‘Bom hàng' trước thềm đại hội đảng ?
Hoàng Hoành Sơn, VOA, 08/10/2020
Nhiều tờ báo tại Việt Nam cho biết, thời gian qua : Tuyên Quang dừng chi 2,5 tỉ đồng may trang phục cho đại biểu dự đại hội đảng (1) ; Quảng Bình dừng việc chi 2,2 tỉ đồng mua cặp da và tiết giảm tối đa các khoản chi không cần thiết tại đại hội đảng (2) ; Quảng Trị dừng mua 'bình hút tài lộc' làm quà tặng đại hội đảng (3) ; Hải Phòng cũng dừng chi 269 tỉ đồng mua ấm chén làm quà tặng (4) ; Hòa Bình tháo dỡ chữ, dừng thi công khẩu hiệu 11 từ hơn 10 tỷ đồng (5) v.v… Nói theo thuật ngữ dân buôn trên mạng, đây quả là tình trạng "bom" hàng khủng, vì giá trị đặt hàng đều tiền tỷ trở lên.
Một cảnh sát làm nhiệm vụ bên cạnh áp phích kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/2020. Hình minh họa.
"Bom" hàng là tình trạng người mua đặt hàng online trên mạng rồi sau đó không nhận với hàng trăm lý do chính đáng. Điều đáng nói khi nhắc đến việc "bom" hàng do chính quyền địa phương ở các tỉnh thành Việt Nam hiện nay, chỉ có một lý do duy nhất : "nuốt không trôi phải nhả ra".
Vì thế, muốn giải thích hiện trạng chính quyền địa phương "bom" hàng phải khởi đi từ tình trạng tham nhũng lan tràn trong hệ thống cơ chế nhà nước chỉ toàn đảng viên cộng sản. Bất cứ cán bộ cấp cao ở các bộ, ban, ngành nào cũng thế. Họ luôn nâng khống giá trị hàng hóa hòng thu lợi bất chính. Nếu không tham gia vào hệ thống đó, chỉ có nhảy lầu hoặc thoái đảng.
Đan cử trường hợp gần đây nhất : Bệnh viện Bạch Mai, lẽ ra là nơi thể hiện y đức, tình thương và đồng cảm với bệnh nhân, vậy mà các đảng viên lãnh đạo ở đây nâng khống thiết bị y tế có giá từ 7,4 tỷ đồng lên thành 39 tỷ đồng, nhằm thu lợi bất chính từ các bệnh nhân đang điều trị ở đây (6) ; vụ 7 đảng viên lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật, thuộc sở y tế Hà Nội, đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước (7).
Nguyên ủy là xã hội cũng vừa tạm ổn trên mặt trận đại dịch Covid-19, các địa phương phải tranh thủ tiêu xài các nguồn ngân sách tồn dư để kịp cuối năm tài chính trình kết toán lên trung ương và đại hội đảng bộ là một dịp tốt để viết hóa đơn. Có địa phương mua quà bằng nguồn ngân sách chung, có địa phương mua bằng nguồn xã hội hóa như tỉnh Quảng Nam, chẳng hạn (8).
Nhưng dù có nguồn nào đi chăng nữa thì tựu trung các khoản tiền đó đều từ dân, nơi dân mà ra cả. Tuy nhiên, họp đảng là chuyện riêng của đảng cộng sản, 90 triệu dân có dính líu gì đến ? Cho nên, các thành viên đảng phải có bổn phận tự đóng góp quỹ đảng mà sinh hoạt, nhóm họp và tặng quà chứ. Tại sao hội họp đảng cộng sản lại chi bằng ngân sách, bằng tiền thuế do dân đóng góp ?
Tất cả thu chi từ tài nguyên, đất đai, trên rừng ngoài biển, cho thuê đặc khu, thuế khóa người dân đều do đảng cộng sản quản lý, tự ý thu chi. Tiếng là người dân làm chủ, nhưng trong thực tế, đảng cộng sản vừa là chủ vừa là quản lý ; nó như một trò lừa, vì chẳng có gì mơ hồ, lập lờ chữ nghĩa hơn chuyện "toàn dân làm chủ" ! Thực tế chỉ có đảng quản lý thôi, không có chủ. Vì thế, quản lý mà không có chủ thì chính anh quản lý ấy là chủ, chứ còn ai vô đây nữa ?
Mọi công cụ sản xuất đảng quản lý tất tần tật, hiến pháp và luật do đảng đặt ra, mọi công cụ đàn áp người dân do đảng nắm, quân đội - công an đều do đảng điều khiển. Vậy ai là chủ nước Việt Nam hiện nay ? Bằng chứng ai là chủ hiện rõ qua những vụ bắt bớ vô thiên vô pháp mới đây của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam :
1. Phạm Đoan Trang mới bị công an bắt tại Sài Gòn, vì dám tham gia ra luật Quốc hội mới, luật bầu cử mới và gần đây nhất là ra một báo cáo song ngữ Anh – Việt (với Will Nguyễn) về sự việc công an tấn công giết người tại Đồng Tâm.
