Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/09/2020

Belarus và Bielorussia : Vì sao hai quốc hiệu cho một quốc gia ?

Trọng Thành

Quan hệ Nga - phương Tây căng thẳng với khủng hoảng chính trị bùng lên tại một nước Cộng hòa Liên Xô cũ, tháng 8/2020. Belarus hay Bielorussia, quốc gia bé nhỏ 9 triệu dân, đang trở thành tâm điểm thời sự. Khủng hoảng sẽ đi về đâu ? Trả lời câu hỏi vì sao quốc gia này cùng lúc mang hai quốc hiệu, mỗi quốc hiệu có ý nghĩa gì, có thể giúp soi tỏ phần nào bí ẩn bao trùm cuộc phản kháng xã hội vốn được coi là không ngả theo phương Tây, cũng không chống Nga.

belarus1

Belarus : Đối lập phản đối kết quả bầu cử, Minsk, 30/08/2020. Trong ảnh, người biểu tình kết chặt hai quốc kỳ Belarus, quốc kỳ hiện tại (phải) và quốc kỳ đầu tiên của Belarus độc lập Trắng-Đỏ-Trắng.  © Reuters

Cảnh giác với quốc hiệu "Bielorussia"

Tên gọi chính thức của nước này tại Liên Hiệp Quốc là "Cộng hòa Belarus", tuy nhiên, nhiều nước khác, trong đó có Pháp, Đức, Hà Lan, lại sử dụng tên gọi "Bielorussia" (hay Bạch Nga). Theo nhật báo Pháp Les Echos, trên truyền thông Pháp, hai từ Belarus và Bielorussia thường được sử dụng song song không phân biệt, và người dùng thường ít chú ý đến hàm nghĩa lịch sử của mỗi quốc hiệu.

Phát biểu trên kênh truyền thông Pháp ngữ Bỉ RTBL, ông Alexander Sjodin, làm việc cho tổ chức nhân quyền Civil Rights Defenders (Bảo vệ các quyền dân sự), chuyên theo dõi tình hình tại Belarus, cho biết trên thực tế, việc sử dụng quốc hiệu này hay quốc hiệu kia là một chủ đề chính trị rất nhạy cảm, "đối với nhiều người Belarus, sử dụng từ Bielorussia (hay Bạch Nga) cho thấy đất nước của họ không có gì khác hơn là một bộ phận phái sinh của nước Nga. Đối với những ai lo sợ ảnh hưởng Nga, và chủ quyền quốc gia, thì đây quả là một vấn đề chính trị hệ trọng".

Một số nơi tại Châu Âu đã có thay đổi. Vẫn theo chuyên gia Alexander Sjodin, chính quyền Thụy Điển hồi tháng 11/2019 thông báo thay thế tên gọi Vitryssland (tức Bielorussia) bằng Belarus. Ngoại trưởng Thụy Điển giải thích trên Twitter như sau : "Bộ Ngoại giao sẽ sử dụng từ Belarus thay cho Vitryssland (tức Bielorussia). Chúng tôi làm như vậy với mục tiêu ghi nhận lòng quyết tâm của nhân dân Belarus, của xã hội dân sự và của cộng đồng hải ngoại Belarus, mong muốn khẳng định bản sắc quốc gia, và chủ quyền đất nước".

"Ruth" : Nga – Belarus chung một cội rễ

Đã có nhiều cuộc tranh luận trong giới hàn lâm, từ lâu nay, về ý nghĩa của mỗi tên gọi. Trên thực tế, đằng sau các quốc hiệu nói trên là những thời kì lịch sử khác nhau, những cội nguồn xa xưa khác nhau của xã hội Belarus hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, về mặt từ nguyên, âm "rus", trong Belarus, không liên quan trực tiếp đến Nga, mà đến xứ sở Ruthenia xa xưa, vương quốc của các Nhà nước Slave phía đông, tồn tại trước thế kỷ 13, được coi là cái nôi chung của cả ba nền văn hóa Nga, Ukraina và Belarus.

