Lấy Đảng để ‘trị’ đại học Tôn Đức Thắng
Trân Văn, VOA, 25/09/2020
Câu chuyện Đại học Tôn Đức Thắng (Ton Duc Thang University) đang râm ran cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức là một trong những ví dụ rõ ràng về chuyện xài… đảng để tranh quyền, đoạt lợi !
Đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh báo Lao Động
***
Đại học Tôn Đức Thắng vốn là đại học tư (dân lập), thành lập năm 1997. Ở một xã hội mà "định hướng xã hội chủ nghĩa" chi phối cả giáo dục, để phát triển, Đại học Tôn Đức Thắng xin chuyển thành đại học bán công vào năm 2003 và đến 2008, Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục xin chuyển đổi thêm một lần nữa thành đại học công lập nhưng hoạt động bằng vốn riêng, không nhận tiền từ công quỹ. Kể từ đó, cơ quan thay mặt hệ thống công quyền giám sát hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng không còn là UBND Thành phố Hồ Chí Minh nữa mà là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Sau 23 năm, Đại học Tôn Đức Thắng hiện có hơn 30 khoa đào tạo nhiều ngành khác nhau trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Ngoài hai cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng còn có ba cơ sở đào tạo ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau. Đại học Tôn Đức Thắng cũng là một trong vài đại học được một số đại học, tổ chức ngoại quốc chọn làm đối tác để gửi sinh viên đến Đại học Tôn Đức Thắng học, nghiên cứu trong một số ngành, một số lĩnh vực như : CSUMB (một đại học công lập ở Monterey Bay, California), chương trình Fulbright của chính phủ Mỹ,…
Nhìn một cách tổng quát, Đại học Tôn Đức Thắng là một trong số không nhiều các đại học tại Việt Nam đạt được một số thành quả được xem là đáng khích lệ đối với đào tạo đại học và sau đại học. Chẳng hạn được HCERES (Hội đồng Thẩm định về Đào tạo và Nghiên cứu của các đại học) công nhận là đạt chuẩn chung của các đại học Pháp và Châu Âu. Năm ngoái, Đại học Tôn Đức Thắng được URAP (một tổ chức chuyên thẩm định, xác định thứ hạng các đại học trên thế giới) xếp hạng 960/2.500 đại học (1)...
Giữa lúc Đại học Tôn Đức Thắng đang tiếp tục sải những bước dài hơn, mạnh mẽ hơn trên con đường đào tạo thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xuất hiện ở giữa đường trong vai… cơ quan chủ quản. Giữa năm ngoái, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cáo buộc lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng… chống đối cơ quan chủ quản, ngăn cản việc kiểm tra, kiểm toán Đại học Tôn Đức Thắng. Đại học Tôn Đức Thắng phản biện, không đồng tình với yêu cầu phải trích nộp 30% lợi nhuận cho… cơ quan chủ quản, đồng thời đưa ra nhiều chứng cứ, chứng minh Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vu cáo, bôi nhọ Đại học Tôn Đức Thắng (2).
Tranh cãi giữa Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được bày ra trên nhiều cơ quan truyền thông chính thống (3) và không có cá nhân hay cơ quan hữu trách nào phân xử trừ… tổ chức đảng. Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam công bố quyết định "tạm đình chỉ công tác của ông Lê Vinh Danh (Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng) trong 90 ngày để kiểm điểm về mặt chính quyền" do Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kết luận là "ông Danh có vi phạm, khuyết điểm" (4).
Đến cuối tuần trước, Ủy ban Kiểm tra của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh loan báo, ông Lê Vinh Danh đã bịBan Thường vụ Đảng ủy của Khối Đại học, Cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật bằng hình thức tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng.Tổ chức đảng này còn "khiển trách" bốn Ủy viên của Đảng ủy Đại học Tôn Đức Thắng, trong đó có cả Phó Bí thư, một Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, đồng thời "cảnh cáo tập thể Đảng ủy Đại học Tôn Đức Thắng" ! Tất cả những đảng viên và Đảng ủy Đại học Tôn Đức Thắng bị kỷ luật đều vì đã hoặc để xảy ra tình trạngphát biểu không đúng, thiếu chuẩn mực, phản đối, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (5). Nói cách khác, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã rút… Đảng ra… "chơi", đốn hạ những cá nhân toan dùng "tự chủ" để chống mình !
