Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/09/2020

Vụ Đồng tâm : Những vùng tối cần được công khai làm sáng tỏ

Nhiều tác giả

Đồng Tâm, tội ác của Nguyễn Phú Trọng

Người Buôn Gió, 11/09/2020

Nếu như Trần Đại Quang còn sống và giữ chức chủ tịch nước, có lẽ vụ thảm án Đồng Tâm chưa chắc đã xảy ra. Bởi huy động từng ấy quân lính và vũ khí trong thời điểm đất nước không có chiến tranh, chắc chắn phải có sự đồng ý của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

diemtoi1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang viếng thăm và ủy lạo lực lượng công an Thủ đô năm 2016 - Ảnh minh họa

Năm 2012 tôi là người trực tiếp chứng kiến việc cưỡng chế đất ở Văn Giang, cũng hàng ngàn cảnh sát tập kết trong đêm. Nhưng đến sáng họ mới triển khai bảo vệ khu đất cần cưỡng chế, người dân Văn Giang ném bom xăng, gạch đá vào lực lượng cảnh sát cơ động. Bên cảnh sát cơ động dùng khiên đỡ và lựu đạn khói ném lại. Có hai nhà báo của VOV có mặt giữa xung đột để quay phim, họ bị cảnh sát địa phương (không phải cảnh sát cơ động) đánh đập ngay tại hiện trường.

Bữa đó cảnh sát cơ động chỉ đứng chặn đường ra khu đất từ ngoài làng, họ không tiến quân vào trong làng, dù họ có bị tấn công bằng gạch đá và bom xăng. Chắc chắn họ thực hiện đúng mệnh lệnh được phổ biến là ngăn người dân không cho họ ra khu đất cưỡng chế, cho nên dù bị tấn công, họ chỉ dừng lại ở ranh giới nhiệm vụ họ được giao.

Vụ Đồng Tâm như công an nói là lập chốt ngăn chặn người dân, bị tấn công nên họ truy đuổi đến tận nhà ông Kình và đột nhập vào dẫn đến chết 3 chiến sĩ.

Thử hỏi trong đêm tối, làm sao họ xác định được ai là người đã ném đá vào chốt chặn. Không có nói đến quá trình truy đuổi kẻ ném đá từ chốt chặn cách làng 3 km cả. Một quãng đường rất dài để truy đuổi bằng chân, hàng ngàn cảnh sát giăng vậy không đuổi được mấy ông già sao. Và khi truy đuổi ai thấy những người ném đá chạy vào nhà ông Kình mà phải đột nhập vào bắt.

Cứ đặt câu hỏi :

1. Có chuyện người dân Đồng Tâm nửa đêm ra khỏi làng, để ném đá vào chốt chặn cách làng 3 km không ?

2. Có miêu tả quá trình truy đuổi quãng đường đó hay không ?

3. Có bằng chứng những kẻ ném đá đó chạy vào nhà ông Kình hay không ?

4. Ai là người ra lệnh truy đuổi ?

5. Ai là người ra lệnh tấn công vào nhà ông Kình ?

Đất nước này có hàng triệu lính vũ trang, có hàng chục triệu người đã tham gia lực lượng vũ trang chuyên nghiệp hay nghĩa vụ. Ai cũng hiểu một điều là khi tham gia tác chiến đều có phương án nêu rõ nhiệm vụ mà mình tham gia. Anh có nhiệm vụ lập chốt ngăn dân thì thế nào đi nữa anh phải ở cái chốt đấy đến khi có mệnh lệnh khác. Không thể đơn vị anh lập chốt, rồi có gì kích động, cả đơn vị rùng rùng chạy đuổi truy kích chỉ vì dân ném đá vào chốt của đơn vị anh. Rồi lại có chuyện bao vây, đột kích, tấn công nhà dân trong đêm nữa.

Một đám đông cuồng tín chế độ gào rằng những kẻ khủng bố như ông Kình phải bị tấn công như thế ?

Xin hỏi trước đó đã có bằng chứng của công an, kết luận điều tra nào của công an gửi Viện Kiểm sát là nhóm ông Kình là khủng bố chưa ? Nếu có thì phương án bắt giữ có được lập ra không ?

Hay là tấn công vào bị thương vong thì lấy đó ra làm bằng chứng nhóm ông Kình là khủng bố ?

Những người dân Đồng Tâm kể lại, họ chỉ biết bất ngờ thấy quân cơ động súng, khiên đổ bộ vào làng, vây hết các đường đến nhà ông Kình, ai muốn đến đều bị chặn lại, cố đi thì bị đánh đập kể cả phụ nữ.

Cứ như những gì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trước đó vào năm 2017, thì vụ Đồng Tâm không có gì phải đến mức độ điều quân hành xử như ngày 9 tháng 1năm 2020.

Trích.

  • Chiều ngày 26 tháng 4, tại TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong dịp tiếp xúc cử tri quận 1quận 3 và quận 4, cho biết : "Chúng tôi đang chỉ đạo thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm. Nhưng liên quan đến vụ việc này tôi cho rằng chúng ta phải nắm chắc tình hình, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng đó. Từ đó có những biện pháp giải quyết có tình, có lý. Muốn vậy chúng ta phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và chúng ta phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo được sự đồng thuận" (1). 
  • Tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 13 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét : "...Chính quyền khi thực thi nhiệm vụ phải làm đúng chính sách, pháp luật ; làm việc có lý có tình, trên tinh thần thuyết phục dân, để dân hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước. Kinh nghiệm từ các vụ việc trong quá khứ như Quán Nam, Đồ Sơn tại Hải Phòng, và vụ việc vừa qua ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là do chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật" (2).

Căn cứ vào những phát biểu trên có thể cho thấy mặc dù xảy ra vụ bắt giữ các Cảnh sát cơ động, nhưng bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam chưa có ý định cứng rắn trấn áp người dân Đồng Tâm. Nhưng từ khi Trần Đại Quang chết đi, quyền lực tập trung hết về Nguyễn Phú Trọng, vụ thảm án Đồng Tâm đã xảy ra một cách đầy tính chuyên chế, độc tài. 

