Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2020

Vì sao vẫn duy trì những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ : để moi tiền ngân sách ?

Nhiều nguồn tin

Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ : "Chết mà không chôn được" !

RFA, 16/09/2020

Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam hôm 16/9 khi lấy ý kiến về Đề án quản trị doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) cho biết, số lượng doanh nghiệp nhà nước trong tình trạng phải bị phá sản theo luật định là rất lớn, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp nhà nước bị phá sản trên thực tế rất thấp.

thualo1

Công ty Gang Thép Thái Nguyên Courtesy of toquoc.vn

Trong khi Luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995 đã khẳng định doanh nghiệp nhà nước phải bị giải thể, phá sản theo pháp luật về giải thể, phá sản. Pháp luật về giải thể và phá sản của Việt Nam, được áp dụng chung, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Vì sao doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không thể phá sản ?

Vậy vì sao chính phủ không để doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả, có thể phá sản ?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Doanh nghiệp nhà nước nhiều khi như mọi người vẫn gọi vui là ‘chết mà không chôn được’... Tại vì nhiều khi họ thua lỗ đến mức phải cho phá sản, nhưng mà bởi vì những quyết định, công việc kinh doanh của họ còn tồn tại quá nhiều. Điển hình như 12 đơn vị kinh doanh thua lỗ mà họ đưa ra để xử lý, mà mãi có xong được đâu. Tất cả những chuyện đó còn nhùng nhằng quá nhiều giây mơ rễ má về nợ phải trả, phải đòi, và bao nhiêu quan hệ hợp đồng khác chưa giải quyết... Kể cả phần tài sản của nhà nước, đánh giá như thế nào, thu hồi như thế nào, giải quyết như thế nào ? Thí dụ như phá sản thì giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ra sao ?"

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương điển hình như : Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng ; DAP số 2-Lào Cai ; Đạm Ninh Bình ; Đạm Hà Bắc ; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất ; Nhà máy thép Việt-Trung ; Nhà máy Đình Vũ ; Công ty Gang thép Thái Nguyên... Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án, với tổng số dư nợ là gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan là gần 23 ngàn tỷ đồng.

Theo bà Phạm Chi Lan, đối với doanh nghiệp nhà nước thì bao giờ cũng có quá nhiều thứ phức tạp và nếu phải giải quyết thì mất rất nhiều thời gian, cho nên tình trạng doanh nghiệp nhà nước ‘chết mà không chôn được’ cũng khá phổ biến ở Việt Nam và kéo dài cũng đã lâu. Bà cho rằng, các doanh nghiệp nhà nước, đúng ra phải cố gắng trong đổi mới sáng tạo để làm sao nâng hiệu quả của chính mình và lôi kéo các ngành hàng cùng đổi mới theo hướng sáng tạo sao cho phù hợp với xu hướng chung của Việt Nam. Lâu nay nhà nước cũng nói nhiều tới việc đổi mới nhưng chưa có gì rõ rệt. Thậm chí có khi những hình ảnh không đẹp về doanh nghiệp nhà nước làm ảnh hưởng chung đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16/9 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói :

"Có lẽ có nhiều lý do, một trong những lý do có lẽ là do có sự trợ giúp của bộ máy nhà nước bằng nhiều cách. Một là trợ giúp về pháp lý, quyền kinh doanh, cũng có thể là trợ giúp về ngân sách. Thứ hai nữa là một số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ có thua lỗ nhưng khó phá sản bởi vì họ kinh doanh những ngành nghề chủ lực, thí dụ như logistics, hàng không, hay đường sắt... tất cả những lĩnh vực đó rất khó để phá sản. Còn một điều nữa, một số các doanh nghiệp như vậy có quy mô rất lớn, cho nên nếu để cho các doanh nghiệp đó phá sản thì tác động về mặt kinh tế xã hội sẽ rất lớn. Cho nên tôi nghĩ vì nhiều lý do kinh tế và xã hội thì cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều tránh làm thủ tục phá sản".

