Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/10/2020

Chiến tranh tin giả của Trung Quốc

Phan Hoài Văn

Ma trận tin giả của Trung Quốc

Ngày 22/9, Facebook thông báo đã triệt phá được một chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc mà trong đó sử dụng các tài khoản và hồ sơ giả mạo để lừa bịp những người ngây thơ, khiến họ tin vào các thông tin sai lệch đó.

fake1

Hình chụp hôm 14/2/2020 - một người đàn ông đang chỉ vào trang web thuộc tài khoản Facebook của Bộ Ngoại giao Đài Loan dùng để đưa thông tin về Covid-19 ở Đài Bắc. AFP

Được công ty phân tích truyền thông xã hội Graphika đặt tên là "Chiến dịch c", mạng lưới này bao gồm 155 tài khoản, 11 trang, 9 nhóm và 6 tài khoản Instagram và thu hút được ít nhất 130.000 người theo dõi. Mạng lưới đặc biệt nhắm vào Philippines, tích cực can thiệp vào chính trường Philippines và tạo ra hàng triệu sự tương tác trên mạng bằng cách vận động các chính trị gia, bao gồm cả Tổng thống Rodrigo Duterte, ủng hộ Trung Quốc.

Sự kiện trên đánh dấu lần thứ hai Facebook dỡ bỏ những mạng lưới tin giả bắt nguồn từ Trung Quốc và báo hiệu một kỷ nguyên chiến tranh thông tin mới tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ và các đồng minh như Philippines cực kỳ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công.

Việc Trung Quốc xúc tiến các chiến dịch gây ảnh hưởng ra nước ngoài đánh dấu một cuộc cách mạng quan trọng trong việc tìm cách chi phối không gian mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh lâu nay vẫn chú trọng đến hoạt động gián điệp mạng như một khía cạnh quan trọng về an ninh quốc gia của mình, nhưng họ cũng từng phải vật lộn trong những cuộc chiến tranh thông tin. Và dường như đến nay, Bắc Kinh đã có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này.

Sau khi chứng kiến Nga sử dụng thành công các chiến dịch thông tin, đặc biệt là trong các nỗ lực can thiệp bầu cử của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tập trung để học hỏi các chiến thuật tung tin giả của Nga và điều chỉnh chúng cho phù hợp với các lợi ích của mình. Trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch sử dụng tin giả để tác động đến cuộc bầu cử và cản trở chiến dịch tái đắc cử của bà Thái Anh Văn, nhưng rốt cuộc vẫn thất bại. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ thành công hơn trong việc sử dụng các chiến dịch thông tin để đẩy lùi những chỉ trích về cách xử lý đại dịch Covid-19 của họ.

Chiến dịch Naval Gazing phản ánh một cuộc cách mạng trong tác chiến không gian mạng của Trung Quốc. Những tài khoản được lập ra sớm nhất trong mạng lưới này có từ năm 2016 với trọng tâm tập trung vào chính trường Đài Loan và đẩy mạnh những lập trường ủng hộ Đại lục như là tán thành những lợi ích của việc tái thống nhất. Tuy nhiên, một sự thay đổi đã xảy ra vào năm 2018 khi mạng lưới này mở rộng các hoạt động vào các vấn đề tranh chấp biển và chính trị khu vực. Đặc biệt, mạng lưới này đã lập ra một số cổng thông tin trên Facebook tập trung vào vấn đề Biển Đông nhằm loan báo những thành tích trên biển của Trung Quốc và chế nhạo các hoạt động của Mỹ.

fake2

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh hôm 30/8/2019 AFP

Philippines là một mục tiêu lý tưởng để Trung Quốc thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng ra nước ngoài. Philippines tỏ ra dễ bị thao túng thông qua Facebook. Ngoài việc là một đồng minh của Mỹ và một trọng tâm chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Philippines cũng là quốc gia "nghiện" truyền thông xã hội nhất trên thế giới. Nước này đứng đầu thế giới về số lượng người sử dụng mạng xã hội hàng ngày- người dân Philippines bỏ ra trung bình khoảng 4 tiếng mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội. Facebook thống trị thế giới mạng xã hội tại Philippines với 75 triệu người sử dụng, tương đương 71% dân số nước này. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một sự phản ánh nhạy bén những thực tế về thông tin và kỹ thuật số tại Philippines. Tại một đất nước có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nghèo nàn thì các thiết bị di động trở thành những phương tiện hàng đầu để nhờ đó người dân có thể tiếp cận Internet. Tuy nhiên, sử dụng Internet trên mạng di động vẫn khá đắt đỏ, và để vượt qua trở ngại này, vào năm 2013, Facebook đã hợp tác với các nhà cung ứng để cung cấp "Facebook Miễn phí" - một dự án cho phép những người sử dụng điện thoại di động có thể tiếp cận với Facebook mà không cần sử dụng dữ liệu mạng. Và như vậy, theo nhận định của Davey Alba trên hãng tin BuzzFeed News, "đối với nhiều người tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này thì Facebook là cách duy nhất để tiếp cận Internet".