Trách nhiệm vụ Đồng Tâm, hay những người quyết định thảm án ở Đồng Tâm ở vị trí chủ chốt chắc chắn phải có hai cái tên là Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm.

Thủ tướng Xuân Phúc là kẻ cơ hội, mị dân, nịnh đảng. Gió chiều nào theo chiều ấy. Ông ta khó có thể trong nhóm cao cấp ra quyết định cứng rắn vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, nhưng ông ta cũng sẽ không phải là người phản đối, thậm chí còn hùa theo.

Không thể nào nói Nguyễn Phú Trọng không biết, không liên can. Vụ Đồng Tâm gây bão dư luận, từ chủ tịch nước, thủ tướng, trưởng ban tuyên giáo đều bày tỏ ý kiến. Riêng ông Trọng thì không, một cái xe sang gắn biển công tận ở Hậu Giang ông đọc báo còn biết, lẽ nào vụ Đồng Tâm ông Trọng không biết gì ?

Ông ta biết hết, thậm chí ông ta là người duyệt phương án tấn công Đồng Tâm trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch quân ủy trung ương, trên cương vị chủ tịch nước, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 11/09/2020

(1) Chủ tịch nước : "Chỉ đạo Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ Đồng Tâm"

(2) Thủ tướng : Vụ Đồng Tâm là do chính quyền giải quyết sai pháp luật

*******************

Vì sao phiên xét xử vụ án Đồng Tâm phải rút ngắn hơn dự kiến ?

Diễm Thi, RFA, 11/09/2020

Sáng ngày 7/9/2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm. Họ bị cáo buộc đổ xăng thiêu chết ba sĩ quan công an mà theo cơ quan chức năng là đến làm nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1.

diemtoi2

Bị cáo Lê Đình Công nói trước tòa ngày 7/9/2020 tại phiên sơ thẩm. Photo : anninhthudo

Cắt ngắn phần tranh tụng

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Thẩm phán Trương Việt Toàn làm Chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.

Tuy dự kiến diễn ra 10 ngày nhưng đến chiều ngày 10 tháng 9, phiên xét xử sơ thẩm này đã kết thúc phần tranh luận và cho các bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng Xét xử tuyên bố nghỉ để nghị án. Dự kiến chiều thứ hai, ngày 14 tháng 9 năm 2020 tòa sẽ tuyên án.

Trước đó, chỉ sau hai ngày thẩm vấn, sáng ngày 9 tháng 9, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị hai án tử hình với tội danh ‘Giết người’ đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức ; án chung thân với ông Lê Đình Doanh với cùng tội danh.

Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Vậy phiên tòa có cắt ngắn quy trình tố tụng hay không ?

Luật sư Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bảo vệ pháp lý cho các bị cáo nêu quan điểm của ông :

"Theo tôi, phiên tòa kéo dài thì thường ở phần tranh tụng giữa người bào chữa với bên công tố, có cả đại diện các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Phiên tòa này bị cắt ngắn vì không có những người đó. Điều tra viên và giám định viên cũng không được triệu tập nên không có người để cho các luật sư hỏi và chất vấn. Chính vì vậy phiên tòa bị cắt ngắn nhiều.

Trong phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát chỉ đối đáp tóm gọn có một lần thế thôi chứ không đối đáp tất cả các chất vấn của luật sư. Tôi cho rằng phần này bị cắt ngắn bởi chủ tọa. Còn các thủ tục khác thì tương đối đầy đủ".

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, quy trình tố tụng thì đầy đủ tất cả các bước. Vấn đề là mỗi bước diễn ra quá nhanh hoặc bị cắt bớt, chẳng hạn như phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát. Ông giải thích :

"Phần tranh luận luôn luôn là phần người ta chờ đợi nhất trong một phiên tòa thì nó lại ngắn nhất. Đáng lẽ nó phải diễn ra một cách công bằng và dân chủ cho các bên, bên buộc tội và bên gỡ tội. Tuy nhiên bên buộc tội thì làm và nói rất ít.

Có việc này tôi cũng rất ghi nhận, đó là khi hết phần đối đáp lần đầu tiên thì vị đại diện viện kiểm sát, ông Đặng Hoàng Giang có nói rằng nếu các luật sư cần đối đáp thì chúng tôi sẵn sàng đối đáp với các luật sư.

Khi họ gợi ý như thế thì chúng tôi đối đáp rất nhiều với Viện kiểm sát. Tuy nhiên, ông chủ tọa phiên tòa bất ngờ tuyên bố họ thấy không cần thiết nữa và cắt luôn phần đối đáp của Viện kiểm sát mà không cần phải hỏi Viện kiểm sát là có muốn đối đáp tiếp hay không. Ông chủ tọa hơi vượt quá quyền của mình".

Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình đã cùng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển thành lập "Tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.

Rạng sáng 9 tháng 1 năm 2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì ông Lê Đình Chức đẩy ba công an xuống hố và ông Lê Đình Doanh châm lửa đốt chậu xăng bưng hất xuống hố…

Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy ông Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt.

Trong khi đó, theo người dân Đồng Tâm thì rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh. Họ giết chết ông Lê Đình Kình và bắt đi 29 người dân.

diemtoi3

Phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm. Photo : anninhthudo

Một luật sư khác trong nhóm các luật sư bảo vệ các bị cáo Đồng Tâm đánh giá đây là phiên tòa phức tạp với nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ, thế nhưng phần đối đáp giữa các luật sư và Viện kiểm sát đột ngột bị cắt bởi vị chủ tọa phiên tòa. Phiên xử diễn ra quá ngắn so với dự kiến nên không có thời gian đối đáp nhiều và các luật sư chỉ hỏi được khoảng 30% những câu muốn hỏi.

