Từ những lời hứa của Nguyễn Thiện Nhân...
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 06/10/2020
Ông Nguyễn Thiện Nhân nổi lên như một người cộng sản trẻ, có học hành tử tế và được dư luận chú ý khi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo vào tháng Bảy năm 2006. Lúc đó, ông Nhân ở tuổi 53.
Vài tháng sau, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân lúc bấy giờ đã hứa, sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình [1]. Lời hứa tựa gió thoảng mây bay !
Ông Nguyễn Thiện Nhân từng là một phó thủ tướng trong Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng
Nay, tròn 10 năm, kể từ cái ảo vọng mà ông Nhân trót hứa đã vỡ vụn ! Giáo viên vẫn không sống nổi bằng đồng lương, với bằng chứng mới nhất như báo Lao Động cho hay vào hôm 10/09/2020 : Sau 16 năm công tác trong ngành Giáo dục, cô Phạm Thị Báu (dạy tại Trường Tiểu học Cẩm Dương, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc, sau nhiều ngày đắn đo với đồng lương 8 triệu đồng/tháng mà cô Báu cho biết, không thể lo được cho gia đình, chớ không màng làm giàu [2].
Mười năm ! Trượt giá đồng tiền Việt Nam đến hãi hùng !
Mười năm ! Tiếng Việt ngày càng tả tơi và biến dạng thành những hình thù ghê rợn bằng nhiều khái niệm, câu chữ được giới "giáo sư - tiến sĩ" đưa ra làm thiên hạ ngỡ ngàng, bàng hoàng chen lẫn kinh hoàng và hoang mang tột đột về nền giáo dục xã hội chủ nghĩa - một thứ dạy dỗ độc nhất vô nhị trên thế giới !
Trước khi kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Nhân được bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng cùng với ông Hoàng Trung Hải. Cả hai người đều được dư luận hào hứng xem như là những nhà kỹ trị đầu tiên [3] - được du học nước ngoài - sau nhiều chục năm, họ sẽ dần dần thay lớp lãnh đạo với tuổi đời già cỗi, phong thái đạo mạo, tư duy xơ cứng cùng "con đường học vấn" hẹp téo, mịt mù bụi đường với những ổ voi, ổ gà vương vãi khắp nẻo Việt Nam ; trong khi lại thống trị toàn bộ hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội và cai trị gần trăm triệu "con dân" !
Tiếc thay ! Suốt quá trình làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ bày ra trước công luận sự mờ nhạt của một "nhà kỹ trị" lẽ ra phải có !
Tiếc thay ! Ngoại ngữ lưu loát của ông Nhân chỉ giúp ông ta đi loanh quanh từ địa vị Phó Thủ tướng đến Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dù lúc đó, ông ta và bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều đậu vào Bộ Chính trị mới - như là chỉ dấu niềm tin cho một cuộc đổi đời từ bùn lầy tăm tối hơn 70 năm, người cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ đè nặng trong tâm trí người Việt Nam ! Đó là vào tháng Năm năm 2013, thời điểm mà "triều đại" Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn vững mạnh.
Hơn cả vấn đề ngoại ngữ, tư tưởng gì, triết lý nào làm nền tảng cho ông Nhân tiến hành quản lý khoa học và hiệu quả, ngoài cái nền ẩm ướt và trơn trợt từ màu xanh rêu ẩm mốc của "Bên Thắng Cuộc" ?!
May thay ! Ông Nguyễn Thiện Nhân đã không trợt té từ loại triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - "thứ triết" vốn phản bội nhân loại và giày xéo cả nền Triết học thế giới.
May thay ! Ngày mà ông Đinh La Thăng ngã sóng soài trên những mảng rêu phong do các đồng chí tạo ra, ông Nhân đĩnh đạc trở về nơi "từ thành phố này người đã ra đi" (!) để bước lên ngôi vị cao nhất vào tháng Năm năm 2017.
