Úc phát hiện 380 trại giam ở Tân Cương
Rod McGuirk, VNTB, 26/09/2020
Một tổ chức nghiên cứu của Úc đã phát hiện ra rằng Trung Quốc dường như đang mở rộng mạng lưới các trung tâm giam giữ bí mật ở Tân Cương, chủ yếu nhắm tới người thiểu số Hồi giáo trong chiến dịch đồng hóa cưỡng bức và nhiều cơ sở giống như nhà tù.
Một tháp canh và hàng rào dây thép gai được nhìn thấy xung quanh một cơ sở trong Khu công nghiệp Côn Sơn ở Artux, miền Tây Tân Cương của Trung Quốc, vào ngày 3 tháng 12 năm 2018. (Ng Han Guan / Ảnh AP)
Viện Chính sách Chiến lược Australia đã sử dụng hình ảnh vệ tinh và các tài liệu thầu xây dựng chính thức để lập bản đồ hơn 380 trại giam giữ được cho là ở khu vực Tây Bắc, thấy rõ các trại tạm giam, trại tạm giam và nhà tù đã được xây mới hoặc mở rộng kể từ năm 2017.
Báo cáo dựa trên bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thay đổi chính sách từ giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác trong các tòa nhà công cộng tạm bợ sang xây dựng các cơ sở giam giữ hàng loạt cố định.
Điều này xảy ra bất chấp việc hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin vào cuối năm ngoái rằng "các học viên" tham gia "các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề" nhằm xóa bỏ những suy nghĩ cực đoan và "tất cả đều đã tốt nghiệp".
Chủ tịch chính quyền khu vực Shohrat Zakir nói rằng báo chí nước ngoài đưa tin về 1 triệu hoặc 2 triệu người tại các trung tâm này là bịa đặt, mặc dù ông không cung cấp bất kỳ số liệu nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin hôm thứ Sáu đã bác bỏ báo cáo này là "thông tin sai lệch và hoàn toàn vu khống", nói rằng viện nghiên cứu của Úc "không có uy tín về học thuật". Ông Wang nói với các phóng viên tại một cuộc họp giao ban hàng ngày, Trung Quốc không có "cái gọi là trại tạm giam" ở Tân Cương.
Trích dẫn các bài báo phương tiện truyền thông và các cuộc điều tra của người dùng internet, ông Wang cho biết một trong những địa điểm trong báo cáo đã được xác định là một khu sản xuất hàng điện tử và một địa điểm khác là một khu dân cư phức hợp năm sao.
"Vì vậy, chúng tôi cũng hy vọng rằng mọi người có thể phân biệt thật giả và cùng nhau chống lại những điều vô lý như vậy do các tổ chức chống Trung Quốc tạo ra", ông Wang nói.
Chủ yếu người thiểu số theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương đã bị nhốt trong các trại trong chiến dịch đồng hóa của chính phủ nhằm đối phó với các cuộc đấu tranh bạo lực chống lại sự cai trị của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Mặc dù các quan chức mô tả các trại này là các cơ sở "trường nội trú" nhằm đào tạo nghề miễn phí, những người bị giam giữ trước đây nói rằng họ phải sống trong những điều kiện tàn bạo, bị giáo huấn chính trị, bị đánh đập và đôi khi bị tra tấn về tâm lý và thể chất.
Theo một cuộc điều tra của Associated Press, nhà nước đã buộc người Duy Ngô Nhĩ phải triệt sản và phá thai, và trong những tháng gần đây, họ đã ra lệnh cho họ uống các loại thuốc bắc để phòng ngừa virus corona.
Nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Nathan Ruser, đã viết trong báo cáo được công bố vào cuối ngày thứ Năm, "Có các bằng chứng cho thấy nhiều người bị giam giữ trái pháp luật trong mạng lưới ‘cải tạo’ rộng lớn ở Tân Cương hiện đang bị buộc tội chính thức và bị nhốt trong các cơ sở được canh giữ nghiêm ngặt, bao gồm cả những nhà tù mới được xây dựng hoặc mở rộng, hoặc bị đưa đến các khu nhà máy có tường bao quanh để cưỡng chế lao động".
Báo cáo cho biết, ít nhất 61 khu giam giữ đã được xây mới và mở rộng trong năm tính đến tháng 7 năm 2020. Trong số này có ít nhất 14 cơ sở vẫn đang được xây dựng trong năm nay.
"Trong số này, khoảng 50% là các cơ sở được canh giữ nghiêm ngặt, điều này có thể gợi ý sự thay đổi cách sử dụng từ các ‘trung tâm cải tạo’ có mức độ an ninh thấp hơn sang các cơ sở kiểu nhà tù an ninh cao hơn", ông Ruser viết.
