Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2020

Gần đến Đại hội, nội bộ trung ương Đảng tranh nhau chia quyền, giành ghế

Nhiều tác giả

"Trong ấm, ngoài êm" ! ?

Đức Minh, VNTB, 04/10/2020

Những tháng còn lại của năm 2020, chính trường xứ Việt đang vào cuộc nước rút cho kỳ chung cuộc của "Hoa Sơn luận kiếm".

dh1

Ngày 7/2/2020, ông Vương Đình Huệ (giữa) được bổ nhiệm làm bí thư Thành phố Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải (phải) với nét mặt đau khổ như sắp khóc

Ngày 2/10, Ban Tổ chức Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng 9 tháng năm 2020. Báo cáo kết quả công tác 9 tháng năm 2020, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, đã tham mưu cấp ủy hoàn thành 100% đại hội cấp cơ sở, 99,92% đại hội cấp trên trực tiếp cơ sở, tổ chức thành công 14/67 đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương theo đúng quy định, chất lượng, việc thảo luận, đóng góp vào các dự thảo văn kiện đại hội cấp trên được nâng lên.

Việc bầu cử bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và kết quả cơ bản theo đúng phương án nhân sự do cấp ủy khóa trước chuẩn bị. Những người trúng cử đều có tỷ lệ phiếu bầu cao.

Bên cạnh đó, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã triển khai đồng bộ công tác cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội khóa 15. Có 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương đã thực hiện xong quy trình giới thiệu nhân sự Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Xem ra những quân cờ trên bàn cờ chính trị đang dần đi vào quỹ đạo của một ván ‘cờ thế’, hay ‘cờ tàn’ cho các toan tính lựa chọn ‘giáo chủ’ đăng đàn sau hồi chung cuộc của "Hoa Sơn luận kiếm" – như cách nói dân dã của dân Sài Gòn ghiền truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng hoàn thành đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương với chất lượng cao, đúng tiến độ, đồng thời, rút ra những kinh nghiệm hay, bài học quý để chuẩn bị tổ chức thật tốt Đại hội XIII của Đảng.

dh7

Ông Phạm Minh Chính, cam kết : Đảm bảo công tác nhân sự Đại hội XIII ‘trong ấm ngoài êm’ (!?).

Ông Phạm Minh Chính, hàm trung tướng công an, từng là thứ trưởng Bộ Công an. Ông cũng là một những kiếm khách võ lâm được cho là sẽ góp mặt thượng đài trong nhóm kiểu như "võ lâm ngũ bá" trên đỉnh Hoa Sơn ở tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình. Mở ngoặc nói thêm, rất nhiều ý kiến cho rằng ông Phạm Minh Chính lúc giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh – dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã được giao thực hiện đề án đặc khu Vân Đồn với sự hỗ trợ công khai từ phía Đặc khu kinh tế Thẩm Quyến – Trung Quốc.

Đồn đoán còn là việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi ấy đã chủ động đề xuất về sự đồng bộ của xây dựng thêm đặc khu Móng Cái.

"Ông Phạm Minh Chính không phải như những lãnh đạo đảng hay lãnh đạo địa phương khác mà chờ phía trên giao việc. Mà ông muốn chủ động trong công việc.

Thứ nữa, ông Phạm Minh Chính viết rất nhiều sách về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi ổng có nghiên cứu từ thời ổng là Tùy viên sứ quán ở Đông Âu trong giai đoạn Đông Âu chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ. Từ đó mới sinh ra là ông Phạm Minh Chính cũng muốn tích cực làm đặc khu này" – nhà báo tự do Quang Hữu Minh đã có nhận định như vậy về chính khách Phạm Minh Chính.

Rất dễ nhận ra về ông Phạm Minh Chính là một chính khách ‘số má’, và điều này nên khi ông mạnh miệng tuyên bố về Đảm bảo công tác nhân sự Đại hội XIII ‘trong ấm ngoài êm’, có thể hiểu theo đa từng ngữ nghĩa : 

Thứ nhất, ông Chính đã ‘quán triệt’ tuân thủ về những quân cờ, nước cờ, thế cờ mà ông Tổng bí thư yêu cầu cho nhân sự Đại hội Đảng lần thứ 13.

Thứ hai, là nói vậy mà không phải vậy. Ông Chính ngầm cảnh báo rằng đang có làn sóng ngầm âm ỉ đe dọa phá vỡ viễn cảnh ‘trong ấm ngoài êm’. Để mọi chuyện im xuôi, thì ông Tổng bí thư phải nghe theo lời sắp đặt của ông Chính lúc bước vào giai đoạn của thế ‘cờ tàn’.

