Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/09/2020

Gần đến Đại hội 13, Nguyễn Phú Trọng và vụ án Đồng Tâm

Người Buôn Gió

Phú Trọng hết thời ?

Người Buôn Gió, 17/09/2020

Thời kỳ đỉnh cao quyền lực của Nguyễn Phú Trọng đã có những dấu hiệu đi xuống. Những nguyên nhân khiến cho ông Trọng mới ở đỉnh cao rực rỡ từ mấy năm trước, nay thành cái bóng như sau.

npt1

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quá già yếu để có thể đứng tiếp khách tại Phủ Chủ tịch - Ảnh chụp ngày 28/10/2019

1. Bệnh tình khiến ông không thể đi lại được, mặc dù cả hai vị trí trong tứ trụ, nhưng ông họa hoằn lắm mới đủ sức đi loanh quanh trong khu vực Hà Nội. Từ khi tiếp nhận Chủ tịch nước, ông chưa có một lần nào chủ trì một buổi lễ tầm quốc gia.

2. Tuổi tác ông quá cao so với điều lệ, ông đã lạm dụng quyền lực để vượt lên điều lệ, tự đặt chọn mình là người đặc biệt làm thêm nhiệm kỳ, nay tuổi cao, sức yếu, ông khó lấy thêm lý do nào để làm nhiệm kỳ nữa.

3. Ông Trọng cầm ngọn cờ diệt tham nhũng để thể hiện lý do cho việc ở lại. Nhưng "tham nhũng" bị ông diệt là những tên "vô chủ". Số "tham nhũng" đang tồn tại đều có chủ. Chủ của chúng là các đương kim ủy viên Bộ Chính trị hay cựu ủy viên Bộ Chính trị có ảnh hưởng. Nếu ông Trọng còn tiếp ghế, có lẽ chẳng có những vụ xử tham nhũng nào lớn xảy ra nữa. Nhưng nếu ông Trọng về, có thể cuộc chiến chống "tham nhũng" sẽ diễn ra gay gắt hơn, ví dụ như ông Phúc nắm quyền, ông sẽ diệt những sân sau của Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng.

4. Ông Trọng làm cản trở quan hệ ngoại giao bởi sự bảo thủ , trì trệ, kém năng động trong đối ngoại. Ngoài việc hô hào chống tham nhũng, đe dọa người này, lăng mạ người khác. Nhìn lại quá trình khóa vừa qua, ông Trọng không có dấu ấn gì trong phát triển kinh tế, đối ngoại.

Đáng chú ý là những vụ bắt bớ những quan chức cao cấp trước kia, mọi danh tiếng đều đổ về ông Trọng. Nhưng gần đây vụ bắt Nguyễn Đức Chung, không thấy báo chí đề cao sự chỉ đạo, quyết tâm từ ông Trọng nữa. 

Một sự hạ bệ hay bỏ quên Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra trên truyền thông.

Nhìn vụ bắt Nguyễn Đức Chung, mới thấy được quyền lực sinh sát đã về tay thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi Phúc được ủng hộ của Tô Lâm và phái Nghệ An, Hà Tĩnh, Long An. Phúc đã biết thời cơ để vất cái áo khoác nịnh bợ Cụ Trọng bấy lâu, để tự mình trở thành nhân vật số một của chính trường Việt Nam. Điều nay là tất nhiên, ở vị trí của mình, nếu Phúc không nằm vị trí số 1, để vào tay người khác là điều tối kỵ trong quan trường. 

Vụ bắt Nguyễn Đức Chung, Phúc và Bộ Công an đã chơi một cách táo bạo và quyết liệt, không cần phải chờ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ Đạo 110, Ban bí thư, Bộ Chính trị...vì phe Phúc biết nếu chờ những nơi này quyết định, khó lòng mà bắt được Nguyễn Đức Chung vì chứng cứ trình để bắt một ủy viên trung ương hạt giống nắm giữ vị trí quan trọng phải thật thuyết phục.