Đài Pháp France Culture, trong bài "Belarus ou Bielorussia ? Une question très symbolique, un enjeu démocratique (Một vấn đề mang ý nghĩa biểu tượng, một đấu trường của cuộc chiến vì dân chủ", ngày 14/08/2020), đưa ra một cách giải thích về cội rễ xa xưa của quốc gia Belarus hiện đại :

"Tất cả bắt đầu với công quốc mang tên Polatsk (1), tức tên một thành phố ở miền đông Belarus hiện nay. Từ thế kỷ thứ X đến XIII, đây là Nhà nước đầu tiên của vùng đất Ruthenia Trắng – tên gọi xuất xứ từ việc vùng đất Ruthenia này đã không hề bị quân Tatar xâm chiếm, vì thế mà vẫn còn "nguyên vẹn’’ hay "trinh nguyên’’, trong tiếng địa phương gọi là "Belarus’’ (Bela = trinh trắng ; rus = xứ Ruthenia nói chung – được coi là tiền thân của các Nhà nước Đông Slave).

Năm 1387, người Belarus và người Litva thống nhất trong một Nhà nước chung, mang tên Đại Công Quốc Litva…. Lá cờ (ba màu trắng – đỏ - trắng) có thể đã ra đời vào giai đoạn này. Năm 1410, Belarus tham gia vào cuộc đại chiến Grünwald, chống lại các kị sĩ giáo đoàn Teuton (Thập tự chinh phương Bắc), cùng hàng ngũ với Đại công tước Litva, các vua Ba Lan và Galicia (tức xứ Ukraina sau này), cũng như liên minh tạm thời với quân Tatar Hãn Quốc Kim Trướng. Trong cuộc đọ sức này, kị sĩ giáo đoàn Teuton thất bại. Theo truyền thuyết, thi thể một kị sĩ anh hùng, người Belarus, đã được đặt trên một lá cờ hoàn toàn màu trắng, cờ của xứ Ruthenia Trắng. Khi thi thể được chuyển đi, một vệt máu dài còn lại. Đây là nguồn gốc của lá quốc kỳ Belarus (thời nước Cộng hòa Belarus đầu tiên năm 1918 và Cộng hòa Belarus giai đoạn 1991-1994, sau khi Liên Xô tan rã)".

Liên bang Ba Lan – Litva : giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Châu Âu

Liên minh với Litva là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành bản sắc Belarus thời cận đại. Thời hoàng kim của tiếng Belarus cận đại là vào thế kỉ XVI. Belarus từng là một trong những tiếng Châu Âu đầu tiên được dùng để dịch Kinh thánh. Người chuyển dịch là Francysk Skaryna. Bộ Kinh thánh Belarus in đầu tiên tại Praha, vào năm 1517-1519 (theo INALCO) (tức nhiều năm trước khi mục sư Luther dịch Kinh thánh sang tiếng Đức). Francysk Skaryna (sinh tại Potlatsk năm 1486 – mất năm 1541 tại Praha) thường được coi là người đặt nền móng cho nền văn học Belarus.

Tiếp theo thời kỳ Litva, xứ Belarus có mặt trong một liên minh mới : Liên bang Thịnh vượng chung giữa Vương quốc Ba Lan – và Đại công quốc Litva (còn gọi là Nước Cộng hòa của hai Dân Tộc), được coi là quốc gia rộng nhất, đông dân nhất Châu Âu cuối thế kỉ XVI – đầu XVII. Đại công quốc Litva và Vương quốc Ba Lan chính thức lập Liên bang vào năm 1569. Trên trang mạng của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michał Karapuda, giám đốc cơ quan văn hóa của thành phố Lublin, giới thiệu vài nét về ý nghĩa của Liên bang này trong lịch sử Châu Âu :

