Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/10/2020

Bắc Kinh có dám ra đánh trước trên Biển Đông ?

Nhiều tác giả

Khả năng bùng nổ chiến tranh tại Biển Đông có thể diễn ra ?

Lê Thu Hường, Giang Nguyễn, RFA, 02/10/2020

Tiến sĩ Lê Thu Hường, Nghiên cứu gia cao cấp của Viện Chiến Lược Chính Sách Úc (Australian Strategic Policy Institute) nhận định về quan hệ Việt-Trung trước tình hình ngày càng căng thẳng tại Biển Đông, không loại trừ nguy cơ xung đột quân sự tại khu vực.

bd1

Liêu Ninh- tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc  AFP. Ảnh minh họa

Giang Nguyễn : Cảm ơn Tiến sĩ Lê Thu Hường đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Trong bài viết của Tiến sĩ với tựa, xin tạm dịch là "Sóng gió sắp tới trong quan hệ Việt-Trung" bà nói rằng "thời điểm hiện nay có thể nói là thời điểm thấp nhất trong quan hệ giữa hai nước từ những thập niên 1980 ?". Xin bà trình bày thêm ?

Lê Thu Hường : Nói chung, đây là xu hướng Trung Quốc đang trỗi dậy và mở rộng, phấn đấu để đạt được vị thế quyết đoán hơn trong khu vực, ở Châu Á, cũng như trên toàn cầu. Chúng ta cũng thấy rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay quyết đoán hơn nhiều trong tranh chấp Biển Đông cũng như các tranh chấp và điểm nóng khác trong khu vực, bao gồm Đài Loan, biên giới với Ấn Độ, kể cả các vấn đề nội bộ như Hong Kong. Trung Quốc ngày nay rất khác với Trung Quốc trong những năm 1990, khi đó họ theo đuổi một sự trỗi dậy hòa bình với chính sách hữu nghị láng giềng tốt. Lúc ấy họ tham gia vào các cuộc đối thoại trong khu vực, bao gồm cả Đông Nam Á và Việt Nam.

Ngày nay, Trung Quốc quả quyết hơn nhiều. Rõ ràng là họ tăng cường tần suất của việc điều hải quân và lực lượng dân quân biển vào vùng nước tranh chấp, mở rộng các yêu sách qua việc thiết lập các khu hành chính mới ở Biển Đông. Và họ rất thường xuyên triển khai tàu bè đi vào lãnh thổ của các bên tranh chấp bao gồm cả đặc khu kinh tế của Việt Nam. Họ đã làm như thế vài lần trong những năm gần đây. Đây là tình huống rất căng thẳng giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong tranh chấp tại Biển Đông. Rõ ràng nguy cơ căng thẳng leo thang và sự cố không lường trước có thể xảy ra.

Giang Nguyễn : Bà đánh giá diễn biến hiện nay như thế nào so với xung đột năm 1988 tại Gạc Ma hoặc vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của VN vào năm 2014 ? Sau đó, VN và Trung Quốc có thể nói là đã dàn xếp. Nếu như vụ HD-981 xảy ra ngày hôm thì kết quả sẽ ra sao ?

Lê Thu Hường : Cô đã đề cập đến năm 1988, là một vụ việc lớn, cũng là một điểm rất thấp trong quan hệ song phương. Nó là một vụ nghiêm trọng, gây hậu quả lâu dài với việc Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, và phía Việt Nam chịu nhiều thương vong. Vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014 khó khăn hơn về mặt ngoại giao. Lúc đó là căng thẳng cao và có nhiều nguy cơ leo thang dẫn đến thêm sự cố có thể xảy ra. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đã nhận thấy lập trường cứng rắn của Việt Nam và đã lùi bước. Họ đã rút giàn khoan HD sớm hơn kế hoạch. Chiến lược ngoại giao và chiến lược truyền thông của Việt Nam thời đó có vẻ như hiệu quả.