***
Dẫu hệ thống truyền thông chính thức đã im hơi lặng tiếng, thôi bênh vực cho Đại học Tôn Đức Thắng sau khi Đảng tham gia "lập lại trật tự" ở Đại học Tôn Đức Thắng nhưng vẫn còn rất nhiều người tham gia luận bàn về sự kiện Đại học Tôn Đức Thắng trên mạng xã hội.
Trần Nhật Bình là một trong những người như thế. Tuy chỉ thường xuyên đi ngang và vào trong khuôn viên cơ sở Đại học Tôn Đức Thắng ở quận 7 Thành phố Hồ Chí Minh một lần nhưng Bình khẳng định :Ở Việt Nam chưa có đại học công lập nào đẹp và thơ như thế. Thùy Nguyễn – một người bạn của Bình – góp thêm :Cơ sở của Đại học Tôn Đức Thắng ở Khánh Hòa cũng đẹp mê hồn… Đó là lý do khiến Bình than :Sự kiện Đại học Tôn Đức Thắng chứng minh thêm, ở Việt Nam càng làm càng sai, làm tốt cũng chết, làm xấu cũng chết, chỉ ngồi chơi, cà lơ phất phơ và lãnh lương là ổn. Thật đúng với câu "ngồi mát ăn bát vàng"… Bình Yên – một người bạn của Bình – bình :Làm cho lắm rồi cũng lâm vào cảnh "cốc mò, cò xơi" (6).
Từ ý kiến của Trịnh Việt Đông : Tôn Đức Thắng là đại học duy nhất ở Việt Nam mà mình muốn cho con vào học, cho đến khi Hiệu trưởng bị kỷ luật ! – Lê Đức Dục kể thêm :Sau khi tìm hiểu về Đại học Tôn Đức Thắng, về ông Hiệu trưởng Lê Vinh Danh mình lại nhớ nỗi oan của ông Bí thư khoán hộ Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc của thập niên 1960 và xa hơn, có bóng dáng như thời cải cách ruộng đất ! Và rồi sao nữa ? Tiếp theo là mô hình nào nữa ? "Cắt phế" cho chủ quản là câu chuyện quá ư phổ biến ở xứ sở này ! Ai bảo anh dám chống lại việc ấy ? Đã có rất nhiều người than như Nguyễn Danh – một người bạn của Dục :Tiếc quá ! Tiếc hơn nữa là không ai có thể bảo vệ cho thầy Danh (7).
Sau khi điểm lại những sự kiện chính liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Đại học Tôn Đức Thắng, vốn là tâm huyết, công sức của nhiều cá nhân, nhiều thế hệ, kể cả những người từng là viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, nhằm có một "mô hình đại học" mới theo hướng "tự chủ", Trương Huy San "trách" ông Lê Vinh Danhchỉ nghĩ đến việc phục vụ trọn đời cho Đại học Tôn Đức Thắng,thậm chí bỏ cả lợi ích từ "cổ phần", chủ động xin chuyển Đại học Tôn Đức Thắng thành công lập để Đại học Tôn Đức Thắng có thêm điều kiện phát triển mà… không chuẩn bị kế hoạch cho mình hạ cánh. Theo Trương Huy San, ông Danh đáng trách vì không… thức thời, không nhận ra rằng, bên cạnh những lãnh đạo nhiệt thành, có hiểu biết từng sát cánh với ông, nay đã nghỉ hưu, có những lãnh đạo thực dụng, khi Đại học Tôn Đức Thắng lớn mạnh sẽ nhìn thấy ở đó những mối lợi mà người ta muốn ông chia sẻ !