Báo cáo cho biết, ít nhất 70 cơ sở dường như được canh giữ ít nghiêm ngặt hơn khi hàng rào bên trong hoặc các bức tường bao quanh được dỡ bỏ.
Trong số này có tám trại có dấu hiệu ngừng hoạt động và có thể đã bị đóng cửa. Trong số các trại bị bỏ cơ sở hạ tầng an ninh, 90% là các cơ sở không bị canh gác nghiêm ngặt, báo cáo cho biết.
Các phát hiện của trung tâm nghiên cứu này phù hợp với các cuộc phỏng vấn của AP với hàng chục người thân và những người từng bị giam giữ cho thấy nhiều người trong trại đã bị kết án trong các phiên tòa xét xử bí mật, ngoài hệ thống tư pháp và bị chuyển đến các nhà tù an ninh cao vì những thứ như tiếp xúc với người nước ngoài, có quá nhiều con, và nghiên cứu Hồi giáo. Nhiều người khác được coi là ít rủi ro hơn, như phụ nữ hoặc người già, đã bị chuyển sang hình thức quản thúc tại gia hoặc lao động cưỡng bức trong các nhà máy.
Rod McGuirk
Nguyên tác : Australian Think Tank Finds 380 Detention Camps in Xinjiang, The Epoch Times, 25/09/2020
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 27/09/2020
********************
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc phá hủy đền thờ Hồi giáo
Minh Anh, RFI, 26/09/2020
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/09/2020 mạnh mẽ khẳng định tại Tân Cương vẫn còn hơn 24.000 đền thờ Hồi giáo, trái với những cáo buộc từ một nhóm cố vấn Úc cho rằng Bắc Kinh đã phá hủy hàng ngàn đền thờ Hồi giáo ở Tân Cương.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), gọi những cáo buộc từ nhóm chuyên gia Úc là "những tin đồn vu khống" và cho rằng Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã nhận quỹ tài trợ nước ngoài để "củng cố những lời bịa đặt dối trá chống lại Trung Quốc".
Ông Uông khẳng định "tại Tân Cương vẫn còn hơn 24.000 đền thờ, nhiều hơn gấp 10 lần tại Mỹ" và "điều đó có nghĩa là tại Tân Cương cứ có 530 người là có một đền thờ Hồi giáo, số đền thờ tính theo đầu người cao hơn tại nhiều nước khác".
Reuters nhắc lại hôm thứ Năm 24/09/2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố một báo cáo ước tính có khoảng 16.000 đền thờ Hồi giáo tại Tân Cương bị phá hủy hay hư hại do những chính sách chính phủ Trung Quốc đưa ra chủ yếu kể từ năm 2017.
Báo cáo của ASPI cho rằng chính phủ Trung Quốc gia tăng các nỗ lực nhằm làm biến đổi hay xóa bỏ đời sống văn hóa - xã hội của người Duy Ngô Nhĩ, chẳng hạn về ngôn ngữ, âm nhạc, cách thức xây dựng nhà cửa và thậm chí cả trong ẩm thực.
Trung Quốc thời gian gần đây liên tục bị tố cáo đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ, bị cáo buộc lạm dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương hay giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong nhiều trại mà Trung Quốc gọi là "trung tâm đào tạo nghề".
Minh Anh
********************
Bộ ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc phá hủy nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương
VOA, 27/09/2020
Bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố từ một viện nghiên cứu của Úc rằng hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo trong vùng Tân Cương ở miền tây Trung Quốc đã bị phá hủy, và nói có hơn 24.000 nhà thờ Hồi giáo ở đó, "nhiều nhà thờ Hồi giáo theo bình quân đầu người hơn nhiều nước Hồi giáo".
Một đền thờ Hồi giáo ở Tân Cương - Ảnh minh họa
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) công bố một báo cáo hôm thứ Năm ước tính rằng khoảng 16.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương đã bị phá hủy hoặc làm hư hại do các chính sách của chính phủ, chủ yếu kể từ năm 2017.
Ước tính được đưa ra dựa trên hình ảnh vệ tinh và dựa trên một tập hợp gồm 900 địa điểm tôn giáo trước năm 2017, bao gồm các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ và các địa điểm linh thiêng.
"Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch có hệ thống và có chủ đích để viết lại di sản văn hóa của Khu tự trị Uighur Tân Cương... nhằm làm cho những truyền thống văn hóa bản địa đó phải khuất phục ‘quốc gia Trung Hoa,’" báo cáo của ASPI nói.
