Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/08/2020

Vài điều cần biết về leo thang căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp tại Địa Trung Hải

Anh Vũ

Sau nhiều tuần dấy lên căng thẳng ở Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây liên tục đua nhau tập trận. Hai nước tranh chấp nhau chủ quyền trên biển, nhưng cốt lõi vấn đề là tranh giành nguồn khí đốt hay đó còn là thách thức về mặt chiến lược liên quan đến tham vọng cường quốc khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ ?

hylap1

Tàu chiến Hy Lạp tập trận chung với hải quân Pháp ngày 13/08/2020 trên Địa Trung Hải  © Ảnh Reuters do Bộ Quốc Phìng Hy Lạp cung cấp

Các thông báo tập trận trên Địa Trung Hải được các bên thi nhau đưa ra. Một cuộc chiến tranh thực sự vẫn còn ở xa nhưng rõ ràng là giữa Athens và Ankara, leo thang căng thẳng đang tiếp diễn. Một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, từ hôm 27/08 đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, bao gồm cả tập bắn đạn thật trong hai ngày từ 01-02 tháng 9 ngoài khơi thành phố biển Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ và ở phía đông bắc đảo Cyprus.

Bên kia là , "Cyprus, Hy Lạp, Pháp và Ý đã thỏa thuận triển khai lực lượng chung ở phía đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ một sáng kiến hợp tác 4 bên (QUAD)", theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hy Lạp hôm 26/08. Cuộc tập trận này, với sự tham gia của 3 chiến đấu cơ Rafale, một tàu khu trục và một máy bay trực thăng của Pháp, đã kéo dài đến ngày 28/8.

Có thể nói từ rất lâu nay, chưa bao giờ người ta thấy các chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cùng lúc tập trung diễn tập như thế này trên Địa Trung Hải.

Ngoài ra lần này còn có sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ trong khuôn khổ các hoạt động của NATO, nhưng có vẻ như Hoa Kỳ đến giờ vẫn không muốn dính líu vào các căng thẳng này. Khu trục hạm USS Winston S. Churchill đã tiến hành diễn tập với hải quân Hy Lạp hôm 24/08 nhưng sau đó cũng làm tương tự với hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/08.

Những động thái quân sự như vậy được giới quan sát đặc biệt chú ý. Trả lời đài truyền hình France 24, ông Hugo Decis, chuyên gia về lực lượng hải quân của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IIS) khẳng định "đang có những biến động quân sự mật độ cao trên Địa Trung Hải. Đây là điều khá hiếm hoi … Trước chúng ta là những cường quốc quân sự đã quen với loại hoạt động triển khai quân như vậy, nhưng trong bối cảnh đang căng thẳng hiện nay, người ta khó có thể tránh được sự cố dẫn đến không kiềm chế được".

Năm 1996, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã suýt rơi vào chiến tranh chỉ vì tranh chấp hai hòn đảo không có người ở trên biển Egé. Từ nhiều thập kỷ nay, hai nước vẫn có các tranh chấp chủ quyền ở các vùng lãnh thổ của cả hai bên.

Nguồn khí đốt khổng lồ

Nhưng tranh chấp chính là nguồn tài nguyên khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Quyết tâm không bỏ qua nguồn năng lượg lớn này, từ nhiều tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm trong vùng biển Levantin đang có tranh chấp.

Hôm 10/08 vừa qua, Ankara điều tàu thăm dò địa chấn Oruç Reis có hộ tống của tàu hải quân vào phía nam đảo Kastellorizo. Sự việc được Athens ghi nhận như là một khiêu khích quá đáng và leo thang căng thẳng đã dấy lên từ đó.

Đảo Kastellorizo nằm cách bờ đông của phần lục địa Hy Lạp 500 km và chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ có 3 km. Nhưng theo Công ước Montego Bay ký năm 1982 hòn đảo này thuộc chủ quyền của Athens và nhờ vậy mà Hy Lạp có được một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn Công ước Montego Bay cũng như vẫn phản đối các hiệp ước quốc tế phân định biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Vùng biển Levantin, trải dài từ đảo Crète đến đảo Rhodes của Hy Lạp, có trữ lượng 5765 tỷ mét khối khí đốt, theo ước tính của Ủy ban địa chất Mỹ đưa ra năm 2010. Thế nhưng các vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tế "giam hãm Thổ Nhĩ Kỳ bên trong bờ biển của mình"tước đi của nước này mọi quyền tiếp cận các mỏ tiềm năng nằm giữa Hy Lạp và Chypre, như nhận định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Hồi tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận về ranh giới trên biển với chính phủ Libya nhằm vẽ lại ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế của hai bên và để tạo lý lẽ cho các yêu sách chủ quyền của mình. Đó cũng là cách để Ankara tự cho mình quyền mở rộng diện tích các vùng lãnh hải, nhưng đồng thời cũng là để cản trở dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt EastMed, kết quả của một thỏa thuận giữa Cyprus, Hy Lạp và Israel.

Để chống lại ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cũng đã ký hồi đầu tháng 8 vừa rồi một thỏa thuận tương tự với Ai Cập. Thỏa thuận này cho phép hai nước "tiến tới có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên sẵn có trong vùng đặc quyền kinh tế, nhất là về trữ lượng dầu khí", bộ trưởng ngoại giao Ai Cập cho biết.

Ý đồ địa chiến lược

Cũng giống như trường hợp của Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam, Philippines hay Malaysia nhằm khai thác và làm chủ các đảo ở Biển Đông, Thổ Nhĩ Kỳ cũng định dùng chính sách "việc đã rồi". Chỉ có điều hoàn cảnh ở Địa Trung Hải khác, vì đó là những nước láng giềng của Châu Âu có phương tiện để đáp trả, như đã thấy trong cuộc leo thang căng thẳng hiện nay.

Nhưng với tổng thống Recep Tayyip Erdogan, thách thức ở đây không chỉ là về chiến lược mà còn mang tính chính trị. "Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay vẫn phô trương mình là cường quốc đang trỗi dậy, một đất nước có khả năng đặt điều kiện cho các láng giềng, chuyên gia Hugo Decis nhấn mạnh. Đó là việc dàn dựng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng áp đặt các đối thủ phải thừa nhận mình".

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày càng thâu tóm toàn bộ quyền hành ở Thổ Nhĩ Kỳ và từ khi ông Kyriakos Mitsotakis lên làm thủ tướng Hy Lạp thì những bất hòa giữa hai nước lại càng không có cơ hội dịu xuống vì cả hai ông này đều sử dụng tinh thần dân tộc như một lá bài để chính phục cử tri. Một vài năm gần đây, vấn đề di dân càng làm mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp thêm xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên sử dụng Hy Lạp, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, để gây sức ép EU trong hỗ trợ tài chính đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ giữ người tị nạn trên đất của mình.

Một dấu hiệu cho thấy Ankara sẽ không từ bỏ cuộc đọ sức với Athens hay với các đồng minh của Hy Lạp. Hôm 27/08 Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Pháp gây thêm căng thẳng khi tỏ ủng hộ Athens bằng cách cho triển khai chiến đấu cơ tại Chypre. Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ lớn tiếng nhằm thẳng vào Paris "thời đại côn đồ đã qua. Các vị không có một cơ may nào đề đạt được bất kỳ điều gì từ chúng tôi với cách hành động như vậy". Về phần mình, Đức với vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, cố gắng làm trung gian hòa giải từ nhiều ngày qua, kêu gọi Athens và Ankara đối thoại.

(Theo Les Echos và France 24)

Anh Vũ (tóm lược)

Nguồn : RFI, 31/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 514 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)