'Giảm sốc' kinh tế Việt Nam sau cú sốc đại dịch
Khánh An, VOA, 22/04/2020
Trong khi các lãnh đạo Việt Nam vẫn tỏ ra dè dặt trong quyết định tái mở cửa nền kinh tế, thì những người trực tiếp làm công tác cứu trợ xã hội lo ngại phần lớn người nghèo, người thu nhập thấp sẽ không gượng nổi nếu các sinh hoạt xã hội, nhà máy, doanh nghiệp… không sớm quay lại bình thường như trước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản, do tác động của tình trạng giãn cách xã hội nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Với số liệu chính thức cho biết đã 6 ngày liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 mới, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Việt Nam công bố kế hoạch phân chia các tỉnh thành theo 3 nhóm nguy cơ nhằm đưa ra các chính sách tái mở cửa kinh tế tương ứng theo từng trường hợp cụ thể.
Theo đó, nhóm nguy cơ cao là Hà Nội được đề nghị tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội thêm 1 tuần nữa, cho đến hết ngày 30/4, nhưng cho phép thành phố này được tự quyết định về việc mở cửa lại các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu và các loại hình kinh doanh đường phố tùy theo tình hình thực tiễn tại địa phương.
Nhóm có nguy cơ, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang, cũng được cho phép tự quyết định về việc tái tục các hoạt động kinh tế tùy theo tình hình địa phương.
Riêng nhóm nguy cơ thấp là các tỉnh thành còn lại được phép khôi phục trở lại các hoạt động kinh tế không thiết yếu nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
"Khó trụ nổi"
Kế hoạch cho thấy sự dè dặt và đắn đo của các lãnh đạo Việt Nam trong việc đưa ra quyết sách về thời điểm tái mở cửa nền kinh tế, giữa bối cảnh mà một số nhà hoạt động và những người làm công tác xã hội nói rằng đời sống kinh tế của người dân ở nhiều nơi đã ở mức "kiệt quệ".
"Ở Việt Nam, dù người chết chưa có, rồi số lượng dịch bệnh chưa phải là nhiều, nhưng thực ra về kinh tế, phải nói là kiệt quệ. Nhân viên và tất cả những người lao động thấp đang rất khổ", bà Lê Hoài Anh, một nữ doanh nhân đã đứng ra quyên góp và hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong đại dịch Covid-19, đưa ra nhận định với VOA.
Bày tỏ sự thông cảm về "bài toán khó" trong quyết định tái mở cửa nền kinh tế, nhưng bà Lê Hoài Anh cho rằng Việt Nam vẫn phải giải bài toán khó này vì nền kinh tế sẽ "khó trụ nổi" nếu các hoạt động kinh tế không sớm khôi phục.
"Bây giờ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hàng... đã phá sản hết rồi. Tôi thực sự rất lo sợ", bà Anh cho VOA biết.
"Mặc dù tôi hiểu rằng chính phủ Việt Nam, cũng như Mỹ thôi, đang đứng trước bài toán rất khó là bao giờ mở cửa trở lại. Việt Nam lại còn khó hơn trong nền kinh tế mà người dân thì có rất nhiều thành phần mà số lượng, tỷ lệ chạy ăn từng bữa, từng tuần, từng tháng khá là đông".
Theo nữ doanh nhân này, nếu các hoạt động kinh tế không sớm khôi phục, tình trạng phá sản sẽ lan rộng, kéo theo những bất ổn xã hội.
Nhận định với VOA về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới ở Washington DC và hiện là Chủ tịch Công ty EGAT, cho rằng quyết định có nên gia hạn thời gian cách ly xã hội hay không phải tùy thuộc vào tình trạng của nạn dịch đang xảy ra, chứ không đơn thuần vì kinh tế có chịu đựng được hay không.
"Nếu kinh tế chịu đựng không được, phải bỏ cách ly, mà bị Covid-19 hoành hành trở lại thì hậu quả còn nguy hiểm hơn là đừng bỏ cách ly", Tiến sĩ Đinh Trường Hinh nói.
Vì vậy, theo ông, quyết định này "phải dựa theo tình hình virus đã được ngăn chặn như thế nào, có nguy cơ quay trở lại hay không, và phải căn cứ vào số liệu thực tiễn ở tại nơi (data on the ground).
Việt Nam cần làm gì ?
