Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2020

Tập Cận Bình kêu gọi chia sẻ vận mệnh chung ?

Trọng Nghĩa - BBC tiếng Việt

Sau Tân Cương, chính sách cải tạo của Trung Quốc ở Tây Tạng bị vạch trần

Trọng Nghĩa, RFI, 23/09/2020

Tương tự như chính sách đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc cũng đã đưa hàng trăm ngàn người Tây Tạng vào trong những trại cải tạo lao động. Một cuộc điều tra của hãng tin Anh Reuters và một báo cáo của một trung tâm nghiên cứu Mỹ công bố ngày 22/09/2020 đã vạch trần chiến dịch đàn áp nói trên được bao bọc dưới lớp vỏ xóa đói giảm nghèo.

tcb01

Cảnh sát Trung Quốc tuần hành trên đường phố Lhasa, thủ phủ vùng tự trị Tây Tạng.  Reuters/Handout/The International Campaign for Tibet

Trong bài "Trung Quốc thẳng tay mở rộng chương trình chuyển đổi cơ cấu lao động hàng loạt ở Tây Tạng (China sharply expands mass labor program in Tibet)", Reuters nêu bật việc Bắc Kinh đang đẩy mạnh kế hoạch đưa ngày càng nhiều lao động nông thôn người Tây Tạng ra khỏi các vùng đất canh tác để chuyển họ đến các "trung tâm huấn nghệ kiểu quân đội" vừa được xây dựng.

Reuters ghi nhận là với chính sách đó, các nông dân Tây Tạng đã bị biến thành công nhân nhà máy, tương tự như chương trình đã được áp dụng tại vùng Tân Cương, nhắm vào thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, vốn đã bị quốc tế lên án là hành vi cưỡng bức lao động.

Kết luận trên đây đã được Reuters đưa ra sau khi tham khảo hàng trăm bài viết trên báo chí chính thức của Trung Quốc, văn kiện chính sách của các cơ quan chính quyền tại Tây Tạng cũng như các yêu cầu tuyển dụng được ban hành trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.

Nội dung giảng dạy trong các trung tâm huấn nghệ dành cho người Tây Tạng đã được nêu bật trong bài nghiên cứu mang tựa đề "Hệ thống huấn nghệ theo kiểu quân sự áp dụng tại Tân Cương đang được triển khai tại Tây Tạng (Xinjiang’s System of Militarized Vocational Training Comes to Tibet)", đăng trên trang mạng trung tâm nghiên cứu Mỹ Jamestown Foundation.

Tác giả bài viết, chuyên gia người Đức về Tân Cương Adrian Zenz, đã nói đến việc người Tây Tạng đã được dạy về tinh thần "kỷ luât" và "lòng biết ơn" Đảng và Nhà nước Trung Quốc để sửa chữa "tư duy lạc hậu".

Đối với Adrian Zenz, chương trình áp dụng tại Tây Tạng chẳng khác gì điều đã được thấy tại Tân Cương, nơi những người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị tẩy não và bị buộc phải làm việc trên dây chuyền sản xuất của các nhà máy.

15% dân số Tây Tạng đã bị đưa vào các trại huấn nghệ

Dù quy mô chiến dịch tại Tây Tạng không lớn bằng những gì đang diễn ra ở Tân Cương, nhưng theo hai bài nghiên cứu, đã có hàng trăm ngàn người Tây Tạng, tương đương với 15% dân số Tây Tạng, đã bị đưa vào các trại huấn nghệ nói trên. Kế hoạch bắt đầu vào năm 2016 nhưng đã tăng tốc vào năm 2020.

Theo Reuters, trên danh nghĩa, chính sách mà Bắc Kinh tiến hành tại Tây Tạng là nhằm xóa đói giảm nghèo, chuyển lực lượng lao động dư thừa từ vùng nông thôn vào các khu công nghiệp, ở Tây Tạng cũng như những vùng khác đang cần nhân công.

Một thông báo hồi tháng 8 của chính quyền Tây Tạng cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2020, hơn 500.000 người đã được đào tạo theo chương trình huấn nghệ được áp dụng, với gần 50.000 người được bố trí việc làm tại Tây Tạng, hàng ngàn người còn lại được chuyển tới các nơi khác ở Trung Quốc.

Ghi nhận của Reuters là nhiều người phải trở thành công nhân dệt may, xây dựng và nông nghiệp với đồng lương rẻ mạt. Điều đáng nói là cách làm của Trung Quốc rất thô bạo, ép buộc các nông dân hay người chăn nuôi Tây Tạng rời bỏ nông thôn, đưa họ vào các trung tâm huấn luyện khắc nghiệt tương tự như những trung tâm dùng để giam giữ người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ép người Tây Tạng thay đổi phương thức sống

Trả lời hãng Reuters, Adrian Zenz, nhà nghiên cứu độc lập về Tây Tạng và Tân Cương tố cáo : "Đây là cuộc tấn công trực diện, mạnh mẽ và rõ ràng nhất vào truyền thống sinh hoạt của dân Tây Tạng kể từ thời Cách Mạng Văn Hóa".

