Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/09/2020

Vụ Đồng Tâm không còn là vấn đề giữa người Việt Nam nữa

Nhiều tác giả

Đồng Tâm, đỉnh điểm của tranh chấp đất đai tại Việt Nam

Thanh Phương, RFI, 21/09/2020

Phiên tòa sơ thẩm xử vụ Đồng Tâm đã chấm dứt ngày 14/09/2020 với hai hai bản án tử hình và các bản án khác từ 15 tháng cho đến chung thân. Như vậy là đã kết thúc một vụ được cho là đỉnh điểm của các tranh chấp đất đai giữa người dân với chính quyền, một vấn đề vẫn khuấy động thời sự Việt Nam suốt 40 năm qua. Vụ Đồng Tâm cũng đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế và các chuyên gia nước ngoài.

dongtam1

Ảnh tư liệu : Dân Đồng Tâm dựng chướng ngại vật trên đường vào làng chống chính quyền cưỡng chế giải tỏa đất đai hôm 20/04/2017.  STR / AFP

Theo nhận định chung của giới luật gia Việt Nam, vụ án Đồng Tâm là một vụ án tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận, vì đã có đến 4 người chết trong vụ này (một dân làng và 3 công an).

Trong số 29 dân làng Đồng Tâm bị đưa ra xử, tòa đã tuyên án tử hình Lê Đình Chức và Lê Đình Công, hai người con trai của ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm khiếu kiện đất đai, đã bị bắn chết trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an vào làng Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/04/2020. Cháu nội của ông Lê Đình Kình là Lê Đình Doanh thì bị kết án tù chung thân. Cả ba đều bị cáo buộc tội "Giết người", vì bị xem là đã gây ra cái chết bằng bom xăng của ba công an trong vụ tấn công, những cái chết mà cho tới nay vẫn còn gây nhiều nghi vấn. Cũng với tội danh "Giết người", ba bị cáo khác lãnh án tù 16 năm, 13 năm và 12 năm. Một số bị cáo khác thì bị tuyên án tù về tội "Chống người thi hành công vụ", với bản án từ 5 năm đến 6 năm tù. Trong 17 bị cáo còn lại, 3 người bị phạt mỗi người 3 năm tù, 14 người bị phạt tù treo từ 15 tháng đến 30 tháng, và được trả tự do ngay tại tòa nếu không bị tạm giam trong vụ án khác.

Trả lời RFI Việt ngữ qua email ngày 18/09/2020, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc, chuyên gia về Việt Nam, nhận định :

"Qua cách thức độc đoán và mang tính chất răn đe mà Tòa án Nhân dân Hà Nội tiến hành phiên xử 29 người dân Đồng Tâm, vào lúc này không thể biết được tòa có xử đúng tội hay không. Trong bản án sơ thẩm có 6 người bị kết tội "Giết người", hai người trong số đó lãnh án tử hình và bốn người kia lãnh án từ 12 năm tù đến chung thân. Bản án sơ thẩm này có thể được kháng cáo.

Tôi chưa thấy tòa đưa ra các bằng chứng có tính chất thuyết phục rằng cái chết của 3 công an là do cố tình gây ra, bởi vì cáo buộc của cơ quan công tố đã không được các luật sư bào chữa thẩm tra kỹ lưỡng. Thật vậy, quá trình tố tụng của tòa án dường như là một trường hợp "cai trị bằng pháp luật" nhằm che đậy sự thất bại có hệ thống của chính quyền địa phương trong việc giải quyết những khiếu kiện của nông dân một cách hợp pháp, công bằng và ôn hòa.

Người ta hy vọng rằng Tòa án Nhân dân tối cao sẽ xét xử các kháng cáo và đảm bảo tính minh bạch về mặt pháp lý trong các thủ tục tại tòa để đảm bảo rằng "công lý được thực thi".

Trong bài viết đăng trên trang trích dẫn David Brown, nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ và là người theo dõi sát tình hình Việt Nam, nhận định là các bản án trong phiên xử vụ Đồng Tâm "không có gì đáng ngạc nhiên".