Thế nên Phúc và Bộ Công an bắt lái xe, trợ lý của Chung rất bất ngờ. Những nhân vật này không thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư. Nên việc bắt giữ họ dễ dàng mà các cơ quan kia không thể nào can thiệp. Rồi bất ngờ tiếp theo là bắt Nguyễn Đức Chung, trên cơ sở những lời khai của những người kia. Mọi việc đã rồi, Ban bí thư, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo 110 không thể làm gì khác được, ngậm đắng mà đồng ý để cho Phúc và Bộ Công an vượt mặt mình. Nếu việc đã thế rồi, chấp nhận đồng tình coi việc bắt Chung Con là chủ trương của đảng còn giữ được thể diện, ăn ké theo chút tiếng tăm. Còn nếu phản đối ra mặt, thì một là tan đảng, hai là phe Phúc và Bộ Công an có lý do làm cuộc thay đổi để nắm trọn quyền lực.

Việc Chu Ngọc Anh Bộ trưởng Khoa học và công nghệ được phe Phúc giới thiệu làm chủ tịch Ủy ban Thành phố Hà Nội với Bộ Chính trị, Ban bí thư còn đang dùng dằng. Phe Phúc quyết đoán đưa Chu Ngọc Anh ra Quốc hội miễn nhiệm chức bộ trưởng Khoa học và công nghệ.

Phê chuẩn miễn nhiệm để Chu Ngọc Anh đi đâu, làm gì ?

Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, năm nay 55 tuổi. Là ủy viên ban chấp hành trung ương, từng là phó bí thư rồi chủ tịch Phú Thọ trước khi nắm bộ trưởng Khoa học và công nghệ.

Chu Ngọc Anh quá thích hợp cho cái ghế chủ tịch Hà Nội mà Chung Con để lại, ứng cử nào đưa ra mà thuyết phục hơn Anh cho cái ghế Chủ tịch Hà Nội, khi mà báo chí bắt đầu đánh tiếng Hà Nội cần phát triển bằng khoa học và công nghệ.

Bắt Chung Con không cần đến ý kiến của Bộ Chính trị, Ban bí thư tức không cần thông qua cơ quan cao nhất của Đảng. Đưa một người về nắm giữ chủ tịch thủ đô cũng không cần thông qua cơ quan cao nhất của đảng. Phe Phúc chơi một trò rất độc là quyết đoán làm ngay, đưa việc vào sự đã rồi.

Phải đánh giá được tình thế, thực lực mới làm được điều đó.

Nhưng việc miễn nhiệm một người đang trong độ tuổi, không phải lý do kỷ luật thì phải có lý do gì khác như thuyên chuyển. Chẳng hạn như việc thuyên chuyển Vương Đình Huệ về làm bí thư Hà Nội, đến nửa năm sau mới miễn nhiệm chức phó thủ tướng. Còn quốc hội miễn nhiệm Chu Ngọc Anh thì phải biết ông này được sắp xếp đi đâu ?

Tuy nhiên quốc hội do bà Ngân giờ cũng theo cánh ông Phúc và Bộ Công an, việc đồng ý miễn nhiệm Chu Ngọc Anh có thể xảy ra. Để không bị mất mặt thì ngay bây giờ Bộ Chính trị, Ban bí thư tức ông Trọng và Vượng phải đồng ý cho Anh về Hà Nội... Nếu đợi quốc hội miễn nhiệm và thủ tướng sắp xếp cho Chu Ngọc Anh về Hà Nội thì Bộ Chính trị, Ban bí thư chỉ là bù nhìn.

Trước ý kiến của chủ nhiệm văn phòng chính phủ đề xuất đợt tới quốc hội thêm mục miễn nhiệm cho Chu Ngọc Anh. Bà Tòng Thị Phóng, ủy viên Bộ Chính trị, đàn em ruột của Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng phản đối trò mèo này của phe Nguyễn Xuân Phúc. Bà Phóng ý kiến chỉ bàn việc bãi nhiệm của những đại biểu vi phạm, còn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm phải bàn sau, không thể làm một lúc cả miễn nhiệm và bổ nhiệm cùng thời điểm, cái này còn phụ thuộc vào sự bố trí của trung ương (tức Bộ Chính trị, Ban bí thư).

Liệu ý kiến của bà Phóng có cản được mưu đồ đưa Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội của phe Nguyễn Xuân Phúc ?

Rất khó, bởi phía quốc hội do bà Ngân làm chủ, đã sai Nguyễn Hạnh Phúc sắp xếp việc bãi nhiệm đại biểu đảo Sip Phạm Phú Quốc cùng với việc miễn nhiệm cho Chu Ngọc Anh vào ký họp quốc hội tới đây.