Người dân lại một phen xôn xao về "nhà kỹ trị" với phát ngôn để đời đối với dân oan Thủ Thiêm : "Tôi nói tiếng Bắc nhưng là người Nam, tôi không gạt bà con đâu !" để nuôi dưỡng "ý đảng" mà mong nó phổng phao trở lại sau hơn 20 năm cùi mòn trong "lòng dân" mất đất một cách oan ức (!). Đó là vào tháng Sáu năm 2018, chỉ một năm sau khi nhậm chức Bí thư thành ủy. Tất nhiên, người dân hồ hỡi đón nhận với những tràng pháo tay đầy hy vọng chen lẫn phập phồng về lời hứa, vốn quá thừa thãi trên môi mỗi người cộng sản Việt Nam.
Không lâu sau khi gieo vào lòng dân Thủ Thiêm niềm tin mãnh liệt, tháng Giêng năm 2019, cận tết âm lịch, người dân bàng hoàng chết lặng, khi những hình ảnh tan nhà nát cửa của Vườn Rau Lộc Hưng phơi đầy lên mạng xã hội.
Nhanh nhảu không kém, lư hương tại Bến Bạch Đằng tọa lạc tại quận Nhứt - Sài Gòn được cẩu đi khỏi nơi mà nó đã trơ gan cùng tuế nguyệt hàng chục năm qua, vào tháng Hai năm 2019, dịp mà người dân Sài Gòn đến thắp nhang tưởng niệm Tiền Nhân Việt Nam, trước hành động ngày càng hung hăng của Trung Cộng.
Gần 15 năm với những chức vụ cao cấp, ông Nguyễn Thiện Nhân vẫn giữ đúng phong thái chậm rãi, từ tốn và nhỏ nhẹ mỗi khi xuất hiện trước quần chúng, dù công luận thường xuyên nhắc đến Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng cũng như đòi chèo chẹo chiếc lư hương vốn là bảo vật tinh thần chống giặc Tàu hàng trăm năm qua. Bỗng nhiên, hôm 01/10/2020, báo chí đặt câu hỏi "Vì sao Thành phố Hồ Chí Minh gấp gáp việc thành lập thành phố Thủ Đức ?" [4].
Blogger nổi tiếng Lê Nguyễn Hương Trà trên trang cá nhân của mình, cho hay có tin đồn, sau khi kết thúc đại hội đảng bộ Hồ Chí Minh, kéo dài từ 14 đến 18/10/2020, khả năng rất cao, ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ chấm dứt... sự nghiệp cách mạng. Ông Nguyễn Văn Nên sẽ là người thế chỗ.
Thông tin mới nhất về dân oan Thủ Thiêm, do RFA đưa tin ngày 05 tháng Mười năm 2020, từ mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết : "...Ủy ban Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ cũng lộ rõ bản chất của họ. Cả anh Nhân (ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh) và anh Phong (ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh) thay vì sửa chữa sai lầm theo chỉ đạo của Chủ tịch nước hay của Thủ tướng Chính phủ thì họ đã sai nhưng họ vẫn muốn giữ đất đó cho các công ty mà thực chất là họ đã giao đất cho các công ty rồi, họ bán trước đó rồi. Bây giờ họ giữ đất đó chứ không giải quyết gì cho dân cả. Nói chung UBND quận 2 và Thành phố Hồ Chí Minh xem thường pháp luật và xem thường kiến thức pháp luật của người dân. Họ chủ động làm theo ý của họ thôi, chứ không cần pháp luật nữa".
Từ những lời hứa của Nguyễn Thiện Nhân, người đời bật ra thành ngữ :
"Rẻ nhất là lời hứa, bựa nhất là người cộng sản Việt Nam"
Nếu lời đồn về đương kim Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh là đúng, không biết những tháng ngày lui về làm người tử tế như cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết tâm, có giúp cho Nguyễn Thiện Nhân nghiệm ra triết lý trong Tam Tự Kinh : "Nhân chi sơ, tính bổn thiện", bỗng trở nên khôi hài ngay trong chính họ tên khai sinh của ông ta ?!
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 06/10/2020 (nguyenngocgia's blog)
[1] https://tuoitre.vn/nam-2010-giao-vien-song-duoc-bang-luong-353434.htm
[2] https://laodong.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-giao-vien-mong-song-duoc-bang-lu...
[3] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2007/08/070803_spectacularc...
