Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Zelensky kêu gọi quốc tế giám sát tình hình tại biên giới Ukraine-Belarus

Trọng Thành, RFI, 12/10/2022

Việc chính quyền Belarus quyết định một lập lực lượng chung với Nga mới đây gây nhiều lo ngại tại Ukraine. Hôm 11/10/2022, tổng thống Ukraine trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo G7 đã kêu gọi cử một phái đoàn quốc tế giám sát vùng biên giới với Belarus.

belarus1

Thủ tướng Đức (ngồi giữa bên trái) theo dõi phát biểu của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp trực tuyến các lãnh đạo G7, từ Berlin, ngày 11/10/2022. Reuters - BPA

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tố cáo Nga đang "trực tiếp lôi kéo Belarus vào cuộc chiến tranh này". Theo AFP, các nước G7 trong hội nghị trực tuyến hôm qua cũng lên án việc thành lập lực lượng chung Nga – Belarus là "một ví dụ mới nhất cho thấy sự đồng lõa" của chính quyền Minsk với Moskva, trong cuộc chiến tranh xâm lăng chống Ukraine. G7 kêu gọi chính quyền Minsk "ngừng cho phép các lực lượng Nga sử dụng lãnh thổ Belarus" để phục vụ cho các nỗ lực chiến tranh tại Ukraine.

Về phần mình, Belarus hôm qua bảo đảm là lực lượng vũ trang chung với Nga vừa được thành lập chỉ có mục tiêu duy nhất là tự vệ. Bộ trưởng quốc phòng Belarus, Victor Khrenine, ra một thông cáo nhấn mạnh là : các hoạt động quân sự được tiến hành hiện nay chỉ có mục tiêu duy nhất là đưa ra một phản ứng tương thích với các hoạt động quân sự bên kia biên giới.

Trọng Thành

*************************

Tổng thống Alexander Lukashenko có thực sự muốn Belarus tham chiến tại Ukraine ?

Anh Vũ, RFI, 12/10/2022

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Hai (10/10) thông báo đất nước ông sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của đồng minh Nga tại Ukraine. Một quyết định có hệ quả lớn cho một chế độ cho đến giờ vẫn cố giữ khoảng cách với cuộc chiến.

belarus2

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko (P) họp với các tướng lĩnh quân đội tại Minsk, ngày 10/10/2022. AP - Nikolai Petrov

Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko đã khẳng định hôm 10/10 rằng đất nước ông sẽ triển khai một nhóm quân "phối hợp" với Nga trong khuôn khổ cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine.

Nhà chính trị chuyên quyền, 68 tuổi lãnh đạo Belarus từ năm 1994, đã khẳng định sẵn sàng đón nhận trên lãnh thổ của nước mình nhiều đơn vị quân đồng minh Nga hơn nữa. Để biện minh cho hành động leo thang chiến tranh này, ông ta đã dẫn ra vụ nổ trên cây cầu Kerch nối Crimea với Nga và nói đến những mối đe dọa "khủng bố" giả định bắt nguồn từ Ba Lan và Litva.

Lukashenko, người đi dây thận trọng

Hiện mới chỉ là những lời đe dọa. Nhưng các thông tin cho thấy công ty đường sắt Belarus đang chờ đón những đoàn tàu quan trọng đến từ Nga và các trại huấn luyện quân sự ở Belarus đang chuẩn bị đón các binh sĩ Nga. Những chi tiết đó cho thấy "Alexander Lukashenko sẵn sàng chuyển từ lời nói sang hành động", Nadja Douglas, nhà nghiên cứu chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu của Berlin, nhấn mạnh.

Sự ủng hộ của Belarus tích cực hơn cho nỗ lực chiến tranh của Moskva khiến chuyên gia này bất ngờ. Từ khi quân đội Nga tiến vào Ukraine, Alexandre Loukchenko vẫn tỏ ra thận trọng, "luôn phủ nhận việc đất nước của ông tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh này", chuyên gia Nadja Douglas cho biết.

"Điều cho thấy Belarus không phải là nước trung lập đó là Alexander Lukashenko đi theo hướng của Vladimir Putin và cổ vũ quyết tâm tuyên chiến của Putin. Khẩu khí chống phương Tây của ông ta cũng góp phần làm tăng thêm các căng thẳng", bà Ekaterina Pierson – Lyzhina, chuyên gia về Belarus thuộc Đại học Bruxelles nhận định. 

Khởi đầu cuộc xâm lăng của Nga, Belarus đã được dùng làm hậu cứ cho đợt tấn công đầu tiên vào Kiev. Đã có nhiều đạn pháo và tên lửa Nga bắn từ Belarus vào lãnh thổ Ukraine, bà Ekaterina Pierson-Lyzhina lưu ý.

Nhưng song song đó, ông ta cũng cố chứng tỏ như là đồng minh có lý trí của Nga và là một người có thể đối thoại của phương Tây. Alexandre Loukchenko đã từng muốn thể hiện như một "con người hòa bình".

Vốn có tiếng là người đi dây trong ngoại giao, ông ta lặp lại tuyên truyền của Moskva, theo đó hành động của Nga là chỉ để đáp trả những khiêu khích của Ukraine và phương Tây. Hồi tháng 5, ông quả quyết rằng "tất cả đã diễn ra không dự tính". Thậm chí Alexander Lukashenko còn "phạm thượng khi quân" với Vladimir Putin khi sử dụng từ "chiến tranh" trong khi Moskva vẫn khăng khăng gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Theo phân tích của chuyên gia Ekaterina Pierson-Lyzhina thì đó là thái độ phù hợp với "phong cách ngoại giao của Alexander Lukashenko, ông ta cố chứng tỏ ít nhiều cũng có tự chủ đối với Moskva".

Người Belarus chống chiến tranh

Đầu tháng 9, lãnh đạo chế độ Minsk thậm chí đã thông báo một bộ luật ân xá liên quan đến nhiều tù chính trị. Đây là hành động chìa tay ra với phương Tây, bởi việc thả tù chính trị là một trong nhưng đòi hỏi của phương Tây như là điều kiện trong trường hợp nếu hủy bỏ các trừng phạt đối với Belarus do bị cho là dính líu đến cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, như giải thích của nhà báo Belarus Igor Ilyash trong một bài viết đăng trên trang mạng Worldcrunch.

Nhưng điều chủ yếu là "Alexander Lukashenko không muốn đưa quân vào Ukraine bởi vì ông ta biết rằng đại đa số người dân Belarus phản đối việc đất nước của họ nhảy vào cuộc chiến tranh", nhà chính trị Nadja Douglas giải thích.

Chính quyền Belarus đã cố sức trấn áp mạnh tay phong trào phản kháng sau khi Alexander Lukashenko tái đắc cử tổng thống năm 2020 trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Ông Lukashenko không hề muốn lại bị vướng vào các cuộc biểu tình phản kháng mới.

Khái độ do dự của ông ta không chỉ liên quan đến dư luận chống đối của dân chúng. " Sự trung thành của quân đội cũng rất tương đối. Tổng thống Belarus chủ yếu dựa vào lực lượng an ninh nội địa, không quan tâm đến các đơn vị quân đội bảo vệ biên giới. Ông ta không thể trông cậy vào các binh sĩ không phải là những người có động cơ" tích cực bảo vệ ông, chuyên gia Nadja Douglas phân tích.

Tuy nhiên, Alexander Lukashenko dường như sẵn sàng bất chấp tất cả những lý do khiến ông phải giữ khoảng cách. Tại sao ông ta lại trở nên hiếu chiến như vậy ? Có thể là bởi "sức ép của Nga đã trở nên quá lớn", theo chuyên gia Ekaterina Pierson-Lyzhina.

Minsk sợ rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra về Liên minh Nga và Belarus - xích lại gần nhau về chính trị nhằm thiết lập một thực thể siêu quốc gia theo kiểu Liên hiệp giữa hai quốc gia- sẽ dẫn đến "thống nhất hai nước dưới sự kiểm soát của Moskva. Chính quyền Belarus bắt đầu lo sợ không chỉ cho quyền tự trị của mình mà còn cho chủ quyền của đất nước", nhà nghiên cứu Nadja Douglas nhận định. 

Vụ nổ trên cầu Kerch đã có thể được dùng như là nhân tố kích hoạt. Minsk có thể sử dụng vụ việc như một cái cớ với diễn giải vụ việc là Ukraine đã tấn công đất Nga. Theo nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong Liên minh Nga – Belarus, thì Belarus phải tham gia vào cuộc xung đột.

Moskva được lợi gì ?

Với Moskva, việc Belarus can dự sâu vào trong cuộc chiến tranh của họ ở Ukraine trước tiên có tầm quan trọng biểu tượng : Nó làm cho Vladimir Putin phần nào thoát khỏi thế lẻ loi trước một Ukraine được toàn thể các nước NATO hậu thuẫn.

Nhưng đồng thời việc đó cũng giúp tổng thống Nga củng cố sự chi phối đối với người láng giềng, chuyên gia Nadja Douglas ghi nhận. Nếu như Alexander Lukashenko thực sự đưa quân sang Ukraine, ông ta sẽ rất khó lấy lại được bài ngoại giao vốn là xử khéo với cả phương Tây và Nga cùng lúc. Nhưng "đó là cách để Moskva gia cố lòng trung thành của chính quyền Belarus", Nadja Douglas khẳng định.

Sự đóng góp quân sự tuy nhiên lại là vấn đề đáng tranh luận. Quân đội Belarus có khoảng 40 nghìn lính "được trang bị không mấy hiện đại và không hề có kinh nghiệm trận mạc thực tế", theo chuyên gia Douglas. Hiện nay vấn đề đặt ra là tập trung 10 nghìn quân ở biên giới với Ukraine, "điều này sẽ không có tác động nhiều trước các đội quân Ukraine được trang bị và huấn luyện tốt hơn". 

Moskva không trông đợi Belarus động viên quân dự bị. "Alexander Lukashenko sẽ không bao giờ đặt vũ khí vào tay dân, những người có thể sẽ quay lại chống chính ông ta" Ekaterina Pierson Lyzhina khẳng định. Theo chuyên gia này, cam kết gia tăng của Belarus trên con đường chiến tranh "gây ra bất an ở phía bắc cho Kiev". Nhìn từ Moskva, vấn đề chính là lợi ích chiến lược. Cho dù không có gì ấn tượng lắm, quân đội Belarus vẫn tồn tại và có thể ngăn cản Ukraine dồn toàn bộ lực lượng lên mặt trận vùng miền nam và Donbass.

Các chuyên gia cũng nhận thấy đây cũng là một rủi ro chính trị rất lớn cho Alexander Lukashenko. Sự chi phối của ông với đối với đất nước chắc chắn đủ mạnh để có thể chính thức tham chiến mà không làm bùng lên một phong trào nổi dậy mới ỏ trong nước, nhưng "nếu các quan tài binh sĩ tử trận ở Ukraine được đưa trở về Belarus, thì tình hình sẽ trở nên không lường trước được với chế độ", chuyên gia Ekaterina Pierson Lyzhina khẳng định. 

(Theo france24.com)

Published in Quốc tế

Tổng thống Belarus Lukashenko "khó xử" vì chiến tranh Ukraine

Lệnh động viên "một phần" quân dự bị của Nga vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp quan tâm hôm 28/09/2022. 

belarus1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) bắt tay người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc gặp tại Sochi (Nga) ngày 26/9/2022 via Reuters - Sputnik

Nhật báo Le Monde có bài viết nói về việc tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 26/09 đã tìm cách khuyên nhủ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin rằng "hãy để 30.000, 50.000 người này ra đi. Vì nếu họ ở lại, họ cũng có ủng hộ chúng ta hay không ? " Nguyên thủ Belarus nói về những nam thanh niên Nga chạy trốn khỏi đất nước sau khi tổng thống Putin loan báo lệnh động viên "một phần" lực lượng dự bị của Nga. Ông Putin đã tiếp ông Lukashenko tại tư dinh của mình ở Sochi trong bối cảnh Nga sắp sáp nhập các lãnh thổ ở miền đông và miền nam Ukraine. 

Tuy nhiên, leo thang quân sự ở Ukraine hoàn toàn không nằm trong tính toán của Minsk. Trong hai tháng qua, ông Lukashenko khá kín tiếng trên trường quốc tế, nhưng giờ đây, ông đang khá lo lắng khi sắp đến thời điểm ông phải tỏ rõ, bằng hành động, tình đoàn kết của mình với điện Kremlin. 

Được một nhà báo truyền hình Belarus hỏi về chủ đề này hôm 23/09, hai ngày sau khi ông Vladimir Putin thông báo về việc động viên một phần lực lượng Nga, ông Lukashenko đã trả lời thẳng thừng : "Chúng ta không chuẩn bị bất kỳ cuộc động viên nào, tất cả chỉ là nói dối. Chúng ta sẽ chỉ chiến đấu nếu chúng ta phải bảo vệ nhà cửa, lãnh thổ của mình".

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, lập trường của Belarus khá giống lập trường của điện Kremlin. Vào đầu tháng Hai, Alexander Lukashenko từng dự đoán : "Ukraine sẽ không bao giờ chống lại chúng ta, cuộc chiến này sẽ kéo dài tối đa 3 hoặc 4 ngày. Sẽ không có ai đối đầu với chúng ta".  Nhưng trên hết, vào ngày 27/02, ông đã sửa đổi Hiến pháp Belarus, với hai thay đổi lớn : bãi bỏ quy chế của một quốc gia trung lập và cho phép triển khai kho vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ của mình. 

Thực ra, ông Lukashenko nằm trong tay ông Putin, nhưng ông ấy vẫn tìm cách tránh phải huy động lực lượng. Tatsiana Koulakevitch, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Nam Florida phân tích : Việc ông lưỡng lự trong việc điều động binh lính Belarus sang Ukraine phản ánh mong muốn duy trì sự cai trị của mình, vốn đã kéo dài 28 năm. Lập luận của ông vẫn không thay đổi : Belarus đã chịu nhiều thiệt hại trong Chiến tranh thế giới thứ II và đất nước ông phải là đất nước bảo vệ hòa bình.  

Người dân Belarus dường như có cùng quan điểm với ông : 70% người dân không ủng hộ việc quân đội của họ tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, theo một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn Chatham House của Anh thực hiện vào tháng 8. Tatsiana Kulakevich nói thêm rằng sau khi đã nhượng một phần lớn kho vũ khí đạn dược của mình cho Nga, ông Lukashenko có thể lập luận rằng quân đội của ông không được trang bị đủ phương tiện để thực hiện một cuộc tấn công vào Ukraine. 

Không có binh sĩ Belarus nào trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược của Nga, trong khi những người chống đối chế độ Lukashenko đã thành lập hai trung đoàn. Có hơn một nghìn binh sĩ thực sự đang chiến đấu cùng lực lượng vũ trang Ukraine chống lại Nga. Các kháng chiến quân ở Belarus cũng đã thực hiện hàng chục vụ phá hoại nhắm vào bộ máy hậu cần của Nga, đặc biệt là các tuyến đường sắt. 

Về phần mình, nhà khoa học chính trị và nhà bất đồng chính kiến người Belarus Pavel Oussov giải thích : "Chúng ta phải theo dõi phản ứng của ông Lukashenko sau khi Nga công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý giả mạo ở Ukraine và trên thực tế sẽ sáp nhập những vùng này". Theo ông Oussov, tổng thống Lukashenko và các cố vấn của ông hiểu rằng ông Putin đã để thua cuộc chiến. "Thất bại ở Kharkiv và cuộc phản công ở Kherson đã làm tình hình trở nên rõ ràng" ông Oussov nhấn mạnh. "Ông Lukashenko chắc chắn sẽ không muốn "ăn đời ở kiếp" với kẻ bại trận. Ông thấy rõ rằng các cuộc trưng cầu dân ý gian lận và việc động viên một phần lực lượng ở Nga chỉ là phương tiện để Putin câu giờ".

