Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/08/2020

Điểm báo Pháp - Thế giới lo dịch Covid-19 trở lại

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Thế giới chưa dập xong đã lo dịch trở lại

Thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với đại dịch virus corona, dịu xuống ở nơi này nhưng lại bùng lên trở lại ở nơi khác. Làn sóng chống chính quyền của tổng thống Belarus Lukashenko ngày thêm sôi sục. Donald Trump chính thức được chỉ định là ứng viên đảng Cộng hòa ra tái tranh cử tổng thống… Đó là thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay 25/08/2020 tập trung phản ánh.

vaccin1

Vac - xin chống covid-19.  Reuters

Trận đại dịch Covid-19 đến nay đã kéo dài hơn nửa năm nhưng chưa biết đến bao giờ mới kết thúc đang thực sự là mối lo lớn của cả thế giới. Nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : "Thế giới cố tránh đại dịch bùng lên lại". Tờ báo ghi nhận, "trong lúc tình hình có vẻ như đang được cải thiện tại Mỹ thì ở đa số các nước Châu Âu, sau thời gian lắng dịu chút ít trong mùa hè, giờ đây các ca nhiễm mới tăng trở lại".

Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở Tây Ban Nha và Bỉ. Cơ quan y tế ở những nước này đang lo sợ trong những tháng tới lại xuất hiện là sóng ồ ạt các bệnh nhân Covid-19 mới. Ngay cả ở bán cầu nam, nơi đang là mùa đông, các nước như Úc hay New Zealand đã thấy có dấu hiệu dịch bùng phát lại. Le Figaro ghi nhận thực tế này qua các bài : "Tây Ban Nha một lần nữa trên tuyến đầu", "Cả mùa hè, Bỉ sống trong các hạn chế",  "New Zealand : Covid xuất hiện lại sau 3 tháng không có ca nhiễm" hay tại Úc chính quyền liên tiếp ban hành các biện pháp phòng dịch mãn tính, kể cả áp dụng phong tỏa trở lại hay lệnh giới nghiêm, đóng cửa biên giới, cấm rời khỏi địa phương… đối với một số nơi như thành phố Melbourne.

Le Figaro nêu ra các số liệu thống kê : Đến giờ trận đại dịch đã làm 800.000 người thiệt mạng và 25 triệu người nhiễm virus Sars-CoV-2 trên toàn cầu. Phát hiện ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, căn bệnh dịch tai ác này giờ đã lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên bản đồ dịch được Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cập nhật, ngay cả đảo băng giá Greenland xa xôi, dân cư thưa thớt, ít người qua lại, cũng có tới 14 ca nhiễm. Như vậy là ở đâu có người sống là ở đó có Covid. Châu Âu, tưởng như tình hình vừa được kiểm soát, giờ lại bùng lên khiến châu lục này lo ngại phải phong tỏa trở lại.

Tờ báo ghi nhận : "Hầu như khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, các biện pháp phòng chống dịch sau thời gian hè được nới lỏng nay lại liên tiếp tăng cường".  Hy vọng duy nhất lúc này chỉ còn trông chờ vào sự xuất hiện của vac-xin phòng ngừa Covid-19. Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới tỏ hy vọng "đại dịch sẽ có thể kết thúc trong chưa đầy 2 năm". Hy vọng này chủ yếu dựa trên viễn cảnh ra đời của vac-xin.

Belarus : Tổng thống cầm súng dọa ai ?

Chuyển qua thời sự chính trị đang nóng tại Belarus, nhật báo Le Monde chạy tựa chính : "Tại Belarus : Dân chúng kháng cự lại đe dọa của chế độ".

Tờ báo trở lại với các cuộc biểu tình lớn của hàng chục nghìn người tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố khác của Belarus hôm Chủ nhật vừa qua, đòi tổng thống Alexander Lukashenko phải từ chức. Đáp lại, chế độ chuyên chế biểu dương sức mạnh, cho triển khai lực lượng an ninh và bắt đầu tấn công những người đình công.

Nếu như trước bầu cử, lớn tiếng tố cáo Moskva can thiệp gây mất ổn định Belarus, thì giờ đây tổng thống Lukashenko quay sang dựa dẫm hoàn toàn vào Nga đồng thời lên án NATO có ý đồ can thiệp.

Châu Âu không khoanh tay đứng nhìn ?

Về cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus, Le Monde có bài xã luận kêu gọi "Châu Âu phải có vai trò tại Belarus". Theo Le Monde, hai hình ảnh có thể tóm lược tình hình tại Belarus hôm Chủ nhật 23/08 đó là : Nhìn từ trên không, một biển người ở trung tâm thủ đô Minsk biểu tình ôn hòa. Bên cạnh đó là hình ảnh của tổng thống, ông Alexander Lukashenko xuất hiện trong bộ đồ màu đen, bó mình trong chiếc áo giáp chống đạn, tay cầm khẩu tiểu liên, "một hình ảnh tuyệt giao với nhân dân.

Với Le Monde, cuộc biểu tình đông đảo hôm Chủ nhật tại thủ đô cũng như nhiều thành phố khác của Belarus là một trắc nghiêm cho thấy : Bất chấp trấn áp bạo lực trong những ngày đầu, dân chúng vẫn được huy động một cách rất mạnh mẽ. Họ tiếp tục đòi tổng thống từ chức và bầu cử tự do.

Xã luận của Le Monde cho rằng, 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, vốn luôn bảo vệ giá trị dân chủ, chỉ có thể đoàn kết tương trợ một phong trào đông đảo và chính đáng như vậy.