Như cô nói, hai quốc gia đã dàn xếp được. Chúng tôi đã có các chuyến thăm song phương của các viên chức cấp cao sau vụ việc trong những năm tiếp theo. Có ít sự cố xảy ra hơn sau đó. Nhưng trong vòng 18 tháng đến 2 năm gần đây đã xảy ra nhiều sự cố hơn. Một vài sự kiện cũng đã được so sánh với mức độ nghiêm trọng của vụ việc năm 2014. Bây giờ chúng ta thấy tần suất của những hành động khiêu khích đó gia tăng, đồng thời thiện chí để ngồi xuống đàm phán đã ít đi, không giống như năm 2014. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với một tình huống thường xuyên có những hành động khiêu khích hơn, nhưng lại có ít thời gian hơn để khắc phục nó.

Giang Nguyễn : Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam được công bố vào cuối năm 2019, Bộ Quốc phòng đưa ra quan điểm cơ bản về chính sách quốc phòng Việt Nam, và đã thêm 1 cái "không" : là không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Việc này nói lên điều gì, và có ý nghĩa gì trong quan hệ Việt-Trung ?

Lê Thu Hường : Việc Việt Nam bác bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thì không hoàn toàn là một khái niệm mới. Trên thực tế điều này đã tồn tại từ lâu, và không chỉ đối với Việt Nam, mà cả ASEAN cũng được biết từ chối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng tôi cho rằng việc Việt Nam bổ sung cái "Không" này là cái "không" thứ tư trong Sách trắng Quốc công bố vào tháng 12 năm 2019, là để tái khẳng định chính sách quân sự lâu nay của họ, nhưng cũng nhấn mạnh điều thứ tư này rằng họ sẽ không khoan dung cho việc sử dụng vũ lực hoặc gây hấn. Và tôi cho rằng đó là một tín hiệu cho Trung Quốc, hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác, biết rằng Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình.

Có nghĩa là Việt Nam sẽ không dung thứ hành động sử dụng vũ lực của các nước khác.

Giang Nguyễn : Như tiến sĩ trình bày trong bài viết, Việt Nam đang muốn gia tăng quan hệ ngoại giao với các đối tác khác, trong khi Trung Quốc thì luôn "tìm cách hạn chế quan hệ quân sự của các quốc gia trong khu vực với những lực lượng bên ngoài". Bà đánh giá những diễn biến gần đây, như những cuộc tập trận của Trung Quốc, căng thẳng gia tăng, sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) như thế nào ?

Lê Thu Hường : Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ khá nghiêm trọng và nguy hiểm và khả năng chiến tranh bùng nổ không còn là không lường trước được. Như tôi đã đề cập, trước đây các cường quốc trong khu vực đều tuân theo những ràng buộc của các quy tắc, chuẩn mực và thể chế quốc tế và họ thực sự cam kết những điều đó. Hiện tại chúng ta thấy một sự tăng cường cạnh tranh giữa các quyền lực lớn. Cô đã đề cập đến các cuộc tập trận, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ cũng đang thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực bằng cách điều các tàu đến Biển Đông để phô trương lực lượng quân sự của họ. Không khí nói chung là một thực sự cạnh tranh. Việt Nam đang phải giữ cân bằng trong một thời điểm rất nguy hiểm và một ranh giới mong manh. Không ai muốn chiến tranh xảy ra nhưng tình hình đang tiến đến rất gần ranh giới đó. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tất cả các bên phải kiềm chế và giữ bình tĩnh và cái đó chúng ta không thấy trong những tháng gần đây qua những lời lẽ hùng hổ từ Trung Quốc hoặc Mỹ hoặc các cường quốc khác, và đó chính là nguy cơ lớn.

Về mặt COC, sẽ thực sự khó khăn để sớm đạt được COC có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nó quá căng thẳng, nó quá phô trương sức mạnh và quá nhiều tham vọng chiến lược, vì vậy trong thời điểm này, không đáp ứng được tinh thần của COC. Tôi không nghĩ rằng có thể một mặt thể hiện tư thế quân sự hung hăng rồi lại cam kết giải quyết tranh chấp một cách không đe dọa. Nếu muốn COC thực sự có ý nghĩa, họ phải giảm nhiệt độ thay vì tăng cường nó.

