Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2020

Biển Đông : Bắc Kinh ve vãn Việt Nam, đe dọa Mỹ-Nhật, Đài Loan bất chấp

Nhiều tác giả

Biển Đông : Trung Quốc muốn đàm phán với Việt Nam theo mô hình các hiệp định biên giới đã ký

Minh Anh, RFI, 28/08/2020

Nhân cuộc gặp với đồng nhiệm Việt Nam ngày 23/08/2020 để kỷ niệm 20 năm ký kết hiệp ước đường biên giới, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hối thúc Hà Nội đàm phán tranh chấp ở Biển Đông dựa theo mô hình các hiệp định biên giới đạt được trong quá khứ. Theo giới quan sát, Bắc Kinh hối thúc trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng gay gắt.

bd1

Một cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại cửa khẩu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, ngày 01/11/2014.  AFP - HOANG DINH NAM

Trong một thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị tuyên bố : "Chúng ta nên dựa trên thực tiễn thành công trong việc giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền để sớm giải quyết các tranh chấp trên biển… Hai nước có đủ khả năng và trí tuệ để tiếp tục các cuộc đàm phán về các vấn đề lãnh hải."

Trang mạng South China Morning Post (SCMP) ngày 24/08/2020 nhắc lại cuộc gặp giữa hai lãnh đạo ngoại giao của hai nước diễn ra hôm Chủ Nhật 23/08/2020 tại Đông Hưng, vùng biên giới Việt – Trung, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc để đánh dấu 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới (chính thức ký kết vào ngày 30/12/1999) và 10 năm thực hiện cắm mốc đường biên.

Nhân cơ hội này, ông Vương Nghị gợi nhắc với giới lãnh đạo Việt Nam những cuộc đàm phán thành công trong quá khứ giữa hai nước như Hiệp ước biên giới trên đất liền (30/12/1999) và việc hoàn thành phân giới, cắm mốc đường biên giới năm 2009 và Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ cũng như là Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ (ngày 25/12/2000). Theo truyền thông Việt Nam, với hai hiệp định trên, Việt Nam xem như đã "giải quyết dứt điểm 2 trong số 3 vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc".

Ông Vương Nghị cho rằng "Cả hai nước nên tập trung vào các nhu cầu hợp tác lâu dài giữa hai nước và tích cực khởi động các cuộc đối thoại để tìm ra một phương thức cơ bản và bền vững nhằm duy trì sự ổn định trên Biển Đông". Vẫn theo ngoại trưởng Trung Quốc, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh tế biên giới và ngành du lịch, cũng như thực thi các kế hoạch trong khuôn khổ dự án Một vành đai Một con đường.

Tại Biển Đông, Đài Loan cùng với nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều có đòi hỏi chủ quyền tại vùng lãnh hải được cho là giầu nguồn tài nguyên mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.

Căng thẳng với Washington, Bắc Kinh "ve vãn" Hà Nội ?

Thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục hối thúc các nước liên quan nhanh chóng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc dường như muốn gạt sang một bên hồ sơ tranh chấp ở Biển Đông để tập trung vào hợp tác kinh tế. Theo nhật báo Hồng Kông, những hoạt động ngoại giao này của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Tình hình Biển Đông trở nên nóng bỏng hơn khi Hoa Kỳ đột nhiên có một tuyên bố cứng rắn khi cho rằng những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Tuy không có lợi ích lãnh thổ tại vùng biển có tranh chấp này, nhưng Mỹ đã tăng cường triển khai các đội hàng không mẫu hạm và tầu chiến bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại ISEAS – Viện Yusof Ishak tại Singapore với SCMP, những tranh chấp liên quan đến những vùng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với những hiệp ước biên giới trên bộ được ông Vương Nghị đề cập đến.

Ông Lê Hồng Hiệp còn cho rằng Trung Quốc dường như đang tiến hành một cuộc "tấn công ve vãn" để giành lại các đối tác trong khu vực, hay chí ít cũng để ngăn ngừa những nước này ngả theo Mỹ chống Trung Quốc.

"Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong nỗ lực này của Trung Quốc do vị trí chiến lược quan trọng của Việt Nam. Việc nhắc nhở Hà Nội một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, là một thủ thuật thích hợp và có sức mạnh khi lưu ý rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nguồn nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất. Dù vậy, đối với Việt Nam, an ninhh mới là điều tối quan trọng".

Hơn nữa, theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ những năm qua đã có những tiến triển đáng kể, chủ yếu là do sự phù hợp về những lợi ích chiến lược giữa Hà Nội và Washington, nhất là về tình hình Biển Đông.