Không triệu tập những người liên quan

Ngoài yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án, các luật sư còn đề nghị triệu tập hơn 20 cơ quan và cá nhân có liên quan trách nhiệm trong sự kiện Đồng Tâm. Chẳng hạn như triệu tập ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ công an ; ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội ; đại diện Thành ủy Hà Nội ; chỉ huy của các đơn vị quân đội như Lữ đoàn 28 công binh thuộc Quân chủng Phòng quân Không quân ; Công an thành phố Hà Nội ; trung đoàn Cảnh sát thủ đô ; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thuộc Bộ công an ; bà Dư Thị Thành là vợ ông Lê Đình Kình và cô Nguyễn Thị Duyên là vợ bị cáo Lê Đình Uy…

Tuy vậy, vị chủ tọa phiên tòa nói rằng họ thấy không liên quan nên họ không triệu tập. Chỉ có hai cá nhân đại diện cho hai đơn vị là ông Phó chủ tịch Ủy ban xã Đồng Tâm và đại diện cho Ủy ban nhân dân Huyện Mỹ Đức là có mặt.

Nhận xét về điều này, Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, theo luật thì cũng không cấm việc từ chối triệu tập nếu họ thấy không cần thiết. Nhưng để có một bản án thuyết phục thì cần phải triệu tập đầy đủ các thành phần. Phải có cả chuyên gia về các lãnh vực như chất cháy, vũ khí… Nếu không triệu tập đầy đủ thì bản án khó mà thuyết phục được mọi người.

Cũng cùng quan điểm, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét thêm rằng, vấn đề này thuộc về mặt chủ quan của Hội đồng Xét xử. Có nghĩa là họ cảm thấy cần thiết hay không là quyền của họ. Các luật sư gỡ tội thì thấy như vậy là chưa đầy đủ và tố tụng cũng chưa đầy đủ. Nhất là việc dựng lại hiện trường. Ông Tuấn nói :

"Đối với một vụ án có chết người, có án tử hình thì nhất thiết phải dựng lại hiện trường. Tại sao người ta không làm ? Thực tế là vì người ta không muốn vụ án được kéo dài. Vấn đề truyền thông thì truyền thông nhà nước có vẻ đang hụt hơi so với truyền thông mạng xã hội cho nên có thể họ không hài lòng. Việc cắt ngắn phiên tòa cũng có thể vì một trong những nguyên nhân đó".

Theo thông tin từ các luật sư mà RFA trò chuyện, với kế hoạch của công an thành phố Hà Nội đột kích vào Đồng Tâm mà trong cáo trạng có đề cập, các luật sư đề nghị phải khởi tố tại tòa vụ án giết người mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình theo Đơn Tố Giác Tội Phạm của bà Dư Thị Thành hồi tháng 3/2020. Có ba luật sư được bà Thành viết giấy mời hỗ trợ pháp lý là Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Lê Văn Hòa.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 10 tháng 9, các luật sư bên gỡ tội đã đề nghị Viện Kiểm sát công bố một bản kế hoạch được cho là thuộc diện "tối mật" của Công an Hà Nội liên quan đến cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 9 tháng 1 năm 2020.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 11/09/2020

***********************

Vụ Đồng Tâm : Kế hoạch 419A là gì ?

Trương Nhân Tuấn, 11/09/2020

Bên công an cương quyết không công khai Kế hoạch 419A nhưng tòa vẫn "tỉnh bơ" chấp nhận bản cáo trạng của Viện kiểm sát. 29 người dân Đồng Tâm kẻ thì bị kết vào tội "giết người", viện kiểm sát đề nghị tử hình cho hai người (đều là con của Lê Đình Kình), kẻ thì bị kết vào tội "chống người thi hành công vụ".

diemtoi4

Trong phiên xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 10/9, các luật sư bào chữa đề nghị Viện Kiểm sát công bố một bản kế hoạch được cho là thuộc diện "tối mật" của Công an Hà Nội liên quan đến cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 9/1.

Tòa không cần biết mục đích của kế hoạch 419A là gì. Đối với dư luận thì đó là kế hoạch (do công an dàn dựng) nhằm mục tiêu đánh vô nhà Lê Đình Kình, giết ông này để chiếm đoạt giấy tờ, bản đồ... có liên quan đến đất Đồng Sênh.

Kế hoạch 419A không công bố, màn tối phủ trùm lên phiên tòa.

Vậy Tòa dựa vào đâu để khẳng định vụ "đánh đẹp" vào nhà ông Kình là một "công vụ" ?

"Công vụ" là gì ? Nếu xét dưới ánh sáng của "ngôn từ" thì "công vụ - fonction publique" là "hoạt động do cán bộ, viên chức... nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội".

Kế hoạch 419A có thực hiện đúng theo pháp luật hay chưa ?

Nhà nước nào (và đạo lý nào) cho phép cả ngàn công an trang bị vũ khí tận răng, ban đêm 3 giờ sáng đánh vào nhà dân, nguyên là một ông già 84 tuổi đời (58 tuổi đảng) ?

Hành vi giết Lê Đình Kình và cướp lấy giấy tờ, bản đồ... của ông này liên quan đất Đồng Sênh là hành vi "phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội" ?

Không có qui định nào của pháp luật Việt Nam "bảo kê" cho vụ cố ý giết người và cũng không có luật nào của Việt Nam bảo vệ hành vi giết người tự tiện của công an.

Ba ông công an vì sao mà chết ? Cáo trạng viết là do "xăng đốt". Chuyện này không ai tin. "Giếng trời" sâu và hẹp, thể tích dưỡng khí dưới đáy giếng không đủ để xăng cháy liên tục đến 10 giây đồng hồ. Bên bị cáo yêu cầu "thực nghiệm hiện trường" thì tòa bác.

"Chết vì xăng đốt" hiện trường không được chứng minh. Không có bất kỳ một tờ giấy giảo nghiệm của một cơ quan y tế chứng minh 3 ông công an "chết vì xăng đốt".

Nguyên nhân "do xăng đốt" làm chết 3 ông công an vậy chỉ là "ý kiến" của Viện kiểm sát ghi trong cáo trạng.

Nếu có coi một clip video chiếu trên net từ hôm 9 tháng giêng thì ta thấy "trận đánh" vô nhà ông Kình mở đầu bằng các đợt "pháo kích" bằng trái sáng và lựu đạn chấn động. Sau đó mới là những loạt súng bắn tứ tung.

Người ta có thể đột nhập vô nhà ông Kình dễ dàng, bằng cửa chính, cửa sổ hay từ sân thượng. Hà cớ chi 3 ông công an leo vào nhà "hàng xóm" để bị rớt vào giếng ?

