân định theo công ước Pháp Thanh năm 1895, nay những cột mốc biên giới đó đã lùi sâu vào lãnh thổ Trung Hoa. Nhìn hình ảnh những khối đá, những khối bê tông cột mốc biên cương khắc chìm tên nước Việt Nam bằng chữ Nôm, chữ La Tinh được chôn sâu vào đất mẹ Việt Nam vạch đường ranh đất đai của tổ tiên người Việt từ cuối thế kỉ 19 đang bị đám người Hoa đào lên, khiêng đi phi tang, xóa dấu vết biên giới lịch sử Việt Trung, tim tôi lại thắt nghẹn, đau nhói và uất hận cái hiệp định biên giới Việt Trung kí ngày cuối cùng năm 1999 dâng mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu các thế hệ người Việt, dâng mảnh đất đang lưu giữ hàng chục ngàn, trăm ngàn hài cốt, mộ phần nhiều thế hệ người Việt cho Trung Quốc. 

Nhắc đến ông Phiêu, tôi chỉ nhớ đến ngôn ngữ võ biền, lính tẩy, nhỏ nhen hận thù, lên gân lập trường chuyên chính vô sản của ông Phiêu khi tiếp Tổng thống Mỹ hào hoa Bill Clinton. Trong khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton chìa bàn tay con người nhân loại ra với ông Phiêu thì ông Phiêu người đã gày còm, nhỏ quắt, đen đúa lại cứ khư khư bó mình trong con người giai cấp vô sản lạc lõng, cứ hậm hực cay cú không thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ý thức hệ, không thoát ra khỏi tầm nhìn người lính trận, chỉ thấy ta – địch, thắng - thua.

853349

Nhắc đến ông Phiêu tôi chỉ nhớ đến việc vừa có chức người đứng đầu đảng cộng sản, vừa nắm quyền lực tối cao trong nhà nước cộng sản, ông Phiêu liền mời văn nghệ sĩ đồng hương Thanh Hóa tụ họp để nhân lên niềm vui Thanh Hóa, nhân lên thời cơ Thanh Hóa. Tôi được nghe kể rằng trong tưng bừng festival thời cơ Thanh Hóa đó, có người hãnh diện hoan hỉ nói rằng mảnh đất Thanh Hóa đế vương duy nhất của Việt Nam có tới ba dòng họ làm vua, có tới ba làng quê Thanh Hóa phát vương. Vua Lê Lam Kinh phát tích từ đất Lam Sơn lưu vực sông Chu. Vua Nguyễn Gia Long phát tích từ đất Hà Trung phù sa sông Lèn. Vua Lê cộng sản phát tích từ đất Đông Sơn đồng bằng sông Mã.

Không biết có phải vì ông vua cộng sản đất Đông Sơn sông Mã không kìm nén được niềm sung sướng ngất ngây mà có cuộc gặp vua tôi Thanh Hóa ở kinh kì Hà Nội ? Còn người dân cả nước thì nhận được cú thất vọng ê chề đầu tiên. Đứng đầu đảng cộng sản, nắm quyền lực tối cao triều đình cộng sản, người dân tưởng ông Phiêu đã là người của cả nước, hóa ra ông Phiêu vẫn chỉ là người của cầu Bố, rừng Thông Thanh Hóa.

Ông cộng sản Lê Khả Phiêu vừa trở thành người đứng đầu triều đình cộng sản, lập tức giám đốc công an Thanh Hóa Hoàng Ngọc Nhất liền được lệnh điều động về triều đình làm Thứ trưởng bộ Công an và đồng hương Thanh Hóa Nguyễn Dy Niên lên Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Nếu năm 2001, ông Phiêu lại có được niềm sung sướng của năm 1997, giữ được chiếc ngai đảng trưởng thì ông Thứ trưởng bộ Công an Hoàng Ngọc Nhất lên Bộ trưởng Công an là điều đương nhiên.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Từ biệt người trở về với cát bụi phải là những lời tiễn biệt tốt đẹp. Người nắm quyền lực quốc gia, người lo hạnh phúc cho muôn nhà, lo giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, lo phồn vinh cho cả nước mà hiến đất, dâng biển của cha ông cho kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam. Mà tư duy chưa thoát khỏi con người công cụ, võ biền. Mà tình cảm cục bộ, nhỏ nhen, danh nghĩa con người của dân tộc của đất nước mà tình cảm chỉ quanh quẩn trong bờ tre, chòm xóm quê nhà, không biết đến quốc gia, không biết đến trăm họ Việt Nam. Làm sao có thể có lời tốt đẹp về con người vóc dáng quá nhỏ, công lênh quá nhẹ mà tội trạng quá lớn, quá nặng đó.

Lặng lẽ để mau quên đi một người có trọng trách với dân với nước mà làm hại nước, làm đau lòng dân. Lặng lẽ để mau quên đi một người có vai trò và thời cơ tô đậm thêm nét son lịch sử Việt Nam nhưng lại làm ô nhục lịch sử Việt Nam.