Tuy nhiên Liên Hiệp Châu Âu muốn tránh lặp lại kịch bản Ukraine năm 2014. Nhưng tình hình ở Belarus có khác, theo Le Monde. Khác với Ukraine, người biểu tình Belarus không đòi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và không hề giương khẩu hiệu thù địch nào với Nga. Yêu sách của họ rõ ràng : Thả tù chính trị, tổng thống Lukashenko từ chức, tố chức lại bầu cử.

Trước thái độ khước từ của ông Lukashenko, Liên Âu quay sang nói chuyện với tổng thống Putin nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Theo Le Monde, đây là động thái thực dụng nhưng cần phải biết : "Ông Putin hoàn toàn có thể nói chuyện với Liên Hiệp Châu Âu mà vẫn hậu thuẫn ngầm cho chế độ Belarus hiện nay". Trước một cuộc khủng hoảng mới ở biên giới của mình, "Liên Hiệp Châu Âu phải kiên quyết với đòi hỏi Lukashenko từ chức đồng thời ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus, nhưng vẫn tránh rơi vào bẫy can thiệp trực tiếp, dẫn đến xung đột triền miên hay một thỏa hiệp giúp cho Moskva khẳng định lại sự chi phối với Belarus"

Navalny bị đầu độc, tổng thống Putin mất chút uy tín còn lại ở Đức

Cũng liên quan đến Nga, báo Le Figaro loan báo, nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc, theo khẳng định của các bác sĩ của bệnh viện Berlin đang điều trị cho ông.  

Hôm qua bệnh viện Berlin đã ra thông cáo chính thức khẳng định Alexei Navalny bị đầu độc và kết quả phân tích của những phòng thí nghiệm độc lập khác nhau đều cho kết quả giống nhau.

Sự việc có vẻ nghiêm trọng hơn khi ngay trong ngày, thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng "kêu gọi các cơ quan chính quyền tại Nga phải khẩn cấp giải quyết vụ việc này một cách chi tiết nhất và minh bạch". Theo Le Figaro, tuyên bố gay gắt hiếm thấy của bà thủ tướng Đức, một người vẫn rất thận trọng và chừng mực trong việc bày tỏ lập trường. Bà Merkel lên tiếng sau khi lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell kêu gọi Moskva "điều tra độc lập minh bạch về vụ đầu độc".

Tờ báo Pháp bình luận : Trong vụ việc này, ông Putin đã phung phí chút vốn liếng ít ỏi về lòng tin còn lại ở bà thủ tướng Đức, kể từ sau vụ Quốc hội Đức bị tin tặc nghi của Nga tấn công hay vụ ám sát một nhà đối lập Gruzia trong một công viên ở thủ đô Berlin cách đây một năm. Tuy nhiên lâu nay, vì mục tiêu lớn khác, bà Angela Merkel vẫn có vẻ cả nể với ông Vladimir Putin. Vụ việc này như giọt nước làm tràn ly, bà Merkel không thể kiên nhẫn được hơn.

Trung Quốc mở chiến dịch ngoại giao quyến rũ Châu Âu

Về thời sự liên quan đến Châu Á, nhật báo công giáo La Croix chú ý đến chuyến công du một loạt nước Châu Âu của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Sự kiện được tờ báo nhìn nhận là "Trung Quốc mở cuộc tấn công quyến rũ tại Châu Âu".

Vòng công du kéo dài 1 tuần của lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc bắt đầu từ hôm nay (25/08), đến Ý, qua Pháp, Đức, Hà Lan và Na Uy, mục tiêu, theo La Croix là để "đánh bóng lại hình ảnh đã trở nên rất xấu của Trung Quốc từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán".

Tờ báo ghi nhận, sau nhiều tháng Trung Quốc sử dụng các phương pháp ngoại giao hung hăng trên mạng xã hội giữa đại dịch, cảm thấy phản tác dụng, giờ đây Bắc Kinh thay đổi chiến thuật quay sang nhún nhường.

Tờ báo trích nhà nghiên cứu Trung Quốc người Bỉ, Philippe Paquet phân tích : "Dù người ta không biết hết các chi tiết của chuyến công du và cốt lõi của nó, rõ ràng đây là chiến dịch quyến rũ cố gắng sửa chữa những hình ảnh của Trung Quốc đã sứt mẻ liên tục từ khi đại dịch Covid 19, bằng cách làm thế giới quên đi trách nhiệm của Trung Quốc trong trận dịch toàn cầu này".

Giới phân tích đều chung quan điểm là hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi chưa từng thấy, nhất là ở phương Tây từ khi nổ ra đại dịch. Theo La Croix, một cuộc thăm dò dư luận tại Pháp cho thấy, gần 70% người được hỏi đều có cảm nhận về Trung Quốc xấu hơn trước đại dịch virus corona. Ngay cả ở Ý, nước đã ký nhiều hợp đồng trong khuôn khổ dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc và đã được sự giúp đỡ ồ ạt của Trung Quốc khi bị vỡ trận Covid-19, 80% người dân Ý giờ đây không có cái nhìn tích cực về Trung Quốc.

"Châu Âu đang đứng trước khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trong vì Covid-19, vẫn còn chưa kiểm soát được dịch. Tại lục địa này, không ai quên được là dịch bắt nguồn từ Trung Quốc. Còn lại chờ xem liệu Liên Hiệp Châu Âu, từ nhiều năm qua vẫn coi Trung Quốc là 'đối thủ hệ thống', có thành công tạo được mặt trận chung đối lại với một Trung Quốc bá quyền hơn bao giờ hết", La Croix kết luận.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)