Theo ông David Brown, đây là một phiên xử mang tính trình diễn do nhà nước Việt Nam ra lệnh và điều khiển. Các bị cáo đã thay phiên nhau nhận tội với lời lẽ gần giống nhau : "Bị cáo xin gởi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ công an hy sinh ; Bị cáo xin cám ơn các giám thị trại giam đã giúp nhận ra lỗi lầm ; Bị cáo cám ơn các luật sư nhưng nay không cần đến sự bào chữa của luật sư nữa ; Và cuối cùng, bị cáo xin được hưởng mức án khoan hồng".

David Brown nhắc lại theo chủ thuyết của Đảng và theo luật Việt Nam, đất đai là sở hữu của toàn dân và Nhà nước thay mặt nhân dân quản lý đất đai. Nếu nông dân cứ một mực khẳng định quyền của họ trên mãnh đất mà Đảng/Nhà nước quyết định sử dụng vào mục đích khác, thậm chí cho dù họ chỉ đòi được đền bù thỏa đáng, họ có thể bị gán ghép là "kẻ gây bạo loạn, kẻ khủng bố", sẽ bị buộc phải dời đi nơi khác và trong một số vụ, bị truy tố để làm gương.

"Tín hiệu cứng rắn"

Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 15/09/2020, Sebastien Strangio, nhà báo chuyên về Đông Nam Á của trang mạng này, nhận định về kết quả phiên xử vụ Đồng Tâm : "Sau khi tỏ dấu hiệu khoan dung, chính quyền Việt Nam đã dùng vụ xử Đồng Tâm để bắn một tín hiệu cứng rắn".

Tác giả bài viết nhắc lại là trong suốt 3 năm, dân làng Đồng Tâm đã chống lại ý định của chính quyền xây một sân bay quân sự, khẳng định rằng 47 hectare đất canh tác của họ đã bị chính quyền địa phương trưng thu trái phép để giao cho Viettel, một tập đoàn do quân đội Việt Nam quản lý.

Sebastien Strangio cho rằng vụ Đồng Tâm phản ánh những căng thẳng ngày càng tăng chung quanh vấn đề đất đai ở Việt Nam. Tác giả bài viết trích lời giáo sư Carl Thayer nhận định vụ tấn công vào Đồng Tâm và vụ xử là "đỉnh điểm của 40 năm vấn đề đất đai ở Việt Nam". 

Sebastien Strangio nhận định các bản án trong phiên xử vụ Đồng Tâm cũng cho thấy là Đảng cộng sản Việt Nam nhất quyết diệt trừ mọi mầm mống bất ổn ở nông thôn. Trước khi bắt đầu phiên xử, Ban Tuyên giáo Trung ương đã gởi văn bản chỉ đạo đến toàn bộ báo chí nhà nước, yêu cầu họ mô tả 29 bị cáo là "những kẻ tấn công đầu tiên" và tố cáo ông Lê Đình Kình là một "đảng viên thoái hóa". Trong một tuyên bố gần đây, chánh văn phòng bộ Công An Tô Ân Xô còn gọi ông Lê Đình Kình là "địa chủ, cường hào mới".

Sebastien Strangio kết luận : "Các tranh chấp đất đai ngày càng tăng là một thách thức đặc biệt gay go đối với Đảng cộng sản Việt Nam, vốn đã dựa rất nhiều vào sự yểm trợ của những người nông dân để giành được chính quyền. Trì hoãn việc cải tổ sâu rộng hệ thống quản lý đất đai phức tạp của Việt Nam có thể sẽ lại càng gây thêm quan ngại và tuyệt vọng : sự kháng cự kiên quyết mà trước đây Đảng cộng sản dựa vào nay đã quay ra chống lại đảng".