2. Tiến sĩ - võ sư Phạm Đình Quý bị công an Đắk Lắk bắt cũng tại Sài Gòn với lý do đấu tranh chống tiêu cực đạo văn của ông bí thư tỉnh này.
3. Nguyễn Anh Tuấn, một nhà tranh đấu thế hệ 9X, có lẽ cũng đã bị công an Đà Nẵng bí mật bắt giữ.
Cứ thế, danh sách người bị bắt vì bất đồng chính kiến hoặc vì đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ mãi thêm dài trong thời gian qua. Kể cả cái chết của cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm. Ông Bùi Viết Hiểu ngồi chung với cụ Kình cũng bị bắn trọng thương, may mà thoát chết, nay bị án tù 16 năm và hai án tử hình cho hai người con cụ Kình. Nó cho thấy ai mới thực sự có quyền sinh sát, bỏ tù không xét xử, công an bắt bớ không cần lệnh, chẳng cần biết có tội hay không. Nó là hệ quả của một xã hội không có nhân quyền. Đảng cộng sản vốn toàn trị và là ông chủ thực sự tại Việt Nam, và họ đã chứng tỏ mình là những ông chủ khắc nghiệt, tham lam, luôn đày đọa người dân không chút lòng thương xót.
Trở lại công cuộc "bom" hàng của chính quyền địa phương do đảng lãnh đạo
Ở Việt Nam không có đảng thứ hai, thứ ba. Chỉ có duy nhất một đảng cộng sản duy nhất múa gậy vườn hoang mà thôi. Vậy ở một quốc gia độc tài như Việt Nam sẽ có bao nhiêu các cấp chi bộ đảng từ xã lên huyện lên tỉnh để mà tiến lên đại hội đảng cộng sản toàn quốc ? Nếu tính từ cấp xã, phường và thị trấn sẽ có 10.732 đơn vị hành chính. Cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh sẽ có 659 đơn vị. Rồi cả nước hiện nay có 64 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương (9). Cứ thế mà tính ra đại hội đảng ở các cấp chi bộ tại VN.
Chi phí cho những đại hội đảng thứ cấp này sẽ là bao nhiêu ? Con số không thể dưới trăm tỷ mà phải trên mấy ngàn tỷ nếu cộng hết lại từ địa phương đến trung ương. Một tỉnh nghèo, thiếu ăn như Tuyên Quang còn dám chi 2,5 tỷ đồng may quần áo cho đại biểu thì tổng chi cho đại hội đảng sẽ là bao nhiêu ? Huyện Hàm Yên thuộc tỉnh Tuyên Quang thông báo : Từ ngày 04, 05/5/2020, toàn huyện đã cấp 62.955 kg gạo cho 1.197 hộ nghèo với 4.197 nhân khẩu trong dịp cứu đói giáp hạt năm 2020 (10).
Như thế các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ chi phí cho đại hội đảng còn vượt trội gấp nhiều lần. Cứ tính sơ sơ Hải Phòng đã từng dự chi 269 tỷ mua quà tặng 60 vạn hộ dân dịp kỷ niệm thành lập, thì chi cho đại hội đảng năm nay quan trọng hơn (đối với đảng) sẽ rộng tay như thế nào ? Hơn 5 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam đã tiêu tốn cho kỳ đại hội năm 2020 này một con số không dưới 4 ngàn tỷ. Và 90 triệu dân Việt Nam phải è lưng gánh lấy chi phí sinh hoạt đảng cho hơn 5 triệu "ký sinh trùng" này (ở đây xin lấy lại nguyên văn câu nói của một phát thanh viên VTV1 về người dân bán hàng rong trên đường phố) (11).
5 triệu đảng viên họp với số tiền khủng đã gây lên một hiệu ứng không chỉ "bom" hàng mà còn "bom" tiền của người dân Việt Nam.
Việc "bom" hàng của chính quyền địa phương khiến nhiều doanh nghiệp "gia đình", "tay trong", là vợ con, anh em, cháu trai gái các quan nhớn đầu tỉnh ăn theo phải gánh những sản phẩm đã ký thỏa thuận. Tuy nhiên, với các nhóm lợi ích này thì mấy món hàng quèn vài tỷ đồng chưa bõ bèn gì, sẽ có những dự án khác bù lại. Chẳng qua chỉ là đứa nào không trúng thầu dại mồm kể lể khiến sự tình đổ bể ra công luận không như ý các đảng viên lãnh đạo.