[4] https://zingnews.vn/vi-sao-tphcm-gap-gap-viec-thanh-lap-thanh-pho-thu-du...
********************
Đến lúc chết vẫn chưa được nhận tiền bồi thường oan sai - Lỗi từ đâu ?
Diễm Thi, RFA, 06/10/2020
Ông Hồ Long Chánh, một nạn nhân trong vụ án liên quan đến "vụ cướp năm chỉ vàng" tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, Huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh 41 năm trước, vừa qua đời mà chưa được cầm đồng tiền bồi thường oan sai nào.
Ông Hồ Long Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Photo : facebook Luật sư Phạm Công Út
Ông Hồ Long Chánh là người đầu tiên bị bắt. Do bị kê súng vào màng tang bắt nhận tội và ép phải khai các đồng phạm, cả gia đình tám người lần lượt bị bắt chỉ trong hai đêm cuối tháng 7 năm 1979.
Tám người bị bắt gồm vợ chồng ông Nguyễn Thành Nghị, bà Võ Thị Thương cùng con trai Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1961 (Dũng Nhỏ) ; vợ chồng ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan với bào thai 5 tháng tuổi ; vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan ; ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958 (Dũng Lớn) là em bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Ngoài ông Dũng Lớn được nhận quyết định đình chỉ vụ án do ông đòi ngay sau khi được thả, vì ông là quân nhân nên ông sực nhớ mình phải có giấy tờ gì để chứng minh với đơn vị mình là người bị oan, bảy người còn lại được nhận bản photocopy quyết định này vào ngày 4 tháng 4 năm 2019, tức sau 40 năm, dù những bản quyết định này được ký từ năm 1983.
Trò chuyện với RFA, Luật sư Phạm Công Út, người được ủy quyền đòi bồi thường cho gia đình bà Thương, kể rằng khi được thả ra sau 1.386 ngày bị giam thì nhà đã mất, ruộng không còn. Họ trắng tay không còn gì ngoài tiếng đời là một gia đình bất lương, nhưng họ không thể kêu oan vì họ không có giấy tờ gì chứng minh mình bị oan.
Với sự trợ giúp pháp lý của một nhóm luật sư (không nhận thù lao), các nạn nhân bắt đầu hành trình đòi bồi thường oan sai từ tháng 4 năm 2019. Đến nay, cả bảy người vẫn chưa được nhận đồng nào. Hai người đã chết.
Luật sư Phạm Công Út khẳng định đây là sự tắc trách một cách cố ý của những người đại diện cho cơ quan làm oan (Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh), chứ không phải là vô ý. Ông giải thích :
"Thứ nhất, họ xúi giục những người ủy quyền cho tôi đòi bồi thường từ chối tôi. Thứ hai, họ không tạm ứng tiền bồi thường cho các nạn nhân theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước dù họ có văn bản yêu cầu tạm ứng. Thứ ba, họ không đi xác minh thiệt hại của nạn nhân mà theo luật thì họ có nghĩa vụ phải xác minh. Thứ tư khi có quyết định bồi thường một tỷ không trăm năm chục triệu thì họ không gởi văn bản ra Bộ Tài Chính ngay mà cách đây hai tháng họ mới gởi. Tức họ gởi rất chậm so với quy định của pháp luật. Vậy lý do gì họ gởi chậm để bây giờ họ nói Bộ tài chính chưa gởi tiền về ?"
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một luật sư trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân nói với RFA sau cái chết của ông Hồ Long Chánh rằng, rất thương tâm là các nạn nhân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường dù đã có thỏa thuận đồng ý mức bồi thường thấp. Mức này không tính đến khoản oan sai mấy mươi năm qua mà chỉ tính thời gian bị giam cầm. Nhưng họ đã chấp nhận, trừ anh Dũng Nhỏ tiếp tục kiện ra tòa và tòa án Bình Dương đang thụ lý. Ông nói thêm :
"Họ không quan tâm đúng mức, hay không muốn bồi thường sớm, hay vì một lý do nào đó mà cái cách họ nói là ngân sách không có tiền. Quỹ bồi thường không có để chi ra bồi thường. Họ còn đưa ra lập luận là hiện nay không chỉ có một vụ này mà có trên 20 vụ trong cả nước không có tiền bồi thường. Chúng tôi thấy ngạc nhiên với cách nói như vậy.
