Biển Đông trước làn sóng đe dọa mới từ Trung Quốc
Trần Đại Thanh, RFA, 16/9/2020
Indonesia cứng rắn hơn khi bị Trung Quốc tiếp tục "xâm phạm" EEZ
Tình hình Biển Đông vốn đã "nóng" nay lại càng phức tạp hơn khi Indonesia mới đây đã có hành động cứng rắn : Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamia) quyết định bám đuổi và xua đuổi một tàu hải cảnh của Trung Quốc gần quần đảo Natuna, đồng thời trao công hàm phản đối Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm căn cứ quân sự ở Natuna ở Biển Đông hôm 9/1/2020 - Reuters
Phát biểu ngày 15/9 của ông Aan Kurnia, Giám đốc Bakamia rằng Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này ở Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của con tàu này. Theo ông Aan Kurnia, chiếc tàu của Trung Quốc đã tiến vào cùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia ở phía Bắc quần đảo Natuna ngày 12/9 và đến ngày 14/9 mới rời đi sau màn tranh cãi "qua sóng vô tuyến" và sau khi phía Indonesia khẳng định quyền chủ quyền đối với vùng biển này. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã yêu cầu một lời giải thích từ phía Đại sứ quán Trung Quốc : "Chúng tôi đã nhắc lại với phía Đại sứ quán Trung Quốc rằng EEZ của Indonesia không chồng lấn với các vùng biển của Trung Quốc".
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân trong cuộc họp báo ngày 15/9 khẳng định rằng các quyền lợi của Trung Quốc trong vùng biển liên quan là rất rõ ràng : "Tàu Trung Quốc tiến hành tuần tra bình thường trong vùng biển mà Bắc Kinh có quyền tài phán". Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định hai bên đã có liên lạc trao đổi về vụ việc vừa qua. Vụ việc xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia và đây là động thái mới nhất nằm trong chuỗi các vụ việc tàu tuần duyên và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và các cuộc tập trận tại một số khu vực tranh chấp trên tuyến hàng hải chiến lược này, vào đúng thời điểm các bên cũng có yêu sách khác đang tập trung xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19). Chuyên gia Ian Storey, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, nhận định : "Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã khẳng định các yêu sách về quyền tài phán của mình với cái gọi là 'đường 9 đoạn' (đường lưỡi bò), sự hiện diện của các tàu tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna đã gia tăng. Do đó, việc này đã trở nên bình thường hơn đối với Trung Quốc, mặc dù rất không được Indonesia hoan nghênh" .
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đánh giá rằng vụ việc là "một thách thức" đối với Indonesia. Ông nói : "Diễn biến mới nhất này chỉ đơn thuần làm nổi bật vấn đề dai dẳng mà Indonesia phải đối mặt là việc Trung Quốc từ chối ‘xuống thang’, nhượng bộ đối với các tuyên bố phi lý của họ ở Biển Đông dựa trên cái gọi là ‘đường lưỡi bò’ hay ‘đường chín đoạn’, vốn đã bị Toà quốc tế vô hiệu trong phán quyết năm 2016. Vì vậy, thay vì nói Trung Quốc ‘hung hăng hơn’, có lẽ sự mô tả chính xác hơn là Trung Quốc là ‘vẫn hung hăng’, mặc dù đã có giới hạn cuối cùng gần quần đảo Natuna".
ASEAN có thể noi gương Indonesia ?
Theo nhiều chuyên gia, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là "chuyện thường", nên chưa biết liệu hành động của Indonesia có đủ sức răn đe đối với chính quyền Bắc Kinh trong tương lai hay không khi mà người Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay yêu sách lãnh thổ với cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn". Chuyên gia Storey nói rằng trong việc xua đuổi tàu Trung Quốc, Indonesia đã thể hiện sự "cứng rắn" về lập trường của mình đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bởi trước đây họ chỉ giám sát các tàu tuần duyên của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Theo ông, các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có tranh chấp về lãnh thổ và biển đảo sẽ có thể "làm tốt" hơn nữa thông qua "tấm gương" của Indonesia, để cho Bắc Kinh thấy rằng họ hoàn toàn bị bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử trong đường chín đoạn. Chuyên gia Storey nói : "Khi Toà trọng tài năm 2016 ra phán quyết, những ‘quyền lịch sử’ đó không phù hợp với luật pháp quốc tế", .
