Có phải quyền lực của Bộ Công an là vô giới hạn ?
Hoàng Anh, Thoibao.de, 02/06/2024
Ngày 31/5, Blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA tiếng Việt bình luận "Thanh trừng chính trị : Vai trò giới hạn của Bộ Công an".
Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra các công trình trụ sở làm việc của các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh (14/07/2020).
Tác giả cho rằng, khi 3 trong 5 nhân vật quyền lực nhất chính trường Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, bị thanh trừng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Tác giả đánh giá, xét về tuổi tác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ phải về hưu vào đầu năm 2026, khi Đại hội 14 khai mạc. Chiếm lấy một trong những ghế Tứ trụ, là điều kiện tiên quyết để ông có thể vượt qua giới hạn tuổi tác, cho việc ở lại Trung ương một nhiệm kỳ nữa, chiếu theo Đảng quy hiện hành.
Quan trọng hơn, vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò 10 năm qua, được dư luận tin là độc quyền điều tra, đã khống chế toàn bộ chiến dịch đốt lò. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an – ông Tô Lâm, đương nhiên trở thành thế lực nắm quyền sinh sát trong Đảng.
Theo tác giả, chưa bao giờ công chúng thấy, Bộ Công an có nhiều quyền lực đến vậy. Với ngân sách không ngừng tăng, Bộ Công an không chỉ giới hạn trong các công tác trị an thông thường, mà còn dài tay chiếm giữ nhiều lĩnh vực, vốn thuộc cơ quan khác. Điều này tạo ra cảm giác rõ rệt của công chúng, về một xã hội công an trị ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, đúng là ông Tô Lâm có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, khi ngồi một trong những ghế "Tứ trụ". Nhưng nếu chỉ như thế, thì ông đâu cần phải loại bỏ cùng lúc 3 trong 5 nhân vật quyền lực nhất Việt Nam.
Chưa kể, ghế Chủ tịch nước gần 10 năm nay, mang "cái dớp" khiến bất kỳ ai ngồi vào cũng gặp điều không may, bao gồm cả tiền nhiệm Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Không lẽ, ông Tô Lâm không mảy may cân nhắc ?
Tác giả nhận xét, cũng có thể, như một số người nói, ông Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước, để nhiệm kỳ tới có thể kế nhiệm Tổng Bí thư. Nhưng cơ sở nào cho thấy ông có thể trở thành Tổng Bí thư, khi ông Trọng chưa tỏ ra bất kỳ ý định nào là sẽ bước xuống ?
Nếu ông Trọng có ý định rời ghế Tổng Bí thư, vì sao, ông lại quyết định tới đây sửa Điều lệ Đảng ?
Mặc khác, tác giả nêu vấn đề, sự ngộ nhận tiếp theo quan trọng hơn, liên quan đến vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò.
Những vụ ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai, không phải là án tham nhũng thông thường, mà là các vụ thanh trừng chính trị, là kết quả của những tranh chấp chính trị thượng tầng. Trong cuộc chơi này, Bộ Công an không hẳn đã có nhiều quyền lực, như những gì công chúng hình dung.
Tác giả nhấn mạnh, ngay từ trước khi thâu tóm quyền hành, Tổng Trọng đã lập ra Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, mà sau này đã trở thành vũ khí chiến lược của ông.
Chẳng hạn, trong chiến dịch đốt lò, thay vì phụ thuộc vào chỉ một cơ quan, như Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Nội chính Trung ương, thì bằng cơ chế Ban chỉ đạo, ông Trọng vừa có thể điều phối hoạt động giữa các cơ quan, vừa để chúng giám sát lẫn nhau. Vừa đạt được mục tiêu "đốt lò", mà không lo có anh "thợ lò" nào thành kiêu binh, quay lại chiếm đoạt "cái lò" của mình. Đó là lý do tồn tại của các tiểu tổ lãnh đạo.
Một vấn đề nữa mà tác giả lưu ý, đó là, trong Ban chỉ đạo của ông Trọng, không chỉ có Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, mà còn gồm đại diện nhiều cơ quan khác. Thật khó để nói rằng, một mình ông Tô Lâm – bất luận ở vị trí Bộ trưởng Công an hay Chủ tịch nước, đều có khả năng chi phối toàn bộ Ban chỉ đạo.
Tóm lại, trong mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng – một bản sao của tiểu tổ lãnh đạo kiểu Tập Cận Bình ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an chỉ là một thành viên, và vì thế, không có khả năng chi phối Ban chỉ đạo, cũng như toàn bộ chiến dịch "đốt lò". Người chủ lò quyền uy thực sự, và nắm quyền sinh sát các "đồng chí" trong tay, vẫn là Đảng trưởng – tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hoàng Anh
*****************************
Hạ Ba Dũng, dựng lò đốt củi, bị phản. Liệu Tổng có trấn át được Tô trước khi xuống lỗ ?