Cái trách nhiệm này là trách nhiệm bồi thường oan sai. Bên gây oan sai và bồi thường oan sai là Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhưng tiền bồi thường là do tổng hợp từ Viện kiểm sát tối cao. Cao hơn nữa là tiền của Nhà nước. Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường. Tới hôm nay vẫn chậm trễ từ thủ tục hành chính".
Cụ bà Võ Thị Thương. Photo : Thanhnien.vn
Ban đầu, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ đồng ý bồi thường cho khoảng thời gian các nạn nhân bị tù oan, tức chỉ 1.386 ngày. Các nạn nhân không đồng ý và đòi phải bồi thường 36 năm sau đó trong thân phận bị can. Mỗi người đòi từ trên 10 tỷ đồng đến khoảng 20 tỷ đồng. Nhưng do tất cả đều đã quá già, thêm vào đó là sức khỏe yếu, di chứng do bị đánh đập trong tù… không ai đủ sức chờ đợi nên cuối cùng họ đồng ý với thương lượng nhận mỗi người chỉ hơn một tỷ đồng. Riêng ông Dũng Nhỏ (sinh năm 1961) vẫn kiên quyết theo đuổi vụ kiện.
Ông Dũng Nhỏ cho biết :
"Giờ này chưa ai nhận được tiền dù ký quyết định gần bảy tháng rồi mà mấy ổng có nạp lên trên đâu. Mới đi hỏi thì viện kiểm sát cho biết họ mới gởi đi có hai tháng thôi nên chưa có tiền bạc gì hết.
Tui thì đang khiếu kiện ở tỉnh Bình Dương. Vừa rồi thương lượng chưa được nên đang chờ ngày ra tòa mà cũng chưa biết bao giờ. Thương lượng hai lần rồi chưa được. Tui không chấp nhận từ đầu và bây giờ đang khiếu kiện tiếp. Mấy người kia thì lớn tuổi quá rồi nên họ chấp nhận chỉ bồi thường thời gian mình ở trong tù là ba năm chín tháng 14 ngày thôi, còn hơn 36 năm ở ngoài trong thân phận bị can thì họ không tính tới.
Tui đang đấu tranh đòi phải bồi thường hết. Trước khi cả nhà bị bắt thì ai cũng có nhà, có đất. Giờ mất hết mà họ không bồi thường vì họ nói không có bằng chứng".
Là em vợ của ông Hồ Long Chánh, ông Dũng Lớn đã hỏi trực tiếp cơ quan có thẩm quyền thì họ cho biết mọi thủ tục đã xong. Ông đoán trong tháng 10 mọi người sẽ có tiền bồi thường. Ông chia sẻ thêm vì sao các nạn nhân đồng ý nhận số tiền bồi thường thấp :
"Họ chịu sự thỏa thuận và anh yêu cầu họ phải làm khẩn trương. Người ta chấp nhận vì người ta không còn thời gian để chờ đợi nữa. Đúng lý ra khi giải quyết khiếu nại không thỏa đáng thì người ta sẽ kiện và chờ ra tòa. Nhưng vì họ không còn thời gian đủ để chờ ra tòa nên họ phải chấp nhận số tiền này. Anh đề nghị họ phải có trách nhiệm giải quyết cho nhanh để như ông Chánh bây giờ là khó khăn. Họ không có thời gian chờ đợi nữa. Lớn tuổi quá rồi lại thêm việc xác minh tài sản này nọ mất rất nhiều thời gian. Nếu theo đến cùng chắc đến lúc mất cũng không cầm được đồng tiền bồi thường nữa".
Điều ông Dũng Lớn nói đang là sự thật với ông Hồ Long Chánh. Hồi tháng 4 năm 2019, ngay sau khi được minh oan, ông Hồ Long Chánh chia sẻ với RFA rằng, được minh oan con người trong sáng, trong sạch là một danh dự quá lớn lao và ông mang ơn những luật sư, họ là những đại ân nhân của gia đình ông. Còn chuyện bồi thường, ông nói :
"Quá đau khổ, bây giờ có bồi thường bao nhiêu cũng không thể giải quyết được về tinh thần. Mấy chục năm mất mát từ tinh thần, vật chất, con người… đau cả thể xác lẫn tâm hồn".