Với "cú sốc đại dịch", nền kinh tế Việt Nam được cho là vừa đứng trước nguy cơ vừa đứng cơ hội. Ngoài những nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến sụp đổ kinh tế, một số cơ hội cũng đang được bàn đến trong thời gian gần đây là cơ hội "thoát Trung" và cơ hội đón làn sóng đầu tư mới từ những doanh nghiệp quốc tế đang có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc.
Nói về "cơ hội vàng" để kinh tế Việt Nam thoát thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn từ Trung Quốc lâu nay, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng dù có dịch cúm hay không, Việt Nam cũng cần phải thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc để có "độc lập tự do lâu dài".
Ông nói : "Dịp cúm Covid-19 là một cơ hội bằng vàng để các kinh tế gia Việt Nam có cơ hội phân tích ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào, để biết rõ số người lao động tay nghề cao và thấp của Trung Quốc xuất cảng qua Việt Nam hiện là bao nhiêu, ở trong ngành nghề nào, có thể thay được ngay hay không, cũng như ảnh hưởng Trung Quốc về giao thông, du lịch, vận tải, đầu tư, thương mại và tác động đến các đầu vào của các chuỗi cung ứng liên quốc gia".
"Từ đó, chính phủ phải lập ra một chương trình rõ ràng, thiết thực và có thể giám sát để trong một thời gian có thể giảm thiểu các ảnh hưởng từ Trung Quốc nêu trên, nhất là các đầu vào về chất xám cũng như về vật liệu, và thay vào đó các nguồn từ trong nước hoặc từ các nước khác".
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, việc đầu tiên chính phủ Việt Nam nên làm là lập ra một nhóm nghiên cứu để thu thập các tài liệu cần thiết, một mặt để tìm hiểu những ảnh hưởng của dịch cúm đến kinh tế Việt Nam, mặt khác để tìm hiểu rõ thêm ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam, nhất là ở các tỉnh biên giới.
Mặt khác, với tình trạng xuất khẩu Việt Nam đang chịu tác động từ "lỗ hổng" nguồn cầu từ các thị trường lớn như Mỹ trong lĩnh vực dệt may, giày dép, phụ tùng, điện thoại... Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng đây là lúc mà Việt Nam cần phải "thắt lưng buộc bụng", dù có phải bán rẻ trước mắt để chiếm thị trường thì cũng phải làm để dành lấy cơ hội xuất khẩu cho tương lai, và cũng nên tận dụng các thị trường khác như Châu Âu thông qua EVFTA vào lúc này.
Ngoài ra, để chuẩn bị "nội lực" đủ mạnh để có thể đón lấy làn sóng di cư công xưởng sắp tới của các doanh nghiệp quốc tế từ Trung Quốc sang các quốc gia láng giềng, theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, Việt Nam cần rà soát lại những đầu tư nước ngoài, chú trọng hơn về chất lượng và khuyến khích đầu tư vào những lãnh vực mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. "Những lãnh vực này là những nghành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của dân Việt Nam", ông nói.
"Cụ thể, Việt Nam phải khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lãnh vực này để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng ; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc ; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chận đầu tư (hoặc đem các máy móc cũ) có hại hay có ảnh hưởng xấu cho môi trường. Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới".
Theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, để làm được điều này, Việt Nam cần "cải tổ theo chiều sâu", như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp ; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters) ; đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ.
Lặp lại những khuyến nghị đã đưa ra trong cuốn sách "Light Manufacturing in Vietnam" (Phát Triển Công Kỹ Nghệ Nhẹ tại Việt Nam) do Ngân hàng Thế giới xuất bản, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các chính sách nhằm tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề để giúp cho nền kinh tế "vươn lên mức cao hơn trên bậc thang giá trị gia tăng", từ đó có thể đón lấy những cơ hội sau đại dịch Covid-19, theo cựu kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới.
Khánh An
Nguồn : VOA, 22/04/2020
***********************
Covid-19, Trung Quốc và những bài học bổ ích cho Việt Nam
Trân Văn, VOA, 22/04/2020
Covid-19 đang làm cục diện thế giới thay đổi. Chắc chắn vai trò, vị trí của Trung Quốc sẽ rất khác so với trước. Ưu thế của Trung Quốc về tầm vóc thị trường, về giá nhân công rẻ, về thu hút đầu tư, về nguồn nguyên liệu, vật liệu đa dạng, dồi dào… từng giúp Trung Quốc gia tăng khả năng chi phối sức cạnh tranh, duy trì sự ổn định từ chính trị tới kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia, kể cả các cường quốc, nay rơi theo phương thẳng đứng !
