Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/10/2020

Chuyện thi cử và sách giáo khoa ở Việt Nam : cần cải tổ ?

Diễm Thi - RFA tiếng Việt

Nên duy trì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hay thay bằng hình thức khác ?

Diễm Thi, RFA, 02/10/2020

Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào chiều ngày 23 tháng 9 năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi : "Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm học sinh cả nước đậu với tỷ lệ 97-98%, liệu chúng ta có nên tiếp tục tổ chức thi ?".

giaoduc1

Một học sinh Trung học phổ thông sau ngày đầu tiên của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại Hà Nội vào năm 2015. AFP

Đa số các thành viên Hội đồng, hiệu trưởng các trường đại học lớn và các chuyên gia vẫn muốn giữ lại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông như hiện nay cho những năm tới. Riêng ông Trần Đức Cảnh, thành viên của Hội đồng nêu ý kiến không nên tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sau 5 năm nữa. Ông đề xuất chuyển hẳn sang học theo tín chỉ. Học sinh phải học đủ các môn bắt buộc theo tín chỉ. Thi đạt yêu cầu các môn thì đương nhiên tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tín chỉ là chuẩn của thế giới.

Là một thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực có tham dự buổi họp này, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm của ông với RFA :

"Câu hỏi Phó thủ tướng đưa ra không phải là cái gì mới mẻ cả. Cá nhân tôi có nêu một vấn đề đơn giản thế này : Cái thời tôi đi học thì hiện tượng lưu ban rất nhiều, khá phổ biến. Điều đó cho thấy việc thi cử theo chương trình từng năm một trong quá trình học nó hết sức quan trọng. Nếu không đạt thì phải học lại cho đủ.

Quan niệm của cá nhân tôi thì đồng ý đã học thì phải thi, nhưng phải thi từng lớp một cho nghiêm chỉnh để trình độ đồng đều đúng với yêu cầu. Tôi cho rằng nếu làm tốt việc dạy thật, học thật thì kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nó phản ảnh thực hơn. Nó sẽ giảm được những hiện tượng tiêu cực. Như thế việc thi cử không cần đưa ra quá nhiều giải pháp để giám sát lẫn nhau, để chống tiêu cực…".

Trước năm 2015, học sinh học hết lớp 12 phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và sau đó là kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng cho những học sinh nào đậu phổ thông và muốn học lên nữa. Đến năm 2015, ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đây là kỳ thi 2 trong 1, được gộp lại bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Năm 2020, do những tác động từ đại dịch Covid-19 đến việc dạy và học ở các nhà trường, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia phải tạm dừng, trở lại là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với cách thức tổ chức tương tự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và với mục đích chính là xét tốt nghiệp Trung học phổ thông. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.

giaoduc2

Một lớp học tại một trường trung học ở ngoại thành Hà Nội. Reuters

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến của mình về việc có nên tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hay không :

"Về mặt toán học mà nói thì 98% đậu hay 100% đậu cũng giống nhau. 2% không có nghĩa gì cả bởi một sự sàng lọc bình thường cũng có thể cho sai số 2%. Vì thế, từ rất lâu Giáo sư Hoàng Tụy đã đề nghị bỏ thi. Nếu thi mà cứ đậu 98% thì không cần phải thi nữa. Nếu bỏ thi thì chúng ta sẽ có được rất nhiều cái lợi, tiết kiệm được hàng ngàn tỷ chứ không ít.

Nhưng ở Việt Nam thì việc bỏ thi hay không cũng sẽ tới nhưng nó tới chậm. Từ trước đến nay mọi sự thay đổi như vậy đến rất chậm. Đó là đặc trưng của xã hội. Không chỉ trong chuyện thi cử này đâu mà trong tất cả mọi thứ đều nước đến chân mới nhảy. Cái nhìn dài hạn rất hiếm".