Điều đáng nói là nguồn tiền đó không đến từ mồ hôi nước mắt của đảng viên, của nhà nước hay từ ban kinh tài của đảng cộng sản Việt Nam. Nguồn tiền đó đến từ thuế khóa do dân đóng góp ; nó đến từ khai thác tài nguyên đất – rừng – biển ở Việt Nam. Xài tiền dân cho đại hội đảng rõ ràng là tình trạng "bom" tiền khiến đất nước ngày một lụn bại. Bởi vì bên cạnh việc hoang phí tiền của đất nước, những nhà lãnh đạo đảng viên do đảng cộng sản đề cử chỉ biết làm lỗ cho nhà nước, làm hại cho nhân dân chứ không hề có hiệu quả kinh tế gì đáng kể.
Xét về kinh tế vi mô, thì có những công trình "bom" tiền theo kiểu : sập trần bệnh viện ngàn tỷ ở Đắk lắk làm bệnh nhân hoảng hốt (12) ; sập tường trường học khiến học sinh tử vong ở Nam Lộc – Nghệ An (13) ; đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên cao như một vết cứa xấu xa trên bộ mặt thủ đô Hà Nội ; và rồi mấy trăm cột điện gãy đổ sau cơn bão số 5 vừa qua ở miền Trung. Hoặc căn nhà 4 tầng hầm của thiếu tướng Lê Công gây xôn xao dư luận cả nước (14).
Riêng về kinh tế vĩ mô, cứ xem phát ngôn của bộ trưởng bộ công thương Trần Tuấn Anh trên báo chí, sẽ biết hiệu quả từ các công ty quốc doanh : "12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu sắc" (15). Tôi chưa biết kinh nghiệm vị bộ trưởng này nói là kinh nghiệm quản trị những công ty quốc doanh hay kinh nghiệm bòn rút, tham ô của công thành của riêng, của nhân dân thành của đảng viên ? Dầu khí khoan từ tự nhiên lên bán cũng lỗ ; khai thác mỏ vàng vẫn lỗ, điển hình mỏ vàng Bồng Miêu phải đóng cửa và chi phí cho dự án đóng cửa này lên đến hơn 19 ngàn tỷ đồng ; ngành điện bán độc quyền đủ bậc giá vẫn báo cáo lỗ và bắt dân phải bù lỗ (16).
Chỉ có ngành vé số, với lực lượng đông đảo người bán vé số dạo ở các thành phố lớn, nhất là miền Nam, có doanh thu gần bằng ngành dầu khí : Dự toán thu ngân sách từ dầu thô năm 2020 là 34.000 tỉ đồng. Tổng thu từ hoạt động xổ số năm 2019 ước tính là 29.000 tỉ đồng, và dự toán được Quốc hội phê duyệt năm nay là 31.700 tỉ đồng (17).
Dài dòng văn tự về công cuộc gian nan kiếm tiền của cả quốc gia để cho thấy rằng vẫn còn biết bao lãng phí vô cớ và vô ích khi đảng xài tiền của nhân dân. Lẽ ra những nguồn tiền thất thoát từ các tập đoàn quốc doanh, từ những đại hội đảng từ địa phương đến trung ương này được đầu thành những đoàn tàu cao tốc xuyên bắc nam như các nước khác ; hoặc được đầu tư hiện đại hóa các bệnh viện, trường học hoặc giúp xây dựng xã hội nhân quyền dân chủ, công bằng. Ở Việt Nam, đảng cộng sản đặt quyền lợi của đảng và đảng viên lên trên quyền lợi người dân.
Dĩ nhiên, còn nhiều chi phí sinh hoạt khác mà đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ công khai cho người dân biết. Hẳn chúng ta còn nhớ giá cho một ghế đại biểu quốc hội là 1.5 triệu đô la, theo lời cựu đại biểu quốc hội Châu Thị Thu Nga khai trước tòa cách đây ít năm (18). Những chi phí bí mật chạy chức chạy ghế vốn không lạ lẫm gì với người dân cả nước. Đảng cộng sản vốn đề cao văn hóa "phong bì" từ vài triệu đến vài chục triệu đô la cho những chiếc ghế chức quyền đẻ ra vàng cho ai ngồi trên đó. Hàng loạt các quan chức cấp cao, tướng tá, bộ trưởng bị bắt vào tù vì tham nhũng là minh chứng cho những kẻ buôn vua, mua quan bán tước chỉ nhắm mục tiêu "bom" tiền từ người dân, từ những nguồn thu khổng lồ của một quốc gia vốn chỉ chạy vào túi do đảng cộng sản kiểm soát.
Vậy những dịp đại hội đảng như thế này chỉ khiến tài lực trong nước hao tổn ; đại hội chỉ giúp những kẻ cơ hội chạy chức quyền và đưa con cháu vào những chiếc ghế có lợi cho nhóm hoặc cá nhân nào đấy. Dân chỉ trơ mắt nhìn và chả hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đại hội, các đảng viên có dịp chi thoải mái quà tặng, biếu xén công khai cũng như hối lộ bí mật. Và tất cả chi phí đều do dân gánh chịu.
