Người biểu tình Belarus thách thức quân đội, tập trung gần dinh tổng thống
VOA, 25/08/2020
Hàng chục nghìn người biểu tình yêu cầu nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko từ chức bất chấp cảnh báo từ quân đội hôm 23/8 và tràn vào thủ đô Minsk, tập trung gần tư dinh của tổng thống trước khi giải tán một cách ôn hòa.
Người biểu tình đối lập diễu hành phản đối kết quả bầu cử tổng thống gây tranh cãi của Belarus ở Minsk hôm 23/8. Họ yêu cầu nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko từ bỏ quyền lực và tổ chức bầu cử mới.
Nhà lãnh đạo kỳ cựu Lukashenko gọi những người biểu tình là "lũ chuột" và được thấy xuất hiện trong các đoạn video trên truyền thông nhà nước trong trang phục áo giáp với khẩu súng trường trên tay, tạo ra một hình ảnh kiên cường giữa lúc các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc nổ ra sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào ngày 9/8.
Các cuộc biểu tình đưa đến thách thức lớn nhất cho 26 năm cầm quyền của ông Lukashenko và thử thách lòng trung thành của lực lượng an ninh của ông.
Các đường phố của Minsk chuyển sang màu đỏ và trắng khi những người biểu tình mang theo cờ tượng trưng cho sự phản đối của họ đối với ông Lukashenko và hô vang lời kêu gọi ông rời bỏ quyền lực và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Ông Lukashenko, một cựu trùm hợp tác xã nông nghiệp nhà nước của Liên Xô cũ, được thấy trong đoạn video của truyền thông nhà nước trên chiếc trực thăng bay trên đầu các cuộc biểu tình trước khi hạ cánh xuống nơi ở của ông và sau đó xuất hiện trong bộ áo giáp với khẩu súng trường trên tay.
Một số người biểu tình ở bên dưới hô vang "hèn nhát" khi một chiếc trực thăng bay ra khỏi tư dinh của tổng thống, theo nhân chứng của Reuters cho biết.
Sau đó, một đoạn video được truyền thông nhà nước công bố cho thấy ông Lukashenko đi tới chỗ cảnh sát chống bạo động bên ngoài nơi ở của mình và cảm ơn họ, với tiếng vỗ tay từ các nhân viên an ninh.
Đây là lần đầu tiên, trong các cuộc biểu tình diễn ra trong tháng này, những người biểu tình đã đến gần cửa tòa tư dinh của tổng thống. Việc tiếp cận toà tư dinh diễn ra sau khi một đám đông, mà nhân chứng của Reuters ước tính lên tới 200.000 người, tập hợp ở trung tâm Minsk vào cuối tuần lần thứ hai liên tiếp.
Đám đông bắt đầu giải tán vào đầu giờ tối. Reuters chứng kiến không có vụ đụng độ nào giữa những người biểu tình với cảnh sát.
"Chúng tỏa ra như lũ chuột", ông Lukashenko nói, trong một video clip do hãng tin Belta công bố, khi ông ở trên chiếc trực thăng lúc bay trên đầu những người biểu tình.
Đài truyền hình nhà nước Belarus cho biết 20.000 người đã tham gia cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình nổ ra sau các tuyên bố của ông Lukashenko về một chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào ngày 9/8, dưới sự kêu gọi của ứng cử viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, một cựu giáo viên đã thay thế vị trí của chồng bà, hiện đang bị giam trong tù, trong cuộc bầu cử.
Trước những lời đe dọa đến sự an toàn bản thân, bà Tsikhanouskaya bỏ trốn sang nước láng giềng Lithuania.
Nga, đồng minh truyền thống của Belarus, đã đưa ra một số bình luận mạnh mẽ nhất hôm 23/8, nhắm chỉ trích vào bà Tsikhanouskaya.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết những tuyên bố của bà Tsikhanouskaya nhằm gửi tới phương Tây.
Hãng thông tấn RIA trích lời ông Lavrov nói rằng : "Có vẻ như... bà ấy đã bắt đầu đưa ra những tuyên bố chính trị, những tuyên bố gay gắt, đòi các cuộc xuống đường, đình công, biểu tình".
Ông Lavrov mô tả chương trình nghị sự chính trị của bà Tsikhanouskaya đối lập với tính xây dựng, và thay vào đó tập trung vào việc gây ra sự mất đoàn kết bằng cách tạo ra tinh thần chống Nga cũng như bóp chết ngôn ngữ và văn hóa Nga, đồng thời hướng tới việc gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO.
Bà Tsikhanouskaya, người nói tiếng Nga khi ở nhà, cho biết bà muốn thấy Belarus duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, nhưng Belarus nên giữ độc lập và không hội nhập sâu hơn vào Nga.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng bằng cách kêu gọi ông Lukashenko từ chức, những người biểu tình đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng kiểu Venezuela.