Đối với ông Zenz : "Đó là hành vi ép buộc thay đổi phương thức sống từ trang trại và du mục sang lao động lãnh lương".

Trả lời Reuters, bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận chuyện lao động cưỡng bức, khẳng định rằng Trung Quốc là đất nước pháp quyền và công nhân tình nguyện làm việc và được trả lương thỏa đáng.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc thì đưa tin chi tiết về chương trình này, mô tả đó là cách xóa đói giảm nghèo cho người Tây Tạng.

Chính sách Tân Cương và Tây Tạng do cùng một người đề xuất

Điểm được Reuters chú ý là một trong những người lập ra kế hoạch ở Tây Tạng, lại chính là Trần Toàn Quốc, người đã thực hiện chính sách đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương từ năm 2016.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1 triệu người ở Tân Cương, đã bị quây bắt và giam giữ trong các trại, đồng thời bị giáo dục tư tưởng. Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại, nhưng sau đó lại biện minh rằng đó là các trung tâm dạy nghề và giáo dục.

Tuy nhiên theo ông Zenz, chương trình và điều kiện ở Tân Cương và Tây Tạng khác nhau.

Mô hình ở Tây Tang có vẻ tự nguyện hơn, và "không có dấu hiệu cho thấy có tình trạng giam cầm không xét xử ở vùng tự trị Tây Tạng".

Cho dù vậy, cũng theo chuyên gia này, trong một chế độ độc đoán như Trung Quốc, thì khó mà xác định ranh giới giữa cưỡng bức và tự nguyện.

Cũng như ở Tân Cương, Tây Tạng đã trở thành mục tiêu của các chính sách hà khắc để "duy trì ổn định", dập tắt "chủ nghĩa ly khai", trong đó có việc thắt chặt kiểm soát hoạt động tôn giáo.

Bắc Kinh bị tố cáo "diệt chủng văn hóa" ở Tây Tạng

Tháng 8 vừa qua, chính chủ tịch Tập Cận Bình đã cho biết là Bắc Kinh sẽ tăng cường các nỗ lực chống chủ nghĩa ly khai ở Tây Tạng, Giới bảo vệ nhân quyền không ngần ngại cáo buộc chính quyền Trung Quốc thực hiện một chính sách "diệt chủng văn hóa".

Chuyên gia Zenz nêu rõ : "Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng chính sách đồng hóa dân tộc ít người, các chính sách này về lâu về dài sẽ làm mất đi di sản ngôn ngữ, văn hóa và tinh thần"..

Điểm chung của các trại "huấn nghệ" ở Tân Cương hay Tây Tạng, theo ông Zenz là chương trình huấn luyện theo kiểu quân sự, thuật ngữ tiếng Hoa "quân lữ thức (junlüshi)" bao gồm giáo dục tinh thần yêu nước và dĩ nhiên là dạy tiếng Hoa.

Phát hiện của giới nghiên cứu cho thấy là Trung Quốc đang đẩy mạnh cuộc chiến đồng hóa ngôn ngữ, văn hóa, áp đặt những chính sách sẽ xóa đi di sản các nhóm chủng tộc khác như Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và trong một tương lai gần là sắc dân Mông Cổ ở vùng Nội Mông.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 23/09/2020

*******************

Tập Cận Bình dùng 'viễn kiến quan hệ Trung – Việt' cho cả thế giới ?

BBC, 23 tháng 9 2020

Phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc qua mạng trực tuyến hôm 22/09/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình dùng khái niệm 'vận mệnh chung' để đề xuất vai trò lãnh đạo thế giới cho Trung Quốc.

tcb02

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015

Ngay lập tức, các báo Phương Tây đã cho rằng đây là 'viễn kiến' nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa tung ra nhằm đối chọi chủ thuyết 'cô lập, đối đầu' của Tổng thống Mỹ, Donald Trump.

Với người Việt Nam, khái niệm 'common shared destiny' (vận mệnh cùng chia sẻ) mà ông Tập nêu ra nghe rất quen.

Vì trong quan hệ Trung - Việt, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói về 'vận mệnh chung' của hai quốc gia, gây ra nhiều bình luận khác nhau.

Nhưng trước hết, ta hãy xem ông Tập nói gì tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc vừa qua.