Ngoài ông Hồ Long Chánh, ông Nguyễn Thành Nghị đã mất mà chưa nhận đồng tiền bồi thường nào, bà Võ Thị Thương giờ đã 95 tuổi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã 82 tuổi, ông Nguyễn Văn Chiến đã 78 tuổi.
Họ giờ như những ngọn nến trước gió. Đến bao giờ họ mới nhận được tiền bồi thường oan sai là câu hỏi còn bỏ ngỏ…
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 06/10/2020
**********************
Lãnh đạo Việt Nam có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như hô hào ?
RFA, 05/10/2020
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mới đây đưa ra bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" đã cho rằng "trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển ; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu".
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với báo chí sau khi lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân tại điểm bỏ phiếu ở Hà Nội, Việt Nam ngày 22/5/2016. Reuters/Kham
Báo VietnamNet vào ngày 5/10 khi phân tích bài viết của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã tham khảo ý kiến Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và dẫn lời GS. TS. Phùng Hữu Phú rằng cán bộ chính phủ Hà Nội, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải quyết tâm đổi mới, có năng lực đổi mới.
Trao đổi với RFA tối 5/10, Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nhận xét về phát biểu vừa nêu của Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương như sau :
"Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là đúng và nếu làm được như vậy thì rất tốt cho dân".
Từ Hà Nội, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác ở Tạp chí Cộng sản lại cho rằng lời ông GS. TS. Phùng Hữu Phú nói với báo VietNamNet chỉ là lời nói cho có. Ông lập luận :
"Bây giờ mới phát hiện ra càng quan chức cao cấp, càng nói này nói nọ thì càng đi ngược lại với những cái người ta với những cái người ta phủ nhận. Ví dụ như những người tham nhũng vào tù ngồi như Trung tướng Phạm Văn Vĩnh, Nguyễn Đức Chung, thầy thuốc Giám đốc bệnh viện Bạch Mai… Đấy là một loại tuyên truyền, những biểu tượng của họ, để phục vụ họ hay dùng như thầy thuốc nhân dân, nhà báo nhân dân… từ những biểu tượng như thế càng nói, càng tuyên truyền, càng thổi lên thì bản chất càng ngược lại. Căn cứ vào thực tiễn hiện nay thì tôi đánh giá câu nói của ông đó càng vô cùng sáo rỗng".
Đồng quan điểm nêu trên, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội - Tổng cục II, nhận định :
"Tôi cũng đã từng 21 năm làm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì tôi thấy một điều là nói để cho hay, cho đẹp thì không ai hơn cộng sản. Tuyên truyền thì cộng sản là số một nên những lời của Phùng Hữu Phú thì tôi nghĩ chẳng có giá trị gì và hoàn toàn không đáng tin cây, đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai thì dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nghe thì có vẻ hay nhưng tất cả đều nằm trong vòng kim cô của đảng cộng sản nên không thể có người nào làm được như vậy, thực tế không thể có. Những người chưa nói đến làm, đến chịu trách nhiệm mà chỉ cần phản biện trái ý của họ là họ đã cho vào tù, thậm chí rất lâu, điển hình như trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều nhân sĩ trí thức, người có trình độ, tâm huyết với đất nước".
Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, thực tế trong thành công chống dịch Covid-19 của Việt Nam vừa qua đã thể hiện rất rõ vai trò chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn :
"Vừa qua chúng ta thấy đảng yêu cầu trong chống Covid-19 thì rõ ràng đảng có chỉ thị, yêu cầu trước thì cán bộ, chính phủ, cơ quan nhà nước mới triển khai thực hiện sau. Trả lời một cách công bằng và công tâm thì rất khó nhưng phần lớn cán bộ Việt Nam bây giờ thực hiện được dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân. Tất nhiên cũng có những người chưa làm được như vậy. Những ai chưa làm được như vậy thì dân sẽ có ý kiến, phản ảnh và thanh tra của lãnh đạo nhà nước sẽ thanh tra và sẽ phê bình những người đó. Nếu những ai không làm được những việc như vậy và có sai phạm khuyết điểm nữa thì có thể bị kỷ luật".