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, một trong những nguyên nhân thua lỗ là do việc quản trị doanh nghiệp nhà nước trên thực tế còn có khoảng cách so với thông lệ quốc tế, do đó doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Tại các doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu của chủ sở hữu nhà nước chưa thực sự rõ ràng, chưa nhất quán với mục tiêu đầu tư vốn nhà nước. Như việc dùng vốn nhà nước ngoài ngành, ngoài lĩnh vực đầu tư vốn nhà nước theo quy định số 69 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Ảnh hưởng nền kinh tế như thế nào ?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng việc để cho doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài có thể còn gây thiệt hại nhiều hơn những thiệt hại do phá sản gây ra :

thualo2

Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai Courtesy of daplaocai.com.vn

"Càng kéo dài thì thua lỗ có giải quyết được đâu, càn kéo dài thì thua lỗ lại càng tăng lên, nhiều khi nhà nước phải bỏ tiền ra bao cấp cho họ sống... Chi phí để giữ cho họ tồn tại nhiều khi lớn hơn rất nhiều so với những chi phí ví dụ như bán rẻ doanh nghiệp đó đi để giải tán nó, những tài sản của nó để lại cho người khác sử dụng có hiệu quả hơn. Dù bán lỗ doanh nghiệp nhà nước thì cũng tốt hơn là duy trì tiếp nó. Bởi vì càng duy trì thì càng phải đổ tiền đổ của vào, đó là một thất thoát của nhà nước khi phải nuôi doanh nghiệp thua lỗ kéo dài mà không phục hồi được nữa".

Thứ hai theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tất cả những tài sản, tài nguyên mà doanh nghiệp nhà nước thua lỗ đang nắm giữ, do không khai phá sản nên không thể nào giải tỏa cho đơn vị khác cần dùng và có thể chủ thể khác có thể dùng hiệu quả hơn. Bà nói tiếp :

"Đây cũng là một bế tắc lớn của nền kinh tế, nó làm kém hiệu quả sử dụng tài nguyên, tài sản của nhà nước. Bởi vì tài sản mà cứ giao cho những người không sử dụng được mà để chết ở đấy, thì nó cũng là cho tài sản càng ngày càng mất giá. Trong khi đó có những người cần tài sản đó để mà sử dụng như doanh nghiệp tư nhân, kể cả cho đầu tư nước ngoài, hoặc sử dụng vào mục đích khác thì đều không giải tỏa được. Ví dụ như nguồn lực đất đai, nếu họ dở nhà máy đi thì có thể xây dụng trường học, bệnh viện, hay làm các mục đích dân sự khác, chứ không nhất thiết là kinh doanh. Nhưng làm cái gì thì cũng tốt hơn nhiều cho xã hội, cho nền kinh tế, thay vì cứ để những mảnh đất nằm trong tay họ như thế".

Hiến pháp 1992 ghi rõ chủ đạo nền kinh tế giao cho Tập đoàn Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, khu vực kinh tế Nhà nước. Vào năm 2013, trong quá trình thảo luận về Hiến pháp sửa đổi thì có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho là không nên đưa ‘kinh tế Nhà nước là chủ đạo’ vào Hiến pháp. Bởi vì như vậy sẽ được hiểu là doanh nghiệp Nhà nước là thành phần nòng cốt, đứng đầu nền kinh tế, tức là đặt cho nó rất nhiều vai trò mà nó không thể nào đảm đương hết được.

Tuy nhiên Hiến pháp sửa đổi 2013 vẫn quy định ‘kinh tế Nhà nước là chủ đạo’.

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả của Bộ Tài Chính, khi trả lời RFA nhận định :

"Hiện với tỷ trọng của doanh nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả so với các thành phần kinh tế khác thì đây là vấn đề cấp bách. Doanh nghiệp nhà nước Việt Nam nhìn chung thường làm ăn không có hiệu quả bởi rất nhiều vấn đề. Ngoài vấn đề mục tiêu kinh doanh còn vấn đề về mặt chính trị. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược được. Còn để những tập đoàn của nhà nước mà làm ăn kém hiệu quả thì coi như là gây thất thoát, lãng phí, coi như của cải xã hội sẽ mất dần mà cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bội chi của ngân sách nhà nước. Rất nhiều tập đoàn làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, có nghĩa là tiền thuế của dân đội nón ra đi".