Chiến tranh ở Ukraine "làm sống lại" các cuộc tranh luận về khả năng răn đe hạt nhân 

Vẫn theo Le Monde, một tuần sau thông báo của Vladimir Putin về việc "động viên một phần lực lượng" và việc ông sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện" để "bảo vệ nước Nga", "trong trường hợp có mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ", một số nhà phân tích tỏ ra lo ngại rằng "đây không phải là một trò bịp". 

Sự mập mờ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân được Moskva cố tình duy trì kể từ đầu cuộc chiến, và các chuyên gia cho rằng ông Putin có thể nghĩ đến việc sử dụng cái gọi là vũ khí hạt nhân "chiến thuật", với tầm bắn dưới 500 km. Ngược lại, vũ khí "chiến lược" thường được định nghĩa có tầm bắn "xuyên lục địa". 

Không phải tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân đều có vũ khí hạt nhân chiến thuật. Pháp đã không còn phát triển loại vũ khí này vào những năm 1990. Dữ liệu về Trung Quốc không tiết lộ liệu nước này có sở hữu chúng hay không. 

Dường như giờ đây chỉ có 2 nước sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật là Nga và Hoa Kỳ. Theo dữ liệu chính thức, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga bao gồm các vũ khí trên không, trên bộ và ngoài biển. Vũ khí được nhắc đến nhiều nhất là các bệ phóng Iskander-M, mà Moskva gắn khoảng 70 đầu đạn hạt nhân. Một số Iskander-M đã được bố trí ở miền đông Ukraine, Belarus, cũng như vùng Kaliningrad của Nga. Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung này của Nga có thể mang đầu đạn hạt nhân. 

Tuy nhiên, bất chấp sức công phá của những đầu đạn này, thiệt hại có thể được giới hạn trong một bán kính hạn chế, tùy theo kích thước của thành phố bị tấn công. Vũ khí chiến thuật có sức công phá khoảng vài chục kiloton, so với vài trăm kiloton đối với vũ khí chiến lược. Quả bom thả xuống Hiroshima năm 1945 có sức công phá 14 kiloton, do đó ngày nay, nó sẽ được xếp vào loại vũ khí chiến thuật. 

Nga "hợp thức hóa sự có mặt của mình" ở Ukraine 

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phóng sự về việc Nga sử dụng những "mánh khóe" khác ngoài vũ lực, nhằm "hợp thức hóa sự có mặt của mình" ở những vùng họ chiếm đóng ở Ukraine. 

Yuri khi nhìn thấy đặc phái viên Le Figaro, ông nở nụ cười tươi, dang rộng vòng tay như chào đón những người thân sau một thời gian dài vắng bóng. Ông chỉ vào ngôi nhà bị tàn phá của mình ở rìa làng Kozacha Lopan, rất gần biên giới Nga. Quá yếu để đi đến trung tâm thành phố, người đàn ông này sống sót nhờ vài hộp đồ ăn còn trong nhà. Những người hàng xóm của ông đã rời đến Kharkiv, hoặc đến Nga, theo chân những người lính Nga khi họ bị đẩy lùi bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của quân đội Ukraine vào 2 tuần trước. 

Yuri kể rằng vợ ông đã bị thương sau những trận oanh kích và lính Nga đã đưa bà ấy đến bệnh viện ở Belgorod, bên Nga. Yuri chắc chắn rằng Nga đã cứu sống được bà mặc dù ông không có tin tức gì về vợ mình và không có cách nào để liên lạc với bà ấy. Ông nước mắt chảy dài nói tiếp : "Xin hãy giúp tôi tìm bà ấy, tôi phải liên lạc với ai bây giờ ?" 

Yuri nhấn mạnh rằng chính những người Ukraine đã phá hủy ngôi nhà của ông, làm vợ ông bị thương, hủy hoại cả cuộc đời ông. Các người lính Nga đã nói với ông rằng chính phủ Ukraine của ông đang muốn phá hủy ngôi nhà và xưởng nhỏ của ông. Yuri, giống như bao cư dân khác của vùng biên giới Kharkiv đã sang Ukraine đi học khi ông vẫn còn là một thanh thiếu niên và kể từ đó, ông không rời Ukraine nữa. Nhưng chỉ mất vài tháng để Moskva biến nỗi đau mất nhà và bà vợ bặt vô âm tín của ông thành lòng hận thù đối với Ukraine. 

Thổ Nhĩ Kỳ - nơi trú ẩn an toàn với thanh niên Nga trốn lính 

Nhật báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ, bến đỗ an toàn với những nam thanh niên Nga trốn lính. 

Hôm 23/09, Albert rời Moskva, với hai chiếc áo sơ mi và hai chiếc quần bò nhét trong ba lô. Albert kể : "Khi tôi nghe về các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập các vùng thuộc lãnh thổ Ukraine, tôi hiểu rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ rằng còn vài ngày để chuẩn bị, nhưng khi Putin tuyên bố động viên một phần lực lượng vào sáng ngày 21/09, tôi đã lập tức mua vé". 

Cùng với một số bạn bè, anh từng tìm cách vận động một phong trào sinh viên phản đối chiến tranh ở Saint-Petersburg. Bị bắt cùng các bạn vào ngày 27/02, anh đã qua đêm trong phòng giam và bị phạt 100 euro. Anh vẫn tiếp tục kiên trì tham gia vào các cuộc biểu tình. Nhưng đến tháng 4, khi đang trên đường đi biểu tình, anh lại bị bắt và lần này anh bị giam giữ nhiều ngày. 

Albert không một chút do dự khi lên kế hoạch chạy trốn ra nước ngoài. Nhưng anh thực sự không tin mình có thể trốn thoát. Albert thuật : "Tôi tin chắc rằng cảnh sát sẽ phát cho tôi lệnh điều động tại sân bay. Tôi đã sẵn sàng tâm lý để phản kháng, tôi thà vào tù còn hơn là ra chiến trường. Bởi ra chiến trường đồng nghĩa với việc trở thành một kẻ giết người, hoặc là bị giết"."

Hải quan cuối cùng đã thẩm vấn anh cùng với khoảng hai mươi người đàn ông khác trong độ tuổi chiến đấu. Họ muốn biết anh đã mua vé lúc nào, tại sao lại đi Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là anh đã thực hiện nghĩa vụ quân sự hay chưa. Albert thừa nhận : "Đó là vấn đề không nhỏ. Tôi từng thực hiện nghĩa vụ quân sự lúc tôi 20 tuổi. Tôi không biết sử dụng vũ khí mặc dù đã sống một năm trong doanh trại quân đội". Nhưng trên giấy tờ, hồ sơ của anh vẫn nằm trong danh sách những người bị điều động. Tuy nhiên, cảnh sát cuối cùng đã để anh lên máy bay đến Istanbul. 

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một trong số ít những "lối thoát" cho người Nga muốn rời bỏ đất nước của họ. Ankara đã không đóng không phận của mình với Moskva, và người dân Nga có thể vào Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần xin thị thực nhập cảnh. Có khoảng 100 đến 120 chuyến bay thương mại kết nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mỗi ngày. Tất cả các máy bay đến Istanbul từ Moskva, Saint-Petersburg hay Kazan đều kín chỗ kể từ khi có thông báo điều động một phần lực lượng. Cụ thể, những chuyến bay Moskva-Istanbul đã kín chỗ đến ngày 03/10 trên trang web của hãng hàng không Turkish Airlines và vé rẻ nhất được bán với giá 1.350 euro một chiều. 

Phan Minh

Published in Quốc tế

Alexander Lukashenko trao số phận mình cho Moskva. Trước các làn sóng phản kháng không ngừng gia tăng từ sau cuộc bầu cử đầu tháng 8/2020 tổng thống Belarus đến Sochi tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/09/2020. Điện Kremlin sẵn sàng can thiệp đến mức độ nào để bảo vệ quyền lợi và ảnh hưởng của Nga tại Belarus ?

belarus1

Tổng thống Alexander Lukashenko hội kiến lãnh đạo Nga, Vladimir Putin tại Sochi hôm 14/09/2020.  Reuters/Bureau présidentiel russe

Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi với tổng thống Nga trước ống kính truyền thông quốc tế, Alexander Lukashenko đã sáu lần cảm ơn Moskva và nhấn mạnh "trong cơn hoạn nạn mới biết rõ ai là bạn mình" và ông ca ngợi nước Nga là "người anh lớn" của Belarus. Hơn một tháng trước đó, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống 09/08/2020 cũng chính tổng thống Lukashenko, sau 26 năm cầm quyền, từng đích danh gọi nước Nga là "kẻ thủ số 1" của Minsk và đã ra lệnh bắt khoảng 30 lính đánh thuê của một tổ chức tư nhân thân Nga với lý do những người này "làm khuynh đảo" Belarus. Thêm vào đó ai cũng biết là quan hệ cá nhân giữa hai ông Putin và Lukashenko rất "tồi tệ", "đôi bên không mấy tin tưởng lẫn nhau".

Tuy nhiên điều không thể chối cãi đó là Nga luôn xem Belarus thuộc vùng ảnh hưởng của mình, vậy Moskva sẽ can thiệp đến mức độ nào, dưới những hình thức nào và đã tính toán những gì về số phận của tổng thống Alexander Lukashenko ?

Trả lời đài RFI, Françoise Daucé, giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng Khoa học Chính trị EHESS của Pháp, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CEREC về Nga vùng Kavkaz và Trung Âu nhắc lại mối liên hệ mật thiết giữa Belarus và Nga "cả về lịch sử, kinh tế lẫn văn hóa. Tuy nhiên từ năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ Belarus tách rời khỏi mái nhà chung dưới trướng của Moskva. Trong những năm đầu sau khi giành lại được độc lập, tinh thần dân tộc chủ nghĩa Belarus dâng cao, Minsk khẳng định bản sắc Belarus. Nhưng khi ông Lukashenko lên cầm quyền năm 1994, màu sắc Belarus và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đó đã phần nào chìm xuống và được thay thế bằng nguyện vọng của tân lãnh đạo Belarus muốn xích lại gần nước Nga".

Dù vậy bang giao song phương không phải lúc nào cũng được thuận thảo. Florent Parmentier thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị trường Khoa học Chính trị Paris giải thích về mối bang giao phức tạp giữa Belarus với nước Nga sát cạnh.

Có 5 quốc gia bao quanh Belarus, là Nga, Ukraine, Ba Lan và hai nước Baltic là Latvia và Litva, do vậy "mỗi nước láng giềng có một cái nhìn khác nhau về Belarus. Hai nước Baltic thì muốn Minsk đi theo con đường dân chủ và tự do thoát khỏi ảnh hưởng của Nga như chính Riga và Vilnius đã làm. Riêng nước Nga đã đi xa hơn cả : ngay từ 1994 Moskva đã có hẳn một kế hoạch đối với Belarus để giữ Minsk trong vòng kềm tỏa của Nga. Thế nhưng tổng thống Lukashenko có thái độ mập mờ, một mặt muốn dựa vào Moskva nhưng mặt khác Lukashenko thừa biết rằng hội nhập hoàn toàn vào nước Nga sẽ biến Belarus thành một tỉnh của nước láng giềng to lớn này và như vậy ông ta không hơn không kém là một ông tỉnh trưởng mà đó là điều Alexander Lukashenko không mong muốn".

Thế còn nhìn từ phía Moskva, tổng thống Vladimir Putin luôn xem các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô là "những vùng đặc quyền" của Nga và quan điểm này theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulègue thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh, Chatham House tại Luân Đôn, đã ít nhiều được phương Tây chấp nhận trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Moskva.

Với Belarus, Nga đã tận dụng các kênh, từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị, văn hóa và kể cả quân sự để duy trì và mở rộng thêm ảnh hưởng của Moskva tại quốc gia nhỏ bé này. Hiển nhiên là Nga lợi dụng thời điểm hiện tại để đòi Belarus nhượng bộ trên nhiều điểm "với một mục tiêu duy nhất và xuyên suốt từ trước tới nay đó là bảo đảm một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Nga".

Do vậy, theo Mathieu Boulègue, Vladimir Putin đương nhiên đã đòi Alexander Lukashenko nhượng bộ trên "một số điểm then chốt" và điện Kremlin biết "là có thể tận dụng tất cả các kênh từ tài chính đến chính trị và cả quân sự" để kiểm soát Belarus. Chuyên gia Pháp so sánh : trong nhãn quan của tổng thống Vladimir Putin có một khác biệt lớn giữa phong trào xuống đường tại Belarus lần này với cuộc cách mạng Maidan ở Ukraine hồi 2014, đó là người biểu tình ở Belarus không bài Nga mà chỉ đòi "một Nhà nước pháp quyền". Tổng thống Putin dường như đã nghe thấy thông điệp này khi mà Bộ Ngoại giao Nga liên tục kêu gọi Minsk "cải tổ Hiến pháp".

Nga có thể can thiệp dưới hình thức nào tại Belarus ? Mathieu Boulègue giải thích, trên thực tế Nga đã hiện diện tại Belarus từ trước tới nay. Minsk lệ thuộc vào năng lượng của Nga. Các tập đoàn công nghệ vũ khí của Belarus cũng ít nhiều trong tầm kiểm soát của Nga. Đó là chưa kể có từ "60 đến 70% các chương trình được phát trên các kênh truyền hình tại Belarus là do Nga cung cấp, văn hóa Nga ăn sâu vào đời sống của người dân Belarus".

Nói cách khác, Moskva biết chắc là công luận Belarus không thù ghét gì nước Nga. Điều quan trọng giờ đây đối với Kremlin là bảo đảm "tiến trình chuyển giao quyền lực được diễn ra êm thắm để bảo đảm ổn định cho giai đoạn tiếp theo và nhất là làm thế nào để những quyền lợi của nước Nga vẫn được bảo toàn". Vladimir Putin biết rằng quyền lực ở Minsk không mãi mãi trong tay Lukashenko và "rất có thể là đối lập Belarus sẽ lên nắm quyền. Nhưng lợi thế của Nga ở đây là : khác với trường hợp của Ukraine, dân Belarus không xuống đường để chống nước Nga hay để đòi ngả theo Liên Hiệp Châu Âu. Đòi hỏi một Nhà nước pháp quyền của đối lập Belarus không là một trở ngại đối với Moskva bởi trong mọi trường hợp, Nga đang nắm giữ tất cả các chìa khóa".

Nhà nghiên cứu Florent Parmentier thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị trường Khoa học Chính trị Paris cũng cho rằng trong mắt Vladimir Putin, quyền lực tại Minsk thuộc về tổng thống Lukashenko hay không, điều đó không quan trọng. Kế hoạch của Moskva về Belarus bao gồm 2 giai đoạn : "thời kỳ Lukashenko và hậu Lukashenko", chuyên gia Pháp giải thích.

Chủ trương của Kremlin là mặc cả với tổng thống Belarus để "mua được với giá rẻ hay chen chân vào những tập đoàn sáng giá của Belarus mà từ trước đến nay Nga vẫn luôn nhòm ngó đến" đồng thời Vladimir Putin "gài người của mình vào các mạng lưới ở Belarus để duy trì ảnh hưởng của Nga, qua đó, đi thêm những nước cờ tiếp theo". Theo ông Parmentier sự tồn tại của chính quyền Alexander Lukashenko đang ở trong tay Vladimir Putin.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 25/09/2020

Published in Diễn đàn

Belarus : Putin có thể cứu Lukashenko ?