Ngày tàn của Nguyễn Phú Trọng đang đến, những địa phương, những cánh quân ở ngoài kinh thành đã không còn nghe lệnh của ông ta. Như một tên vua đang cảm thấy quyền lực kiểm soát đang dần thoát khỏi tay mình. Nhìn vào cuộc dâng hương Hồ Chí Minh nhân quốc khánh mới đây, tháp tùng Nguyễn Phú Trọng không có nổi một đương kim ủy viên Bộ Chính trị hay cựu ủy viên Bộ Chính trị. Trong khi đó, cùng ngày, cùng lúc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn một đoàn hùng hậu vào lăng dâng hương Hồ Chí Minh có Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng.

Trọng là người rất nhiều mưu trong việc tranh giành, kiểm soát quyền lực. Nhưng điểm yếu của ông ta là dùng những kẻ nhiều mưu như ông làm công cụ làm những việc đó !

Nếu không có ngón võ cuối cùng như sư phụ mèo dạy hổ là trèo lên cây, thì chỉ vài tháng nữa, ánh trăng rằm làng Lại Đà sẽ tắt lịm bởi hào quang xứ Quảng.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 17/09/2020

*************************

Nỗi đau để lại

Người Buôn Gió, 14/09/2020

Vụ án Đồng Tâm tạo nên bao cảm xúc đau thương, căm phẫn từ cả hai bên. Chưa bao giờ có một vụ án mà cảm xúc của dân chúng phân làm hai thái cực như vậy. Đây là một điều bất hạnh của dân tộc, nó sẽ còn ám ảnh dân tộc Việt Nam trong nhiều thế hệ nữa, một bài học đau đớn, một khoảnh khắc đen tối, một vết thương sâu hoắm chém vào lòng dân tộc Việt này. Nó sẽ nhức nhối cả trăm năm nữa.

npt2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thử súng B40 - Ảnh minh họa

Nếu bạn là một nhà văn, một nhà báo, một nhà lịch sử, văn hóa hay xã hội học. Ngày hôm nay bạn không thể hiện điều gì trước những gì xảy ra ở Đồng Tâm. Bạn sẽ chẳng là gì cả, con cháu bạn sau này khi xem lại vụ án Đồng Tâm, nó sẽ hỏi bạn có thể hiện gì khi đó ?

Con của bạn sẽ nói dối với cháu nội của bạn rằng - lúc đó ông nội, bà nội, ông ngoại... đang công tác, du lịch, làm ăn ở đâu đó, không biết gì ?

Vì bạn mà con bạn nói dối cháu nội của bạn, để tránh cho bạn tiếng hèn nhát của kẻ sĩ thời cộng sản cai trị. Thế cũng nhục, nhưng nhục thế còn đỡ hơn nếu bạn là người viết không khách quan, viết để phục vụ cái sai trái của kẻ cầm quyền gây ra.

Tôi không phải là người viết chuyên nghiệp, trời cho tôi một đam mê là viết, có thể ngôn từ, cấu trúc, ý tứ của tôi thể hiện không được chuốt chải như người khác. Viết hôm nay, chỉ đơn giản sau này cháu nội tôi có khi nào đó, tìm hiểu cội nguồn, gặp vụ án Đồng Tâm, cháu tôi thấy ông nội nó ngày đó đã thể hiện quan điểm gì.

Bài này tôi viết về những liệt sĩ, gia đình những liệt sĩ đã hy sinh ở Đồng Tâm ( đặt giả thiết họ chết thật).

Thiên hạ nghĩ gì về những hy sinh anh hùng, lịch sử đánh giá thế nào về những anh hùng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là những anh hùng hy sinh bảo vệ tổ quốc, chống sự xâm lăng của kẻ thù từ nước khác đến. Sau nữa là những anh hùng dũng cảm trước những tên tội phạm nguy hiểm giết người, cướp của...rồi kế đến là những anh hùng hy sinh để cứu tính mạng đồng đội, người dân trong thiên tai, trong tai nạn.

Có thứ anh hùng nào trong đoàn quân mấy nghìn lính tinh nhuệ, trang bị tận răng, có kế hoạch bài bản xông vào một ngôi làng trên chính đất nước của mình, xả súng tấn công người dân, rồi 3 người lính bị dân hạ chết thảm thương, thành anh hùng không ?