Giang Nguyễn : Tiến sĩ đề cập đến 4 phương pháp mà Hà Nội áp dụng ở Biển Đông từ trước đến nay, bao gồm việc "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Liệu chính sách của này còn tiếp tục hiệu quả đối với Trung Quốc trong tương lai ? Tiến sĩ nói Việt Nam cần nâng cấp chiến lược tại Biển Đông, xin bà triển khai thêm về vấn đề này.

Lê Thu Hường : Chiến lược ở Biển Đông của Hà Nội từ lâu đã dựa trên bốn yếu tố chính, bao gồm việc "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, xử lý vấn đề trong khuôn khổ đa phương (chủ yếu là thông qua ASEAN), và ngăn chặn Trung Quốc về mặt quân sự, đồng thời giữ hợp tác với Trung Quốc trên các kênh ngoại giao khác. Chúng ta vẫn nên giữ bốn yếu tố này làm nền tảng nhưng nó cần được cải thiện và mở rộng. Về phương tiện truyền thông và dư luận quốc tế, như tôi đã đề cập vào năm 2014, Trung Quốc đã chịu nhiều thiệt hại về tiếng tăm trước quốc tế bởi giàn khoan Hải Dương. Nhưng kể từ đó, trong những trường hợp gần đây, có vẻ như Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi những tai tiếng. Họ phải chịu tổn hại về tiếng tăm nghiêm trọng hơn nhiều ở nhiều khía cạnh khác, từ những diễn biến tại Tân Cương đến Tây Tạng, Hồng Kông và thậm chí cả vấn đề Covid-19. Họ bị tai tiếng rất nhiều, nhưng dường như họ đã không bị ảnh hưởng như so với trước đây. Vì vậy yếu tố (quốc tế hóa) không còn hiệu quả như trước nữa. Nên chiến lược phải thích ứng với thực tế và thực tế là chúng ta đang phải đối mặt với một Trung Quốc khác nhiều so với trước.

Giang Nguyễn : Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì xâm phạm lãnh hải Việt Nam, khả năng này theo bà đến đâu ?

Lê Thu Hường : Chắc chắn là lựa chọn này đã được cân nhắc và nó là một trong những lựa chọn và là lựa chọn khá nặng ký. Nhưng tôi cho rằng vẫn còn nhiều do dự từ phía Hà Nội, mặc dù tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho lựa chọn này, xét về mặt xây dựng năng lực pháp lý của họ. Nhưng tôi không chắc khi nào việc kiện Trung Quốc sẽ xảy ra. Tôi nghĩ rằng vẫn còn những cân nhắc chính trị về quyết định này. Khía cạnh pháp lý của việc giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng. Việt Nam không dễ bỏ qua điều đó. Hà Nội nhận thấy điều đó. Và rõ ràng việc thưa kiện sẽ có cái giá ngoại giao và chính trị của nó, giống như trong trường hợp của Philippines khi quốc gia này đưa vấn đề tranh chấp ra trọng tài quốc tế.

Ngoài ra còn có vấn đề liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam có được một phán quyết như Philippines. Philippines đã nhận được một phán quyết rất tích cực và sự ủng hộ ngoại giao, nhưng nó không thực sự được tuân thủ, không được Trung Quốc công nhận, và ngay cả Tổng thống Duterte cũng gác nó qua một bên. Vì vậy, vấn đề ở đây là nếu có vụ kiện pháp lý thành công với một phán quyết tích cực, thì liệu nó có được thi hành và các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Liệu nó có thực sự thay đổi được gì không ?

Giang Nguyễn : Cảm ơn thời gian và quan điểm của Tiến sĩ Lê Thu Hường.

Giang Nguyễn thực hiện

Nguồn : RFA, 02/10/2020

***********************

Trung Quốc gia tăng tập trận trên biển - thông điệp đến Mỹ và các nước Phương Tây

Thanh Trúc, RFA, 02/10/2020

Trung Quốc từ lâu thường tổ chức những cuộc tập trận trên biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, nhằm biểu dương thanh thế và sức mạnh của mình với các quốc gia Đông Nam Á.

bd2

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương hôm 18/4/2018 - Reuters

Trung Quốc mới đây còn loan báo từ ngày 1/10 đến 10/10 nước này sẽ có 3 cuộc tập trận gần eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông.