Thêm từng ngữ nghĩa nữa, là ông Chính đang bắn tin đe dọa phe nhóm quyền lực nào đó ở Bộ Chính trị, khi Bộ này vừa có quyết định phân công bà Phạm Thị Thanh Trà làm Phó ban Tổ chức Trung ương, đồng thời chỉ định bà Trà tham gia Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ.

Bà Trà từng là Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVII. Em trai của bà Trà là Phạm Sỹ Quý – người dính lùm xùm việc sở hữu "biệt phủ" khi đang làm giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, vào đầu năm ngoái cũng được chuyển công tác về Hà Nội, bất chấp nhiều chứng cứ cho thấy thế lực chị em Phạm Thị Thanh Trà – Phạm Sỹ Quý là một ổ tham nhũng to nhất ở tỉnh Yên Bái.

"Trong ấm, ngoài êm" hay sẽ là "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" ?

Đức Minh

Nguồn : VNTB, 04/10/2020

*******************

Đại hội 13 : Phe cánh trong đảng nhộn nhịp chia phần

Phương thức tiến hành công tác nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam đang là một thách thức, khó khăn lớn nhất cho giới phân tích, dự báo trong nước cũng như quốc tế về kỳ Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như về việc bầu chọn dàn nhân sự tại Đại hội này, theo một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Hà Nội.

dh2

Vài tuần trước khi ông Chu Ngọc Anh được bổ nhiệm làm chủ tịch Hà Nội, dân mạng đồn đoán và chia sẻ một bức ảnh khá đặc biệt cho thấy ông Chu Ngọc Anh (bên trái) với ánh mắt dường như rất say đắm khi ngước lên nhìn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nay ông Chu Ngọc Anh được bầu là Chủ tịch Hà Nội, nhưng chỉ có mình ông ấy là ứng cử viên duy nhất

Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 28/9/2020 từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Singapore) nói :

"Cách làm nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay là cách làm trong nội bộ, không có minh bạch, người dân không được biết, họ nói ra cái gì thì người dân biết cái đó.

"Nên đấy có thể coi là cái khó, cái khó nhất, nên các dự báo được phân tích ở mức độ rất hạn chế bởi vì người ta không minh bạch hóa.

"Cho nên sắp tới đây sẽ có một Hội nghị trung ương 13, nghe nói là sẽ tổ chức vào khoảng ngày 05/10, khi đó nếu Đảng cộng sản Việt Nam công bố thêm thông tin, thì khi đó các giới và thế giới sẽ biết cụ thể hơn trong chừng mực nào đó.

"Đó là cái khó khăn nhất vì nhân sự của đảng làm theo lối nội bộ, mặc dù các nguyên tắc thì đảng cũng đã nói ra. Nhưng họ chỉ nói ra các nguyên tắc chung chung thôi, nên việc chuẩn bị cũng chưa được cụ thể lắm.

"Ví dụ người ta nói Ban chấp hành Trung ương khóa tới khoảng 200 người, Bộ Chính trị gồm từ 17 đến 19 người, số ủy viên dự khuyết khoảng độ 20-25 người, độ tuổi thì họ cũng đã công bố.

"Song qua những gì họ đã công bố như quyết định 35, chỉ thị 90 trước đây, sau đó đến tiêu chuẩn trong chỉ thị 214, cũng cho thấy dần dần có sự hé mở ra, cụ thể hơn nữa có thể là phải chờ đợi thêm, thành ra nếu không thận trọng, không nắm rõ các nguyên tắc, dự đoán đưa ra có thể sai".

‘Đã rất cố gắng’

dh3

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV, trong đó ông ca ngợi sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Cuối tháng 8 vừa qua, con trai ông Dũng, Nguyễn Thanh Nghị – bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017

Khi được đề nghị nhận xét về nhận định mà trong thời gian vừa qua và tới nay đã được các giới nghiên cứu, quan sát trong và ngoài Việt Nam đưa ra, ông Hà Hoàng Hợp nói :

"Tôi thấy là người ta cũng đã có cố gắng, thế nhưng người ta lại không dựa vào những gì là chính thống, gần như người ta không dựa vào những gì mà mọi người cùng nghe thấy.

"Cho nên nếu làm và tiếp tục làm như thế thì nó sẽ không làm rõ, không cụ thể hóa được những kết quả nghiên cứu hay dự đoán.