Nhiều người cho rằng, khả năng cải cách, cơ hội cải cách thì bao giờ cũng có. Tuy nhiên những người lãnh đạo có đủ quyết tâm chính trị để làm hay không, và có làm tới nơi tới chốn hay không ? Nếu Việt Nam làm công khai minh bạch, xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách, thì có lẽ sẽ không có chuyện Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ : "Chết mà không chôn được".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm :

"Theo kinh tế học, phá sản là một sự tàn phá sáng tạo. Tức là người lao động vẫn còn, máy móc vẫn còn, bây giờ phải có ông chủ mới đầu tư vào đó, thì lúc bấy giờ có thể sẽ có một con phượng hoàng từ đống tro tàn bay lên. Cho nên tôi nghĩ đây là một sự lựa chọn khó khăn, cũng có thể có đau đớn, giám đốc cũ có thể bị sa thải, phải chịu trách nhiệm, nhưng nhà máy có thể sẽ hồi sinh. Tôi nghĩ trong một số trường hợp nhất định, chúng ta nên để cho doanh nghiệp nhà nước có thể thực hiện một sự tàn phá sáng tạo như thế".

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lãng phí về nhân tài vật lực của doanh nghiệp nhà nước, khi đáng lẽ phá sản mà không cho phá sản được, cũng đã góp một phần vào việc gây kém hiệu quả của kinh tế Việt Nam lâu nay, nhất là những nguồn lực cần thiết. Đồng thời nó cũng làm cản trở các doanh nghiệp hoặc đối tác khác trong xã hội có thể phát triển, vì không có nguồn lực để sử dụng.

Nguồn : RFA, 16/09/2020

**********************

Điểm danh hơn 800 doanh nghiệp Nhà nước lỗ nghìn tỷ, mất an toàn tài chính

C.Sơn, baogiaothong, 10/11/2019

Trong đó, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 1.834,4 tỷ, Tổng công ty Sông Hồng - Công ty cổ phần lỗ 376,3 tỷ, Công ty trách nhiệm hữ hạn Truyền hình số vệ tinh Việt Nam lỗ 349,88 tỷ…

thualo3

Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ tới 1.834,4 tỷ đồng năm 2018. Ảnh : BĐT

Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo giám sát vốn tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó nêu danh loạt doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, mất an toàn tài chính.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do các bộ ngành chủ sở hữu, trong số 143 doanh nghiệp có 8 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính gồm : Tổng Công ty 15, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và khoa học Trung ương, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao.

Năm đơn vị khác được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính là : Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới.

Đối với nhóm các doanh nghiệp có vốn nhà nước do các bộ ngành chủ sở hữu, trong số 66 doanh nghiệp thì 7 đơn vị kinh doanh lỗ gồm : Công ty cổ phần xây lắp Tây Hồ lỗ 2,48 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 15 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Công ty cổ phần lỗ 163 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng - Công ty cổ phần lỗ 376,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 349,88 tỷ đồng, Công ty cổ phần Dịch vụ Truyền hình Viễn thông Việt Nam (VTVBroadcom) lỗ 4,1 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 1.834,4 tỷ đồng.

Còn tại địa phương, trong số 352 doanh nghiệp 100% nhà nước do UBND các địa phương chủ sở hữu có 6 doanh nghiệp được đánh giá có dấu hiệu mất an toàn về tài chính gồm : Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam, Công ty TNHH MTV sản xuất kinh doanh TH Krông Ana, Công ty cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Nam Nung, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Hùng Vương.

Có 13 doanh nghiệp được đánh giá mất an toàn về tài chính gồm : Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên, Công ty TNHH Thủy điện huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam, Công ty TNHH NN MTV Khoáng sản TTH, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao, Nông trường Sông Hậu, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hưng Yên.

Có 33/352 đơn vị kinh doanh lỗ năm 2018 với số lỗ 97.722 tỷ đồng; trong đó, các tỉnh có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lỗ là : Đắc Lăk (7/17 doanh nghiệp), Nghệ An (4/19 doanh nghiệp), Đắc Nông (3/12 doanh nghiệp).