Thất bại của dân chủ cơ sở

Sebastien Strangio cũng trích lại một bài viết của ông Lê Toàn, Đại học Monash, Úc, đăng trên trang EastAsiaForum ngày 10/04/2020, với tựa đề : "Đồng Tâm cho thấy luật đất đai của Việt Nam là bất công và nền dân chủ cơ sở đã thất bại". Trong bài này, ông Lê Toàn viết : "Tuy vụ việc rất phức tạp, nhưng về căn bản có ba vấn đề. Thứ nhất, đây là một vụ tranh chấp về quyền sử dụng đất. Chính quyền lập luận rằng dân làng chiếm dụng trái phép đất của nhà nước, nhưng dân làng khẳng định đó là đất của họ. Thứ hai đó là một sự tranh cãi về việc chính phủ trưng thư đất có đúng đắn và hợp đạo lý hay không. Chính quyền khẳng định họ trưng thu đất này vào mục đích công để xây dựng sân bay quân sự, nhưng dân làng không tin điều đó. Thứ ba, vụ này cho thấy hạn chế của nền dân chủ cơ sở ở Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp giữa nhà nước với xã hội".

Tác giả bài viết nhắc lại rằng Luật Đất Đai năm 1993 trao cho các cá nhân quyền sử dụng đất, nhưng cũng cho phép nhà nước trưng thu đất nhằm mục đích công ích. Nhưng sau đó quyền trưng thu này được mở rộng thành những khái niệm mơ hồ "nhằm mục đích phát triển kinh tế" và "nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội". Hậu quả là có ngày càng nhiều bất đồng về tiền đền bù dẫn đến các tranh chấp kéo dài.

Ông Lê Toàn ghi nhận nhiều người dân ở Việt Nam vẫn tin rằng họ có quyền gần như là sở hữu đất và quyền này phải được bảo vệ khi nhà nước trưng thu đất đai vào mục đích công. Ông viết : "Mặc dù người dân bình thường không chống việc chính quyền trưng thu đất đai vào mục đích công, nhưng trong quá khứ, nhiều quan chức chính quyền đã lạm dụng quyền này, nên người dân không còn tin vào chính quyền". Theo tác giả bài viết, muốn khôi phục lòng tin đó thì phải xóa bỏ quyền trưng thu đất đai nhằm các mục đích "kinh tế xã hội" để phản ánh sâu sát hơn nguyện vọng của người dân về một hệ thống quản lý đất đai công bằng. Điều này đòi hỏi một môi trường thể chế mà trong đó có một sự thảo luận thật sự, tức là quyền lợi của người dân được xem xét thấu đáo và được đánh giá bởi những người phân xử độc lập.

Trong bài nhận định đề ngày 10/09/2020 đăng trên trang Twitter cá nhân, giáo sư Carl Thayer dự báo là vụ Đồng Tâm sẽ dẫn đến việc theo dõi và giám sát từ trên xuống chặt chẽ hơn khi các cuộc biểu tình về đất đai lần đầu tiên nổ ra. Vụ Đồng Tâm cũng sẽ buộc chính quyền phải xem xét lại các thủ tục tiến hành và chiến thuật sử dụng vũ lực của công an và nhân viên an ninh. Ngoài ra, Đảng cũng sẽ cần xem xét lại chiến lược thông tin và truyền thông của họ. Những người biểu tình vì đất đai đã được mô tả trên các phương tiện truyền thông là "những kẻ bạo loạn và khủng bố". Những người Việt Nam thạo tin đều biết rằng các cuộc biểu tình về đất đai thường là do các chính quyền địa phương gây ra vì lợi ích tài chính của họ. Theo giáo sư Carl Thayer, trừ khi các quan chức địa phương bị khiển trách hoặc trừng phạt vì hành động của họ, những người có hiểu biết ở Việt Nam sẽ ngày càng hoài nghi về tính xác thực của thông tin trên các cơ quan thông tin và truyền thông chính thức.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 21/09/2020

*********************

Đồng Tâm : Liên Hiệp Châu Âu phản đối Việt Nam về hai bản án tử hình

Thanh Phương, RFI, 19/09/2020

Trong một thông cáo đưa ra tại Bruxelles hôm qua, 18/09/2020, phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh của Liên Hiệp Châu Âu Nabila Massrali phản đối việc tòa tuyên bố tử hình hai người trong phiên xử vụ Đồng Tâm.

dongtam2

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm nghe phán quyết của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội ngày 14/09/2020  via Reuters - Doan Tan/VNA

Hôm 14/09 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, vì hai người này bị cáo buộc đã gây ra cái chết của 3 công an trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an vào xã Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/01/2020. Lê Đình Công và Lê Đình Chức là hai con trai của ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm khiếu kiện đất đai, bị bắn chết trong cuộc tấn công.