"Cùng với những nỗ lực cưỡng chế khác nhằm tái thiết đời sống xã hội và văn hóa của người Uighur bằng cách biến đổi hoặc loại bỏ ngôn ngữ, âm nhạc, nhà cửa và thậm chí đồ ăn thức uống của người Uighur, các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đang tích cực xóa bỏ và thay đổi các yếu tố chính yếu trong di sản văn hóa vật thể của họ".
Đáp lại báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gọi báo cáo "không có gì ngoài những tin đồn vu khống" trong cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu và nói ASPI nhận ngân quỹ của nước ngoài để "hỗ trợ cho họ thêu dệt những lời dối trá chống lại Trung Quốc".
"Chúng ta nhìn vào các con số, có hơn 24.000 nhà thờ Hồi giáo ở Tân Cương, hơn gấp 10 lần so với ở Mỹ", ông Uông nói. "Điều đó có nghĩa là cứ 530 người Hồi giáo ở Tân Cương thì có một nhà thờ Hồi giáo, tức là có nhiều nhà thờ Hồi giáo theo bình quân đầu người hơn nhiều nước Hồi giáo".
Trung Quốc đã bị săm soi về cách nước này đối xử với người Hồi giáo Uighur và những tuyên bố về những vụ việc bị cho là lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi mà Liên Hiệp Quốc trích dẫn các báo cáo đáng tin cậy cho biết một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại đã bị bắt phải làm việc.
Trung Quốc phủ nhận ngược đãi người Uighur và nói rằng các trại này là các trung tâm đào tạo nghề cần thiết để ứng phó với chủ nghĩa cực đoan.
Theo Reuters
********************
Viện nghiên cứu Úc : Bắc Kinh phát triển hệ thống trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương
RFI, 24/09/2020
Thêm bằng chứng về hệ thống trại giam khổng lồ tại vùng Tân Cương, Trung Quốc. Hôm 24/09/2020, một viện nghiên cứu tại Úc công bố một điều tra, dựa trên hình ảnh vệ tinh và nhiều nguồn thông tin khác, khẳng định có thể có hơn 380 cơ sở được sử dụng làm nơi giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, và hàng chục cơ sở đang được tiếp tục xây dựng từ hơn một năm trở lại đây. Kết quả điều tra của Viện nghiên cứu Úc có thể tạo thêm áp lực với Bắc Kinh.
Điều tra của Viện nghiên cứu Úc Australian Strategic Policy Institute (ASPI) cho biết có tổng cộng 380 địa điểm được sử dụng làm nơi giam giữ, được xây dựng từ năm 2017. Tại ít nhất 61 trung tâm giam giữ, nhiều dấu hiệu cho thấy có các xây dựng mới trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020. Theo ASPI, số lượng các cơ sở giam giữ được thống kê trong điều tra này là nhiều hơn 40% so với tổng số cơ sở giam giữ đã biết.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lời nhà nghiên cứu phụ trách cuộc điều tra Nathan Ruser, nhấn mạnh là các bằng chứng này buộc chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với sự thực. Theo nhà nghiên cứu Úc, thoạt tiên Bắc Kinh bác bỏ sự tồn tại của hệ thống trại giam, sau họ đã phải chấp nhận có các trung tâm như vậy, nhưng chỉ là để "đào tạo nghề" và toàn bộ những người Duy Ngô Nhĩ có mặt tại các trung tâm "đã tốt nghiệp" và rời khỏi "các địa điểm dạy nghề" này. Ngược lại, kết quả điều tra cho thấy hệ thống trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vẫn đang được phát triển.
Nghiên cứu của Viện ASPI được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần. Hoa Kỳ đang ở tuyến đầu của mặt trận quốc tế lên án chính sách đàn áp của Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương. Nhằm chống "cưỡng bách lao động" người Duy Ngô Nhĩ, hôm 22/09/2020, Hạ Viện Mỹ với đa số áp đảo đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu hàng hóa từ Tân Cương. Sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua dự luật, Bắc Kinh một lần nữa lên tiếng phản bác, cho rằng các cáo buộc dựa trên các bằng chứng ngụy tạo.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, ít nhất một triệu người thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và một số sắc tộc theo đạo Hồi khác tại khu vực này bị đưa vào các trại giam hoặc các trung tâm cải tạo ở Tân Cương.
Hôm 22/09, trong một phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, qua cầu truyền hình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cử một phái đoàn điều tra quốc tế, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đến vùng Tân Cương.
Trọng Thành