Ngày xưa, vua và các quan lại thời quân chủ cũng sống theo kiểu như vậy. Tướng Trần Khánh Dư, thời Trần, từng tuyên bố : "quan là chim ưng, dân lính là vịt. Lấy vịt mà nuôi chim ưng có gì là lạ ?" (19) Thời nay cũng y như thế, có đảng viên thản nhiên tuyên bố : người ta nói "Thu thuế cũng như "vặt lông vịt", vặt làm sao càng nhiều lông càng tốt, nhưng đừng để nó kêu toáng lên" (20).
Thế là việc "bom" hàng, "bom"tiền, "bom" chức quyền, "bom" người dân vẫn còn tiếp diễn tại Việt Nam.
Hoàng Hoành Sơn
Nguồn : VOA, 08/10/2020
Tư liệu tham khảo :
(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/hai-phong-se-dung-chi-269-ti-dong-mua-am-chen-lam-qua-tang-1193935.html
(11) https://vtv.vn/video/tai-chinh-kinhh-doanh-sang-17/8/2020-454605.htm
(16) https://tuoitre.vn/lai-3500-4000-ti-dong-evn-van-tang-gia-dien-526228.htm
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dong-cua-vinh-vien-mo-vang-bong-mieu-1154315.html
https://yeudanang.biz/sao-chung-toi-phai-bu-lo-cho-nganh-dien.html
(17) https://tuoitre.vn/nhin-vao-nen-kinh-te-ve-so/20200824231635519.htm
(19) https://vnexpress.net/tran-khanh-du-vo-tuong-lam-tai-nhieu-tat-3742621.html
*************************
Bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu
Trân Văn, VOA, 06/10/2020
Cuối cùng, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã quyết định dừng chi 2,5 tỉ đểmay trang phục cho tất cả các đại biểu tham dự đại hội đảng của tỉnh này vì một số địa phương có lùm xùm về việc mua quà tặng đại biểu(1).
Tỉnh ủy Tuyên Quang đã quyết định dừng chi 2,5 tỉ đểmay trang phục cho tất cả các đại biểu tham dự đại hội đảng - Ảnh minh họa
Tin Tuyên Quang – tỉnh mà dự toán tổng thu ngân sách của cả tỉnh trong năm nay chỉ có 2,3 tỉ đồng nhưng yêu cầu công khố chi 2,5 tỉ đểtổ chức đấu thầu 428 bộ trang phục, với yêu cầu vải nguyên liệu phải là Cashmere của Ý, vải lót phải của Nhật, phụ liệu (chỉ, cúc áo,…) phải của Đức và nhà thầu phải tổ chức đo – cắt – may cho từng đại biểu, giao hàng tận tư gia của từng đại biểu khiến công chúng tiếp tục sôi lên vì giận…
Tuy nhiên Tuyên Quang không phải là tỉnh đầu tiên và chắc chắn chưa phải tỉnh cuối cùng phung phí công quỹ cho đại hội đảng các cấp ở địa phương của mình. Một ngày trước khi Tuyên Quang tuyên bố hủy kết quả đấu hai gói thầu cung cấp 428 bộ trang phục bằng Cashmere, Quảng Trị tuyên bố hủy kế hoạch gọi thầu cung cấp 500… "bình hút tài lộc cao cấp" và phù hiệu để tặng đại biểu tham dự đại hội đảng của tỉnh !
Trước sự chỉ trích kịch liệt từ công chúng, đại diện Tỉnh ủy Quảng Trị phân bua : Thật ra, "bình hút tài lộc cao cấp" chỉ là… bình gốm có hình ảnh cầu Hiền Lương. Sở dĩ bình gốm trở thành "bình hút tài lộc cao cấp" trên thông báo mời thầu khiến công chúng dị ứng là vì… "sơ suất của anh em Văn phòng Tỉnh ủy" khi tìm - chọn quà tặng theo quảng cáo trên Internet (2)…
Đây có lẽ là lần đầu tiên đảng bộ một số tỉnh phải hủy các gói thầu mua sắm quà tặng các đại biểu tham dự đại hội đảng ở tỉnh của mình. Trước Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Bình cũng đã hủy kế họach dùng 2,2 tỉ đồng để mua cặp da tặng các đại biểu và khách mời tham dự đại hội đảng của tỉnh Quảng Bình (3) vì không chịu nổi búa, rìu của dư luận. Tuy nhiên đó chỉ là… cá biệt.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của nhiều tỉnh khác vẫn thản nhiên dùng cả tỉ của công quỹ chi cho việc sắm cặp làm quà tặng các đại biểu dự đại hội đảng bộ của họ, chẳng hạn : Vĩnh Phúc chi 1,8 tỉ. Lâm Đồng chi 1,2 tỉ, Nam Định chi 980 triệu, Bắc Giang chi 925 triệu,… Đó là chưa kể nhiều huyện cũng đã chi từ 200 triệu đồng đến 700 triệu đồng mua cặp tặng các đại biểu tham dự đại hội đảng cấp huyện (4).
