Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng…
Nguyễn Thị Huyền, VNTB; 04/09/2020
Tôi nói luôn, dường như tổng bí thư đang giấu giếm khuyết điểm của mình lúc này trong chuyện sức khỏe.
Ở clip phát trên kênh VTV tối ngày 1/9/2020, "Giá trị trường tồn của bản Tuyên ngôn Độc lập", có đoạn để cho tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu huấn thị. Tôi đã bỏ công ra nghe và chép lại bằng chữ viết đoạn đó, xin dẫn ra như sau :
"Như chúng ta biết mồng 2 tháng 9, sự kiện trọng đại của đất nước. Cách đây tròn 75 năm, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác đọc tuyên ngôn độc lập, chắc có lẽ là một cái văn bản lịch sử, một cái văn kiện vô cùng trọng đại. Tuyên ngôn độc lập cách đây 75 năm. Bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Nó thể hiện một cái tư tưởng, trí tuệ, tâm hồn, bản lĩnh, nhân cách Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. Rất quan trọng. Và cái trách nhiệm của chúng ta là phải thực hiện cho bằng được cái Tuyên ngôn độc lập, cái văn kiện đầu tiên, có lẽ toàn thế giới biết đến. Rất quan trọng. Bằng bất cứ một cái giá nào giữ cho được độc lập tự do của đất nước.
Năm nay chúng ta kỷ niệm đúng vào dịp bây giờ là cả nước, tất cả các cấp ủy đảng đang tiến hành đại hội, và chuẩn bị tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, mà hôm nay tôi có bài viết trên báo, đã công bố đó, một sự kiện hết sức là trọng đại. Bác nói rằng là đại hội đảng là sự kiện hết sức là trọng đại của đảng và dân tộc. Làm cho đảng và dân đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa. Và tư tưởng hành động đã nhất trí, đã thực hiện tốt, càng nhất trí, càng thực hiện tốt hơn nữa. Cụ nói rất đơn giản. Tôi có trích cái câu trong bài viết, hôm nay đăng. Đây là tư tưởng chỉ đạo năm nay chúng ta tiến hành đại hội đảng".
Có ít nhất các vấn đề sau đây để thấy rằng dường như khuyết điểm mà ông tổng bí thư cố giấu giếm đó là chuyện sức khỏe, trong đó có vấn đề trí nhớ lão hóa.
Thứ nhất, bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", ký tên "Tác giả : Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng", đăng trên trang web Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, lúc 17g50 ngày 31/8/2020 (*)
Với thời gian đăng bài như trên, cho thấy nhiều khả năng bài viết đã được gửi đến các tòa soạn, trễ lắm cũng là đầu giờ chiều ngày 31/8/2020. Thông tấn xã Việt Nam phát bài viết này lúc 15g34 ngày 31/8/2020 (**). Bài viết chỉ duy nhất một đoạn ngắn đề cập đến di huấn của chủ tịch Hồ Chí Minh : "Thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém".
Trong ngày 1/9/2020, trên tất cả các tờ báo đều không có bất kỳ bài viết nào ký tên Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, từ các phát biểu mang tính huấn thị hôm sáng 1/9/2020 như trích ghi từ clip phát trên VTV, cho thấy có vẻ tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang dấu hiệu căn bệnh suy giảm trí nhớ của người già.
Trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, "Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi" đăng trên báo điện tử Sức khỏe & Đời sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế (***), có đoạn cho biết như sau :
"Đối với bệnh nhân suy giảm trí nhớ do các bệnh lý như : chấn thương sọ não hay tai biến mạch máu não, viêm não và bệnh Alzheimer, rối loạn tiền đình hay rối loạn tuần hoàn não, stress, nghiện rượu, lạm dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ,… gây suy giảm trí nhớ với các biểu hiện sau : quên những đồ vật và cách sử dụng đã từng dùng rất thường xuyên ; quên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp nhận và duy trì được khả năng nhớ những thông tin mới ; gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin mới ; hay lặp lại một câu hay một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện ; không thể giữ nếp sinh hoạt thường ngày,… những kinh nghiệm và kiến thức ít bị ảnh hưởng. Người bệnh vẫn có khả năng nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu".
Truy ngược thời gian vào giữa tháng 4/2019, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là có dấu hiệu của tai biến mạch máu não khi ông đang công cán ở Kiên Giang. Việc suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi từng trải qua tai biến như ông Nguyễn Phú Trọng là điều rất bình thường, không cần phải tìm đọc bệnh án có đóng dấu "Tối mật".