"Xét cho cùng, hợp tác với Hoa Kỳ có lợi cho cả an ninh quốc gia và chế độ Hà Nội. Đó là vì nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Mỹ có thể đưa Việt Nam vào một vị thế tốt hơn để chống lại sức ép từ Trung Quốc."

Bắc Kinh cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thời hạn ba năm được đề ra để kết thúc một bộ Quy tắc ứng xử cho tuyến hàng hải chiến lược này, nơi lưu thông ước tính đến 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế mỗi năm.

Từ hơn hai thập niên qua, Trung Quốc và nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán một bộ quy tắc về ứng xử (COC) nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mà Bắc Kinh đang gây áp lực để hoàn tất vào năm 2021. Kể từ khi Việt Nam đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối đầu năm 2020, các cuộc họp đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Trung Quốc gây áp lực để thúc đẩy tiến độ đàm phán COC còn do áp lực ngày càng lớn của Mỹ cũng như là những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước thành viên khối ASEAN – kể cả căng thẳng mới nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính (Vanguard Bank).

SCMP nhắc lại, đầu tháng 8/2020, Việt Nam mạnh mẽ phản đối Trung Quốc triển khai oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố có chủ quyền. Hà Nội cho rằng hành động quân sự này của Bắc Kinh là "vi phạm chủ quyền" và gây "tổn hại cho hòa bình".

Minh Quân

Nguồn : RFI, 28/08/2020

********************

Chiến hạm Mỹ tuần tra vùng biển Hoàng Sa vào lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật

Trọng Nghĩa, RFI, 28/08/2020

Hôm 27/08/2020, Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ ra thông cáo xác nhận là trong cùng một ngày, một khu trục hạm Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến hành một chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ngang qua vùng biển Hoàng Sa. Hoạt động này được tiến hành một hôm sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa ở Biển Đông,

bd2

Tàu chiến Mỹ USS Mustin (ảnh chụp ngày 11/10/2008)  AP - Heng Sinith

Trả lời báo mạng của Học Viện Hải Chiến Mỹ USNI, một phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ cho biết là chiếc khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) đã đi ngang qua vùng quần đảo Hoàng Sa nhằm "duy trì các quyền hạn, quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận, bằng cách thách thức các hạn chế bất hợp pháp đối với quyền quá cảnh vô hại do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt".

Riêng đối với Trung Quốc, nước hiện đang chiếm giữ Hoàng Sa, phát ngôn viên Mỹ khẳng định là chiến dịch bảo về quyền tự do hàng hải vừa thực hiện cũng nhằm "thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa".

Quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Việt Nam là nơi có ba bên tranh chấp chủ quyền là Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo này từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng rất nhiều cơ sở trên đó và đã tuyên bố chủ quyền trên một vùng rộng lớn chung quanh, buộc các chiến hạm nước khác phải thông báo trước khi muốn tiến vào.

Theo USNI, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa được tiến hành một hôm sau khi có tin là vào hôm 26/08, Quân Đội Trung Quốc đã bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm loại Đông Phong DF-26B và DF-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" xuống Biển Đông, vào một khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận từ ngày 24 đến 29/08 ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa, một hoạt động đã bị Mỹ cực lực lên án.

Trong thông cáo công bố hôm qua, 27/08/2020, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng cuộc tập trận của Quân Đội Trung Quốc nằm trong hàng loạt hoạt động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết ghi trong bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) năm 2002, và đặt ra nghi vấn về động cơ thực thụ của Bắc Kinh trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC).

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 28/08/2020

******************

Trung Quốc nói đã đuổi tàu Mỹ khỏi quần đảo Hoàng Sa sau khi Bắc Kinh phóng tên lửa

RFA, 28/08/2020

Quân đội Trung Quốc hôm 28/8 cho biết Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam đã điều máy bay và tàu chiến để xua đuổi tàu Mỹ khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

bd3

Tàu USS Mustin của Mỹ đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông hôm 27/8/2020 - DVIDS

Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 27/8 cho biết tàu chiến USS Mustin đã đi qua khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa nhằm: "thách thức đòi hỏi chủ quyền trên biển quá mức của Trung Quốc, và thực thi luật trên biển tại vùng nước quốc tế". Chuyến đi của tàu USS Mustin, theo thông báo cũng nhằm "khẳng định tuyến vận chuyển đường biển quan trọng này vẫn tự do và mở".

Người phát ngôn quân đội Trung Quốc Lý Hoa Dân (Li Huamin) hôm 28/8 nói : "Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước quanh đó, và quân đội Trung quốc luôn ở trong báo động cao để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ hoà bình và ổn định trong khu vực Biển Đông".