Tổng cộng 29 dân làng đã bị đưa ra xét xử. Ngoài 2 người bị tuyên án tử hình, 4 bị cáo khác cũng đã bị tuyên án nặng nề về tội "Giết người", trong đó có Lê Đình Doanh (cháu nội cụ Lê Đình Kình) lãnh án tù chung thân. 23 bị cáo còn lại bị tuyên án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội "Chống người thi hành công vụ".

Trong thông cáo, được dịch sang tiếng Việt và đăng lại trên trang mạng của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, phát ngôn viên Nabila Massrali cho biết Liên Hiệp Châu Âu "phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người".

Phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định : "Ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình. Liên Hiệp Châu Âu hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ".

Bản thông cáo của phát ngôn viên Liên Hiệp Châu Âu còn lưu ý rằng các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa "làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này". Bản thông cáo nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 19/09/2020

***********************

Những bình phong che tội ác

Cánh Cò, RFA, 18/09/2020

Vụ án 29 người dân Đồng Tâm tuy đã kết thúc nhưng hậu chấn của nó vẫn còn làm người dân tiếp tục bất tín với hệ thống tòa án của Việt Nam. Mạng xã hội vẫn tiếp tục đưa những bình luận về bản án sau khi EU và các tổ chức nhân quyền thế giới chính thức chống lại hành vi xét xử thiếu công bằng của vụ án đã tiếp sức cho nỗ lực muốn tố cáo vụ án trước cộng đồng quốc tế của nhiều tồ chức trong cũng như ngoài nước.

dongtam3

Để chống đỡ, chính quyền ngay lập tức cho cỗ máy thông tin của Đảng hoạt động. Các tờ báo hết sức che chắn cho bản án với nhiều ý kiến giả tạo của người dân khi họ đồng tình trước hai án tử hình và một chung thân cho con cháu ông Lê Đình Kình. Ngay cả sử dụng tiếng nói của hai nhân vật Việt kiều có bằng cấp luật sư cũng được tờ Quân Đội Nhân dân khai thác. Trong bài viết có tựa : "Quốc tế hóa" vụ việc Đồng Tâm - một âm mưu gian trá, vô lương tâm" tờ báo đã trích lời ông LS Hoàng Duy Hùng, cư ngụ tại Houston Texas vốn ai ở Mỹ cũng đều biết là một tay gian hùng chính trị, trước đây chống cộng triệt để nay trở mặt chống lại bất cứ ý kiến nào phản đối nhà nước Việt Nam. Ông Hùng nhai lại câu nói của Thiếu tướng Tô Ân Xô và cho rằng : "Cách làm của ông Kình là vô luật pháp, ông này tự biến mình thành cường hào, địa chủ, lãnh chúa trong Đồng Tâm".

Một ông nữa ở Đức, tuyên bố là nhiều năm làm việc trong hệ thống tòa án Đức và trong vai trò là một luật gia ông Hồ Ngọc Thắng được tờ báo QĐND trích lời : "Tôi cũng cực lực lên án những kẻ lợi dụng làm phức tạp sự việc Đồng Tâm để vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước. Họ gọi đó là "vụ thảm sát Đồng Tâm", "chỉ có kẻ thù mới cho quân nổ súng vào dân"… Đặt vấn đề kiểu mập mờ như vậy là không ổn. Hoạt động của ông Kình và đồng bọn không phải là 'bất bạo động' mà là khủng bố".

Chừng như muốn phụ họa với hai con két này một đàn két khác mang tấm bằng luật sự trên ngực lại phấn khởi đưa ra những ý kiến hoàn toàn trái ngược lại với những quy tắc tòa án mà họ học được ở trường.