fake3

Biểu tượng Facebook AFP

Sự thống trị của Facebook là một nguồn quan trọng khiến cho tin giả trở thành một đặc tính phổ biến trong chính trường Philippines. Điều này cũng quan trọng trong việc ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống Philippines vào năm 2016. Sau bầu cử, tin giả vẫn tiếp tục được triển khai nhằm bảo vệ cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, làm mất uy tín những tiếng nói chỉ trích và làm suy yếu các hãng truyền thông đối lập như là Rappler và ABS-CBN. Chính sự kết hợp giữa vị thế thống trị của mạng truyền thông xã hội cùng với sự suy yếu của các hãng truyền thông truyền thống ở địa phương đã khiến Philippines trở thành một mục tiêu hấp dẫn đối với chiến dịch thao túng thông tin của Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 3/2018, Chiến dịch Naval Gazing đã bắt đầu thiết lập một loạt các tài khoản, trang và nhóm trên Facebook nhắm mục tiêu rõ ràng vào chính trường Philippines. Các trang này ủng hộ hành động của các chính trị gia được cho là thiện cảm với Trung Quốc, trong đó có Tổng thống Duterte, con gái ông ta là Sara Duterte-Carpio (Thị trưởng thành phố Davao và cũng là một người kế nhiệm tổng thống tiềm năng), và Imee Marcos (con gái của nhà cố độc tài Ferdinand Marcos), người được bầu vào Thượng viện Philippines vào năm 2019.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận các hoạt động thao túng của Trung Quốc thông qua lăng kính của chính trường Philippines thì sự việc có vẻ chưa đúng với bản chất của nó. Việc Facebook phơi bày các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc phản ánh một cuộc cách mạng chiến lược lớn hơn và đặt ra một thách thức trực tiếp đến cả mối liên minh Mỹ-Philippines và các đặc quyền quốc phòng của Mỹ trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến dịch Naval Gazing nhắm vào Philippines phát động vào tháng 3/2018 không liên quan đến chính trường Philippines mà được khởi xướng ngay sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo tái khẳng định những cam kết quốc phòng của Mỹ với Philippines tại Biển Đông. Trên Facebook, một loạt các tài khoản, trang và nhóm khác nhau không chỉ ủng hộ các chính trị gia đứng về phe Trung Quốc, mà còn công khai vận động Philippines đứng về phía Trung Quốc.

Sau khi thất bại trong việc nỗ lực ép buộc Philippines phải nghe lời và mua chuộc sự phục tùng của Philippines, Trung Quốc hiện đang sử dụng sự can thiệp chính trị như một phương tiện nhằm tách Philippines ra khỏi Mỹ. Đặc biệt, Trung Quốc đã nhận ra rằng mối bất hòa chính trị trong liên minh Mỹ-Philippines là điểm yếu lớn nhất trong mối quan hệ đối tác và coi truyền thông xã hội là công cụ lý tưởng để củng cố sự chia rẽ này và để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Trông người lại ngẫm đến ta

Đọc báo cáo của Graphika, không khỏi lo lắng cho Việt Nam. Việt Nam là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cùng thể chế cộng sản với Trung Quốc. Thêm nữa, Việt Nam lại đang trực tiếp tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hoà, năm 1988 Trung Quốc chiếm thêm một phần quần đảo Trường Sa sau khi đã thảm sát 64 lính công binh Việt Nam. Kể từ năm 2009 tới nay, Trung Quốc luôn đưa tàu tấn công, ức hiếp các ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển của chính họ. Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cắm ngay trong vùng EEZ của Việt Nam. Hồi đầu năm nay, tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam. Sau khi phía Mỹ tích cực có các tuyên bố lên án Trung Quốc tại biển Đông, Trung Quốc luôn tìm cách "xoa dịu" Việt Nam và các nước ASEAN, đồng thời đổ vấy cho Mỹ là kẻ gây rối ở khu vực biển Đông.

Với các tranh chấp căng thẳng như vậy, cùng với việc quan hệ Việt - Mỹ ngày càng nồng ấm, chắc chắn Trung Quốc không dễ gì "khoanh tay đứng nhìn" như vậy. Đã có nhiều cảnh báo về an ninh thông tin của Việt Nam, đặc biệt với các sự cố tấn công mạng thông tin của sân bay Tân Sơn Nhất năm 2016, 2017. Từ đó đã dấy lên lo ngại về vấn đề này, tuy nhiên, người dân không hề nhận được các cảnh báo và giải thích rõ ràng từ chính quyền Việt Nam.

Con số thống kê năm ngoái cho biết khoảng 57% người dân Việt Nam đang sử dụng Facebook, tức là vào khoảng trên 51 triệu người Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội này.

Thêm nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến sẽ diễn ra một vài tháng tới đây. Đây sẽ là dịp sắp xếp lại toàn bộ nhân sự cao cấp của Việt Nam, và chắc chắn, Trung Quốc sẽ luôn muốn tìm cách gây ảnh hưởng hoặc can thiệp vào Đại hội này.

Tất cả những điều trên, cộng với bài học từ Philippines, Đài Loan… với chiến dịch Naval Gazing, đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Vì vậy Việt Nam cần áp dụng những biện pháp chủ động để bảo vệ môi trường thông tin của mình. Nếu không, an ninh thông tin và môi trường chính trị Việt Nam sẽ có nguy cơ rơi vào tình huống khó khăn khi Trung Quốc đang tìm cách sử dụng mạng xã hội để làm suy yếu hệ thống an ninh tập thể của họ.

Phan Hoài Văn

Nguồn : RFA, 07/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Hoài Văn
Read 598 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)