"Lublin là thành phố lớn nhất ở phía đông của Ba Lan, nằm sát rìa biên giới của Liên Hiệp Châu Âu, giáp với Ukraina. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1569, tại thành phố này, đã diễn ra lễ ký kết thành lập "liên minh Lublin’’. Lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu, hai quốc gia sáp nhập thành một Nhà nước thống nhất, mà không thông qua chiến tranh. Đó là "Liên bang thịnh vượng chung’’ của hai Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Litva… Điều quan trọng nhất là, cũng giống như Liên Hiệp Châu Âu hiện nay, đó là một xã hội mở cửa cho mọi tôn giáo khác nhau, dân tộc khác nhau. Và có một sự dấn thân mạnh mẽ, với niềm tin tưởng rằng hợp tác toàn diện như vậy là tốt hơn nhiều so với chiến tranh và xung đột". 

Liên bang Ba Lan – Litva, một giai đoạn lịch sử quan trọng, vốn ít được nhắc đến, đang thu hút nhiều hơn chính giới Châu Âu. Nhiều chuyên gia, chính trị gia cho rằng công cuộc xây dựng Châu Âu hiện nay có nhiều điều có thể học hỏi từ giai đoạn lịch sử đặc biệt này. Nghị sĩ Pháp Frédéric Petit nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử của Nước Cộng hòa hai Dân tộc, nơi nhiều dân tộc khác nhau, chung sống dưới một mái nhà trong hơn một thế kỷ, thường là trong hòa bình (bài "Que nous apprend la crise politique au sujet de la Bélarus et de l’Union européenne  ? (Cuộc khủng hoảng chính trị về chủ đề Belarus và Liên Hiệp Châu Âu cho chúng ta biết điều gì ?"), La revue géopolitique, ngày 19/08/2020).

Đế chế Nga và nước Bielorussia hiện đại

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng ngôn ngữ Belarus đương đại đã định hình trước khi xứ Belarus trở thành một bộ phận của đế chế Nga là điều mà một số chuyên gia phản bác. Trả lời đài Thụy Sĩ RTS, nhà nghiên cứu Pháp Virginie Symaniec, một chuyên gia về các vấn đề văn hóa và ngôn ngữ Belarus, khẳng định :

 "Vào thời điểm đó (đầu thế kỷ XIX), cái mà chúng ta gọi là nước Bielorussia không tồn tại. Tiếng Belarus như ngày nay chúng ta biết chưa hề tồn tại… Trên mảnh đất Bielorussia (hay Bạch Nga) hiện nay, có một chữ viết xưa (tiếng Ruthène), nhưng mang rất đậm dấu ấn Ba Lan, chứa đầy các từ ngữ Ba Lan, các cấu trúc Ba Lan, với các quy chiếu văn hóa Ba Lan.

Vào thời điểm những năm 1860 đến 1870, đã bắt đầu có một chính sách văn hóa, chính sách ngôn ngữ, cho dù không thật sự có hệ thống, có tính đàn áp hơn, đối với các khu vực ngoại vi của đế chế Nga. Theo tôi, chính quyền đế chế Nga muốn đẩy lùi các ảnh hưởng của văn hóa Ba Lan ở khu vực phía tây của đế chế. Vào thời điểm đó, người dân ở đây không nói tiếng Nga, cũng không nói tiếng Ba Lan, mà nói những thứ tiếng không được chuẩn hóa.

Vấn đề mà chính quyền đế chế Nga muốn là xây dựng tại khu vực này một bản sắc Nga lâu đời (russianité russe), tóm lại, gột bỏ những gì là Ba Lan. Cái mà người ta cấm, không phải là nói tiếng Belarus, thứ tiếng như chúng ta biết hiện nay, mà là cấm viết bằng ký tự Latinh. Cấm viết bằng chữ Latinh cũng có nghĩa là cấm viết chữ Ba Lan.