Lúc sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói : "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở chúng ta rằng : "Một đảng, ngày hôm qua là vĩ đại và anh hùng, thì ngày hôm nay không nhất định và mãi mãi là như vậy. Nếu không tiếp tục rèn luyện, khi lòng dạ không còn trong sáng nữa, không vượt qua được những yếu kém, sai lầm và thoái hóa, không ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng…".
Trên cương vị là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, tôi nghĩ rằng đồng chí tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải được quyền nghỉ ngơi để chữa bệnh, và an hưởng tuổi già trong quảng đời còn lại. Bởi đảng không là của riêng ai – và nói như chủ tịch Hồ Chí Minh, rất có thể ngày hôm qua đồng chí Nguyễn Phú Trọng là vĩ đại và anh hùng; song với tuổi tác, ngày hôm nay đồng chí Nguyễn Phú Trọng không nhất định và mãi mãi là như vậy nữa…
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 04/09/2020
Chú thích :
(*)https://hcma.vn/tintuc/pages/chi-tiet.aspx?ItemID=30601&CateID=0;https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/toan-van-bai-viet-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-dai-hoi-xiii-670673.html
(**)https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-dai-hoi-xiii-cua-dang/660442.vnp
(***)https://suckhoedoisong.vn/suy-giam-tri-nho-o-nguoi-cao-tuoi-n164620.html
*****************
Thông tin sức khỏe lãnh đạo Đảng vừa vào danh sách ‘tối mật’
VOA, 31/08/2020
Hồ sơ bệnh án và thông tin sức khỏe của lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam vừa được đưa vào danh mục bí mật nhà nước "mức tối mật" trong lúc tin đồn về sức khỏe của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại nổi lên khi người kiêm nhiệm 2 chức danh cao nhất nước vắng mặt trong lễ kỷ nhiệm Quốc khánh Việt Nam vừa qua.
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư Lào hôm 13/8, đã vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, làm dấy lên tin đồn về sức khoẻ. Thủ tướng Phúc ký quyết định đưa sức khỏe lãnh đạo Việt Nam vào danh sách "tối mật". (Ảnh Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/8 ký ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế trong đó quy định mức độ "tối mật" của các thông tin liên quan đến sức khỏe của những người lãnh đạo cao nhất Việt Nam, theo nhiều bản tin trên các trang mạng trong nước.
Quyết định 1295/QĐ-TTg, được Tuổi Trẻ, VietNamNet và VnExpress trích dẫn, xếp "hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng" vào diện "tối mật". Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 24/8/2020.
Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng được bảo vệ tối mật trong một bộ luật ban hành cách đây gần hai năm.
Theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 15/11/2018, thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là "phạm vi thuộc bí mật nhà nước".
Bình luận về quyết định hôm 30/8 của Thủ tướng chính phủ, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng việc xếp sức khỏe lãnh đạo Đảng vào diện "bí mật nhà nước" khiến "Việt Nam không giống ai" và "bị cộng đồng mạng chỉ trích" trong khi các nước trên thế giới minh bạch về sức khỏe lãnh đạo của họ.
"Trong khi đó thủ tướng Nhật, tình hình sức khỏe của ông ấy cả thế giới biết khi ông đệ đơn xin nghỉ vì sợ ảnh hưởng đến công việc của nước Nhật, không đảm bảo lo cho công việc rất là khổng lồ mà một thủ tướng Nhật phải đảm đương, thì có sao đâu", nhà báo Võ Văn Tạo, người từng có nhiều năm phục vụ trong quân đội Việt Nam, nói với VOA từ Khánh Hoà. "Sức khỏe của những nguyên thủ các nước tư bản, tôi thấy chả có nước nào quy định đưa vào dạng mật như Việt Nam. Với tư cách một nhà báo, tôi thấy quyết định này làm Việt Nam trở nên dị hợm, không giống ai trong nhân loại văn minh".
Việc không công khai tình hình sức khỏe của các lãnh đạo nhà nước khiến xuất hiện các tin đồn trong công luận, đặc biệt đối với Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người lại vừa vắng mặt trong lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam hôm 28/8.
Theo ghi nhận của các báo mạng trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người chủ trì sự kiện có sự hiện diện của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan ngoại giao quốc tế tại Hà Nội.
