Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2020

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng dùng thơ Tố Hữu nhắn nhủ Thành phố Hồ Chí Minh

BBC tiếng Việt

Làm việc với thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn đô thị đông dân nhất Việt Nam "là một mẫu mực" về chuẩn bị Đại hội Đảng bộ XI của thành phố.

npt2

Ảnh ông Nguyễn Phú Trọng được phát trên đài truyền hình VTV Việt Nam hôm 1/9/2020 (ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, ông trích một câu thơ của cố nhà thơ cách mạng Tố Hữu để khuyến khích các lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh "không sợ khuyết điểm".

Các báo Việt Nam hôm 03/09/2020 đồng loạt đăng tin, bài trích dẫn câu của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng :

"Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm, "mỗi lần ngã là một lần bớt dại/để thêm khôn một chút nữa trong người".

Truyền thông Việt Nam cũng đăng ảnh Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đứng phát biểu tại buổi làm việc ở Trụ sở Trung ương Đảng.

Có vẻ như Ban Thường vụ Thành ủy đã đi ra Hà Nội để dự buổi làm việc với Tổng bí thư, Chủ tịch nước, và việc truyền thông đăng tải nhiều là một chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này.

Các báo cũng nói Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng "chủ trì buổi làm việc".

'Bớt dại, thêm khôn'

Nhắc đến công tác xây dựng Đảng, chuyên môn của ông, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng nói việc xử lý cán bộ sai phạm "là đau xót" nhưng ngay lập tức ông giải thích :

"Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em. Nhưng làm là để có khí thế vươn lên, chứ không phải nhụt chí đi, hay co lại không dám làm vì sợ khuyết điểm. Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm, "mỗi lần ngã là một lần bớt dại/để thêm khôn một chút nữa trong người".

Được biết Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, người tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội hay trích dẫn các câu thơ nổi tiếng để làm phong phú thêm thông điệp chính trị của ông ở cương vị lãnh đạo.

Câu thơ trên ông trích trong bài 'Dậy mà đi' của Tố Hữu :

"...Chân có ngã thì đứng lên, lại bước.

Thua ván này, ta đem bầy ván khác,

Có can chi, miễn được cuộc sau cùng

Dậy mà đi, hy vọng sẽ thành công

Rút kinh nghiệm ở bao lần thất bại :

Một lần ngã là một lần bớt dại

Để thêm khôn một chút nữa trong người.

Dậy mà đi, hỡi bạn dân nghèo !"

Bài thơ của Tố Hữu sáng tác năm 1941, khi Đảng cộng sản Việt Nam chưa nắm quyền, và đối tượng của lời kêu gọi là dân nghèo.

Còn ngày nay, Đảng cộng sản Việt Nam với 5 triệu thành viên, là lực lượng chính trị chính thống duy nhất ở quốc gia 97 triệu dân.

Đối tượng của lời phát biểu gồm phần trích thơ mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu ra vừa qua là các quan chức.

Hồi năm 2006, khi lên nhậm chức Chủ tịch quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944) đã ngẫu hứng lẩy hai câu Kiều :

"Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn

Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không".

Đến tháng 10/2018, sau khi tuyên thệ nhậm chứ Chủ tịch nước, ông đã kể lại một cách rất tình cảm về chuyện lẩy Kiều 12 năm trước.

Ông nói khi đó ông có tâm trạng "vừa mừng vừa lo" và cho rằng, tình hình đất nước 12 năm sau khiến ông "có phần lo lắng hơn".

Các câu lẩy Kiều của Giáo sư Nguyễn Phú Trọng thường ngay lập tức được báo chí Việt Nam trân trọng đăng tải và mạng xã hội chia sẻ nhiều.

Tuy thế, ý kiến cho rằng hai câu lẩy Kiều nổi tiếng, đi vào chính trị Việt Nam năm 2006 trong nguyên tác lại để chỉ hoàn cảnh hơi khác, không nói về sức nặng của nhiệm vụ.

Trong Truyện Kiều hai câu 411 và 412 mô tả tâm sự của nàng Kiều nhún nhường trước lời khen và tỏ tình của Kim Trọng ở vườn Thúy.

Nguồn : BBC, 06/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)