Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/09/2020

Cân bằng cấu trúc thể chế là nhiệm vụ cải cách

Phạm Quý Thọ

Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản vừa cho biết dự thảo các văn kiện trình Đại hội 13 đã hoàn thành và dự kiến lấy ý kiến của nhân dân vào khoảng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11/2020.

canbang1

Các đại biểu dự lễ bế mạc đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 /  AFP

Trên phương diện thể chế, ba trụ cột cai trị hình trành cấu trúc của chế độ đảng toàn trị gồm hệ tư tưởng, bộ máy chuyên chế và cơ chế vận hành nền kinh tế. Từ cách tiếp cận này, bài viết, như sự góp ý cho văn kiện đại hội, rằng mất cân đối cấu trúc ba bộ phận sẽ có thể dẫn đến khủng hoảng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung không hiệu quả dẫn đến sự sụp đổ mô hình Xô Viết. Cơ chế này đã bị dần thay thế bởi công cụ thị trường đồng thời duy trì hệ tư tưởng cộng sản và bộ máy chuyên chế là sự lựa chọn của Đảng cộng sản Việt Nam. Mâu thuẫn giữa các giá trị thị trường với ý thức hệ và hệ thống chính trị đang gây ra bất ổn thể chế ngày càng nghiêm trọng. Bởi vậy nhiệm vụ cải cách hiện nay chính là việc chỉnh sửa và xây dựng thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.

Sụp đổ và bất ổn

Cơ chế kế hoạch hóa tập trung triệt tiêu động lực tăng trưởng là căn nguyên sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cũ năm 1991. Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được thiết kế như một nhà máy khổng lồ, vận hành theo chế độ kế hoạch hóa tập trung, đã không thể tạo ra năng suất cao để "chiến thắng" chủ nghĩa tư bản với thị trường cân bằng với thể chế tam quyền phân lập và chế độ dân chủ.

Việt Nam, theo sau Trung Quốc, có sự lựa chọn khác, cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã dần bị thay thế bởi công cụ thị trường trong khi duy trì hai trụ cột còn lại tạo nên thời kỳ gọi là chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Dù có lý giải quá trình này theo các khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa" hay "mang bản sắc Trung Quốc", thì đều minh họa mang tính nguỵ biện cho sự duy trì chế độ toàn trị.

Với chính sách kinh tế thực dụng được áp dụng tại Trung Quốc, Việt Nam, nền kinh tế quốc dân có xuất phát điểm thấp, công cụ thị trường đã tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh trong điều kiện toàn cầu hóa và chính sách "can dự" của các nước tư bản phát triển phương Tây. Tuy nhiên, sự không tương thích cấu trúc như trên đang gây nên bất ổn thể chế nghiêm trọng hiện nay.

Bất ổn nghiêm trọng

Trước hết, đó là sự khủng hoảng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ chuyển đổi nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin bị chỉ trích là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, thậm chí cản trở sự phát triển. Tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung cho nền tảng tư tưởng của Đảng. Chế độ xã hội chủ nghĩa vận dụng ở Venezuela đã sụp đổ khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thiệt hại... Mô hình phát triển đất nước chưa hề được khái quát đề xuất dựa trên nền tảng tư tưởng này.

Hệ thống chính trị, bộ máy hành chính phình to, chồng chéo nhằm tạo ra mạng lưới với mục đích quản lý toàn diện mọi mặt đời sống xã hội khiến chi phí ngân sách tốn kém nhưng hiệu lực, hiệu quả điều hành không được cải thiện. Thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả và nguyên tắc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình dẫn đến hậu quả quan chức suy thoái về đạo đức lối sống, tham nhũng nghiêm trọng và lan rộng…

canbang2

Phiên tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018 xét xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh AFP

Nhiều quyền công dân, mặc dù được quy định trong Hiến Pháp năm 2013, nhưng bị hạn chế hoặc cấm đoán. Tính chuyên chế bị lạm dụng trong giải quyết tranh chấp sở hữu, lợi ích. Xã hội bị chia rẽ, lệch lạc chuẩn mực hành vi ứng xử, phân hóa giàu và nghèo, thành thị và nông thôn…

Sức ép từ thị trường

Tính chính danh của Đảng, của chế độ chỉ được biện minh nhờ thành tích kinh tế. Thị trường giúp tăng trưởng, và bởi vậy cải cách thể chế kinh tế được thực hiện trước hết từ sức ép thị trường.