Điều này vô lý. 3 giờ sáng cha con ông Kình ngủ yên ở nhà mình, không ở nhà hàng xóm để "đổ xăng" vô giếng để thiêu sống ba ông công an. Cáo trạng của VKS đoạn này phải bác bỏ. Vì nó "thậm phi lý".

Vì vậy, tôi có nói từ đầu, ba ông công an chỉ có thể chết vì "phe ta bắn phe mình". Đạn trái sáng đeo trong người 3 ông bùng cháy, do đạn lạc hay do kỹ thuật, khiến ba ông cháy thành than, chết thảm.

Ta cũng không thể loại bỏ giả thuyết cho rằng không có ông nào chết hết cả. Công an "dựng" được kịch bản "công vụ" thì công an cũng có thể dựng kịch bản "liệt sĩ" cho ba cái hình nộm.

Lý ra phải có một vụ án giết Lê Đình Kình cũng như vụ án công an lạm dụng quyền lực. Phe công an dựng kịch bản "3 ông công an chết cháy do xăng đốt" nhưng công chúng không phải ai cũng đui mù.

Vấn đề đặt ra là ông Kình nguyên đảng viên 58 tuổi đảng. Tranh chấp đất Đồng Sênh trở thành tranh chấp giữa các thế hệ đảng viên.

Thế hệ đảng viên trẻ tham nhũng tới xương muốn diệt trừ đảng viên lớp già, nghèo vì vừa trong sạch, vừa can trường muốn giữ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và dân làng. Lớp đảng viên trẻ hủ bại phê phán thế hệ già "cậy công". Thế hệ già dĩ nhiên người ta có công lao. Lớp trẻ không đổ một giọt máu, đoạt hết công lao lớp già không nói làm chi. Giết người ta cướp của lại đổ thừa lớp già "cậy công" là điều quá đáng.

Tranh chấp giữa lớp đảng viên trẻ nắm quyền lực với lớp dảng viên già đã về hưu. Lớp trẻ hiện có quyền lực đa số thối nát tới xương. Nhìn Tô Ân Xô viên thiếu tướng công an. Chỉ môt dây nịt lưng của hắn (trị giá lên tới 5000 đô) diện trước công chúng lúc hắn ta bôi nhọ ông Kình "cường hào địa chủ mới" đủ cho ta thấy cái đểu giả của lớp trẻ vô ơn. Một hột cơm trong miệng của Tô Ân Xô hiện nay có được là do công lao xương máu của lớp đảng viên già, kiểu ông Kình đổ ra giành lấy.

Tô Ân Xô đại diện phe công an ăn cháo đái bát, cướp của giết người lại còn qui tội cho nạn nhân.

Vụ Đồng Tâm lịch sử sau này sẽ rữa tội cho ông Kình và 29 nạn nhân bằng máu và nước mắt.

Chó không ăn thịt chó nhưng đảng viên bây giờ vô ơn bội nghĩa, vì lợi sẵn sàng giết đồng chí tiền bối của mình.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 11/09/2020

***********************

Vụ Đồng Tâm : Luật sư bảo vệ quyền lợi 3 công an phản đối thực nghiệm điều tra

Phạm Toàn, trithucvn, 10/09/2020

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền lợi cho 3 công an tử vong trong vụ Đồng Tâm đã phản đối việc thực nghiệm điều tra, trong đó cho rằng thực nghiệm hiện trường "sẽ gợi lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân".

diemtoi5

Luật sư Ngô Anh Tuấn khảo sát đáy hố "giếng trời", nơi được các cơ quan tố tụng Thành phố Hà Nội xác định là hiện trường 3 công an thiệt mạng do bị đốt xăng. (Ảnh : Luật sư cung cấp)

Truyền thông trong nước hôm 10/9 dẫn thông tin từ luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 cảnh sát tử vong trong vụ Đồng Tâm, nói rằng không cần thực nghiệm điều tra và ông "phản đối việc thực nghiệm hiện trường vụ án".

Ông Bách khẳng định 3 cảnh sát này đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao và không đồng ý trước đề nghị của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo rằng cần thực nghiệm điều tra và dựng lại hiện trường vụ án.

Vị luật sư này nêu quan điểm : "Chúng ta có thể dựng lại hiện trường một vụ giết người tàn bạo như vậy hay không ? Ai là người dám chui xuống cái hố đó, cho người khác đổ xăng lên ?".

Theo ông Bách, trong trường hợp này, việc thực nghiệm lại hiện trường "sẽ gợi lại nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân".

Theo cáo trạng từ cơ quan tố tụng Thành phố Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1/2020, ba cảnh sát gồm : Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân đã bị các bị cáo dùng tuýp gắn dao phóng lợn, gạch đá,… tấn công và bị rơi xuống hố kỹ thuật (giếng trời).

Các cơ quan tố tụng cáo buộc khi 3 cảnh sát ngã xuống hố, các bị cáo đã chọc tuýp sắt gắn dao nhọn xuống, rồi đổ xăng ngắt quãng thiêu 3 cảnh sát, kết quả than hóa toàn thân.

Vào ngày 12/6, tài khoản Facebook Trịnh Bá Phương đã đăng một video quay lại hiện trường vụ việc, chỉ ra một số điểm đáng lưu ý, như dưới đáy giếng trời, các "cót ép" lót giữa hai bức tường (trong lúc xây bị lộ ra ngoài) vẫn còn nguyên, không bị cháy bởi nhiệt. Đối chiếu với tình trạng hiện trường thì kết luận của cơ quan điều tra : "3 cảnh sát bị thiêu cháy đến mức không nhận diện được, xương tay cháy hết, xương sọ bị nổ vì nhiệt" là vô lý.

diemtoi6

Theo cáo trạng, xác của 3 công an đã hóa than dưới lượng nhiệt rất cao, nhưng miếng "cót ép" lót giữa hai bức tường, tại gần đáy hố lại còn nguyên, không bị cháy. (Ảnh cắt từ clip/FB Trịnh Bá Phương)

Nhiều ý kiến trong dư luận cũng chỉ ra việc 3 cảnh sát cùng rơi xuống hố là khó hiểu, vì một người rơi xuống hố 4m sẽ phát ra tiếng động rất lớn, kèm tiếng la hét khiến những người sau dừng lại,…

Trong thời điểm diễn ra phiên tòa, các luật sư đưa ra hình ảnh luật sư Ngô Anh Tuấn (người bào chữa cho các bị cáo) trong một lần khảo sát tại đáy giếng trời. Bức ảnh cho thấy một đoạn dây điện nằm phía đáy hố không bị cháy. Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ về kết luận điều tra rằng 3 công an bị thiêu "than hóa toàn thân".