Theo các chuyên gia, những đợt thao diễn quân sự liên tục của Trung Quốc gần đây và sắp tới với đạn thật và tên lửa, có yếu tố Âu- Mỹ chứ không còn thuần Đông Nam Á, sau khi Hoa Kỳ nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, song song với các công hàm ngoại giao mà Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam gởi lên Liên Hiệp Quốc để phản đối yêu sách quá đáng của Bắc Kinh trên biển.

Hôm 16/9, Anh, Đức và Pháp đồng loạt gởi công hàm đến UN, phản đối Trung Quốc với yêu cầu tôn trọng Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982, bảo đảm quyền tự do hàng hải của EU cũng như các quốc gia khác trên vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh muốn thao túng gần như toàn bộ.

Đây là "cuộc chiến công hàm", thuật ngữ của giới ngoại giao, được đáp trả bằng những cuộc tập trận liên tiếp, là bản tin hôm 29/9 của hãng tin AP, nói rằng Trung Quốc đang nâng nguy cơ chiến tranh lên cao hơn lúc nào hết.

Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước bất cứ áp lực nào, là nhận định của chuyên gia Đông Nam Á và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp :

"Trung Quốc vẫn coi đường lưỡi bò (đường đứt khúc 9 đoạn trên Biển Đông) là của họ và họ có thể đánh chiếm Đài Loan. Mới đây Trung Quốc nói rõ rằng mọi toan tính chống lại chính sách của Trung Quốc về một Đài Loan không là một nước độc lập thì Trung Quốc sẽ gây ra chiến tranh".

"Còn Biển Đông thì Trung Quốc nói đấy là chủ quyền lịch sử của họ, họ không để mất một tấc đất nào. Họ không xuống nước đâu mà họ đang chuẩn bị chiến tranh đấy. Từ đây đến 10/10 sẽ có 3 cuộc tập trận, 1 cuộc ở Biển Đông, 2 cuộc khác ở eo biển Đài Loan và Hoa Đông".

"Họ còn đưa ra một giả thuyết rằng có thể máy bay không người lái của Mỹ sẽ đánh tên lửa vào mấy cái đảo nhân tạo của họ và họ sẽ bắn rơi. Trước sau Trung Quốc vẫn như thế, vẫn nói rằng Mỹ gây căng thẳng, tạo đồng minh để chống lại chủ quyền của họ trên Biển Đông và cả Đài Loan nên họ buộc phải chuẩn bị để bảo vệ. Ý nghĩ này không đúng nhưng họ vẫn làm vì thấy đủ sức để gây ra chiến tranh".

bd3

Bản đồ có hình lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông / AFP. Hình minh hoạ.

Nguy cơ chiến tranh thì đã rõ nhưng không ai có thể đo lường mức độ hiểm nguy phát xuất chỗ nào, vẫn ý kiến của chuyên gia Hà Hoàng Hợp :

"Vừa rồi có một giả định là Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan đúng lúc Mỹ có bầu cử, nên Nhật và Mỹ phải tập trận để ngăn Trung Quốc tiến chiến Đài Loan. Rõ ràng chỉ Mỹ mới có thể đưa lực lượng hải quân, không quân và tên lửa vào khu vực này, sẵn sàng đảm bảo tự do hàng hải. Mỹ không nói gì đến chủ quyền ở đây hết mà chỉ công nhận phán quyết năm 2016 phủ nhận đòi hỏi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông".

"Cả thế giới, cả Mỹ, cả Trung Quốc đều thấy cái rủi ro chiến tranh càng ngày càng lớn, có thể chỉ từ một tính toán nhầm, một sự kiện, một động thái không lường trước được và không ai mong muốn, thì từ cái rủi ro thấp sẽ thành luôn một chiến tranh".

Từ đầu tháng 9/2020, AP đã đưa tin về sự xuất hiện của chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng trời Đài Loan cách mạn Bắc biển Nam Trung Hoa không xa, hàm ý là nếu Đài Loan dám tuyên bố độc lập thì Trung Quốc buộc phải dùng quân sự để giải quyết.