Covid-19 mỗi ngày đặt thêm một vấn đề. Belarus sẽ rơi vào vòng tay của Nga là điều khó tránh khỏi ? Trong khi chờ đợi, Lukashenko gia tăng truy bức đối lập, cưỡng chế lưu vong. Đó là những hồ sơ chiếm nhiều giấy mực trên báo Pháp hôm nay 09/09/2020.

belarus1

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, gặp nhau tại Sotchi, Nga, ngày 15/02/2019.  Reuters - Pool News

Lukashenko và Navalny trên hai vai của Putin

Covid-19 Tây Ban Nha chấn động vì đợt tấn công thứ hai. Vượt ngưỡng 500.000 ca lây nhiễm và trong tuần có thêm 237 người chết, Tây Ban Nha đứng đầu Châu Âu ghi kỷ lục buồn thảm này. Trên thế giới, quy mô lây nhiễm vượt tầm kiểm soát, Le Monde báo tin chẳng lành trên trang nhất.

Thời sự quốc tế vẫn là tình hình căng thẳng tại Belarus và hồ sơ Navalny tiếp tục gây tranh cãi trong quan hệ Nga-Châu Âu.

Trước hết, Navlany hồi tỉnh nhưng liệu diễn biến này có những hệ quả gì ?

Tại Nga, theo Le Monde, các thành viên trong tổ chức chống tham nhũng của Navalny vẫn giữ thái độ trầm tĩnh trong khi phe chính trị gia tự do không giấu tâm trạng vui mừng. Nhà hoạt động Fiordor Krachennikov nhắn gửi chính quyền Nga : Run rẩy đi ! Navalny sẽ đích thân điều tra ai là thủ phạm đầu độc ông ấy.

Thật vậy, cho đến nay chính quyền Nga không tiến hành điều tra nghiêm túc mà chỉ thay đổi luận điểm và kịch bản liên tục. Magarita Simonian, nữ giám đốc đài Russia Today mới đây còn hài hước : "chỉ cần một thìa đường" là Navalny không bị bất tỉnh (vì hạ huyết áp) thì bây giờ chính bà cáo buộc Mikhail Khodorkovski (một đại gia dầu hỏa bị Putin nhốt 8 năm, tịch biên tài sản là tập đoàn Yukos, nay tị nạn tại Đức) chủ mưu phá hoại uy tín Nga.

Một trong những dấu hiệu cho thấy nước Nga lo ngại viễn ảnh xung khắc kéo dài với Liên Hiệp Châu Âu là sau khi được tin Navalny hồi tỉnh thì đồng rúp của Nga, đang trượt giá cả tuần qua, cũng hồi phục phần nào trên thị trường hối đoái.

Nhưng đối với Châu Âu, sự kiện Navlany thoát khỏi hôn mê không làm thay đổi gì cả.

Liên Hiệp Châu Âu, với Đức là chủ tịch luân lưu, đang nỗ lực tìm một giải pháp chung đối phó với Nga.

Cho đến nay, trong nội bộ Liên Âu, có nhiều thái độ khác nhau, tùy theo cảm tính, đối với Moskva. Tuy nhiên, theo Le Monde, bức màn dầy đặc, ngoan cố phủ nhận sự thật và thái độ dối trá của điện Kremlin đã là cho cả Châu Âu sáng mắt

Cho dù mức độ can dự của Kremlin đến đâu trong vụ đầu độc này, nhiều hay ít, Moskva không muốn sự thật được phơi bày như trong các nghi án trước. Một hành động tội ác nhắm sát hại một con người cộng thêm thái độ phủ nhận sự thật khi xâm chiếm Crimea, khi tung chiến dịch khuynh đảo ở Donbass và vụ mưu sát Sergei Krispal ở ngoại ô Luân Đôn.

Liệu Putin sẽ cứu Lukashenko ?

Riêng về tương lai bất trắc của Belarus, Le Monde, Libération La Croix tìm cách câu hỏi : Liệu Putin sẽ cứu Lukashenko ?

Belarus : Một gương mặt đối lập bị bắt cóc ở Minsk từ chối bị trục xuất. Le Monde thuật câu chuyện của ba nhà đối lập Belarus, thành viên Hội đồng Điều phối phong trào phản kháng bị "mất tích" để rồi hôm sau xuất hiện ở biên giới Ukraine. Đúng như công luận nghi ngờ, họ bị KGB của Belarus bắt cóc, áp tải và cưỡng chế lưu vong. Hai người đàn ông, một người là cựu bộ trưởng Văn hóa, chấp nhận qua biên giới. Trái lại Maria Koleskinova, một trong ba phụ nữ lãnh đạo đối lập, dứt khoát ở lại quê hương để tranh đấu, bất chấp mọi đe dọa của an ninh mật vụ.

Bài báo khá dài, xin trích một đoạn ngắn để minh họa : "Maria Koleskinova, 38 tuổi, chiến thuật gia, can đảm, vững chí và có cao vọng bám trụ chờ ngày chuyển giao quyền lực vì bà tin chắc đó là chuyện phải đến". Dường như để xác nhận tín điều này, bà Marie Mandras, nhà chính trị học Pháp, phân tích vì sao Putin không cứu Lukashenko. Trong lịch sử cận đại, hiếm khi có một bạo chúa cứu nguy một bạo chúa, trừ phi để bắt làm tay sai và đặt dân chúng vào vòng lệ thuộc. Nhưng Putin không cứu được Lukashenko, bởi vì thứ nhất, phong trào đối lập ở Belarus đã thành công đánh thức xã hội Belarus, lan ra từ xí nghiệp đến khu phố, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn, từ đông sang tây, với một tinh thần động viên kiên định. Thứ hai, ngay tại nước Nga, tình hình cũng khó khăn, kinh tế suy thoái, vật chất thiếu thốn, gây lo âu cho dân Nga chưa kể đại dịch Covid. Cũng như Belarus, chính quyền Nga cũng phủ nhận sự thật, nói dối trên số liệu, hàng triệu dân nghèo không được hỗ trợ thích đáng.

Về chính trị, bản thân tổng thống Nga cũng đang gặp vấn đề tương tự như Lukashenko : phong trào phản kháng gia tăng và chính quyền gia tăng trấn áp. Mỗi cuộc bầu cử đều có gian lận với chứng cớ không thể chối cãi. Putin quan sát sự sụp đổ uy tín của Lukashenko trong khi chính chủ nhân điện Kremlin cũng áp dụng những biện pháp tương tự để bám quyền : số nhiệm kỳ không giới hạn, không để bất kỳ ai lên thay.

Chính trong tình thế này mà Putin ở thế yếu nếu muốn thương lượng một giải pháp ôn hòa cho tương lai Belarus với Liên Hiệp Châu Âu. Thực tế ở Ukraine cho thấy chính nước Nga làm nguy hại cho nền hòa bình ở Châu Âu. Giải pháp cho Belarus không thể đến từ Nga. Moskva không thể cứu bạo chúa bị dân tẩy chay cũng không thể áp đặt một chư hầu. Phương án hợp lý nhất là tìm đồng thuận với đối lập.

Châu Âu nên chờ sung rụng

Libération đưa ra một phân tích khác nhưng cùng một kết luận : Giới lãnh đạo Nga không thích thái độ tráo trở của Lukashenko. Dụng ý của Putin là nhân cơ hội Lukashenko không còn chỗ tựa sẽ giao nộp Belarus cho Nga để bám quyền.

Nhưng mục đích của Moskva là buộc chặt Belarus vĩnh viễn chứ không vì củng cố quyền lực cho Lukashenko. Tất cả mọi người ở Moskva đều biết tình thế không thế đảo ngược, thời hậu Lukashenko đã khởi động. Vấn đề của Nga là phải chủ động lịch trình và nhất là không để Tây phương nhúng tay vào, nhật báo thiên tả kết luận.

Nhìn từ Châu Âu thì sao ? La Croix đồng ý với thái độ thận trọng của Liên Hiệp Châu Âu không để cho Nga có lý do can thiệp vào Belarus, như trong trường hợp Ukraine. Như thế, đối lập Belarus có thời gian tranh đấu theo nhịp độ lịch sử và sắc thái phức tạp của đất nước. Hãy để cho Lukashenko bám trụ, cuối cùng ông ta sẽ bị lật nhào.

Trung Quốc-Úc chia tay

Về thời sự Châu Á, nhật báo công giáo trở lại với cái chết của Douch, đao phủ của Khơ me Đỏ hôm 02/09/2020. Từ nay chỉ còn Yim Tith, lãnh đạo duy nhất của chế độ diệt chủng ngồi trong nhà tù. Tựa của bài báo : Kết quả thất vọng của tòa án đặc biệt Cam Bốt. 17 năm sau ngày thành lập để xét xử tội diệt chủng, thủ tục tố tụng bị phá hoại vì bất đồng trong nội bộ làm nhiều người dân Cam Bốt thất vọng.

Les Echos chú ý đến kế hoạch "phản công" của Bắc Kinh trong hồ sơ bảo vệ "dữ liệu" từ khi Washington bắt đầu chiến dịch "Clean network" và vận động các nước đồng minh tẩy chay công nghệ điện tử viễn thông của Trung Quốc. Kế hoạch mà ngoại trưởng Vương Nghị loan báo không cho biết chi tiết nhưng có hai nét chính : yêu cầu các xí nghiệp công nghệ cao không thêm "cửa hậu để đánh cắp thông tin" và muốn các xí nghiệp công nghệ cao phải tôn trọng luật chơi của các nước khác.

Le Figaro, trong một bài báo dài với tựa "Trung Quốc và Úc chia tay", tường thuật vụ hai phóng viên Úc làm việc lâu năm tại Trung Quốc, Bill Birthles và Michael Smith một người ở Bắc Kinh, một người ở Thượng Hải phải khẩn cấp chạy vào cơ quan ngoại giao Úc rồi về nước để không bị bắt vì "lý do an ninh".

Đổi lại, nhân viên ngoại giao Úc phải chấp nhận cho an ninh Trung Quốc thẩm vấn hai nhà báo về trường hợp một nữ phóng viên khác người Trung Quốc mang quốc tịch Úc là Chang Lei, nhân viên của một đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc bị công an bắt giam từ bốn ngày trước. Theo Le Figaro, quan hệ giữa hai nước tăng nhiệt từ khi Úc thay đổi trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương trước sức mạnh của Trung Quốc. Cụ thể là từ khi Úc đặt mua tàu ngầm của Pháp và lắp ráp tại Adelaide cũng như loại Hoa Vi ra khỏi thị phần G5 tại Úc.

Rắc rối chiếc khẩu trang : Lời em nhỏ

Trong bối cảnh tuần lễ tựu trường trong đại dịch, Libération đưa độc giả đến một ngôi trường tiểu học tìm hiểu ý kiến của các em về chiếc khẩu trang. Các em than phiền là không thấy mặt thầy cô. Một em khác bảo là "không sao" nhưng cuối cùng thổ lộ là em "không nghe cô giáo bảo vào lớp sau giờ chơi". Không nghe rõ thầy cô chính là "vấn nạn" của chiếc khẩu trang đối với các em nhỏ.

Còn đối với học sinh khuyết tật câm điếc, Bộ Giáo dục có giải pháp là "khẩu trang có cửa sổ". Các công ty sản xuất hoạt động ngày đêm để cung ứng cho thị trường.

Chính phủ Pháp cũng vừa thông báo đầu tư 7 tỷ euro cho năng lượng sạch Hydrogène, nhiên liệu không gây ô nhiễm môi trường. Les Echos phân tích cơ hội cho công nghệ xe hơi, còn La Croix, qua hai chuyên gia phân tích lợi hại : "Hydrogène đúng là nhiên liệu sạch nhưng điều chế bằng cách nào cho sạch ? Bằng nhà máy điện hạt nhân hay nhiệt điện đều bất cập".

Tú Anh

Published in Quốc tế

Quan hệ Nga - phương Tây căng thẳng với khủng hoảng chính trị bùng lên tại một nước Cộng hòa Liên Xô cũ, tháng 8/2020. Belarus hay Bielorussia, quốc gia bé nhỏ 9 triệu dân, đang trở thành tâm điểm thời sự. Khủng hoảng sẽ đi về đâu ? Trả lời câu hỏi vì sao quốc gia này cùng lúc mang hai quốc hiệu, mỗi quốc hiệu có ý nghĩa gì, có thể giúp soi tỏ phần nào bí ẩn bao trùm cuộc phản kháng xã hội vốn được coi là không ngả theo phương Tây, cũng không chống Nga.

belarus1

Belarus : Đối lập phản đối kết quả bầu cử, Minsk, 30/08/2020. Trong ảnh, người biểu tình kết chặt hai quốc kỳ Belarus, quốc kỳ hiện tại (phải) và quốc kỳ đầu tiên của Belarus độc lập Trắng-Đỏ-Trắng.  © Reuters

Cảnh giác với quốc hiệu "Bielorussia"

Tên gọi chính thức của nước này tại Liên Hiệp Quốc là "Cộng hòa Belarus", tuy nhiên, nhiều nước khác, trong đó có Pháp, Đức, Hà Lan, lại sử dụng tên gọi "Bielorussia" (hay Bạch Nga). Theo nhật báo Pháp Les Echos, trên truyền thông Pháp, hai từ Belarus và Bielorussia thường được sử dụng song song không phân biệt, và người dùng thường ít chú ý đến hàm nghĩa lịch sử của mỗi quốc hiệu.

Phát biểu trên kênh truyền thông Pháp ngữ Bỉ RTBL, ông Alexander Sjodin, làm việc cho tổ chức nhân quyền Civil Rights Defenders (Bảo vệ các quyền dân sự), chuyên theo dõi tình hình tại Belarus, cho biết trên thực tế, việc sử dụng quốc hiệu này hay quốc hiệu kia là một chủ đề chính trị rất nhạy cảm, "đối với nhiều người Belarus, sử dụng từ Bielorussia (hay Bạch Nga) cho thấy đất nước của họ không có gì khác hơn là một bộ phận phái sinh của nước Nga. Đối với những ai lo sợ ảnh hưởng Nga, và chủ quyền quốc gia, thì đây quả là một vấn đề chính trị hệ trọng".

Một số nơi tại Châu Âu đã có thay đổi. Vẫn theo chuyên gia Alexander Sjodin, chính quyền Thụy Điển hồi tháng 11/2019 thông báo thay thế tên gọi Vitryssland (tức Bielorussia) bằng Belarus. Ngoại trưởng Thụy Điển giải thích trên Twitter như sau : "Bộ Ngoại giao sẽ sử dụng từ Belarus thay cho Vitryssland (tức Bielorussia). Chúng tôi làm như vậy với mục tiêu ghi nhận lòng quyết tâm của nhân dân Belarus, của xã hội dân sự và của cộng đồng hải ngoại Belarus, mong muốn khẳng định bản sắc quốc gia, và chủ quyền đất nước".

"Ruth" : Nga – Belarus chung một cội rễ

Đã có nhiều cuộc tranh luận trong giới hàn lâm, từ lâu nay, về ý nghĩa của mỗi tên gọi. Trên thực tế, đằng sau các quốc hiệu nói trên là những thời kì lịch sử khác nhau, những cội nguồn xa xưa khác nhau của xã hội Belarus hiện nay. Theo nhiều chuyên gia, về mặt từ nguyên, âm "rus", trong Belarus, không liên quan trực tiếp đến Nga, mà đến xứ sở Ruthenia xa xưa, vương quốc của các Nhà nước Slave phía đông, tồn tại trước thế kỷ 13, được coi là cái nôi chung của cả ba nền văn hóa Nga, Ukraina và Belarus.