Trên trang cá nhân, luật sư Hà Huy Sơn đưa phân tích chỉ ra tính bất khả thi của kịch bản "đổ xăng" được đưa ra trong cáo trạng.

Ông Sơn viết :

"Phương trình hóa học của xăng cháy : C6H14+9.5O2=6C02+7H20.

Theo phương trình trên, cứ 1 mol xăng cần 9.5 mol oxy, mà mỗi mol ở điều kiện khí lý tưởng (1 at 25oC) chiếm ~25 lít, 9.5 mol tương đương 235 lít.

Vì tỷ lệ oxy trong không khí bằng 1/5, cho nên để đốt hết 1 mol xăng (86g) cần có ~1.2 m3 không khí.

Giếng trời giữa nhà ông Hợi và ông Chức có kích thước (0,76m x 1,45m x 4m) chứa 4,408m3 không khí, tức chỉ đủ để đốt hết có 367g xăng, tỷ trọng 0,750 tương đương khoảng 0,625 lít. Nếu chỉ đốt hết 0,625 lít xăng thì 03 công an không thể bị than hóa.

Do giếng kín, nên xăng đổ xuống "nhiều chậu" chỉ có thể bốc hơi lên trên và cháy phía trên miệng giếng, chứ không thể cháy trong giếng. Nó giống như một trò chơi dân gian. Người ngậm dầu vào miệng và phun vào ngọn lửa trần tạo ra ngọn lửa nhưng miệng người phun không hề bị bỏng. Vì trong miệng anh ta không có ô xy.

Vì thế, với kịch bản đổ xăng được đưa ra trong cáo trạng, thì sẽ có một cột lửa lớn phụt trên miệng giếng, 03 Công an rơi trong giếng chỉ chết ngạt chư không thể bị than hóa. Vì không đủ oxy để cháy".

Ông Sơn cho biết trước khi làm luật sư, ông đã làm ở ngành xăng dầu Petrolimex gần 20 năm nên hiểu về xăng dầu. Ông được về làm ở Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam từ năm 1988 do ông Trương Đình Tuyển khi đó làm tổng giám đốc tiếp nhận.

Vào ngày 9/9, sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên mức án tử hình đối với 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức (là hai con trai của ông Lê Đình Kình). 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.

Chiều 10/9, luật sư Ngô Ngọc Trai cho biết Hội đồng xét xử vụ Đồng Tâm sẽ tuyên án vào chiều thứ 2 tuần tới, ngày 14/9, nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến phiên tòa xét xử sẽ kéo dài trong 10 ngày, từ ngày 7 tới ngày 17/9. Cuối giờ sáng ngày 10/9, chủ tọa đột ngột tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần Nghị án, cho biết bản án sẽ được tuyên vào lúc 15h chiều 14/9, theo các luật sư Ngô Anh Tuấn, Đặng Đình Mạnh.

Phạm Toàn

Nguồn : trithucvn, 10/09/2020

***************************

Bộ công an muốn "tru di tam tộc" gia đình cụ Lê Đình Kình

Trương Nhân Tuấn, 09/09/2020

Vụ án Đồng Tâm đối với bộ công an rõ ràng là "càng xử lâu càng khó". Tòa đã định thời gian 10 ngày để xét xử nhưng mới hai ngày viện kiểm sát đã đề nghị án tử đối với hai người giòng họ Lê Đình. Xử theo lối "chạy tang", bất chấp thủ tục tố tụng, lần nữa cho thấy công an đã lạm dụng quyền lực đến mức không thể chấp nhận được.

diemtoi7

Gia đình ông Lê Đình Kình nay người chết, người ngồi tù

Ba ông công an té xuống giếng trời, chết bằng cách nào, do xăng đốt cháy, do té bể đầu, hay do vũ khí (lựu đạn lân tinh) cháy... thì nguyên nhân trực tiếp của 3 cái chết là do "thiếu luyện tập", thiếu chuyên nghiệp... mà các việc này người có trách nhiệm trực tiếp là Tô Lâm. Ngân sách bộ công an chiếm tới 11% ngân sách quốc gia, cao hơn cả ngân sách bộ giáo dục. Bộ công an và ông Tô Lâm "đã làm cái gì" mà bản lĩnh sĩ quan công an tệ hại, thua cả một tên trộm không lành nghề.

Bộ công an muốn xử theo lối "chạy tang" vì càng xử lâu, cho phép luật sư biện hộ và bị cáo có ý kiến, thì sư thật sẽ được phơi bày. Ba ông công an chết vì tai nạn, hay chết cháy do trái sáng (lựu đạn lân tinh) thì không thể ghép người ta vô tội "giết người". Càng để cho luật sư và các bị cáo mở miệng thì vụ "chống người thi hành công vụ" cũng không thuyết phục. Luật không cho phép sử dụng vũ lực tấn công nhà dân vào ban đêm, nhứt là mục đích để "ăn cướp" đất của nông dân Đồng tâm.

Bộ công an muốn "trả thù" giòng họ Lê Đình Kình. 3 ông công an chết thì ba người họ Lê Đình phải đền mạng. Vụ án Đồng Tâm trở thành vụ công an lạm dụng quyền lực, dùng tòa án và pháp luật trước để trả thù, sau để "dằn mặt" tất cả những ai dám thách thức quyền lực của bộ công an, tức thách thức ông Tô Lâm.

Ông Lê Đình Kình có hơn 50 tuổi đảng. Cái ghế ngồi của ông Trọng, ông Tô Lâm đang ngồi là có công lao đóng góp xương máu của các đảng viên như Lê Đình Kình. Ông Kình là "một bộ phận" của đảng.