Thậm chí, có tỉnh như Quảng Ninh còn tuyên bố sẽ chi tới 3,2 tỉ để trang bị "350 máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite hoặc tương đương" để làm quà tặng các đại biểu tham dự đại hội đảng của tỉnh này (5) ! Nhìn một cách tổng quát, công quỹ - mồ hôi, nước mắt của lương dân, nguồn lực để phát triển quốc gia – không là gì cả nên đảng bộ các tỉnh mới thi nhau sáng tạo trong lựa chọn – mua sắm và tặng quà sao cho độc, lạ !
***
Đáng lưu ý là từ Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, đến Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vẫn… ngậm tăm trước những trận bão dư luận về chi phí tổ chức đại hội đảng các cấp. Ứng xử thế nào với ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong sử dụng công quỹ khi tổ chức đại hội đảng không phải là chuyện của những cá nhân lãnh đạo đảng. Đó là chuyện riêng của đảng bộ địa phương !
Tình trạng phung phí tới đâu, hoàn toàn phụ thuộc vào… nhận thức của đảng bộ địa phương, giới lãnh đạo đảng không bận tâm, phát xuất từ… chủ trương của đảng. Năm 2014, Văn phòng Ban chấp hành trung ương đảng ban hànhQuy định 39/QĐ-VPTW, buộc hệ thống công quyền phải đáp ứng tất cả nhu cầu (ăn ở, đi lại, trang trí, in ấn tài liệu, tuyên truyền, bồi dưỡng cho lực lượng phục vụ và bảo vệ, mua quà…) khi đảng tổ chức đại hội (6).
Cho nên các tỉnh mới thi nhau chi, mới có những gói thầu mà phía gọi thầu khoe mức độ… sành điệu, kiểu nhưvải nguyên liệu phải là Cashmere của Ý, vải lót phải của Nhật, phụ liệu (chỉ, cúc áo…) phải của Đức và nhà thầu phải tổ chức đo – cắt – may cho từng đại biểu, giao hàng tận tư gia của từng đại biểu hay bình gốm được nâng lên thành "bình hút tài lộc", hoặc quà là máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite hoặc tương đương…
Không chỉ khoe quà, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các tỉnh còn thi nhau khoe khả năng chi tiền cho "công trình chào mừng đại hội đảng". Trong 86,5 tỉ mà UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Tài Chính chi để tổ chức đại hội đảng các cấp ở tỉnh này,hơn 75.7 tỉ chi trực tiếp cho các đại hội đảng và hơn 10,7 tỉchi cho cải tạo sửa chữa công trình phục vụ đại hội đảng các cấp(7).
Dường như muốn nhỉnh hơn, Hòa Bình mới vung tay chi 11 tỉ cho việc dựng 11 chữ (Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại) để chào mừng… đại hội đảng tỉnh Hòa Bình.Không may cho Hòa Bình là mức chi một tỉ cho một chữ quá… nhạy cảm, do áp lực của dư luận, Tỉnh ủy Hòa Bình đành "giãn tiến độ thi công" (8), công trình không thể hoàn thành trước ngày đại hội đảng ở tỉnh này khai mạc.
***
Nhiều thế hệ người Việt được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa từng bị buộc phải thuộc lòngBài ca cách mạng (*)– tác phẩm mà lúc đầu bị cho là tác giả vẫn còn khuyết danh, sau này được xác định là của Đặng Chánh Kỷ, tố cáo áp bức, bất công trong xã hội Việt Nam thuở còn lệ thuộc thực dân Pháp và phong kiến để biết ơn đảng đã lãnh đạo dân tộc thực hiện thành công cuộc "cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân", đưa cả nước vào "giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội".
So thực trạng kinh tế, xã hội ở Việt Nam sau 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với đảng bộ các tỉnh thi nhau dùng công quỹ để tổ chức đại hội đảng các cấp, liệu có khác gì hai câu thơ đầu củaBài ca cách mạng : Bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu. Lấy máu dân làm rượu làm trà - ? Có một điểm thú vị là gần đây, khi đề cập đến Đặng Chánh Kỷ và Bài ca cách mạng, hai câu thơ vừa kể và hai câu kế :Khổ ta lại phải lo ta. Nếu không chịu nổi liệu mà dậy mau… đã bị đục bỏ, đảng không muốn nhắc đến nữa (9).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2020
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/bi-thu-quang-binh-dung-ngay-viec-chi-2-2-ti-mua-cap-da-20200827171447895.htm
(4) https://congluan.vn/nhieu-tinh-chi-tien-ty-mua-cap-da-lam-qua-tang-post93625.html
(7) https://www.langson.gov.vn/index.php/en/node/86465
(8) https://laodong.vn/xa-hoi/cong-trinh-khau-hieu-gan-11-ti-dong-o-hoa-binh-dung-thi-cong-842096.ldo
(9) http://btxvnt.org.vn/dang-chanh-ky-(1890-1931)-post2281
**********************
Nhân văn cộng sản
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 05/10/2020
Gần đây, nhiều quan chức trong hệ thống nhà nước Việt Nam dùng những từ ngữ nghe rất lạ tai trong những vụ việc hết sức trái ngược. Một trong những từ được dùng khá nhiều trong đó là từ "Nhân văn".