Tôi cho rằng, phải trở về điểm đó để hiểu được làm thế nào mà một bản sắc Bielorrusia đã được tạo lập. Bản sắc này vốn hoàn toàn không tồn tại ở khu vực này vào thời điểm đó. Người ta đã tạo dựng như thế nào tại khu vực này một bản sắc Bạch Nga, tức nền văn hóa nhiều chất Nga hơn chất Ba Lan ? Vào thời điểm đó, người ta nói rằng muốn xây dựng một bản sắc Nga thuần khiết. Tuy nhiên, trong đế chế Nga, có bản sắc Nga thực sự, bản sắc Nga cao quí, bản sắc Nga nằm ở trung tâm.

Tạo lập ra xứ sở Bạch Nga có nghĩa là gì ? Đó là tạo lập một thứ đẳng cấp, trong đó, trên đỉnh cao của kim tự tháp là bản sắc Nga vĩ đại, còn bên dưới (theo nhãn quan của thế kỷ XIX), đó sẽ là các bản sắc Nga nhỏ bé khác, Bạch Nga hay Nga Trắng,… Nga Đen, Nga Đỏ… tất cả đều thuộc bản sắc Nga, nhưng nằm ở bên dưới của thang bậc bản sắc Nga" (Chương trình giới thiệu về Biolorussia, Đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ RTS, ngày 24/06/2019).

Những lần "phục sinh" bị trấn áp 

Dù khẳng định tiếng Belarus hiện đại bắt nguồn trực tiếp từ tiếng Belarus thời xưa (thời Đại công quốc Litva và Liên bang Ba Lan – Litva), hay chỉ định hình khi Belarus bị sáp nhập vào đế chế Nga, những ai theo dõi lịch sử Belarus đều chú ý đến hai thời điểm đặc biệt, mà nhiều nhà quan sát gọi đó là hai cuộc "phục sinh" của Belarus. Lần phục sinh đầu tiên là vào năm 1918.

Trong nhiều thế kỉ, xứ Belarus nằm trong Đại Công Quốc Litva không có biểu tượng Nhà nước riêng. Phải đến khi đế chế Nga cáo chung, tên gọi Belarus mới lại hồi sinh, cùng với các biểu tượng gắn liền với nó. Ngày 25/03/1918, nước Cộng hòa Nhân Dân Belarus ra đời, với quốc kỳ màu trắng, đỏ, trắng, mang quốc huy "Pahonia" - biểu tượng lịch sử của Đại Công Quốc Litva - mà Belarus từng là một bộ phận. Nhà nước Belarus đầu tiên ra đời cùng với một Quốc Hội dân chủ. 

Tuy nhiên, giai đoạn độc lập này chỉ kéo dài ít tháng. Năm 1919, lực lượng Xô Viết chiếm Belarus. Staline cho thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Bielorussia. Bielorussia lại trở thành tên gọi chính thức quốc gia cho đến khi Liên Xô giải tán năm 1991.

Năm 1991 được coi là lần phục sinh thứ hai của dân tộc Belarus. Để đánh dấu sự độc lập của đất nước, cái tên Belarus được lấy lại, cùng với các biểu tượng : lá quốc kỳ Trắng – Đỏ - Trắng truyền thống, quốc huy Pahonia với hình ảnh người kỵ sĩ, và khẩu hiệu "Belarus bất diệt". Tuy nhiên, giai đoạn phục sinh thứ hai không kéo dài. Năm 1994, sau khi đắc cử tổng thống, Alexandre Loukachenko xóa bỏ hoàn toàn các biểu tượng Belarus truyền thống, ngoại trừ tên gọi Belarus. Tổng thống Loukachenko cho lấy lại quốc kỳ Đỏ - Xanh, gần giống với thời Liên Xô.

Belarus : Tiếng mẹ đẻ, quốc kỳ Trắng - Đỏ - Trắng và những duyên nợ lịch sử

Các cuộc biểu tình phản kháng tháng 8/2020 liệu có thể coi như một nỗ lực phục sinh lần nữa của bản sắc Belarus ? Việc lá quốc kỳ Trắng – Đỏ - Trắng truyền thống trở lại hiên ngang tung bay trên khắp các đường phố báo hiệu điều gì ?