Hoàng Phúc, Thoibao.de, 01/06/2024
Từ khi nắm ghế Tổng Bí thư vào năm 2011, cho đến nay, ông Nguyễn Phú Trọng luôn tìm mọi cách để ở lại ghế này lâu nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tặng hoa nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ở nhiệm kỳ đầu, ông đã tìm mọi cách để hạ Nguyễn Tấn Dũng, và đây cũng là cách để ông vượt qua giới hạn tuổi trong nhiệm kỳ thứ 2. Bởi chỉ khi trở thành người có quyền lực mạnh nhất, ông mới có thể đạp lên Điều lệ Đảng, để ban ân huệ cho chính ông. Năm 2016, Nguyễn Tấn Dũng xem như "buông súng" đầu hàng. Ông Dũng chấp nhận rời chính trường vì quá tuổi, trong khi đó, ông Trọng còn cao tuổi hơn, lại được ở lại Bộ Chính trị.
Để tiếp tục được hưởng vị ngọt của đặc quyền "luật là tao, tao là luật", thì ông Trọng phải có kế hoạch, để duy trì quyền lực đỉnh cao, duy trì thế mạnh vô đối trước mọi đối thủ. Đó là lý do mà ông dựng lên "cái lò", để đốt hết những kẻ có nguy cơ làm suy giảm quyền lực của ông.
Nhiệm kỳ 2016 – 2021 là giai đoạn mà quyền lực của Nguyễn Phú Trọng lên cực đỉnh. Nếu nói, trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông Trọng khá vất vả, vì không nắm được Bộ Công an, thì ở nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông đã nắm hoàn toàn Bộ Công an, thông qua Tô Lâm.
Vào năm 2019, khi ông Trọng bị đại hạn tại Kiên Giang suýt chết, tưởng chừng như ông phải từ bỏ quyền lực, nhưng ông kiên quyết không chịu nhả. Lúc đó, sức mạnh chính trị của ông quá lớn, nên không ai dám đoạt ngôi, chứ chẳng phải những kẻ bên dưới tử tế đến mức chờ ông phục hồi sức khoẻ.
Sau lần gặp họa ở Kiên Giang, ắt hẳn, ông Trọng cũng thấy được, ích lợi của quyền lực tuyệt đối là như thế nào, và thế là, ông lại tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3. Có lẽ, ông Trọng muốn ngồi ghế Tổng Bí thư suốt đời, và có thể, ông đã dự tính đến nhiệm kỳ thứ 4, sau 2 năm nữa.
Dùng quyền lực tuyệt đối để tạo sự an toàn cho chính mình, thì đó chỉ là cái an toàn giả tạo. Bởi dùng sức mạnh để đè bẹp kẻ khác, chỉ là kế sách tạm thời, bởi những người bị đè bẹp ấy không phục. Nếu có ai đó dại dột phản kháng, thì sẽ bị ông Tổng Bí thư quăng vào lò. Còn người "khôn" luôn vâng lệnh ông Tổng, chẳng qua chỉ để che dấu mục đích thật sự, ủ mưu đợi đến thời điểm chín muồi, thì sẽ tạo phản.
Trước khi tạo phản, Tô Lâm là cánh tay đắc lực cho Tổng Trọng. Ông Lâm luôn răm rắp vâng lệnh ông Trọng, chấp nhận tiếng xấu, ví dụ như việc sang Đức bắt cóc người, chịu mang tiếng xấu. Tuy nhiên, khi thời cơ đến, và khi đã đủ lông đủ cánh, Tô Lâm liền tạo phản. Và giờ đây, Tô Lâm chính là đối thủ lớn nhất, khó nhằn nhất, của Tổng Trọng.
Từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư cho đến nay, đã 13 năm, nhưng ông chưa gặp phải đối thủ nào có khả năng uy hiếp đến chức Tổng Bí thư của ông, như ông Tô Lâm. Kể cả Nguyễn Tấn Dũng trước đây, cũng không đủ sức để đe dọa ghế Tổng Bí thư, bằng Tô Lâm lúc này.
Để tự bảo vệ thì nhiệm vụ lớn nhất của ông Trọng tại thời điểm này, là phải ra tay "dẹp loạn". Chỉ có dẹp được Tô Lâm, thì ông mới tiếp tục được giấc mơ quyền lực, bằng không, ông sẽ bị chính Tô Lâm truất phế trong một tương lai không xa.
Sức khỏe của Tổng Trọng đã rất yếu, ông cần được chăm sóc y tế thường xuyên. Như vậy, ông vừa phải chạy đua trong việc loại bỏ Tô Lâm, vừa phải duy trì sức khỏe. Liệu ông có thể loại được Tô Lâm trước khi xuống lỗ hay không, là một bài toán khó.
Tô Lâm đã loại được Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Xem ra, Tổng Trọng không dễ gì thành công trong việc hạ bệ Tô Lâm trước khi nhắm mắt.
Hoàng Phúc
************************
Tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ?
Lê Anh, Thoibao.de, 01/06/2024
Thông tin về Tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc được điều động lên làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng đã được tiết lộ cách đây cả tháng trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội.
Văn bản được chia sẻ trên mạng xã hội
Tướng Công an Nguyễn Duy Ngọc
Hôm 11/6/2024 đã xuất hiện văn bản "GIẤY MỜI" được Văn phòng Trung ương Đảng gửi tới các cơ quan báo chí , truyền thông nhà nước Việt Nam thông báo về việc này.
