Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/09/2020

Xử vụ Đồng Tâm và bắt Nguyễn Đức Chung, Hà Nội muốn gì ?

Thu Thủy - Mỹ Hằng

Nguyễn Đức Chung - "cái gai" của Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng trong vụ Đồng Tâm

Thu Thủy, Thoibao.de, 09/09/2020

Phần sau của bài bình luận sẽ đề cập đến tiến trình Nguyễn Đức Chung giải tỏa nút thắt Đồng Tâm được lòng dân, nhưng lại gây khó chịu cho cụ Tổng nên nay mới bị lên thớt vào trại giam đếm kiến, xin các bạn lắng nghe hết bài bình luận hôm nay.

hanoi01

Ảnh minh họa Thiếu tướng Tô Ân Xô : trong thông báo của Tô Ân Xô, thì trong hai vụ Nhật Cường và vụ Redoxy-3C, Nguyễn Đức Chung chỉ có một phần trách nhiệm

Một nguồn tin riêng của Thoibao.de, là một Đảng viên Đảng cộng sản từ Hà nội, cho biết hiện nay Nguyễn Đức Chung ở trong trại tạm giam B14 Hà Nội, sức khỏe của ổn định, điều kiện phòng giam đảm bảo. Nguồn tin này cũng lý giải về cái bẫy nhử của phía Công an để bắt Nguyễn Đức Chung ra sao.

Tuy không có điều kiện kiểm chứng những bí ẩn lắt léo trong cuộc chơi nội chính và đấu đá quyền lực trong chính quyền, nhưng chúng tôi vẫn kể ra đây câu chuyện này để quý độc giả tham khảo.

"Hôm qua, tướng Tô Ân Xô (người họ hàng với Bộ trưởng Tô Lâm) đã cho biết thêm chi tiết về Nguyễn Đức Chung trong ba vụ án : Vụ tài liệu mật, vụ Nhật Cường và vụ chất tẩy nước hồ Redoxy-3C.

Đáng chú ý là trong thông báo của Tô Ân Xô, thì trong hai vụ Nhật Cường và vụ Redoxy-3C, Nguyễn Đức Chung chỉ có một phần trách nhiệm" - Điều đó có nghĩa là trách nhiệm của Nguyễn Đức Chung ở hai vụ này là "rất khiêm tốn"- Không như những gì mà tướng Nguyễn Duy Ngọc từng tung tài liệu cho báo chí nhằm tạo dư luận bôi xấu ông Chung.

Về vụ ông Chung bị cáo buộc là "lấy cắp tài liệu mật" thì có một tình tiết rất quan trọng về một nhân vật là : Phạm Quang Dũng, cán bộ phòng C-03 của Bộ Công an, người đã bị bắt về tội ăn cắp tài liệu vụ Nhật Cường lại là Cậu của tướng Nguyễn Duy Ngọc - và Ngọc là vai cháu.

Đây là chuyện rất không bình thường và dư luận đang tập trung vào chi tiết này, đồng thời đặt ra tình huống như sau :

- Phạm Quang Dũng có ông chú tên là Phạm Văn Đệ, đang cầu cạnh Nguyễn Đức Chung xin duyệt cho mấy dự án bất động sản, những chưa được Chung đồng ý.

- Để "làm thân" với Chung, Đệ sai cháu là Dũng lấy tài liệu. Và khi Dũng đang chụp trộm tài liệu thì bị phát hiện. Và báo cáo với Tướng Nguyễn Duy Ngọc.

- Tướng Ngọc khống chế "cậu" Dũng và bắt Dũng phải làm theo yêu cầu của Ngọc thì sẽ được giảm tội… và Dũng đã gài bẫy cả Chung cùng với Nguyễn Anh Ngọc thư ký của Chung.

