Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/09/2020

Oslo Freedom Forum 2020

Song Chi

Diễn đàn Tự do Oslo (Oslo Freedom Forum-OFF) là một loạt các hội nghị toàn cầu do tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation) có trụ sở tại New York điều hành với khẩu hiệu "Thách thức quyền lực" ("Challenging Power"). OFF được thành lập vào năm 2009 bởi Thor Halvorssen, sinh năm 1976, nhà hoạt động nhân quyền và nhà sản xuất phim người Venezuela, như một sự kiện diễn ra một lần hàng năm kể từ đó.

oslo1

Oslo Freedom Forum được tổ chức hoàn toàn online, trong 2 ngày 24 và 25/9 vừa qua

Một trong những mục tiêu chính của hội nghị là tập hợp những người đáng chú ý, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, những người đoạt giải Nobel Hòa bình, các tù nhân lương tâm, cũng như các nhân vật của công chúng khác, để kết nối và trao đổi ý kiến về nhân quyền và vạch trần các chế độ độc tài.

Hội nghị OFF chính được tổ chức hàng năm ở trung tâm Oslo, Na Uy trong khi các sự kiện vệ tinh đã được tổ chức ở San Francisco và New York, và trong khuôn viên trường đại học ở Hoa Kỳ.

Năm nay vì tình hình dịch bệnh Oslo Freedom Forum được tổ chức hoàn toàn online, trong 2 ngày Thứ Năm 24/9 và Thứ Sáu 25/9 vừa qua.

Các diễn giả góp mặt năm nay gồm có Gulchehra Hoja-nhà báo người Duy Ngô Nhĩ, Mohamed Nagi Alassam- bác sĩ và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Sudan, Thanathorn Juangroongruangkit-lãnh đạo đối lập người Thái Lan, Masih Alinejad-nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền người Iran, Christopher Balding, học giả vả chuyên gia kinh tế về Trung Quốc người Mỹ, Ariel Ruiz Urquiola-người Cuba, nhà bảo vệ môi trường và nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của LGBTQ, Fatou Toufah Jallow-"người sống sót" (a survivor) và nhà hoạt động chống cưỡng hiếp người Gambia, Lyudmila Savchuk-nhà báo điều tra người Nga, Nathan Law-nhà hoạt động ủng hộ dân chủ người Hong Kong, Bryan Fogel-đạo diễn đoạt giải Oscar, Eunhee Park-người đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên, Svetlana Tikhanovskaya-lãnh đạo phong trào dân chủ Belarus.

Ngoài ra còn có sự có mặt của Marianne Hagen-Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hoàng gia Na uy (State Secretary at the Royal Norwegian Ministry of Foreign Affairs), Audrey Tang-Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan (Taiwan’s Digital Minister, Jack Dorsey-CEO của Twitter và Square, Garry Kasparov-Chủ tịch Quỹ Nhân quyền (Chairman of the Human Rights Foundation).

Các diễn giả kể về câu chuyện của bản thân họ, qua đó tái hiện bối cảnh chính trị-xã hội, tình trạng nhân quyền tại đất nước họ.

Năm nay khán giả được nghe câu chuyện của Gulchehra Hoja, người đã đào thoát khỏi vùng đất Tân Cương, hiện đang sống tại Mỹ và là một nhà báo làm việc cho RFA, kể về bi kịch của người Duy Ngô Nhĩ dưới sự kềm kẹp của chế độ độc tài Trung Cộng, về việc 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị lùa vào các trại tập trung và các chính sách tẩy não, diệt chủng từ từ của Bắc Kinh, man rợ không khác gì những trại tập trung Holocaust thời phát xít.

Masih Alinejad-nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền người Iran, kể về chế độ độc tài Iran nơi từ nhiều năm nay người ta có thể bị bắt, bị tra tấn, bị buộc phải đưa ra những lời nhận tội hoặc làm chứng sai, bị kết án tử hình treo cổ chỉ vì lên tiếng đấu tranh một cách ôn hòa.

Fatou Toufah Jallow, cô gái người Gambia tự nhận mình là một "người sống sót", đã tham dự một cuộc thi sắc đẹp (beauty pageant) được tài trợ bởi Yahya Jammeh, chính trị gia, cựu sĩ quan quân đội, Tổng thống Gambia từ năm 1996 đến năm 2017, chỉ vì muốn được "đổi đời", có một tương lai khá hơn.

Fatou Toufah Jallow đã chiến thắng cuộc thi nhưng khi từ chối làm vợ Yahya Jammeh, cô bị ông ta cưỡng hiếp. Jammeh là một nhà độc tài khét tiếng của Gambia. Khi còn tại nhiệm, ông ta đã cai trị đất nước bằng bàn tay sắt, và đã ăn cắp hàng triệu đô la từ kho bạc của đất nước để trang trải cho cuộc sống xa hoa. Sau khi rời nhiệm sở, tài sản của ông bị nhiều nước đóng băng và ông phải sống lưu vong. Ngoài tội danh tham nhũng và vi phạm nhân quyền, ông ta còn bị cáo buộc cưỡng hiếp một số phụ nữ trẻ.

Sau khi bị cưỡng hiếp và từ chối tiếp tục làm "món đồ chơi" cho Jammeh, Fatou Toufah Jallow buộc phải tìm đường lưu vong, đến Canada và sau này trở thành một nhà hoạt động lên tiếng chống lại cưỡng hiếp ở Gambia, đồng thời thành lập Toufah Foundation để giúp đỡ các cô gái, phụ nữ nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp.