Anh hùng lấy ít chọi nhiều, anh hùng trong khoảnh khắc gian nan vượt lên hoàn cảnh, một cách phi thường thế mới gọi là anh hùng.

Anh hùng mấy nghìn quân, trang bị, kế hoạch chiến đấu chuẩn bị kỹ từ những chỉ huy mang hàm giáo sư, tiến sĩ đi tấn công những người nông dân toàn ông già, phụ nữ rồi bất cẩn chết mà thành anh hùng. Như thế hỏi có thấy xứng đáng cái danh hiệu đó không ?

29 người nông dân bao gồm cả ông già lẫn phụ nữ bị bắt bởi ít nhất 3 nghìn lính chiến chuyên nghiệp. Một chọi một trăm, bên súng tiểu liên, bên dạo gậy thô sơ. Nếu có thật trận giao tranh như thế, khách quan mà nói, những ai là anh hùng ?

Những thân nhân của gia đình ba người sĩ quan chết ở Đồng Tâm kia, họ sẽ tự hào với nhân dân cái chết của thân nhân họ được bao nhiêu lâu ?

Người ta nói có vẻ xót xa nhưng pha lẫn tự hào, rằng người thân của họ hy sinh ở Lào Cai, Lạng Sơn năm 79, hy sinh ở biên giới Tây Nam...người nghe sẽ ngậm ngùi đồng cảm.

Nhưng nếu kể người thân của tôi hy sinh anh dũng ở Đồng Tâm, địa danh cách thủ đô Hà Nội vài chục cây số vào thời ổn định, hòa bình. Chắc chắn người nghe sẽ ớ người hỏi.

- Ơ, ông, anh, bác ấy hy sinh như thế nào ? Đánh nhau với ai ? Đánh thế nào mà được phong anh hùng ?

Bạn sẽ trả lời là.

- Có một đám khủng bố, một đám nổi dậy, một đám định lật đổ chế độ…

Người ta sẽ hỏi đám đấy là ai, chúng như thế nào... chắc chắn sẽ là thế, vì danh xưng anh hùng và cụm từ khủng bố kích thích trí tò mò của người đời lắm, chả thế mà phim hành động Mỹ luôn được đón xem.

Bạn càng tô vẽ kẻ địch thêm bao nhiêu càng khiến người ta tò mò bấy nhiêu, rồi họ sẽ ngạc nhiên và đi tìm hiểu. Nếu họ hỏi những người xung quanh để biết thêm, tỉ lệ may mắn cho bạn chỉ có 10% là nhiều, đó là họ hỏi bọn tổ trưởng dân phố, bọn bí thư khu phố, bọn đoàn viên. Còn 90% họ gặp phải những người dân thường, những người ấy sẽ trả lời ráo hoảnh.

- Ôi giời, khủng bố, lật đổ mẹ gì đâu. Có mấy người nông dân bị chính quyền cướp đất để làm đất thương mại, giả danh nghĩa đất quốc phòng để cướp, dân người ta không chịu, đưa mấy nghìn quân vào trấn áp, thế là ngã xuống hố chết. Chuyện thực sự có thế thôi.

Thưa các bạn ở cả hai luồng dư luận trong vụ Đồng Tâm, có bạn nào chú ý đến nỗi đau của thân nhân những người sĩ quan đã chết tại Đồng Tâm không ?

Nếu bạn chú ý đến, các bạn sẽ thấy chính họ cũng đau đớn, uất hận muôn vàn. Cái danh anh hùng được chủ tịch nước truy tặng cho thân nhân của họ, nó chính là dấu vết để người đời thắc mắc về cái chết của thân nhân họ nhiều hơn.

Thà không có cái danh hiệu ấy, chỉ đơn giản hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Phong tặng liệt sĩ là xong.

Chứ phong anh hùng chuyện thành to lắm, chuyện ấy kéo dài cả mấy đời người ta còn nhắc đến.

Mà dân ta thích nghe chuyện anh hùng, có việc gì họ lại muốn nghe một cách hào hứng. Liệu thân nhân ba chiến sĩ chết ở Đồng Tâm kia họ có hào hùng được, khi kể về cái chết của thân nhân họ không ?