Nhà báo Trung Quốc đeo khẩu trang xem một thông cáo báo chí của chính quyền trước một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Covid-19 giống như "cạnh" còn lại của "con dao hai lưỡi" - phương thức quản trị, điều hành quốc gia, cung cách hành xử trâng tráo, trịch thượng trong đối ngoại của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc - đã rạch một nhát rất sâu vào nhận thức của cộng đồng quốc tế. Chẳng riêng Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Úc mà ngay cả Châu Phi cũng đã tỉnh ra, đã hiểu thế nào là "lợi bất cập hại" khi làm ngơ, nhẫn nhịn, thậm chí nương theo Trung Quốc để các bên cùng có lợi.
Hóa ra làm ngơ để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc hành xử độc đoán, vô luân ở Trung Quốc,… hóa ra "nhìn trước, ngó sau", bất kể đạo lý, luôn luôn cân phân lợi - hại trong gìn giữ quan hệ với Trung Quốc lại tai hại đến như thế ! Đã có nhiều triệu người, đặc biệt là chính khách ở nhiều quốc gia ngộ ra : Nếu cộng đồng quốc tế không như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc bị buộc phải ứng xử minh bạch, có trách nhiệm với đồng bào và rộng hơn với nhân loại thì Covid-19 đã bị chặn ngay ở Vũ Hán, không lan rộng trên phạm vi toàn cầu, gây ra đủ loại thiệt hại kinh khủng như đang thấy.
Cho dù tình thế đã khác nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc không nhận ra điều đó. Nỗ lực hóa giải trách nhiệm về Covid-19, thậm chí cố gắng biến Covid-19 thành son, phấn để tô vẽ diện mạo, nâng cao uy tín của Trung Quốc đã tạo ra đủ loại "gậy", giao vào tay thiên hạ cho họ "vụt" chính Trung Quốc. Khống chế xuất cảng hay viện trợ các loại trang bị, thiết bị y tế cho một số quốc gia chỉ khiến thiên hạ thêm khinh bỉ, căm giận.
Nỗ lực của các viên chức ngoại giao Trung Quốc, những cuộc vận động để khen ngợi, cám ơn Trung Quốc ở nơi này, nơi khác hay những lá thư gửi cho Daily Telegraph ở Úc, Bild ở Đức,… từng tạo ra nhiều "tác động tích cực" đối với việc bảo vệ hình ảnh, gia tăng uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc, giờ trở thành lý do thúc thiên hạ tự thấy phải làm gì đó mạnh mẽ hơn là chỉ chỉ trích. Chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc khiến thiên hạ nhận ra họ phải tự thay đổi cả nhận thức lẫn cách hành xử đối với Trung Quốc. Thay đổi đó không đơn thuần là do nghĩa vụ bảo vệ dân chủ, nhân quyền mà vì lợi ích thiết thân của chính họ.
***
Không cần phải rành tiếng Anh mới có thể biết tâm tư, tình cảm của thiên hạ với Trung Quốc và về Trung Quốc đang như thế nào. Cả hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam lẫn mạng xã hội Việt ngữ đã cũng như đang liên tục cập nhập những diễn biến ấy (1). Covid-19 đã làm những người vốn dửng dưng về chính trị cũng có thể cảm nhận tường tận tác hại mà một chính quyền cộng sản có thể gieo rắc trên đầu của họ, đe dọa cả hiện tại lẫn tương lai của họ.
Trong bối cảnh như hiện nay, có tiếp tục tự hào vì bản chất chính thể cũng bất nhân, bất trí, bất tín, bất nghĩa y hệt Trung Quốc hay không là một lựa chọn ! Có nên bô bô phản ứng một cách trâng tráo trước những chỉ trích về xâm hại các tiêu chuẩn dân chủ, nhân quyền của nhân loại như "người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn ở ngay bên cạnh" hay không là một lựa chọn khác, Covid-19 đã vô hiệu hóa lối biện bạch về "đặc điểm riêng, tiêu chí riêng" và xé toạc tấm khiên "chuyện nội bộ của một quốc gia".
Cuối cùng, có nên tiếp tục xem "tuyên truyền" như "nhiệm vụ chính trị trọng tâm" cả trong đối nội lẫn đối ngoại như Trung Quốc, hay "có sao, nói vậy" như thiên hạ ? Vì sao đã chứng kiến thiên hạ khinh bỉ, căm giận Trung quốc như thế nào khi lợi dụng yếu tố "nhân đạo" để "tuyên truyền" mà đến cuối tuần vừa qua, vẫn còn thản nhiên biến chuyến bay do ENI (tập đoàn dầu khí của Ý) thuê để đưa chuyên gia và hàng hóa từ Việt Nam về Ý thành… "Đại sứ quán Việt Nam tại Ý đã phối hợp với Vietnam Airlines ‘điều máy bay đưa người Ý bị kẹt tại Việt Nam về nước’ và đưa một số người Việt bị kẹt tại Ý hồi hương" (2) ?