Lyudmila Savchuk-nhà báo điều tra người Nga kể cho chúng ta nghe dưới chế độ độc tài của Vladimir Putin, bao nhiêu nhà báo, nhà bất đồng chính kiến, chính trị gia đối lập…đã bị ám sát, thủ tiêu, hạ độc như thế nào. Alexei Navalny, chính trị gia đối lập, người bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok chỉ là trường hợp gần đây nhất mà thôi. Bất cứ ai dám lên tiếng chỉ trích Putin, chỉ trích chế độ hay tìm cách điều tra về những hoạt động sai trái của chính phủ do Putin lãnh đạo, không chỉ bị đầu độc về thể xác mà cả "đầu độc", "khủng bố" về tinh thần bởi hệ thống báo chí truyền thông cho tới cảnh sát chìm, mật vụ…

Eunhee Park kể về cuộc sống của cô dưới chế độ độc tài hà khắc ở Bắc Hàn, nơi mà cảnh sát có mặt khắp nơi, hầu như cứ cách 200m, nơi mà cô chỉ cần để tóc dài, đeo bông tai hay ăn mặc khác một chút đi trên đường là đã bị cảnh sát chặn lại, bị cắt tóc ngay giữa đường phố. Và cô phải tìm cách đào tẩu sang Nam Hàn.

Và còn nữa, bao nhiêu câu chuyện khác, từ những con người đại diện cho những dân tộc khác nhau nhưng điểm chung là đều từng phải trải qua những năm tháng sống dưới những chế độ độc tài tàn bạo, từ dân tộc Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong, Iran, Nga, Cuba, Bắc Triều Tiên, Sudan, Gambia, Belarus…

Mọi chế độ độc tài đều giống nhau, luôn muốn thâu tóm mọi quyền lực càng lâu càng tốt, không bao giờ chịu từ bỏ quyền lực, luôn dùng bạo lực kết hợp với những hình thức tuyên truyền, tẩy não, khủng bố về tinh thần và những chính sách mỵ dân, ngu dân…để giam cầm người dân dưới sự kiểm soát, cai trị của chế độ. Ở đâu cũng vậy, có áp bức thì sẽ có đấu tranh, từ các nước XNCH cũ, các nước Bắc Phi cho tới Hong Kong, Thái Lan, Belarus, Nga…những phong trào biểu tình đã nổi dậy và tại nhiều quốc gia, các chế độ độc tài đã sụp đổ, nhiều nhân vật độc tài khét tiếng bị truất phế, bị giam cầm hoặc phải sống lưu vong.

Câu chuyện của những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền phài rời khỏi nước sống lưu vong cũng đều có những điểm chung : không ai muốn rời bỏ quê hương ra đi, như tâm sự day dứt của Nathan Law- một trong những thủ lĩnh sinh viên trong Phong trào Dù Vàng ở Hong Kong năm 2014, người sáng lập và là cựu chủ tịch của Demosistō, một đảng chính trị mới xuất phát từ cuộc biểu tình năm 2014, nhà lập pháp trẻ nhất trong lịch sử của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông khi được bầu vào năm 2016, 23 tuổi, nay buộc phải sống lưu vong tại UK. Tất cả đều phải đối mặt với cuộc sống mới cô đơn, đầy khó khăn, thử thách tại một quốc gia khác, thoạt đầu không biết phải bắt đầu từ đâu. Eunhee Park thậm chí còn nói rằng việc đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên còn dễ hơn việc hội nhập và tồn tại ở Nam Hàn, khi nhiều người vẫn "kỳ thị" những người đến từ Bắc Hàn như cô.

Nhưng tất cả họ đều đã vượt qua những trở ngại từ trong chính bản thân và những trở ngại bên ngoài để sống với tâm niệm phải lên tiếng thay cho những người dân tại quốc gia của mình không thể cất lên tiếng nói, với niềm tin mãnh liệt rằng lịch sử đất nước mình, dân tộc mình rồi sẽ thay đổi, bởi vì không có một chế độ độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi.

Một điều đáng chú ý nữa là năm nay hình ảnh xấu xí, hồ sơ nhân quyền tệ hại của chế độ độc tài Trung Cộng trở nên nổi bật hơn qua câu chuyện của những nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong hay ngay cả Christopher Balding, học giả vả chuyên gia kinh tế về Trung Quốc, đồng tác giả cuốn "Who Owns Huawei ?" với Donald Clarke, khi nói về việc Trung Cộng đã sử dụng công nghệ, kỹ thuật số để thu thập dữ liệu về người dân, qua đó phân loại, kiểm soát, do thám người dân như thế nào. Điều đó cho thấy thế giới đã bắt đầu chú ý vả cảnh giác đối với Trung Cộng.

Những diễn đàn như Oslo Freedom Forum thực sự tạo cơ hội cho những người bất đồng chính kiến trên thế giới được gặp gỡ, lên tiếng, chia sẻ, truyền cảm hứng, niềm tin và hy vọng, rằng những cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền của từng cá nhân, từng dân tộc không bao giờ đơn độc.

Lắng nghe những câu chuyện của họ và nghĩ đến Việt Nam. Thật tiếc là VN không có gương mặt đại diện để kể với thế giới câu chuyện về VN dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo. Muốn đấu tranh cho Việt Nam, chúng ta cần phải gia tăng việc có mặt tại các diễn đàn quốc tế, nhắc nhở với thế giới về tình trạng của Việt Nam, kêu gọi sự chia sẻ, hiệp lực, điều mà những nhà hoạt động từ các quốc gia khác nhau đã và đang làm. Phải tự mình đấu tranh trước, sau đó mới có thể kêu gọi sự chú ý, đồng tâm hiệp lực của thế giới.

Không một ai có thể thay đổi số phận của một quốc gia, một dân tộc, ngoại trừ chính dân tộc đó.

Song Chi

Nguồn : RFA, 27/09/2020 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)