Không chỉ đề cao hòa bình, phát triển, ông còn nhấn mạnh đến dân chủ, tự do, công lý :

"Chúng ta hãy chung tay gìn giữ, củng cố các giá trị hòa bình, phát triển, bình đẳng, công lý, dân chủ và tự do vốn được chia sẻ bởi tất cả chúng ta, nhằm xây dựng một dạng quan hệ quốc tế mới, vì một cộng đồng chia sẻ tương lai chung của nhân loại. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một thế giới tốt hơn cho tất cả".

Theo một đánh giá của Shannon Tiezzi trên trang The Diplomat (23/09), khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai, hoặc 'chia sẻ vận mệnh chung' (community of common destiny) mà Trung Quốc nêu ra luôn có hàm chứa lời đả phá hệ thống liên minh của Hoa Kỳ.

Nhưng quan sát kỹ thì đây không phải là viễn kiến gì mới, và chắc chắn không phải là tác phẩm lý luận của Chủ tịch Tập.

Các văn bản tiếng Trung đã nói nhiều về khái niệm 'Nhân loại mệnh vận cộng đồng thể' (类命运共同体) từ nhiều năm qua.

Không có gì mới ?

Trên thực tế, theo đánh giá của Richard Rigby và Brendan Taylor trong một nghiên cứu về ngoại giao Trung Quốc, phát biểu về 'vận mệnh chung' không đến từ miệng nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, mà lần đầu do Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào nêu ra năm 2005.

Thậm chí có người còn cho rằng ý tưởng này đến từ viễn kiến của lãnh đạo Úc trước đó nói về nhu cầu kiến thiết 'cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương hài hòa, ổn định'.

Còn tại Trung Quốc, vào năm 1991, ngay khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ở hội nghị Thành Đô, lãnh đạo Trung Quốc khi đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã nói về 16 chữ vàng gồm một câu về 'vận mệnh tương quan'.

"Sơn thủy tương liên,

Lý tưởng tương thông,

Văn hóa tương đồng".

tcb03

Đoàn đại biểu Tân Cương ở Bắc Kinh, ảnh tư liệu 2014

"Vận mệnh tương quan"

Những người chỉ trích hai đảng cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc thường cho rằng các cụm từ trên mang tính "bùa chú" đảm bảo cho hai đảng này cầm quyền bằng một liên minh nào đó.

Nhưng thực ra, công thức nêu ra sự 'chia sẻ vận mệnh' đã được Trung Quốc áp dụng với tất cả các láng giềng.

Theo một nghiên cứu của Trương Đăng An (Zhang Dengan) thì ban đầu, việc nêu ra 'vận mệnh chung' được Trung Quốc "đề xuất với các láng giềng nhằm hàn gắn quan hệ bị căng thẳng bởi các tranh chấp lãnh thổ".

Chỉ sang thế kỷ 21, khái niệm nói trên "mới trở thành một phần của chiến lược lâu dài của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế".

Tác giả Trương Đăng An, người Trung Quốc, cũng nhận định rằng khái niệm 'vận mệnh chung' được đề cao nhằm "tận dụng cơ hội hòa bình trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21" mà Trung Quốc rất cần, để phát triển tối đa.

Theo ông, quốc tế khó chấp nhận khái niệm này vì nó chưa đủ tính minh bạch, sự cam kết và hành động cụ thể từ chính quyền Trung Quốc.

Vào thời điểm hiện nay, phát biểu của Chủ tịch Tập tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm nay (qua video) lại bị cho là lời đả phá ngấm ngầm nhằm vào khẩu hiệu 'Hoa Kỳ trên hết' của Tổng thống Donald Trump.

Năm 2018, ông Tập nói y nguyên như thế về quan hệ với Nhật Bản và các nước Đông Bắc Á, và sang thăm Moscow năm 2020, ông cũng nhắc lại thuyết 'vận mệnh chung' với Nga và rộng ra là cả nhân loại.

Tuy vậy, cần phải nói rằng ông Tập Cận Bình đã diễn giải mở rộng định nghĩa 'cộng đồng chung vận mệnh'.

Hồi năm 2015, nó mới chỉ có năm thành tố gồm 'đối tác chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, trao đổi văn hóa, và bảo vệ môi trường'.

Nay, việc chia sẻ vận mệnh chung khiến nhân loại cần tập trung vào 'toàn cầu hóa, chống biến đổi khí hậu, và củng cố cải thiện quản trị tầm toàn cầu' (global governance reform).

Khẳng định Trung Quốc "không bao giờ làm bá chủ" và "không có ý định mở cuộc Chiến tranh Lạnh hay chiến tranh Nóng với bất cứ nước nào", chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết sẽ dẫn dắt cuộc chiến chống Covid-19.

Các liều vaccine mà Trung Quốc đang chế tạo, thử nghiệm, sẽ được ưu tiên cho các nước đang phát triển, ông nói.

Nguồn : BBC, 23/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, BBC tiếng Việt
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)