Đài Pháp France Culture, trong bài "Belarus ou Bielorussia ? Une question très symbolique, un enjeu démocratique (Một vấn đề mang ý nghĩa biểu tượng, một đấu trường của cuộc chiến vì dân chủ", ngày 14/08/2020), đưa ra một cách giải thích về cội rễ xa xưa của quốc gia Belarus hiện đại :

"Tất cả bắt đầu với công quốc mang tên Polatsk (1), tức tên một thành phố ở miền đông Belarus hiện nay. Từ thế kỷ thứ X đến XIII, đây là Nhà nước đầu tiên của vùng đất Ruthenia Trắng – tên gọi xuất xứ từ việc vùng đất Ruthenia này đã không hề bị quân Tatar xâm chiếm, vì thế mà vẫn còn "nguyên vẹn’’ hay "trinh nguyên’’, trong tiếng địa phương gọi là "Belarus’’ (Bela = trinh trắng ; rus = xứ Ruthenia nói chung – được coi là tiền thân của các Nhà nước Đông Slave).

Năm 1387, người Belarus và người Litva thống nhất trong một Nhà nước chung, mang tên Đại Công Quốc Litva…. Lá cờ (ba màu trắng – đỏ - trắng) có thể đã ra đời vào giai đoạn này. Năm 1410, Belarus tham gia vào cuộc đại chiến Grünwald, chống lại các kị sĩ giáo đoàn Teuton (Thập tự chinh phương Bắc), cùng hàng ngũ với Đại công tước Litva, các vua Ba Lan và Galicia (tức xứ Ukraina sau này), cũng như liên minh tạm thời với quân Tatar Hãn Quốc Kim Trướng. Trong cuộc đọ sức này, kị sĩ giáo đoàn Teuton thất bại. Theo truyền thuyết, thi thể một kị sĩ anh hùng, người Belarus, đã được đặt trên một lá cờ hoàn toàn màu trắng, cờ của xứ Ruthenia Trắng. Khi thi thể được chuyển đi, một vệt máu dài còn lại. Đây là nguồn gốc của lá quốc kỳ Belarus (thời nước Cộng hòa Belarus đầu tiên năm 1918 và Cộng hòa Belarus giai đoạn 1991-1994, sau khi Liên Xô tan rã)".

Liên bang Ba Lan – Litva : giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Châu Âu

Liên minh với Litva là giai đoạn quan trọng trong sự hình thành bản sắc Belarus thời cận đại. Thời hoàng kim của tiếng Belarus cận đại là vào thế kỉ XVI. Belarus từng là một trong những tiếng Châu Âu đầu tiên được dùng để dịch Kinh thánh. Người chuyển dịch là Francysk Skaryna. Bộ Kinh thánh Belarus in đầu tiên tại Praha, vào năm 1517-1519 (theo INALCO) (tức nhiều năm trước khi mục sư Luther dịch Kinh thánh sang tiếng Đức). Francysk Skaryna (sinh tại Potlatsk năm 1486 – mất năm 1541 tại Praha) thường được coi là người đặt nền móng cho nền văn học Belarus.

Tiếp theo thời kỳ Litva, xứ Belarus có mặt trong một liên minh mới : Liên bang Thịnh vượng chung giữa Vương quốc Ba Lan – và Đại công quốc Litva (còn gọi là Nước Cộng hòa của hai Dân Tộc), được coi là quốc gia rộng nhất, đông dân nhất Châu Âu cuối thế kỉ XVI – đầu XVII. Đại công quốc Litva và Vương quốc Ba Lan chính thức lập Liên bang vào năm 1569. Trên trang mạng của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michał Karapuda, giám đốc cơ quan văn hóa của thành phố Lublin, giới thiệu vài nét về ý nghĩa của Liên bang này trong lịch sử Châu Âu :

"Lublin là thành phố lớn nhất ở phía đông của Ba Lan, nằm sát rìa biên giới của Liên Hiệp Châu Âu, giáp với Ukraina. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1569, tại thành phố này, đã diễn ra lễ ký kết thành lập "liên minh Lublin’’. Lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu, hai quốc gia sáp nhập thành một Nhà nước thống nhất, mà không thông qua chiến tranh. Đó là "Liên bang thịnh vượng chung’’ của hai Vương quốc Ba Lan và Đại công quốc Litva… Điều quan trọng nhất là, cũng giống như Liên Hiệp Châu Âu hiện nay, đó là một xã hội mở cửa cho mọi tôn giáo khác nhau, dân tộc khác nhau. Và có một sự dấn thân mạnh mẽ, với niềm tin tưởng rằng hợp tác toàn diện như vậy là tốt hơn nhiều so với chiến tranh và xung đột". 

Liên bang Ba Lan – Litva, một giai đoạn lịch sử quan trọng, vốn ít được nhắc đến, đang thu hút nhiều hơn chính giới Châu Âu. Nhiều chuyên gia, chính trị gia cho rằng công cuộc xây dựng Châu Âu hiện nay có nhiều điều có thể học hỏi từ giai đoạn lịch sử đặc biệt này. Nghị sĩ Pháp Frédéric Petit nhấn mạnh đến ý nghĩa lịch sử của Nước Cộng hòa hai Dân tộc, nơi nhiều dân tộc khác nhau, chung sống dưới một mái nhà trong hơn một thế kỷ, thường là trong hòa bình (bài "Que nous apprend la crise politique au sujet de la Bélarus et de l’Union européenne  ? (Cuộc khủng hoảng chính trị về chủ đề Belarus và Liên Hiệp Châu Âu cho chúng ta biết điều gì ?"), La revue géopolitique, ngày 19/08/2020).

Đế chế Nga và nước Bielorussia hiện đại

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng ngôn ngữ Belarus đương đại đã định hình trước khi xứ Belarus trở thành một bộ phận của đế chế Nga là điều mà một số chuyên gia phản bác. Trả lời đài Thụy Sĩ RTS, nhà nghiên cứu Pháp Virginie Symaniec, một chuyên gia về các vấn đề văn hóa và ngôn ngữ Belarus, khẳng định :

 "Vào thời điểm đó (đầu thế kỷ XIX), cái mà chúng ta gọi là nước Bielorussia không tồn tại. Tiếng Belarus như ngày nay chúng ta biết chưa hề tồn tại… Trên mảnh đất Bielorussia (hay Bạch Nga) hiện nay, có một chữ viết xưa (tiếng Ruthène), nhưng mang rất đậm dấu ấn Ba Lan, chứa đầy các từ ngữ Ba Lan, các cấu trúc Ba Lan, với các quy chiếu văn hóa Ba Lan.

Vào thời điểm những năm 1860 đến 1870, đã bắt đầu có một chính sách văn hóa, chính sách ngôn ngữ, cho dù không thật sự có hệ thống, có tính đàn áp hơn, đối với các khu vực ngoại vi của đế chế Nga. Theo tôi, chính quyền đế chế Nga muốn đẩy lùi các ảnh hưởng của văn hóa Ba Lan ở khu vực phía tây của đế chế. Vào thời điểm đó, người dân ở đây không nói tiếng Nga, cũng không nói tiếng Ba Lan, mà nói những thứ tiếng không được chuẩn hóa.

Vấn đề mà chính quyền đế chế Nga muốn là xây dựng tại khu vực này một bản sắc Nga lâu đời (russianité russe), tóm lại, gột bỏ những gì là Ba Lan. Cái mà người ta cấm, không phải là nói tiếng Belarus, thứ tiếng như chúng ta biết hiện nay, mà là cấm viết bằng ký tự Latinh. Cấm viết bằng chữ Latinh cũng có nghĩa là cấm viết chữ Ba Lan.

Tôi cho rằng, phải trở về điểm đó để hiểu được làm thế nào mà một bản sắc Bielorrusia đã được tạo lập. Bản sắc này vốn hoàn toàn không tồn tại ở khu vực này vào thời điểm đó. Người ta đã tạo dựng như thế nào tại khu vực này một bản sắc Bạch Nga, tức nền văn hóa nhiều chất Nga hơn chất Ba Lan ? Vào thời điểm đó, người ta nói rằng muốn xây dựng một bản sắc Nga thuần khiết. Tuy nhiên, trong đế chế Nga, có bản sắc Nga thực sự, bản sắc Nga cao quí, bản sắc Nga nằm ở trung tâm.

Tạo lập ra xứ sở Bạch Nga có nghĩa là gì ? Đó là tạo lập một thứ đẳng cấp, trong đó, trên đỉnh cao của kim tự tháp là bản sắc Nga vĩ đại, còn bên dưới (theo nhãn quan của thế kỷ XIX), đó sẽ là các bản sắc Nga nhỏ bé khác, Bạch Nga hay Nga Trắng,… Nga Đen, Nga Đỏ… tất cả đều thuộc bản sắc Nga, nhưng nằm ở bên dưới của thang bậc bản sắc Nga" (Chương trình giới thiệu về Biolorussia, Đài phát thanh truyền hình Thụy Sĩ RTS, ngày 24/06/2019).

Những lần "phục sinh" bị trấn áp 

Dù khẳng định tiếng Belarus hiện đại bắt nguồn trực tiếp từ tiếng Belarus thời xưa (thời Đại công quốc Litva và Liên bang Ba Lan – Litva), hay chỉ định hình khi Belarus bị sáp nhập vào đế chế Nga, những ai theo dõi lịch sử Belarus đều chú ý đến hai thời điểm đặc biệt, mà nhiều nhà quan sát gọi đó là hai cuộc "phục sinh" của Belarus. Lần phục sinh đầu tiên là vào năm 1918.

Trong nhiều thế kỉ, xứ Belarus nằm trong Đại Công Quốc Litva không có biểu tượng Nhà nước riêng. Phải đến khi đế chế Nga cáo chung, tên gọi Belarus mới lại hồi sinh, cùng với các biểu tượng gắn liền với nó. Ngày 25/03/1918, nước Cộng hòa Nhân Dân Belarus ra đời, với quốc kỳ màu trắng, đỏ, trắng, mang quốc huy "Pahonia" - biểu tượng lịch sử của Đại Công Quốc Litva - mà Belarus từng là một bộ phận. Nhà nước Belarus đầu tiên ra đời cùng với một Quốc Hội dân chủ. 

Tuy nhiên, giai đoạn độc lập này chỉ kéo dài ít tháng. Năm 1919, lực lượng Xô Viết chiếm Belarus. Staline cho thành lập Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Bielorussia. Bielorussia lại trở thành tên gọi chính thức quốc gia cho đến khi Liên Xô giải tán năm 1991.

Năm 1991 được coi là lần phục sinh thứ hai của dân tộc Belarus. Để đánh dấu sự độc lập của đất nước, cái tên Belarus được lấy lại, cùng với các biểu tượng : lá quốc kỳ Trắng – Đỏ - Trắng truyền thống, quốc huy Pahonia với hình ảnh người kỵ sĩ, và khẩu hiệu "Belarus bất diệt". Tuy nhiên, giai đoạn phục sinh thứ hai không kéo dài. Năm 1994, sau khi đắc cử tổng thống, Alexandre Loukachenko xóa bỏ hoàn toàn các biểu tượng Belarus truyền thống, ngoại trừ tên gọi Belarus. Tổng thống Loukachenko cho lấy lại quốc kỳ Đỏ - Xanh, gần giống với thời Liên Xô.

Belarus : Tiếng mẹ đẻ, quốc kỳ Trắng - Đỏ - Trắng và những duyên nợ lịch sử

Các cuộc biểu tình phản kháng tháng 8/2020 liệu có thể coi như một nỗ lực phục sinh lần nữa của bản sắc Belarus ? Việc lá quốc kỳ Trắng – Đỏ - Trắng truyền thống trở lại hiên ngang tung bay trên khắp các đường phố báo hiệu điều gì ?

Nếu nhìn vào thực trạng thống kê ngôn ngữ, khả năng trỗi dậy của bản sắc Belarus khó thành hiện thực. Người Belarus đang trở thành thiểu số về mặt ngôn ngữ trên chính quê hương mình. Trong một cuộc điều tra của chính phủ năm 2009, số lượng người nói tiếng Belarus ở nhà là khoảng 11,9 %, so với 36,7% trong cuộc điều tra đầu tiên năm 1999. Chỉ có 29,4% dân số biết nói, đọc, viết thành thạo ngôn ngữ này (điều tra 2009). Tỉ lệ này rất có thể còn tiếp tục sụt giảm trong 10 năm trở lại đây. Theo đánh giá của UNESCO, cập nhật năm 2016, tiếng Belarus (với khoảng 4 triệu người sử dụng tại Belarus và 5 quốc gia khác) được coi là tiếng nói "dễ tổn thương" (cấp độ nguy hiểm thứ 5 - bậc nguy hiểm thấp nhất trên thang bậc 5 điểm).

Tuy nhiên, điều nghịch lý và cũng rất đỗi kỳ lạ là, trong bối cảnh người sử dụng sụt giảm mạnh, đa số người Belarus (INALCO) dường như vẫn tiếp tục coi tiếng Belarus là tiếng nói mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ mang giá trị biểu tượng mạnh mẽ, cho phép họ duy trì những sợi dây liên lạc vững chắc với các thăng trầm xuyên thiên niên kỷ, để cắm trụ tại vùng đất nằm giữa vùng hai biển Hắc Hải và Baltic, vốn là nơi chung sống, hợp tác của nhiều nền văn hóa, nhiều sắc tộc. Cắm trụ, để tiếp tục cuộc hành trình.

Trong các cuộc biểu tình phản kháng độc tài hiện nay, các nhà quan sát ghi nhận một thái độ dường như phổ biến của người Belarus : không ngả theo phương Tây, cũng không chống Nga. Trên thực tế, sự trở lại của lá cờ Trắng – Đỏ - Trắng, cùng các biểu tượng quốc gia khác, đang khiến cho quốc hiệu Belarus lấy lại đầy đủ ý nghĩa lịch sử của mình. Một dấu hiệu cho thấy có thể đông đảo người dân xứ sở này không chấp nhận từ bỏ những duyên nợ lịch sử đã từng gắn bó họ với các quốc gia vùng Baltic (2). Khát vọng dân chủ, hòa hợp của Belarus cũng là khát vọng của Châu Âu. Nhưng Belarus hiện nay cũng là quốc gia song ngữ, khoảng ba phần tư người Belarus nói tiếng Nga tại gia đình. Một nước Belarus hội nhập với Châu Âu cũng có thể là một cơ may cho sự hòa hợp Nga – Châu Âu.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 02/09/2020

Ghi chú

1 - Năm 2012, chính quyền Belarus tổ chức kỉ niệm 1.150 năm ngày thành phố Polatsk xuất hiện trong sử sách, lãnh thổ của công quốc Polatsk gần tương đương với nước Belarus hiện nay, nên "Polatsk thường được coi như thủ đô đầu tiên của người Belarus" – thông tin của phái bộ thường trực của Cộng hòa Belarus tại UNESCO.

2 - Theo một số nhà quan sát, như chuyên gia về Belarus, nhà chính trị học Anna Zadora, lá cờ Trắng - Đỏ - Trắng trở thành biểu tượng quy tụ của phong trào đòi dân chủ không hẳn đã do đông đảo người biểu tình chia sẻ các giá trị lịch sử của lá cờ này, mà đơn giản vì đây là biểu tượng cho những tiếng nói phản kháng bị chà đạp (bài "Biélorussie : que représente le drapeau rouge et blanc exhibé par les manifestants à Minsk ?», Libération, ngày 17/08/2020).