Việc phong anh hùng của chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo đề xuất của bộ trưởng Tô Lâm, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đầy vội vã là nhằm mục đích che dấu những sai phạm của những kẻ lãnh đạo cao cấp , những kẻ ngu dốt về chiến lược, chiến thuật, những kẻ độc tôn. Chúng lấy danh hiệu anh hùng để bịt miệng mọi thắc mắc về cuộc đàn áp đầy ngu xuẩn do chúng chỉ đạo.

Hành động phong anh hùng cho những sĩ quan bị chết ở Đồng Tâm của Bộ Chính trị Việt Nam sẽ không làm giảm nỗi đau cho thân nhân những người sĩ quan bị chết. Trái lại nó là một thứ xiềng xích, một vết đau nhức nhối không bao giờ lành trong lòng thân nhân của người đã chết.

Rồi sau này những thân nhân người đã chết ấy, họ có lẽ chẳng mang cái danh hiệu anh hùng ấy ra làm gì, vì càng mang ra người ta càng hỏi, càng hỏi người ta càng thấy sự thật trớ trêu. Chưa kể cái chết khuất tất đến nỗi nhiều người còn nói là giả mạo. Người ta đàm tiếu, dị nghị, người ta bàn bạc, mổ xẻ đủ mọi góc độ.

Nỗi đau của thân nhân 3 sĩ quan chết ở Đồng Tâm không chỉ là nỗi đau mất đi vĩnh viễn người thân, nỗi đau như thế chỉ kéo dài chục năm, nhưng nỗi đau khắc khoải và dai dẳng nhất là nỗi đau về cái cách mà người thân họ đã mất đi thế nào.

Nó khắc khoải và kéo dài, bởi cách mà họ đã chết như thế nào, cái đó thuộc về lịch sử.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 14/09/2020

***********************

Đồng Tâm, tội ác của Nguyễn Phú Trọng

Người Buôn Gió, 11/09/2020

Nếu như Trần Đại Quang còn sống và giữ chức chủ tịch nước, có lẽ vụ thảm án Đồng Tâm chưa chắc đã xảy ra. Bởi huy động từng ấy quân lính và vũ khí trong thời điểm đất nước không có chiến tranh, chắc chắn phải có sự đồng ý của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Năm 2012 tôi là người trực tiếp chứng kiến việc cưỡng chế đất ở Văn Giang, cũng hàng ngàn cảnh sát tập kết trong đêm. Nhưng đến sáng họ mới triển khai bảo vệ khu đất cần cưỡng chế, người dân Văn Giang ném bom xăng, gạch đá vào lực lượng cảnh sát cơ động. Bên cảnh sát cơ động dùng khiên đỡ và lựu đạn khói ném lại. Có hai nhà báo của VOV có mặt giữa xung đột để quay phim, họ bị cảnh sát địa phương (không phải cảnh sát cơ động) đánh đập ngay tại hiện trường.

Bữa đó cảnh sát cơ động chỉ đứng chặn đường ra khu đất từ ngoài làng, họ không tiến quân vào trong làng, dù họ có bị tấn công bằng gạch đá và bom xăng. Chắc chắn họ thực hiện đúng mệnh lệnh được phổ biến là ngăn người dân không cho họ ra khu đất cưỡng chế, cho nên dù bị tấn công, họ chỉ dừng lại ở ranh giới nhiệm vụ họ được giao.

Vụ Đồng Tâm như công an nói là lập chốt ngăn chặn người dân, bị tấn công nên họ truy đuổi đến tận nhà ông Kình và đột nhập vào dẫn đến chết 3 chiến sĩ.

Thử hỏi trong đêm tối, làm sao họ xác định được ai là người đã ném đá vào chốt chặn. Không có nói đến quá trình truy đuổi kẻ ném đá từ chốt chặn cách làng 3 km cả. Một quãng đường rất dài để truy đuổi bằng chân, hàng ngàn cảnh sát giăng vậy không đuổi được mấy ông già sao. Và khi truy đuổi ai thấy những người ném đá chạy vào nhà ông Kình mà phải đột nhập vào bắt.