Tàu hải cảnh của Trung Quốc đuổi một tàu của Việt Nam gần giàn khoan HD 981 ở Biển Đông hôm 15/7/2014 Reuters
Tuy nhiên, nhà phân tích Collin Koh cũng bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu hành động của Indonesia có đủ "cứng" để răn đe Bắc Kinh trong tương lai hay không. Ông Koh cho rằng Indonesia cần "một chiến lược mạnh mẽ hơn" để tập hợp "Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nhân tố bên ngoài khu vực có cùng chí hướng" để cùng lên án "các hành vi bá quyền" như vậy, mặc dù ông cảnh báo rằng điều này sẽ gây ra "rắc rối về mặt chính trị nếu bị hiểu sai như là chính sách ngăn chặn của Trung Quốc". Một lựa chọn khác là đưa vấn đề ra trước các thể chế quốc tế, chẳng hạn như lên diễn đàn của Liên hợp quốc, mặc dù cách tiếp cận này cũng sẽ có những hạn chế tiềm ẩn.
Chuyên gia Koh cũng cho biết cần phải đầu tư nhiều hơn vào các lực lượng hàng hải của Indonesia và khả năng tuần tra ngoài khơi của họ để đảm bảo "sức mạnh được duy trì đầy đủ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài quần đảo Natuna trước sự xâm phạm của Trung Quốc".
Philippines "mập mờ"
Biển Đông vẫn tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Philippines hồi tuần trước, trong đó Manila đã đưa ra những giọng điệu cứng rắn trước khi rút lại chúng mà không có lời giải thích nào. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết đất nước ông sẽ tuân thủ "mà không cần bất cứ sự thỏa hiệp nào" đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 vốn đã vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách dàn trải của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố này của ông Delfin Lorenzana được đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp của mình hôm 11/9, song đã bị rút lại ngay sau đó, và những bình luận gây tranh cãi cũng được dỡ bỏ theo.
Đài Loan đe dọa "đáp trả tương xứng"
Đài Loan mới đây cho biết các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào không phận của Đài Loan ở Biển Đông vào hôm 9 và 10/9 vừa qua trong khuôn khổ các cuộc tập trận mà Đài Bắc gọi là "một sự khiêu khích nghiêm trọng với hòn đảo tự trị này, đồng thời đặt ra một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực". Đài Loan nhấn mạnh những hành động như vậy của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang đe dọa toàn bộ khu vực, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế phản ứng với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Đài Loan ngày 10/9 cho biết quân đội của họ nhận thức rõ các hành động của Trung Quốc và sẽ "đáp trả tương xứng", song không đưa ra thêm chi tiết nào. Một số nhà bình luận trên hòn đảo này cũng gọi các cuộc tập trận của Trung Quốc là mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất với Đài Loan kể từ năm 1996, khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận và phóng tên lửa xuống vùng biển gần Đài Loan nhằm mục tiêu hăm dọa các cử tri Đài Loan trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp của hòn đảo này.
Việt Nam im lặng
Trái ngược với cách hành xử kiên quyết, mạnh mẽ của Indonesia, Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN năm nay dường như đang học theo "chính sách ngoại giao im lặng" từ Malaysia. Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết là từ tháng 8 tới nay, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã 10 lần xâm nhập trái phép vùng biển thuộc EEZ của Việt Nam, đe dọa trực tiếp Lô 06.1 đang khai thác của Việt Nam. Tuy nhiên, không thấy bất cứ sự lên tiếng nào của chính quyền Việt Nam. Và tất cả các báo chí chính thống Việt Nam cũng im tiếng. Dường như Trung Quốc đã thành công trong việc khiến cho các quốc gia ASEAN trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông như Việt Nam chấp nhận việc tàu Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển thuộc EEZ của các nước là một chuyện bình thường. Trong cuộc nói chuyện tại Bộ Công an Việt Nam về tình hình thế giới và biển Đông hồi năm trước, ông Trần Việt Thái, vốn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phát biểu ám chỉ rằng phía Việt Nam đã "bình thường hoá" việc các tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt Nam. Ông Trần Việt Thái còn tiết lộ là phía Việt Nam chỉ tập trung "không để xảy ra tình trạng mất an ninh nội địa như hồi năm 2014", nhưng không thấy nói tới Việt Nam sẽ làm gì để ngăn chặn sự xâm phạm từ các tàu Trung Quốc.
Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm nay đã sắp hết, nhưng vẫn chưa thấy Việt Nam có sáng kiến gì đặc biệt để dẫn dắt ASEAN. Sang năm sẽ là nhiệm kỳ của Brunei - nước nhỏ nhất của ASEAN, có lẽ sẽ khó có những đột biến. Đặc biệt năm tiếp theo nữa sẽ là nhiệm kỳ của Campuchia - quốc gia vốn là đồng minh thân cận, luôn bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông. Chắc có lẽ vấn đề biển Đông sẽ khó có bước tiến triển mới, chưa nói là có thể thụt lùi. Điều này cần sự đoàn kết từ ASEAN và sự quyết đoán từ Chủ tịch ASEAN năm nay.
Trần Đại Thanh
Nguồn : RFA, 16/09/2020
***********************
Mỹ tính bán nhiều loại vũ khí cho Đài Loan
VOA, 16/09/2020
Hoa Kỳ có kế hoạch bán nhiều loại vũ khí cho Đài Loan trong bối cảnh chính quyền Trump gia tăng áp lực lên Trung Quốc, Reuters đưa tin, dẫn 4 nguồn.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thăm một căn cứ phòng không.
Việc mua bán bảy loại vũ khí cùng lúc, trong đó có tên lửa hành trình và máy bay không người lái, khác so với trước đây, khi các thương vụ thường được tiến hành cách xa nhau nhằm giảm thiểu căng thẳng với Bắc Kinh.
Nhưng theo Reuters, chính quyền của Tổng thống Trump có các bước đi mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc trong năm 2020, và vụ bán vũ khí mới nhất này có thể sẽ gây căng thẳng hơn nữa trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Hãng tin Anh nói rằng mong muốn mua thêm vũ khí gia tăng sau khi Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng Giêng và coi việc tăng cường quốc phòng của Đài Loan là một ưu tiên hàng đầu.
Đài Loan là một vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất của Trung Quốc, theo Reuters, và Bắc Kinh nói rằng hòn đảo này là một tỉnh của mình, đồng thời lên án sự hậu thuẫn của chính quyền Trump dành cho Đài Bắc.
Tin cho hay, Washington muốn tạo ra một đối trọng quân sự với các lực lượng Trung Quốc, củng cố nỗ lực được Lầu Năm Góc gọi là "Pháo đài Đài Loan".
*************************
Biển Đông : Indonesia đuổi tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế
Trọng Thành, RFI, 15/09/2020
Chính quyền Indonesia dường như kiên quyết hơn trước các hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển của nước này. Hôm qua, 14/09/2020, bộ Ngoại Giao Indonesia gửi công hàm đến Bắc Kinh phản đối hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna. Công hàm được gửi đi trong lúc Indonesia triển khai lực lượng tuần duyên đuổi tàu Trung Quốc.
Theo hãng tin Mỹ AP, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, kể từ tối thứ Sáu, 11/09. Cơ quan Cảnh sát Biển Indonesia đưa tàu tuần duyên áp sát tàu Trung Quốc ở cự ly gần 1 km, và liên tục phát đi các tín hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi. Đáp lại phía Indonesia, tàu hải cảnh Trung Quốc khẳng định tàu hoạt động "trong vùng biển của Trung Quốc, bên trong đường 9 đoạn". Theo Cảnh sát Biển Indonesia, rút cuộc tàu Trung Quốc đã phải rút khỏi vùng biển bắc Natuna vào lúc 11g20, giờ địa phương.