Một nguồn tin nội bộ vừa xác nhận văn bản này là thật, và còn cho biết thêm rằng bà Trương Thị Mai bị bứng đi để lấy vị trí quan trọng này, phù hợp với "bày binh bố trận" của ông Tô Lâm, nhằm tăng vây cánh, củng cố thế lực cho bản thân khi ông nhận chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lê Anh
******************************
Ra phương án A, bị Chính loại bỏ, Tô tung phương án B, nhiệm vụ nặng nề của Tổng ?
Trần Chương, Thoibao.de, 01/06/2024
Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Bộ Công an vẫn chưa kết thúc. Ngày 22/5, Tô Lâm bị Phạm Minh Chính tung đòn bất ngờ, tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là đòn hiểm, bởi thông thường, muốn tước bỏ chức Bộ trưởng Bộ Công an thì Bộ Chính trị và Ban Bí thư ra tay trước. Tuy nhiên, không biết vì sao, lần này, bên Đảng lại không thể lấy lại được chức của Tô Lâm ?
Bộ trưởng công an Tô Lâm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm 2023 (15/6/2023) - Ảnh minh họa
Sự kiện ngày 22/5, khi Phạm Minh Chính dùng quyền lực nhà nước để tước quyền Tô Lâm, là cách làm vượt mặt Bộ Chính trị. Về trật tự quyền lực trong Đảng, đáng lẽ Phạm Minh Chính không thể làm như vậy. Tuy nhiên, ông vẫn làm, mà không những không bị kỷ luật, có khi lại còn được hoan nghênh. Bởi Phạm Minh Chính đã ra tay cứu Bộ Chính trị một bàn thua trông thấy. Bởi không ai trong Bộ Chính trị muốn Tô Lâm vừa nắm chức Chủ tịch nước, lại kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an.
Kế hoạch kiêm nhiệm cả Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an, xem như là phương án A của ông Tô Lâm. Phương án này đã bị Phạm Minh Chính làm cho thất bại. Khi nhiều người đang vui mừng ra mặt trước thất bại của Tô Lâm, thì mới đây, ông tung ra phương án B – giành vị trí Bộ trưởng Công an về tay đàn em Hưng Yên của ông.
Ngày 28/5 vừa qua, Tô Lâm đã giật dây cho Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, triệu tập một cuộc họp của Đảng ủy Công an Trung ương, để tổ chức bầu chọn ứng viên, đại diện cho Bộ Công an ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ này.
Kết quả, Bộ Công an chọn Lương Tam Quang để giới thiệu, và gửi văn bản cuộc họp này lên Bộ Chính trị, đề nghị xem xét và chấp thuận. Đây được xem là phương án B, thay thế cho phương án A đã thất bại của Tô Lâm.
Như vậy, dù bị Phạm Minh Chính đánh cho thất bại phương án A, thì chỉ sau một thời gian ngắn, Tô Lâm lại tung tiếp phương án B. Cho thấy, sức chiến đấu của Tô Lâm rất mãnh liệt.
Phương án B này khiến phe đối lập khó đối phó hơn phương án A. Để vô hiệu hóa phương án này, cần Tổng Trọng và cả Bộ Chính trị hợp sức lại, may ra mới có thể giải quyết. Cá nhân ông Thủ tướng không đủ sức để hóa giải.
Theo tiền lệ, Bộ Chính trị hoàn toàn có thể gạt bỏ Lương Tam Quang, mà chọn một Ủy viên Bộ Chính trị cho vị trí Bộ trưởng Công an. Điều này phù hợp luật Đảng, cũng như hợp với thông lệ từ trước đến nay. Như vậy, tại sao Bộ Chính trị lại không bày tỏ thái độ đối với phương án B của ông Tô Lâm ? Phải chăng, Bộ Chính trị tiếp tục muốn ban ân huệ cho phe Tô Lâm ? Hay là Bộ Chính trị đã buộc phải lùi bước, trước áp lực nào đấy từ phía Tô Lâm.
Hiện nay, Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng có đến 8 người là ủy viên Bộ Chính trị. Nếu họp Bộ Chính trị, phe ông Tổng sẽ áp đảo các phe phái khác. Vậy mà, ông Trọng không loại Lương Tam Quang ngay từ đầu, mà lại để cho một Lương Tam Quang thấp bé, có thể hiên ngang đòi hỏi chức Bộ trưởng Công an.
Điều đáng nói là, Tổng Trọng cũng là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, và ông có quyền lực còn hơn cả Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Vì vậy, việc Tô Lâm giật dây Đảng ủy Công an Trung ương, để triệu tập cuộc họp khiến ông Trọng hoàn toàn bị động, và thành công dẫn dắt cuộc họp này chọn Lương Tam Quang, là hành động coi thường ông Tổng rất rõ.
Phải chăng, giờ đây, quyền lực của ông Tổng đã không còn đủ để bảo ban "đàn em" trong Đảng ủy Công an Trung ương ?
