Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2020

Đông Nam Á tiếp tục sống với đe dọa Trung Quốc nếu…

Nhiều tác giả

Tương lai Biển Đông : Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục

Nguyễn Trường, RFA, 10/09/2020

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, những căng thẳng tại biển Đông đã gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc tiếp tục tỏ thái độ quyết đoán, cùng với đó là việc quan hệ Mỹ-Trung xấu đi trong một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông. Những hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền tài phán và thể hiện rằng Covid-19 không làm suy yếu ý chí chính trị hay khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã phản tác dụng. Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Đông cũng như đẩy mạnh việc chỉ trích các hành động của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả, để ủng hộ các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, Washington đã gắn chính sách biển Đông của mình với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Trung Quốc và Mỹ liên tục cáo buộc nhau kích động căng thẳng và quân sự hóa tranh chấp.

dna1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận cùng tàu của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản ở Biển Đông hôm 31/8/2018 - Reuters

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền, đồng thời phản ứng bằng lập trường cứng rắn hơn. Các nước này tiếp tục bác bỏ cơ sở pháp lý "đường 9 đoạn" của Trung Quốc và viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016. Mặc dù các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á nhìn chung tán thành việc Mỹ ủng hộ họ thực thi quyền hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, nhưng các nước này cũng kiềm chế không công khai khẳng định điều này để tránh chọc giận Trung Quốc.

Trong vòng 18 tháng tới, căng thẳng không có khả năng hạ nhiệt. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đi xuống, bất luận ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hoạt động quân sự tại biển Đông, làm gia tăng nguy cơ đối đầu. Căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan sẽ tác động tới tranh chấp tại biển Đông. Các nỗ lực của Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và thông qua đàm phán với Trung Quốc về COC sẽ không làm thay đổi những động lực cốt lõi trong tranh chấp ở biển Đông.

Cạnh tranh chiến lược leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng tại biển Đông. Mối bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể từ nay cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới. Với sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về Trung Quốc, chính quyền Mỹ mới nếu do Joe Biden dẫn dắt cũng sẽ không thể thực hiện một chính sách mang tính hòa giải hơn tại biển Đông được. Nếu Tổng thống Trump tái cử, chính quyền của ông sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Vì thế, trong giai đoạn 2020-2021, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng tần suất các chiến dịch quân sự của Mỹ tại biển Đông, bao gồm các sứ mệnh hiện diện, các chuyến bay qua, các cuộc tập trận và FONOP. Mỹ nhiều khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các công ty, cá nhân tại Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc thực hiện chính sách của Bắc Kinh tại biển Đông.

Thông qua việc triển khai tàu hải quân tại EEZ của Malaysia cũng như qua tuyên bố của Pompeo, Mỹ đã cho thấy ý định gia tăng sự hỗ trợ dành cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền. Sự hỗ trợ này có thể bao gồm việc chuyển giao trang thiết bị như radar, thiết bị không người lái và tàu tuần tra để các nước có thể giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của Trung Quốc trong EEZ của họ, nhất là việc đánh cá trái phép và sự hiện diện của các tàu của Chính phủ Trung Quốc. Pompeo cũng ám chỉ rằng Mỹ có thể sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán tại biển Đông và gia tăng sức ép với Đài Loan nhằm thúc đẩy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và chuyển hướng sự chú ý khỏi các khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, quy mô và tần suất các cuộc tập trận của Hải quân PLA tại biển Đông cũng sẽ gia tăng. Các hoạt động quân sự của Mỹ, trong đó có FONOP, sẽ không ngăn cản được Trung Quốc. Nếu như tần suất FONOP tại biển Đông gia tăng, Hải quân PLA có thể áp dụng cách tiếp cận đối đầu hơn nhằm phản ứng trước việc các tàu hải quân Mỹ đi qua các quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa, làm gia tăng nguy cơ đụng độ trên biển mà có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị trong quan hệ Mỹ-Trung.

