Vụ 39 người di cư Việt Nam, bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chết trong một container xe tải ở Grays, hạt Essex, UK vào ngày 23/10/2019, lại được xới lên trên một số tờ báo lớn ở nước ngoài ngày 28/08/2020, khi Haulier Ronan Hughes, 40 tuổi, ở Tyholland, County Monaghan, Bắc Ireland, đã thừa nhận tội ngộ sát và âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp tại Old Bailey.
"Người Rơm" là những người sống lậu, không có giấy tờ, không có bất cứ một quyền lợi gì trên nước người, cuộc sống của họ không khác gì cọng rơm, cọng rạ.
Hughes được mô tả là "kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu người".
Ronan Hughes trở thành người đàn ông thứ hai nhận tội trong vụ án gây chấn động cả nước Anh và Việt Nam này. Đầu năm nay, Maurice Robinson, 25 tuổi, sống ở Craigavon, County Armagh, Bắc Ireland, người đã phát hiện ra các thi thể sau khi vận chuyển container từ Purfleet đến một điểm nhận được cho là ở Grays, đã nhận 39 tội ngộ sát và âm mưu hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.
Trong khi đó, Eamonn Harrison, 23 tuổi, ở Mayobridge, County Down, Bắc Ireland, người được cho là đã điều khiển xe tải đến cảng Zeebrugge của Bỉ trước khi nó lên đường đến Purfleet ở Anh, bác bỏ các cáo buộc. Ông Harrison phải đối mặt với phiên tòa xét xử dự kiến kéo dài 5 tuần bắt đầu từ ngày 5/10 cùng với 3 người khác, cũng đều phủ nhận các cáo buộc.
(Tổng hợp từ "Essex lorry deaths : Ronan Hughes admits manslaughter", BBC ; "Essex lorry deaths : Man pleads guilty to manslaughter of Vietnamese migrants", The Telegraph, "Irish truck driver pleads guilty over Vietnamese migrant deaths in U.K", CBC…).
Ở Việt Nam, một số người liên quan đến đường dây đưa người sang nước ngoài lao động bất hợp pháp này cũng đã bị bắt giam, xét xử :
"Khởi tố 7 bị can liên quan đến vụ 39 người Việt tử vong ở Anh" : Thanh Niên ; "Hà Tĩnh : Khởi tố bị can thứ 8 vụ 39 người chết trong container ở Anh", Lao động : "Xét xử người phụ nữ liên quan đến vụ 39 người chết trong container ở Anh", Người Lao Động…
Một lần nữa, cái chết bi thảm của những người Việt Nam chỉ vì muốn tìm đường mưu sinh, gửi tiền về nuôi gia đình, lại được khơi lại.
39 người Việt Nam, ở độ tuổi từ 15 đến 44, chết trên chiếc container đông lạnh, là sự cố làm lộ ra bề nổi của cả một tảng băng lớn. Đó là cả một đường dây đưa người sang nước khác làm việc bất hợp pháp qua rất nhiều cung đường khác nhau, trong đó có người Việt, hoạt động nhộn nhịp từ bao nhiêu năm nay. Và điều đáng nói là bất chấp cái chết của những con người xấu số, bất chấp một số kẻ dính líu đã bị bắt, bị tù, thị trường cung cầu này vẫn sẽ không dừng lại, chừng nào số người từ các quốc gia nghèo đói hoặc có chế độ độc tài, có chiến tranh bạo loạn… vẫn không ngừng đi tìm cơ hội công việc và cuộc sống tốt hơn ở nơi khác.
Riêng Việt Nam, từ sau biến cố 30/4/1975 và đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo cho đến nay, người Việt đã tìm đường ra đi bằng muôn vàn cách khác nhau.
Thống nhất chưa được bao lâu người dân đã ồ ạt vượt biên bằng đường biển, từ đó tự điển Việt Nam có thêm chữ "thuyền nhân", tiếng Anh có thêm chữ boat people. Sau này thì đi bằng đường gia đình bảo lãnh, kết hôn, du học rồi tìm đường ở lại... Đó là những người có ý định ở luôn. Còn số người chỉ đi tìm việc làm vì công việc ở nhà quá khó khăn, thu nhập không đủ sống thì đi theo con đường visa làm việc nếu có trình độ, kỹ năng, nếu không có trình độ thì đi "xuất khẩu lao động", đi làm gái (ở Thái, Singapore) hoặc đi chui bằng nhiều cách. Một trong những điểm đến được người đi chui ưa chuộng nhất ở Châu Âu là Anh, vì có cộng đồng người Việt nhiều nên dễ xin làm việc cho đồng bào, không cần phải biết tiếng, và vì "công nghiệp" làm nails và "trồng cỏ" (trồng cần sa) của người Việt ở đây kiếm tiền rất khá.