- Nguyễn Đức Chung vì cả tin, cho rằng Dũng là "cậu" của tướng Ngọc nên "yên tâm" tin vào Ngọc và thế là cá đã cắn câu.

hanoi02

Ảnh : ba nhân viên thân cận của chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị bắt trước đó bao gồm : Nguyễn Anh Ngọc (thư ký, bên trái), Nguyễn Hoàng Trung (lái xe, ở giữa) và Phạm Quang Dũng cán bộ phòng C03 thuộc Bộ Công an.

Nguyễn Đức Chung chết là vậy !

Trong nghề công an, cách làm này được coi là "câu dử"…

Hiện nay, Nguyễn Đức Chung ở trong trại tạm giam B14 Hà Nội, sức khỏe của ổn định, điều kiện phòng giam đảm bảo.

Đó là câu chuyện được cung cấp bởi ông CBB - Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà nội, một nguồn tin riêng của Thoibao.de.

Các báo trong nước đưa tin từ ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an rằng, Công an sẽ ‘tiếp tục làm rõ trách nhiệm ông Nguyễn Đức Chung’

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện biện pháp tạm giam với ông Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật, có một số tài liệu liên quan đến Nhật Cường.

Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô nói liên quan đến Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh : Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 28 bị can, Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh. Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị 3.200 tỷ đồng. Ngoài trốn thuế, lập sổ sách kế toán che giấu trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng.

Theo ông Xô, gói thầu số hoá của Sở KH&ĐT Hà Nội cần làm rõ hành vi vi phạm về đấu thầu, trong này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

hanoi03

Ảnh : Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công an

Trang tin Chính phủ nói : "Về vi phạm quy định quản lý tài sản, gây thất thoát tại Thành phố Hà Nội, quá trình triển khai việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C, Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức sản xuất hoá chất này riêng cho Hà Nội, nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội.

Nếu Hà Nội ký trực tiếp với Công ty Watch Water Gmb thì rất lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy do phải ký với công ty đại lý nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.

Với vai trò là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Chung có trách nhiệm ở đây. Còn trách nhiệm đến đâu, đến mức nào thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ".

hanoi04

Ảnh : ngày 10/7, Bộ Công an đã bắt giữ Bùi Quốc Việt(hình bên phải), là anh trai của Bùi Quang Huy(bên trái), Tổng giám đốc công ty Nhật Cường

Nhà báo Phan Thế Hải trong bài bình luận nhiều kỳ của ông trên Facebook cá nhân đã lý giải rằng sự xung đột quyền lực trong giới lãnh đạp Trung ương, nhất là đối với cụ Tổng, tức ông Nguyễn Phú Trọng, nên cái chết của Nguyễn Đức Chung dường như đã được báo trước rất rõ ràng, nhưng vì sự đam mê quyền lực khiến cho Nguyễn Đức Chung không kịp hãm phanh mới dẫn tới tình trạng lên thớt như hiện nay. Diễn tiến quyền lực của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đặc biệt sau vụ giải tỏa nút thắt Đồng Tâm, được lòng dân và Chủ tịch Trần Đại Quang, nhưng lại gây ngứa mắt cụ Tổng ra sao ? Xin các bạn tham khảo bài bình luận của nhà báo Phan Thế Hải có tựa đề "Chung con : Sự phù du của quyền lực" nội dung như sau :

Thời của kinh tế thị trường và hội nhập, công an là cơ quan quyền lực cao nhất, dẫu rằng điều này không được ghi trong luật.

Với danh nghĩa "phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia… phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội…" đã được ghi trong luật, công an có thể dùng điều này để biện minh cho mọi hành vi của mình.

Năm 2010, xứ ta có vụ án nổi tiếng Cù Huy Hà Vũ mà dân chúng vẫn gọi là vụ án "hai bao cao su đã qua sử dụng" để rồi sau đó Vũ bị khởi tố về tội : "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

Tháng 4/2017, vụ việc Đồng Tâm được đẩy lên cao trào khi dân chúng bức xúc về chuyện chính quyền cướp đất của dân giao cho doanh nghiệp quân đội đem bán, người dân đã nổi dậy bắt giữ 38 cảnh sát làm con tin. Trước sự cương quyết tử thủ của người dân và do sức ép của dư luận cùng lãnh đạo cấp trên, ngày 22/4/2017, đích thân Nguyễn Đức Chung đã phải xuống gặp gỡ dân Đồng Tâm và cam kết không truy tố những người tham gia vào cuộc nổi dậy. Tin vào sự thánh thiện của Chung, người dân Đồng Tâm thả hết các con tin và cuộc khủng hoảng kết thúc êm đẹp.