Đứng về phía tài phiệt địa ốc bộ công an của Tô Lâm đã giết ông Kình, giết thêm con trai và cháu trai ông Kình.

Bộ công an đã "tru di tam tộc" đảng viên. Lạm dụng quyền lực đến mức này thì không ai có thể tha thứ.

Vấn đề lạm dụng quyền lực của bộ công an đã thể hiện một cách lộ liễu trong vụ án Đồng Tâm.

Qui tội 29 công dân Đồng Tâm vào tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ", người "đạo diễn" bộ công an nếu có chút ít tinh thần trọng luật thì phải chứng minh rằng 3 ông công an chết dưới "giếng trời" là do "bị giết" và đồng thời vụ tấn công vào nhà dân lúc đêm hôm là một "công vụ".

Đạo diễn Bộ công an cho chiếu tại tòa những "bản kịch" dàn dựng như là "bằng chứng" buộc tội "giết người".

Điều cần thiết phải làm lý ra là "dựng lại hiện trường", ngay nơi "giếng trời" để chứng minh cụ thể.

Hình chụp xác chết cháy đen, nói là do xăng đốt, hiển nhiên không thuyết phục. Nhiên liệu như xăng, dầu không thể cháy trong môi trường thiếu dưỡng khí của giếng trời. Những người chết cháy có nhiều xác suất chết vì vũ khí như lựu đạn "lân tinh" hay "trái sáng" mang theo trong người. Chỉ có các loại vũ khí hóa học (như phosphore hay các loại hóa chất cháy không cần dưỡng khí) mới có thể cháy dữ dội (nhiệt độ cao) và lâu dài, cháy thiêu cả xác người như đã thấy trong môi trường thiếu dưỡng khí (Oxygen) của giếng trời.

Cũng cần kiểm chứng rằng một người khi té xuống giếng trời người này có thoát chết hay không ?

Chết vì tai nạn, hay chết do vũ khí (hóa học) mang theo bùng cháy thì không thể qui tội "giết người" cho dân Đồng Tâm.

Còn nói là "thi hành công vụ", thời điểm "tấn công" khẳng định rằng bộ công an đã "làm càn", không theo trình tự và thủ tục qui định của pháp luật.

"Làm càn" trái thủ tục pháp lý, ngay cả khi người làm càn là ông Trọng hay ông Tô Lâm, những người này cũng bị "xử" trước pháp luật.

Luật về "sở hữu đất đai" qui định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý". Đây là một thứ "luật nền" của các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản (hay xã hội chủ nghĩa của Mác Lenin). Luật về đất đai của Việt Nam có nội dung tương tự.

Luật đất đai của Việt Nam qui định thẩm quyền "truất quyền sử dụng đất đai" cho cán bộ các cấp quận, huyện... mà lý ra quyền này phải thuộc về người nắm "quyền lực tối cao" trong nhà nước, đó là Quốc hội. Bởi vì "chủ quyền quốc gia", tức quyền lực tối cao và tuyệt đối trong quốc gia thuộc về "toàn dân" mà Quốc hội là nơi tập trung quyền lực tối cao đó.

Luật Việt Nam qui định "quyền sử dụng đất đai" cũng là một "quyền sở hữu". Do đó không cá nhân nào ở Việt Nam có thẩm quyền "truất hữu quyền sở hữu của người khác", ngoại trừ Quốc hội.

Mọi thủ tục "truất hữu" không thông qua Quốc hội là "phạm luật".

Tức là trong vụ Đồng Tâm bộ công an toa rập với tài phiệt tư nhân dàn dựng âm mưu cướp đất của dân. Tất cả những người có dính líu trong vụ này đều là "tội phạm". Tội lạm dụng quyền lực để ăn cướp và giết người.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 09/09/2020

**********************

Vụ án Đồng Tâm - Gốc rễ Đảng cộng sản Việt Nam đang rữa nát

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 09/09/2020

Dư luận đang dõi theo sát sao vụ án Đồng Tâm trong những ngày này.

diemtoi8

Gốc rễ của Đảng cộng sản Việt Nam là nông dân nay không còn nữa : Đảng và guồng máy nhà nước sẵn sàng chiếm đoạt đất đai và giết dân khi cần

Tin mới nhất cho hay, Viện Kiểm sát Hà Nội đề nghị 2 án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, cùng 1 án chung thân đối với ông Lê Đình Doanh. Cả ba người này đều là con cháu của ông Lê Đình Kình - người đã chết tại nhà lúc rạng sáng 9 tháng Giêng năm 2020.

Dư luận không còn bàng hoàng và chết lặng - như biết tin ông Lê Đình Kình chết không toàn thây - khi hay tin những mức án được nêu ra. 

Vụ án Đồng Tâm cũng tạo ra phản ứng từ quốc tế.

- Ngày 11/01/2020, bà Saskia Bricmont, dân biểu nghị viện Châu Âu, Trợ lý Ủy viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Xanh, và ông Iuliu Winkler, Trợ lý Ủy viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu, đã kêu gọi chính phủ Đức hoãn phê duyệt EVFTA với Việt Nam.

- Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng kêu gọi "Việt Nam mở cuộc điều tra công khai, khách quan về vụ việc tại Đồng Tâm".

- Ngày 14/02/2020, bình luận về vụ việc Đồng Tâm, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết "Chúng tôi theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ việc này và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch".

Những hệ quả từ vụ án Đồng Tâm có thể nhận thấy :

1. Về lịch sử :

Có thể nhìn nhận, lịch sử đau thương của thời Cải cách ruộng đất (1953-1956) được tái diễn với định nghĩa của người phát ngôn Bộ Công an - Thiếu tướng Tô Ân Xô : Ông Lê Đình Kình "là loại cường hào địa chủ mới".

Giai đoạn lịch sử bi thảm kéo dài trong 3 năm nói trên, thế hệ sinh sau đẻ muộn chỉ biết đến sự tàn khốc cùng những hậu quả kéo theo dai dẳng, thông qua sách báo và phim ảnh, nay tận mắt chứng kiến sự man rợ bằng cái chết không toàn thây của "cường hào địa chủ mới" Lê Đình Kình.