Với góc nhìn cá nhân và quá trình quan sát từ thực tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng việc cán bộ lãnh đạo ‘dám nghĩ, dám làm’ không khả thi trong tình hình hiện nay. Ông cũng đưa ra ví dụ điển hình :
"Bây giờ chẳng ai dại dám nghĩ dám làm nữa. Trường hợp cụ thể nhất, người dám làm là ông Đoàn Ngọc Hải, phó quận trong Sài Gòn, người đập vỉa hè, dám nghĩ dám làm nhưng có làm được đâu. Tư tưởng của ông là đúng, tốt, mà có làm nổi đâu".
Ông Đoàn Ngọc Hải, sinh năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến với chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại địa bàn quận 1 vào những tháng đầu năm 2017, cùng phát biểu ‘Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn, không làm nữa’.
Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 19/5/2017 đồng loạt đăng tin dẫn lời ông Đoàn Ngọc Hải cho biết chiến dịch này bị ngừng lại theo yêu cầu của Quận ủy quận 1.
Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến khi bàn luận đến vụ việc cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ cũng nhắc đến ông Kim Ngọc, cố Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, người được báo chí nhà nước nhắc đến là một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.
Cụ thể, ông Kim Ngọc được coi là ‘cha đẻ của khoán hộ, hay còn gọi là 'khoán mười', với quan điểm được đánh giá cao trong thập kỷ 60 của thế kỷ 20 là "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình".
Nhiều thông tin cho rằng với chủ trương ‘khoán hộ’ nêu trên, ông Kim Ngọc đã bị kỷ luật kiểm điểm vào cuối năm 1968.
Tuy nhiên, khẳng định với RFA tối 5/10, ông Nguyễn Minh Trí cho biết việc đảng chấp thuận ý kiến của ông Kim Ngọc là do tình thế bắt buộc :
"Lúc bấy giờ nếu không tổ chức khoán hộ, khoán đến nhóm người lao động như người xưa hay nói, thì chết đói, cả nước chết đói, cả miền bắc chết đói, không có gạo mà ăn nên đó là việc chẳng đặng đừng. Nếu ngân sách có nhiều hoặc được viện trợ nhiều thì chắc chắn ông Kim Ngọc sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị đi tù. Tương tự, cái mà ta vẫn gọi sau đấy hơn khoảng một chục năm, vào Đại hội V, Đại hội VI của đảng vào năm 86 thì ta gọi là đổi mới, suy cho cùng cũng chỉ là nếu không đổi mới thì đảng này cũng sập, đổi mới chẳng qua để duy trì tiếp sự tồn tại. Người dân bị siết cổ gần chết thì nó (đảng) chỉ mở dây trói đó ra tí chút cho họ đủ sống thôi, hoàn toàn không có nghĩa cho họ quyền tự do, kể cả về mặt kinh doanh sản xuất hay sở hữu, như những quyền mà nước khác có".
Với những nguyên nhân nêu trên, ông Vũ Minh Trí khẳng định ông hoàn toàn không tin tưởng vào cải cách, đổi mới của chính phủ Hà Nội :
"Chẳng qua đấy là bước đường cùng họ phải làm như vậy. Nếu họ không làm thì bản thân họ cũng sụp đổ, cũng sẽ chết".
Nhân sự Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong lúc đại hội đảng cận kề. Trong thời gian này, truyền thông nhà nước cũng liên tục đưa tin về những biện pháp cải thiện chất lượng nhân sự từ các vị lãnh đạo với mục đích được nói để góp phần xây dựng đảng hùng mạnh, đất nước phát triển.
Dù vậy, nhiều ý kiến từ các nhà quan sát xã hội cho rằng việc những ý kiến đưa ra thực chất chỉ mang tính tuyên truyền và không thiết thực trong tình hình hiện nay.
Nguồn : RFA, 05/10/2020