Cuộc họp Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28/5, rõ ràng là hành động "nổi loạn", chống lại ông Tổng và Bộ Chính trị. Ấy vậy mà, với vai trò là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng Trọng lại bất lực, để cho cuộc họp này diễn ra.
Xem ra, nhiệm vụ trừ bỏ phương án B của Tô Lâm là không dễ đối với ông Tổng Bí thư.
Trần Chương
******************************
Tô Lâm tổ chức cuộc họp gồm các Giám đốc Công an 63 tỉnh thành để đề cử Lương Tam Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an như thế nào ?
Hiếu Bá Linh, Thoibao.de, 31/05/2024
Để triệu tập các Giám đốc Công an của 63 tỉnh thành cả nước về Hà Nội một cách "danh chính ngôn thuận", không gây nghi ngờ đối với Trung ương, một hội nghị mang tên "Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay" được Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức vào sáng ngày 28/5 tại Hà Nội .
Về phía ban tổ chức (Đảng ủy Công an Trung ương), có Thượng tướng Lương Tam Quang và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc là 2 Thứ trưởng Bộ Công an.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng điều hành hoạt động của Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Ba Ủy viên Thường trực trong Đảng ủy Công an Trung ương đã không có mặt trong hội nghị, đó là TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tham dự hội nghị còn có 2 khách mời đến từ Trung ương : Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Nguyễn Văn Định, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương.
Thật sự, hội nghị trên chỉ là một tấm bình phong che giấu mục đích chính :
"Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026" do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức chiều cùng ngày 28/5 tại cùng một địa điểm.
Trong hội nghị này, các cán bộ công an chủ chốt, trong đó có 63 Giám đốc Công an của các tỉnh thành cả nước, đã bỏ phiếu đề cử Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an – cho vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, kế nhiệm Tô Lâm.
Hội nghị gửi kết quả này (tức là đề cử Lương Tam Quang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an) lên Bộ Chính trị quyết định. Ngoài ra, hội nghị cũng gửi đề nghị bầu bổ sung Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị.
Hai tân Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang (trái) và Nguyễn Duy Ngọc (phải), 15/09/2019
Rất có thể, 2 khách mời đến từ Trung ương : Hoàng Đăng Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương – và Nguyễn Văn Định – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương – cũng tham dự hội nghị buổi chiều này.
Tô Lâm tổ chức bài bản như trên, do đó rất khó mà cáo buộc Tô Lâm tội phản loạn, mặc dù việc dùng cơ sở cấp dưới (các Giám đốc Công an của 63 tỉnh thành) gây áp lực lên cấp cao nhất (Bộ Chính trị) là một việc lần đầu tiên xảy ra trong 79 năm cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ trước đến nay, đối với bất cứ chức vụ Bộ trưởng nào cũng không bao giờ có chuyện cơ sở cấp dưới đề xuất nhân sự, đưa lên Bộ Chính trị quyết định.
Liệu Bộ Chính trị có đồng ý với đề xuất nhân sự của các Giám đốc Công an của 63 tỉnh thành hay không, vẫn còn là một câu hỏi lớn. Điều này hiện nay cũng có nghĩa là Lưu Tam Quang chưa chắc sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an.
Hiếu Bá Linh
Tham khảo :
- https://congan.com.vn/tin-chinh/nang-cao-hon-nua-ve-nhan-thuc-chinh-tri-noi-bo-va-cong-tac-bao-ve-chinh-tri-noi-bo_162816.html
- https://antv.gov.vn/chinh-tri-2/tiep-tuc-coi-trong-va-nang-cao-hon-nua-ve-nhan-thuc-chinh-tri-noi-bo-va-cong-tac-bao-ve-chinh-tri-noi-bo–BA3239F19.html
- https://vtv.vn/chinh-tri/dang-uy-cong-an-trung-uong-nhiem-ky-2020-2025-gom-27-dong-chi-2021060412364427.htm
******************************
Cuộc chiến cung đình : Tổng Trọng và Tô Đại tướng "Ai gieo gió, ai gặt bão" ?
Trà My, Thoibao.de, 31/05/2024
Người Việt có câu, "kẻ gieo gió thì tất gặt bão", hay "chơi dao sẽ có ngày đứt tay". Điều này không chỉ ứng với Chủ tịch nước Tô Lâm, mà cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Bộ trưởng công an - Ảnh minh họa
Với tham vọng trở thành người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, để thống trị và tập trung quyền bính trong tay, song với sự nhìn nhận và đánh giá tình hình thiếu chính xác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã liên tiếp đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Việc lạm dụng quyền lực của người đứng đầu Bộ Công an, khiến các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cũng phải khiếp sợ. Đây là một trong những lý do, đa số các ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, cũng như đa số các ủy viên Trung ương, tuy bề ngoài sợ sệt, nhưng lại không phục Tô Lâm.
Đằng sau lưng Tô Lâm, họ đã liên kết thành một liên minh, "chống lại" và tìm cách "bứng" ông ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực. Đó là lý do vì sao, giới phân tích quốc tế đánh giá, ông Tô Lâm có sức mạnh thực sự, nhưng ngược lại, không có sức mạnh của phe cánh.