"Nếu không dựa vào một cái gì đó thật cụ thể, ví dụ như những tuyên bố chính thức của Đảng cộng sản Việt Nam trong Hội nghị Trung ương 12 vừa rồi, hoặc trước đó nữa, thì những dự đoán đó chắc chắn sẽ chệch hay lệch so với thực tế.

"Tất nhiên dự đoán, phân tích hay là nghiên cứu là quyền của tất cả mọi người, nhất là dự báo về đại hội đảng của người Việt Nam hiện nay, bởi vì Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, do đó người dân Việt Nam dù muốn hay không, dù nhiều hay ít, đều sẽ và sẽ phải quan tâm.

"Quan sát tất cả những dự báo từ phía bên ngoài hay từ bên trong thời gian qua, có thể thấy có một số dự báo nhìn vào có vẻ rất khoa học, nhưng để khẳng định các dự đoán, dự báo ấy có khớp với thực tế, với những điều mà người ta không muốn nói ra hay không, thì dễ thấy là chúng không khớp.

"Trong khi đó, người dân, trong đó có đảng viên mà không được bầu trực tiếp những vị lãnh đạo, thấy rõ rằng ở đây đảng sử dụng dân chủ tập trung và người ta cũng sử dụng những nguyên tắc khác như là lãnh đạo tập thể, dựa trên những thực hành chuẩn bị đại hội, khá là phức tạp.

"Đại hội 13 đã được khởi động chuẩn bị từ tháng 8/2018, tức là công việc đã bắt đầu hơn hai năm trước khi đại hội tổ chức, có thể thấy ở trong Đảng cộng sản Việt Nam người ta đã rất tập trung và người ta đã bỏ ra nhiều công sức của họ.

Tuy thế kinh nghiệm của các đại hội từ trước tới gần đây cho thấy phải đợi đến sát nút mới có thể thấy rõ là thế nào là các ứng cử viên của những chức vụ quan trọng ở trong đảng, ví dụ như là ‘tứ trụ’ hay là ‘tam trụ’, hoặc ai là Tổng Bí thư, ai giữ ghế nào trong đó.

"Nhưng cứ nhìn một cách đơn giản, có thể thấy rằng số Ủy viên Ban chấp hành Trung ương của Đại hội mà đại hội tới người ta sẽ bầu là ai, thì có thể dễ dàng đoán ra, tôi lấy ví dụ như những người nào mà đại hội cấp tỉnh, cấp thành phố (trực thuộc trung ương chẳng hạn) mà được bầu làm bí thư, thì thường họ được đi dự đại hội đại biểu toàn quốc 13 của Đảng cộng sản và những người ấy sẽ là ứng cử để đưa vào Ban chấp hành Trung ương, cái đó là một cái đơn giản, có căn cứ và có thể thấy được.

"Có thể nói một chi tiết nữa là dường như là Đại hội 13 sẽ không tổ chức vào tháng 01/2021 mà có thể nhóm chậm hơn khoảng một tháng".

‘Dự báo là cần thiết’

dh4

Tổng bí thư Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước cuộc họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hiệp Quốc trong video dài hơn 11 phút với khuôn mặt và giọng nói mệt mỏi và đôi mí mắt sụp xuống không mở ra nổi

Tuy có những khó khăn và thách thức, song theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp công việc dự báo trong các giới nghiên cứu, phân tích chính trị vẫn được chờ đợi và ông đưa ra lý do.

"Dự báo, dự đoán là rất cần thiết bởi vì người ta, người dân quan tâm, bởi vì những người lãnh đạo ấy được bầu lên sẽ có tác động đến quốc gia.

Song chúng ta nhìn thấy một số điều, ví dụ, là người ta đã tuyên bố rất rõ rằng Đại hội 13 không phải là đại hội đảng mà sẽ sửa Điều lệ đảng.

"Mà không phải sửa điều lệ đảng thì sẽ có một chuyện được dẫn tới là không ai được làm một vị trí quá hai khóa liền cả, từ đấy suy ra thêm vấn đề độ tuổi và độ tuổi liên quan cả sức khỏe nữa.

"Rồi nếu người ta không sửa điều lệ thì lấy đâu ra ở đại hội tới có chuyện từ ‘tứ trụ’ thành ‘tam trụ’. Cho nên cứ đoán rằng đại hội tới đây sẽ là ‘tam trụ’ thì nó sẽ trở thành một dự đoán, dự báo buồn cười.

"Qua đó, cứ đoán tiếp thêm rằng ông này, ông kia sẽ ở thêm nhiệm kỳ thứ ba, thì nó càng hài hước. Tôi chỉ lấy một ví dụ là gần đây tôi thấy người ta nói trường hợp như ông Phạm Bình Minh chẳng hạn, là sẽ vẫn là Bộ trưởng Ngoại giao, thì điều đó không đúng, vì ông đã làm hai khóa rồi, do đó tới đây chắc chắn ông sẽ không làm khóa thứ ba Ngoại trưởng nữa, thế còn ông sẽ làm gì thì đến nay người ta cũng đã có dự kiến, nhưng những dự kiến không công bố chính thức, thì phải chờ đợi thêm sẽ rõ hơn.

"Còn về sức khỏe mà nói, nếu không đủ sức khỏe, thì đơn giản là không thể làm được, mà quy định về sức khỏe rất là nghiêm ngặt và trong nội bộ người ta cũng không thể giấu chuyện sức khỏe đó được.

"Một điểm nữa về mặt độ tuổi mà ‘phá trần tuổi’, thì cho tới nay vẫn không có ý kiến nào là bỏ trần tuổi tức giới hạn trên về tuổi, do đó người tuổi quá 65 mà ở lại Tứ trụ (như ngồi ghế Tổng Bí thư v.v…) mà nhiều hơn một trường hợp là không thấy bàn đến.

"Tuy nhiên, cũng có thông tin mới gợi ý rằng HNTW13 có thể sẽ bàn việc định ra số người ở lại quá 65 sẽ nhiều hơn 1, ví dụ là 3. Và có thể sửa nhanh Điều lệ để có người được làm đến khóa thứ ba".

Ảnh 6 : ông Trần Quốc Vượng, cánh tay phải của ông Trọng và là Thường trực Ban bí thư Ban chấp hành Trung ương, là người dẫn đầu nếu ông Trọng thôi chức sau hai nhiệm kỳ trong những tháng tới.

Có gì khác so với Đại hội trước ?

Khi được hỏi liệu ở Đại hội 13 tới đây, so với đại hội kỳ ngay trước, trong quan tâm của giới phân tích, dự báo chính trị Việt Nam có điểm gì khác hay không, ông Hà Hoàng Hợp nói :

"Tôi thấy họ vẫn thế thôi, họ vẫn cứ xem là ai ở trong ‘Tứ trụ’, rồi ai trong Bộ Chính trị, chủ yếu là như thế, còn Ban chấp hành Trung ương đảng thì trong đó vẫn có thể có thay đổi.

"Về số lượng mà nói, thấy có người nói quy định cứng là 15 người, thì tôi thấy làm gì có quy định nào như thế đâu.

"Ngay từ Đại hội 7 hay Đại hội 6, số Ủy viên Bộ Chính trị có lần lên đến 18, 19 hoặc 17 người, không có quy định nào là 15 hay 13 người cả.

"Cho nên cứ dựa vào điều được cho là ‘quy định cứng’ này mà phân tích, dự báo, mà nói, thì sẽ thành bị chệch, thành bị nói bâng quơ thiếu cơ sở.

"Còn việc quan tâm đến các cá nhân thì hoàn toàn đúng thôi, bởi vì quan tâm cá nhân nào làm chức vụ gì liên quan đến việc người ta sẽ suy ra, dự đoán là cá nhân đó có làm được việc không, hoặc sẽ làm được đến đâu, thì đó là quan tâm hoàn toàn hợp lý thôi.

"Nhưng cơ sở để mà nói rằng người ta có thể làm được gì hay không, thực ra là khó biết, bởi vì người dân bình thường làm sao biết được là người ta thực sự có năng lực gì.

"Hay là người ta cũng quan tâm và thấy là không có cái gì là tình cờ cả nếu thấy có hiện tượng chính trị gia cùng quê quán, hay tới từ một vùng miền, vì người ta còn có một nguyên tắc nữa là đảm bảo cơ cấu về vùng miền mà qua đó nhiều người cùng những chỗ đó có thể nắm giữ những vị trí trong Ban Chấp hành Trung ương hay ở cấp cao hơn như là cương vị trong các Ban lớn của đảng hoặc trong Bộ Chính trị hay Ban bí thư v.v…

"Rồi người ta cũng quan tâm và thấy một điều quan trọng là về quan hệ nhân sự và đối ngoại của quốc gia, bây giờ mà đưa một người chưa có kinh nghiệm gì như là trong lĩnh vực đối ngoại mà ra làm công việc đối ngoại là không được, không ai làm thế, trừ phi là người ta có lý do chắc chắn là người đó không phải làm về đối ngoại, nhưng mà làm trong hai lĩnh vực mà liên quan đối ngoại trực tiếp.