Trong những năm đầu chuyển đổi dư địa tăng trưởng lớn nhờ giải phóng sức lao động trên đồng ruộng và tạo động lực bằng khuyến khích vật chất trong các xí nghiệp quốc doanh. Cải cách thể chế kinh tế được thúc đẩy thông qua nền kinh tế nhiều thành phần… Gần đây, trong Nghị quyết 5 khóa 12 việc công nhận kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Theo ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ đang trong tình trạng "Chết mà không chôn được", doanh nghiệp quân đội làm kinh tế và quan niệm kinh tế nhà nước là chủ đạo được đề xuất đánh giá lại.

Việc thực thi chính sách kinh tế thực dụng bởi "Chính phủ kiến tạo" từ đầu nhiệm kỳ khóa 12, dù trễ muộn, nhưng vẫn là tín hiệu cải cách đáng ghi nhận. Tinh thần khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng lên đang biểu thị các nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ các rào cản hành chính và thủ tục không phù hợp mới chỉ là bề ngoài, phần nổi của tảng băng trôi. Cải cách thể chế kinh tế sẽ khó khăn hơn khi thay đổi chế độ sở hữu toàn dân để thị trường vận hành đúng theo các nguyên tắc vốn có : sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, cạnh tranh và người tiêu dùng tự quyết.

Cải cách chính trị

Thị trường càng mở rộng trong nền kinh tế thì cấu trúc thể chế với ba trụ cột nêu trên mất cân đối nghiêm trọng. Sau thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế, từ sau Đại hội 12 cải cách thể chế chính trị được tăng cường, trước hết là chỉnh đốn đảng với hai hướng giải pháp. Một là, chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh "không vùng cấm". Và hai là, tập trung quyền lực cao hơn.

Luật pháp hóa các nghị quyết của đảng là bộ phận thiết yếu của cải cách chính trị. Sự không tương thích giữa ý thức hệ xã hội và các giá trị của thị trường khiến cho việc ban hành và thực thi các luật theo hướng pháp trị, nghĩa là phục vụ chế độ, thay vì pháp quyền, nghĩa là hướng tới người dân, khiến cho việc "nợ đọng" luật và các văn bản dưới luật là "đáng báo động".

Những biện pháp cải cách chính trị dẫn giải ở trên nhằm duy trì chế độ thay vì hướng tới chế độ dân chủ thị trường và đang gặp thách thức như việc chuyển giao quyền lực dựa trên các chuẩn tắc có thể bị phá vỡ, mặc dù "lãnh đạo tập thể" được coi trọng để tránh trường hợp như Tập Cận Bình ở Trung Quốc hay Lukashenko ở Belarus. Ngoài ra tính bè phái, địa phương đang cản trở việc trọng dụng nhân tài, cản trở xây dựng cơ chế để người dân tham gia chính trị và tính chuyên môn trong bộ máy nhà nước và đơn vị sự nghiệp công…

Tóm lại, cân đối cấu trúc quyết định sự bền vững của thể chế, bởi vậy nhiệm vụ cải cách là xác lập sự cân đối ba trụ cột quản trị quốc gia theo hướng làm thúc đẩy cải cách thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Đại hội 13 có thể là "bước ngoặt" tuỳ thuộc vào sự thay đổi quan điểm và các chính sách cải cách hướng đến thực hiện nhiệm vụ trên. Văn kiện đại hội vẫn là công cụ lãnh đạo của Đảng, trong đó báo cáo chính trị là trung tâm, thể hiện quan điểm đường lối điều hành, bởi vậy ý kiến về sự cân bằng cấu trúc thể chế với mong muốn thêm cách tiếp cận để thảo luận.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 21/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)