Published in Diễn đàn

Belarus : Đòn ngầm của Putin nhằm đánh quỵ Lukaschenko

Ngày khai giảng năm học mới đầu tiên thời hậu Covid là chủ đề được đa số các tuần báo ra vào cuối tháng 08 năm 2020 này khai thác, với tựa lớn trang bìa trên hai tờ Courrier International và L’Express. Le Point cũng chú ý đến ngành giáo dục, nhưng nhấn mạnh đến nạn tư tưởng Hồi giáo cực đoan đang bành trướng trong các trường học Pháp. Bên cạnh đó, cũng được quan tâm là vụ đầu độc nhà đối lập Nga Navalny, và nhất là tình  hình căng thẳng tại Belarus, đặc biệt trên tuần báo L’Obs với dòng tựa trang bìa : "Đòn ngầm của Putin".

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Belarus Alexander Lukaschenko cùng xem một trận khúc côn cầu trên băng ngày 07/02/2020 tại Sochi (Nga). Reuters – Pool New

Theo nhận định của L’Obs, quan hệ giữa tổng thống Belarus Alexander Lukaschenko và người bảo trợ ông là tổng thống Nga Vladimir Putin quả là ngày càng "cơm không lành, canh không ngọt". Để trừng phạt đàn em bướng bỉnh, điện Kremlin đã thiết kế cả một "cuộc cách mạng dân chủ" để khuất phục lãnh đạo chuyên chế tại Belarus, và hoàn toàn có thể lật đổ nhân vật này.

Bài viết trang trong mang tựa đề "Chiến lược bí mật của Putin nhằm đánh quỵ Lukaschenko" đã nhấn mạnh đến thái độ ngày càng bực bội của "chủ nhân Đại Nga" trước điều bị coi là thái độ rất ngỗ nghich của tổng thống nước "Bạch Nga" bé nhỏ, đã không ngừng tìm cách sử dụng lá bài châu Âu, Mỹ, thậm chí Trung Quốc, để bòn rút tài trợ và tín dụng từ Nga, nhưng khi cần thì lại trở mặt.

Giọt nước làm tràn ly, theo L’Obs, là thái độ vào tháng hai vừa qua của ông Lukaschenko, đã khước từ đề nghị của Poutine, muốn hai nước nhập chung thành một "Liên Bang Nga-Belarus".

Và như thế là điện Kremlin và "các cơ quan hữu trách" đã bắt đầu thiết kế một "chiến dịch Lukaschenko" với một số diễn biến đã được thấy trong thời gian gần đây.

Svetlana Tikhanovskaya bị Nga thao túng mà không biết ?

Theo tạp chí Pháp, nhân vật đối lập Svetlana Tikhanovskaya, và những thành phần "cách mạng" hiện nay ở Belarus, thực ra đều nằm trong âm mưu của Nga, và cuộc cách mạng ở Belarus hiện nay chỉ có tính chất "bề ngoài".

L’Obs giải thích : Svetlana Tikhanovskaya, 37 tuổi, là một bà nội trợ bình thường có hai đứa con. Việc bà trở thành gương mặt "đầu đàn" của "cuộc cách mạng Belarus" chỉ là một điều rất tình cờ. Dường như bà không có tham vọng gì, cũng không có hiểu biết gì về chính trị và địa chính trị, cũng không có chương trình hành động nào khác ngoài việc đòi Lukaschenko phải ra đi.

Trở thành ứng viên đối lập thay chỗ chồng của bà, một "doanh nhân" đã bị chính quyền Lukaschenko loại bỏ, bà dường như cũng không biết là chồng mình được một nhân vật quyền thế thân Putin tài trợ. Bị Lukaschenko đe dọa, bà đã nhanh chóng chạy sang Litva, tức là sang phương Tây, và có lẽ đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Những bước đi sai lầm ?

Có tin là trước lúc chạy trốn, bà đã bị cô lập trong một căn phòng với hai tay đầu gấu của chính quyền và bà đã hoảng sợ ngay. Trong một băng video, bà đã kêu gọi công nhận kết quả bầu cử và chấm dứt biểu tình. Trong những thông điệp gởi đi từ Vilnius, bà công nhận đã "sợ hãi", nhưng kêu gọi người Belarus vượt qua nỗi sợ của mình và đi biểu tình.

Theo L’Obs, bà Tikhanovskaya có vẻ như không hiểu gì nhiều về các diễn biến trong quan hệ giữa Minsk và Moskva, nên đã phạm thêm nhiều sai lầm. Bà đã gợi lên "một con đường Châu Âu" cho Belarus, chấm dứt liên minh với Nga.

Đối tác "cách mạng" của bà, còn ở lại Minsk để lãnh đạo phong trào đã phải kiên quyết chỉnh lại. Maria Kolesnikova, một phụ nữ mạnh mẽ, phụ trách chiến dịch tranh cử của Viktor Babaryko, ứng viên của Gazprom, bảo đảm là không có chuyện ra khỏi "Liên minh" Nga–Belarus, đúng như ý muốn của Moskva.

Tạp chí Pháp kết luận : "Là biểu tượng của một cuộc cách mạng bề ngoài, Svetlana Tikhanovskaya có nguy cơ sẽ chỉ đóng một vai trò tượng trưng mà thôi".

Ngày tựu trường trong "hỗn loạn" của thời hậu Covid

Về ngày tựu trường, Courrier International chạy ngay ở trang bìa một hàng tưa lớn: "Ngày tựu trường : Hỗn loạn trên thế giới". Tờ báo giải thích ngay bên dưới là từ Dallas ở Mỹ cho đến Seoul ở Hàn Quốc, từ Luân Đôn, Anh Quốc cho đến Nairobi, Kenya, ngày các học sinh trở lại trường lớp đang khiến các chính quyền phải nhức đầu, phải tính đến các biện pháp như khẩu trang bắt buộc, bài giảng từ xa, học qua ti vi, giảm số học sinh trong mỗi lớp…

Theo ghi nhận của Courrier International, với dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành, việc tổ chức ngày nhập học năm nay quả là một bài toán hóc búa đối với mọi quốc gia trên thế giới.

Dĩ nhiên là Pháp không thoát khỏi tình trạng lộn xộn. Vài hôm trước ngày tựu trường, phụ huynh học sinh và nhân viên các nhà trường tố cáo chính quyền đã cho nhập học một cách quá vội vã. Trang mạng báo Politico ghi nhận : "Các công đoàn giáo viên cáo buộc chính phủ làm tình hình ‘thêm hỗn loạn’ và làm cho điều kiện làm viêc ‘tồi tệ hơn’. Đối với họ, đề án giảng dậy từ xa của chính phủ còn thiếu sót nhiều mặt…".

Mẫu số chung : mỗi nơi đều phải "tùy cơ ứng biến"

Trên thế giới, tình hình chung cho thấy rõ sự thiếu kế hoạch, mỗi nơi đều phải "tùy cơ ứng biến". Tại Áo đã có sáng kiến tổ chức lớp hoc ngoài trời, tại Ý chính quyền đã quyết định ồ ạt tuyển dụng giáo viên, Trung Quốc thì cấm sinh viên rời thành phố của mình 15 ngày trước ngày nhập học 01/09…

Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal chẳng hạn, đã đến tìm hiểu vấn đề tại Dallas, bang Texas. Tại đó, ông Michael Hinojosa, người chịu trách nhiêm về ngày tựu trường của 153.000 học sinh, đã phải vò đầu bứt tai từ cuối tháng 7 để làm sao thực hiện nhiều điều khó có thể kết hợp với nhau, vừa tránh nguy cơ thiếu sót trong học tập, vừa tránh để cho Covid-19 lan rộng.

Vấn đề mở lại trường học cũng gây chia rẽ ở Mỹ : Một số người muốn học sinh, sinh viên trở lại trường lớp, nhưng một số công đoàn không loại trừ kêu gọi đình công. Trong lúc Covid-19 lan rộng thì nhiều thành phố tập trung cải thiện việc giảng dậy từ xa.

Theo Courrier International, từ Seoul đến New York, Luân Đôn hay Mexico, giảng dậy từ xa cũng là một trong những công trường lớn của mùa nhập học năm nay với tất cả những hệ quả và khả năng gây thêm bất bình đẳng. Tại Mexico mà hệ thống internet còn yếu kém, thì việc giảng dậy qua truyền hình được ưu tiên. Hàn Quốc thì huy động sinh viên và nhà giáo về hưu để giúp đỡ học sinh gặp khó khăn.

Ngày trở lại làm việc và học tập trong căng thẳng cao độ

"Ngày tựu trường" hay đúng hơn là "ngày trở lại làm việc" sau kỳ nghỉ hè tại Pháp - cũng đã được tạp chí L’Express nêu bật trong tựa lớn trang bìa : "Covid-19: Ngày trở lại trong tình trạng căng thẳng cao độ".

Về ngày khai giảng năm học 2020-2021 tại Pháp, L’Express không tránh khỏi bi quan, cho rằng tình hình đang hứa hẹn nhiều hỗn loạn. Một trong những nguyên nhân là chính phủ bị cho là vẫn thiếu chuẩn bị, và các trường vẫn còn đang chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp trên.

Một trong những mối lo ngại được nêu bật là các quy định về an toàn y tế chi phối việc mở lại các lớp học bị cho là không còn phù hợp với tình hình mới. Theo bà Sophie Vénétitay, phó tổng thư ký Công đoàn các Giáo viên trung học toàn quốc thì các quy định này đã được cập nhật lần cuối vào ngày 21/7, trong khi các tín hiệu về dịch Covid-19 trên lãnh thổ Pháp đều ở màu xanh, trong lúc tình hình hiện nay thì đã xấu hẳn đi.

Còn về việc tái lập các sinh hoạt bình thường, theo L’Express, một trong những điểm nhức nhối hiện nay tại Pháp là các bất cập trong vấn đề xét nghiệm Covid-19 một cách đại trà.

Ghi nhận chung của tạp chí Pháp rất nghiêm khắc : Thiếu nhân viên, người muốn xét nghiệm phải xếp hàng dài dằng dặc, kết quả lại có rất trễ... việc đẩy mạnh xét nghiệm đại trà tại Pháp để ngăn chặn virus đang là một mớ bòng bong, rất khó, thâm chí không thể thực hiện được. Các phòng xét nghiệm hiện đang oằn mình dưới các yêu cầu.

Nguy cơ Hồi giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp

Vào lúc các trường học chuẩn bị mở cửa lại ở Pháp, tạp chí Le Point đã tung ra một quả bom qua hàng tựa lớn ngay trang bìa : "Hồi giáo cực đoan trong trường học: Điều mà người ta không muốn thấy".

Le Point độc quyền giới thiệu một quyển sách sắp ra mắt độc giả vào đầu tháng 9, nêu bật những lệch lạc của xu hướng co cụm cộng đồng và thái độ mù quáng của Bộ Giáo dục Pháp.

Người viết quyển sách, ông Jean-Pierre Obin, cách nay hơn 15 năm, từng là tác giả chính của một bản báo cáo về sự bành trướng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong nhà trường tại Pháp mà trên nguyên tắc phải là phi tôn giáo, thuật ngữ chính thức gọi là "tính chất thế tục". Vấn đề là bản báo cáo đã bị ém nhẹm, không hề được công bố, vào lúc mà những lệch lạc được ghi nhận trong đó ngày càng nặng nề thêm.

Theo Le Point, trong quyển sách sắp ra mắt, ông Obin đã nêu lên những ví dụ cụ thể về sự lộng hành của tư tưởng Hồi giáo cực đoan trong môi trường giáo dục, từ việc chống lại các nội dung giảng dậy bị cho là chống Hồi giáo, cho đến việc đòi hỏi được phục vụ món ăn riêng phù hợp với đạo Hồi trong căng tin tập thể, hay phản đối tình trạng nam nữ học chung một lớp.

Điều đáng ngại là sức ép lớn đến mức nhiều giáo viên tại những khu vực nhạy cảm đã tự kiểm duyệt để khỏi bị phiền hà, trong sự thờ ơ của các cấp chịu trách nhiệm.

Voltaire và Rousseau bị "cấm" học

Như nói ở trên, xu hướng Hồi giáo cực đoan đã tìm cách chống lại các nội dung giảng dậy trong nhà trường tại Pháp, dù đó nằm tròn chương trình chính thức. Ông Obin đã nêu ví dụ về môn văn.

Các triết gia thời kỳ Ánh Sáng, nhất là Voltaire và Rousseau, và những văn bản đặt tôn giáo dưới sự soi rọi của lý trí đặc biệt bị nhắm : "Rousseau đi ngược lại với tôn giáo của tôi",một học sinh trung học chuyên nghiệp đã nói như trên với giáo viên trước khi rời lớp học.

Molière, và đặc biệt là tác phẩm Le Tartuffe, cũng là mục tiêu bị nhắm với nhiều học sinh không chịu học hoăc không chịu diễn khi dựng lên thành kịch, bị tẩy chay hoặc phá rối lúc trình diễn.

Đối tượng bị tấn công còn là những tác phẩm bị xem là đồi trụy (ví dụ như Cyrano de Bergerac), tự do quá trớn hay cổ vũ cho quyền tự do của phụ nữ như Madame Bovary,hoặc là của những tác giả bị cho là đã được đưa vào chương trình để quảng bá cho Thiên Chúa giáo như Chrétien de Troyes…

Những ví dụ kể trên khiến người ta nghi ngờ là trong một vài khu phố, học sinh đã bị xúi giục là phải cảnh giác trước những gì giáo viên của họ đề nghị, phải chọn lọc những bài văn trong chương trình học theo những tiêu chí tôn giáo, từ halal - được phép -đến haram - bị cấm.

Alexeï Navalny, nạn nhân của chất độc tham nhũng ở Nga

Vụ nhà đối lập chống Putin hàng đầu tại Nga bị đầu độc và được đưa sang điều trị tại Đức, cũng rất được các tuần báo chú ý. Trong lúc L’Obs tìm hiểu xem "Ai đã đầu độc Alexeï Navalny?" thì L’Express tự hỏi: "Phải chăng Alexeï Navalny là nạn nhân của chất độc tham nhũng tại Nga ?".

Theo L’Express, khi lao vào một cuộc thập tự chinh chống tham nhũng, nhà đối lập với Putin đã gây nên phiền toái tại một đất nước bị chìm đắm trong tệ nạn này. Và theo các bác sĩ tại bệnh viện ở Berlin, nơi nhà đối lập được chuyển đến, thì đúng là ông Navalny đã bị đầu độc.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đòi Moskva phải minh bạch, nhưng yêu cầu của bà hẳn là không có cơ may được đáp ứng, vì tình trạng mập mờ trong hệ thống cai trị ở Nga chính là điều mà Navalny, với tư cách nhà hoạt động cũng như chính trị gia, đã lao vào đấu tranh đòi xóa bỏ từ khoảng một chục năm nay.

Nhà sáng lập Quỹ Chống Tham Nhũng FBK đã có nhiều kẻ thù trong giới thân cận với điện Kremlin trong cuộc chiến của ông. Ông đã không ngần ngại gọi đảng của ông Putin, Nước Nga Thống Nhất, là đảng của những "kẻ cắp và lừa đảo", đã đưa lên mạng những video rất được quần chúng ưa thích cho thấy nhà cửa sang trọng đẹp mắt, ở Nga cũng như ở nước ngoài, của các quan chức cao cấp và nhân vật quyền thế. Ông đã tấn công vào cựu thủ tướng Dmitri Medvedev vào năm 2017.