Cũng đầu tháng trước, tàu tuần tra Indonesia đối mặt với tàu tuần duyên Trung Quốc lảng vảng đã 3 ngày trong vùng đặc khu kinh tế thuộc hải phận Indonesia. Đây là khu vực ở khá xa vùng biển phía Nam, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hầu hết.

Theo nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt - Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, bất kể tranh cãi Mỹ- Trung đã lan ra mặt trận thương mại và mặt trận công nghệ, bất kể sự lên tiếng của Hoa Kỳ, Australia rồi tiếp đến là Anh, Đức và Pháp, Trung Quốc vẫn không từ bỏ mục tiêu độc chiếm Biển Đông mà họ không giấu diếm :

"Cho nên họ không hề giảm bớt hành động và âm mưu của họ. Hoa Kỳ đã gởi một tín hiệu rõ ràng đến khu vực bằng cách tập trận với các đồng minh như Nhật Bản, Australia… thì Trung Quốc cũng tăng cường tập trận bắn đạn thật. Trung Quốc không xuống thang, dẫn tới nguy cơ đụng độ trên Biển Đông. Chỉ cần một bên có va chạm vượt quá sự kiểm soát, hoặc giả có sự cố nào đó, thì có thể dẫn tới xung đột ở một mức độ nhất định".

bd4

Quân đội Đài Loan tập trận ở Hualien hôm 22/5/2019 / Reuters. Hình minh họa.

Trung Quốc rất giỏi uy hiếp, trấn áp các quốc gia yếu nhưng lại e dè, cẩn thận trước những nước mạnh, là nhận xét của Thạc sĩ Hoàng Việt. Vì không dại gì đụng tới Mỹ vốn có năng lực quân sự vượt trội, Trung Quốc phải chọn Đài Loan làm mục tiêu chắc ăn để thể hiện sức mạnh của mình trong lúc này :

" Và Trung Quốc đã không giấu diếm ý định thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Nếu tất cả các bên còn giữ được bình tĩnh thì nguy cơ xung đột không xảy ra, còn không giữ được bình tĩnh thì Trung Quốc sẽ ra tay".

Đối với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả tập "Biển Động : Luận Cứ & Sự Kiện", câu hỏi từ việc Trung Quốc liên tiếp tập trận là :

"Răn đe Mỹ can dự trong vấn đề Biển Đông, răn đe Nhật Bản trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku. hay dằn mặt Đài Loan, dằn mặt các nước Đông Nam Á ? Theo tôi Trung Quốc nhắm vào Đài Loan khi mà các cường quốc trên thế giới chìa bàn tay cho Đài Loan".

Một cuộc chiến thực thụ để thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc sẽ không xảy ra, là khẳng định của ông Đinh Kim Phúc :

"Trung Quốc vẫn sử dụng 5 công cụ đối với Đài Loan, đó là khuyến khích, phá hoại, cô lập, kềm chế và ép buộc. Trong 30 năm qua Trung Quốc cảm thấy khuyến khích không hữu hiệu, họ chuyển sang phá hoại và cô lập nhằm răn đe sự can thiệp của Mỹ vào Đài Loan".

"Đài Loan, nối liền Nhật Bản-Đài Loan-Đông Nam Á, là vị trí chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Mỹ sẵn sàng can thiệp vì Đài Loan là đồng minh của Mỹ . Điều đó cho thấy chiến tranh khó xảy ra, nhưng mà Trung Quốc dùng công cụ để áp chế, răn đe sẽ liên tục và có chọn lọc tùy theo thái độ của Mỹ như thế nào".

Từ Tokyo, Nhật Bản, người chuyên theo dõi thời cuộc, nhà báo Đỗ Thông Minh bổ túc quan điểm của ông :

"Ngày xưa khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục thì Trung Quốc mở trận pháo kích tơi bời lên hai vùng đảo Kim Môn và Mã Tổ của Đài Loan ngay sát Trung Quốc. Nhưng mà Mỹ đã đem đại bác 420 ly qua và giúp Đài Loan phản pháo. Đó là trận gọi là cuộc khủng hoảng Đài Loan lần thứ nhất".

