Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/09/2020

Định hướng chính trị của Đại hội 13 là "hạnh phúc" (…của ai) ?

Mỹ Thuận - Lâm Viên

Vì sao văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII lại nhấn về "hạnh phúc" ?

Mỹ Thuận, VNTB, 28/09/2020

Để người dân có thể "sung sướng" thì cần phải "bình yên" và "hạnh phúc".

hanhphuc1

Niềm vui chiến thắng trên sân vận động Rizal Memorial (Philippines) - nơi diễn ra trận chung kết bóng đá U22 - Thanh Niên, 10/12/2019 / ĐỘC LẬP - Ảnh minh họa

"Trong dự thảo lần này có nhấn mạnh đến vấn đề "khát vọng phát triển đất nước". Khát vọng phát triển đất nước là một yếu tố rất là mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội địa, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào thì lúc đầu nhiều người nghĩ là "xây dựng một nước Việt Nam hùng cường". Việc này cũng đúng. Nhưng sau qua cân nhắc toàn diện, gần đây nhất, Tiểu ban Văn kiện báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Đặc biệt là nhấn mạnh đến yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân.

Qua đại dịch Covid-19 vừa rồi càng ngày càng hiểu là : "hóa ra không phải cứ thu nhập cao là sung sướng, không phải cứ tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc".

Cho nên, yếu tố "hạnh phúc" là một điểm nhấn trong dự thảo lần này, tính con người, tính nhân văn được thể hiện đậm nét".

GS.Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đã trả lời báo chí như trên ở bên lề "Hội thảo những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng", tổ chức vào sáng 26/9 tại Hà Nội.

Xét thuần về "Tư tưởng Hồ Chí Minh", cho thấy dường như ngài Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đang có dấu hiệu của hành vi "tự diễn biến – tự chuyển hóa", thậm chí là đang có hơi hướm của chủ nghĩa xét lại.

Trở ngược lịch sử, theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Với Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản, tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là câu trả lời cho mong muốn chủ quan của con người theo quan niệm duy tâm, không tưởng, mà là câu trả lời cho một sự vận động lịch sử hiện thực theo khái niệm duy vật phê phán.

Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội trong quan điểm Hồ Chí Minh không thể suy nghĩ chủ quan, giáo điều, nóng vội, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, đặc điểm thế giới và xu thế của thời đại.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Các lập luận như nêu ở trên là rất quen thuộc với những ai từng theo học các lớp bồi dưỡng định kỳ về "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Vậy thì nếu sắp tới đây văn kiện Đại hội Đảng XIII tái đặt lại yêu cầu về "hạnh phúc" ở mức được gọi là "Khát vọng phát triển đất nước", thì hóa ra suốt mấy mươi năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn loay hoay tìm lời giải cho thế nào là "hạnh phúc" của "nhân dân" ?

Cũng đúng, "hạnh phúc – tự do" theo quan điểm Hồ Chí Minh, là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

hanhphuc3

Danh sách các khoản thu đầu năm ở một trường tiểu học công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một dẫn chứng thời sự nhân dịp năm học mới vừa bắt đầu, "Ai cũng được học hành" là điều hết sức mỉa mai, vì tiếng là hệ thống trường công lập, nhưng phụ huynh không chỉ phải đóng học phí cho con em hàng tháng, mà còn phải đóng vô số các khoản tiền khác – ghi nhận ý kiến cụ thể từ phụ huynh :

"Trường Trung học phổ thông công lập Lê Quý Đôn (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) có các khoản phí được đưa ra, ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng/ tháng, còn phải đóng thêm các khoản như tiền nước uống 200.000 đồng/năm ; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm ; ấn phẩm 50.000 đồng/năm ; tập san 130.000 đồng/năm ; sách tiếng anh 142.000 đồng/năm ; quỹ trường 400.000 đồng/năm ; tiền phô tô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường ; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…".

Mỹ Thuận

Nguồn : VNTB, 28/09/2020

************************

Hạnh phúc là gì ?

Lâm Viên, VNTB, 28/09/2020

Yếu tố "hạnh phúc" là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII.

hanhphuc2

Ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, để khẳng định rằng, "Yếu tố "hạnh phúc" là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII"

Bài báo trên Vietnam Net đã dẫn lời của giáo sư, tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, để khẳng định rằng, "Yếu tố "hạnh phúc" là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII" (*).

Lý lịch khoa học công khai trên báo chí cho biết ông Phùng Hữu Phú là tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa cộng sản khoa học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (Liên Xô). "Hạnh phúc" theo góc nhìn của một tiến sĩ chuyên ngành chủ nghĩa cộng sản, có lẽ sẽ tương đồng với quan điểm về "hạnh phúc" của ông tổ chủ nghĩa cộng sản là Các-Mác (Karl Marx).

Ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, Mác đã nhận thức : "Những ai đem lại hạnh phúc cho một số lượng người nhiều nhất là người hạnh phúc nhất".

Ngay từ những năm tháng còn trẻ, Mác đã luôn chủ trương đưa những vấn đề lý luận vào thực tiễn để cải biến thực tiễn : "Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới". Do đó, Mác đã yêu cầu việc tìm kiếm hạnh phúc thực sự của con người trước tiên phải gắn liền với hành động của con người.

Hạnh phúc phải gắn liền với hành động, nhưng không phải là bất kỳ hành động nào, mà phải là những hành động đấu tranh. Đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn tồn tại khách quan, phủ định mặt đối lập trên cơ sở kế thừa cái cũ, cái tích cực để đưa tới sự thống nhất hòa hợp, tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn.

Với Mác, nội dung đấu tranh cao nhất đó chính là đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội, thúc đẩy loài người tiến lên hình thái kinh tế – xã hội cao hơn thông qua các cuộc cách mạng xã hội, trong tiến trình đấu tranh ấy, con người đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của loài người nói chung, cho bản thân mình nói riêng.

Theo cách hiểu trên, người dân xứ Việt đã và đang liên tục để đấu tranh cho tìm kiếm hạnh phúc. Với người dân Việt Nam, họ phải buộc đấu tranh vì liên tục hết những bi kịch này đến bi kịch khác cứ đổ ập xuống số phận người dân, với các tên gọi giờ nhắc lại chắc vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ : "Cải cách ruộng đất", "Nhân văn Giai Phẩm", "Vụ án xét lại" ; 20 năm cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, rồi nào "học tập cải tạo", "thuyền nhân", "chủ nghĩa lý lịch", "cải tạo tư sản mại bản", "cải tạo công thương nghiệp", "dân oan"…

Lại có ý kiến, "Hạnh phúc là gì mà chúng ta ai cũng vất vả đi tìm ? Có phải hạnh phúc thực sự là đích đến của cuộc đời này ?".

Từ góc độ sinh học, cảm giác hạnh phúc là kết quả của việc bốn hóa chất phối hợp ăn ý với nhau : dopamine như một cánh tay xốc chúng ta bật dậy từ chiếc ghế lười biếng, endorphins khiến cái chân đau bước nhẹ nhàng hơn, oxytocin giúp ta đến gần bên những người yêu dấu với một cái ôm dịu dàng, và serotonin là cảm giác hạnh phúc khi người yêu dấu ấy nói rằng cái ôm này làm họ sung sướng biết bao. Ta như bay lên trong một khoảnh khắc an vui. Cuộc đời thật đẹp.

Vấn đề là, khoảnh khắc ấy luôn luôn trôi qua. Niềm vui nào cũng dần dần cạn.

Liệu sau khi những chiếc ghế quyền lực đã được củng cố sau Đại hội XIII của những người cộng sản Việt Nam, khi đó "hạnh phúc" sẽ được hiểu và vận hành ra sao ở bộ máy kỹ trị đơn đảng ?

Rất có thể khi ấy, thêm một lần nữa, người dân Việt lại cay đắng nhận thấy rằng "hạnh phúc" mà những người cộng sản đưa ra, nó giống như là một viên đường mà tạo hóa cho vào một số hành vi nhất định để chúng ta thấy ngọt mà ăn. Hạnh phúc không phải mục đích, nó là một công cụ phục vụ sự sinh tồn cho tổng thể của nhóm người nào đó ở độc đảng chính trị cầm quyền.

Trong phạm vi hẹp của ý nghĩa "hạnh phúc", mà vị giáo sư, tiến sĩ ở đầu bài viết này nói rằng đây là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, thì với người dân, họ sẽ hạnh phúc khi lá phiếu cử tri của người dân được quyền chọn đúng người để đại diện họ trong quản trị quốc gia.

Hạnh phúc cũng trong phạm vi hẹp theo đúng cách nói của ông Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, có nghĩa người dân với các quyền đã Hiến định, cần phải được thực thi mà không bị giới hạn bất kỳ điều gì ngoài luật pháp, đó là quyền tự do ngôn luận – bao gồm tự do làm báo, tự do tư tưởng, tự do học thuật ; quyền tự do biểu tình ; quyền tự do lập hội…

Và nói như Mác, người dân cần phải biết đấu tranh để có được những hạnh phúc ‘Hiến định’ ấy !.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 28/09/2020

Chú thích :

(*) Yếu tố "hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mỹ huận, Lâm Viên
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)