Nguyễn Đức Chung lúc ấy đã được báo chí tung hô lên mây và là biểu tượng của việc quan chức đối thoại với dân thì việc gì cũng có thể giải quyết được. Trong một buổi tiếp xúc cử tri ở Tp. HCM sau đó, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đích thân khen cách giải quyết của Chung trong vụ việc này…

Việc Chung được chào đón như người hùng đã khiến Cụ Tổng giận tím mặt. Bởi từ thời Cụ làm bí thư Thành ủy Hà Nội cho tới giờ, chưa bao giờ Cụ Tổng được người dân chào đón như thế.

hanoi05

Ảnh : Bản cam kết rõ ràng của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khiến dân Đồng Tâm tin tưởng và thả 19 con tin, tất cả đều lành lặn khỏe mạnh.

Nội dung cam kết của ông Nguyễn Đức Chung gồm 3 vấn đề :

1. Sẽ làm rõ đất đồng Sênh có phải đất quốc phòng hay không ?

2. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

3. Sẽ làm rõ trách nhiệm những người liên quan vụ bắt giữ cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, trú thôn Hoành

Nay Nguyễn Đức Chung mới chân ướt chân ráo lên lãnh đạo thành phố mà đã được tung hô nức lòng khiến thượng đế phải ghen tỵ.

Biết cụ Tổng giận, Chung nhũn như chi chi. Ở xứ ta, muốn ung dung bước trên con đường quan lộ rộng thênh thang đều phải để ý quan sát xem cụ Tổng nghĩ gì để nói theo ý Cụ. Nhiều vị đang thất sủng ngồi chơi xơi nước, nhờ phù họa tốt ghi điểm cộng. Nếu đoán được ý cụ Tổng sắp nói để tung hô, chuyện thăng tiến nhẹ như lông hồng.

Thế mới có chuyện Bí thư tỉnh ủy Thái Bình chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhậm chức phó ban Tuyên giáo mới có lời vàng ngọc : "…người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc. Đồng chí là trung tâm đoàn kết của Ban chấp hành TƯ để lãnh đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quyết định nhiều vấn đề chỉ đạo điều hành của đất nước nên chúng ta đã gặt hái được những thành quả như vậy…"

Chung đam mê quyền lực và quyết tâm thực hiện quyền lực mà quên mất rằng, đạo của người quân tử có năm chữ : "Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín". Đầu tháng 7/2017, tức là gần 3 tháng sau vụ việc ở Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội đã trở mặt và kết luận người dân Đồng Tâm có tội, đồng thời sẽ truy tố những người đứng đầu cuộc nổi dậy. Chung đã hứa với dân, giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng Chung không giữ được lời hứa đó.

Trong một cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng cơ chế đặc thù, tăng phân cấp phân quyền cho Thủ đô diễn ra vào ngày 20/10/2017, Chung không được phép có mặt cho dù lãnh đạo Hà Nội có đầy đủ các thành phần.

Đó là tín hiệu cho thấy chừng nào Chung tiếp tục là người hùng trong mắt người dân thì Chung sẽ trở thành địch thủ của cả Bộ Chính trị lẫn phần còn lại của lãnh đạo Hà Nội.

Sau cuộc họp trên, Chung run sợ thực sự và cuống cuồng giải quyết vụ việc này theo cách đổ tội cho dân Đồng Tâm và rồi loay hoay mãi cho tới giờ này vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm.