Họ là Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Luật sư Nguyễn Hồng Toán nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Tây Hồ. Luật sư Nguyễn Trung Tiệp, Luật sư Hà Huy Từ, Luật sư Trương Quốc Hòe, Luật sư Bùi Thị Mai, Luật sư Nguyễn Huy Long, Luật sư Hoàng Văn Hướng…

Lập luận của họ về vụ án gần như giống nhau khi khẳng định : "về bản án mà nói, mang tính nghiêm khắc nhưng mà bảo đảm tính pháp chế, đồng thời mang tính nhân văn, khách quan, mang yếu tố pháp luật khoan hồng. Việc chuyển đổi tội danh giảm án cho 19 bị cáo thể hiện sự nhân văn tạo cơ hội làm lại cho các bị cáo. Phiên tòa cũng đảm bảo việc tranh tụng giữa các bên. Các mức án tòa đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Đề nghị truy tố của Viện kiểm sát đúng người đúng tội và mang tính nhân văn sâu sắc. Việc xét xử vụ án diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, một phiên tòa công minh, nghiêm khắc, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và khoan hồng. Các bị cáo đều bày tỏ ăn năn, hối lỗi đồng thời xin lỗi gia đình bị hại. Riêng với cái vụ việc ở Đồng Tâm đây thì những người thực thi công vụ có thể nổ súng".

Nhà văn Phạm Thị Hoài khi đưa lại thông tin này chỉ thở dài và buông một câu : "Không ý kiến".

Đúng là không thể có ý kiến hay tranh luận gì với một đàn két, mặc dù khoác áo luật sư nhưng tư tưởng chỉ mang một loại đồng phục và hoàn toàn không biết hai chữ công lý là gì.

Trong khi 13 luật sư biện hộ không công cho 29 nạn nhân Đồng Tâm ngày đêm vắt óc, bỏ công tiếp xúc với các "bị can" cho tới khi phiên tòa mở ra chính họ là những người đem thông tin bên trong cũng như phía sau phiên xử cho người dân cả nước theo dõi trên mạng xã hội. Việc làm của họ giúp người dân được biết những câu chuyện mà chỉ tòa án Việt Nam mới có. 13 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của bị can tuy biết rất rõ là nỗ lực của họ trước sau cũng thất bại vì bản án đã được chỉ đạo nhưng họ không màng tới, cái chính yếu khi họ nhận lời làm việc cho các nạn nhân là thông tin những sai trái của cơ quan điều tra và của tòa án trước bản án này.

Mạng xã hội có lẽ là nguồn lực mạnh mẽ nhất giúp cho người dân thấy được tính chất đen tối của vụ án. Mới đây nhất là bức thư của Tiến sĩ Tô Văn Trường, một trí thức luôn lên tiếng một cách cẩn trọng trước các hành vi sai trái của chính quyền từ trung ương tới địa phương. Tiến sĩ Trường tuy gửi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng nội dung chừng như soi sáng cho các thế lực đen tối muốn che chắn tội ác của vụ án như những bình phong mang tên truyền thông và luật sư.

Tiến sĩ Tô Văn Trường yêu cầu làm rõ "Về tính hợp pháp của cuộc trấn áp : Căn cứ vào đâu ? Tại sao trả lời của Bộ Công an thay đổi lý do đến 3 lần ? (lần đầu là bảo vệ mục tiêu xây dựng hàng rào đất sân bay Miếu Môn cách làng Hoành 3 km ; lần 2 nói là đi tuần tra bị tấn công ; lần 3 là bảo vệ chốt …

- Rất nhiều ý kiến cho rằng việc 3 chiến sĩ cùng rơi xuống giếng trời là vô lý ; việc đổ xăng vào hố để đốt 3 chiến sĩ càng không thuyết phục được dư luận.

- Việc hành quyết cụ Kình tại nhà riêng, sau đó mổ xác chính là điểm bức xúc cao độ của dư luận trong và ngoài nước, rất nhạy cảm trong thời điểm hiện nay.

- Phiên tòa cần thực hiện tranh tụng thật sự, bảo đảm dân chủ. Cần thực hiện đúng các nguyên tắc xét xử "suy đoán vô tội", "trọng chứng hơn trọng cung". Tuyệt đối không được dùng nhục hình để ép cung".

