Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2020

Nhân quyền Việt Nam : Hoa Kỳ và Liên Âu đang để mắt tới

Giang Nguyễn - Nguyễn Cường

Tù chính trị tại Trại giam Xuân Lộc lại phải tuyệt thực đấu tranh đòi quyền của họ !

RFA, 23/09/2020

Vào ngày 23/9, chị Nguyễn Thị Châu, vợ Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, tù nhân lương tâm hiện đang bị giam tại trại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân thông tin chồng chị và một số tù nhân lương tâm khác hiện đang tuyệt thực từ ngày 5/9 đến nay. Mục đích để đòi quyền lợi cho tù nhân tại trại giam nơi đây.

tu1

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh tại tòa và thông tin tuyệt thực tại trại giam Xuân Lộc. AFP/FB An Duong Nguyen Phu - RFA edited

Thông tin chị Châu đăng tải được dẫn nguồn từ một người vừa mãn án tù và ra khỏi trại giam Xuân Lộc cho chị biết qua ứng dụng Facebook Messenger.

Theo hình ảnh đoạn hội thoại được chị Nguyễn Thị Châu chia sẻ trên Facebook, người đàn ông vừa ra tù cho hay ông cùng với tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ và Huỳnh Đức Thanh Bình đã cùng nhau tuyệt thực. Đến ngày 5/9 thì cả ba người vừa nêu cùng với một người tù khác là Phạm Long Đại bị giam riêng.

Hiện chỉ còn Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh và ông Nguyễn Văn Đức Độ đang tuyệt thực.

Chúng tôi có liên lạc với chị Nguyễn Thị Châu và được chị xác nhận sự việc tuyệt thực tại trại giam Xuân Lộc như sau :

"Thông tin hai người nhắn tin với nhau chị có đưa lên Facebook. Sau hôm nay có người bạn bên trại mới ra, tối hôm qua nhắn cho chị là Ánh đang tuyệt thực để đòi quyền lợi trong trại cho Ánh và cho anh em trog đó, tới hôm nay là được 18 ngày. Chị có hỏi Ánh sức khỏe thế nào thì (người bạn) có nói là nhốt Ánh riêng, còn ba người tuyệt thực chung thì đang ở phòng riêng, còn anh Ánh nhốt riêng, từ hồi anh Ánh lên đó là gần 1 năm chưa bao giờ được ra ngoài ánh sáng. Ánh 24/24 bị nhốt trong nhà vì nói gì Ánh cũng nói đưa quyền, đưa luật ra để đòi hỏi nên nó ghét lắm, nó không cho ra phơi nắng, không cho ra hoạt động ngoài trời như những người khác nên càng ngày chị càng lo lắng rồi giờ thêm vụ này nữa".

Kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre hôm 6/6/2019 tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế về tội ‘làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’.

Thanh niên Huỳnh Đức Thanh Bình vào ngày 24/6/2019 bị Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên 10 năm tù giam với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Ông Nguyễn Văn Đức Độ trong phiên phúc thẩm ngày 13/9/2019 bị tuyên án 11 năm tù và 3 năm quản chế trong vụ án xử các thành viên nhóm Liên minh Dân tộc Tự quyết với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

Trao đổi với RFA tối 23/9, bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ tù nhân lương tâm Huỳnh Đức Thanh Bình cho hay bà không biết thông tin cụ thể gì về các tù nhân tại trại Xuân Lộc tuyệt thực :

"Cô chỉ biết N. là người ở chung với Bình ra và N. báo thông tin đó với vợ Kỹ sư Ánh nên vợ Kỹ sư Ánh đưa thông tin đó lên. Từ đầu tháng cô có nhận được thông tin từ gia đình của Nguyễn Văn Đức Độ có báo tin để phản đối sự hà khắc của trại giam đối với Bình với Nguyên thì hai bạn có tuyệt thực trong khoảng một tuần lễ nhưng con cô mệt quá nên thôi. Sau đó đến Nguyễn Văn Đức Độ và giờ đến Kỹ sư Ánh chăng ?"

tu2

Trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nguồn : Báo Đồng Nai

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đại diện pháp lý cho Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh cho hay ông cũng chỉ mới biết thông tin thân chủ của mình tuyệt thực thông qua bài viết được vợ thân chủ mình đăng tải trên Facebook. Ông nói :

