Dữ liệu cho thấy, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông có những tác động đáng kể đến các tuyến đường vận chuyển hàng hải trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng cường quốc Châu Á đang trỗi dậy này có thể đang xác định tư thế để có thể đặc định các điều kiện thương mại qua các vùng biển tranh chấp đó.
Lưu lượng vận chuyển qua Biển Đông (trái) và đặc biệt là qua quần đảo Trường Sa (phải), trong năm 2017. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp. Đường màu xanh lá cây và màu đỏ biểu thị giao thông thương mại đông đúc ; đường màu xanh lam biểu thị đường ít có di chuyển. Đáng chú ý, lưu lượng tàu bè qua khu vực này gần như tránh hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Một con đường hẹp duy nhất ngoài khơi Palawan, Philippines, là tuyến đường chính xuyên qua vùng biển ở đây. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.
Trung Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận quân sự ở quần đảo Hoàng Sa trong ba tháng qua, trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ đang gia tăng. Trong cả hai trường hợp, Trung Quốc đã ngăn chặn tất cả giao thông hàng hải qua khu vực trong thời gian diễn tập. Và trong cuộc tập trận lần thứ nhì, họ cũng đã cho phóng tên lửa đạn đạo chống hạm. Hôm thứ Bảy, họ đã công bố thêm hai cuộc tập trận ở quần đảo Hoàng Sa trong tuần này – nâng tổng số các cuộc tập trận từng thực hiện trong khu vực này lên bốn vụ.
Các chuyên gia cho rằng cuộc tập trận ở Biển Đông, bao trùm diện tích hơn 13.000 dặm vuông ngoài khơi tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, có thể làm gián đoạn vận chuyển, nhưng chỉ trong một ít ngày vào đầu tháng Bảy và cuối tháng Tám. Đáng chú ý hơn là các xu hướng hiện rõ qua dữ liệu theo dõi tàu bè trong một thời gian dài, cho thấy các tàu thương mại đang tránh các tiền đồn và đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa nằm ở phần phía bắc của Biển Đông, và đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa xa hơn về phía nam. Ở cả hai nơi, lưu lượng vận chuyển càng tập trung nhiều hơn vào một số nhỏ các tuyến đường ngày càng đông đúc.
Ông Sal Mercogliano, một nhà sử học hàng hải tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, nói".Chỉ có một số các đoạn đường rất hẹp xuyên qua Biển Đông chạy dọc quần đảo Trường Sa. Không cần có biến cố lớn để làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên các tuyến đường biển đó".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên "quyền lịch sử", một lập trường không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Điều đó đã khiến Bắc Kinh đụng độ với sáu chính phủ Châu Á khác – Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Indonesia. Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phổ biến hàng năm, Trung Quốc đã khẳng định quyền hạn của họ bằng cách triển khai lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc. Cả hai lực lượng là các hạm đội lớn nhất trên thế giới.
Hoa Kỳ thường lập luận rằng hành vi quân sự hóa của Trung Quốc là mối đe dọa tự do mậu dịch và giao thông hàng hải. Úc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Ấn Độ và Đức cũng đã nêu lên quan ngại này.
Gần một phần ba thương mại thế giới đi qua Biển Đông, với hàng hóa trị giá khoảng 5.000 tỷ Mỹ kim. Trong 10 cảng lớn nhất thâu nhận các tàu chở hàng hóa này thì có 9 cảng ở Châu Á.
Cho đến nay, có rất ít bằng chứng về sự gián đoạn nghiêm trọng vận chuyển mậu dịch ở Biển Đông. Tuy nhiên, dữ liệu được thu thập bởi MarineTraffic, một dịch vụ trực tuyến theo dõi tàu bè, cho thấy từ năm 2016 đến 2017, hầu hết các tàu chở dầu hoặc hàng hóa đều đi quanh quần đảo Hoàng Sa, làm tăng lưu lượng vận chuyển tại khu vực về phía đông nam và tây bắc, cho dù có tuyến đường trực tiếp hơn thông qua quần đảo Hoàng Sa mà ít tốn phí nhiên liệu.
Tàu bè đi lại ở nửa phía bắc của Biển Đông năm 2017. Các đường màu xanh lá cây cho thấy lưu lượng giao thông cao hơn. Trong cả hai năm, hầu hết các tàu chọn đi quanh hơn là đi thẳng qua quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc chiếm đóng và đã phát triển thành trung tâm quân sự lớn. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.
Shipmap, một công cụ trực quan hóa đường vận chuyển do Viện Năng lượng của Đại học College London phát triển, cho thấy được số lượng vận chuyển container (thùng kín) qua khu vực này vào năm 2012. Tàu bè thường xuyên đi ngang Hoàng Sa, giữa Đảo Linh Côn và Đảo Phú Lâm. Đây là trước khi các dự án bối lấp đất và nạo vét quy mô lớn biến hai đảo này trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc vào năm 2014.
Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải qua Hoàng Sa vào cuối tháng 8 và coi đây là một nỗ lực "đảm bảo các tuyến đường vận chuyển quan trọng trong khu vực vẫn được tự do và rộng mở". Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm hoàn toàn nhưng Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.
Ông Johan Gott, một đối tác của công ty tư vấn vấn về rủi ro chính trị PRISM, và ông Mercogliano cho biết tác động từ việc chuyển hướng vận chuyển hàng hải qua quần đảo Hoàng Sa còn tương đối nhỏ.
Nhưng ở Trường Sa, nằm xa hơn về phía nam, nơi các yêu sách lãnh thổ xung đột đặc biệt phức tạp, tác động này rõ nét hơn. Dữ liệu của MarineTraffic từ năm 2017 cho thấy lưu lượng tàu bè qua khu vực này gần như tránh hoàn toàn quần đảo đang bị tranh chấp. Một con đường hẹp duy nhất ngoài khơi Palawan, Philippines, là tuyến đường chính xuyên qua vùng biển đó.
Các bản đồ trước đây của khu vực, trong đó có bản đồ từ năm 2012 nêu trên, cho thấy không phải là một sự thay đổi mới đây : vận chuyển hàng hải từ lâu nay đã tránh đi quanh khu vực này từ trước khi Trung Quốc tung hoành xây đảo ở Trường Sa.
Trung Quốc hiện có các căn cứ tại Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Su Bi, Bải Châu Viên, Đá Gạc Ma và Đá Ga Ven, bao gồm các phi đạo và bến cảng để phục vụ các tàu tuần duyên hoặc tàu dân sự. Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều chiếm đóng hoặc có yêu sách trên một số đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cạn trong quần đảo này.
Cận cảnh quần đảo Trường Sa và các tuyến đường mà tàu mậu dịch dùng để tránh khu vực này. Vì chỉ có ít lối đi hẹp mà các tàu bè có để đi vòng quanh quần đảo Trường Sa, ông Mercogliano cho rằng sẽ không tốn nhiều nỗ lực để phá các tuyến vận chuyển quan trọng đó, điều này giải thích cho việc Trung Quốc đã quân sự hóa khu vực. Dữ liệu do MarineTraffic cung cấp.
Mối đe dọa khẩn cấp hơn
Mặc dù những xu hướng này nêu lên tác động đến hoạt động vận tải biển ở Biển Đông ; tuy vậy chưa có nhiều bằng chứng lắm cho thấy việc quân sự hóa ở đây từ phía Trung Quốc đã đe dọa đến thương mại tự do.
"Trong thời bình, tôi không thấy có sự gián đoạn đáng kể nào đối với lưu lượng hàng hóa", ông Gott nói.
Ông lưu ý rằng Trung Quốc không có lợi ích gì khi can thiệp vào vận chuyển mậu dịch vì hàng hóa của Trung Quốc cũng đi qua khu vực này. Bảy trong số 10 cảng thương mại lớn nhất là ở Trung Quốc, và một số công ty vận chuyển hàng hải lớn nhất thế giới cũng của Trung Quốc và phụ thuộc vào việc tiếp cận tuyến đường này.
Ông Gott nói thêm, các cuộc tập trận quân sự, như các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến hành vào mùa hè vừa qua ở Hoàng Sa, sẽ ít ảnh hưởng đến tổn phí và lợi nhuận của các công ty vận chuyển hàng hải vì các tàu đã thích nghi với hoàn cảnh này rồi.
"Việc vận chuyển có sự gián đoạn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn hạn, và tôi nghĩ rằng các công ty vận chuyển đã quen với việc phải định tuyến và điều hướng lại, vì thời tiết, vì [các cuộc tập trận] quân sự, hay vì bất cứ điều gì", ông Gott nói. "Tôi không nghĩ rằng sẽ là sự chênh lệch đáng chú ý về tổn phí vận chuyển của một container".
Ông Gott cho rằng mối đe dọa lớn hơn từ hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông liên quan đến việc khai thác tài nguyên trong các vùng đặc quyền kinh tế, còn gọi là EEZ, của các nước láng giềng.
Mỗi quốc gia có một đặc khu kinh tế mở rộng 200 hải lý từ bờ biển của họ, nơi đây có thể khai thác đánh cá, dầu và các tài nguyên khác. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã lấn vào các đặc khu kinh tế của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Đây là mối quan tâm thường được Hoa Kỳ đề cập trong khẩu chiến ngày càng căng thẳng với Trung Quốc.