"Bởi vì đối ngoại liên quan hai chuyện khác là đến quốc phòng và an ninh, cho nên có thể thấy rõ nhóm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là một nhóm cực kỳ quan trọng, vậy nên nếu một người nào đó mà được cử ra làm đối ngoại cho quốc gia mà không phải, ví dụ như là dân ngoại giao, thì nó phải là một người nào đó mà đã liên quan đến đối ngoại, nhưng mà ở khối, hay khu vực quốc phòng và an ninh, đó có thể là một khả năng lớn là như thế, mặc dù cũng đã từng có ngoại lệ trước đây…", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với BBC News tiếng Việt hôm 28/9/2020 từ Hà Nội.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 04/10/2020

*********************

Trước Đại hội đảng 13, lãnh đạo cấp cao tăng cường chỉ trích các "thế lực thù địch"

Cao Nguyên, RFA, 02/10/2020

Tổng bí thư Đảng cộng sản kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng với Tướng công an Lê Quý Vương và Tướng quân đội Ngô Xuân Lịch vào ngày 28 tháng 9 vừa qua lại cùng có những phát biểu cho rằng "thế lực thù địch, phản động" đang gia tăng chống phá, công khai và quyết liệt hơn.

dh5

Thượng tướng Lê Quý Vương (đứng, trái), Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP phát biểu. (Ảnh : Doãn Tấn/TTXVN)

 

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu trong Hội nghị sơ kết công tác công an Quý III/2020 tại Hà Nội rằng "Đại hội 13 là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động gia tăng chống phá".

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa ra nhận định "Thế lực thù địch chống phá ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện hơn", trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/9.

Cùng ngày, ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Đại hội đảng Quân đội đã nhấn mạnh, yêu cầu quân đội phải tiên phong trong việc đấu tranh với cái mà ông này gọi là "quan điểm sai trái thù địch".

Phản ứng dư luận

Liên tục các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam về các "thế lực thù địch" như thế thu hút sự chú ý của dư luận. Trên fanpage của Đài Á Châu Tự do, phát biểu của Đại tướng Tô Ân Xô nhận được gần 400 lượt chia sẻ và 1400 bình luận. Phát ngôn của Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương có gần 200 lượt chia sẻ và hơn 700 bình luận. Dưới đây là quan điểm của một số độc giả để lại bình luận trên fanpage của RFA :

Độc giả Cường Nguyễn nhận xét : "Hòa bình gần nửa thế kỷ rồi mà cứ còn thế lực thù địch là sao ? Ai thù, ai địch ? Tại sao người ta lại thù ? Và tại sao người ta lại địch ? Các cụ ngày xưa dạy : phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.

Và "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Phải hỏi mình xem mình đã làm gì để người ta thù địch ? Có thế mới tiến bộ được, bằng không thì vứt".

Độc giả Crystal : "Thôi nói thẳng ra là tuyên truyền, quản lý thất bại rồi đổ lỗi cho người ta đi. Nếu họ thực sự minh bạch thì làm gì phải sợ thế lực thù địch chứ !"

Độc giả Nguyễn Văn Hùng : "Thế lực thù địch nào, ở đâu, họ làm cái gì mà kêu là chống phá ? Toàn các đồng chí phá nhau rồi gán ghép cho nhân dân. Không những đồng chí chống phá nhau, mà còn phá hoại luôn cả quê hương, giống nòi !

Nhìn chung những người dám nói lên sự thật thì sẽ trở thành thế lực thù địch ngay lập tức".

Độc giả Hoàng Xuân Diệu : "Mấy ông áp bức người dân đến tận cùng rồi người dân phản ứng lại thì chụp mũ họ là thế lực thù địch".

Tăng cường "tấn công" đối lập trước Đại hội đảng

Một bài viết có nội dung "chống diễn biến hòa bình" đăng trên mạng báo Biên Phòng ngày 28/9 có đoạn "Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới, các thế lực phản động, cơ hội chính trị gần đây lại giở nhiều chiêu trò tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

"Thế lực thù địch" là cụm từ thường được Đảng cộng sản, Nhà nước và báo chí Việt Nam ám chỉ những người hay tổ chức bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam, dù là ôn hòa hay bạo động, bất kể là trong hay ngoài nước.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu Tù nhân Chính trị, từng đi tù 2 lần vì những hoạt động "phản kháng" Đảng và Nhà nước Việt Nam, tự nhận mình là "thế lực thù địch" nếu chiếu theo định nghĩa của Nhà cầm quyền.