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định, năm nào làm nghiêm thì tỷ lệ đỗ thấp. Ông cho biết, năm 2006, Việt Nam lần đầu chấn chỉnh bằng cuộc vận động "hai không" thì tỷ lệ đậu trung bình cả nước chỉ đạt 56%, còn lại là trượt. Theo ông, nếu tổ chức thi thật nghiêm thì nên thi, không thì nên bỏ. Ông nói :

"Nếu mà làm nghiêm thì tỷ lệ đậu tất là thấp. Nhưng theo tôi cứ phải nghiêm. Nghiêm thì học sinh sẽ phải chăm học. Như thế tác dụng sẽ rất tốt. Nó bớt sự giả dối trong ngành giáo dục. Hiện nay cứ mặc nhiên chấp nhận sự giả dối. Quá ít người đấu tranh để có kỳ thi nghiêm túc và cũng bị vô hiệu hóa bởi tính gian dối lâu dài trong các cấp, trong người dân cho nên rất khó để chấn chỉnh.

Tôi là người từng phản ánh tiêu cực tốt nghiệp một lần năm 2006, một lần năm 2012, một lần năm 2016 và vẫn theo dõi liên tục về tình hình thi tốt nghiệp. Có thể thấy kỳ thi này chỉ nghiêm túc trong một, hai năm có chấn chỉnh sau cuộc vận động "hai không". Sau đó vào năm 2015, khi Bộ giáo dục nhập thành kỳ thi quốc gia và tổ chức đưa giảng viên đại học xuống coi thi, thì đấy là kỳ thi nghiêm túc. Nhưng chỉ được một năm thôi. Năm sau các địa phương lại nghĩ cách gian dối để đối phó".

Cuộc vận động "hai không" mà thầy Khoa đề cập là "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Trong năm học 2006-2007, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng chất lượng thật, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phát động cuộc vận động này theo Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về "chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục".

Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và đào tạo gửi công văn đến các sở giáo dục, đào tạo, các trường đại học, các học viện và các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trên toàn quốc nhắc lại Chỉ thị số 33 được ban hành từ 11 năm trước.

Một vụ tiêu cực trong thi cử có thể coi là chấn động xảy ra vào năm 2018 mà báo chí Nhà nước dùng cụm từ "Vụ gian lận thi cử 2018" hoặc "Vụ gian lận thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018".

Đây là vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong quá trình điều tra, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có tới gần 350 bài thi được nâng điểm.

Ông Dương Trung Quốc nêu thêm một yếu tố giải thích vì sao số lượng học sinh thi đậu tốt nghiệp gần đạt 100% như những năm qua :

"Tôi cho rằng nguồn nhân lực nó quyết định chuyện thi cử. Ngày xưa học hết phổ thông đã là tương đối cao rồi. Học đại học là rất cao. Tiến sĩ là chuyện hiếm hoi. Bây giờ phải có bằng đại học mới tìm được công việc bình thường cho nên nó dẫn đến áp lực phải có bằng cấp. Rồi cái bộ máy công quyền cũng đưa ra những tiêu chí bằng cấp cho các chức vụ. Chính đó là động lực không lành mạnh, không thực chất. Nó dẫn đến tình hình giáo dục bị tác động bởi những yếu tố đó".

Duy trì hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dường như vẫn là bài toán khó mà ngành giáo dục Việt Nam chưa thể giải dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi cách thi, cách chấm…

Diễm Thi

Nguồn : 02/10/2020

*********************

Giáo viên, phụ huynh kêu chương trình sách giáo khoa lớp 1 nặng ; Bộ nói không !