Với khối tàng thư dữ liệu Big Data, các dấu vết nhúng chàm của tất cả các lãnh đạo Việt Nam ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương tới địa phương, khi cần, Tô Lâm có thể chỉ đạo ngành Công an, để loại bỏ bất kỳ ai, ở bất kỳ cương vị nào, trong tích tắc.
Nhưng với việc chỉ nắm vỏn vẹn số phiếu của 5 ủy viên Trung ương, trong đó, có duy nhất 1 phiếu của Ủy viên Bộ Chính trị, phe cánh của ông Tô Lâm phải chịu thất bại sớm, theo nguyên tắc Tập trung Dân chủ của Đảng cộng sản Việt Nam.
Các bài học từ các cựu "Tứ trụ", như cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hay cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đến lúc cần đánh gục, Bộ Công an lập tức đưa ra các bằng chứng không thể chối cãi. Hai ông Thưởng và Huệ, dù là những nhân vật thân cận với Tổng Bí thư, thì cũng dễ dàng bị hạ bệ.
Đó là lý do vì sao, khi Bộ trưởng Tô Lâm có những dấu hiệu lạm quyền, lợi dụng sự tin tưởng của Tổng Bí thư, để thực hiện một "kế hoạch đảo chính không tiếng súng" một cách công khai, khiến Tổng Trọng cũng phải hết sức bất ngờ, thậm chí là trở tay không kịp.
Công luận cho rằng, vào thời điểm đó, không có gì có thể đảm bảo, các vết nhúng chàm tày đình mà ông Nguyễn Phú Trọng phạm phải, trong thời gian giữ chức Bí thư Hà Nội, với số tiền hàng triệu đô la nhận hối lộ từ Tập đoàn Ciputra của Indonesia, vào đầu những năm 2000. Đây là vụ án đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 3.000 tỷ, mà Bộ Công an, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã yêu cầu Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng điều tra, nhưng còn dang dở.
Nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", Tổng Trọng cũng cần phải thực sự nghiêm túc đánh giá, để nêu gương cho các lãnh đạo cấp dưới. Sự tùy tiện trong việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, cũng như Điều lệ Đảng của ông, đã tạo nên một tấm gương xấu cho cấp dưới noi theo.
Một khi "thượng bất chính thì hạ tắc loạn", sự nổi loạn của ông Tô Lâm đã cho thấy, ông Trọng có phần trách nhiệm không nhỏ ?
Cũng phải kể đến sự dung túng và nuông chiều của Tổng Trọng đối với Bộ Công an, khi ông đặt niềm tin quá lớn, và dựa vào Bộ Công an để chống tham nhũng, mà thực chất là loại bỏ phe cánh và các cá nhân không ủng hộ ông. Do đó, ông Tô Lâm yêu cầu gì, thì được đáp ứng ngay lập tức.
Cho đến nay, quân số trực thuộc sự điều động của Bộ trưởng Công an lên tới hơn 7 triệu người, gấp hơn 10 lần biên chế chính thức của quân đội. Khi quân số tăng, thì chi phí cho Bộ Công an cũng tăng theo. Theo dự toán ngân sách năm 2024 của Chính phủ, ngân sách của Bộ này lên đến 113.000 tỷ đồng – tương đương 4,5 tỷ USD, bằng 16,5 lần ngân sách chi cho ngành Y tế.
Nhưng vốn là một kẻ đầy tham vọng quyền lực, sự ủng hộ đối với Tô Lâm của Tổng Trọng, đã vô tình chắp thêm nanh vuốt, và biến Tô Lâm trở thành một con hổ dữ, mà ông Trọng mất kiểm soát.
Rất may, Tổng Trọng vẫn còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng. Vì thế, ông đã đảo ngược và làm được chủ tình thế cho đến hôm nay. Và đối với câu hỏi "Tổng Trọng và Tô Đại tướng, ai gieo gió và ai đã gặt bão", có lẽ quý vị đã có câu trả lời.
Trà My
********************************
"Chơi dao", Tổng bị cứa tay. Làm sao để Tổng tước "dao" khỏi tay "Tô" ?
Thái Hà, Thoibao.de, 31/05/2024
Thông tin nội bộ rò rỉ cho biết, ngày 28/5, Bộ Công an đã triệu tập Hội nghị cán bộ chủ chốt, gồm giám đốc công an các tỉnh, thành phố, và các cục trưởng thuộc Bộ Công an. Đây là cuộc họp do Tô Lâm đạo diễn. Tại đây, tất cả các quan chức hàng đầu của Bộ, đã bỏ phiếu, thống nhất bầu chọn Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Công an.
Biên bản của Hội nghị này được gửi tới Bộ Chính trị, với yêu cầu bổ sung Lương Tam Quang vào Bộ Chính trị, và chấp thuận ông làm Bộ trưởng. Đây được xem là hành động nổi loạn một lần nữa của Bộ Công an. Tô Lâm triệu tập binh hùng tướng mạnh, mà ông đã từng nuôi nấng và cất nhắc trong 8 năm qua, tề tựu về "kinh đô" để gây áp lực với "nhà vua".