Mới đây, chiều ngày 27/9, ông Quách Tất Liêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình trả lời báo Người Lao Động về việc xây dựng câu khẩu hiệu ở một quả đồi với 11 chữ, tiêu tốn hết 11 tỷ đồng tiền dân rằng : "việc xây dựng khẩu hiệu mang ý nghĩa giáo dục chính trị đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đây là công trình mang ý nghĩa nhân văn, vừa tạo cảnh quan"
Câu nói này, một lần nữa gây những phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội.
Tượng đài, cổng chào, khẩu hiệu như nấm sau mưa
Những năm gần đây, các địa phương, các cơ quan nhà nước thuộc tất cả các ngành, các cấp đua nhau lập dự án đầu tư từ mọi mặt như công nghệ, sản xuất, quy hoạch… để rồi hàng loạt dự án trở thành những dự án ma, những dự án gây nguy hại hoặc các dự án chỉ nhằm một mục đích duy nhất là vẽ ra để lấy tiền ngân sách đút túi quan chức rồi vứt bỏ.
Những dự án hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đua nhau đắp chiếu, được lập nên từ những "nhà khoa học viễn tưởng" chuyên viết dự án trong các cơ quan nhà nước, để qua đó, đổ tiền dân đốt không thương xót đã dần dần lộ sáng là những điểm nhức nhối của xã hội.
Và đó cũng là những cái cớ, cái đích để cuộc "đốt lò" thanh trừng nội bộ lẫn nhau trong đảng sử dụng khi cuộc chiến phe nhóm ngày càng gay gắt và khốc liệt khi đến gần cái gọi là "Đại hội đảng" mà người dân cho rằng đó là những "sới vật" hết sức tàn bạo nhằm chiếm những chiếc ghế quyền lực, để rồi qua "quyền" thì đến "lợi"..
Nhiều cá nhân, tập thể đã bị lôi ra trước vành móng ngựa để mếu máo khóc lóc xin xỏ và đảng vận đụng tất cả nhưng ưu tiên, ưu đãi thì vẫn cứ vào tù như chơi, đã làm nhiều cán bộ chuyên vẽ dự án và các địa phương phải giật mình.
Và người ta phát hiện ra một lĩnh vực hết sức dễ kiếm, dễ làm và dễ ăn : Đó là các tượng đài, các công trình kỷ niệm, các nhà văn hóa, các dự án về kinh doanh tâm linh, nghĩa là buôn thần bán thánh…
Đặc biệt, các dự án liên quan đến Hồ Chí Minh - một tấm bình phong mà đảng dựng lên, tô râu vẽ mũ cho đủ hình dáng nhằm để ma mị người dân Việt Nam u mê với bản chất cố hữu là thân phận phụ thuộc, nô lệ vào người khác mà không đủ tự tin ở chính mình – thì luôn được ưu tiên và thuộc hàng "miễn kiểm tra".
Chính vì thế, các địa phương, các tỉnh, các huyện và xã cùng thi đua với trung ương xây dựng các công trình chào mừng, các tượng đài, các khẩu hiệu cờ hoa… đủ thứ.
Vài năm trước, bất chấp là một tỉnh nghèo đói triền miên, lịch sử của Tỉnh là lịch sử xin ngân sách cứu trợ, là lịch sử của những đợt kêu gọi cứu tế từ các tỉnh, các địa phương cho đồng bào các dân tộc ở trong tỉnh, Tỉnh Sơn La đã vung bút vẽ một dự án khổng lồ với số tiền 1.400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh.
Dự án đã gây ra một cơn bão mạng về những lời phản ứng. Thế nhưng, phản ứng thì cứ phản ứng, việc lấy tiền dân đốt thoải mái làm vàng mã cúng Hồ Chí Minh thì không thể ai ngăn cản. Quyền trong tay đảng, súng trong tay đảng và tiền của dân trong tay đảng ai có thể cản ngăn ?
Và qua đó, người ta mới thấy con số dự án đang mở ra khắp nơi nơi trên cả nước. Riêng tượng đài Hồ Chí Minh có đến 58 dự án đang được lập.