Ông Trọng, người được Reuters trích các nguồn tin ngoại giao riêng cho biết là đã phải nhập viện 108 ở Hà Nội hồi tháng 4 năm ngoái vì một "căn bệnh khó xác định", đã không có mặt trong buổi lễ và các bản tin trong nước không cho biết lý do vì sao.
Sự vắng mặt của ông Trọng được coi là một việc bất thường, vì theo thông lệ chủ tịch nước là người chủ trì mừng lễ quốc khánh.
"[Ông] Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, chủ tịch nước, là nguyên thủ một quốc gia lại tiếp tục vắng mặt trong những dịp quan trọng như thế này là một điều thiếu sót vô cùng lớn", nhà hoạt động Phạm Minh Vũ viết trên trang Facebook cá nhân. "Trong khi đó, Việt Nam cần vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam ở Biển đông, đồng thời kêu gọi bác bỏ những yêu sách phi pháp của trung cộng trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".
Lần gần đây nhất có sự xuất hiện bằng hình ảnh của ông Trọng trên truyền thông là cuộc điện đàm trực tuyến của với Tổng bí thư Lào. Kể từ khi ông Trọng được cho là bị "đột quỵ" trong một chuyến thăm tới Kiên Giang hồi giữa tháng 4/2019, ông hầu như không tham dự các sự kiện quan trọng trong nước.
Vì phát biểu bình luận liên quan đến "sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước" trong bối cảnh các tin đồn về sức khỏe ông Trọng hồi tháng 5/2019, ông Lê Hữu Thuận, trưởng khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Hà Tĩnh, đã bị cách chức vì một đăng tải trên Facebook về sự vắng mặt của chủ tịch nước tại lễ tang ông Lê Đức Anh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ lên tiếng trong một cuộc họp báo ở Hà Nội khi bị đặt câu hỏi về những đồn đoán ông Trọng bị đột quỵ. Theo bà Hằng "do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng".
Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin sức khỏe lãnh đạo cần được bảo vệ vì sợ "có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế-xã hội".
Nhưng theo nhà báo Võ Văn Tạo, nếu chính phủ minh bạch về thông tin sức khỏe của những lãnh đạo nhà nước sẽ "củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ này".
**********************
Những kiến thức lịch sử cách mạng cần xem lại trong bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hiền Vương, VNTB, 02/09/2020
Đó là bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Có thể xem toàn văn bài viết trên báo điện tử VGP News. Bài viết có đoạn :
"Tôi đã nhiều lần nói rằng, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế".
Đoạn văn tự khen ở trên, nếu mang đặt cạnh đoạn trích sau đây trong bản Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945, sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn về câu chuyện cơ đồ :
"Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! dân tộc đó phải được độc lập !
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng :
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
"Cơ đồ – tiềm lực – vị thế và uy tín quốc tế" của ngày tháng năm 1945 ấy mới thực sự đáng để tôn vinh và ghi vào sách sử. Các so sánh sau đó trong cùng đảng chính trị như lời của ông Nguyễn Phú Trọng, là khiên cưỡng, và ít nhiều xúc phạm tiền nhân.
Tác giả bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", có đoạn, "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Câu hỏi đặt ra thuần về lịch sử : ‘Nước’ có kỷ niệm 100 năm thành lập ấy là nước nào vậy ?
"Vào khoảng thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, trên cơ sở phát triển rực rỡ của văn hóa Đông Sơn, nhà nước đầu tiên đã ra đời đó là nhà nước Văn Lang, với kinh đô Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ ngày nay).
Đến khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, nhà nước Văn Lang dần suy yếu, Thục Phán An Dương Vương đã thống nhất cư dân Âu Việt và Lạc Việt lập ra quốc gia Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội ngày nay). Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang – Âu Lạc được phản ánh qua truyện truyền thuyết, thư tịch cổ Việt Nam, thư tịch cổ Trung Quốc… và qua hàng loạt các di tích, lễ hội ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (đậm đặc nhất ở Phú Thọ) ; cùng với đó là những phát hiện khảo cổ về văn hóa Đông Sơn như : sưu tập trống đồng, công cụ lao động, vũ khí, mộ táng… đã minh chứng cho sự tồn tại của nhà nước Văn Lang – Âu Lạc thời kỳ đầu dựng nước, thời kỳ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của đất nước Việt Nam".
Đoạn tóm lược ở trên trích từ "Nhà nước Văn Lang – Âu Lạc", trang web Bảo tàng lịch sử quốc gia.