Dự báo trong năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai tàu khảo sát tới EEZ của các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, cũng như quấy rối các tàu tiến hành khai thác và thăm dò dầu khí theo thỏa thuận với các nước này. Mục đích của Trung Quốc là ép buộc chính phủ các nước Đông Nam Á ký thoả thuận khai thác chung với Trung Quốc, đồng thời cản trở các tập đoàn năng lượng quốc tế tham gia các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi cùng các công ty năng lượng Đông Nam Á khi không được Bắc Kinh chấp thuận.

dna2

Tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển của Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014 – Reuters

Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông quyết tâm bảo vệ tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền trong EEZ của họ. Các nước này cũng không kém phần quyết tâm để không bị lôi kéo vào tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Do sự bất cân xứng về sức mạnh, các nước Đông Nam Á không thể sử dụng hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển để đối đầu với Hải quân Trung Quốc (PLA) hay lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, mà chỉ có thể giám sát các hoạt động của họ. Trong tương lai, năng lực của họ trong hoạt động này có thể còn suy giảm vì các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và phải điều chuyển bớt năng lực cảnh sát biển và hải quân vốn đã hạn chế nhằm đối phó với tình trạng cướp biển đang ngày càng gia tăng trong và ngoài các vùng lãnh hải. Do đó, các nước Đông Nam Á còn lại 2 lựa chọn chính sách, và không lựa chọn nào có thể ngăn cản Trung Quốc hành động quyết đoán.

Lựa chọn thứ nhất là tiếp tục nhấn mạnh rằng các quyền trên biển của họ được xác định theo UNCLOS, và được phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bảo vệ. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng các quyền lịch sử của họ tại biển Đông phải được ưu tiên so với UNCLOS và phán quyết của Tòa trọng tài là vô giá trị. Chiến lược của các nước Đông Nam Á nhằm làm cho Trung Quốc phải hổ thẹn và điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền theo UNCLOS sẽ không thành công và Bắc Kinh sẽ sẵn sàng chấp nhận việc uy tín bị suy giảm.

Lựa chọn thứ hai là đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, với hy vọng rằng nó sẽ điều chỉnh cách hành xử của Trung Quốc và làm giảm căng thẳng. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay, các quan chức 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc chưa thể gặp nhau để tiếp tục đàm phán. Tháng 7/2019, các quan chức đã nhất trí về dự thảo thứ nhất của COC. Cuộc gặp gần đây nhất của Nhóm làm việc chung (JWC) ASEAN-Trung Quốc về COC diễn ra tại Đà Lạt, Việt Nam vào tháng 1/2019. Hai cuộc gặp của JWC dự kiến diễn ra vào đầu năm 2020 – tại Brunei vào tháng 2 và tại Philippines vào tháng 5 – đều đã bị huỷ do đại dịch Covid-19. Tính chất nhạy cảm của các cuộc đàm phán này không cho phép tiến hành thông qua hình thức họp trực tuyến. Tình hình có thể thay đổi vào cuối năm nay và các nội dung ít nhạy cảm của COC có thể được đàm phán trực tuyến. Bắc Kinh có vẻ muốn nối lại đàm phán. Tuy nhiên, ngay cả khi các cuộc thảo luận được nối lại, sự ngắt quãng trong công việc của JWC có nghĩa là mục tiêu hoàn tất COC trong năm 2021 mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố sẽ khó có thể đạt được. Ngay từ trước khi đại dịch xảy ra, nhiều nước thành viên ASEAN đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu này khi xét tới tính phức tạp của các vấn đề thảo luận. Vì thế, có thể phải tới năm 2022 hoặc 2023 thì COC mới được ký kết, và vào thời điểm đó, Trung Quốc hẳn đã củng cố vững chắc hơn đáng kể vị thế của mình tại biển Đông.

Không có nhiều lý do để tỏ ra lạc quan rằng căng thẳng sẽ lắng dịu tại khu vực biển Đông trong giai đoạn 2020-2021. Cạnh tranh Mỹ-Trung, động lực trung tâm của tình trạng này, chắc chắn sẽ leo thang. Đối mặt với thực tế khó khăn này, các nước Đông Nam Á sẽ không có sẵn nhiều công cụ để hạ nhiệt tranh chấp ngoài việc viện dẫn luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Như vậy, tranh chấp tại biển Đông sẽ vẫn đứng đầu nghị trình an ninh của Đông Nam Á trong tương lai sắp tới.

Năm nay là năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã rất hy vọng đẩy mạnh vấn đề biển Đông và tiến trình đàm phán COC trong nghị trình của ASEAN cũng như tại Hội nghị Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN. Tuy nhiên, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, các nỗ lực của Việt Nam bị giảm đi rất nhiều.