Như vậy, số tượng đài, quảng trường, nhà lưu niệm, nơi kỷ niệm, lăng tẩm, đền thờ… riêng Hồ Chí Minh là con số khổng lồ ở Việt Nam. Điều này, cứ mỗi lần nhắc đến, người la lại nhớ câu thơ Tố Hữu nịnh Hồ Chí Minh khi xưa trở thành một đối chứng hài hước :
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Giờ đây, với Hồ Chí Minh, không chỉ có tượng đồng, mà còn là tượng đá, tượng gỗ không chỉ ở các lối mòn, các quảng trường mà còn len lỏi vào tận đền đình, chùa chiền, miếu mạo…
Rồi không chỉ tượng đài Hồ Chí Minh, là ăn theo những nhân vật như Hồ CHí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp… thì các nhân vật cộng sản khác cũng đua nhau xây lăng tẩm, miếu mạo, đền thờ khắp nơi. Đến như Trần Đại Quang sau khi chết bất đắc kỳ tử bởi virus lạ, cũng đã chiếm mấy ha đất vùng đất chật người đông thuộc Ninh Bình để làm lăng mộ.
Và không chỉ các nhân vật cộng sản, những tượng đài như Bà Mẹ Việt nam Anh cùng, tượng đài chiến thắng, tượng đài kỷ niệm, thậm chí cả tượng đài căm thù… cũng đua nhau mọc khắp nơi trên đất nước.
Chẳng hạn, dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Khâm Đức do UBND huyện Phước Sơn, Quảng Nam thực hiện. Để xây dựng công trình rộng khoảng 10 ha này, một quả đồi rộng lớn đã được san phẳng. Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với đa phần là người dân tộc thiểu số, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, hiện có tỷ lệ hộ nghèo là 25,61%.
Và không chỉ tượng đài, những cổng chào, những khẩu hiệu ăn theo phong trào nịnh hót lại thi nhau mọc lên bằng tiền dân.
Báo Nhân dân của ngày Thứ Ba, 05/01/2016 đưa tin : Tỉnh Hòa Bình có mười huyện, một thành phố với tổng số 210 xã, phường, thị trấn, 2.068 thôn, bản. Trong đó có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo bình quân 60,9%, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều nơi chưa có. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,5 triệu đồng/người/năm (so với bình quân chung của tỉnh, mức sống này chỉ đạt từ 25 đến 30%). Nếu tính cả hộ cận nghèo thì tỷ lệ này là 84,94%, đặc biệt, thôn Kế, xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc còn lên tới 95,6% ; thậm chí thôn Thung Vòng, xã Do Nhân, huyện Tân Lạc có tới 100% số hộ nghèo và cận nghèo.
Theo quyết định số Số : 207/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của UBND Tỉnh Hòa Bình thì :
Chi ngân sách năm 2020 là 12.996,201 tỷ đồng. Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.000 tỷ. Trong đó, thu nội địa 4.780 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 220 tỷ. Phần còn lại 7.996,201 tỷ đồng còn lại là phần ngân sách xin từ Trung ương và ngân sách thu vay.
Thế nhưng, UBND Tỉnh Hòa Bình vẫn quyết định xây dựng câu khẩu hiệu 11 chữ : "Đời đời nhớ ơn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" trên đỉnh núi.
Số tiền chi cho câu khẩu hiệu này là gần 11 tỷ đồng, nghĩa là một chữ trong câu khẩu hiệu đó có giá là 1 tỷ đồng.
Nhân văn ?
Nhân văn cộng sản ở chỗ nào ? Đó là loại nhân văn gì ? Không cần nói đến hàng hà sa số các tượng đài, khẩu hiệu, cổng chào khắp nước. Chỉ tính riêng hai dự án Sơn La và câu khẩu hiệu ở Hòa Bình liên quan đến Hồ Chí Minh, chúng ta thấy điều gì ?
Con số 1.400 tỷ của tượng đài Sơn La, hẳn sẽ bị vùi lấp trong con số hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ khác bị vứt đi, bị tham nhũng trong các dự án khác ở các địa phương khác. Nhưng, nếu con số mà tỉnh Sơn La báo cáo là có thực, với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt được 38 triệu đồng/năm, thì dự án này đã sử dụng số tiền bằng thu nhập của 37.000 người dân Sơn La trong một năm không ăn, không uống và không hề tiêu xài mới đủ nộp cho tỉnh xây tượng đài.
Và người dân cứ vậy chấp nhận cảnh người chết không có tiền đưa về quê phải chở bằng xe máy, trẻ em không có quần áo, không cơm ăn để đi học, trường sở không thể che ấm cho các em.
Chúng tôi đã đến Sơn La vào những ngày lạnh giá mùa đông, khi các em nhỏ tập trung nhau trong những ngôi nhà bốn bề toang hoác trên những ngọn đồi gió lộng. Bữa ăn của chúng là những món mèn mén bằng bột ngô đồ lên để cả mấy ngày đến mức mốc nấm đã mọc xanh lè một góc. Những cái gọi là điểm trường của các em bố bề không đủ che chắn gió lùa mùa đông, mỗi căn phòng như vậy chen chúc nhau 4 nhóm học thuộc bốn lớp khác nhau.