Cứ đặt câu hỏi

1. Có chuyện người dân Đồng Tâm nửa đêm ra khỏi làng, để ném đá vào chốt chặn cách làng 3 km không ?

2. Có miêu tả quá trình truy đuổi quãng đường đó hay không ?

3. Có bằng chứng những kẻ ném đá đó chạy vào nhà ông Kình hay không ?

4. Ai là người ra lệnh truy đuổi ?

5. Ai là người ra lệnh tấn công vào nhà ông Kình ?

Đất nước này có hàng triệu lính vũ trang, có hàng chục triệu người đã tham gia lực lượng vũ trang chuyên nghiệp hay nghĩa vụ. Ai cũng hiểu một điều là khi tham gia tác chiến đều có phương án nêu rõ nhiệm vụ mà mình tham gia. Anh có nhiệm vụ lập chốt ngăn dân thì thế nào đi nữa anh phải ở cái chốt đấy đến khi có mệnh lệnh khác. Không thể đơn vị anh lập chốt, rồi có gì kích động, cả đơn vị rùng rùng chạy đuổi truy kích chỉ vì dân ném đá vào chốt của đơn vị anh. Rồi lại có chuyện bao vây, đột kích, tấn công nhà dân trong đêm nữa.

Một đám đông cuồng tín chế độ gào rằng những kẻ khủng bố như ông Kình phải bị tấn công như thế ?

Xin hỏi trước đó đã có bằng chứng của công an, kết luận điều tra nào của công an gửi VKS là nhóm ông Kình là khủng bố chưa ? Nếu có thì phương án bắt giữ có được lập ra không ?

Hay là tấn công vào bị thương vong thì lấy đó ra làm bằng chứng nhóm ông Kình là khủng bố ?

Những người dân Đồng Tâm kể lại, họ chỉ biết bất ngờ thấy quân cơ động súng, khiên đổ bộ vào làng, vây hết các đường đến nhà ông Kình, ai muốn đến đều bị chặn lại, cố đi thì bị đánh đập kể cả phụ nữ.

Cứ như những gì thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu trước đó vào năm 2017, thì vụ Đồng Tâm không có gì phải đến mức độ điều quân hành xử như ngày 9 tháng 1năm 2020.

Trích.

- Chiều ngày 26 tháng 4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong dịp tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4, cho biết : "Chúng tôi đang chỉ đạo thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm. Nhưng liên quan đến vụ việc này tôi cho rằng chúng ta phải nắm chắc tình hình, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng đó. Từ đó có những biện pháp giải quyết có tình, có lý. Muốn vậy chúng ta phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và chúng ta phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo được sự đồng thuận" [43].

- Tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 13 tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét : "...Chính quyền khi thực thi nhiệm vụ phải làm đúng chính sách, pháp luật ; làm việc có lý có tình, trên tinh thần thuyết phục dân, để dân hiểu chủ trương của Đảng, Nhà nước. Kinh nghiệm từ các vụ việc trong quá khứ như Quán Nam, Đồ Sơn tại Hải Phòng, và vụ việc vừa qua ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là do chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật" [44].

Căn cứ vào những phát biểu trên có thể cho thấy mặc dù xảy ra vụ bắt giữ các Cảnh sát cơ động, nhưng bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam chưa có ý định cứng rắn trấn áp người dân Đồng Tâm. Nhưng từ khi Trần Đại Quang chết đi, quyền lực tập trung hết về Nguyễn Phú Trọng, vụ thảm án Đồng Tâm đã xảy ra một cách đầy tính chuyên chế, độc tài. 

Trách nhiệm vụ Đồng Tâm, hay những người quyết định thảm án ở Đồng Tâm ở vị trí chủ chốt chắc chắn phải có hai cái tên là Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm.

Thủ tướng Xuân Phúc là kẻ cơ hội, mị dân, nịnh đảng. Gió chiều nào theo chiều ấy. Ông ta khó có thể trong nhóm cao cấp ra quyết định cứng rắn vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, nhưng ông ta cũng sẽ không phải là người phản đối, thậm chí còn hùa theo.

Không thể nào nói Nguyễn Phú Trọng không biết, không liên can. Vụ Đồng Tâm gây bão dư luận, từ chủ tịch nước, thủ tướng, trưởng ban tuyên giáo đều bày tỏ ý kiến. Riêng ông Trọng thì không, một cái xe sang gắn biển công tận ở Hậu Giang ông đọc báo còn biết, lẽ nào vụ Đồng Tâm ông Trọng không biết gì ?