Chúng ta còn nhớ mới đây, hồi tháng 7 năm nay, phía Việt Nam đã phải tiếp tục rút khỏi việc thăm dò tại Lô 06.1 do lo ngại sức ép từ phía Trung Quốc và sự chưa sẵn sàng của lãnh đạo Việt Nam trong việc đối mặt với đe doạ từ Trung Quốc. Trước đó, năm 2017 và 2018, Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol rút khỏi các Lô 136.3 và 07.3.

Như vậy, trong tương lai, khả năng Trung Quốc sẽ được đà lấn tới, tiếp tục đe doạ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ngay tại EEZ của Việt Nam. Dư luận quốc tế gần đây cũng rộ lên khả năng Việt Nam sẽ theo gót Philippines để sử dụng phương án Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS, nhằm lôi Trung Quốc ra Tòa quốc tế. Tuy nhiên, khả năng này vẫn còn chưa rõ ràng, khi Việt Nam năm nay đang chuẩn bị cho Đại hội đảng cộng sản lần thứ 13, là dịp mà các phe nhóm chính trị giành quyền lực cho nhóm mình. Chính vì vậy, các khả năng có các hành động pháp lý mạnh mẽ tại biển Đông khó có thể xảy ra năm nay.

Việt Nam cũng đặt hy vọng nhiều vào tiến trình đàm phán COC năm nay. Tuy nhiên, với các dự báo như trên, khả năng COC khó mà có thể ký kết được trong tương lai gần. Và đương nhiên, Trung Quốc muốn sử dụng COC để loại Mỹ ra ngoài vùng ảnh hưởng. Và đây cũng sẽ là một trở ngại cho Việt Nam trong việc cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc trong vai trò chủ tịch ASEAN năm nay.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 10/09/2020

***********************

Trung Quốc lại ‘thổi lửa’ ở Biển Đông

Hoàng Lan, Thoibao.de, 10/09/2020

Trung Quốc ngày càng hung hăng trên các hồ sơ mà nước này có tranh chấp chủ quyền từ Biển Đông, Biển Hoa Đông cho đến Eo biển Đài Loan bằng việc tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận. Chính quyền Trung Quốc mới đây đã phát đi thông báo từ ngày hôm 07/09/2020 sẽ tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn nữa trên vùng biển phía đông và đông bắc Trung Quốc.

dna3

Ảnh : Phái đoàn quân sự Mỹ – Nhật, do hai bộ trưởng Quốc Phòng dẫn đầu, hội đàm tại căn cứ không quân Anderson, Guam, ngày 29/08/2020

Chiến dịch mới nhất này gồm hai cuộc tập trận.

Cục Hải sự Trung Quốc cho hay cuộc tập trận thứ nhất diễn ra ở vùng biển Bột Hải, ngoài khơi thành phố cảng Tần Hoàng Đảo thuộc tỉnh Hà Bắc, vào ngày 07/09.

Cuộc tập trận thứ hai, trong đó có phần bắn đạn thật, sẽ được tổ chức ở khu vực phía nam của vùng biển Hoàng Hải trong ngày 08-09/09. Theo thông báo, tất cả tàu thuyền bị cấm vào khu vực tập trận.

Tháng trước, Trung Quốc đã tiến hành một sự kiện hiếm thấy và bất thường là tổ chức 4 cuộc tập trận kéo suốt từ biển Hoa Đông, Hoàng Hải cho đến Biển Đông.

Trong đợt tập trận nói trên, Trung Quốc đã bắn 2 tên lửa đạn đạo chống hạm, gồm tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và Đông Phong 26 (DF-26) về phía Biển Đông, vào một khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắn đến 4 tên lửa đạn đạo đến Biển Đông.

Trước đó, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã có cuộc gặp tại căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam ngày 29/08/2020 nhằm thắt chặt hợp tác quân sự song phương.

Lãnh đạo quân sự hai nước lên án mạnh mẽ những nước đơn phương dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng các tuyến lưu thông hàng hải, ám chỉ đến Trung Quốc.

Theo RFI, Bộ trưởng Mark Esper và đồng nhiệm Taro Kono nhất trí duy trì kiểm soát chiến lược hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc đến cam kết Washington bảo vệ Tokyo theo điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật, được áp dụng với trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.

Về vụ bắn tên lửa của Trung Quốc ra Biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng hai nước đều xác nhận đó là nhằm cảnh cáo các máy bay trinh sát của Mỹ hoạt động gần khu vực hải quân Trung Quốc đang tập trận.