Người Việt đi chui vào Anh cũng có nhiều cách, sau đó tập kết tại những khu rừng quanh cảng Calais chờ cơ hội nhảy xe đi lậu gọi là "nhảy bãi", sau này các khu lán, lều tạm bợ này bị chính phủ Pháp dẹp bỏ. Trốn trong các container đông lạnh, thậm chí nằm trong hộp hành lý kín đặt phía trên nóc xe ô tô, báo Việt Nam cũng có đưa tin vụ này ("Phát hiện 3 người Việt trong hộp hành lý, kẻ buôn người bị bắt tại Anh", Người Lao Động, 1/3/2020).
Nếu thoát được thì bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn không có giấy tờ, không có bất cứ một quyền lợi gì trên nước người, tự điển Việt Nam lại có thêm một từ mới "người Rơm" để gọi những người sống lậu như vậy, nghĩa là ví thân phận họ chẳng khác gì cọng rơm, rạ.
Dù một đi không trở lại, hay đi làm một thời gian rồi trở về, người Việt Nam bình thường hoặc bắt đầu với hai bàn tay trắng hoặc cõng một số nợ lớn, và cuộc sống ở nước ngoài là cày vất vả để mưu sinh. Tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người Việt đi lao động xuất khẩu ở Đức, Tiệp, người Việt làm việc chui không giấy tờ ở Na Uy, Anh… Họ thường thuê chung một chỗ trọ với các đồng hương cho rẻ, sống chật hẹp, ăn uống giản tiện, cày mỗi ngày ít nhất 10 tiếng, về đến nhà chỉ kịp ăn và ngủ lấy sức để mai dậy đi cày tiếp. Không biết, không hưởng được bất cứ cái gì khác. Cày trả nợ, gửi về nuôi gia đình, con cái bố mẹ ở quê, năm bảy mười năm rồi về, hoặc tìm cách ở lại bằng con đường kết hôn thật hay giả.
Trong khi đó, các quan chức Việt Nam, tầng lớp tư bản "đỏ", sau khi đã hưởng mọi đặc quyền đặc lợi, ăn trên đầu trên cổ nhân dân cũng ra đi, nhưng thong dong nhẹ nhõm bằng con đường vung tiền ra mở cơ sở kinh doanh hoặc bỏ tiền ra mua quốc tịch nước ngoài. Câu chuyện ông Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, bỏ ra 2,5 triệu USD để mua "hộ chiếu vàng" Cyprus (Đảo Síp), vợ ông cũng có hộ chiếu Cyprus, chỉ là một "trường hợp bị lộ" mà thôi. Theo tài liệu mật trong loạt bài điều tra với tên gọi "The Cyprus Papers" (Hồ sơ đảo Cyprus) của Đài Al Jareeza (Qatar), Việt Nam có 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên.
Theo tài liệu mật trong loạt bài điều tra với tên gọi "The Cyprus Papers" (Hồ sơ đảo Cyprus) của Đài Al Jareeza (Qatar), Việt Nam có 26 cá nhân được "hộ chiếu vàng" đảo Síp".
Thời báo Kinh doanh đặt câu hỏi "Bao nhiêu tháng lương của ông Phạm Phú Quốc mới mua được hộ chiếu đảo Síp ?". Và trả lời : "Còn theo so với mức thu nhập bình quân khoảng trên 600 triệu đồng/năm (ước tính theo mức thu nhập 2 năm gần nhất 2018 và 2019) đối với một viên chức quản lý tại công ty Tân Thuận, phải mất tới 90 năm mới làm việc tại doanh nghiệp này thì ông Quốc mới có thể mua "hộ chiếu vàng" đảo Síp".
Còn bao nhiêu quan to quan nhỏ có thẻ xanh, hộ chiếu nước ngoài thủ sẵn nhưng vẫn tiếp tục tại vị, vơ vét cho tới khi về hưu thì bay sang nước ngoài sống ? Chắc chắn không nhỏ, chỉ là lâu lâu bị lộ như năm 2016 đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị báo chí phanh phui chuyện "có hai quốc tịch", một của Việt Nam, một của Malta, sau đó bà xin thôi đại biểu quốc hội v.v…
Riêng chuyện có nhà cửa, cơ sở kinh doanh ở nước ngoài thì vô số. Ngay ở Mỹ thôi, đám quan chức, tư bản "đỏ" Việt Nam sau này bỏ tiền ra những ngôi nhà đồ sộ, trả tiền ngay một lần, đến người bản xứ cũng choáng.
Có nghĩa là ở trong nước, họ đã ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, đến khi ra nước ngoài họ cũng lại sung sướng nhàn nhã nhờ số tiền tham nhũng, ăn cướp của nhân dân.
Song Chi
Nguồn : RFA, 29/08/2020 (songchi's blog)