Cảnh buôn bán ở một góc phố Hà Nội hôm 8/12/2016. AFP photo
Phản hồi lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong tuần lễ đầu năm 2017 đã có nhà khoa học nói thẳng, nói thật. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, ông chưa thấy động lực tăng trưởng cho năm 2017 ở đâu và năm 2017 có thể sẽ là năm kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.
Sự thật mất lòng
Nhận định trên báo mạng Dân Trí ngày 5/1/2017, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan ngại sâu xa về dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017. Theo lời Viện trưởng VEPR, Việt Nam có thể chịu tác động từ những diễn biến bất lợi từ tình hình Quốc tế và chưa thấy được những điểm mới từ trong nước, trong bối cảnh cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang gặp khó khăn ; quản lý công chậm đổi mới, nợ công cao và tăng chi ngân sách vẫn lớn.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 5/1/2017, chuyên gia kinh tế Phó Giáo sư Ngô Trí Long hiện sống và làm việc ở Hà Nội nhận định rằng, có nhiều dự báo khác nhau về mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2017, như 6,3% của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ; hay mức 6,7% của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Theo quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, sau khi không đạt mức tăng trưởng kinh tế như dự kiến của năm 2016 và với những thách thức khó lường của 2017 thì Chính phủ Việt Nam sẽ rất khó khăn và sẽ phải có quyết tâm hết sức mạnh mẽ để đạt tới mức tăng trưởng GDP 6,7%. Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng thương mại toàn cầu không sáng sủa với sự kiện Brexit, nước Anh rời khỏi EU ; đặc biệt là xu hướng dân tộc hướng nội ở Hoa Kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngoài ra còn vấn đề xung đột trên thế giới hoặc thiên tai có thể xảy ra cũng ảnh hưởng thị trường mậu dịch toàn cầu.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhấn mạnh tới các vấn đề mà nền kinh tế Việt Nam khó vượt qua.
"Trong nước nói chung là, những thách thức mới và lớn như rào cản về nợ công, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ; hay đặc biệt tình hình thiên tai lũ lụt, hạn hán, thời tiết khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó vấn đề tái cơ cấu tiến hành rất là chậm…đấy là những yếu tố tác động cản trở tăng trưởng.
Bên cạnh đó cũng có những điểm sáng, hy vọng cho tăng trưởng năm 2017, sự cải cách hành chính, thể chế cũng như môi trường, những động lực để giúp tăng trưởng thì Chính phủ làm rất là mạnh. Nhưng với những rào cản đã nêu thì theo quan điểm cá nhân tôi, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì Chính phủ phải hết sức quyết liệt đặc biệt về cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh ; tháo gỡ những rào cản, thủ tục hành chính bất cập…".
Theo Phó Giáo sư Ngô Trí Long, động lực của cải cách của Chính phủ cũng đặt được niềm tin trong doanh nghiệp. Đặc biệt một trong những vấn đề hết sức quan trọng, 6 tháng đầu năm 2016 nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng âm, cả năm thì tăng trưởng rất thấp. Nhưng năm nay Chính phủ coi nông nghiệp là lĩnh vực hết sức quan trọng, ví dụ như áp dụng khoa học kỹ thuật và có những đề án phát triển nông nghiệp, vun bồi cho nông nghiệp phát triển với trình độ công nghiệp cao.
Đề cập tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Phó Giáo sư Ngô Trí Long tiếp lời :
"Trong năm 2017 này, một trong những vấn đề thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam là năng suất, chất lượng hiệu quả thì chưa đáng là bao. Nếu Chính phủ không cố gắng, không có động lực, không quyết tâm, có nghĩa là trên rất quyết liệt, nhưng giữa còn chần chừ và dưới thì chậm chạp, không thay đổi được tư tưởng và vẫn giữ nếp như vậy thì chắc chắn khó đạt được tăng trưởng 6,7%.."..