Ông ta biết hết, thậm chí ông ta là người duyệt phương án tấn công Đồng Tâm trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch quân ủy trung ương, trên cương vị chủ tịch nước, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 11/09/2020

************************

Đại hội 13, bạc loạn

Sới xóc đĩa của dân giang hồ ngày trước, người cầm cái phải là một tay anh chị có uy, uy ở đây là uy tín về tiền bạc đảm bảo, về câu nói ra thế nào sẽ làm như vậy, uy nữa là độ máu mặt, có anh em đông. Thêm nữa là tay xóc phải cân tay ngay bát, lệnh bán chẵn, bán lẻ phải rõ ràng.

npt3

Đến nay thì nhân sự chủ chốt cho Đại hội 13 vẫn chưa có hướng nào rõ rệt.

Sới chia làm 3 ngồi vòng quan bát đĩa thì đặt tiền chẵn bên phải, lẻ bên trái. Sới ngồi hai hàng thì chẵn bên trong, lẻ bên ngoài. Khi cái xóc xong đặt bát đĩa xuống, ai đặt đâu thì đặt, cái hô dứt tay là không ai xuống nữa. Sau đó nhà cái kiểm tiền đôi bên và quyết định bán chẵn hay bán lẻ hoặc cân. Sới bạc im phăng phắc, chỉ khi mở bát có tiếng ồ tiếc nuối.

Bạc loạn là tiếng chửi cãi nhau, cốp chát với nhau bên ngoài không xuống tiền mặt nhà cái, giằng co huyên náo. Bạc như thế thường là kẻ cầm cái không có uy tín hoặc canh bạc đã tàn, nhà cái không còn thiết tha gì nữa.

Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam lần này theo lệ chỉ còn 2 lần họp trung ương nữa là tiến hành đại hội. Đến nay thì nhân sự chủ chốt vẫn chưa có hướng nào rõ rệt. Ông Trọng úp mở là trăng đến rằm trăng mới tròn.

Cứ như theo diễn tiến xảy ra thì bà Ngân, ông Trọng, ông Phúc, ông Vượng và thậm chí ông Nhân và Trương Hòa Bình cũng chưa có vẻ gì là giã từ chính trường, mặc dù họ đều quá tuổi.

Vấn đề là chẳng ai dám ý kiến nhắc nhở họ về và đưa ra người kế nhiệm. Bởi chính ông Trọng cũng mập mờ không rõ, dường như ông muốn ngồi thêm, và nếu như ông ngồi thêm kỳ nữa thì ông mở miệng nói những người trẻ hơn ông đến chục tuổi về là điều khó nói.

Giờ đặt trường hợp là tất cả trường hợp quá tuổi như Ngân, Phúc, Vượng, sáu Bình, Nhân... đều ở lại cùng với ông Trọng thì điều gì sẽ xảy ra ?

Điều xảy ra là ông Trọng có thể chết bất thình lình giữa nhiệm kỳ, một cuộc xáo trộn tranh giành liệu có xảy ra không ? Trường hợp ông không chết thì ông làm gì ở vai trò chủ tịch nước khi ông không thể đi đâu, không thể tiếp khách quốc tế, không thể tham dự những nghi lễ quốc gia ? Về mặt đảng ông nằm trên giường bệnh chỉ đạo hay triệu kiến những bí thư tỉnh ủy đến làm việc, như thế bọn thư ký của ông sẽ có rất nhiều quyền lực, bởi chúng đưa tin tức đến cho ông thế nào ông biết vậy, chúng cho ai vào gặp ông thì ông cũng biết vậy. Như thế rồi cũng tất loạn.

Vậy ông Trọng ở lại và cứ cho là ngồi được hết kỳ 13 rồi ông về hưu. Nhưng đến đây lại xaỷ ra trường hợp là các ông Phúc, bà Ngân cũng đòi ngồi thêm đến kỳ 14, lần này họ vin ông Trọng quá tuổi ngồi lại hai kỳ, vậy họ cũng muốn ngồi thêm kỳ 14 nữa thì sao, ai ngăn khi quyền lực trong tay họ.

Vả lại những hết nhiệm kỳ 13 sẽ quá tuổi như Tô Lâm, Nguyễn Văn Bình, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh họ cũng chỉ muốn ngồi thêm kỳ 14 với một lần quá tuổi thì sao ?