Một vị tướng là đàn anh của Nguyễn Đức Chung nhận xét :

"Chung quá say mê quyền lực. Hôm nay vừa mới đạt được một vị trí, một quyền lực, thì ngay ngày mai Chung lại muốn có thêm một vị trí mới, một quyền lực mới". Sự đam mê này tất yếu dẫn tới thâu tóm mọi quyền lực vào chỉ trong tay mình. Điều này là tối kị và nguy hiểm trong bối cảnh tập thể lãnh đạo luôn là một truyền thống, một nguyên tắc bất khả xâm phạm.

Đó là còn chưa nói tới một sự thật là khi những lợi lộc có được từ quyền lực của các quan chức thành phố bị suy giảm và đôi khi "mất trắng" chỉ vì sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay Chung con. Việc thâu tóm quyền lực tuyệt đối và tham vọng leo cao đã tạo ra một cơn sóng ngầm, những phản kháng kín đáo nhưng khốc liệt với cá nhân Chung và ngoài tính toán của Chung.

Ngày 15/8/2019, tướng Lương Tam Quang và tướng Nguyễn Duy Ngọc (cùng quê tỉnh Hưng Yên) được Bộ trưởng Tô Lâm trao quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam. Ngày 21/5/2020, tướng Lương Tam Quang được bổ nhiệm chức Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Trước đó, tháng 8/2018 tướng Ngọc được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Bộ đôi này với Chung Con đã từng là đồng nghiệp của nhau nhưng có vô số chuyện ân oán giang hồ. Sự lộng hành của Chung Con trên thị trường quyền lực đã khiến các đối thủ cũ và mới phải rút gươm ra khỏi vỏ !"

Nhà báo Phan Thế Hải đưa ra kết luận.

Ông Phan Thế Hải hiện sống tại Hà nội, ông vừa là một nhà doanh nghiệp đồng thời là nhà báo lâu năm với chức vụ thư ký tòa soạn của báo Vietnamnet.vn.

Thu Thủy

Nguồn : Thoibao.de, 09/09/2020

***********************

Ông Nguyễn Đức Chung là 'mắt xích quan trọng' trong vụ Đồng Tâm ?

Mỹ Hằng, BBC, 08/09/2020

Ông Nguyễn Đức Chung được xem là đã ra nhiều văn bản liên quan đến vụ tranh chấp đất đai kéo dài ở Đồng Tâm, cũng như việc chấp thuận chủ trương tấn công vào thôn Hoành rạng sáng 9/1/2020, theo ý kiến một luật sư.

hanoi6

Ông Nguyễn Đức Chung về đối thoại với dân Đồng Tâm năm 2017 và được dân Đồng tâm đón tiếp nồng nhiệt năm 2017

Trao đổi với BBC News tiếng Việt sáng 8/9, ngày thứ hai của vụ xử Đồng Tâm gây chấn động dư luận, luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những người bào chữa cho các bị cáo, nói :

"Có rất nhiều quyết định, văn bản của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội liên quan đến vụ việc đất đai Đồng Tâm".

"Đúng ra, ban đầu, vai trò ông Chung trong vụ án không nhiều. Tuy nhiên, các tình tiết trong hồ sơ vụ án thì lại nêu rất nhiều đến các quyết định, văn bản của ông Nguyễn Đức Chung, liên quan đến Đồng Tâm. Hồ sơ vụ án nêu rằng đây là các vấn đề hành chính liên quan thôi, tuy nhiên nó được nhắc đến rất nhiều. Có nghĩa là cơ quan điều tra xem đó là các chứng cứ, bằng chứng cần được xem xét".

"Như vậy, các vấn đề có trong hồ sơ vụ án thì phải được đưa ra thẩm định công khai tại tòa. Tức là người cần phải được đưa ra để xem xét không ai khác là ông Nguyễn Đức Chung - người tham gia nhiều nhất trong vụ việc tranh chấp đất đai Đồng Tâm. Trong đó có việc ông Chung liên quan đến quyết định số 2346/KL-TTTP-P5 "Về việc thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức", cho tới nhiều vấn đề khác, như đối thoại với dân Đồng Tâm, đến việc trả lời báo chí, v.v…".