Nhà đối lập cũng không phải tốn công tìm tòi về nạn tham nhũng tràn lan ở Nga, vốn bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế - Transparency International- xếp hạng 137 trên 180 quốc gia về tham nhũng.

Trước những lời chỉ trích, tổng thống Nga đã đứng ra đóng vai người hùng chống tham nhũng, thậm chí năm 2018 còn đưa ra một danh sách đen các quan chức đã không còn được sự tin tưởng của chính quyền. Nhưng đối với Quỹ FBK, đó chỉ là một màn khói mù để đánh lạc hướng dư luận, lái sự chú ý khỏi những vụ nghiêm trọng hơn.

Theo L’Express, việc Alexey Navalny bị đầu độc đã được xác nhận, nhưng vẫn còn câu hỏi : Lệnh bịt miệng ông đến từ chủ nhân điện Kremlin hay là từ một trong những người mà ông Putin che chở ?

Chống lãng phí thực phẩm kiểu Trung Quốc

Xin kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một nhận xét lý thú của tạp chí Courrier International về chiến dịch chống lãng phí kiểu Trung Quốc vừa được ông Tập Cận Bình tung ra, được nêu bật trên trang bìa với hàng tựa nhỏ : "Tập Cận Bình tấn công vào tệ nạn lãng phí thực phẩm".

Theo Courrier International, đây là một chiến dịch rộng lớn nhằm chống phí phạm thực phẩm, với các nơi tranh nhau đưa ra biện pháp, đôi khi khá kỳ lạ.

Theo báo mạng Trung Quốc Bành Phái Tân Văn (Pengpai), ngày 12/08 vừa qua, liên đoàn nhà hàng ở Vũ Hán đã khuyến khích một mô hình đặt món ăn mới có thể gọi là "-1", có nghĩa là một bàn có 10 người ăn thì chỉ được gọi 9 món mà thôi, nghĩa là ít đi một món so với thông lệ. Và thức ăn trên bàn phải được ăn hết nếu muốn gọi thêm món khác.

Ngày hôm sau, 13/08, đến lượt liên đoàn nhà hàng ở Liêu Ninh đưa ra quy định gắt gao hơn "-2", tức là bàn 10 khách chỉ được gọi 8 món.

Theo Courrier International, lãng phí thức ăn ở Trung Quốc là một tệ nạn thật sự. Không hiếm hình ảnh các bàn ăn sau những bữa tiệc còn đầy những đĩa đầy ắp, dường như chưa ăn đến.

Đài truyền hình CCTV đã tiết lộ trên mạng Vi Bác là vào năm 2015, lượng thức ăn mà nhà hàng đổ đi tương đương với 1 năm lương thực cho từ 30 đến 50 triệu người !

Mai Vân

Published in Quốc tế

Belarus : Giấc mộng cha truyền con nối của Lukashenko tan vỡ

Ngay từ khi lên nắm quyền, Lukashenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích. Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi đang dần tan thành mây khói.

luka1

Ông Alexander Lukashenko và lực lượng an ninh trước Phủ tổng thống Belarus sau cuộc biểu tình tại Minsk, ngày 23/08/2020. Ảnh chụp từ video. © Courtesy of Pool Pervogo/Handout via Reuters TV

Kinh tế Pháp trước dịch bệnh là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều tờ báo Paris hôm nay, 26/08/2020. La Croix nói về trợ giúp của chính phủ Pháp cho các doanh nghiệp trong mùa dịch, Le Figaro nhấn mạnh "Trước Covid, các công ty được kêu gọi hãy lạc quan". Libération chạy tựa "Những gì người dân Pháp chờ đợi" ở tổng thống Macron, Le Monde cho biết "Covid-19 : Lo ngại lại tăng lên tại các viện dưỡng lão". Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến "Một tập đoàn Trung Quốc làm rung chuyển tài chính thế giới".

"Hoàng tử bé" Nikolai có mặt bên tổng thống "trên từng cây số"

Về tình hình Belarus, theo Le Figaro, "Giấc mộng cha truyền con nối của Lukashenko tan vỡ". Đối mặt với những cuộc biểu tình rầm rộ, mưu toan cho con trai cưng Nikolai một ngày nào đó lên nối ngôi của ông Lukashenko đang dần trở thành bất khả thi.

Tờ báo mở đầu bài viết là hình ảnh đầy ấn tượng tối Chủ Nhật tuần trước, sau cuộc biểu tỉnh 100.000 người ở thủ đô Minsk. Tổng thống Alexander Lukashenko bước xuống từ trực thăng, mặc áo giáp, mang súng AK. Nhìn quảng trường Độc Lập, nơi xuất phát cuộc biểu tình nay đã vắng lặng, ông phán : "Chúng nó đã lủi như chuột !". Người ta chú ý đến sự hiện diện của con trai ông là Nikolai, 15 tuổi bên cạnh, cũng đeo một khẩu Kalachnikov.

Nikolai hay còn gọi là "Kolia", "Hoàng tử bé", luôn có mặt bên cạnh cha từ năm lên ba, xuất hiện bên cạnh Obama, Giáo hoàng... Cậu bé tóc vàng này thường được so sánh với hoàng tử William nước Anh. Cùng với video trên đây, Phủ tổng thống còn phổ biến một tấm ảnh khác : Lukashenko ngồi tại một chiếc bàn hội nghị lớn, thành viên tham dự cuộc họp chỉ có tùy viên báo chí của ông và… con trai cưng Kolia.

"Cha dân tộc" và những sắp đặt để truyền lại vương trượng

Chừng như Alexander Lukashenko muốn lập nên một triều đại để trả thù số phận. Sinh năm 1954 tại một ngôi làng nhỏ gần biên giới Nga, Alexander có cha vô danh, mẹ làm việc cho một hãng sữa quốc doanh, ông gắn bó với văn hóa nông trường kiểu Liên Xô. Năm 1975 lên thủ đô theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông để lại vợ con ở tỉnh. Trở thành tổng thống Belarus thời kỳ hậu cộng sản từ năm 1994, Lukashenko vẫn duy trì hệ thống kinh tế chính trị dựa theo mô hình Xô Viết cũ.

Hai vợ chồng ông sống ly thân nhưng chưa hề ly dị. Ngoài hai con trai Viktor và Dimitri, tổng thống có thêm Kolia năm 2004 với một người phụ nữ chưa bao giờ được nêu tên. Người ta cho rằng mẹ của Kolia là Irina Abelskaya, bác sĩ riêng của Lukashenko. Viktor trở thành trợ lý an ninh cho cha, Dimitri lãnh đạo một câu lạc bộ thể thao.

Ngay từ khi lên nắm quyền, Lukashenko tổ chức lại cơ quan an ninh, vẫn giữ tên cũ là KGB. Bằng nhiều cách, từ trấn áp đến việc cho mật vụ xâm nhập, phe đối lập bị chia rẽ và loại khỏi chính trường. Nhiều nhà đối lập bị bắt cóc, ám sát hoặc mất tích - chẳng hạn cựu bộ trưởng Nội Vụ Youri Zakharenko hay Viktor Gontchar, cựu chủ tịch ủy ban bầu cử nắm giữ các bằng chứng gian lận của Lukashenko.

Theo một nhà quan sát, việc "Batka" (Cha dân tộc), tên mà Lukashenko thích được gọi, ông đặt Viktor phụ trách an ninh là để dọn đường cho con trai út Kolia. Lukashenko coi Belarus là sở hữu của mình, và tất nhiên sẽ truyền ngôi cho con. Nhưng giờ đây thậm chí còn chưa thể biết được Kolia có thể yên ổn nhập học vào mùa tựu trường sắp tới hay không.

Cách mạng Belarus có nguy cơ kéo dài

Cũng về Belarus, Libération cho rằng "Cuộc cách mạng ôn hòa có nguy cơ kéo dài". Lukashenko đã đe dọa "lập lại trật tự", và không ai có thể là ngoại lệ, kể cả nhân vật nổi tiếng nhất nước là nhà văn nữ đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015.

Bà Svetlana Alexievitch đã bị công an triệu tập, vì vai trò của bà trong Hội đồng điều phối – định chế của đối lập để tiến hành chuyển đổi dân chủ, bị nghi là âm mưu đảo chính. Hai thành viên khác của Hội đồng bị bắt hôm thứ Hai trong lúc đang đối thoại với công nhân, tương tự với các nhà lãnh đạo phong trào đình công.

Hội đồng điều phối vạch ra một phương án đấu tranh lâu dài, trong đó Hội đồng đại diện hợp pháp của xã hội dân sự. Trước hết là tổ chức trưng cầu dân ý để tái lập Hiến Pháp năm 1994, hạn chế quyền lực tổng thống và giới hạn trong hai nhiệm kỳ. Tiếp đến là thúc đẩy Quốc hội và các đại biểu địa phương từ chức.

Nhà đối lập Navalny bị đầu độc : Đức thêm căng thẳng với Nga

Cũng tại Châu Âu, Le Monde cho biết Đức xác nhận Alexei Navalny bị đầu độc, và nhà đối lập Nga đang được bảo vệ cẩn mật với chế độ yếu nhân.

Theo các bác sĩ Đức, xét nghiệm lâm sàng cho thấy có một chất ức chế thuộc nhóm cholinestérase. Ông Navalny vẫn đang hôn mê suốt năm ngày qua, tình trạng của ông là trầm trọng nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Cụ thể chất độc này là gì thì chưa xác định được, nhưng sẽ để lại di chứng lâu dài, không loại trừ ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Dấu hiệu cho thấy Berlin coi đây là sự kiện nghiêm trọng : các nhân viên của Cơ quan cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) được điều đến để giữ an ninh cho nhà đối lập Nga. Đây là một biệt lệ, vì theo một luật năm 2017, chỉ có các nhân vật trong chính phủ và Quốc hội Đức mới được BKA bảo vệ, và "trong những trường hợp rất đặc biệt", là các "khách mời" của Liên bang. Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi chính quyền Nga khẩn cấp điều tra một cách minh bạch.

Ám sát chính trị tại Nga : Chưa bao giờ "tìm được" thủ phạm

Khi tiếp nhận Alexei Navalny, Đức bỗng dưng ở vị trí tuyến đầu, chỉ vài tháng sau khi Berlin tố cáo Moskva tấn công tin học vào Quốc hội Đức năm 2015 và ám sát một người gốc Tchechenya tại một công viên ở Berlin tháng 8/2019. Đáng chú ý là Bộ Ngoại giao Nga vẫn im lặng trong vụ Navalny, và dù thân nhân nhà đối lập đã kiện ngay nhưng tư pháp Nga vẫn chưa cho mở điều tra.

Từ 20 năm qua dưới chính quyền Putin, các vụ hành hung, ám sát mang tính chính trị nhắm vào các chính khách, nhà báo ở Nga đều có một điểm chung là "không tìm được" thủ phạm. Năm 2007, khi Luân Đôn điểm mặt chỉ tên những kẻ ám hại cựu điệp viên Alexander Litvinenko, Moskva còn tặng cho trưởng nhóm đặc nhiệm chiếc ghế dân biểu. Trường hợp luật sư Serguei Magnitsky bị sát hại trong tù cũng vậy.

Trong những năm gần đây, chế độ Putin còn phát minh ra cách sử dụng các tác nhân tư nhân để có thể phủi tay, đặc biệt là các hoạt động ở nước ngoài. Nhiều nhà quan sát nhắc lại rằng, khi tố cáo tham nhũng trong giới ăn trên ngồi trốc, Navalny đã tạo ra một danh sách dài những kẻ thù. Trong số đó có những đại gia nổi tiếng về bạo lực như Evgueni Prigojine, liên quan đến các mạng lưới tung tin giả và lực lượng lính đánh thuê Wagner. Trong quá khứ, tên ông ta đã từng được nêu ra trong vụ đầu độc người chồng của một cộng sự viên thân cận với Navalny.

Bầu cử Mỹ : Loạt pháo của Cộng hòa nã vào phe Dân chủ

Liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Les Echos nhận định "Đảng Cộng hòa nã pháo vào đối thủ Dân chủ".

Đại hội đảng Cộng hòa khai mạc hôm thứ Hai tại Charlotte, Bắc Carolina, cũng phong phú và đầy ngạc nhiên như nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Ông Trump mỗi ngày đều xuất hiện cho đến khi đọc bài diễn văn chấp nhận đề cử vào ngày cuối cùng của Đại hội, tại Nhà Trắng. Cho dù những người có trách nhiệm trong đảng khẳng định Đại hội sẽ mang lại thông điệp tích cực, khác với "Đại hội đám tang" của Dân chủ, bài nói chuyện của Donald Trump và các diễn giả khác chủ yếu nhắm vào Joe Biden.

Ông Trump tái xác nhận ý muốn hạn chế tối đa việc bỏ phiếu qua bưu điện, cho rằng đó là "vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ" vì dễ gian lận. Ông phê phán hành động của các thống đốc và thị trưởng Dân chủ trong đại dịch "muốn đóng cửa đất nước để số liệu kinh tế trở nên u ám", và khẳng định cuộc bầu cử ngày 03/11 là "quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Donald Jr đả kích "các vụ nổi dậy, cướp bóc, phá hoại mà Biden và Dân chủ nói là biểu tình ôn hòa". Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley so sánh kết quả hoạt động "mạnh mẽ, thành công" của tổng thống với những "yếu kém, thất bại" của cựu phó tổng thống. Đồng thời phản bác luận điệu của Dân chủ "Nước Mỹ chưa bao giờ là một đất nước kỳ thị". Tim Scott, thượng nghị sĩ da đen duy nhất trong đảng Cộng hòa chê trách phát biểu trước đây của ông Biden, rằng nếu một người da đen không bầu cho ông ta thì không phải là người da đen thực thụ. Một khuôn mặt rất được chờ đợi trong lần phát biểu tới là Melania Trump, đệ nhất phu nhân vô cùng kín tiếng.

Bản án tử hình của Mỹ dành cho Hoa Vi

Trong bài "Hoa Vi và ZTE xuống dốc ngay tại Hoa lục", Les Echos cho biết trước các trừng phạt của Washington, hai tập đoàn Trung Quốc phải tìm cách giảm bớt sự hiện diện của công nghệ Mỹ trong sản phẩm.

Nỗ lực của Washington ngăn chặn tham vọng Bắc Kinh trong công nghệ 5G đã gây thiệt hại nặng nề. Hoa Vi (Huawei) và ZTE, hai tập đoàn viễn thông mới đây đành phải hãm lại nhịp độ lắp đặt các trạm 5G và yêu cầu các nhà cung ứng giao nguyên vật liệu ít đi. Mục tiêu là giảm tối đa vật liệu và công nghệ Mỹ, vì Washington không ngừng siết lại gọng kềm.

Chiến dịch tấn công vào Hoa Vi của tổng thống Donald Trump đã mang lại kết quả. Sau Úc, New Zealand, Nhật, Anh, đến lượt Ấn Độ loại Hoa Vi ra khỏi mạng 5G, nhưng một cách âm thầm (như Pháp) : bí mật yêu cầu các công ty Ấn không sử dụng. Một tin rất xấu, vì Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh thứ nhì thế giới với 850 triệu khách hàng.