***
1,3 tỉ người Trung Hoa không chỉ phải trả giá rất đắt cho kiểu nhận thức, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc mà còn bị thiên hạ khinh miệt lây. Không phải tự nhiên mà người Trung Hoa sống ở Đài Loan muốn chính quyền Đài Loan loại bỏ China khỏi quốc hiệu của lãnh thổ này (Republic of China) (3). Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có nhìn thấy giá trị của những bài học mà thiên hạ đang dạy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Trung Quốc ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/04/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10220422073795798&set=pcb.260154871827180
********************
Covid-19 : Trung Quốc bị tố cáo gây họa cho thế giới vì giảm nhẹ số liệu
Trọng Nghĩa, RFI, 21/04/2020
Ngày 20/04/2020, Pháp đã vượt mốc 20.000 ca tử vong vì dịch Covid-19, ghi tên mình vào danh sách các nước có số người chết vì dịch bệnh cao nhất hành tinh, sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha. Những số liệu cực cao tại các quốc gia phương Tây đã nêu bật tính chất khác thường của các số liệu tương đối thấp mà Bắc Kinh đã công bố về dịch bệnh, cho dù Trung Quốc là nơi virus corona xuất phát.
Quốc tế ngày càng đòi Trung Quốc phải nói thật về virus corona. China Daily via Reuters
Vấn đề tính xác thực của số liệu về Covid-19 tại Trung Quốc còn trong vòng bàn cãi, nhưng trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, cho rằng việc Trung Quốc giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại họa mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.
Điểm qua các thống kê về diễn biến của dịch Covid-19 từ lúc bùng lên tại Trung Quốc cho đến nay, có một thực tế không thể chối cãi : Số liệu chính thức của Trung Quốc thấp một cách lạ thường.
Căn cứ vào bảng cập nhật cho đến sáng ngày 21/04 của đại học Mỹ Johns Hopkins, Hoa Kỳ là nước có nhiều người nhiễm virus corona nhất trên thế giới, với gần 800.000 ca, theo sau là Tây Ban Nha, hơn 200.000 ca, rồi đến Ý, Pháp, Đức và Anh, đều đã vượt xa mốc 100.000 ca.
Còn Trung Quốc thì sao ? Số ca nhiễm tại nơi xuất phát của dịch bệnh ổn định ở mức hơn 80.000 ca, đứng hàng thứ 8 thế giới về số người bị lây nhiễm.
Số liệu về các ca tử vong cũng cho thấy cách biệt rất lớn giữa Trung Quốc với các nước bị nặng nhất, đa phần là ở phương Tây.
Kể cả sau khi đã điều chỉnh cao hơn gấp rưỡi số tử vong vì Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc vẫn chỉ ghi nhận 4.636 người chết, thua xa các nước đầu bảng như Mỹ đứng đầu thế giới với 42.364 người chết, theo sau là Ý với 24.114 người, Tây Ban Nha 20.852 người, Pháp với 20.265 người, Anh 16.509 người, Bỉ 5.828 người, Iran 5.209 người.
Mặt khác, số liệu bình quân các ca nhiễm hay tử vong theo tổng số dân của từng nước đã làm lộ rõ tính chất quá thấp của thống kê chính thức tại Trung Quốc.
Trường đại học Mỹ Johns Hopkins chẳng hạn, đã dựa trên số liệu tính đến ngày 16/04 để thử so sánh số ca tử vong vì Covid-19 so với dân số của mỗi nước.
Kết quả rất đáng ngạc nhiên vì theo cách tính này, nước Bỉ vốn ít dân (hơn 11 triệu người) lại đứng đầu thế giới về số trường hợp tử vong vì virus corona, với tỷ lệ 425,2 phần triệu, theo sau là Tây Ban Nha, Ý và Pháp. Còn Mỹ, nước có 330 triệu dân, xếp thứ chín với tỷ lệ 106 phần triệu.
Riêng Trung Quốc, với cả tỷ dân, thì đứng gần như là cuối bảng với một tỷ lệ 24 phần 1000.000.
Nhận xét về số liệu này, một nhà bình luận cho đài truyền hình Pháp LCI ngày 17/04 cho rằng nếu các số liệu của Trung Quốc xác thực, thì nước này "gần như là không hề hấn gì !".