"Như vậy, ông Chung là một mắt xích quan trọng trong việc cần làm rõ đối với vấn đề tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm được nêu trong vụ án," luật sư Ngô Anh Tuấn khẳng định.

"Việc triệu tập ông Chung là điều hợp lý. Tuy nhiên tòa không đồng ý," ông Ngô Anh Tuấn kể lại.

"Trong cáo trạng cũng ghi rõ kế hoạch tấn công vào Đồng Tâm được công an Thành phố Hà Nội đưa ra, đề nghị, UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương, Bộ Công an phê duyệt".

"Tuy nhiên chúng tôi lại không được nhìn thấy vấn đề này trong hồ sơ vụ án. Trước đây, các luật sư chúng tôi có đề nghị công khai tài liệu này. Nhưng tôi được nghe rằng đây là tài liệu mật, có thể họ đưa ra khỏi hồ sơ. Nên dù chúng tôi yêu cầu nhưng không được họ cung cấp".

hanoi7

Ông Lê Đình Kình, người bị giết trong vụ công an tấn công vào thôn hoành rạng sáng 9/1/2020, giải thích về tranh chấp khiếu kiện tại xã Đồng Tâm năm 2017

Trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên 7/9, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn, đã không đồng ý triệu tập Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và một số người khác theo kiến nghị của các luật sư, với lý do những người này không liên quan tới vụ án.

Ông Nguyễn Đức Chung đã 'làm gì' ở Đồng Tâm ?

Khi vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm lên đến cao trào, đỉnh điểm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân.

hanoi8

Người dân xã Đồng Tâm chặn lối vào làng năm 2017

Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.

hanoi9

Văn bản viết tay của ông Chung năm 2017 khi về đối thoại với người dân Đồng Tâm

Thế nhưng chỉ sau đó hai tháng, hôm 13/6/2017, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh "bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Dưới thời ông Chung, UBND Thành phố Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an Thành phố Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.

Các bị cáo đồng loạt nhận tội

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết thêm là trong phiên xét xử buổi sáng ngày 8/9, điểm đáng chú ý là các bị cáo đồng loạt nhận tội.

"Về cơ bản trước đây họ cũng đã có lời khai gần tương tự như vậy rồi, nhưng có điều hơi đặc biệt là hôm nay họ đồng loạt khai, xin nhận tội hết".

"Chúng tôi không đưa ra nhận định theo hướng rằng có thuyết âm mưu ở đây, mà có thể khi ra tòa, đối diện với các mức án nặng, họ nghĩ rằng nếu có phản cung cũng không chống lại được thực tại nên họ chấp nhận nhận hết lỗi lầm để xin nhẹ tội".

"Dù vậy, một số bị cáo lưu ý rằng dù nhận tội, nhưng trong cáo trạng có nhiều hành vi nêu không đúng. Họ cho rằng dù họ có hành vi nhưng không nghiêm trọng như trong cáo trạng nêu. Có nghĩa là họ không hoàn toàn phục tùng các nội dung nêu trong cáo trạng".

"Chúng tôi cũng ghi nhận hành động của một số bị cáo khi gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Họ nói họ gây lỗi, dù chưa biết lỗi đến mức độ nào nhưng họ xin lỗi chân thành trên khía cạnh con người".

"Tôi cho rằng kết cục các bị cáo có thể sẽ chấp nhận phán quyết của tòa chứ không kêu oan".

"Điều này cũng khiến các luật sư khó để có thể nói khác ý kiến của các bị cáo được. Chúng tôi chỉ xin chứng minh rằng hành vi của họ có xứng đáng bị mức án đó hay không, hay có xứng đáng bị cấu thành tội danh đó hay không, chứ không thể nói họ không có cái hành vi đó", luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC.

Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ 7/9, nhưng theo nhận định của luật sư Ngô Anh Tuấn, với tốc độ xét xử như hiện tại, có thể phiên tòa có khả năng kết thúc sớm hôm thứ Năm 10/9.

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 08/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Mỹ Hằng
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)