2. Về lý luận :

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 chương I của Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam và căn cứ vào Hiến pháp 2013 của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy "cường hào địa chủ" đã hoàn toàn bị tiêu diệt từ khi cướp chính quyền thành công vào năm 1945. Vậy tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại để "loại cường hào địa chủ mới" sinh sôi ?

3. Về điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam :

Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam là văn bản pháp lý cơ bản. Theo đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô tuyên bố tức là Bộ Công An tuyên bố. Bộ Công An tuyên bố tức là đại tướng Tô Lâm tuyên bố.

Ông Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Theo quy định tại điều 9 Chương I và điều 17 chương III của điều lệ đảng, mọi ý kiến của ông Tô Lâm tức là ý kiến của Bộ Chính trị.

Như vậy, hoặc Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm về sự sinh sôi của "cường hào địa chủ mới" hoặc Thiếu tướng Tô Ân Xô và đại tướng Tô Lâm đã vi phạm điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam.

4. Về cải cách tư pháp :

Nghị quyết 49-NQTW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, do Bộ Chính trị ban hành ngày 02 tháng Sáu năm 2005 với mục tiêu, quan điểm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục I Chương I, nhằm "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý" hoàn toàn phá sản thông qua việc xử án 29 người dân Đồng Tâm với hàng loạt vi phạm về : trình tự, thủ tục tố tụng như : xác định sự thật của vụ án (điều 15), không thực nghiệm hiện trường (điều 204), xử công khai (điều 25) nhưng người thân của các bị cáo cũng như nhiều người dân quan tâm vụ án đều bị cản trở tới tòa hoặc bị bắt giữ phi pháp.

5. Về công ước quốc tế :

Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17 tháng Ba năm 2015 do đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào lúc bấy giờ, ký ban hành triển khai thực hiện công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (tiếng Anh : United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) bị chà đạp hoàn toàn, thông qua phiên xử 29 người dân Đồng Tâm.

6. Về chính trị :

Mảnh đất hơn 50 hecta - bị cho là vi phạm pháp luật từ người dân Đồng Tâm - cùng lắm chỉ đáng ba đến năm ngàn tỷ đồng Việt Nam. Đó là số tiền quá nhỏ nhoi, so với hàng trăm ngàn tỷ đồng do tham nhũng và hối lộ gây ra suốt hàng chục năm qua. Sự so sánh này làm dư luận cố gắng tìm hiểu ý nghĩa chính trị đứng phía sau vụ án tàn nhẫn và phi nhân nhất tính từ thời "hậu Cải Cách Ruộng Đất" đến nay.

Nếu thật sự vì giá trị kinh tế, có cần chết quá nhiều mạng người như vậy không ? Tất nhiên, phải tính cả 3 người phía công an được phong liệt sĩ.

Nếu thật sự vì thực thi pháp luật, có cần nhiều phát đạn găm trên thân thể ông Lê Đình Kình ?

Nếu thật sự vì răn đe dân chúng trong tương lai, có cần đề nghị thêm 2 án tử hình và 1 án chung thân ?

Nếu thật sự vì bảo vệ công lý, tại sao phía tòa bác bỏ đề nghị triệu tập cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung của luật sư ? Trong khi ông Chung là một mấu chốt quan trọng bởi tờ cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với dân làng Đồng Tâm, do chính tay ông Chung ký trực tiếp vẫn còn nguyên đó ?

Bộ Chính trị có thể không ngờ ông Lê Đình Kình bị sát hại dã man nhưng chắc chắn họ cho phép tấn công đánh úp làng Đồng Tâm vào rạng sáng 9 tháng Giêng năm 2020 với sự phong tặng liệt sĩ cho 3 viên công an chết trong khuất lấp. Điều gây sững sờ trong dân chúng lại là sự xuất hiện của bà Trương Thị Mai với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân Vận - trong lễ truy điệu 3 viên công an. Liệu bà Mai vận động nhân dân điều gì qua lễ truy điệu đó ?

Kết

Xoay quanh vụ án gây rúng động dư luận tại làng Đồng Tâm với 6 trụ cột quan trọng nói trên, trụ cột trọng tâm - mang tên "Lòng Dân" - hoàn toàn gãy đổ.

Đảng cộng sản Việt Nam khởi từ 1945 cho đến nay, luôn luôn và mãi mãi tuyên bố : Lấy dân làm gốc. Và cội rễ của "Gốc Dân" đã bị băm vụn qua cái chết của ông Lê Đình Kình và 2 án tử đang lơ lửng treo trước mặt 2 người con trai ông ấy cùng 1 án chung thân cho đứa cháu nội.

Cội nguồn dòng tộc Lê Đình Kình đang bị hủy hoại. Gốc rễ Đảng cộng sản Việt Nam đang rữa nát. Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 với 15 đảng viên cao cấp nhất phải chịu trách nhiệm về điều đó trước toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 09/09/2020 (nguyenngocgia's blog)

https://luatminhkhue.vn/quyet-dinh-364-qd-ttg-nam-2015-phe-duyet-ke-hoac...

******************

Vụ án Đông Tâm và "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa"

Trương Nhân Tuấn, 08/09/2020

Luật pháp Việt Nam nào giờ không nhằm mục tiêu "bảo vệ và thiết lập công lý" mà chỉ nhằm triệt tiêu mọi mầm mống chống đối trong xã hội để bảo vệ sự "độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội" của đảng

diemtoi9

Theo Hiến pháp, "Nhà nước Việt Nam" được xây dựng theo mô hình "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Đây là một khái niệm (xây dựng quốc gia) trên nền tảng pháp luật hoàn toàn mới, xa lạ với mọi khái niệm luật học của Tây phương.

Từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trước nhu cầu thay đổi pháp luật để gia nhập kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đưa ra khái niệm "quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa". Đây là mô hình nhà nước kiểu mới, đưa pháp chế xã hội chủ nghĩa vào mô hình nhà nước Tây phương "l'Etat de Droit".