Theo báo Indonesia Jakarta Post, trong công hàm gứi đến Bắc Kinh để phản đối ngày hôm qua, bộ Ngoại Giao Indonesia cho biết, hôm Chủ Nhật 13/09, đã yêu cầu sứ quán Trung Quốc tại Jakarta giải thích lý do hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Việc tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Indonesia diễn ra chỉ ít ngày sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) công du Indonesia. Tàu hải cảnh 5204 cũng là con tàu thường xuyên đi lại giữa quần đảo Trường Sa và vùng bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý.
Nhà nghiên cứu Ian Storey, chuyên về quan hệ Đông Nam Á với Trung Quốc và Hoa Kỳ, Viện Yusof Ishak Institute, khẳng định việc đẩy đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc cho thấy Jakarta đang chọn thái độ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh. Lâu nay, Indonesia thường chọn cách giám sát từ xa các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc. Indonesia thường khẳng định không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh liên tục đưa tàu thuyền xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Trọng Thành
***********************
Indonesia tăng cường tuần tra sau khi cảnh sát biển Trung Quốc lởn vởn quanh đảo Natuna
VOA, 15/09/2020
Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này trong Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của nó, Reuters dẫn lời một quan chức an ninh Indonesia nói hôm 15/9.
Một tàu quân sự Indonesia tuần tra vùng biển xung quanh Natuna - The Jakarta Post
Chiếc tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna hôm thứ Bảy vừa rồi và chỉ rời đi hôm thứ Hai 14/9 sau khi phía Indonesia khẳng định quyền chủ quyền của mình trong vùng biển này, ông Aan Kurnia, Giám đốc Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, Bakamia, nói với Reuters.
Theo luật pháp quốc tế, tàu bè có quyền đi lại ‘vô hại’ qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước, nhưng ông Aan nói tàu hải cảnh của Trung Quốc lởn vởn trong EEZ của nước ông quá lâu.
"Vì con tàu trôi nổi, rồi đi lòng vòng, chúng tôi đâm ra nghi ngờ, tới gần chúng tôi mới biết đây là một tàu hải cảnh Trung Quốc", ông nói thêm rằng từ nay, hải quân và tàu cảnh sát biển Indonesia sẽ tăng cường hoạt động trên vùng biển này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), nói rằng tàu Trung Quốc đang tiến hành "các hoạt động tuần tiễu thường lệ trong các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc".
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Uông nói :
"Các quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển liên hệ trong Biển Đông đã rõ ràng".
Năm 2017, Indonesia đặt tên vùng biển phía bắc khu đặc quyền kinh tế của họ là Biển Bắc Natuna, để chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh không tuyên bố chủ quyền trên các đảo Natuna, sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc tại địa điểm cách xa bờ biển nước này tới 1.234 dặm- tương đương 2000 km, đã gây quan tâm tại Jakarta, sau vô số các vụ đụng độ với tàu Trung Quốc trong các vùng EEZ của Malaysia, Philippines và Việt Nam, đặc biêt khi tàu Trung Quốc gây gián đoạn cho các hoạt động đánh bắt cá cũng như các hoạt động khai thác dầu khí của các nước này.
Cách đây 10 tháng, một vụ đối đầu kéo dài nhiều tuần lễ đã diễn ra sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc và nhiều tàu đánh cá đi kèm tiến vào Biển Bắc Natuna, khiến chính phủ Indonesia cấp tốc triển khai chiến đấu cơ đồng thời huy động lực lượng ngư dân của chính họ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hộ tống các đoàn tàu đánh cá của nước này, khiến các chuyên gia miêu tả các hoạt động có phối hợp đó là "lực lượng dân quân được nhà nước hậu thuẫn".
Đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển rộng lớn trong khu vực bao gồm các vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết không công nhân tuyên bố đường 9 đoạn Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah tái khẳng định rằng Jakarta không công nhận ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc.