Vì sao án sơ thẩm Đồng Tâm gây bất bình và phản ứng trong công luận ?
Thiện Ý, VOA, 28/09/2020
Trong bài viết và thuyết trình trước chúng tôi đã trình bày "Bản án sơ thẩm vụ Đồng Tâm gây bất bình trong công luận thế nào ?"
Cụ Lê Đình Kình và tướng Nguyễn Đức Chung thời còn là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội.
Trong bài viết thuyết trình hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra một số nhận định như câu trả lời cho vấn đề đặt ra, là "Vì sao án sơ thẩm vụ Đồng Tâm gây bất bình và phản ứng quyết liệt trong công luận ?"
Câu trả lời tổng quát : là vì đó là bản án phi pháp lý, bất công, tiền định mang tính áp đặt. Một bản án nhằm trấn áp, triệt tiêu, thay vì giải quyết những đòi hỏi hợp pháp, chính đáng của nông dân xã Đồng Tâm khiếu kiện về quyền sử dụng 59 ha đất nông nghiệp của họ. Tất cả nhằm thực hiện ý đồ bảo vệ cho kỳ được "lợi ích nhóm" bằng mọi cách, mọi giá của nhà cầm quyền có chức năng giải quyết tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm.
Thật vậy, chúng tôi lần lượt lý giải và chứng minh từng điểm trong câu trả lời tổng quát vừa đưa ra.
1. Bản án sơ thẩm Đồng Tâm là bản án phi pháp lý, bất công, tiền định mang tính áp đặt :
1) Phi pháp lý : vì trong quá trình điều tra xét hỏi của công an và diễn tiến xét xử trong các phiên Tòa, đã không tuân thủ pháp luật, vi phạm thủ tục tố tụng hình sự của chính chế độ đương quyền tại Việt Nam.
Cụ thể :
- Đối với luật sư bào chữa : Ngăn cản luật sư thực hiện tác vụ nghề nghiệp. Như chỉ cho luật sư làm nhiệm vụ bào chữa cho các bị cáo, sau khi đã hoàn tất cuộc điều tra ; ngăn cản tiếp xúc với các bị cáo trước cũng như trong các phiên Tòa ; không cho tiếp cận và khước từ yêu cầu được cung cấp, tiếp cận các tài liệu chứng cứ có lợi cho các bị cáo, với lý do tài liệu mật (Kế hoạch 419)hay không cần thiết…
- Đối với các bị cáo : không tôn trọng quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi có bản án chung thẩm ; đã dùng cực hình tra tấn, ép cung trong quá trình điều tra xét hỏi, khiến các bị cáo vì sợ hãi phải nhân tội. Sợ hãi đến độ ra trước Tòa không giám tố cáo, để chỉ thể hiện qua câu hỏi gián tiếp để biết, của luật sư đưa ra, rằng "Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay" ; thì chỉ có 10 cánh tay giơ lên, còn lại 19 người không giơ tay được suy đoán là bị tra tấn. Như vậy là vi phạm luật pháp quốc nội và quốc tế cấm dùng cực hình tra tấn tội nhân…
- Đối với thân nhân, quần chúng, quốc tế : Tòa đã không cho bất cứ thân nhân nào của các bị cáo có mặt trong phòng xử án ; cũng như người dân thường và đại diện báo chí (trừ báo chí nhà nước) và tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế bị ngăn cản tham dự các phiên xử…
2) Bản án bất công, tiền định mang tính áp đặt :
- Bất công vì bản án đã xử phạt nặng nề những người vốn là những nông dân lương hảo. Nay chỉ vì giám khiếu kiện kêu oan về đất đai, không muốn phạm pháp hay không có ý định và hành động phạm pháp. Nhưng nay bị nhà cầm quyền chức năng đẩy vào một hoàn cảnh, bị bao vây tấn công giữa ban đêm, để tạo cớ bắt giam và kết tội "giết người" và "Chống người thi hành công vụ". Một người dân bị công an bắn chết (ông Lê Đình Kình), thủ phạm không bị truy tố, theo sự dàn dựng hiện trường, với lý do nạn nhân chống đối, có trái lưu đạn trong tay, nên phải bắn chết. Ba công an chết vì té "giếng kỹ thuật", thì 3 người dân lại bị kết tội giết người, dựa trên bằng chứng áp đặt, mơ hồ. Hai trong 3 người này lãnh án tử hình, đều là con cháu nạn nhân Lê Đình Kình, được coi là Thủ lãnh tinh thần vụ khiếu kiện đất đai Đồng Tâm. Ông Kình, một đảng viên cộng sản lão thành 84 tuổi, 57 tuổi đảng, từng là đồng chí của lực lượng c ông an tấn công, nay bị "đồng chí" của mình gán cho danh hiệu "địa chủ cường hào mới", bị bắn chết ; khi tấn công bất ngờ quy mô lớn vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đêm rạng sáng ngày 9/1/2020.
Như vậy, nếu bản án sơ thẩm đã bất công với 29 người dân Đồng Tâm bị cáo, thì với cái chết của 3 người trong dòng họ Lê Đình, qua bản án Sơ Thẩm Đồng Tâm ngày 14/9/2020, phải chăng Tòa án Việt Nam như muốn lấy lại công bình cho ba công an chết thảm dưới "hố kỹ thuật" ? Một hình thức trả thù thời trung cổ "Mắt đền mắt, răng đền răng", "3 mạng công an" đổi "ba mạng dân oan" như trong hiện vụ ?
- Bản án tiền định, mang tính áp đặt, được thể hiện qua diễn tiến vi luật và kết quả vụ xử án bằng một bản án sơ thẩm như được định trước. Viện kiểm sát đóng vai công tố, đề nghị mức án thế nào, thì chánh án và HĐXX, sau 2 ngày nghị án, kết án gần đúng như vậy. Điều này có lẽ đã không làm ai ngạc nhiên, vì nền tư pháp của chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam vốn thế. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo tối cao, sâu sát của "Đảng cộng sản Việt Nam". Luật là "Đảng ta", "Đảng ta" là luật mà ! Vì theo lý luận Marxist-Leninnist, luật pháp nào thì cũng chỉ là công cụ của giai cấp thống trị để trấn áp nhân dân bị trị mà thôi ! Thực tế Đảng cộng sản Việt Nam đã vận dụng triệt để lý luận này.
2. Bản án thể hiện ý đồ đen tối, là bảo vệ cho kỳ được "lợi ích nhóm" bằng mọi cách, mọi giá của nhà cầm quyền có chức năng giải quyết tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm
Thật vậy :
1) Vì lợi ích nhóm(là nhóm tài phiệt quân đội cần đất đầu tư kinh tế (Công ty viễn thông Viettel và nhóm quan tham tại địa phương đã trót đánh tráo sự thật để thủ lợi) nên trong suốt quá trình khiếu kiện của nhân dân xã Đồng Tâm kéo dài từ bốn năm qua (2016 -2020), các cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện đất đai Đồng Tâm, trước sau chỉ dùng biện pháp đối phó, chứ không đưa ra giải pháp thỏa đáng nào cho đòi hỏi hợp pháp chính đáng của người dân, liên quan đến quyền sử dụng 59 ha đất ở Đồng Tâm.
Người dân Đồng Tâm luôn khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của Đồng Tâm từ bao đời nay, không phải đất quốc phòng. Mảnh đất này tiếp giáp với mảnh 47,36 ha đã được giao cho Bộ Quốc phòng từ lâu như một phần của sân bay Miếu Môn.
Theo người dân Đồng Tâm, sở dĩ có sự tranh chấp này, là do các cán bộ địa phương (quan tham) đã lập lờ khi báo cáo về hai khu đất này khiến chính quyền hiểu nhầm khu 59ha cũng trùng với khu 47,36 ha đã được giao choBộ Quốc phòng từ lâu.
Bằng chứng là ngày 26/3/2018 : Quân đội cho đào hào quanh khu 47,36 ha để phân định với khu đất nông nghiệp Đồng Sênh khiến dân Đồng Tâm rất phấn khởi. Ông Lê Đình Công nói với BBC vào thời điểm đó rằng "Quân đội đã có chiều hướng ủng hộ nhân dân Đồng Tâm".
2) Thế nhưng, cũng vì "lợi ích nhóm" nên các cơ quan chức năng trước sau chỉ dùng biện pháp đối phó với nông dân để đạt mục tiêu cao nhất là bảo vệ cho kỳ được 59 ha là đất quốc phòng. Do đó đã đẩy vụ tranh chấp đất đai từ một vụ khiếu kiện dân sự dẫn đến vụ án hình sự từ thấp đến cao.
- Cụ thể, vào ngày 15/4/2017, khi 9 người dân Đồng Tâm được giới chức mời ra khu đất có tranh chấp để 'làm việc' thì bị bắt đưa về giam giữ tại Hà Nội, trong đó có ông Lê Đình Công và người cha là Lê Đình Kình. Dân Đồng Tâm đáp trả bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát, giam tại nhà văn hóa thôn trong 7 ngày. Sau đó một số người bị bắt bị truy tố về tội"chống người thi hành công vụ", và "bắt giam người trai pháp luật."
- Thế rồi ngày 9/1/20, hàng ngàn công an và cảnh sát cơ động đã mở bố ráp bất ngờ, ban đêm tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, làm một người dân bị chết, 3 công an thiệt mạng. Tất cả 29 người bị bắt giam, truy tố về hai tội "giết người" (Điều 123 BLHSVN) và "chống người thi hành công vụ" (Điều 330 BLHSVN). Với các bản án nặng nề như bản án sơ thẩm vừa tuyên hôm 14/9/2020. Các luật sư nói nếu có thực chuyện họ gây ra cái chết của ba người hôm 9/1 thì đó chỉ là chuyện tự vệ quá mức hay giết người trong trạng thái bị kích động mạnh. Trong khi nguyên nhân đưa đến cái chết rất mù mờ, có tính áp đặt để có cơ sở kết tội các bị cáo một cách oan sai.
Như vậy là từ một vụ khiếu kiện đất đai mang tính hành chánh, pháp lý đã dẫn đến các vụ án hình sự, ngoài ý muốn của người dân Đồng Tâm. Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, dường như đều nằm trong ý đồ của nhà cầm quyền chức năng, muốn"mượn gió bẻ măng". Nghĩa là, dường như nhà cấm quyền chức năng(Thanh tra chính phủ và các cơ quan chức năng khác các cấp…)cố tình không giải quyết nguyện vọng của dân bằng giải pháp hành chánh (quyết định hành chánh) hay pháp lý (giải quyết tranh chấp trước cơ quan tài phán dân sự có thẩm quyền). Trái lại, đã dùng mọi biện pháp trấn áp, đẩy người dân Đồng Tâm đến hoàn cảnh phạm pháp (vụ án hình sự). Nghĩa là hình sự hóa vụ việc để có cớ trừng phạt, triệt tiêu đòi hỏi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân Đồng Tâm và răn đe các dân oan khiếu kiện các vụ việc khác. Vì chỉ có thể dùng Tòa án, một công cụ của nền chuyên ch ính cộng sản, mới có thể trấn áp, triệt tiêu mọi đối kháng, để bảo vệ "lợi ích nhóm" như trong hiện vụ.
Thực tế, diễn tiến vụ khiếu kiện đất đai của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm và cách đối phó trong 4 năm qua của các cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện đất đai, từ địa phương đến trung ương đã nghiệm đúng như vậy. Thực tế là sau bản án hình sự sơ thẩm ngày 14/9/2020, 59 ha đất tranh chấp sẽ thuộc về đất quốc phòng, phục vụ cho "lợi ích nhóm". Những người dân Đồng Tâm từ đây sẽ câm họng, cúi đầu chấp nhận số phận con dân như "cá nằm trên thớt". Vì những người cầm đầu khiếu tố(Nhóm Đồng thuận) kẻ sẽ mất mạng, người ngồi tù nhiều năm.
Là vì vụ khiếu kiện đất đai của tập thể nông dân xã Đồng Tâm có tính dân sự, để đòi quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, thực hiện quyền làm chủ. Đúng ra phải được giải quyết bởi cơ quan chức năng hành chánh có thẩm quyền,bằng một quyết định hành chánh. Nếu không chấp nhận quyết định hành chánh, nông dân có quyền cầu viện đến Tòa án để được giải quyết trong một vụ tranh chấp quyền lợi dân sự giữa tập thể nông dân Đồng Tâm và cơ quan ra quyết định. Tòa sẽ căn cứ theo luật pháp để xét xử xem những đòi hỏi của nông dân có chính đáng, có theo đúng quy định thủ tục khiếu kiện và cơ quan ra quyết định bác khước những đòi hỏi của nông dân có cơ sở, chính đáng không. Sau đó ra phán quyết sơ hoặc chung thẩm và đây là một bản án dân sự mang tính pháp lý.
Thế nhưng vụ khiếu nại đất đai kéo dài nhiều năm (2016-2020) quyền lợi hợp pháp chính đáng của nông dân Đồng tâm đã không được các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, đã không đưa ra được quyết định có tính giải pháp, mà chỉ sử dụng các biện pháp đối phó. Thực tế là, đã dùng biện pháp cưỡng chế đôi lần không thành ; cuối cùng phải dùng biện pháp trấn áp mạnh tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Trước thực tế này, có nhận định cho rằng dường như nhà cầm quyền chức năng đã rút kinh nghiệm từ vụ cưỡng chế năm 2017. Do đó lực lượng cưỡng chế lần này thuộc Bộ Công an đã lên kế hoạch mật mang bí số 419, tiến hành cưỡng chế, đúng hơn là trấn áp quy mô lớn như một cuộc hành quân thần tốc, bất ngờ, ban đêm ;và sử dụng lực lượng cưỡng chế có tính áp đảo để người dân không kịp phản ứng và không thể huy động đông đảo lên đến 6000 người dân như trước đó, để bắt giữ người thi hành cưỡng chế làm con tin chăng ?
Thật đau xót và phẫn nộ thay, khi nhà cầm quyền chức năng đã đối xử với dân oan như kẻ thù thế đó ! Thế nhưng, người dân trong nước vẫn vững tin rằng "Một chế độ thiết lập bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, thì sớm muộn cũng bị sụp đổ, do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột" (Tuyên ngôn Nhân quyền Việt Nam 1977). Vì đây là quy luật xã hội đã được thể nghiệm qua thực tế và lịch sử phát triển các hình thái tổ chức xã hội loài người.
Thiện Ý
Houston, ngày 22/9/2020.
*********************
Dân biểu Châu Âu phản đối bản án đối với người dân Đồng Tâm
Saskia Bricmont, RFA, 28/09/2020
Vừa qua, chuyện hiếm thấy đã xẩy ra, 64 dân biểu quốc hội Châu Âu ký chung bức Kiến nghị thư gửi lên ông Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại Liên Âu, ông Joseph Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao Liên Âu, đặc trách An ninh và chính sách Đối ngoại, và cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Âu.
Dân biểu quốc hội Châu Âu, bà Saskia Bricmont thuộc Đảng Xanh - Hình minh họa : RFA
Kiến nghị thư đề nghị Liên Âu có những biện pháp mạnh mẽ gây sức ép lên Việt Nam, chấm dứt các vi phạm nhân quyền trầm trọng. Một trong những chữ ký đại diện các đảng chính trị tại Quốc hội Châu Âu, từ phía khuynh hữu, trung sang đến tả, đặc biệt, còn có chữ ký của bà Dân biểu Maria Arena, thuộc Đảng Xã hội Dân chủ, và cũng là Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu.
Để hiểu tầm quan trọng và tác động của Kiến nghị thư, chúng tôi tìm phỏng vấn vị Dân biểu khởi xướng Kiến nghị thư. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.
Ỷ Lan : Thưa bà Saskia Bricmont, bà là người khởi xướng Kiến nghị thư cho Nhân quyền Việt Nam với chữ ký đồng tình của 64 vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu. Lý do gì khiến bà thực hiện việc này và vì sao vào lúc này ?
Saskia Bricmont : Năm ngoái, tôi - đại biểu cho Đảng Xanh - tham dự thương thuyết việc ký kết Hiệp ước Tự do Mậu dịch (EVFTA) và Hiệp định Bảo vệ Đầu tư (IPA) giữa Liên Âu và Việt Nam. Một trong những vấn đề chủ yếu mà chúng tôi đặt lên bàn thảo luận là vấn đề tình trạng thoái hóa nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi đặt điều kiện, rằng Việt Nam phải cam kết mạnh mẽ cải thiện nhân quyền trước khi phê chuẩn, đặc biệt bằng việc trả tự do cho tù nhân chính trị, thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền lao động, v.v…
Chúng tôi cũng như nhiều vị Dân biểu hậu thuẫn việc ký kết Hiệp ước đã hy vọng rằng, việc phê chuẩn 2 Hiệp ước sẽ giúp cho tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện. Tuy nhiên, mấy tháng qua, kể từ Hiệp ước có hiệu lực vào mùa hè năm nay, tình trạng nhân quyền bỗng xấu đi. Số lượng tù nhân chính trị gia tăng, hai người bị kết án tử hình vì tham gia trong vụ đụng độ Đồng Tâm. Chúng tôi không thể chấp nhận những chuyện như thế.
Chúng tôi đã theo dõi vụ án Đồng Tâm và chúng tôi biết phiên tòa đã không thực hiện theo thủ tục dân chủ. Không thể nào chấp nhận cái án tử hình trong hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi cũng đang lo ngại cho tình trạng nhân quyền xấu hơn nữa trong thời hạn diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 trong tháng giêng năm tới.
Vì vậy, trong cương vị Dân biểu Quốc hội Châu Âu, chúng tôi có trọng trách hứng chịu hậu quả cho hành động mình, và chúng tôi phải sử dụng những điều mà Hiệp ước mang lại để gây sức ép cho Việt Nam mạnh mẽ cam kết sự tôn trọng nhân quyền đối với nhân dân họ.
Ỷ Lan : Các chữ ký hậu thuẫn Kiến nghị thư bao rộng mọi đảng phái chính trị, từ hữu, trung đến tả. Điều này có nghĩa đang có sự đồng thuận rộng lớn của các vị Dân biểu phê phán kỷ lục vi phạm nhân quyền của Việt Nam, phải thế không thưa bà ?
Saskia Bricmont : Tôi nhìn với sự thỏa mãn hàng loạt chữ ký của các đảng phái chính trị như chị vừa nêu, kể cả những đảng vốn hậu thuẫn việc phê chuẩn EVFTA. Nay họ cũng kêu gọi cho sự theo dõi nhân quyền. Đây là điều rất tích cực. Bây giờ chúng tôi phải cùng nhau làm việc nhằm bảo đảm sự tôn trọng Hiệp ước.
Ỷ Lan : Kiến nghị thư của bà kêu gọi Liên Âu tức khắc dấn bước cụ thể. Xin bà giải thích thêm điểm này ?
Saskia Bricmont : Liên Âu phải tăng cường đối thoại với nhà cầm quyền Việt Nam và áp lực họ khẩn trương lấy những bước cụ thể, như trả tự do cho tù nhân chính trị ; Phải nhanh chóng thiết lập cơ cấu kiểm soát nhân quyền, và cơ cấu độc lập thu nhận khiếu kiện của người bị vi phạm nhân quyền, để nạn nhân có thể được khắc phục bất công mà không sợ bị trả thù ; Khẩn cấp thiết lập những Nhóm Tư vấn Nội địa với các đại biểu xã hội dân sự nhằm thực hiện Hiệp ước. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu các viên chức Liên Âu báo cáo cho Quốc hội Châu Âu mọi tiến trình thảo luận hay cải thiện tại Việt Nam. Cho tới nay chúng tôi chẳng hề được thông báo bất cứ điều gì. Chúng tôi cần biết những gì xẩy ra để có thể theo dõi và bảo đảm sự tôn trọng các nghĩa vụ của đôi bên.
Ỷ Lan : Bà vừa nhắc tới các « Nhóm Tư vấn Nội địa ». Tại các quốc gia dân chủ, đây là sự tham gia của các xã hội dân sự, các công đoàn, v.v… Nhưng ở Việt Nam, những nhóm như thế chẳng bao giờ được hoạt động độc lập. Ở vào trường hợp này, làm sao họ có thể tham gia hữu hiệu mà không bị nhà cầm quyền can thiệp hay đàn áp ?
Saskia Bricmont : Chúng tôi vô cùng lo ngại cho sinh hoạt độc lập và hữu hiệu của đại diện các nhóm tư vấn ấy. Tại các cuộc thương thuyết vừa qua, chính quyền Việt Nam hứa hẹn họ sẽ không can thiệp vào sự hình thành và điều hành các nhóm như thế. Bởi vậy chúng tôi trông chờ việc này xẩy ra ! Chúng tôi cũng trông mong Hội đồng Liên Âu kiểm soát tiến trình này, để bảo đảm việc nhà cầm quyền Việt Nam không nhúng tay ngăn cản, và chúng tôi cũng muốn hiện hữu một cơ chế bảo vệ các thành viên của các Nhóm Tư vấn Nội địa khỏi bị chính quyền đàn áp. Chúng tôi chưa biết làm sao thể hiện việc này nhằm mang lại tác dụng, nhưng chúng tôi đang nghiên cứu thực hiện, để có thể thực hiện cuộc kiểm soát dân chủ của chúng tôi.
Ỷ Lan : Xin bà một câu hỏi chót. Bà gợi ý rằng Liên Âu cần trừng phạt Việt Nam đã không tôn trọng các cam kết bảo vệ nhân quyền. Xin bà giải thích điều này ?
Saskia Bricmont : Nói về tính hợp pháp, thì Việt Nam đã cột dính với hai Hiệp ước EVFTA và PCA (tức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện). Qua đó, Liên Âu có thể nại ra và sử dụng « Điều khoản Nhân quyền » ghi trong Hiệp ước. Nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm Quyền Con Người, Liên Âu có thể đình chỉ một phần hay toàn bộ Hiệp ước. Tôi lấy ví dụ đã xẩy ra cho Nam Hàn. Liên Âu đã chờ đợi tới 8 năm, trước khi tung ra một loạt thủ tục chống lại việc Nam Hàn không tôn trọng Hiệp ước Mậu dịch Liên Âu - Nam Hàn.
Theo tôi, Liên Âu không cần chờ đợi tới 8 năm trong trường hợp Việt Nam. Cần nhấn mạnh thêm cho rõ, là Liên Âu đã phê chuẩn Hiệp ước dưới một số điều kiện. Chúng tôi cần nhấn mạnh cho Việt Nam sự kiện này, vì chúng tôi không muốn Liên Âu thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư với những quốc gia không tôn trọng nhân quyền.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Quốc hội Châu Âu Saskia Bricmont cho cuộc phỏng vấn này.
Ỷ Lan thực hiện
Nguồn : RFA, 28/09/2020
********************
Chuyên gia hỏa hoạn Hoa Kỳ : Đề nghị mở lại cuộc điều tra vụ Đồng Tâm vì còn nhiều nghi vấn !
Robert Rowe, RFA, 28/09/2020
Ông Robert Rowe bắt đầu nghề nghiệp vào năm 1980, là nhân viên cứu hỏa của công ty Hughes Aircraft tại Los Angeles. Ông hiện là Chủ tịch công ty Pyrocop, cố vấn và tham gia những cuộc điều tra hỏa hoạn, trong đó có khi là tai nạn, có khi là cố tình, kể cả trường hợp thiêu chết người.
Minh họa : Cảnh sát cơ động tại vùng Đồng Tâm. FB
Giang Nguyễn : Chào ông Robert Rowe. Cảm ơn ông đã dành thời gian cho chúng tôi. Trước tiên xin ông chia sẻ, qua bốn thập niên tham gia chửa lửa và điều tra hỏa hoạn, khi điều tra ông phải trải qua những quá trình gì ?
Robert Rowe : Điều đầu tiên nổi bật khi tôi tiến hành cuộc điều tra của mình và khi tôi xem lại các bức ảnh, tôi đặt ra các câu hỏi tương tự như câu hỏi của các điều tra viên khi tiến hành các vụ điều tra hỏa hoạn chết người. Chúng ta có bộ tiêu chuẩn về phòng cháy SOC (Standard of Care) khi tiến hành một cuộc điều tra hỏa hoạn. SOC đó được nêu trong một ấn phẩm do Hiệp hội phòng cháy Quốc gia xuất bản, một tổ chức toàn thế giới chuyên về hỏa hoạn và các khía cạnh khác nhau về phòng cháy, chữa cháy, an toàn.
Giang Nguyễn : Khi đọc bản kết luận điều tra, cũng như xem các hình ảnh mà chúng tôi cung cấp cho ông liên quan đến cái chết của ba cảnh sát được cho là bị thiêu sống, ông ghi nhận những điều gì nổi bật nhất, những điều gì khiến ông thắc mắc ?
Robert Rowe : Khi tôi xem xét trường hợp cô đã cung cấp, điều đầu tiên tôi làm là xem qua quá trình nói trên về cách tiến hành cuộc điều tra hỏa hoạn. Có rất nhiều chi tiết và nhiều phần thiếu sót trong những thông tin được cung cấp. Vì vậy tôi tự hỏi, liệu cuộc điều tra này có được thực hiện đúng tiêu chuẩn yêu cầu không ? Các điều tra viên có thực hiện đúng bài bản, phương pháp về cách họ tiến hành điều tra không ? Họ đã xem xét tất cả các yếu tố nguyên nhân tiềm ẩn, chẳng hạn các sự cố ngẫu nhiên, do điện, hoặc cơ học, những thứ đó... Trong trường hợp cố ý phóng hỏa, lại càng có rất nhiều yếu tố phải xem xét, chẳng hạn như các sự kiện diễn ra trước sự cố ? Nhân chứng trong khu vực có thấy hoạt động gì khả nghi không ? Sự khám nghiệm hiện trường, những chỉ dẫn về nơi xuất phát đám cháy, chỗ nào không bị lửa cháy tiếp cận, cũng như những thứ nằm không đúng vị trí... Cuối cùng là việc khám nghiệm tử thi nạn nhân. Khi nhìn vào sự kiện này, những điều đó không được đề cập đến, nên làm nảy sinh ra rất nhiều câu hỏi trong đầu tôi.
Giang Nguyễn : Ông muốn nói là bản kết luận điều tra có vẻ như không được thực hiện một cách có quy trình bài bản ?
Robert Rowe : Chính xác là vậy. Nó rất mơ hồ và không rõ ràng, và tôi không thể thu thập được từ bản kết luận điều tra đó rằng đã có một cuộc điều tra xét xử công bằng, khách quan và thấu đáo.
Bản kết luận điều tra có vẻ được thực hiện một cách gấp gáp, dường như không có đề cập đến quá trình điều tra diễn ra như thế nào, các điều tra viên đã làm gì tại hiện trường. Những lời khai của nhân chứng đã được thực hiện tại thời điểm xảy ra vụ cháy có không ? Kết quả khám nghiệm tử thi là gì ? Có ba nạn nhân, thì phải có ba cuộc điều tra độc lập riêng biệt về cách ba nạn nhân chết như thế nào. Ví dụ họ có thể có những chấn thương thể chất từ trước khi bị đốt, có thể bị tấn công hoặc, bị đâm hoặc bị bắn, bất cứ điều gì đó có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết. Thông thường khi có một vụ giết người liên quan đến hỏa hoạn, điều tra viên sẽ phải xem xét người đó đã chết trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn hay chính lửa cháy khiến người đó chết. Vì vậy, khám nghiệm tử thi là cực kỳ quan trọng khi tiến hành điều tra vụ án có người chết trong đám cháy.
Giang Nguyễn : Xét qua hình ảnh và kết luận điều tra, ông nhận định như thế nào về khả năng ba cán bộ đã rơi xuống hố sâu 4 mét, bị đổ xăng nhiều lần khiến họ bị cháy đến độ không nhận ra ?
Cụ Lê Đình Kình. Photo : youtube
Robert Rowe : Liên quan đến cái hố là một không gian hạn chế nhỏ, nơi mà xăng được cho là đã bị đá xuống, thì nó sẽ không có chỗ nào khác để đi ngoài kích thước của hố và đổ lên các nạn nhân. Sẽ có một nồng độ cao của chất gia tốc, như chất lỏng dễ cháy, sẽ bốc cháy rất mạnh trong một không gian hạn chế.
Kiểu mẫu của lửa và nhiệt độ tỏa ra từ hố sẽ rất quyết liệt. Điều kiện sẽ không cho phép người hoặc xăng đang cháy thoát ra. Vì vậy sẽ cực kỳ nóng, cường độ nhiệt sẽ cao đáng kể. Do đó, kết quả là cơ thể và quần áo sẽ bị cháy thành than. Từ những hình ảnh tôi nhìn thấy, các thi thể bị đốt thành than và các thi thể bị thiêu rụi phải là trong một thời gian dài. Điều này dẫn đến một khía cạnh khác : đó là thời gian phản ứng của sở cứu hỏa. Họ đã đến hiện trường nhanh như thế nào ? Họ để đám cháy tiếp tục cháy ngay cả sau khi họ xuất hiện tại hiện trường hay sao ? Có rất nhiều câu hỏi tôi sẽ hỏi với tư cách là một điều tra viên về vụ cháy này.
Giang Nguyễn : Từ những hình ảnh được chụp sau khi sự cố xảy ra, ông có thấy vết thiệt hại trên tường của hố có phù hợp với một đám cháy mà chúng ta được mô tả không ?
Robert Rowe : Có nhiều dạng khác nhau mà các nhà điều tra hỏa hoạn xem xét để xác định loại nhiên liệu cháy. Dạng lửa được gọi là những chỉ dấu đốt cháy. Những chỉ dấu này cho biết lửa cháy như thế nào, loại vật liệu gì bị đốt cháy. Trong một vụ cháy thông thường, nhiệt tăng lên, khi nhiên liệu bị đốt cháy sẽ tạo ra hình chữ V trên tường. Bạn hãy tưởng tượng một thùng rác dựa vào tường. Sau khi lửa được dập tắt, bạn sẽ thấy một hình chữ V. Nếu là đám cháy từ chất lỏng dễ cháy, thì dạng cháy sẽ ngược lại, họ gọi đó là kiểu chữ V ngược. Lý do là chất lỏng đang tụ lại ở dưới đáy, khi phát cháy, lửa cháy đi lên và đi vào phía trong… Kiểu mẫu hình mà tôi đã quan sát trên các bức tường trên hình đã cho thấy hình chữ V ngược. Mặc dù không thể hiện rõ lắm, khó thấy, và người thường sẽ không thể nhận diện ra được, nhưng hình dạng phù hợp với loại nhiên liệu được đề cập.
Thứ hai, khi tiến hành điều tra, chúng tôi sẽ thu thập mẫu của các bề mặt khác và gửi đến phòng thí nghiệm để được kiểm tra bởi những người có trình độ chuyên môn... Điều tra này không nhắc đến loại mẫu nào được lấy từ khu vực hoặc thi thể để xác nhận loại vật liệu được sử dụng để đốt cháy.
Giang Nguyễn : Có thể nói là cuộc điều tra đáng lý phải được thi hành một cách kỷ luật hơn ?
Robert Rowe : Đây là quan điểm của tôi. Khi có một người đang phải đối mặt với tù án chung thân hoặc bản án tử hình, bạn cần phải tái điều tra hoặc mở lại vụ án. Vì các điều tra viên trong vụ án này, cho dù họ có quan tâm hay không ; họ có nghĩa vụ. Họ có nghĩa vụ thực hiện công việc của mình theo cách họ đã được đào tạo, và theo hướng dẫn của bộ tiêu chuẩn về phòng cháy SOC.
Vì vậy, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần phải được trả lời, thì nên có một cuộc điều tra chính xác và thích hợp để xem xét lại trường hợp đó bởi các chuyên gia biết mình đang làm gì và thực hiện những bước cần thiết để có một cuộc điều tra thích hợp và chính xác. Nếu có những lỗ hỏng, thì cần phải được giải đáp. Nếu cần mở lại cuộc điều tra để có những câu trả lời thỏa đáng, tôi thực sự khuyên các nhà điều tra nên làm điều đó. Nhưng, phải nói, chúng ta đang ở hai thế giới khác nhau.
Giang Nguyễn : Còn rất nhiều điều mọi người trông chờ qua cuộc điều tra này mà không được đáp ứng thỏa đáng. Mong rằng tòa án sẽ xét xử lại và mở ra một cuộc điều tra mới, như ông đề cập. Cảm ơn ông Robert Rowe thật nhiều.
Robert Rowe : Cảm ơn cô.
Giang Nguyễn
Nguồn : RFA, 28/09/2020