Ngoài việc gây áp lực lên các đồng minh, Hoa Kỳ còn đánh vào tận gốc : cấm Hoa Vi mua các chip điện tử nếu trong đó có công nghệ và phần mềm của Mỹ. Tuần trước Mỹ còn cho thêm 38 chi nhánh của Hoa Vi vào danh sách đen để chận trước việc tập đoàn này né trừng phạt. Dan Wang, công ty tư vấn Gavekal ở Bắc Kinh nhìn nhận "Chính phủ Mỹ đã kết án tử cho Hoa Vi". Như vậy "Hoa Vi sẽ không còn là sản xuất thiết bị mạng 5G và điện thoại thông minh, một khi vật liệu tồn kho cạn kiệt vào đầu năm tới".

Vì sao công nghệ Trung Quốc không thể phổ biến toàn cầu ?

Nhìn chung trong ngành công nghệ, Les Echos đặt vấn đề, vì sao BATX (Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi), bốn tập đoàn lớn của Trung Quốc tương đương với GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) của Mỹ không thể bước ra ngoài biên giới để trở thành tên tuổi quốc tế ? Trong khi Alibaba có trị giá thậm chí gấp ba Amazon trên thị trường chứng khoán.

Theo chuyên gia François Godement, một phần do văn hóa, nhưng chủ yếu vì thị trường đã bão hòa. Nhiều nền tảng công nghệ Trung Quốc thực chất là cóp lại phiên bản Mỹ, và khi các sản phẩm này xuất hiện trên thị trường Châu Âu chẳng hạn, thì người tiêu dùng không việc gì phải cài đặt WeChat trong khi đang sử dụng WhatsApp rất tốt.

Riêng TikTok, từ 2018 trở thành ứng dụng ưa thích của giới trẻ nhiều nước, có hy vọng quốc tế hóa, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Hoa Kỳ và Ấn Độ ra lệnh cấm sử dụng : thêm hai cây gậy mới thọc vào bánh xe, con đường bước ra thế giới của công nghệ Trung Quốc hãy còn dài dằng dặc.

Thụy My

Published in Quốc tế

Covid-19 : Thế giới chưa dập xong đã lo dịch trở lại

Thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với đại dịch virus corona, dịu xuống ở nơi này nhưng lại bùng lên trở lại ở nơi khác. Làn sóng chống chính quyền của tổng thống Belarus Lukashenko ngày thêm sôi sục. Donald Trump chính thức được chỉ định là ứng viên đảng Cộng hòa ra tái tranh cử tổng thống… Đó là thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay 25/08/2020 tập trung phản ánh.

vaccin1

Vac - xin chống covid-19.  Reuters

Trận đại dịch Covid-19 đến nay đã kéo dài hơn nửa năm nhưng chưa biết đến bao giờ mới kết thúc đang thực sự là mối lo lớn của cả thế giới. Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Thế giới cố tránh đại dịch bùng lên lại". Tờ báo ghi nhận, "trong lúc tình hình có vẻ như đang được cải thiện tại Mỹ thì ở đa số các nước Châu Âu, sau thời gian lắng dịu chút ít trong mùa hè, giờ đây các ca nhiễm mới tăng trở lại".

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở Tây Ban Nha và Bỉ. Cơ quan y tế ở những nước này đang lo sợ trong những tháng tới lại xuất hiện là sóng ồ ạt các bệnh nhân Covid-19 mới. Ngay cả ở bán cầu nam, nơi đang là mùa đông, các nước như Úc hay New Zealand đã thấy có dấu hiệu dịch bùng phát lại. Le Figaro ghi nhận thực tế này qua các bài : "Tây Ban Nha một lần nữa trên tuyến đầu", "Cả mùa hè, Bỉ sống trong các hạn chế",  "New Zealand : Covid xuất hiện lại sau 3 tháng không có ca nhiễm" hay tại Úc chính quyền liên tiếp ban hành các biện pháp phòng dịch mãn tính, kể cả áp dụng phong tỏa trở lại hay lệnh giới nghiêm, đóng cửa biên giới, cấm rời khỏi địa phương… đối với một số nơi như thành phố Melbourne.

Le Figaro nêu ra các số liệu thống kê : Đến giờ trận đại dịch đã làm 800.000 người thiệt mạng và 25 triệu người nhiễm virus Sars-CoV-2 trên toàn cầu. Phát hiện ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, căn bệnh dịch tai ác này giờ đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên bản đồ dịch được Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cập nhật, ngay cả đảo băng giá Greenland xa xôi, dân cư thưa thớt, ít người qua lại, cũng có tới 14 ca nhiễm. Như vậy là ở đâu có người sống là ở đó có Covid. Châu Âu, tưởng như tình hình vừa được kiểm soát, giờ lại bùng lên khiến châu lục này lo ngại phải phong tỏa trở lại.

Tờ báo ghi nhận : "Hầu như khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, các biện pháp phòng chống dịch sau thời gian hè được nới lỏng nay lại liên tiếp tăng cường".  Hy vọng duy nhất lúc này chỉ còn trông chờ vào sự xuất hiện của vac-xin phòng ngừa Covid-19. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới tỏ hy vọng "đại dịch sẽ có thể kết thúc trong chưa đầy 2 năm". Hy vọng này chủ yếu dựa trên viễn cảnh ra đời của vac-xin.

Belarus : Tổng thống cầm súng dọa ai ?

Chuyển qua thời sự chính trị đang nóng tại Belarus, nhật báo Le Monde chạy tựa chính : "Tại Belarus : Dân chúng kháng cự lại đe dọa của chế độ".

Tờ báo trở lại với các cuộc biểu tình lớn của hàng chục nghìn người tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố khác của Belarus hôm Chủ nhật vừa qua, đòi tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức. Đáp lại, chế độ chuyên chế biểu dương sức mạnh, cho triển khai lực lượng an ninh và bắt đầu tấn công những người đình công.

Nếu như trước bầu cử, lớn tiếng tố cáo Moskva can thiệp gây mất ổn định Belarus, thì giờ đây tổng thống Lukashenko quay sang dựa dẫm hoàn toàn vào Nga đồng thời lên án NATO có ý đồ can thiệp.

Châu Âu không khoanh tay đứng nhìn ?

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus, Le Monde có bài xã luận kêu gọi "Châu Âu phải có vai trò tại Belarus". Theo Le Monde, hai hình ảnh có thể tóm lược tình hình tại Belarus hôm Chủ nhật 23/08 đó là : Nhìn từ trên không, một biển người ở trung tâm thủ đô Minsk biểu tình ôn hòa. Bên cạnh đó là hình ảnh của tổng thống, ông Alexander Lukashenko xuất hiện trong bộ đồ màu đen, bó mình trong chiếc áo giáp chống đạn, tay cầm khẩu tiểu liên, "một hình ảnh tuyệt giao với nhân dân.

Với Le Monde, cuộc biểu tình đông đảo hôm Chủ nhật tại thủ đô cũng như nhiều thành phố khác của Belarus là một trắc nghiêm cho thấy : Bất chấp trấn áp bạo lực trong những ngày đầu, dân chúng vẫn được huy động một cách rất mạnh mẽ. Họ tiếp tục đòi tổng thống từ chức và bầu cử tự do.

Xã luận của Le Monde cho rằng, 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, vốn luôn bảo vệ giá trị dân chủ, chỉ có thể đoàn kết tương trợ một phong trào đông đảo và chính đáng như vậy.

Tuy nhiên Liên Hiệp Châu Âu muốn tránh lặp lại kịch bản Ukraine năm 2014. Nhưng tình hình ở Belarus có khác, theo Le Monde. Khác với Ukraine, người biểu tình Belarus không đòi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và không hề giương khẩu hiệu thù địch nào với Nga. Yêu sách của họ rõ ràng : Thả tù chính trị, tổng thống Lukashenko từ chức, tố chức lại bầu cử.

Trước thái độ khước từ của ông Lukashenko, Liên Âu quay sang nói chuyện với tổng thống Putin nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Theo Le Monde, đây là động thái thực dụng nhưng cần phải biết : "Ông Putin hoàn toàn có thể nói chuyện với Liên Hiệp Châu Âu mà vẫn hậu thuẫn ngầm cho chế độ Belarus hiện nay". Trước một cuộc khủng hoảng mới ở biên giới của mình, "Liên Hiệp Châu Âu phải kiên quyết với đòi hỏi Lukashenko từ chức đồng thời ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus, nhưng vẫn tránh rơi vào bẫy can thiệp trực tiếp, dẫn đến xung đột triền miên hay một thỏa hiệp giúp cho Moskva khẳng định lại sự chi phối với Belarus"

Navalny bị đầu độc, tổng thống Putin mất chút uy tín còn lại ở Đức

Cũng liên quan đến Nga, báo Le Figaro loan báo, nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, theo khẳng định của các bác sĩ của bệnh viện Berlin đang điều trị cho ông.  

Hôm qua bệnh viện Berlin đã ra thông cáo chính thức khẳng định Alexei Navalny bị đầu độc và kết quả phân tích của những phòng thí nghiệm độc lập khác nhau đều cho kết quả giống nhau.

Sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn khi ngay trong ngày, thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng "kêu gọi các cơ quan chính quyền tại Nga phải khẩn cấp giải quyết vụ việc này một cách chi tiết nhất và minh bạch". Theo Le Figaro, tuyên bố gay gắt hiếm thấy của bà thủ tướng Đức, một người vẫn rất thận trọng và chừng mực trong việc bày tỏ lập trường. Bà Merkel lên tiếng sau khi lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell kêu gọi Moskva "điều tra độc lập minh bạch về vụ đầu độc".

Tờ báo Pháp bình luận : Trong vụ việc này, ông Putin đã phung phí chút vốn liếng ít ỏi về lòng tin còn lại ở bà thủ tướng Đức, kể từ sau vụ Quốc hội Đức bị tin tặc nghi của Nga tấn công hay vụ ám sát một nhà đối lập Gruzia trong một công viên ở thủ đô Berlin cách đây một năm. Tuy nhiên lâu nay, vì mục tiêu lớn khác, bà Angela Merkel vẫn có vẻ cả nể với ông Vladimir Putin. Vụ việc này như giọt nước làm tràn ly, bà Merkel không thể kiên nhẫn được hơn.

Trung Quốc mở chiến dịch ngoại giao quyến rũ Châu Âu

Về thời sự liên quan đến Châu Á, nhật báo công giáo La Croix chú ý đến chuyến công du một loạt nước Châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Sự kiện được tờ báo nhìn nhận là "Trung Quốc mở cuộc tấn công quyến rũ tại Châu Âu".

Vòng công du kéo dài 1 tuần của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc bắt đầu từ hôm nay (25/08), đến Ý, qua Pháp, Đức, Hà Lan và Na Uy, mục tiêu, theo La Croix là để "đánh bóng lại hình ảnh đã trở nên rất xấu của Trung Quốc từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán".

Tờ báo ghi nhận, sau nhiều tháng Trung Quốc sử dụng các phương pháp ngoại giao hung hăng trên mạng xã hội giữa đại dịch, cảm thấy phản tác dụng, giờ đây Bắc Kinh thay đổi chiến thuật quay sang nhún nhường.

Tờ báo trích nhà nghiên cứu Trung Quốc người Bỉ, Philippe Paquet phân tích : "Dù người ta không biết hết các chi tiết của chuyến công du và cốt lõi của nó, rõ ràng đây là chiến dịch quyến rũ cố gắng sửa chữa những hình ảnh của Trung Quốc đã sứt mẻ liên tục từ khi đại dịch Covid 19, bằng cách làm thế giới quên đi trách nhiệm của Trung Quốc trong trận dịch toàn cầu này".

Giới phân tích đều chung quan điểm là hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi chưa từng thấy, nhất là ở phương Tây từ khi nổ ra đại dịch. Theo La Croix, một cuộc thăm dò dư luận tại Pháp cho thấy, gần 70% người được hỏi đều có cảm nhận về Trung Quốc xấu hơn trước đại dịch virus corona. Ngay cả ở Ý, nước đã ký nhiều hợp đồng trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc và đã được sự giúp đỡ ồ ạt của Trung Quốc khi bị vỡ trận Covid-19, 80% người dân Ý giờ đây không có cái nhìn tích cực về Trung Quốc.

"Châu Âu đang đứng trước khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trong vì Covid-19, vẫn còn chưa kiểm soát được dịch. Tại lục địa này, không ai quên được là dịch bắt nguồn từ Trung Quốc. Còn lại chờ xem liệu Liên Hiệp Châu Âu, từ nhiều năm qua vẫn coi Trung Quốc là 'đối thủ hệ thống', có thành công tạo được mặt trận chung đối lại với một Trung Quốc bá quyền hơn bao giờ hết", La Croix kết luận.

Anh Vũ

Published in Quốc tế

Người biu tình Belarus thách thc quân đi, tp trung gn dinh tng thng

VOA, 25/08/2020

Hàng chc nghìn người biu tình yêu cu nhà lãnh đo Belarus Alexander Lukashenko t chc bt chp cnh báo t quân đi hôm 23/8 và tràn vào th đô Minsk, tp trung gn tư dinh ca tng thng trước khi gii tán mt cách ôn hòa.

bela1

Người biu tình đi lp diu hành phn đi kết qu bu c tng thng gây tranh cãi ca Belarus Minsk hôm 23/8. H yêu cu nhà lãnh đo Alexander Lukashenko t b quyn lc và t chc bu c mi.

Nhà lãnh đo k cu Lukashenko gi nhng người biu tình là "lũ chut" và được thy xut hin trong các đon video trên truyn thông nhà nước trong trang phc áo giáp vi khu súng trường trên tay, to ra mt hình nh kiên cường gia lúc các cuc biu tình ln trên toàn quc n ra sau cuc bu c gây tranh cãi vào ngày 9/8.

Các cuc biu tình đưa đến thách thc ln nht cho 26 năm cm quyn ca ông Lukashenko và th thách lòng trung thành ca lc lượng an ninh ca ông.

Các đường ph ca Minsk chuyn sang màu đ và trng khi nhng người biu tình mang theo c tượng trưng cho s phn đi ca h đi vi ông Lukashenko và hô vang li kêu gi ông ri b quyn lc và t chc các cuc bu c mi.

Ông Lukashenko, mt cu trùm hp tác xã nông nghip nhà nước ca Liên Xô cũ, được thy trong đon video ca truyn thông nhà nước trên chiếc trc thăng bay trên đu các cuc biu tình trước khi h cánh xung nơi ca ông và sau đó xut hin trong b áo giáp vi khu súng trường trên tay.

Mt s người biu tình bên dưới hô vang "hèn nhát" khi mt chiếc trc thăng bay ra khi tư dinh ca tng thng, theo nhân chng ca Reuters cho biết.

Sau đó, mt đon video được truyn thông nhà nước công b cho thy ông Lukashenko đi ti ch cnh sát chng bo đng bên ngoài nơi ca mình và cm ơn h, vi tiếng v tay t các nhân viên an ninh.

Đây là ln đu tiên, trong các cuc biu tình din ra trong tháng này, nhng người biu tình đã đến gn ca tòa tư dinh ca tng thng. Vic tiếp cn toà tư dinh din ra sau khi mt đám đông, mà nhân chng ca Reuters ước tính lên ti 200.000 người, tp hp trung tâm Minsk vào cui tun ln th hai liên tiếp.

Đám đông bt đu gii tán vào đu gi ti. Reuters chng kiến không có v đng đ nào gia nhng người biu tình vi cnh sát.

"Chúng tỏa ra như lũ chut", ông Lukashenko nói, trong mt video clip do hãng tin Belta công b, khi ông trên chiếc trc thăng lúc bay trên đu nhng người biu tình.

Đài truyn hình nhà nước Belarus cho biết 20.000 người đã tham gia cuc biu tình.