Ông Đài cho rằng phát biểu nêu trên của những người đứng đầu nhà nước nhằm đe doạ, răn đe những ai có ý định lên tiếng chỉ trích chính quyền. Đặc biệt là trong lúc Đảng cộng sản đang ráo riết chuẩn bị nhân sự cho khóa sau, cũng như Đại hội đảng 13 sắp tới, luôn có nhiều đồn đoán về chuyện đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực của lãnh đạo cấp cao :

"Các lãnh đạo tối cao của Đảng cộng sản họ muốn tỏ ra cứng rắn đối với những người phản đối. Sự nổi dậy của người dân ngày càng nhiều hơn, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.

Điều đó cũng phản ánh một thực tế là chỉ thông qua thông tin của nhà nước Cộng sản thôi, bất kỳ một trang báo nào đều có những bất cập xã hội, từ tệ nạn đến tham nhũng. Nó xảy ra gần như triền miên từ cấp trung ương cho đến địa phương.

Người dân Việt Nam đã chịu nhiều bất công rồi cho nên khi đọc những tin như vậy, rõ ràng là họ cảm thấy bất bình và tìm cách phản kháng lại, thì đó là chuyện đương nhiên. Bất bình nào đối với nhà cầm quyền Cộng sản thì họ cũng coi là một sự chống đối.

Nếu Đảng cộng sản không muốn những thế lực đối lập thêu dệt hay vẽ nên những câu chuyện theo thuyết âm mưu, thì họ cần phải công khai minh bạch tất cả, chứ đừng đưa sức khỏe của các vị lãnh đạo vào danh mục bí mật của đất nước nữa.

Nhân dân cần phải biết sức khỏe của những vị lãnh đạo có khả năng để dẫn dắt không. Nếu họ công khai minh bạch thì làm gì có chuyện thêu dệt nên những câu chuyện như vậy".

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng ở Đại hội Đảng lần này, chính quyền Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thất bại về kinh tế và chính trị nên tìm cách "đổ lỗi" cho một thế lực mơ hồ :

"Các lãnh đạo cấp cao lo lắng cho sự tồn vong của chế độ là chuyện đương nhiên. Chuyện đấy đã từng diễn ra trong rất nhiều các kỳ Đại hội đảng, cho nên tôi cũng không ngạc nhiên lắm về bình luận của họ.

Có thể do kỳ Đại hội lần này có những khó khăn, thách thức từ những biến động về chính trị và kinh tế thế giới, cũng như như dịch Covid-19 đã tạo ra khó khăn rất lớn cho Việt Nam.

Thế thì lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh phải chèo chống vốn đã rất khó khăn, bây giờ lại càng khó khăn hơn, thì cường độ và tần suất phát biểu như vậy sẽ ngày càng nhiều hơn".

Có "thế lực thù địch" nào đủ sức lật được Đảng cộng sản ?

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, hiện tại, chưa có một cá nhân hay tổ chức đối lập nào có đủ khả năng "lật đổ" được Đảng cộng sản Việt Nam :

"Xét về năng lực thì hoàn toàn chưa đủ khả năng tại thời điểm này. Nhưng ngày nay với truyền thống mạng xã hội thì mọi thứ có thể thay đổi, người dân có thể tiếp cận thông tin và đến lúc họ bừng tỉnh thì mọi chuyện có thể thay đổi ngay".

Cùng quan điểm, ông Thắng nói :

"Việc cáo buộc như vậy tôi cho rằng rất quy chụp. Rõ ràng những người dân như chúng tôi thường quan tâm đến xã hội thì cũng chỉ bằng lời nói thôi.

Cả một cái đảng cầm quyền, một bên là công an, một bên là quân đội hùng mạnh như vậy thì làm sao người dân có thể làm gì được".

Vào ngày 1/10, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã chiếu chuyên mục "Đối diện" với chủ đề "Cảnh giác với âm mưu phi chính trị hóa lực lượng vũ trang".

Nội dung bản tin này cáo buộc rằng một trong những thủ đoạn tuy không mới nhưng rất thâm độc của thế lực thù địch, đó là chiêu bài đòi "phi chính trị hóa lực lượng vũ trang". Lâu nay nhiều lãnh đạo tại Việt Nam luôn nhắc lại nhiệm vụ của quân đội và công an là bảo vệ đảng. Hai lực lượng này được ví như ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ chế độ.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 02/10/2020

******************

Việt Nam : Đảng cộng sản 'tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định, không biến loạn'

BBC, 02/10/2020

Áp dụng ngay lập tức đa đảng chính trị có thể chưa phù hợp với Việt Nam vì có thể 'nguy hiểm' nhưng giải pháp thay thế tạm thời để đẩy mạnh dân chủ hóa là Đảng cộng sản cầm quyền có thể tính tới việc 'tự tách đôi', theo một ý kiến từ Việt Nam nói với BBC.

dh6

Đảng cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách - Ảnh minh họa

"Phải tính đến dân chủ trong Đảng cộng sản Việt Nam đến mức độ một ngày nào đó cần phải tách đôi đảng, thay vì phải vật vã với thế lực thù địch và đảng đối lập", từ Hà Nội nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an Việt Nam nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News tiếng Việt hôm 01/10/2020.

"Nên tách đôi đảng có hai quan điểm khác nhau : một quan điểm cấp tiến, một quan điểm muốn giữ mãi chủ nghĩa Marx-Lenin rồi tư tưởng Hồ Chí Minh v.v…

"Một quan điểm khác kiểu như là dân chủ xã hội kiểu phương Tây chẳng hạn, cứ tách đôi ra và có những nguyên tắc ban đầu để họ tránh những cái gọi là xung đột quá mức mà đến mức độ có thể xảy ra chính biến, để làm như thế, Đảng cộng sản nên tự đặt ra mức độ đó.

"Tôi cho rằng đó là mức độ cao nhất để cứu đất nước, còn tôi phải thẳng thắn rằng nếu bây giờ nói : ngày mai cho đa đảng đi, cái đó theo tôi là nguy hiểm, nếu như nhìn bằng nhãn quan chính trị mới".

Tại sao cho 'đa đảng ngay' là nguy hiểm ?

Khi được hỏi vì sao lại là 'nguy hiểm', ông Nguyễn Hữu Vinh giải thích quan điểm của mình :

"Nguy hiểm vì họ không có một sự chuẩn bị cho lực lượng đối lập, họ không có một sự chuẩn bị cho xã hội dân sự.

"Từ lâu họ vẫn dùng một cách gọi là boong-ke hoàn toàn và cái đó nguy hiểm ở chỗ đến một ngày nào đó nó bùng nổ, thì cái đó nguy hiểm vô cùng.

"Do đó, họ phải xả từ từ, phải điều chỉnh từ từ trong thể chế chính trị của họ mà điều chỉnh từ từ là như ông Hoàng Ngọc Giao vừa nói là dân chủ trong đảng.

"Dần dần là những ai có quan điểm khác nhau thì chẳng hạn chúng ta - tức trong Đảng cộng sản - có hai luồng quan điểm khác nhau và đến một mức độ thì tách đôi ra dưới một hình thức nào đó khéo léo để cho có một lực lượng cấp tiến hơn, muốn cởi mở hơn không có chuyện chuyên chính vô sản như trước, không sử dụng vũ trang, bạo lực v.v… tương tự như các đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở các nước phương Tây và Bắc Âu và tôi cho rằng là nên như thế.

"Tôi bổ sung thêm một ý nữa là chúng ta không nên chỉ nhìn vào việc dân chủ là người dân có nên được bầu lãnh đạo hay không, không nên chỉ nhìn chỗ đó, để thấy rằng xã hội này có thể thay đổi dân chủ hay không.

"Nó còn rất nhiều, vô vàn chuyện để chế độ này có thể thay đổi được vấn đề dân chủ, trong đó có vấn đề pháp luật, cái đó là điều quan trọng nhất và vấn đề tư pháp như vụ án Đồng Tâm vừa rồi chẳng hạn.

"Do đó phải thay đổi và tôi tin chắc rằng có thể thay đổi được và có thể thay đổi nhanh hơn, còn lâu nay họ có thay đổi, đưa vào luật sửa rồi, ví dụ sửa luật về tố tụng hình sự, có sửa những cái như 'suy đoán vô tội', đó là một bước tiến, bước tiến ấy không phải là do đảng này giỏi mà nghĩ ra, mà cái đó là do áp lực trong nước, áp lực quốc tế, phương Tây.

"Và những người đấu tranh cho dân chủ, cho pháp quyền của đất nước Việt Nam hãy nhìn vào đấy để tự hào rằng đấy là kết quả của sự đấu tranh của mình, chứ không chỉ là đảng tự thay đổi một mình đâu".

Dân 'bầu lãnh đạo ngay' là bất khả thi ?

Trả lời một bình luận của khán giả gửi cho chương trình nói rằng "chừng nào người dân được bầu lãnh đạo, chừng đó mới có nhân quyền", từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng nêu quan điểm :

"Bây giờ chúng ta mong muốn là người dân được bầu lãnh đạo ngay trong hệ thống chính trị Việt Nam này thì chưa thể có đâu.

"Có lẽ từng bước một, mà tôi vẫn kiên định một ý kiến là dân chủ trong Đảng cộng sản trước đã.

"Các vị bầu bí thư, các vị có hai, ba người ra ứng cử có cương lĩnh và các đảng viên bầu lấy một người từ cấp xã, lên cấp huyện, lên cấp tỉnh.

"Như thế, lúc đó mới có thể chọn được những người thực sự tài, thực sự có tâm và lúc đó những vị trí chủ chốt lãnh đạo trong đảng sẽ sang bên chính quyền để lãnh đạo các cơ quan hành pháp và kể cả các cơ quan tư pháp.

"Nếu như thế, thì đất nước cũng đã được đổi mới rất nhiều rồi.

"Còn bây giờ các vị chỉ chọn trong nhà với nhau và dựa vào tiêu chí tuổi tác để mà loại dần loại dần, thì theo tôi sẽ không chọn được người tài.

"Chỉ mong muốn làm sao dân chủ trong đảng đã, hãy thật dân chủ đi đã và điều này tôi đã tiếp xúc với rất nhiều đảng viên thường, thì họ đều mong muốn điều đó.

"Thế nhưng, dường như câu chuyện này khó quá.

"Tất cả vẫn đề cử một người và bầu đúng một người và sắp xếp hết, lúc nào cũng 100% phiếu, thì việc này như một sự trình diễn mà nhân dân càng ngày càng nhận thấy chẳng có ý nghĩa gì cả".

Tách hai thì vẫn chỉ là 'giả hiệu' mà thôi ?

Từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến, nêu quan điểm của mình về các ý kiến trên.

"Tôi cho rằng không bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam có dân chủ và kể cả có tách thành hai đảng thì đấy vẫn chỉ là giả hiệu mà thôi.

"Căn cứ là sao ? Lịch sử và đường ray mà Đảng cộng sản Việt Nam đã đi và đang đi cho thấy thứ nhất là không bao giờ hy vọng điều đó.

"Điều thứ hai nữa là nếu mà có đa nguyên, đa đảng, thì không có nghĩa là Việt Nam sẽ rơi vào hỗn loạn, cuộc chiến tranh giành đẫm máu, không chắc chắn điều đó.

"Chúng ta thấy nước Nhật Bản đã hai lần cải tổ bằng những "đường ray" dân chủ và nhân quyền mà từ ngoại quốc đưa đến và tỏ ra cực kỳ là tốt.

"Nhân đây tôi xin trả lời câu hỏi của BBC nhân cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rằng nếu tới đây, trong hai ứng cử viên Trump và Biden, có một người trúng cử, tôi sẽ nói gì với họ ?

"Tôi sẽ nói rằng thứ nhất là chúc mừng vị đã thắng cử, bởi vì các vị đã thắng cử là đã trải qua một quá trình luận chiến, một quá trình được kiểm tra và so sánh rất ngặt nghèo, thì các vị mới có thể thắng cử.

"Và mặc dù phẩm chất con người của các vị thế nào, thì vẫn phải đi theo đường ray dân chủ, nhân quyền cũng như là tự do của nước Mỹ.

"Và các vị đương nhiên phải tiếp tục đảm bảo rằng các vị là một trong những người quan tâm đến hòa bình, dân chủ, tự do và nhân quyền cho nước Mỹ và cả thế giới và đương nhiên các vị phải là người dập tắt những tham vọng về độc tài, về có khuynh hướng độc tài và gia đình trị ở bất kỳ nơi đâu và ở ngay trong nước Mỹ.

"Và đối với Việt Nam, nếu Việt Nam tiếp tục là một đối tác và đồng hành với nước Mỹ trong những khía cạnh đó, thì tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời".

Nguồn : BBC, 02/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đức Minh, Thu Thủy, Cao Nguyên, BBC tiếng Việt
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)