"L'Etat" có nghĩa là "quốc gia", hay theo Việt Nam hiện thời là "nhà nước". "Droit" có hai nghĩa : 1/"luật pháp" và 2/"quyền". Ý nghĩa của "Droit" trong "Etat de Droit" là "pháp luật". "L'Etat de Droit" là quốc gia (hay nhà nước) được xây dựng trên các hệ thống pháp luật.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể "rời" quĩ đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, nhứt là về các vấn đề thuộc về "ý thức hệ" và lý luận chính trị. Đỗ Mười "bưng nguyên con" tư tưởng của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, "quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc được "đỉnh cao trí tuệ" Việt Nam thay đổi một chút, trở thành "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Trí thức Việt Nam,trong và ngoài nước, cùng thời kỳ, người thì "vẽ rắn thêm chân", người thì đóng vai phù thủy hà hơi vào lỗ mũi pho tượng đất sét "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Rốt cục cái gọi là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" cũng trở thành một "khái niệm luật học" về "mô hình xây dựng quốc gia".

Vấn đề là học giả Việt Nam "mỗi người mỗi ý". Khái niệm "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" được diễn giải "lung tung".

Không biết từ khi nào cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" bị rụng mất để trở thành "nhà nước pháp quyền". Không mấy ai còn nhớ nội hàm "pháp chế xã hội chủ nghĩa" gắn liền với "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Cái đuôi thằn lằn rụng đi thì mọi người cần nhớ là con thằn lằn vẫn là con thằn lằn.

Nhưng "bi kịch" về "luật học" của Việt Nam vẫn chưa chấm dứt lúc con thằn lằn đứt đuôi. Nó chỉ mới bắt đầu.

Một số học giả Việt Nam,trong ngoài nước, lại "chặt chân" con thằn lằn đứt đuôi kia. Cái râu ria "nhà nước" đơn thuần bị "cắt" đi. Từ "pháp quyền" được khai sinh thay thế "nhà nước pháp quyền" mà mỗi người "diễn giải" ý nghĩa theo cái cách của mình.

Mới đây Giáo sư Phạm Quí Thọ trên BBC có nói đại khái rằng vụ Đồng Tâm nhà nước Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng "pháp trị", thay vì "pháp quyền" để xét xử vụ án.

Pháp trị là một "mô hình xây dựng quốc gia", được Việt Nam Cộng Hòa (và các quốc gia văn minh Hán học) sử dụng để chỉ cho "the Rule of Law", mô hình luật học xây dựng quốc gia kiểu Anh (và Mỹ).

Không chỉ Giáo sư Phạm Quí Thọ mà rất nhiều học giả hải ngoại cũng diễn giải theo cách "thằn lằn đứt đuôi".

Con thằn lằn đứt đuôi, "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" trở thành "nhà nước pháp quyền" là cả một vấn đề "cá chốt" (không phải cá chép) muốn "hóa rồng".

Từ "nhà nước pháp quyền" trở thành "pháp quyền", các học giả Việt Nam muốn "nhào nặn" ngôn từ tới đâu ?

Pháp quyền là gì ? Đố học giả Việt Nam nào đinh nghĩa được chữ "quyền" trong cụm từ "nhà nước pháp quyền".

Một số học giả Việt Nam trước đây khẳng định "pháp quyền" nguyên thủy lấy từ câu vè (nói là) của Hồ chí Minh : "bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Pháp quyền trong câu vè này là "quyền được xét xử - juridiction". Quyền ở đây là "right, droit" chớ không phải là "power, pouvoir".

Tự điển Việt Nam không có từ "pháp quyền", theo ý nghĩa "mô hình xây dựng nhà nước trên luật pháp". Không ai định nghĩa được, chính xác là không ai có thể xác định được. Vì chữ "quyền" có rất nhiều nghĩa (vô định) : thuộc về quyền lực, thuộc về pháp luật, quyền biến....

Tây phương không ai tách chữ "Droit" ra khỏi "Etat de Droit" như học giả Việt Nam. "Etat de Droit", cũng như "nhà nước pháp quyền" là từ "khái niệm", một tập hợp chữ không thể tách rời. Tách ra "Etat" có nghĩa là "quốc gia hay nhà nước", "droit" trở thành "pháp luật". Hai chữ tách rời không có chút ý nghĩa nào liên quan đến "Etat de Droit".

Con thằn lằn rụng đuôi thì vẫn là con thằn lằn. Tách "pháp quyền" ra khỏi "nhà nước", "pháp quyền" đơn giản có ý nghĩa là "pháp luật".

Vụ án Đồng tâm, bản chất vốn là một cuộc "tranh chấp đất đai" giữa nông dân và cái gọi là "đất quốc phòng" được giao cho tài phiệt khai thác.

Công an đứng sau lưng tài phiệt, ban đêm xông vào nhà dân giết người, triệt tiêu tiếng nói đại diện cho tầng lớp bị cướp đất.

Công an lập bản "cáo trạng", 29 người Đồng Tâm bị xử vào tội danh "giết người" và "chống người thi hành công vụ".

Báo chí, truyền hình Việt Nam... đồng loạt loan tin như thể 29 người đã là tội phạm.

Ban đêm cả ngàn cảnh sát xông vào nhà dân nổ súng giết người. Đây là một "gian vụ", không phải là một "công vụ". Vì vậy không hề có tội danh "chống người thi hành công vụ".

Vào nhà dân giết người. Đây mới là tội danh "giết người" thực sự.

Cái gọi là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam rõ ràng là nhà nước của công an, bạo quyền.

Ngay cả khi áp dụng "pháp trị" theo mô hình luật học phong kiến của Pháp gia, vua sử dụng luật pháp để trị dân. Thì công lý cũng có đôi lần "sống sót". Vụ án Đồng Tâm công an "cả vú lấp miệng em", dùng súng ống thay cho pháp luật. Làm gì có "pháp trị" ở đây ? "Công lý" là một anh kịch sĩ đóng vai hề. Công lý là trò hề.

Vụ án Đồng Tâm, về mọi phương diện, thể hiện tính "quyền biến" trong việc sử dụng "quyền lực" của bộ máy công an.

Công an làm cái gì cũng đúng. Bởi vì bản chất của công an là bảo vệ lợi ích của đảng.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuan.truong, 08/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Người Buôn Gió, Diễm Thi Trương Nhân Tuấn, Phạm Toàn, Nguyễn Ngọc Già
Read 583 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)