RFA, 02/10/2020

Sau hơn 4 tuần áp dụng chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh cho biết cảm thấy vất vả khi học cùng con và nhận định chương trình khá nặng so với các em ở độ tuổi vừa bước vào lớp 1. Ngoài ra, nếu không học trước mỗi tối tại nhà, thì khi vô trường sẽ không theo kịp.

giaoduc3

Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn. RFA

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, không chỉ phụ huynh cảm thấy vất vả mà ngay cả với các giáo viên cũng vậy. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 kể họ phải ‘vật lộn’ với chương trình. Nhất là vùng có đồng bào dân tộc, học sinh vào lớp 1 nhưng không thuộc bảng chữ cái, không biết cách cầm bút thì rất khó để mà dạy theo chương trình mới.

Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trao đổi với RFA hôm 2/10, nhận định :

"Tôi thấy chương trình lớp một quá sức so với chương trình cũ nhiều. Ví dụ chương trình cũ mỗi ngày bé chỉ học một âm thôi, nhưng chương trình mới mỗi ngày bé phải học 3 âm, như vậy là rất khó. Ví dụ bé nào thông minh tiếp thu nhanh thì mới học tốt, còn các bé khác thì sẽ rất khó khăn trong việc tiếp thu 3 âm một ngày. Còn vấn đề đọc bài, thì lớp một chỉ nên đọc những văn bản đơn giản thôi, chỉ khoảng 2 câu, 3 câu hoặc nhiều nhất 4 câu... Nhưng sách lớp một hiện tại văn bản còn dài hơn sách lớp 2. Do đó chương trình rất nặng so với các bé lớp 1, không chỉ tiếng Việt mà những môn khác như toán

Theo các giáo viên lớp 1, để học được chương trình lớp 1 mới, học sinh cần được làm quen, biết cầm bút viết các chữ cái ở lớp mẫu giáo. Vì chương trình lớp 1 mới có quá nhiều chữ so với chương trình cũ, nên học từ 7 giờ sáng đến 9 giờ ra chơi thì vẫn chưa xong 2 tiết học vần. Thời gian học đánh vần không đủ, nên các em học sinh rất khó tiếp thu.

Một phụ huynh có con nhỏ đang học tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA cho biết, bây giờ thì buộc bà phải cho con đi học thêm :

"Giờ chỉ có theo thôi chứ lên tiếng sao được ? Ở đây là phải chịu vậy thôi. Thường cái gì đề xuất thì mạng xã hội như Zalo, Facebook quan tâm lên tiếng. Thầy cô giáo, hiệu trưởng cũng thấp cổ bé họng thôi, chỉ có những người trên Bộ soạn sách, bán sách là có quyền".

Theo vị giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên, nói chung chương trình tiểu học nặng nhiều so với chương trình cải cách lúc trước. Chương trình trước không nặng nhưng học sinh học rất chắc, học được lý thuyết và vận dụng tốt. Cô nói tiếp :

"Đổi qua chương trình này thì tôi thấy rất nặng, có những bài bị dồn, đâm ra học sinh nắm không vững. Cho nên dần dần trình độ của các bé không được chắc, vững như những năm thế hệ trước, không chỉ riêng lớp 1, các lớp khác từ lớp 2 đến lớp 5 nói chung chương trình đều nặng".

Tuy nhiên, khi trả lời báo chí nhà nước nước, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo lại cho biết, tới thời điểm này, Bộ Giáo dục và đào tạo chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hay nhà khoa học về việcchương trình học lớp 1 quá nặng. Ông cho rằng nhận định như vậy là chưa đủ căn cứ xác đáng.

Dưới góc nhìn của một phụ huynh, cô giáo ở Sài Gòn nhận xét :

"Nội dung chương trình lớp 1 mới thì hồi hè tụi tôi cũng phải đi học rồi, và từ đó đứng ở vai trò phụ huynh thì mình cũng thấy là sẽ rất khó đối với những bé có phụ huynh lao động, cách tiếp cận chữ hay âm, hay tiếp cận sớm với chững viết... thì cũng không được bằng những phụ huynh làm văn phòng có trình độ hơn. Do đó họ cũng gặp khó khăn nhiều".

giaoduc4

Sách giáo khoa tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. (Ảnh minh họa) Courtesy TN

Theo ông Thái Văn Tài, chương trình lớp 1 mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho năm học. Thí dụ, môn tiếng Việt lớp 1 là quy định trong một phút các em đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ… Và để đạt được tiêu chuẩn ấy thì chương trình quy định môn tiếng Việt ở lớp 1 hiện nay là 420 tiết. Ông Tài cho biết, tất cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt đều thiết kế dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra đó.