Dịch bệnh càng tàn phá dữ dội trên thế giới càng làm tăng nghi vấn về tính xác thực của các số liệu thống kê về Covid-19 mà Trung Quốc đưa ra. Trước các yêu cầu minh bạch hóa càng lúc càng nhiều, Bắc Kinh chỉ có một câu trả lời duy nhất là họ không hề che giấu điều gì.
Đối với giới chuyên gia phân tích, chính việc Trung Quốc không nói thật về quy mô của dịch bệnh khi mới bùng lên đã làm cho hầu như cả thế giới thiếu cảnh giác đối phó, để xẩy ra thảm họa như ngày nay.
Trả lời phỏng vấn của nhật báo La Croix ngày 17/04 nhà nghiên cứu Philippe Ravaud, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Tễ Học và Thống Kê CRESS tại Pháp đã không ngần ngại cho rằng "Việc số người chết bị giảm thiểu tại Trung Quốc đã tác hại đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch"
Đối với ông Ravaud, cộng đồng khoa học hầu như đều nhất trí cho rằng số ca tử vong vì virus corona mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là không chính xác. Bản thân ông cũng "không thể tưởng tượng ra được rằng ở Trung Quốc chỉ có vài ngàn ca tử vong, trong khi nhiều nước Châu Âu thì số người chết cao hơn gấp bội".
Theo chuyên gia Pháp, các thộng tin mà phía Trung Quốc cung cấp về vấn đề này rất thiếu sót, một cách vô tình hay cố ý thì chưa thể biết được, nhưng rõ ràng là hoàn toàn không đầy đủ.
Chuyên gia Ravaud công nhận rằng về mặt các thông tin khoa học, quả là phía Trung Quốc đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cho cộng đồng khoa học quốc tế, dưới hình thức các công bố chính thức, hoặc dưới dạng các bài nghiên cứu ban đầu được thông báo ngay cho giới khoa học để tham khảo trước mà không cần chờ được các đồng nghiệp xét duyệt kỹ lưỡng hay được công bố chính thức.
Thế nhưng, vấn đề là không thể biết được là các dữ liệu đó có bao gồm tất cả các thông tin quan trọng hay không, hay là có một phần đã bị chặn lại. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ được công khai hóa, người ta không thể thực sự ước tính xem mức độ thiếu sót là bao nhiêu, 20%, 30% hay 50%.
Mặt khác, nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại rằng "trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng lớn, như trường hợp ở Vũ Hán, ưu tiên của bác sĩ hoặc nhà khoa học không nhất thiết là phải thông tin hoặc công bố những gì họ phát hiện.
Đối với chuyên gia Ravaud, sai lầm của Trung Quốc là đã cảnh báo quá muộn về dịch bệnh và những nguy cơ đến từ con virus.
Trả lời báo La Croix, nhà nghiên cứu Pháp đã xác định : "Đối với tôi, đây là tội lỗi nguyên thủy của cách giao tiếp của Trung Quốc. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng sẽ có hàng trăm ngàn người chết ở Châu Âu khi mà trên lý thuyết chỉ có vài nghìn ca tử vong ở Trung Quốc, một đất nước có hơn một tỷ dân ? Ngay từ đầu, nhiều chuyên gia đã tin vào số người chết được công bố tại Trung Quốc và căn cứ vào đó để giảm thiểu nguy cơ dự kiến của dịch Covid-19 tại Châu Âu.
Việc ước tính ít đi số lượng người chết ghi nhận ở Trung Quốc đã tác động đến công cuộc chuẩn bị chống đại dịch tại tất cả các quốc gia khác. Trên bình diện đánh giá rủi ro, việc khuyến cáo chính phủ rằng sẽ phải đối phó với một đợt dịch đã khiến 100.000 người chết hoàn toàn khác biệt với khuyến cáo trong trường hợp chỉ có 3.000 người thiệt mạng".
Chuyên gia Ravaud kết luận : "Kinh nghiệm của quốc gia đã bị dịch rất quan trọng đối với các nước mới bị ảnh hưởng, do đó phải được báo cáo một cách hoàn toàn minh bạch. Việc chia sẻ các dữ liệu này trên phạm vi quốc tế rất quan trọng vì nó cho phép quan sát cách dịch bệnh phản ứng với từng chiến lược đối phó và hỗ trợ cho cách hoạch định các chiến lược giảm phong tỏa sau dịch bệnh".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 21/04/2020