Với doanh nghiệp tại đại phương có vốn nhà nước, trong số 271 doanh nghiệp có 41 đơn vị kinh doanh lỗ. Trong đó, một số doanh nghiệp lỗ lớn như : Công ty cổ phần Cà phê Phước An lỗ 34,68 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ lỗ 24,49 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng lỗ 21,32 tỷ đồng, Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn lỗ 20,95 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm lỗ 17,87 tỷ đồng, Công ty cổ phần Mai Động lỗ 17,83 tỷ đồng, Công ty cổ phần Kinh doanh và đầu tư Việt Hà lỗ 16,99 lỗ, Công ty cổ phần Du lịch An Giang lỗ 10,39 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thống Nhất Hà Nội lỗ 10,92 tỷ đồng…

Bộ Tài chính cũng cho biết, trước đó, theo đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có loạt văn bản cảnh báo, giám sát tài chính tại các doanh nghiệp trong tình trạng báo động như :

Năm 2017 có công văn về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 của Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam.

Năm 2018 có các công văn : Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinachem ; gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tình hình các dự án đầu tư đang gặp khó khăn và một số vướng mắc phát sinh tác động tới tài chính của PVN ; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ; Gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinalines ; Gửi Bộ Xây dựng về Báo cáo giám sát năm 2017 của Tổng công ty Sông Hồng.

Bên cạnh đó là các công văn gửi Đài Truyền hình Việt Nam về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2017 cho các doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam ; Gửi Bộ Công thương và Tổng công ty Giấy Việt Nam về hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Giấy Việt Nam ; Hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam ; Đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam; Gửi Bộ Xây dựng về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty HUD.

Năm 2019, Bộ Tài chính cũng có các công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về kết quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước năm 2018 tại Vinachem ; Công văn về hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng năm 2018 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...

C.Sơn

Nguồn : baogiaothong, 10/09/2020

******************

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi

Bảo Ngọc – Lê Thanh, Tuổi Trẻ Online, 22/05/2019

Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Hàng ngàn hecta đất cũng đang bị nhiều 'ông lớn' sử dụng lãng phí.

thualo4

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị được nhắc nhiều trong báo cáo kiểm toán vừa công bố - Ảnh : Q. Định

Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018, vừa trình Quốc hội.

Vẫn nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ

Theo Kiểm toán Nhà nước, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng ; Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỉ đồng. 

Từ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã âm vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam 172 tỉ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỉ đồng. 

Vì thua lỗ lớn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) phải giải thể Công ty TNHH Vận tải sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Công ty mẹ - PVOil đầu tư vào 11 đơn vị bị lỗ. 

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Quản lý, kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỉ đồng. 

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng.

Lãng phí đất đai

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công.

Theo Kiểm toán Nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn. Song bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Cụ thể, Tổng công ty Khánh Việt có 286 ha đất chưa sử dụng, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 18,92 ha, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) 7,01 ha...

Mặt khác, hàng nghìn hecta đất công được sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) có 2 khu đất đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chậm triển khai thực hiện. HFIC có tới 37 địa chỉ nhà, đất kinh doanh trống, chưa cho thuê. 

Bên cạnh đó, đất công cũng bị nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) 140,08 ha, Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) 3,57 ha, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn 0,01 ha...

Không chỉ thế, Kiểm toán Nhà nước cũng điểm danh một loạt "ông lớn" được giao đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất hoặc có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đó là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) ; Tập đoàn Bưu chính Việt Nam (VNPT) với một loạt công ty con VNPT Thành phố Hồ Chí Minh, VNPT Lâm Đồng, VNPT Gia Lai...

Nợ khó đòi hàng chục ngàn tỉ đồng

Qua kiểm toán 253 doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đánh giá khái quát hoạt động của nhiều "ông lớn" chưa hiệu quả dù kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Cụ thể, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 547 tỉ đồng, công ty mẹ - MobiFone 510 tỉ đồng...

Số nợ khó đòi cũng lớn, như của công ty mẹ - PVN 11.368 tỉ đồng ; công ty mẹ - MobiFone 322 tỉ đồng ; Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sài Gòn 5.191 tỉ đồng ; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) 266 tỉ đồng...

Đặc biệt, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan - Iran và dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD).

Bảo Ngọc – Lê Thanh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, C. Sơn, Bảo Ngọc, Lê Thanh
Read 719 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)