Trong khi ở chương trình lớp 1 trước đây, số tiết môn tiếng Việt cho các em học sinh lớp 1, chỉ là 350 tiết. Chỉ môn tiếng Việt lớp 1 đã thêm 70 tiết học mà lãnh đạo ngành giáo dục lại cho là không tăng nặng (!?).

Trao đổi với RFA hôm 2/10 liên quan vấn đề này, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người nhiều năm dành nghiên cứu giáo dục tiểu học, và cũng là người biên soạn Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, cho biết ý kiến của mình :

"Họ không hiểu gì đâu, họ khác... Họ không hiểu trong thời hiện đại này thì tiểu học là quan trọng nhất, chứ không phải đại học đâu. Tiểu học là quan trọng nhất nên phải dạy cho tiểu học ngay từ đầu tất cả một cách toàn diện như thế nào đấy. Nhà trường phải đảm bảo chức năng của nhà trường, tất cả mọi việc trẻ con phải làm xong ở trường hết. Trẻ con sống ở trường phải tự nhiên như sống ở nhà. Nhưng cách làm của họ hoàn toàn khác, họ vẫn theo cách cũ, chỉ thay chữ chỗ này chỗ khác thế thôi... Trình độ tôi biết, tôi đã bảo trước... nhưng họ đông quá nên chịu thôi... thứ hai họ vụ lợi quá nên chịu thôi".

Vào đầu năm 2018, Sách giáo khoa tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng khiến dư luận hoang mang, khi có các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng, được cho là gây nhiều nhầm lẫn... Sau đó vào tháng 7 năm 2018, Hội đồng thẩm định quốc gia đã yêu cầu nhóm biên soạn của Giáo sư Đại chỉnh sửa một số nội dung và kết luận nếu được chỉnh sửa thì tài liệu tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục có thể là phương án lựa chọn cho học sinh và giáo viên trong tương lai.

Tuy nhiên ngày 12/9/2019 Bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt và toán lớp 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại ngay ở vòng thẩm định (!?)

Trao đổi với RFA hôm 2/10, Thầy Đỗ Việt Khoa, một giáo viên từng nhiều lần lên tiếng phản đối những bất cập trong giáo dục, đưa ra nhận định :

"Thật đáng tiếc tôi chưa được xem chương trình lớp 1, tôi không biết nó nặng hay nhẹ. Thế nhưng theo quan điểm của tôi là chương trình học của Việt Nam toàn do người lớn biên soạn cho trẻ con. Người lớn chủ quan lắm, có rất ít người lớn đứng ở góc độ tâm lý của trẻ. Trẻ lớp 1 có một việc duy nhất đó là tập đọc, tập cộng trừ trong phạm vi 10... thế thôi cho thạo đi đã. Còn lại để cho các cháu được chơi, được học các lớp kỹ năng sống như bơi lội, vui chơi giải trí chứ đừng nhét cho các cháu những kiến thức nặng nề quá. Đấy là quan điểm của tôi".

Ông Chế Quốc Long, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh khi trả lời RFA trước đây từng cho rằng, đối với những đứa trẻ 6 tuổi 7 tuổi, là tuổi để chơi chứ không phải để vùi đầu vô học. Theo ông, trẻ con hiện nay đã bị ép học quá sức với chương trình nặng nề, quá tải, thiên về nhồi nhét kiến thức, giết chết sáng tạo, làm cho trẻ em không thể suy nghĩ độc lập được.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 628 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)