Trương Huy San tâm sự :Tôi rất muốn những người như ông Lê Vinh Danh được vinh danh vì sự vinh danh ấy khẳng định tính đúng đắn khi trao thêm quyền tự chủ cho đại học nhưng quản trị một định chế công, cho dù quyền tự chủ có đến đâu, cũng không ai dám khẳng định là không sai. Khi muốn tôn vinh người ta chỉ nói tới công nhưng khi muốn trảm thì công chỉ là tình tiết để người ta giảm nhẹ nếu muốn giảm nhẹ. Rất tiếc là bên cạnh ông hình như chỉ có những người nói đến công mà không có ai giúp ông nhận ra những "lỗ chân trâu". Lẽ ra, một người như ông thì phải hiểu cách vận hành của thế chế. Sự tung hô của mạng xã hội và ngay cả báo chí cũng như con dao hai lưỡi. Có thể sinh viên, giảng viên kính trọng và cần ông nhưng phản ứng tập thể rất có thể đẩy ông vào tình huống bị truất hoàn toàn quyền "an toàn hạ cánh" (8).
***
Đầu tháng này, Kiểm toán Nhà nước đưa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ra cho công chúng "mổ" bằngBáo cáo Kiểm toán về việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản,theo đó, hệ thống chuyên… bảo vệ quyền lợi, chăm sóc cho người lao động tại Việt Nam chỉ nuốt vào chứ không nhả ra, cho nên đến giờ, tổng số tiền mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã… tích lũy được từ việc dùng luật, buộc doanh giới và người lao động đóng góp, cũng như tổ chức các chương trình vận động xã hội hỗ trợ người lao động - lên tới gần… 29.000 tỉ đồng !
Do… dư giả vì hạn chế… chi, nhiều cơ quan thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đem nguồn tiền lẽ ra phải dùng vào việc chăm sóc, hỗ trợ người lao động để… mua cổ phần, góp vốn, cho vayvà những hoạt động sử dụng tiền của bá tánh này đều… chưa rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt là dochưa quy định về thời hạn trả nợ, chưa đặt điều kiện ràng buộc về trách nhiệm trả nợ, cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay nên… khó có khả năng thu hồi vốn (9) !
Đến cuối tháng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiếp tục bị công chúng "mổ" vì cách hành xử với Đại học Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên "mổ" kiểu nào và có phát giác bên trong bầy hầy ra sao thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn là một thành tố quan trọng của hệ thống chính trị tại Việt Nam, giúp Đảng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối ở Việt Nam, thành ra xung đột giữa Đại học Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải kết thúc như vừa thấy !
Đâu phải tự nhiên mà việc… dọn dẹp Đại học Tôn Đức Thắng do các cơ quan… kiểm tra của đảng thực hiện. Đâm bằng… Đảng thì khỏi cứu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/09/2020
Chú thích
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Tôn_Đức_Thắng_University#cite_note-4
(3) http://congan.com.vn/tin-chinh/to-qua-lai-giua-dh-ton-duc-thang-va-tong-ldld-viet-nam_75602.html
(6) https://www.facebook.com/tran.n.binh/posts/10224060370398553
(7) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10216601679811568
(8) https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/3211733215528504
(9) https://baodautu.vn/kiem-toan-tai-chinh-cong-doan-tren-lenh-lang-duoi-kho-han-d129060.html
**********************
Giảng viên Trường đại học Tôn Đức Thắng bị công an 'mời làm việc'
Trần Huỳnh – Tâm An, 25/09/2020
Đại diện Trường đại học Tôn Đức Thắng xác nhận một giảng viên khoa khoa học thể thao của trường đã bị công an mời làm việc từ tối 23/9 đến nay vẫn chưa về nhà và không đến trường.
Tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý - Ảnh : C.T.V
Sáng 25/9, đại diện Trường đại học Tôn Đức Thắng xác nhận với Tuổi Trẻ Online việc tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý - giảng viên khoa khoa học thể thao của trường đã bị công an mời làm việc.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, tối 23/9, khi ông Phạm Đình Quý đang đi ăn cùng vợ thì có cán bộ công an đến gặp và yêu cầu "mời phối hợp cung cấp thông tin". Công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Sau đó, ông Quý được đưa đến cơ quan công an Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.
Trước đó, tối 24/9, trên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin : "Tối 23/9, Công an Đắk Lắk đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý - giảng viên khoa khoa học thể thao Trường đại học Tôn Đức Thắng".