Có lẽ tác giả Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến "kỷ niệm 100 năm thành lập Nước", tính từ cột mốc ngày 2/9/1945, "Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" – trích Tuyên ngôn độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945.
Sách giáo khoa môn lịch sử, viết rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành bầu cử Quốc hội đầu tiên vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. Hiến pháp thông qua ngày 9 tháng 11. Trong giai đoạn đầu khi thành lập chính quyền toàn quốc, Việt Minh mà Đảng cộng sản làm nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo. Trong thời gian ngắn, chính quyền bao gồm nhiều tổ chức, đảng phái chính trị tham gia ở cấp trung ương và địa phương (Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Trốtxkit, Cao Đài, Hòa Hảo,…).
Sau vài năm hoạt động bí mật, Đảng cộng sản ra hoạt động bán công khai trong tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và từ năm 1951, hoạt động công khai, chính thức giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước. Tham gia chính quyền sau năm 1954 còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo…
Như vậy, phải chăng ý ông Nguyễn Phú Trọng là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng sẽ lựa chọn đa đảng không đối lập như giai đoạn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ? Bởi chỉ khi có sự tiếp nối và giao thoa giữa hai thể chế thì mới mang ý nghĩa của "kỷ niệm 100 năm thành lập Nước" vào năm 2045.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 02/09/2020
***********************
Nghịch lý trong bài viết mừng Quốc Khánh của ông Trọng !
RFA, 01/09/2020
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Việt Nam, trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị đại hội đảng lần thứ 13 một lần nữa xác định đảng kiên định với chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh... nhưng không giáo điều... ‘đổi mới’ nhưng không ‘đổi màu’.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ảnh minh họa chụp trước đây. Reuters
Cụ thể Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, là để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ và là nền tảng vững chắc của Đảng. Theo ông các đảng viên phải kiên định nhưng tránh giáo điều (!?).
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi đảng, đã từ bỏ đảng vào năm 2016, khi trao đổi với RFA hôm 1/9/2020, nhận định :
"Bài ông Trọng viết nghe rất hay, nhưng sai về cơ bản, bởi vì ổng nói thì nói thế, lý luận kêu làm thế, ông nói kiên định nhưng không giáo điều nhưng ổng có làm được hay không ? Ông không làm được, việc chỉ đạo trực tiếp thì ông ấy làm kiểu khác. Ông Trọng nói đổi mới nhưng kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, hai cái đó mâu thuẫn với nhau, đã là kiên định một thứ gì đấy thì còn đổi mới gì nữa ? Ông Trọng nói kiên định nhưng không giáo điều, tự ổng nói thế, nhưng những người ngoài, đặc biệt là người hoạt động, tác nghiệp... thì người ta ý thức rõ ràng rằng ộng Trọng là một tay rất bảo thủ, rất giáo điều".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói như ông Trọng chỉ là nói cho qua chuyện, vì khi nói ‘kiên định’ thì bị người khác phê phán nói như thế là ‘giáo điều’... nên ông Trọng phải chối.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trao đổi với RFA hôm 1/9 về lý tưởng Chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đang theo đuổi, cho biết ý kiến của mình :
"Chủ nghĩa xã hội dựa trên hai nền tảng chính, thứ nhất là nền tảng kinh tế phi thị trường, gọi cho văn chương là nền kinh tế ’lá diêu bông’ bởi vì nó không có thực, rất nhiều kinh tế gia đã chứng minh điều này. Nền tảng thứ hai là nền tảng chính trị độc đảng toàn trị, nó dựa trên những phương châm thứ nhất là nhồi sọ tư tưởng, thứ hai là khủng bố tinh thần, thứ ba là đàn áp và bỏ tù... 3 phương châm này dựa trên nền văn hóa giáo dục phi triết lý, phi đạo lý và phi nhân tính. Suốt 45 năm qua, kể từ năm 1975 đến nay, tôi cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang kiên định chủ nghĩa xã hội".