Điều rất khó hiểu là, vì sao, Đảng cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã trao quá nhiều đặc quyền vào tay Bộ trưởng Bộ Công an. Được biết, quy định bổ nhiệm giám đốc các sở đều thuộc quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, trừ giám đốc sở công an. Không hiểu sao, Đảng lại loại trừ ngành công an cấp tỉnh, không giao quyền bổ nhiệm giám đốc sở cho chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, mà lại giao cho Bộ trưởng Bộ Công an ?
Điều này được giải thích là Đảng tặng miếng cà rốt cho Bộ trưởng Bộ Công an, để mua lấy lòng trung thành của người đứng đầu Bộ này. Tuy nhiên, việc trao "củ cà rốt" nhưng lại thiếu "cây gậy", để kiểm soát quyền lực của ông Bộ trưởng Công an, nên giờ đây, Đảng đang phải ngậm trái đắng, vì mất quyền kiểm soát đối với Bộ Công an. Ông Bộ trưởng đã dùng quyền này để xây dựng vây cánh của ông ở khắp các tỉnh thành, và đến thời điểm quyết định, tập trung họ về "cung đình" để gây áp lực với "vua".
Từ trước tới nay, ứng viên cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an phải là ủy viên Bộ Chính trị. Nếu chiếu theo tiền lệ, thì một Ủy viên Trung ương Đảng như ông Lương Tam Quang sẽ bị gạt ra khỏi mâm quyền lực này. Tuy nhiên, lần này là ngoại lệ, khi Bộ Công an tự họp, và tự chọn Bộ trưởng. Kết quả bầu chọn được đưa lên Bộ Chính trị, để tranh chấp sòng phẳng với 3 ủy viên Bộ Chính trị do phe Nguyễn Phú Trọng đưa ra. Đây được xem là áp lực do phe Hưng Yên gây ra đối với Bộ Chính Trị. Nếu không có áp lực này, thì Lương Tam Quang chỉ có thể đứng ngoài rìa cuộc chơi.
Chuyện Bộ Công an tự họp và tự chọn ứng viên Bộ trưởng, để gây áp lực đối với Bộ Chính, là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử gần 80 năm tồn tại của chế độ này. Chủ tịch nước Tô Lâm thông qua Bộ Công an, muốn viết lại luật chơi theo ý của ông. Đây là mầm loạn, nếu Tổng Trọng không có biện pháp chấn chỉnh, phe Tô Lâm có thể chiếm cứ Bộ Công an, rồi sau đó là kiểm soát luôn cả Bộ Chính trị.
Từ việc mở đường cho Lương Tam Quang tranh phần với nhóm ủy viên Bộ Chính trị của ông Tổng, cho thấy, phe ông Tổng đã lùi bước. Chưa biết, Tô Lâm đã gây áp lực lên Bộ Chính trị và phe Tổng Trọng như thế nào, nhưng rõ ràng, nhóm quyền lực kia đang lùi bước trước Tô Lâm. Nếu Nguyễn Phú Trọng không loại được Lương Tam Quang, và thu hồi quyền bổ nhiệm giám đốc sở công an khỏi tay Bộ trưởng Bộ Công an, thì tương lai sẽ còn nhiều Tô Lâm khác lộng hành hơn nữa.
Dù Lương Tam Quang chưa trở thành Bộ trưởng, thì thực tế cho thấy, Bộ Chính trị đang thất thế. Nếu để Lương Tam Quang thực sự trở thành Bộ trưởng, thì đấy là thất bại hoàn toàn của Bộ Chính trị, cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hành động nổi loạn của Bộ Công an lần này, được xem là một cuộc đảo chính mềm. Dù không tiếng súng, nhưng cũng quyết liệt không kém một cuộc đảo chính thực sự. Cũng dùng sức mạnh để gây áp lực, buộc những kẻ cầm quyền phải nhượng bộ, và trao quyền lực.
Nếu không tước được "dao" khỏi tay Tô Lâm, thì cả Bộ Chính trị sẽ phải vất vả để đấu tranh sinh tồn, trước một Tô Lâm ngày càng lộng quyền.
Thái Hà
**************************
Vì sao Tô Chủ tịch không cẩn trọng, lại sập bẫy của Tổng Trọng một lần nữa ?
Trà My, Thoibao.de, 31/05/2024
Sau Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, 2 chiếc ghế Tứ trụ – Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, đã được bố trí nhân sự mới. Ông Trần Thanh Mẫn và cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đều đã yên vị.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, chính trường Việt Nam vẫn đang đứng trước một trận cuồng phong. Các bên đều đang chuẩn bị cho một sống mái trận cuối cùng.
Ngày 29/5, mạng xã hội lan truyền các thông tin, liên quan đến những "rò rỉ từ Đảng ủy Công an Trung ương". Đó là hình ảnh về "Hội nghị Cán bộ chủ chốt, lấy ý kiến giới thiệu nhân sự, kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an, nhiệm kỳ 2021 – 2026", do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức, vào chiều ngày 28/5, tại Hà Nội.