"Anh không hiểu nguyên do tại sao dẫn đến việc họ tuyệt thực. Anh định trong vài ngày tới sẽ có sự tiếp xúc với giới chức có thẩm quyền để xem, tìm hiểu chuyện đó thế nào. Thông thường những việc như vậy thì ban giám thị trại giam họ rất dè xẻn chuyện chia sẻ thông tin hoặc giải thích lý do. Gần đây nhất là trường hợp Trịnh Bá Tư đang bị điều tra tại tỉnh Hòa Bình cũng có nói về vấn đề tuyệt thực, anh cũng đã có văn bản yêu cầu chính thức để họ xác minh, tra lời vấn đề thế nào. Họ nói họ không muốn chia sẻ vấn đề đó, vấn đề đó thuộc thẩm quyền cơ quan công an điều tra. Nên luật sư cố gắng làm hết trong phạm vi quyền hạn cho phép nhưng đạt kết quả để hiểu biết thực sự về vấn đề thì hiện nay chưa thể làm được điều đó".

Qua cuộc điện đàm với gia đình vào đầu tháng 9 vừa qua, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh cho hay tình trạng của anh trong trại giam :

"Quyền và lợi ích, thân thể, sức khỏe của anh bị xâm phạm nghiêm trọng theo Bộ luật Thi hành án hình sự ở đây. Em yêu cầu Luật sư Đặng Đình Mạnh lên tìm gặp anh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh".

Tuy nhiên, sau khi anh Ánh nói đến đây thì cuộc gọi giữa chị Châu và anh Ánh đã bị cắt ngang.

Theo lời chị Nguyễn Thị Châu, sau khi bị ngắt tín hiệu điện thoai, chị đã làm đơn lên Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời, phía trại giam Xuân Lộc cũng không trả lời chị.

Vợ kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh cũng cho biết thêm chị vốn sẵn đã lo lắng cho sức khỏe của chồng mình sau cuộc gọi vào đầu tháng 9, giờ thêm thông tin tuyệt thực này, chị lại càng bất an :

"Chiều giờ chị đang tính có nên lên trại lúc này không vì lên trại lúc này thì sợ nó lấy lý do dịch không cho mình gặp mặt hay lấy lý do khác. Nhưng chị vẫn phải quyết định lên để coi tình hình thế nào. Ở nhà mình cũng không biết được tình hình trên đó, thà là mình đi gặp được hay không thì mình còn đòi hỏi quyền lợi cho chồng chứ ở nhà là chết".

Có cùng tâm trạng lo lắng cho con trai đang thụ án tại giam Xuân Lộc, bà Nguyễn Thị Huệ bày tỏ :

"Thật ra cô đang rất lo lắng. Cô đợi đến tháng 10 này nếu có thông báo được đi thăm là cô sẽ lên liền để tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra".

Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ một số tù nhân chính trị khu vực phía Nam. Tình trạng tù nhân tuyệt thực để đấu tranh đòi quyền lợi tại trại giam Xuân Lộc vẫn diễn ra thường xuyên lâu nay.

Điển hình như vào tháng 10/2019, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ tuyệt thực phản đối trại giam Xuân Lộc bán thức ăn giá "trên trời".

Vẫn trong tháng 10, tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, thành viên của nhóm Hiến pháp hiện đang thụ án ở trại Xuân Lộc cũng đã tuyệt thực để phản đối việc ông không được quản giáo chấp thuận cho ra ngoài trại giam để chữa trị vì bị nổi hạch ở cổ gây đau đớn. Sau đó ông Ca được công an đưa đi cấp cứu sau khi tuyệt thực đến ngày thứ 5 bị ngất xỉu.

Một tù nhân lương tâm khác trong trại giam này là ông Nguyễn Hoàng Nam, theo Phật giáo Hòa Hảo đấu tranh cho tự do tôn giáo cũng tuyệt thực trong tháng 10/2019 vì bị chuyển từ trại giam K1 nơi có các tù nhân chính trị sang giam cùng với các tù nhân án ma túy.

Nguồn : RFA, 23/09/2020

************************

Vận động cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển trước Đối thoại Nhân Quyền Mỹ-Việt

Giang Nguyễn, RFA, 22/09/2020

Tổ chức Cứu người Vượt Biển (BPSOS) cho biết đang vận động cho viêc tham gia ký tên vào một lá thư chung gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Nội dung thư kêu gọi Hoa Kỳ đặt vấn đề với Việt Nam về trường hợp của tù nhân lương tâm, nhà hoạt động cho quyền tự do tín ngưỡng, ông Nguyễn Bắc Truyển. Ngày 6 tháng 10, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ một lần nữa trao đổi về dân chủ, nhân quyền qua Đối thoại Nhân Quyền thường niên giữa hai quốc gia này.

nq1

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển được dẫn giải ra tòa ở TP Hồ Chí Minh hôm 10/5/2007-Reuters

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch và CEO của BPSOS, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng lá thư chung sẽ được gửi đi vào thứ 2 ngày 28 tháng 9, để kịp thời cho các đại diện phía Hoa Kỳ đưa hồ sơ của ông Nguyễn Bắc Truyển lên bàn thảo luận.

Ông nói, "Trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển ở trong danh sách ngắn của Hoa Kỳ để đấu tranh đòi hỏi sự tự do cho những người trong danh sách đó. Gần đây nhất, Mục sư A Đảo của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên đã được trả tự do vào ngày 18/9. Cho thấy sự lên tiếng của quốc tế có ảnh hưởng. Mục sư A Đảo cũng là 1 trong 8 người trong danh sách chúng tôi đưa ra để đề nghị Hoa Kỳ ưu tiên tranh đấu đòi trả tự do cho họ. Thực sư chúng tôi có danh sách có đến 250 tù nhân lương tâm và hơn nữa. Nhưng chúng tôi lọc ra tập trung vào 8-10 người, và Mục sư A Đảo là một, bây giờ đã được tự do, và người kế tiếp là ông Nguyễn Bắc Truyển".

nq2

Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt : Ký giả Trương Minh Đức, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Phạm Văn Trội, ông Nguyễn Bắc Truyển (từ trái qua). RFA

Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, và là Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị. Ông Truyển cùng ông Phạm Văn Trội, và ông Trương Minh Đức, những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, bị chính quyền Việt Nam bắt vào ngày 30/7/2017 và tuyên án 11 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".

Tiến sĩ Thắng nói thêm, ít ai biết, ông Nguyễn Bắc Truyển là người đầu tiên phối hợp bàn tròn đa tôn giáo của Việt Nam được thành lập vào tháng 3 năm 2016. Ông Truyển tiếp tục duy trì vai trò cho tới ngày bị bắt, vì vậy BPSOS đã nhắm vào các thành viên bàn tròn cũng như lãnh đạo tôn giáo tại Hoa Kỳ và khắp nơi, cùng lên tiếng qua lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Ông Thắng cho biết, "Ngoài ra ông Truyển còn là người sáng lập ra Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam bởi vì trong lĩnh vực về luật, ông Truyền là luật gia nghiên cứu về chống tra tấn ở Việt Nam cũng như của Công ước LHQ về chống tra tấn. Ông Truyển đã làm nhiều báo cáo về chống tra tấn, chẳng hạn như của những người H'mong, người Tây Nguyên, mà bị tra tấn đến chết, thì ông Truyển cũng là người lập hồ sơ chuyển lên Liên Hiệp Quốc rất nhiều lần. Do đó, khi bị bắt bớ và cả hai vợ chồng bị bách hại, Liên Hiệp Quốc xem như một cách trả thù vì đã báo cáo với họ".

Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển hiện bị giam tại nhà tù An Điềm, tỉnh Quảng Nam. Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức Quốc cho biết, ông Truyển bị tuyên án nặng nề, 11 năm tù, vì những hoạt động đào tạo cho tín đồ về quyền tự do tôn giáo, cũng như những nỗ lực cho các gia đình tù nhân lương tâm :

"Đến năm 2017 khi an ninh bắt ông Truyển, thì họ cũng có hỏi tôi về vai trò của ông Truyển trong Hội Anh Em Dân Chủ. Tôi nói ông Truyển chỉ tham gia ngắn thôi.

Mức án nặng không phải là vì ông Nguyễn Bắc Truyển là sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, mà do những việc làm của ông đối với Giáo hội Phật giáo Hòa hảo, bởi vì khi đó ông cư trú ở tỉnh Đồng Tháp và ông giúp cho Phật giáo Hòa hảo rất nhiều. Vì những công việc nâng đỡ, không để cho giáo hội đó bị sụp đổ bởi sự đàn áp bắt bớ từ nhà cầm quyền Việt Nam. Thứ hai, khi ông tham gia vào Hội Ái hữu tù nhân lương tâm, thì ông cũng hoạt động rất tích cực, tìm kiếm những nguồn lực tài trợ giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm, cũng nhưng con cái của họ trong vấn đề học bổng. Tôi biết lúc đó thì hầu hết rất nhiều gia đình tù nhân lương tâm đang có con học phổ thông hay đại học, thì đều được Hội Cựu tù nhân lương tâm cấp học bổng. Đó là những lý do mà an ninh họ biết, nhưng không đưa vào trong hồ sơ. Họ chỉ có căn cứ một điều duy nhất là ông là sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, và ông chịu mức án 11 năm tù".

Luật sự Đài cho biết, ông Truyển hiện được sự bảo trợ của đại diện Quốc hội Đức. Từ năm 2019 ông Truyển cũng được Ủy viên Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc Tế (USCIRF), bà Anurima Bhargava bảo trợ thông qua Dự án Tù nhân Lương tâm Tôn giáo. Ngày 13/8 vừa qua, 65 nghị sĩ thuộc gần 30 quốc gia trên toàn cầu đã ký lá thư chung gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Truyển.

Luật sư Đài nhận định, thời điểm trước cuộc Đối thoại Nhân quyền, dự kiến sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 6 tháng 10, là thời điểm thuận lợi để nhắc nhở các viên chức ngoại giao về trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ông nói, "Nếu như Việt Nam có thiện chí với phía Hoa Kỳ, thì họ sẽ trả tự do cho anh Truyển hoặc một vài người, bao giờ cũng xảy ra trước các cuộc đối thoại. Vì kinh nghiệm của bản thân tôi, trong những năm tháng tôi ngồi tù lần đầu tiên từ năm 2007-2011, phía Bộ Công an họ hỏi, ‘Anh có muốn trả tự do không ? Chỉ có hai điều kiện, một là chúng tôi thả tự do cho anh đi nước ngoài, hai là anh sẽ nhận tội thì chúng tôi trả tự do cho anh ngay lập tức’. Thì tôi không hiểu tại sao họ lại chọn thời điểm đó để vào trong nhà tù mặc cả với tôi điều đó. Sau đó tôi mới biết là cố cuộc đối thoại với Việt Nam và Hoa Kỳ, hoặc EU. Thông thường là họ muốn thả tự do trước sự kiện đó".

Mục sư A Đảo, vị lãnh đạo Tin lành người Thượng được thả tự do vào ngày 18/9 vừa qua, một năm trước khi mãn án tù 5 năm vì cáo buộc "Tổ chức người khác trốn, đi nước ngoài".

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) hôm 18/9 ra thông cáo báo chí ca ngợi việc Việt Nam trả tự do cho Mục sư A Đảo, đồng thời kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

Ts Thắng nói, nếu như chính phủ Việt Nam cho rằng họ thả Mục sư A Đảo như vậy là đủ, thì các tổ chức, những nhà đấu tranh cho nhân quyền phải nỗ lực hơn nữa.

"Chúng tôi không nghĩ rằng Việt Nam hiện đang nghĩ đến chuyện thả, trả tự do cho ông Nguyễn Bắc truyển trước cuộc đối thoại, vì họ tin rằng chỉ cần thả Mục sư A Đảo là được rồi, để mà chứng tỏ cho Hoa kỳ là họ có thiện chí. Họ nghĩ rằng ngưng ở đó là đủ rồi. Chính vì lý do đó mà chúng tôi vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không chấp nhận sự nhượng bộ tí ti đó. Mà phải quyết tiếp tục những trường hợp khác, và ưu tiên hàng đầu là trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển".

Cũng theo Tiến sĩ Thắng, cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam vòng này sẽ không như các lần trước, và tổ chức của ông vận động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để không cho phép Việt Nam có những lời hứa hẹn hoặc bịa ra những lý do cho sự đàn áp của chính quyền.

"Chúng tôi đề nghị với Hoa Kỳ phải có những hồ sơ rất cụ thể, dù nó nhỏ, dù nó ít, nhưng phải giải quyết đến tận nơi tận gốc một cách cụ thể. Thì tôi tin rằng năm nay sẽ có một không khí khác hơn từ phía Hoa Kỳ khi ngồi xuống đối thoại với Việt Nam".

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 22/09/2020

**********************

Kiến nghị gửi đến Liên Hiệp Châu Âu

Nguyễn Cường, 22/09/2020

Kính gửi : Ông Josep Borrell Fontelles

Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu

Kiến nghị khẩn cấp về tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam

Bối cảnh

Ngày 14 tháng 4 năm 1980, chính phủ Việt Nam ra quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng sân bay quân sự Miếu Môn (trên địa bàn xã Đồng Tâm), với diện tích 208ha, trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm. Dự án xây sân bay bị dừng lại, tuy nhiên khu đất từ đó do quân đội quản lý. Theo Quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27 tháng 3 năm 2015, Bộ Quốc phòng giao 50,03 ha cho Viettel, một công ty thương mại do Bộ Quốc phòng làm chủ và quản lý, trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức). Phần đất này, theo người dân Đồng Tâm, bao gồm cả đất họ đang canh tác và không thuộc Bộ Quốc Phòng. Trong nhiều năm sau đó người dân Đồng Tâm đã nỗ lực đấu tranh với chính quyền để dành lại quyền sở hữu. Ông Lê Đình Kình, một cụ già 80 tuổi, được xem là lãnh đạo của người Đồng Tâm.

Viettel, thuộc quân đội, được biết đến như nhà mạng điện thoại di động lớn nhất Việt Nam, chiếm 42% thị phần trong nước.

Sự kiện

3 giờ sáng ngày 9/1/2020 hàng ngàn công an chính qui đã bao vây và tấn công vào làng Đồng Tâm. Ho xông vào nhà ông Lê Đình Kình bắn chết ông và bắt đi 29 người dân Đồng Tâm đã tham gia chống lại cuộc càn quét này. 3 viên cảnh sát bị chết trong trận càn và chính quyền đã đổ lỗi là bị dân làng giết dù không có bằng chứng thuyết phục.

Phiên tòa ngày 7/9/2020 mở ra ở Hà Nội xử 29 người xã Đồng Tâm.

Phiên tòa đã vi phạm nghiêm trọng ngay cả các thủ tục tố tụng của Việt Nam. Các luật sư không được tiếp xúc với thân chủ của mình. Không có thân nhân nào của bị cáo được có mặt trong phiên xử. Tại tòa có ít nhất 19/29 người khai là đã bị tra tấn trong quá trình điều tra. Đặc biệt bị cáo Lê Đình Công, người cuối cùng chịu án tử, đã khai bị 1 sĩ quan công an là Phạm Việt Anh đánh đập bức cung nhiều ngày liền.

Mặc dù vậy phiên tòa kết thúc sau 4 ngày với 2 án tử hình cho 2 con ông Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Chức và 1 án chung thân cho cháu ông, Lê Đình Doanh. 26 người còn lại lĩnh án từ 15 tháng đến 16 năm tù. Các ý kiến của luật sư như cần thiết thực nghiệm hiện trường để làm sáng tỏ cái chết của 3 viên công an, hay trưng bằng chứng về lệnh công vụ tấn công vào làng Đồng Tâm vào đêm 9/1/2020 đều bị bỏ qua.

Đề nghị

Chúng tôi, những cá nhân và tổ chức dân sự ký tên dưới đây đề nghị Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu thông qua Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao xem xét :

1/ Đưa vào danh sách không được cấp visa nhập cảnh vào các nước thành viên EU :

Ông Trương Việt Toàn, sinh năm 1961, thẩm phán phiên tòa ngày 7/9/2020 nói trên,

Ông Phạm Việt Anh, sinh năm 1991, người đã tra tấn dã man các bị cáo Đồng Tâm.

2/ Đưa tập đoàn viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam vào danh sách các công ty bị cấm kinh doanh tại các nước thành viên EU.

Praha ngày 27/09/2020

Liên lạc :

Nguyễn Cường

Občanské sdružení Van Lang

Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

************************

Đối tượng bị cho lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thuộc danh sách bí mật nhà nước độ tuyệt mật !

RFA, 22/09/2020

Phát biểu tại Hội nghị triển khai quyết định số 960 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 22/9, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh khi nói về những điểm mới của Quyết định 960 đã cho rằng trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chính quyền, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước…

nq3

Giáo xứ Song Ngọc vào ngày 22/08/19 dâng Thánh Lễ và thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân đã và đang bị bách hại vì niềm tin tôn giáo, đặc biệt ở Việt Nam. Courtesy : Facebook Nguyễn Đình Thục

Do đó, Quyết định 960 đã bổ sung quy định "văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia" là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Trao đổi với RFA tối 23/9, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam giải thích rõ hơn :

"Quyết định 960 này quy định một danh mục để cho các cơ quan, tổ chức, cũng như cá nhân biết được để sử dụng những tài liệu theo đúng quy định của pháp luật. Đây là những tài liệu những đối tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm phạm chủ quyền quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Thứ hai là trong thực hiện đường lối chiến lược, chính sách, đối sách, những quy trình xử lý đối với những vấn đề phức tạp tín ngưỡng tôn giáo nhà nước chưa công khai mà anh công khai cái này thì Việt Nam sẽ xử lý về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đây là những tài liệu tuyệt mật".

Nói rõ hơn, Luật sư Hậu cho biết chính phủ Hà Nội ban hành Quyết định 960 ngày 7/7/2020 về những danh mục nhà nước trong đó các thông tin là bí mật nhà nước được phân ra thành bí mật nhà nước ở độ tuyệt mật, tối mật, và mật. Quyết định này được bổ sung cho Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Ông nói :

"Vừa rồi Quốc hội có ban hành Luật bảo vệ bí mật nhà nước tại kỳ họp VI thông qua ngày 15/11/2018 gồm 5 chương và 28 điều. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Trong đó có một số quy định lập, thẩm định và ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như gia hạn danh sách bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian tính từ độ mật của nhà nước đến hết thời hạn sau đây ví dụ như tuyệt mật là 30 năm, tối mật là 20 năm, và mật là 10 năm. Thời gian bảo vệ bí mật về hoạt động có thể ngắn hơn nếu xác định cụ thể tài liệu đó".

Trong khi đó, với kinh nghiệm hoạt động cho tự do tôn giáo trong nhiều năm, Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện Xã hội của Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất lại đưa ra nguyên nhân mà ông cho rằng chính phủ Hà Nội bổ sung quy định mới cho Quyết định 960 là :

"Theo tôi Quyết định 960 này để răn đe giới đấu tranh tôn giáo. Họ chuẩn bị sẽ có cuộc bố ráp, bắt bớ, đàn áp hay tù đày những nhà vận động hay đấu tranh cho tự do tôn giáo. Bởi vì chế độ độc tài toàn trị căn bản, đối với chủ nghĩa Marx-Lenin thì họ biện chứng duy vật vô thần, họ coi tôn giáo là thuốc phiên nên thường những nước xã hội chủ nghĩa, những nước cộng sản chủ nghĩa không tôn trọng vấn đề tự do tôn giáo tín ngưỡng. Vì vậy những nước này vi phạm về đàn áp tôn giáo tín ngưỡng".

nq4

Hòa Thượng Thích Không Tánh bên đống đổ nát của Chùa Liên Trì Courtesy photo

Vẫn theo Hòa thượng Thích Không Tánh, chính vì những vấn đề như ông vừa nêu mà các chức sắc tôn giáo vì lương tâm và lương tri phải nói lên, vận động đấu tranh để đòi hỏi cho nhà nước, chế độ thật sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng theo các công ước quốc tế mà chính Nhà nước Việt Nam đã ký kết.

Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh cho rằng những vận động, đấu tranh, kêu gọi để cho đất nước được tiến bộ phát triển thì lại bị chính phủ Hà Nội coi đó là sự chống phá, âm mưu lật đổ. Ông nói :

"Cho nên người ta cứ nói thế lực thù địch, tham vọng quyền lực chính trị để kết vô nhưng thực ra theo tôi thì những người tu hành tôn giáo họ bị áp bức, không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, bắt người ta phải nô lệ, biến những người tu hành thành công cụ tuyên truyền những chính sách của chế độ nhà nước. Nếu tu sĩ đó không theo làm công cụ, bình phong cho chế độ thì họ kết vô tội âm mưu lật đổ, chống phá đảng, nhà nước, thế lực thù địch".

Xác nhận thực tế nêu trên, ông Võ Văn Bửu, cựu tù nhân Phật giáo Hòa hảo cho hay :

"Nói tóm lại Nhà nước Việt Nam rất gian xảo, họ bắt tù những tín đồ tôn giáo không bao giờ họ ghép vô vấn đề liên quan tôn giáo mà họ bịa ra những tội không chấp nhận được, chẳng hạn như gây rối trật tự công cộng hay chống người thi hành công vụ. Hai bản án tôi 9 năm trong 2 lần tù thì họ bắt tôi tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng chứ không bao giờ họ ghép vào vấn đề liên quan đến tôn giáo. Thật sự mà nói thì (tôi đã) tổ chức phản đối việc nhà cầm quyền cộng sản họ đàn áp tôn giáo nhưng mà họ muốn né những tội liên quan vấn đề tôn giáo để cho các nước yêu chuộng tự do trên quốc tế không chế tài hay áp đặt họ vi phạm về vấn đề tự do tôn giáo".

Cựu tù nhân tôn giáo Võ Văn Bửu cũng cho rằng chính phủ Hà Nội ngày càng ra nhiều điều luật nhưng chủ yếu có lợi cho phía nhà cầm quyền và ngày càng xâm phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế - USCIRF đã công bố phúc trình thường niên 2020 về tù nhân tôn giáo nói riêng và tình hình tự do tôn giáo nói chung tại Việt Nam trong năm 2019.

Trong phúc trình nêu rõ chính phủ Hà Nội cầm tù hàng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ súy cho tự do tôn giáo.

Bên cạnh đó, USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC, theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.

Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 vừa qua cho hay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng khi tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng được cho ngày càng nghiêm trọng.

***********************

Việc lộ bí mật nhà nước đang diễn ra phổ biến và nghiêm trọng

RFA, 22/09/2020

Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng công tác bảo vệ bí mật nhà nước gặp nhiều khó khăn nên tình trạng vi phạm về bí mật nhà nước diễn ra phổ biến, nghiêm trọng hơn, tạo ra nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị.

nq5

Bộ trưởng Nội vụ lưu ý các văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, nhằm lật đổ chính quyền là bí mật nhà nước độ tuyệt mật (hình minh hoạ) Courtesy of state media -RFA edited

Đó là một trong những điểm đáng lưu ý mà Bộ trưởng Tân đề cập tại Hội nghị triển khai quyết định số 960 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước diễn ra vào ngày 22/9 và được truyền thông Nhà nước loan tin.

Bộ trưởng Tân cũng cho rằng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cách thức thu thập bí mật nhà nước đa dạng do đó mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.

Bên cạnh đó ông cũng lưu ý rằng trước bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và khu vực, bí mật nhà nước Việt Nam là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, tội phạm trong và ngoài nước thường xuyên thu nhập nhằm đả kích, chống phá đảng và Nhà nước Việt Nam.

Do đó, Quyết định 960 nhằm bổ sung quy định "văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia" là bí mật nhà nước độ tuyệt mật.

Liên quan đến việc cố ý làm lộ bí mật nhà nước, cũng trong ngày 22/9, tờ Dân Việt đưa tin, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố bị can, tạm giam ông Vũ Văn Sơn, trú tại TP Hải Phòng để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", qui định tại khoản 1 điều 337 Bộ luật hình sự.

Sự việc gần đây nhất là vụ bắt ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Hà Nội, khiến dư luận khá quan tâm. Ông Chung cùng các thuộc cấp bị khởi tố, tạm giam về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Trong số đó, có một bị can từng làm ở phòng thư ký - biên tập, tổ giúp việc UBND Thành phố Hà Nội ; một bị can là tài xế, đồng thời là chuyên viên phòng này. Bị can còn lại thì từng là cán bộ của C03, Bộ Công an.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn, Nguyễn Cường, RFA tiếng Việt
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)