Các cuc biu tình n ra sau các tuyên b ca ông Lukashenko v mt chiến thng áp đo trong cuc bu c vào ngày 9/8, dưới s kêu gi ca ng c viên đi lp Sviatlana Tsikhanouskaya, mt cu giáo viên đã thay thế v trí ca chng bà, hin đang b giam trong tù, trong cuc bu c.

Trước nhng li đe da đến s an toàn bn thân, bà Tsikhanouskaya b trn sang nước láng ging Lithuania.

Nga, đng minh truyn thng ca Belarus, đã đưa ra mt s bình lun mnh m nht hôm 23/8, nhm ch trích vào bà Tsikhanouskaya.

Ngoi trưởng Sergei Lavrov cho biết nhng tuyên b ca bà Tsikhanouskaya nhm gi ti phương Tây.

Hãng thông tn RIA trích li ông Lavrov nói rng : "Có v như... bà y đã bt đu đưa ra nhng tuyên b chính tr, nhng tuyên b gay gt, đòi các cuc xung đường, đình công, biu tình".

Ông Lavrov mô t chương trình ngh s chính tr ca bà Tsikhanouskaya đi lp vi tính xây dng, và thay vào đó tp trung vào vic gây ra s mt đoàn kết bng cách to ra tinh thn chng Nga cũng như bóp chết ngôn ng và văn hóa Nga, đng thi hướng ti vic gia nhp Liên minh Châu Âu và NATO.

Bà Tsikhanouskaya, người nói tiếng Nga khi nhà, cho biết bà mun thy Belarus duy trì quan h cht ch vi Nga, nhưng Belarus nên gi đc lp và không hi nhp sâu hơn vào Nga.

Ngoi trưởng Lavrov nói rng bng cách kêu gi ông Lukashenko t chc, nhng người biu tình đang thúc đy mt cuc khng hong kiu Venezuela.

Theo Reuters

*********************

Belarus : Lukashenko chọn đối đầu, xuất hiện với áo giáp và súng AK

RFI, 24/08/2020

Trước phong trào phản kháng vẫn luôn mạnh mẽ ở Belarus với hàng trăm ngàn người xuống đường hôm qua 23/08/2020, tổng thống Alexandre Lukashenko chọn lựa đối đầu, bất chấp nguy cơ kéo đất nước vào vòng xoáy bạo lực.

bela2

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, mặc quân phục màu đen, tay cầm sung AK khi đến tư dinh tại Minsk, ngày 23/08/2020. Ảnh chụp lại từ video do Belta, hãng thông tấn Nhà nước, công bố.  AFP

Video được Phủ tổng thống đăng trên Telegram tối qua cho thấy trực thăng chở ông Lukashenko hạ cánh trước Phủ tổng thống, trong khi các cuộc biểu tình rầm rộ của đối lập đang diễn ra cách đó không xa. Tổng thống xuất hiện với khẩu súng Kalachnikov trên tay, mặc áo giáp bên ngoài trang phục màu đen, con trai ông 15 tuổi mặc quân phục.

Chừng như Lukashenko quyết tâm "tiêu thổ kháng chiến" để giữ ghế : ông cảnh báo những nhà máy nào đình công sẽ bị đóng cửa. Một số công nhân đình công bị sa thải, kết quả là số người đình công giảm dần. Để thay thế các thợ mỏ của Belaruskali, Lukashenko thông báo sẽ đưa đến "những người Ukraine", các nhà báo đình công được thay bằng các "chuyên gia Nga".

Hôm 21/08, Lukashenko khẳng định sẽ tái lập trật tự. Những vụ bắt bớ tái diễn trong những ngày gần đây, các thành viên của Hội đồng điều phối do đối thủ Svetlana Tikhanovskaia đang lưu vong lập ra bị khởi tố. Sáng qua bộ trưởng Quốc Phòng đe dọa sẽ gởi quân đội đến hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát chống bạo động.

Nắm quyền suốt 26 năm qua, Alexandre Lukashenko, 65 tuổi, hứa hẹn sẽ "giải quyết rốt ráo" phong trào phản kháng mà ông cáo buộc là do âm mưu của phương Tây. Tổng thống đặt quân đội trong tình trạng báo động, với cớ NATO đang giựt dây từ bên ngoài biên giới Belarus.

Trong khi đó, hôm qua, 23/08/2020, là Chủ Nhật lần thứ hai liên tiếp, tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố lớn của Belarus, đông đảo người dân xuống đường phản đối tổng thống Lukashenko, duy trì áp lực đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống, bị cáo buộc gian lận.

Người dân tại các nước láng giềng Baltic, Litva, Estonia, Latvia, cũng xuống đường đông đảo để ủng hộ cuộc tranh đấu của người Belarus. Người biểu tình xếp thành chuỗi người dài hàng chục cây số, như cách đây đúng 31 năm.

Tại Litva, khoảng 50.000 người nắm tay nối liền thành chuỗi, từ thủ đô Vilnius đến sát biên giới với Belarus. Thông tín viên Marielle Vitureau từ Litva gửi về bài phóng sự :

"Nhìn từ trên cao xuống, con đường Tự Do chỉ còn là một chuỗi dài hai màu trắng – đỏ. Quần áo, cờ, hoa : tất cả đều mang màu biểu tượng của cuộc đấu tranh phản kháng của người Belarus. Trong dòng người, Margarita nắm tay con gái. Bà cho biết : người dân tại Minsk hãy nhớ rằng chính chúng tôi cũng đã trải qua các thử thách như vậy, và chúng tôi đã chiến thắng. 

Cách nay 31 năm, người dân Baltic đã tay nắm tay, nối thành một chuỗi dài, nối liền Vilnus cho đến tận Talinn, thủ đô Estonia. Kasparas cũng đã từng có mặt trong chuỗi người năm đó. Đối với ông, có mặt ngày hôm nay trên con đường mang tên Tự Do này là một vấn đề có ý nghĩa an ninh. Ông nói : thật khó mà chấp nhận được việc những người biểu tình ở Belarus bị đàn áp. Nếu hai nước Nga và Belarus tập hợp lại, chúng tôi sẽ hoàn toàn bị một Nhà nước khủng bố bao vây. 

Vào 19 giờ, người dân Litva biểu tình hát vang bài quốc ca và vỗ tay. Đối với ông Vadzim Vileita, người Belarus, sinh sống từ lâu tại Litva, đây là một ngày có ý nghĩa lịch sử. Ông nói : trong mắt những người dân ở đây, chúng tôi không còn là thành phần thân Nga, cũng không còn là chế độ độc tài Xô Viết nữa, quan hệ giữa các nước láng giềng chúng ta sẽ sớm được cải thiện. Nhiều người Litva và Belarus hy vọng như vậy, trong lúc tình hình tại Minsk vẫn còn bất ổn".

Về phía Châu Âu, hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell, cảnh báo nguy cơ Belarus trở thành một "Ukraine thứ hai" và cho rằng cần tiếp tục "đối thoại" với tổng thống Lukashenko, vì "hiện tại họ đang kiểm soát chính quyền…cho dù chúng ta không công nhận tính chính đáng dân chủ của họ".

Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hôm thứ Bảy, 22/08/2020, đề xuất đứng ra làm trung gian đàm phán giữa chính quyền của tổng thống Lukashenko và phe đối lập.

Thụy My – Trọng Thành

Published in Quốc tế

Phản kháng tại Belarus : Đối lập hy vọng 100.000 người xuống đường

RFI, 23/08/2020

Áp lực đòi tổng thống Lukashenko từ chức bước sang ngày thứ 15. Theo kế hoạch, nhiều cuộc tuần hành ôn hoà diễn ra tại các thành phố lớn và nhất là tại Minsk cho dù bị đe dọa. Đối lập chờ đợi ít nhất 100.000 người tham gia phản kháng trong ngày Chủ Nhật 23/08/2020, tái lập kỷ lục cuối tuần trước.

belarus1

Biểu tình chống tổng thống Lukashenko tại Quảng Trường Độc Lập ở Minsk (Belarus) ngày 23/08/2020. Reuters – Vasily Fedosenko

Hôm nay là một ngày căng thẳng tại Belarus. Nhiều cuộc biểu tình lớn được dự trù diễn ra trên khắp nước với cuộc mít-tinh quan trọng tại thủ đô. Theo AFP, ngày hành động hôm nay diễn ra trong bầu không khí lo âu. Tổng thống Lukashenko nhất định bám quyền và tuyên bố với lời lẽ đe dọa sẽ "giải quyết vấn đề" phong trào phản kháng.

Phía đối lập cũng rất kiên quyết. Đây là lần đầu tiên cuộc biểu tình được huy động theo lời kêu gọi của Svetlana Tikhanovskaya, nữ ứng cử viên đối thủ của Lukashenko, người phụ nữ can đảm thách thức và phủ nhận kết quả chính thức. Từ nơi tạm lánh nạn ở Litva, bà tuyên bố là chế độ Lukashenko phải hiểu rằng đối lập không phải "một" phong trào phản kháng mà chính là "toàn dân" Belarus : "Chúng tôi đã chiếm đa số, chúng tôi không đi đâu cả, chúng tôi đã hết sợ bọn họ".

Đối với tổng thống Lukashenko thì phong trào đối lập do bàn tay nước ngoài kích động. Ngày hôm qua, ông đến biên giới Ba Lan, ra lệnh cho quân đội "đề phòng xâm lăng". Tuyên bố này cũng như lời đe dọa "giải quyết vấn đề" gây lo ngại là chính quyền sẽ ra tay đàn áp ngày động viên của đối lập.

Hãng Reuters cho biết thêm là lãnh đạo đối lập Belarus, bà Svetlana Tikhanovskaya sẽ gặp thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen Biegun vào ngày mai tại Vilnius.

Như tin RFI đã loan hôm qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Stephen Biegun sẽ đến thủ đô Vilnius của Lítva vào thứ Hai 24/08 trước khi lên đường sang Moskva tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Belarus.

Tú Anh

************************

Phe đối lập Belarus có cuộc tuần hành khổng lồ, bất chấp lệnh cấm

BBC, 23/08/2020

Những người ủng hộ phe đối lập tại Belarus có cuộc tuần hành khổng lồ tại thủ đô Minks, hai tuần sau kỳ bầu cử gây tranh cãi với kết quả Tổng thống Alexander Lukashenko giành được một nhiệm kỳ nữa.

Mọi người kéo vào quảng trường trung tâm, bất chấp sự hiện diện dày đặc của cảnh sát.

Những người biểu tình nói rằng ông Lukashenko đã đánh cắp cuộc bầu cử, và đòi ông phải từ chức.

Tổng thống tuyên bố sẽ dập tắt tình trạng nổi dậy. Trước đó, ông nói sự bất mãn là do "những lực lượng cách mạng được nước ngoài hậu thuẫn" gây ra.

Các cuộc biểu tình gần đây đã bị đàn áp, với ít nhất bốn người thiệt mạng. Người biểu tình nói rằng họ đã bị tra tấn trong tù.

Theo kết quả chính thức, ông Lukashenko, người đã nắm quyền tại Belarus suốt 26 năm qua, giành được hơn 80% số phiếu trong kỳ bầu cử hôm 9/8, và lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya được 10%.

Kỳ bầu cử diễn ra mà không có sự theo dõi của các nhà quan sát độc lập, và phe đối lập nói đã có tình trạng gian lận phiếu bầu lan tràn.

Bà Tikhanovskaya, người buộc phải phải bỏ chạy sang quốc gia Lithuania láng giềng ngay trong hôm đầu tiên sau kỳ bầu cử, tuyên bố sẽ quyết tâm phản đối đến cùng.

Chuyện gì đang xảy ra tại Minsk ?

Hàng chục ngàn người, từ người già cho tới trẻ nhỏ, đã tụ tập tại Quảng trường Độc lập hôm thứ Bảy.

Nhiều người mang theo cờ trắng đỏ hoặc hoa trắng và hô to "Tự do" cùng các khẩu hiệu chống chính phủ.

Cảnh sát chống bạo động vào vị trí ở các khu vực gần quảng trường, dùng loa phóng thanh phát đi lời cảnh cáo rằng cuộc biểu tình là bất hợp pháp.

Bộ trưởng quốc phòng ra tuyên bố trong đó nhắc tới những hy sinh của Belarus trong thời Đại Chiến Thế giới lần Hai, và nói quân đội sẽ chiếm quyền bảo vệ các tượng đài ngày kỷ niệm cuộc chiến.

Cuộc tuần hành dịp cuối tuần này diễn ra sau cuộc biểu tình lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại tại Belarus hôm Chủ Nhật tuần trước, khi hàng trăm ngàn người xuống phố.

Việc bãi công tại các nhà máy then chốt trên toàn quốc cũng đang gây áp lực lên tổng thống.

Ông Lukashenko nói gì ?

Vị tổng thống 65 tuổi nói rằng ông đã thắng cử một cách công bằng, và quyết định sẽ tổ chức một kỳ bỏ phiếu nữa.

Hôm thứ Bảy, ông cáo buộc Nato là "tìm cách lật đổ giới chức" và dựng lên một tổng thống mới tại Minsk.

Ông nói ông đang chuyển lính tới các khu vực biên giới phía tây của Belarus để đối phó với việc Nato tăng cường hoạt động quân sự tại Ba Lan và Lithuania, và nói ông quyết tâm "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta".

belarus3

Tổng thống Alexander Lukashenko nói đã chuẩn bị đưa lực lượng quân đội ra khu vực biên giới giáp Ba Lan

Nato đáp trả rằng khối này không tạo mối đe dọa nào "đối với Belarus hay bất kỳ nước nào khác", và "không có chuyện tăng hoạt động quân sự trong khu vực" .

"Chế độ này đang nỗ lực đẩy sự chú ý ra khỏi các vấn đề nội bộ của Belarus bằng mọi giá với việc ra những tuyên bố hoàn toàn vô căn cứ về những mối đe dọa tưởng tượng từ bên ngoài," Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói với hãng tin AFP hôm thứ Bảy.

Ông Lukashenko cũng cáo buộc một hội đồng đối lập - do bà Tikhanovskaya thành lập nhằm tổ chức việc chuyển giao ôn hòa - là tìm cách nắm quyền. Hai thành viên của hội đồng này đã bị cảnh sát thẩm vấn hôm thứ Sáu.

Belarus : một số thông tin chính

Belarus nằm ở đâu ? Nước này giáp biên với Nga - quốc gia từng gây ảnh hưởng to lớn tới Minsk - ở phía đông và Ukraina ở phía nam. Phía bắc và tây giáp với các thành viên EU đồng thời là thành viên Nato, gồm Latvia, Lithuania và Ba Lan.

belarus4

Tại sao xảy ra chuyện ? Giống như Ukraina, quốc gia có 9,5 triệu dân này bị ảnh hưởng trong cuộc cạnh tranh giữa phương Tây và Nga. Tổng thống Lukashenko, đồng minh của Nga và từng bị gọi là "nhà độc tài cuối cùng của Châu Âu", đã nắm quyền 26 năm và nắm giữ gần như toàn bộ nền kinh tế đất nước. Ông dùng việc kiểm duyệt cùng lực lượng cảnh sát để đàn áp các phe đối lập.

Chuyện gì đang diễn ra ? Hiện đang có phong trào phản đối khổng lồ, theo đó đòi phải có hàng ngũ lãnh đạo mới, dân chủ, và phải có cải tổ kinh tế. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Lukashenko nói rằng sự cứng rắn của ông đã giúp cho đất nước được ổn định.

Published in Quốc tế
Trang 1 đến 2