"Lâu nay thì Trung Quốc vẫn đe dọa nhưng bà Thái Anh Văn và đảng Cấp Tiến luôn luôn nói rằng Đài Loan đã độc lập. Chính vì vậy mà tình hình căng thẳng hơn. Có điều ngày nay ai cũng sợ chiến tranh vì vũ khí càng ngày càng tối tân, không ai lường được bên kia sẽ đánh như thế nào. Trên nguyên tắc bên nào cũng tránh nổ sung trước nhưng nếu dưới hình thức một tai nạn ngoài ý muốn thì từ đó có thể bùng cháy thành cuộc chiến lớn".

Trả lời RFA qua điện thư về khả năng chiến tranh khi mà Trung Quốc liên tiếp tập trận trên vùng biển họ gọi là Nam Trung Hoa, giáo sư của Học Viện Quốc Phòng Australia là ông Carl Thayer nhắc lại bản phúc trình mà cơ quan điều tra Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ công bố hồi tháng Giêng 2019, trong đó từng cảnh báo một Trung Quốc với nỗ lực hiện đại hóa vũ khí, quân đội cùng những tàu chiến có khả năng phóng tên lửa tầm xa… đang là mối đe dọa đáng kể đối với quân lực Hoa Kỳ.

Ông Carl Thayer cho biết ông đã đề cập đến báo cáo này tại Diễn Đàn An Ninh Châu Á Thái Bình Dương 2020, tổ chức trực tuyến tại Đài Bắc ngày 8/9 vừa qua, và ông đã khẳng định rằng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc càng ngày càng tăng bước qua năm 2020 này.

Ông nói đây cũng là nhận định của Bộ Quốc Phòng Australia và nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd, trong lúc từ tháng 8/2020 một viên chức Trung Quốc đã tuyên bố nếu Hoa Kỳ gây hấn với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ phản công lại bằng cách phóng tên lửa vào Đài Loan cũng như vào căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.

Từ một thập niên trở lại đây, Giáo sư Carl Thayer trình bày tiếp, chưa bao giờ căng thẳng Mỹ Trung lại nóng tới độ có thể dẫn đến xung đột vũ trang như hiện nay.

Đây là hiện tượng đáng ngại nhất kể từ cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Nói một cách khác, Giáo sư Carl Thayer kết luận, thế giới không chỉ đang đối diện với một cuộc chiến tranh lạnh mà còn phải quan ngại trước viễn ảnh một cuộc chiến nóng gắt trong những ngày tới.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 02/10/2020

**********************

Việt Nam tố cáo Trung Quốc tập trận ở Biển Đông đe dọa đàm phán COC

Mai Vân, RFI, 02/10/2020

Kể từ đầu tuần, Bắc Kinh đã bắt đầu 5 cuộc tập trận đồng thời trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông. Vào hôm qua, 01/10/2020, Việt Nam chính thức phản đối và cho rằng hành động tập trận của Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho các đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC).

bd5

Tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh và tàu hộ tống trong một cuộc diễn tập ở Biển Đông tháng 12/2016. Ảnh minh họa.  Reuters

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đối với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa không những trái với tinh thần của bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), mà còn "không có lợi cho đàm phán COC", tức Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông. Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng việc khởi động lại các cuộc đàm phán về COC, sau một thời gian dài bị đình chỉ vì dịch Covid-19, đang là ưu tiên của khối ASEAN và Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, COC là một mục tiêu mà cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều nêu lên từ gần hai chục năm nay, nhưng giới chuyên gia an ninh khu vực đã đặt nghi vấn về thực tâm của Trung Quốc, cũng như rất hoài nghi về việc các bên đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các láng giềng phải lo chống dịch Covid-19 để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, trong khi Bắc Kinh nói rằng Washington và các đồng minh phương Tây đã đe dọa an ninh khi gửi tàu hải quân đến khu vực.

Về phần mình, tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã tố cáo sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc ở Hoàng Sa, xem đấy là điều "gây nguy hiểm cho hòa bình". 

Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố hoan nghênh lập trường của Anh, Đức, Pháp, thể hiện trong công hàm gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 16/09 vừa qua, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 02/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Thu Hường, Giang Nguyễn, Thanh Trúc, Mai Vân
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)