Đây là những nguyên tắc mà một luật sư có kiến thức và lương tâm phải nắm rõ khi quan sát vụ án. Những chuẩn mực về tiến trình, bằng chứng, kết quả điều tra, ép cung, bức cung đã lộ rõ như ban ngày tại tòa nhưng những luật sư bênh vực cho tòa án hoàn toàn không nhìn thấy bởi họ đang làm một công tác khác sau khi vụ xử kết thúc : Che chắn cho tội ác bằng tấm bằng luật sư của chính mình.

VTV cũng phát hành bản tin về vụ án trong đó ca ngợi hai án từ hình và 1 án chung thân là "nhân văn và hợp tình hợp lý". Nhà báo Châu Đoàn viết trên trang facebook của mình :

"Một vụ án 2 án tử hình, với 29 bị cáo mà vội vàng gói trong 3 ngày, bỏ qua yêu cầu về thực nghiệm hiện trường, hạn chế việc tiếp xúc với bị can tới tối đa, chứng cớ đưa ra thì mập mờ, vô lý. Một bản án đầy tính áp đặt của độc tài vậy mà truyền hình đưa tin là "nhân văn". Đấy là kiểu nhân văn của sói đàn. Một sự nhân văn mồm mép bọc ngoài sự man rợ"..

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 18/09/2020 (canhco's blog)

**********************

Đi đến cùng con đường tội ác và những hệ quả của vụ Đồng Tâm

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 17/09/2020

Vụ án Đồng Tâm đã khép lại phiên tòa sơ thẩm với với hai án tử hình dành cho hai con trai cụ Lê Đình Kình, một án chung thân cho cháu nội của Cụ, anh Lê Đình Doanh cùng một số người dân với mức án thấp hơn. Toàn bộ những diễn biến từ khi sự việc bắt đầu đến khi kết thúc phiên sơ thẩm đã phơi bày tất cả bản chất của đảng, của nhà cầm quyền Việt Nam trước dư luận trong và ngoài nước.

dongtam4

Có một chi tiết quan trọng khởi nguồn vụ án, khởi nguồn vụ việc tranh chấp đất đai ít được nhắc tới, và ít người hiểu rõ ngọn nguồn. Đó là việc nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đã nhập nhèm đánh lận thông tin, về việc 59 hec ta đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh của thôn Hoành, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng. Trong khi đó, đất quốc phòng là 47,36 héc ta xã Đồng Tâm đã hiến cho nhà nước, cho quân đội để xây dựng sân bay Miếu Môn. Số đất xã Đồng Tâm hiến cho việc xây sân bay Miếu Môn hiện nay Lữ đoàn Phòng không-Không quân 28 vẫn đang quản lý, và hoàn toàn không có tranh chấp gì. Còn số đất 59 héc ta ở cánh đồng Sênh bên cạnh là đất nông nghiệp, người dân Đồng Tâm vẫn đang canh tác, sử dụng và quản lý bình thường. Khi thành phố Hà Nội chiếm đoạt để giao cho công ty Viettel thì cụ Lê Đình Kình và người dân xã Đồng Tâm phản đối, không cho cướp đất. Cụ Lê Đình Kình là cựu cán bộ xã Đồng Tâm, đảm nhiệm những chức vụ từ trưởng công an xã, rồi chủ tịch, bí thư xã Đồng Tâm nên hiểu rõ ngọn ngành từng tấc đất của xã. Cụ Lê Đình Kình đã từng phát biểu, nếu quý vị đưa được bằng chứng, chứng cứ về 59 héc ta đất ở cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, Cụ và người dân Đồng Tâm sẵn sàng giao nộp 59 héc ta đất cánh đồng Sênh trong vòng vài ba giờ đồng hồ. Như vậy, việc chiếm đoạt 59 héc ta đất cánh đồng Sênh của người dân Đồng Tâm là phi pháp, vô đạo. Người dân Đồng Tâm chỉ bảo vệ mảnh đất của cha ông cho bản thân và con cháu cuối cùng đã có những kết cục vô cùng bi thảm ! ! !