Sẽ không có luật lệ gì hết, cứ ai có quyền lực sẽ đặt ra luật có lợi cho mình để ngồi tiếp giữ ghế, hưởng bổng lộc. Một đám lãnh đạo tham quyền, nại lý do này nọ để ngồi giữ ghế, chúng sẽ diệt hết những mầm mống nào trẻ hơn đang ở vị trí thay thế chúng, để thiên hạ thấy không có ai thay thế, chúng '' buộc vì tồn vong của đảng '' mà tiếp tục làm việc.

Nếu duy trì một trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại như nhiệm kỳ trước, chỉ một mà thôi thì chọn ai ?

Lại ông Trọng, ông chết nửa chừng thì sao ? Việc mình ông Trọng ở lại về lý thì dễ hơn, vì ông có thể sửa đổi điều luật như dạng Putin, Tập Cận Bình ngồi đến hết đời, nhưng vấn đề nằm ở sức khoẻ của ông bất thường.

Ông Trần Quốc Vượng ? Ông không phải là tứ trụ, không ảnh hưởng, không uy tín gì, ông ở lại thì liệu dã tâm như Nguyễn Xuân Phúc có chấp nhận không ?

Duy nhất ông Phúc ở lại, thế bà Ngân, ông Nhân và nhiều ông khác nữa có nghe hay không ?

Giả sử tất cả những người quá tuổi đều về, thì gặp phải vấn đề là những người kế cận họ là ai. Dễ nhìn thấy ngay ông Phúc và ông Trọng đều nham hiểm với vấn đề người kế cận. Nguyên tắc của Đảng cộng sản Việt Nam làngười lãnh đạo phải có thêm trách nhiệm đào tạo và giới thiệu người kế cận. Lợi dụng điều này, ông Trọng đã chơi bài dìm người kế cận để không ai bảo mình tham quyền vì không có người kế cận, ông Phúc cũng bắt chước học theo. Hãy phân tích người kế cận của từng ông.

Ông Trọng đưa ông Vượng một người quá tuổi và quá lu mờ so với ông để vào vị trí kế nhiệm. Một người quá tuổi và quá lu mờ thay thế ông thì chả phải để ông làm có hơn không ? Đấy là suy tính đầy mưu toan của Nguyễn Phú Trọng.

Với Nguyễn Xuân Phúc thì còn nham hiểm hơn, kế nhiệm Phúc là phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, một tay mặt sắt chưa từng kinh qua quản lý kinh tế, quản lý địa phương, đối ngoại. Vừa qúa tuổi vừa không kinh qua kinh nghiệm quản lý kinh tế, nếu Sáu Bình quá tuổi mà làm thủ tướng thì chẳng phải cứ để Phúc làm tốt hơn không ? 

Trọng và Phúc giống nhau là những kế nhiệm có vẻ ưu thế nhất thì không bị bệnh lạ thì cũng bị kỷ luật. Như ông Huynh và ông Quang bệnh lạ ngay sau khi ở vị trí kế nhiệm không lâu. Hoặc như ông Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, ông Vương Đình Huệ vệ thay bí thư, Phúc lập tức truất luôn Huệ khỏi phó thủ tướng, không còn đường quay lại. Cả hai đều để kế nhiệm mình là người không bằng họ như Trần Quốc Vượng và Trương Hòa Bình.

Vậy là trường hợp quá tuổi về hết cũng gặp khó khăn với người kế nhiệm, ai sẽ thay thế tổng bí thư, ai sẽ thay thế thủ tướng ?

Chẳng có ai khả năng cả, chả lẽ đưa Vương Đình Huệ quay lại làm phó thủ tướng để chuẩn bị kế nhiệm thì quá khôi hài vì phải làm thủ tục từ quốc hội, chính phủ một lần nữa.

Ở lại hết cũng dở, một vị trí cũng dở, về hết cũng dở.

Không biết trung ương 13 khóa 12 sẽ đưa ra phướng án nào, đến giờ nơi lo lắng nhất là ban tuyên giáo chưa có được hướng chính xác để định hướng dư luận về những nhân sự chủ chốt khóa tới.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 05/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Người Buôn Gió
Read 870 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)