Khi được Đài Á Châu Tự do hỏi liệu Mỹ có thấy dấu hiệu đe dọa rõ ràng nào đối với vận chuyển hàng hải ở Biển Đông từ phía của Trung Quốc, ông David Helvey, một viên chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, đã đề cập đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế các nước khác khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Ông trích dẫn các trường hợp "triển khai lực lượng hải quân hoặc tuần duyên Trung Quốc hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, cả đơn vị và tàu hải quân [Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] vào vùng đặc quyền kinh tế để quấy rối, thách thức các hoạt động đánh cá hoặc thăm dò và khai thác năng lượng". Ông Helvey phát biểu như trên tại một sự kiện ngày 16 tháng 9 do Viện nghiên cứu Đài Loan Toàn cầu, với trụ sở tại Washington DC, tổ chức.
Một bức ảnh được chụp vào ngày 23/7/2020 cho thấy tàu chở hàng COSCO Shipping rời bến EuroFos tại cảng Fos-Sur-Mer, ở Marseille, miền nam nước Pháp. Với sự hậu thuẫn của chính phủ, COSCO được thành lập từ sự hợp nhất giữa hai tập đoàn vận chuyển hàng hải trong các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2016, tạo ra công ty vận chuyển hàng hải lớn thứ ba trên thế giới. CLEMENT MAHOUDEAU / AFP
Trung Quốc : Cường quốc Hàng hải mạnh hơn Hoa Kỳ ?
Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và hôm thứ Hai đã mô tả việc xây dựng các cơ sở quân sự ở Trường Sa như một hành động thực thi quyền "bảo tồn và tự vệ theo luật pháp quốc tế".
"Chúng tôi xây công trình trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu dân sự ở Biển Đông, cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ công cộng hơn cho khu vực và xa hơn nữa, hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi", phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, theo văn bản được phổ biến của Bộ.
Ông nói thêm : "Việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết trên quần đảo Nam Sa (tên mà Trung Quốc đặt cho Trường Sa) là một hành động thực thi quyền bảo tồn và tự vệ của Trung Quốc dưới luật pháp quốc tế".
Lời nhận định này, theo ông Mercogliano xác định, chính là lý do vì sao Trung Quốc quân sự hóa khu vực : mong muốn đảm bảo thương mại của quốc gia này vì lo ngại rằng Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển mậu dịch.
"Tôi nghĩ một trong những điều mà người Trung Quốc đang cố gắng làm là đảm bảo cho các tuyến đường thương mại đó luôn luôn mở và đó là một trong những lý do họ có mặt trên các tuyến đường đó để đảm bảo không có sự cản trở, lưu lượng hàng hóa không bị ngưng", ông nói.
Ông Mercogliano nói, trong khi nhiều quốc gia khác từ bỏ ý định có một đội tàu buôn quốc gia, thì Trung Quốc đã mở rộng nó. Trung Quốc có một đội thương thuyền lớn hơn Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác. Đội thương thuyền này được thiết kế để đảm bảo vận chuyển hàng hải của Trung Quốc tiếp diễn ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Trung Quốc hiện cũng đóng 40% các con tàu chở hàng trên thế giới.
"Ai là cường quốc hàng hải mạnh hơn" ? ông Mercogliano hỏi. "Nếu bạn đang tham gia một cuộc chiến tranh bắn súng thì câu trả lời là Hải quân Hoa Kỳ, nhưng nếu bạn đang ở trong thời bình, về khía cạnh mậu dịch, có vẻ như Trung Quốc đang ở vị thế tốt hơn".
Theo các chuyên gia, Trung Quốc cũng đang khẳng định vai trò đảm bảo an ninh và thực thi luật pháp ở Biển Đông và điều này có thể cho phép quốc gia này kiểm soát vận chuyển hàng hải nhiều hơn.
Trung Quốc xem Biển Đông là 'vùng biển gần' và cho rằng khu vực này thuộc quyền tài phán của mình. Gần đây Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện ngăn chặn một con tàu bị nghi buôn ma túy ở quần đảo Trường Sa, gần căn cứ quân sự của nước này tại Đá Chữ Thập. Cơ quan lập pháp của Trung Quốc gần đây đã thông qua luật mới về giao thông hàng hải, cho phép các cơ quan cảnh sát hàng hải như lực lượng tuần duyên có quyền truy đuổi và bắt giữ bất kỳ tàu nào bị tình nghi di chuyển qua "vùng biển thuộc quyền tài phán" của họ, một cụm từ mơ hồ bao gồm lãnh hải ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
"Họ muốn trở thành cơ quan quản lý. Họ không muốn để lại khoảng trống cho Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác lấp đầy. Họ thà tự lấp đầy nó", ông Mercogliano nói.
Drake Long
Nguồn : RFA, 30/09/2020