Nông dân đang bị "nghèo hóa"
Nông dân Việt Nam với mùa thu hoạch ở ngoại ô Hà Nội hôm 9/6/2016. AFP photo
Báo Dân Trí dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhắc lại thảm họa môi trường từ Formosa tại 4 tỉnh miền Trung đã tác động trực tiếp đến sinh kế, kinh tế của hàng triệu hộ dân mà rất lâu mới có thể khắc phục được. Ngoài ra Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh tới thực tế gọi là nghèo hóa nông dân, nông thôn, sau hạn hán ở Tây nguyên và Nam Trung Bộ, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngập lụt ở miền Trung… đã kéo giảm năng suất, tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành và Dân Trí Online, trước những thay đổi của điều kiện tự nhiên ; nguy cơ công nghiệp lạc hậu và tận dụng tài nguyên đang khiến Việt Nam phải đánh đổi và đứng trước con đường bắt buộc phải thay đổi, mới hy vọng có được tăng trưởng dài hạn, bền vững.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, một nhà nghiên cứu khoa học là Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, phân tích là tái cấu trúc nông nghiệp ở Việt Nam đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng bị chặn bước vì ba thách thức lớn. Đó là sản xuất quá nhỏ bé ; Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, phải thực hiện các cam kết thương mại tự do nhiều nông sản bị cạnh tranh và sau hết trong hai năm 2015-2016 hiện tượng El Nino ảnh hưởng quá lớn làm cho lĩnh vực trồng trọt, kể cả cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu và ngành chăn nuôi đều bị ảnh hưởng, năng suất sụt giảm nghiêm trọng. Từ Saigon, Giáo sư Bùi Chí Bửu nhấn mạnh :
"Ba thách thức đó ảnh hưởng tái cấu trúc trong khi mình không có nhiều nghiên cứu chiều sâu về kinh tế, xã hội tất cả mọi thứ…cho nên cần thiết nhất là dành ngân sách đầu tư cho nghiên cứu những factors, những chìa khóa để giải quyết vấn đề. Chúng ta cần bấm đúng cái huyệt nào đó, nhưng cái huyệt này chưa được tìm thấy".
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017 khá cao là 6,7% và có những dấu hiệu cho thấy, Thủ tướng muốn gấp rút dập tắt những đám cháy âm ỉ đang hủy hoại nền kinh tế.
Báo mạng Một Thế Giới ngày 5/1/2017 đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công thương. Đây là một Ban mới được thành lập và có mục đích giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vướng mắc, tồn tại yếu kém của các dự án, doanh nghiệp lớn thuộc ngành công thương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Một Thế Giới dẫn lời cho biết, việc xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ phải tuân thủ nguyên tắc "kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường" như Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 đã chỉ đạo.
Phải chăng sẽ có nhiều dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ chính thức bị xóa sổ và theo cơ chế thị trường thì có thể là bán sắt vụn. Phó Giáo sư Ngô Trí Long trả lời câu hỏi này :
"Tôi thấy rất đáng ngại, vấn đề này rất nhiều chuyên gia trong ngoài nước ai cũng nói sẽ cho phá sản, phá sản theo nguyên tắc đối với nhà nước thì sẽ phá sản như thế nào. Khi anh không còn khả năng thanh toán nữa thì đối với nhà nước với nguồn lực như vậy, trong điều kiện như vậy thì thực thi ra sao, biện pháp cụ thể như thế nào thì tôi nghĩ đòi hỏi bộ máy phải có tổ chức nghiên cứu đề án một cách cụ thể chứ không thể nói chung chung…".
Ai chịu trách nhiệm cao nhất ?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí tại Hà Nội hôm 4 tháng 8 năm 2015. AFP photo
Một khi các dự án thua lỗ nghìn tỷ được giải quyết một lần, chuyển từ chết lâm sàng sang chính thức khai tử, thì vấn đề trách nhiệm của giới lãnh đạo Bộ Công thương các thời kỳ những dự án đó thành hình, đặc biệt là nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ như thế nào. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định :
"Để không đi theo vết xe đổ hay ngựa quen đường cũ thì vấn đề quan trọng là phải xử lý trách nhiệm. Đấy là những bài học để răn đe cho những thế hệ mới này. Trong hoàn cảnh này thì tôi thấy ông Vũ Huy Hoàng chưa phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng, một người chịu trách nhiệm cao nhất, đó là ai, thì phải xem xét cụ thể trực tiếp trách nhiệm.
Ông Hoàng chưa phải là người trách nhiệm cao nhất và cuối cùng, bởi vì khi ông Hoàng đã thực hiện thực thi những điều đó thì còn thông qua cấp cao hơn. Thế thì cấp cao hơn dù đã nghỉ rồi hoặc đang đương chức thì cũng phải xem xét làm rõ trách nhiệm. Chứ không thể chỉ nói tới ông Hoàng là xong…cho nên vấn đề của Việt Nam ở đây là chưa triệt để xử lý trách nhiệm cụ thể những người đã gây ra hậu quả đó…nói rất là hay, rất là mạnh nhưng cụ thể thì thực thi cũng chẳng được là bao".
Trong bối cảnh Thủ tướng Việt Nam đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 2017 cao tới 6,7%, thông tin từ VnExpress ngày 5/1/2017 cho biết, tới nay đã có 12 tỉnh xin gạo cứu đói trước Tết Đinh Dậu, bao gồm Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông.
Đọc bài báo, thấy thật là mỉa mai, khi các tỉnh xin cứu đói lại đều có những báo cáo về tình hình kinh tế xã hội với rất nhiều mỹ từ, như tổng sản phẩm tăng, các lĩnh vực sản xuất kinh tế đạt và vượt kế hoạch đề ra…
Nam Nguyên, phóng viên RFA