Đây là một Hội nghị mang tính chất nội bộ, truyền thông báo chí không được phép tiếp cận và đưa tin. Theo đó, tại Hội nghị này, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an, đã thực hiện "bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự, cho vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, kế nhiệm Bộ trưởng Tô Lâm, để giới thiệu lên Bộ Chính trị, xem xét và quyết định".
Để tăng tính thuyết phục, còn có hình ảnh chụp một tấm biển theo quy chuẩn, đặt trong một chiếc ô tô, với dòng chữ : "Thượng tướng Lương Tam Quang/ Bộ trưởng". Dường như, hình ảnh này để khẳng định tin đồn đoán là sự thật. Những điều kể trên đã khiến cho không ít người tin rằng, "Thượng tướng Lương Tam Quang sẽ là Bộ trưởng Bộ Công an, kế nhiệm Đại tướng Tô Lâm".
Buổi tối cùng ngày, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà – blogger Cô Gái Đồ Long, có bài trên trang cá nhân "Cập nhật tình hình nhân sự banh bóng tính tới 29/5". Theo đó :
"Sau khi cầu thủ số 37 đội Hà Tĩnh, và 38 Nghệ An trở thành các ứng cử viên nặng ký, cho ghế lãnh đạo an ninh Liên Đoàn đang còn bỏ trống. Bất ngờ ngôi sao Hưng Yên phản công, mời tất cả lãnh đạo câu lạc bộ khắp các tỉnh thành về dự họp, đội quân hùng hậu này đã thống nhất đưa cầu thủ số 03 đội Hưng Yên lên, tạm thời sẽ là Quyền Bộ trưởng, chờ bổ sung vào nhóm lãnh đạo cấp cao của Liên Đoàn".
Do cách sử dụng ngôn ngữ mang tính ẩn ý khó hiểu của nhà báo, để tránh việc bị chính quyền "soi mói", khiến số đông tin rằng, đó là sự xác nhận của nhà báo nổi tiếng về tin cung đình. Những người này tin rằng, Thượng tướng Lương Tam Quang đã được quyết định là Quyền Bộ trưởng Bộ Công an, và đang được xem xét để đưa vào Bộ Chính trị.
Nhưng trên thực tế, nếu đọc kỹ nội dung trên, sẽ thấy rõ, cần được hiểu chính xác là, Hội nghị lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an, đã thống nhất giới thiệu lên "cấp có thẩm quyền" xem xét, để Thượng tướng Lương Tam Quang được giữ vị trí Quyền Bộ trưởng Bộ Công an, được kế nhiệm Đại tướng Tô Lâm.
Theo giới thạo tin, đây mới chỉ là việc cấp dưới kiến nghị lên cấp trên xem xét, còn đồng ý hay không là thuộc quyền của lãnh đạo cấp trên. Theo quy trình, một kiến nghị còn phải thông qua nhiều thủ tục và qua nhiều cấp, trong khi, người của Tổng Trọng đã án ngữ ở mọi cửa quan trọng.
Có ý kiến nhắc lại chuyện Bộ trưởng Tô Lâm bị mắc hợm "cấp có thẩm quyền", khi ban đầu được đồng ý cho ngồi 2 ghế, nhưng sau đó đã bị rút lại bất ngờ, khiến ông trở tay không kịp.
Ở đoạn cuối, nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà cũng đưa ra một cảnh báo : "Việc dùng cơ sở gây sức ép nhân sự lên Liên Đoàn, cũng là chuyện chưa từng có trong lịch sử tổ chức này". Theo giới quan sát, đây là điều rất bất lợi cho lãnh đạo của Bộ Công an và Chủ tịch nước Tô Lâm – trong vai trò giật dây.
Theo giới phân tích, Tổng Trọng và các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng vẫn nắm giữ và quản lý chắc tình hình nội bộ Đảng. Vấn đề vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, có thể sẽ là một cái bẫy mới cho Chủ tịch nước Tô Lâm, và người được ông đề cử kế nhiệm.
Vấn đề "Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, trong tổ chức và hoạt động của Đảng, nhân tố bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của tập thể, vừa bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng" là cực kì quan trọng.
Dư luận xã hội cho rằng, khi một cá nhân hay một tổ chức, trong tình cảnh thất thế và bế tắc, người ta tìm cách bấu víu vào mọi thứ, để tạo cho mình một cảm giác "vẫn an toàn". Điều dễ làm nhất là ngụy tạo thông tin, để dư luận tin rằng, họ vẫn an toàn, chứ không phải thời gian còn lại "chỉ còn tính bằng tháng" như đồn đoán.
Đó là tâm trạng hiện nay của Chủ tịch nước Tô Lâm và đa số lãnh đạo của Bộ Công an./.
Trà My
*****************************
Cuộc chiến cung đình và nền kinh tế tuột dốc
Chúc Anh, Thoibao.de, 31/05/2024
Cuộc chiến cung đình vẫn đang còn gay cấn, với việc các bên đang giằng co quyết liệt vị trí Bộ trưởng Bộ Công an.