"Tối 24/9, thấy trên mạng xã hội đưa tin giảng viên Phạm Đình Quý bị bắt, trường mới hay tin vì trước đó nhà trường hoàn toàn không có thông tin nào liên quan đến việc này. Đại diện gia đình của giảng viên Phạm Đình Quý cũng đã đến liên hệ với nhà trường để hỏi thông tin. Chúng tôi đã trả lời đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa chính thức làm việc với trường về việc này", đại diện nhà trường cho biết thêm.
Trong khi đó, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online tại Đắk Lắk cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã mời ông Quý lên làm việc.
"Hiện hay tỉnh phải có văn bản để công an tỉnh xác định đơn vị này không bắt ông Phạm Đình Quý. Từ đó địa phương mới có văn bản gửi Sở Thông tin - truyền thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh xử lý những người đưa thông tin không chính xác về việc bắt ông Quý. Việc thực hiện bắt tạm giam một người phải theo đúng trình tự thủ tục quy định, ở đây chỉ mới mời làm việc thôi", nguồn tin cho hay.
Tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý quê Bình Thuận, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống võ thuật ở Bình Thuận. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng võ thuật các cấp, trong đó đoạt huy chương vàng hạng cân 51kg giải vô địch toàn quốc năm 2004 tại Tây Ninh.
Tháng 9/2007, ông trở thành giảng viên Trường đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2010, ông bảo vệ thành công chương trình thạc sĩ thể thao tại Đài Loan. Năm 2015, ông bảo vệ thành công chương trình tiến sĩ thể thao tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Tháng 4/2019, ông Quý chuyển sang công tác tại khoa khoa học thể thao Trường đại học Tôn Đức Thắng. Ông đã tham gia giảng dạy và huấn luyện đội võ cổ truyền và muay của trường.
Trần Huỳnh – Tâm An
Nguồn : Tuổi Trẻ Online,
**********************
Tổng Liên đoàn lao động nói lãnh đạo Đại học Tôn Đức Thắng nhiều lần chống lệnh
Đức Bình, Tuổi Trẻ Online, 10/06/2019
"Hoàn toàn không có việc Tổng liên đoàn Lao động yêu cầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải nộp 30% kết quả tài chính sau thuế để xây dựng thiết chế công đoàn".
Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (đứng) chủ trì buổi gặp gỡ báo chí chiều muộn ngày 10/6 - Ảnh : Đ.BÌNH
Cả bốn phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) khi trao đổi với báo chí chiều 10/6 đều khẳng định điều này.
Trước những thông tin liên quan giữa Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, sáng 10/6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ không 'đôi co' nói đi nói lại nữa. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ có báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban bí thư để xin ý kiến và khi đó đúng sai, trắng đen thế nào sẽ rõ".
Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại đồng ý tổ chức gặp gỡ hơn chục cơ quan báo chí để thông tin, nói rõ một số vấn đề.
"Quan điểm chúng tôi là không nói đi nói lại. Tuy nhiên sau khi có ý kiến của cấp trên rằng cần phải nói để ổn định tình hình, dư luận xã hội, nhất là trong giới sinh viên của trường. Đặc biệt đã có các trang mạng, tổ chức phản động lợi dụng việc này để nói xấu nên cấp trên yêu cầu chúng tôi phải lên tiếng" - ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, giải thích với Tuổi Trẻ Online về lý do buổi làm việc đột xuất với một số phóng viên các báo.
Phó chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (đứng) cùng phó chủ tịch Ngọ Duy Hiểu tại buổi gặp gỡ báo chí chiều muộn ngày 10/6 - Ảnh : Đ. BÌNH
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa thu một đồng nào từ Đại học Tôn Đức Thắng
Cả ông Ngọ Duy Hiểu và người đồng cấp Phan Văn Anh đều khẳng định : "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa thu một đồng nào từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Chúng tôi cũng không hề có văn bản nào đòi tiền cả".
Theo phó chủ tịch Phan Văn Anh, năm 2017, đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động tiến hành kiểm tra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Ban đầu nhà trường phản đối, không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó, đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật, trường mới đồng ý cho kiểm tra.
Nhưng khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, trường tiếp tục phản đối cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường.
Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra có kiến nghị : "Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hằng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam theo quy định".
Theo nội dung quy định 1684 năm 2006 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì "đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định".
Kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được thường trực và đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phê chuẩn và triển khai. Vì lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng ngoài quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trường còn thực hiện theo quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, nên đến giờ này Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chưa thu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng một đồng nào.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh (đứng) cho biết chưa thu một đồng nào từ Đại học Tôn Đức Thắng - Ảnh : Đ.BÌNH
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho Đại học Tôn Đức Thắng
Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu đặt vấn đề : "Tài sản mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng có được như hôm nay là từ đâu ?", và khẳng định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng cho trường.
Theo ông Hiểu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được hình thành từ chủ trương của Tổng Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1997. Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỉ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức công đoàn.
Ngoài tài sản là đất đai được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giao cho trường thì cơ quan này còn cấp thẳng kinh phí, cho vay hoặc đề nghị các cơ quan chức năng cấp đất cho trường… "Tất cả các khoản như vậy nói khiêm tốn cũng hàng ngàn tỉ đồng" - ông Hiểu nhấn mạnh.
"Ngay từ ban đầu đến nay, các thế hệ lãnh đạo cán bộ công đoàn đều quan tâm chăm sóc ; Đảng, Nhà nước tạo cơ chế ; cùng với đóng góp rất lớn của các thế hệ thầy và trò thì trường mới có điều kiện phát triển như hôm nay. Chúng tôi luôn tôn trọng và trân quý sự phát triển của trường, không can thiệp vào những thẩm quyền của trường" - ông Hiểu nhấn mạnh.
Ông Hiểu cho biết việc cơ quan này có công văn xin ý kiến Bộ Giáo dục và đào tạo là hết sức bình thường và hợp lý, bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đào tạo Đại học sẽ có hiệu lực từ 1/7/2019 nên sẽ có những nội dung liên quan đến tổ chức, nhân sự.
Thêm vào đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nhận phản ánh việc công nhận chức danh giáo sư của hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng không hợp lệ, bởi trường này không được công nhận ở Mỹ, mà chức danh giáo sư của ông hiệu trưởng này cũng chưa được Hội đồng chức danh giáo sư Việt Nam thông qua.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu tại buổi trao đổi với báo chí chiều 10/6 - Ảnh : Đ. BÌNH
Hội đồng Đại học Tôn Đức Thắng nhiều lần "chống lệnh" ?
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng rất hay "chống lệnh" và có những biểu hiện "lạm quyền".
Việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có công văn hỏi ý kiến Bộ Giáo dục và đào tạo và sau đó có công văn gửi hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng và ban giám hiệu trường này là việc bình thường, đúng quy trình. Thế nhưng trường lại có văn bản trả lời rằng công văn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam "không có giá trị".
Thậm chí từ nhiều năm trước, trường nhiều lần phản ứng với Tổng liên đoàn, Kiểm toán Nhà nước, không đồng ý kiểm tra, kiểm toán đơn vị này vì cho rằng "Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập, tự chủ hoàn toàn về tài chính, không nhận ngân sách nhà nước kể từ khi thành lập đến nay, do đó nhà trường không rõ Kiểm toán Nhà nước căn cứ trên cơ sở văn bản pháp lý nào để tiến hành kiểm toán nhà trường".
Giữa năm 2018, khi đoàn Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội vào khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tự chủ Đại học thì trường cũng phản ứng.
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, có những lần cơ quan này mời 3-4 lần những lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng ra Hà Nội họp về những việc liên quan đến trường, nhưng hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường không ra họp.
Gần nhất, khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận công văn (ngày 14/5) về việc mời chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cũng là chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng họp bất thường vào ngày 24/5, nhưng do chủ tịch Cường bận công tác nước ngoài cùng Thủ tướng từ ngày 20 đến 29/5 nên chủ tịch hội đồng Bùi Văn Cường đề nghị lùi ngày họp sau 29/5.
Ông Cường đã nhắc những nội dung dự kiến bàn thảo tại cuộc họp hết sức quan trọng nên cần có sự tham dự của đông đủ thành viên hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường.
Tuy nhiên khi chủ tịch Cường đi công tác thì hội đồng trường vẫn họp vào ngày 24/5.
Đức Bình
Nguồn : Tuổi Trẻ Online, 10/06/2019