Trước mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc, vào tháng 09 này, Nhật Bản có thể sẽ thảo luận những giải pháp phòng thủ thay thế, sau khi từ bỏ dự án triển khai hệ thống chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.

Các nước trong khu vực và các nước liên quan đều đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc bắn tên lửa ra Biển Đông.

dna4

Ảnh : Thông cáo ngày 27/08 của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông

Tên lửa DF-26, được bắn thử với tên lửa Đông Phong DF-21 ngày 26/08, có tầm bắn 4.000 km (2.485 dặm), được coi là "loại tên lửa diệt tầu sân bay" và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Loại hỏa tiễn này nằm trong các loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) được Hoa Kỳ và Liên Xô ký từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Do không bị ràng buộc vì Hiệp ước này, Trung Quốc đã triển khai khoảng 2.000 tên lửa liên lục địa hoặc tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đây là lý do được Washington nêu khi giải thích về việc rút khỏi INF.

Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận từ ngày 24 đến 29/08 ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Quốc phòng Mỹ phát đi thông cáo ngày 27/08 khẳng định "các hành động của Bắc Kinh, kể cả việc thử tên lửa, càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông".

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc nằm trong hàng loạt hoạt động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết ghi trong bản Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002 và đặt ra nghi vấn về động cơ thực thụ của Bắc Kinh trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Ngày 26/08/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng cho biết "việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam (…) đi ngược lại tinh thần Tuyên Bố về Ứng Xử của Các Bên ở Biển Đông (DOC)" và khiến tình hình thêm phức tạp, bất lợi cho tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc với các nước ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ba mục tiêu

Các cuộc tập trận ngày càng hùng hậu và trên quy mô lớn của Trung Quốc nhằm ba mục tiêu.

Thứ nhất là nhằm kích động tinh thần dân tộc trong nước. Thứ hai là để ngăn chặn các lực lượng bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào Biển Đông. Và thứ ba là cảnh cáo các nước láng giềng về các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Nhưng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ngày càng phản đối mạnh mẽ : Việt Nam thì yêu cầu Bắc Kinh hủy các cuộc tập trận ở Hoàng Sa đồng thời đề nghị tăng cường hợp tác với Ấn Độ vì sự ổn định của khu vực Ấn Đô – Thái Bình Dương, Philippines cho biết sẽ cầu viện Mỹ nếu Trung Quốc tấn công tầu của Philippines ở Biển Đông.

Riêng Mỹ sẽ không từ bỏ các chiến dịch FONOP ở trong vùng. Chiến hạm Mỹ đã thực hiện tuần tra vùng biển Hoàng Sa vào lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Một hôm sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa ở Biển Đông, ngày 27/08, chiếc khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) đã đi ngang qua vùng quần đảo Hoàng Sa nhằm "duy trì các quyền hạn, quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận".

Phát ngôn viên Mỹ khẳng định là chiến dịch bảo về quyền tự do hàng hải vừa thực hiện cũng nhằm "thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa".

Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ còn quyết định tổ chức họp "Bộ Tứ kim cương".

dna5

Ảnh chụp thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc trừng phạt các công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên án "thái độ rất hung hăng" hiện nay của Trung Quốc khi phát biểu tại tổ chức phi chính phủ Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) ngày 28/08.

Hãng tin Reuters cho biết Hoa Kỳ dự trù tổ chức nhiều cuộc họp cấp cao với các đối tác an ninh Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong "Bộ Tứ" (QUAD). Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ họp với đồng nhiệm Bộ Tứ vào tháng 09 và 10/2020. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ họp với các đồng nhiệm Bộ Tứ ở Hawaii vào tháng 10.

Ngày 26/08, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc và cá nhân tham gia xây đảo nhân tạo ở Biển Đông và cho biết "Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng".

Một trong những cái tên nổi trội nhất danh sách trừng phạt là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC). Không chỉ tham gia vào quá trình bồi đắp và xây dựng trái phép các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, Mỹ xác định CCCC còn là nhà thầu hàng đầu được Bắc Kinh sử dụng trong sáng kiến "Vành đai, con đường".

Lệnh trừng phạt ngày 26/08 được coi là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận sau tuyên bố lập trường mới về Biển Đông và cam kết hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Hoàng Lan

Nguồn : Thoibao.de, 10/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trường, Hoàng Lan, Thanh Phương
Read 797 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)