Cuộc chiến cung đình và nền kinh tế tuột dốc - Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ngày 29/5, thông tin ẩn ý từ nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà cho hay, phe Hưng Yên đang phản công mạnh mẽ và bất ngờ, với việc dùng tổ chức cấp cơ sở để gây sức ép lên tổ chức đầu não của Đảng – một việc chưa có tiền lệ. Theo đó, một đệ tử ruột của Tô Đại tướng sẽ giành ghế Bộ trưởng Công an.
Nếu thông tin này là thật, thì rõ ràng, phe Hưng Yên võ biền của Tô Chủ tịch đang thắng thế. Và một khi, giới công an thành công "cướp chính quyền", thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế đang èo uột hiện nay ?
Giáo sư Zachary Abuza, từ Hoa Kỳ, từng nêu thắc mắc khi Tô Đại tướng lên Chủ tịch, rằng : Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào ?
Nay, với việc cả dàn Công an thâu tóm hết quyền bính, thì người bàng quang nhất cũng phải e ngại, rằng, tương lai gần của Việt Nam sẽ càng tăm tối hơn.
Giới quan sát chính trị cho rằng, khác với truyền thống "đóng cửa bảo nhau" của Đảng, cuộc chiến kỳ này, Đảng, hay chính xác hơn là các phe trong Đảng, bằng cách tuồn tin nội bộ ra ngoài, đã tô hô phơi bày hết những thứ xấu xa nhất, cho bàn dân thiên hạ thấy và bàn tán. Điều này xảy ra, có lẽ cũng do phe Công an – vốn có thói quen bất chấp, "tao là luật, luật là tao" – đang nắm quyền chủ động.
Cuộc chiến này, kéo dài suốt 3 năm qua từ sau đại dịch Covid-19, với danh nghĩa "chống tham nhũng", đã khiến nền kinh tế mỗi ngày một tồi tệ hơn.
Thông tin mới nhất do BBC loan tải ngày 29/5, cho hay, lạm phát tại Việt Nam đã tăng đến mức cao nhất trong 16 tháng qua, ở mức 4,44% vào tháng 5/2024, bất chấp những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Trong đó, theo BBC, việc tăng giá điện là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao.
Đồng thời, nguy cơ khủng hoảng điện vẫn treo lơ lửng, đe doạ nền kinh tế.
Tác giả Toru Takahashi của Nhật Bản, ngày 25/5, đã chỉ ra những vấn đề trầm trọng của ngành điện Việt Nam, trong một bài phân tích đăng trên trang Nikkei Asia.
Tác giả cho hay, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021, ở Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cao hứng hứa hẹn, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tác giả cho rằng, chính lời hứa hẹn sáo rỗng này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thiếu hụt điện của Việt Nam vào mùa hè 2023. Bởi cam kết này đã khiến Bộ Công thương và Chính phủ đã phải ráo riết sửa đổi Quy hoạch phát triển điện đến 6 lần, dẫn đến khoảng trống phát triển ngành điện trong gần ba năm rưỡi, trong khi, nhu cầu điện năng tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm.
Theo tác giả Toru Takahashi, lý do khả dĩ khiến ông Chính hứa hẹn bốc đồng như vậy, là do ông mong muốn thể hiện khả năng lãnh đạo của mình, khi ông mới nhậm chức vài tháng.
Mặt khác, ông Toru Takahashi cũng chỉ ra, công cuộc "đốt lò" đang diễn ra mạnh mẽ, là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho ngành điện lực Việt Nam.
Hàng loạt quan chức cấp cao của Bộ Công thương và EVN đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong khoảng thời gian cuối năm 2023 và đầu năm 2024, để điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Quan chức cao nhất bị bắt là Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng.
Tác giả Toru Takahashi cũng cho hay, việc thiếu điện đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngán ngẩm và chùn tay. Các đợt cúp điện đột ngột vào mùa hè 2023, đã khiến các "đại bàng" FDI như Samsung, Canon và Peony tổn thất hàng triệu đô la.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng mất điện kéo dài, Việt Nam sẽ đánh mất những "đại bàng" như vậy.
Khó khăn không chỉ dừng ở đó, mà còn thể hiện ở việc số lượng các doanh nghiệp rời khỏi thị trường tại Việt Nam vẫn liên tục gia tăng.
Thông tin mới nhất trên VOV ngày 29/5, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2024, bình quân một tháng có 19.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mà như lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông, phát biểu tại Nghị trường ngày 29/5, rằng :
"Một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp".
Nền kinh tế tuột dốc không phanh với quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn, do sự "lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng", cũng như do việc các quan Đảng chỉ lo đấu đá, tranh giành quyền lực, bất kể quốc kế dân sinh.
Như sợi dây đàn bị kéo căng quá thì sẽ đứt. Khi Đảng cầm quyền bỏ mặc dân chúng lầm than để tranh ăn, thì "cùng tất biến" – đó là quy luật ngàn đời mà các thế hệ người Việt đã đúc kết.
Chúc Anh
Nguồn : Thoibao.de, 31/05/2024