Nếu nhìn vào thực trạng thống kê ngôn ngữ, khả năng trỗi dậy của bản sắc Belarus khó thành hiện thực. Người Belarus đang trở thành thiểu số về mặt ngôn ngữ trên chính quê hương mình. Trong một cuộc điều tra của chính phủ năm 2009, số lượng người nói tiếng Belarus ở nhà là khoảng 11,9 %, so với 36,7% trong cuộc điều tra đầu tiên năm 1999. Chỉ có 29,4% dân số biết nói, đọc, viết thành thạo ngôn ngữ này (điều tra 2009). Tỉ lệ này rất có thể còn tiếp tục sụt giảm trong 10 năm trở lại đây. Theo đánh giá của UNESCO, cập nhật năm 2016, tiếng Belarus (với khoảng 4 triệu người sử dụng tại Belarus và 5 quốc gia khác) được coi là tiếng nói "dễ tổn thương" (cấp độ nguy hiểm thứ 5 - bậc nguy hiểm thấp nhất trên thang bậc 5 điểm).

Tuy nhiên, điều nghịch lý và cũng rất đỗi kỳ lạ là, trong bối cảnh người sử dụng sụt giảm mạnh, đa số người Belarus (INALCO) dường như vẫn tiếp tục coi tiếng Belarus là tiếng nói mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ mang giá trị biểu tượng mạnh mẽ, cho phép họ duy trì những sợi dây liên lạc vững chắc với các thăng trầm xuyên thiên niên kỷ, để cắm trụ tại vùng đất nằm giữa vùng hai biển Hắc Hải và Baltic, vốn là nơi chung sống, hợp tác của nhiều nền văn hóa, nhiều sắc tộc. Cắm trụ, để tiếp tục cuộc hành trình.

Trong các cuộc biểu tình phản kháng độc tài hiện nay, các nhà quan sát ghi nhận một thái độ dường như phổ biến của người Belarus : không ngả theo phương Tây, cũng không chống Nga. Trên thực tế, sự trở lại của lá cờ Trắng – Đỏ - Trắng, cùng các biểu tượng quốc gia khác, đang khiến cho quốc hiệu Belarus lấy lại đầy đủ ý nghĩa lịch sử của mình. Một dấu hiệu cho thấy có thể đông đảo người dân xứ sở này không chấp nhận từ bỏ những duyên nợ lịch sử đã từng gắn bó họ với các quốc gia vùng Baltic (2). Khát vọng dân chủ, hòa hợp của Belarus cũng là khát vọng của Châu Âu. Nhưng Belarus hiện nay cũng là quốc gia song ngữ, khoảng ba phần tư người Belarus nói tiếng Nga tại gia đình. Một nước Belarus hội nhập với Châu Âu cũng có thể là một cơ may cho sự hòa hợp Nga – Châu Âu.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 02/09/2020

Ghi chú

1 - Năm 2012, chính quyền Belarus tổ chức kỉ niệm 1.150 năm ngày thành phố Polatsk xuất hiện trong sử sách, lãnh thổ của công quốc Polatsk gần tương đương với nước Belarus hiện nay, nên "Polatsk thường được coi như thủ đô đầu tiên của người Belarus" – thông tin của phái bộ thường trực của Cộng hòa Belarus tại UNESCO.

2 - Theo một số nhà quan sát, như chuyên gia về Belarus, nhà chính trị học Anna Zadora, lá cờ Trắng - Đỏ - Trắng trở thành biểu tượng quy tụ của phong trào đòi dân chủ không hẳn đã do đông đảo người biểu tình chia sẻ các giá trị lịch sử của lá cờ này, mà đơn giản vì đây là biểu tượng cho những tiếng nói phản kháng bị chà đạp (bài "Biélorussie : que représente le drapeau rouge et blanc exhibé par les manifestants à Minsk ?», Libération, ngày 17/08/2020).

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)