Phạm Đình Trọng

(01/09/2020) 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 588 times

2 comments

  • Comment Link Van Huy NGUYEN mercredi, 02 septembre 2020 06:03 posted by Van Huy NGUYEN

    Cảm ơn độc giả Hoàng Trường Sa đã chỉ ra sai sót về vị trí của hình Nguyễn Thanh Giang, chúng tôi đã điều chỉnh lại. Kính. NVH

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mercredi, 02 septembre 2020 00:43 posted by Hoàng Trường Sa

    Trong hình đầu có sự nhầm lẫn. Hình cố Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một người khá thân cận với Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, là hình phía bên trái (người có đeo kính). Còn ông Đinh Thành Nam (tôi không biết) là hình bên phải.

    Về vị trí các cột mốc lịch sử biên giới Việt Trung được phân định qua Công ước Pháp Thanh 1895, hiện nay đã lùi sâu vào lãnh thổ TQ, thì tác giả Phạm Đình Trọng đã nói rất đúng. Theo ông Trương Nhân Tuấn thì qua Hiệp định Phân định biên giới trên bộ năm 1999 giữa VN và TQ, phía TQ được LỢI khi đã lấn vào lãnh thổ (cũ) của VN hầu như trên toàn bộ đường biên giới (cũ), từ 1 tới 2 kilômét. Đường biên giới cũ dài khoảng 1500 km, tính trung bình TQ lấn vào VN khoảng 1.5 km trên mọi điểm, thì diện tích TQ chiếm được của VN là tính trung bình khoảng độ 1500x1.5 = (1500x3)/2 = 4500/2 = 2250 kilômét vuông!! Điều này vượt qua con số khoảng 1000 km2 ĐCSVN đã nhượng cho TQ trong thông tin trước đây do những người trong nội bộ ĐCSVN xì ra cho công luận VN.

    Ông Trần Công Trục rêu rao là ta đã phân định rất công bằng với TQ ở thác Bản Giốc dựa vào các cột mốc của biên giới Pháp Thanh đang TỒN TẠI khi hai bên cùng tham quan trên thực địa. Nhưng ông lại LỜ tịt việc phía TQ đã cho DỜI các cột mốc này tới vị trí khác như phía VN thời ông Lê Duẩn đã tố cáo. Nói dễ hiểu là TQ và VN đã thực hiện việc phân định lại biên giới dựa vào các cột mốc Pháp Thanh đã được TQ di dời vào sâu trong lãnh thổ VN hầu như ở khắp nơi, đặc biệt là tại những vị trí trọng yếu như ở thác Bản Giốc, ở Ải Nam Quan, ở núi Đất, v.v… Ban biên giới do hai ông Lê Công Phụng và Trần Công Trục làm Trưởng Ban đã không tranh đấu để giữ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó hai ông phải chịu trách nhiệm trước lịch sử là đã đồng lõa với các nhà lãnh đạo ĐCSVN, cụ thể là ông Lê Khả Phiêu, trong việc BÁN NƯỚC. Dù sao cũng phải thừa nhận là ông Lê Công Phụng đàng hoàng, thẳng thắn hơn khi tuyên bố là “VN ta xưa nay vẫn nói là thác Bản Giốc là của VN, phía TQ trước đây cũng chưa bao giờ nói rằng thác Bản Giốc là của họ”. Ngộ thật! Vậy mà đột nhiên nay có hơn nửa thác (chính xác hơn phải nói là 2 phần 3 thác), phần hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất, là của Tàu, chỉ để lại cho VN phần nhỏ nhoi, xấu xí! Than ôi!

    Sau khi ký kết Biên giới trên bộ năm 1999 và hoàn tất việc dựng các cột mốc mới, phía TQ đã cho người đi đào các cột mốc cũ đem về đặt vào khu bảo tàng kỹ niệm lịch sử của TQ để phi tang việc họ đã di dời trước đây đồng thời để phô trương thành tích thắng lợi LỚN mà đảng CS Trung Quốc đã mang về cho tổ quốc họ.

    Trên nguyên tắc, các cột mốc biên giới CŨ là tài sản chung của hai phía VN và TQ. Nên khi đào lên phải chia đều số cột mốc CŨ ra, mỗi bên được một nửa. Tuy nhiên, phía VN không muốn cho nhân dân và lịch sử VN nhìn thấy nỗi NHỤC bán nước này nên đã thỏa thuận cho phía TQ đem toàn bộ về bên Tàu. Luôn thể phi tang trong trí nhớ tập thể của dân tộc VN về hành vi BÁN NƯỚC này. Nhưng lịch sử luôn công bằng, khách quan và lạnh lùng, tàn nhẫn. Chắc chắn lịch sử VN sẽ không bỏ qua vụ BÁN NƯỚC này cho ĐCSVN.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)