Từ khởi nguồn cực kỳ vô pháp, vô đạo của nhà cầm quyền Hà Nội, gặp phải những người dân kiên cường giữ đất, đã xảy ra tất cả những diễn biến mà chúng ta chứng kiến. Trước phiên tòa Sơ thẩm, những tưởng nhà cầm quyền Việt Nam đã biết tiếp thu những lời khuyên, can ngăn của rất nhiều lực lượng, thành phần và tầng lớp trong xã hội để dừng tay trước tội ác đã quá khủng khiếp. Nhưng cuối cùng, họ vẫn đi đến cùng con đường tội ác, tuyên hai bản án tử hình, một bản án chung thân cho gia đình cụ Lê Đình Kình. Nhiều người đã nói rằng, đó gần như việc tru di tam tộc mà đảng cộng sản dành cho đảng viên 58 năm tuổi đảng Lê Đình Kình.

Vụ án này có tác động như thế nào đến người dân và xã hội Việt Nam ?

Trước hết, đó là sự căm phẫn của người dân Đồng Tâm, của những người dân oan, của lực lượng phản biện xã hội đang ngày càng lan rộng. Những người dân thuộc các thành phần này đều biết rõ sự thật của vụ việc, vụ án. Việc thông tin sự thật, lên án nhà cầm quyền thông qua những sự lừa dối, khủng bố và kết án người dân Đồng Tâm hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông rộng mở, hệ thống mạng xã hội, Youtube… sẽ làm cho nhà cầm quyền không còn lừa bịp được người dân nữa.

Một số lượng lớn người dân mất lòng tin vào đảng, vào nhà cầm quyền nhưng do quá khứ của bản thân, do nỗi đau phủ định bản thân khi biết bản chất chế độ nên vẫn còn níu giữ niềm tin đã bị giáng một đòn nặng nề, một phát súng ân huệ cuối cùng đảng dành cho họ. Tất cả đã rõ ràng, chỉ còn lại sự trống rỗng trong lòng. Những người có can đảm sẽ hòa cùng lực lượng phản biện, số còn lại sẽ gậm nhấm nỗi đau trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời.

Đáng nói nhất là những kẻ trong hệ thống đảng và nhà nước hiện nay. Lý tưởng hoàn toàn không còn, tiếp xúc và thực thi với những sai trái, bất công đang diễn ra hàng ngày hàng giờ không thể không đặt ra những câu hỏi và suy nghĩ. Tuy nhiên, đối với nhiều việc, sự thật phải trái trắng đen không rõ ràng, họ còn chút an ủi để làm các công việc mà họ biết chỉ để duy trì sự tồn tại của bản thân và gia đình, không mục đích, không lý tưởng. Nhưng khi những sự việc quá phi pháp, vô đạo như vụ Đồng Tâm diễn ra, họ tìm hiểu và biết những sự thật (những sự thật hoàn toàn đơn giản không hề khó hiểu : đang đêm dẫn 3000 quân tấn công vào dân thường, giết cụ già đã bị đánh què 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng ; bắt giam 29 người, đánh đập bức cung ; xử án chết người bỏ qua nguyên tắc thực nghiệm hiện trường ; tuyên án tử hình 2 con trai và cháu nội ông Lê Đình Kình…vv) thì họ sẽ nhận ra sự bẽ bàng, vô nghĩa, thậm chí phạm tội với những công việc họ đang làm. Sẽ có sự rã đám trong đội ngũ công quyền hiện nay.

Tựu trung lại, vụ án Đồng Tâm có lẽ là cột mốc quan trọng nhất để người dân nhận thức rõ, hiện nay có hai tầng lớp thống trị và bị trị đang tồn tại trong xã hội Việt Nam. Tầng lớp thống trị sẽ dùng mọi lực lượng, mọi thủ đoạn để khẳng định, trục lợi và duy trì quyền lực, quyền lợi của mình. Tầng lớp bị trị cũng sẽ nhận thức rõ hơn vị thế của mình, nhận thức rõ hơn bản chất của đảng và nhà nước, để từ đó hoặc chấp nhận thân phận bị trị, hoặc vùng lên đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình.

Hà Nội, ngày 17/9/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 18/09/2020 (nguyenvubinh's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Cánh Cò, Nguyễn Vũ Bình
Read 500 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)