Theo Reuters
*********************
Belarus : Lukashenko chọn đối đầu, xuất hiện với áo giáp và súng AK
RFI, 24/08/2020
Trước phong trào phản kháng vẫn luôn mạnh mẽ ở Belarus với hàng trăm ngàn người xuống đường hôm qua 23/08/2020, tổng thống Alexandre Lukashenko chọn lựa đối đầu, bất chấp nguy cơ kéo đất nước vào vòng xoáy bạo lực.
Video được Phủ tổng thống đăng trên Telegram tối qua cho thấy trực thăng chở ông Lukashenko hạ cánh trước Phủ tổng thống, trong khi các cuộc biểu tình rầm rộ của đối lập đang diễn ra cách đó không xa. Tổng thống xuất hiện với khẩu súng Kalachnikov trên tay, mặc áo giáp bên ngoài trang phục màu đen, con trai ông 15 tuổi mặc quân phục.
Chừng như Lukashenko quyết tâm "tiêu thổ kháng chiến" để giữ ghế : ông cảnh báo những nhà máy nào đình công sẽ bị đóng cửa. Một số công nhân đình công bị sa thải, kết quả là số người đình công giảm dần. Để thay thế các thợ mỏ của Belaruskali, Lukashenko thông báo sẽ đưa đến "những người Ukraine", các nhà báo đình công được thay bằng các "chuyên gia Nga".
Hôm 21/08, Lukashenko khẳng định sẽ tái lập trật tự. Những vụ bắt bớ tái diễn trong những ngày gần đây, các thành viên của Hội đồng điều phối do đối thủ Svetlana Tikhanovskaia đang lưu vong lập ra bị khởi tố. Sáng qua bộ trưởng Quốc Phòng đe dọa sẽ gởi quân đội đến hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát chống bạo động.
Nắm quyền suốt 26 năm qua, Alexandre Lukashenko, 65 tuổi, hứa hẹn sẽ "giải quyết rốt ráo" phong trào phản kháng mà ông cáo buộc là do âm mưu của phương Tây. Tổng thống đặt quân đội trong tình trạng báo động, với cớ NATO đang giựt dây từ bên ngoài biên giới Belarus.
Trong khi đó, hôm qua, 23/08/2020, là Chủ Nhật lần thứ hai liên tiếp, tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố lớn của Belarus, đông đảo người dân xuống đường phản đối tổng thống Lukashenko, duy trì áp lực đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống, bị cáo buộc gian lận.
Người dân tại các nước láng giềng Baltic, Litva, Estonia, Latvia, cũng xuống đường đông đảo để ủng hộ cuộc tranh đấu của người Belarus. Người biểu tình xếp thành chuỗi người dài hàng chục cây số, như cách đây đúng 31 năm.
Tại Litva, khoảng 50.000 người nắm tay nối liền thành chuỗi, từ thủ đô Vilnius đến sát biên giới với Belarus. Thông tín viên Marielle Vitureau từ Litva gửi về bài phóng sự :
"Nhìn từ trên cao xuống, con đường Tự Do chỉ còn là một chuỗi dài hai màu trắng – đỏ. Quần áo, cờ, hoa : tất cả đều mang màu biểu tượng của cuộc đấu tranh phản kháng của người Belarus. Trong dòng người, Margarita nắm tay con gái. Bà cho biết : người dân tại Minsk hãy nhớ rằng chính chúng tôi cũng đã trải qua các thử thách như vậy, và chúng tôi đã chiến thắng.
Cách nay 31 năm, người dân Baltic đã tay nắm tay, nối thành một chuỗi dài, nối liền Vilnus cho đến tận Talinn, thủ đô Estonia. Kasparas cũng đã từng có mặt trong chuỗi người năm đó. Đối với ông, có mặt ngày hôm nay trên con đường mang tên Tự Do này là một vấn đề có ý nghĩa an ninh. Ông nói : thật khó mà chấp nhận được việc những người biểu tình ở Belarus bị đàn áp. Nếu hai nước Nga và Belarus tập hợp lại, chúng tôi sẽ hoàn toàn bị một Nhà nước khủng bố bao vây.
Vào 19 giờ, người dân Litva biểu tình hát vang bài quốc ca và vỗ tay. Đối với ông Vadzim Vileita, người Belarus, sinh sống từ lâu tại Litva, đây là một ngày có ý nghĩa lịch sử. Ông nói : trong mắt những người dân ở đây, chúng tôi không còn là thành phần thân Nga, cũng không còn là chế độ độc tài Xô Viết nữa, quan hệ giữa các nước láng giềng chúng ta sẽ sớm được cải thiện. Nhiều người Litva và Belarus hy vọng như vậy, trong lúc tình hình tại Minsk vẫn còn bất ổn".
Về phía Châu Âu, hôm qua, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell, cảnh báo nguy cơ Belarus trở thành một "Ukraine thứ hai" và cho rằng cần tiếp tục "đối thoại" với tổng thống Lukashenko, vì "hiện tại họ đang kiểm soát chính quyền…cho dù chúng ta không công nhận tính chính đáng dân chủ của họ".
Trong khi đó, Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hôm thứ Bảy, 22/08/2020, đề xuất đứng ra làm trung gian đàm phán giữa chính quyền của tổng thống Lukashenko và phe đối lập.
Thụy My – Trọng Thành