Vì vậy Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có dùng hay không dùng chữ ‘giáo điều’ thì điều đó vẫn cho thấy sự thừa thải. Ông nói tiếp :
"Tóm lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn đang thực hiện đầy đủ, trọn vẹn mô hình xã hội chủ nghĩa mà bất chấp có giáo điều hay không giáo điều. Đó là ý thứ nhất về nội dung, thứ hai về việc ông Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện trực tiếp để phát biểu, hay đọc bài này, mà chỉ thông qua như một bài viết thì càng làm dư luận nghi ngờ về tình hình sức khỏe của ông ấy hiện nay".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, khi trả lời RFA cho rằng cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" không có một ý nghĩa gì cả. Bản thân các lãnh đạo Việt Nam cũng hiểu điều đấy, nhưng họ buộc phải nói như vậy. Họ đã giương cao ngọn cờ xã hội chủ nghĩa 70 năm nay, bây giờ chẳng lẽ lại nói bỏ xã hội chủ nghĩa đi để theo tư bản chủ nghĩa ? Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngay cả chế độ kinh tế mà đảng xây dựng ở Việt Nam hiện nay cũng là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là xã hội chủ nghĩa cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu có, nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi !
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết mừng Quốc Khánh cho rằng, nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà ‘đổi mới’ một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa chệch hướng, ‘đổi màu’.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nhận định :
"Chuyện đổi mới, đổi màu, đổi thay thì theo tôi chỉ là một cách chơi chữ thôi, nó không có giá trị gì hết. Bởi vì họ vẫn đang kiên định xã hội chủ nghĩa ít nhất là 45 năm qua thì không có chuyện đổi mới đổi màu gì cả. Vì vậy nó làm cho dư luận quan tâm càng thêm cười cợt về cái cách chơi chữ, giống như cách đây không lâu có chuyện ‘tự do ngôn luận’ với ‘ngôn luận tự do’... cách này là cách lấp liếm mà thôi".
Ông Nguyễn Phú Trọng dù có nhìn nhận nếu kiên định máy móc sẽ dẫn đến giáo điều, nhưng ông vẫn tiếp tục khẳng định đường lối của đảng là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của thời đại...
Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nói như ông Trọng chỉ là cách nói lừa bịp, nói như vậy sao có thể đổi mới :
"Đấy cũng là cách nói thôi, ví dụ người ta nói hòa nhập nhưng không hòa tan, đổi mới nhưng không đổi màu... thế thì đổi cái gì ? Chứ còn thực ra trong ba bốn chục năm vừa rồi, ông Trọng hay nói chung là cộng sản nói đổi mới... nhưng những người phản biện cho rằng chẳng đổi mới được gì cả. Ông Trọng nói đổi mới nhưng thật ra ông quay về việc làm cũ mà người ta đã làm. Ví dụ như trước đây người ta buôn bán tự do... rồi họ giải phóng xong ngăn sông cấm chợ... bây giờ họ bỏ cái đó đi và nói là đổi mới. Người ta nói đổi mới nhưng không đổi màu cũng chỉ là cách nói thôi, vì nếu đổi mới hình thức hay nội dung thì phải nói cái đó ra, chứ đừng có nói lập lờ ‘đổi mới nhưng không đổi màu’. Kiểu nói ấy là kiểu nói lừa bịp".
Đại hội Đảng cộng sản XIII của Việt Nam sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, từ đó bầu ra các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư. Và thông thường từ nhiều tháng trước đại hội, báo chí nhà nước luôn có nhiều bài viết ca tụng lý tưởng của đảng cộng sản.
Nhân dịp này, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già đưa ra nhận định liên quan Đại hội Đảng cộng sản XIII của Việt Nam sắp tới :
"Tôi cho rằng sẽ có nhiều bất ngờ, còn chuyện thay đổi thì tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi vì họ đã dựa trên mô hình xã hội chủ nghĩa như tôi vừa trình bày. Nhưng sẽ có bất ngờ về nhân sự, vì trước mắt quan chuyện ông Nguyễn Đức Chung vừa bị bắt, đã gây ra sự hoang mang và đồn đoán rất dữ dội, xung quanh chuyện không hề thấy mặt ông Nguyễn Đức Chung. Thứ hai nữa cũng là chuyện ông Nguyễn Phú Trọng mãi không xuất hiện cho tới sáng nay mới thấy báo chí đăng ảnh ổng đi viếng ông Hồ Chí Minh. Với quan sát của riêng tôi, chắc chắn một điều là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn tiếp tục trong tương lai gần sắp tới, dù ở vị trí nào đi chăng nữa, thì cũng không có chỗ cho ông".
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Việt Nam, các nước đi theo lý tưởng cộng sản xã hội chủ nghĩa cho đến nay, chưa có nước nào thành công với lý tưởng ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’... như chính mục tiêu họ đề ra.