Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/09/2020

Bộ Công an cấp bằng lái xe : vừa đá bóng vừa thổi còi !

Diễm Thi

Ý kiến trái chiều

Trong dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an đưa ra từ tháng 4 năm nay có đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Đến nay, đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án này và để Bộ Công an báo cáo Quốc hội kiến nghị này. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.

bca1

Một tài xế taxi ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 13 tháng 2 năm 2020. Reuters

Đây không phải lần đầu tiên có sự chuyển đổi này. Trước đây, việc tổ chức dạy, thi và cấp giấy phép lái xe do Bộ Công an thực hiện. Đến ngày 29 tháng 5 năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Theo đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ Công an quản lý sang Bộ Giao thông vận tải từ ngày 1 tháng 8 năm 1995.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, nêu quan điểm của ông về việc chuyển đổi lần này :

"Việc chuyển đổi này Quốc hội đang bàn thảo và cân nhắc. Quốc hội chưa có quyết. Theo tôi thì nên để Bộ Giao thông và vận tải vì họ có sẵn cơ sở đã lâu rồi. Nếu bây giờ chuyển sang Bộ Công an thì phải chuyển cả cơ sở vật chất. Từ bộ này chuyển sang bộ kia thì tốn kém chi phí. Bộ Giao thông và vận tải thì xưa nay vẫn cấp bằng lái xe, bây giờ chuyển sang Bộ công an thì cũng có nhiều người băn khoăn rằng, vừa cấp giấy vừa kiểm tra thì có nên hay không ?"

Luật sư Hậu nói thêm rằng, những nhà làm luật sẽ tổng kết coi cách nào là tốt nhất bởi hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng công an họ là người đi xử phạt nên họ có kinh nghiệm thực tiễn qua những tai nạn giao thông mà họ xử lý. Với những kinh nghiệm đó họ sẽ sát hạch kỹ năng người lái xe tốt hơn.

Theo đề xuất thì Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm việc quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm việc sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe ; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện sau khi được cấp giấy phép lái xe cũng như quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.

Là chủ một doanh nghiệp vận tải, cũng là một tài xế lái xe chở khách liên tỉnh, ông Võ Minh Đức nêu ý kiến của mình :

"Trước tiên tôi thấy đây là một tốn kém không cần thiết về cơ sở hạ tầng. Ngành giao thông họ có cách tổ chức của họ. Bây giờ Bộ Công an làm thì lại theo cách của công an, phải xây dựng lại hạ tầng cơ sở, lại tốn kém ngân sách, tiền thuế của dân. Nó vô lý và không cần thiết.

Còn về mặt chức năng, danh từ công an hay cảnh sát được hiểu là có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ dân. Bây giờ họ lại tổ chức dạy lái xe, tổ chức thi sát hạch và cấp bằng lái xe thì tôi thấy nó không ổn tí nào cả. Nó rất tréo ngoe. Như vậy là vừa đá bóng vừa thổi còi".

Ông Nguyễn Kế Quang, một kỹ sư xây dựng cho rằng, cứ giữ như lâu nay để khỏi xáo trộn xã hội. Một bên cấp bằng, một bên kiểm tra sẽ hợp lý hơn. Nếu Bộ công an ‘bao’ hết là độc tài, sẽ sinh ra tiêu cực. Ông nói thêm :

"Theo tôi thì ngành nào chuyên sâu về lãnh vực nào thì nên làm về lãnh vực đó. Ngành Giao thông Vận tải mấy chục năm nay lo việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì tôi thấy quá ổn rồi. Còn cảnh sát giao thông bên ngành công an thì chỉ kiểm tra thôi. Họ có thể kiểm tra khi cần xem mình có giấy phép lái xe hay không. Nếu không có mà vẫn lái là vi phạm. Phải có một bên cấp và một bên kiểm tra, gọi là kiểm tra chéo, thì mới khách quan được. Bây giờ giao cho Bộ Công an hết thì không nên".

bca2

Một người chạy xe ôm đang đợi khách trước sòng bạc Crown ở thành phố biển Đà Nẵng. AFP

Khoảng cuối tháng 6 vừa qua, khi Bộ công an đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của bộ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông để lấy ý kiến người dân. Nhiều ý kiến cũng được truyên thông nhà nước đăng tải, trong đó có ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, rằng không cần thiết phải chuyển hoạt động sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang ngành công an, vì điều này có thể dẫn tới việc "vừa đánh trống vừa thổi kèn" và tạo ra nhiều xáo trộn.

Những quy định vô lý

Có một số ý kiến cho rằng, ngành công an là lực lượng rất có thế lực và lạm quyền trong xã hội. Họ muốn "lấn sân" Bộ Giao thông Vận tải không chỉ trong việc cấp đổi giấy phép lái xe.

Cuối tháng 7 năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi do bộ này soạn thảo. Sau đó, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do bộ này soạn thảo. Cả hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ.

Bộ Công an lý giải rằng, hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến trật tự, an toàn giao thông. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lại cho rằng, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ,…, đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Các chỉ tiêu kỹ thuật của bảng báo hiệu đường bộ phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình giao thông đường bộ.

Nay với việc chuyển đổi việc cấp giấy phép lái xe ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, ông Nguyễn Kế Quang lo ngại người dân lại phải bỏ tiền túi ra cho những thay đổi từ Bộ công an. Ông nêu ví dụ :

"Bên công an nay vẽ cái này, mai lại vẽ cái khác. Thí dụ cái thẻ căn cước sau 75 bị đổi thành chứng minh nnhân dân, rồi đổi thành thẻ căn cước công dân có mã vạch. Trong căn cước công dân tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân. Chưa ráo mực thì họ lại nghĩ ra chuyện gắn chip thay vì mã vạch. Thực tế mỗi lần đổi như thế rất tốn kém mà người được cấp thể phải chi ra".

Nhiều người trong giới tài xế cho rằng, ngành nào cũng tìm cách "moi" tiền dân. Ông Đức kể chuyện trong nghề :

"Là một người trong giới lái xe tôi thấy có nhiều cái bất hợp lý. Vừa rồi Bộ Giao thông và vận tải ra quy định cho tụi tôi là từ ngày 1 tháng 7 năm 2020, những xe nào có đăng ký kinh doanh vận tải hành khách hoặc hàng hóa phải đổi bảng số từ nền trắng sang nền vàng. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 mà chưa đổi sẽ bị phạt.

Nó cũng giống y như có thời gian bắt những xe tải bọn tôi phải nộp phí đăng ký làm một phù hiệu, gọi là phù hiệu chứ thật ra nó chỉ là miếng giấy in ghi chữ "xe tải" vậy thôi. Cái đó là bên ngành Giao thông công chánh".

Ông Đức kết luận, khách quan mà nói, không cần dán phù hiệu "xe tải" thì ai nhìn cũng biết nó là xe tải, hay không cần đổi bảng số nền trắng sang nền vàng để biết đó là xe gia đình hay xe kinh doanh. Bởi nếu không đăng ký kinh doanh mà lại chở khách thì đó là vi phạm khác, sẽ có cơ quan chức năng xử lý thích hợp.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 18/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)