Tàu chiến Mỹ đi qua Hoang Sa vào lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều đang gia tăng các hoạt động quân sự tại vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Trong các ngày qua, Trung Quốc đã gần như đồng thời tiến hành những cuộc tập trận tại 4 vùng biển bao gồm Biển Đông, Hoàng Hải, Hoa Đông và Vịnh Bột Hải. Một động thái hiếm hoi theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế là nhằm để gửi tín hiệu rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng đương đầu với Mỹ và Đài Loan.

Hôm 26/8, Trung Quốc cũng tiến hành phóng tên lửa Đông Phong được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay ra Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 27/8 đã gọi vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là một trong các hành dồng của nước này nhằm làm mất ổn định hơn nữa tình hình trong khu vực Biển Đông, đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh là không quân sự hoá Biển Đông.

********************

Đài Loan khai trương trung tâm bảo dưỡng chiến đấu cơ F-16 đầu tiên

Thùy Dương, RFI, 28/08/2020

Ngày 28/08/2020, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khai trương trung tâm bảo dưỡng phi đội chiến đấu cơ F-16 với sự trợ giúp của Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đang gia tăng.

bd4

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong buổi khai trương trung tâm bảo dưỡng F-16, Đài Trung, Đài Loan ngày 28/08/2020.  AP - Chiang Ying-ying

Đây là trung tâm bảo dưỡng phi cơ chiến đấu đầu tiên tại Đài Loan, do nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin Corp của Mỹ và Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan (AIDC) điều hành.

Tại lễ khai trương ở Đài Trung, tổng thống Đài Loan tuyên bố sẽ bảo vệ hòn đảo với một lực lượng không quân "vững chắc". Bà Thái Anh Văn cho biết trung tâm này đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan trong suốt nhiều năm, cho phép rút ngắn đáng kể thời gian bảo trì máy bay, tăng cường khả năng sẵn sàng của phi đội F-16, bảo đảm sức chiến đấu của lực lượng không quân Đài Loan ở tiền tuyến.

Reuters dẫn lời chủ tịch AIDC cho biết tập đoàn có kế hoạch mở rộng một trung tâm bảo trì F-16 của Đài Loan thành trung tâm bảo trì F-16 của cả khu vực, nhưng không giải thích chi tiết. Năm 2019, Hoa Kỳ thông qua việc bán chiến đấu cơ F-16 trị giá 8 tỷ đô la cho Đài Loan. Với thỏa thuận này, phi đội F-16 của Đài Loan sẽ trở thành phi đội lớn nhất ở Châu Á, với hơn 200 chiếc.

Đài Loan cảnh báo rủi ro xung đột

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 27/08/2020, cảnh báo xung đột ngoài ý muốn có nguy cơ gia tăng do căng thẳng ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan, vì thế các kênh liên lạc phải được duy trì để giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm.

Phát biểu tại một diễn đàn do Viện Chính sách Chiến lược Úc tổ chức, bà Thái Anh Văn kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế phù hợp với nghĩa vụ của một cường quốc lớn trong khu vực.

Thùy Dương

*******************

Nhật quan ngại việc Trung Quốc phóng tên lửa ở Biển Đông

RFA, 27/08/2020

Chính phủ Nhật Bản ngày 27 tháng 8 lên tiếng cho rằng, hành động phóng tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông rất đáng lo ngại, làm ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung.

bd5

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. AFP

Hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại một cuộc họp báo rằng, Nhật Bản kịch liệt phản đối bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Các vấn đề xung quanh Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, một vấn đề về lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có đất nước Nhật Bản.

Theo South China Moring Post, sáng 26 tháng 8, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa vào Biển Đông, trong đó có một tên lửa "sát thủ tàu sân bay", đồng thời gửi lời cảnh báo tới Hoa Kỳ. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc cáo buộc một máy bay do thám U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay trong thời gian Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía bắc nước này.

Tư lệnh Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Scott D.Conn cho biết, ông đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc được cho là phóng tên lửa ra Biển Đông. Ông cho biết, lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Tình hình Biển Đông tiếp tục nóng lên khi quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận đồng thời ở nhiều khu vực khác nhau trên Biển Đông sau khi Mỹ đã ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông. Trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này và coi đây là những yêu sách phi pháp.

Tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật. Thời điểm diễn ra vụ bắn thử có nhiều tàu chiến của hải quân Mỹ trên Biển Đông nhưng không có tàu nào nằm gần khu vực mục tiêu của Trung Quốc.

Nguồn : RFA, 28/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Trọng Nghĩa, Thùy Dương, RFA tiếng Việt
Read 513 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)