Và ngoài kia là tượng đài Hồ Chí Minh, đứng trơ gan cùng tuế nguyệt ngắm những em bé không quần áo, đói xanh người đang lả đi với day những bầu vú của những bà mẹ mặt mũi xanh xao và bầu sữa dường như chỉ có nước lã vì không có dinh dưỡng.
Vậy đó là một thứ "nhân văn" ?
Câu khẩu hiệu trên quả đồi của Tỉnh Hòa Bình, được xây dựng chỉ để nhằm ăn theo phong trào dựng bình phong Hồ Chí Minh, nhằm ru ngủ những người dân Hòa Bình và khắp nơi cũng là một sự "nhân văn" ?
Trước hết, cần nói rằng đây là một câu khẩu hiệu hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí theo đúng ngôn ngữ Tiếng Việt thì đây là một câu khẩu hiệu hết sức vớ vẩn chẳng có chút nào giá trị.
Người ta sẽ hỏi nhau rằng : Ai sẽ nhớ ơn Hồ Chí Minh ? Đời đời sẽ nhớ ơn Hồ Chí Minh chăng ? Vậy thì "Đời đời" là thằng con nào ?
Đó là chưa nói rằng, nếu xét đúng mọi giá trị, mọi góc nhìn, thì cần xem lại Hồ Chí Minh đã đưa được những gì về cho đât nước, dân tộc Việt Nam ngoài thứ chủ nghĩa Cộng sản quái gở và khốn nạn làm băng hoại và tiêu tan đất nước.
Chưa cần nói giá trị thật của nó là bao nhiêu và quan chức đút túi số tiền bao nhiêu, nhưng, chỉ theo dự toán thì số tiền Tỉnh Hòa Bình dùng làm âu khẩu hiệu vô nghĩa trên đỉnh núi kia, được rút từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền dân. Số tiền để làm câu khẩu hiệu này là số tiền thu nhập của 2.500 người dân Tỉnh Hòa Bình trong một năm lao động cực nhọc trên núi rừng Tây Bắc không chi tiêu, ăn uống mất đồng nào mới đủ.
Và như vậy là nhân văn ?
Chợt nhớ, trong vụ án Đồng Tâm mới đây. Khi mà bỗng dưng một ngôi làng đang bình yên trong giấc ngủ, bị hàng ngàn quân công an, thiết bị, bom mình súng đạn và chó nghiệp vụ tấn công tiêu diệt cả làng. Công a bắn người già ngay trong phòng ngủ và lôi đi mấy chục con người nhằm trả thù việc họ không chịu chấp nhận cho quan chức cướp đất kiếm lợi mà đòi hành xử theo luật pháp. Nhà cầm quyền Hà Nội dù đã hứa hẹn bằng giấy trắng mực đen rõ ràng việc giải quyết quyền lợi cho họ.
Thế rồi trở mặt quay lại biến nạn nhân thành thủ phạm để kêu án giết tiếp dân lành, thì hệ thống báo chí và quan chức cộng sản vẫn kêu rằng đó là "Phiên tòa nhân văn".
Có lẽ nói đến từ "nhân văn" này, người ta lại thấy cần nhắc lại những sự kiện khác của người cộng sản trong quá khứ đối với dân tộc này, đất nước và nhân dân Việt Nam qua những tội ác họ đã gây ra.
Họ coi những cuộc đấu tố, giết người cướp của hàng loạt người được coi là "địa chủ" trong Cải cách ruộng đất". Rồi sau đó, Hồ Chí Minh chỉ rút chiếc khăn mùi soa chấm chấm nước mắt là "nhân văn".
Họ coi việc đưa hàng triệu con người, hàng chục vạn binh lính Bắc Việt vào một vùng lãnh thổ, một quốc gia được Liên hợp Quốc công nhận để tiến hành phá bỏ Hiệp định Gionevo năm 1954 và Hiệp định Paris 1973 nhằm tiêu diệt một nhà nước do dân bầu ra, cướp, giết mọi thứ mà người dân Miền Nam đã bao năm xây dựng. Đó là một việc "nhân văn".
Và ngày nay, khi đảng trở mặt đối với người dân, cướp đất cướp nhà, dâng lãnh thổ cho giặc là bạn vàng của đảng, bỏ tù những người dám cất tiếng nói của mình cho đất nước, cho dân tộc, cho đồng bào mình, thì đó là những việc "nhân văn".
Nếu cái "nhân văn" cộng sản được nhân rộng, được sử dụng thường xuyên, thì dân tộc này, đất nước này sẽ đi về đâu ?
Câu trả lời không khó tìm trong thực tế Việt Nam ngày nay.
Ngày 05/10/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 05/10/202 (nguyenhuuvinh's blog)
***********************
Liệu Tổng bí thư có thể thay đổi văn hóa Đảng cộng sản ?
RFA, 06/10/2020
Nghị quyết Trung ương 5 : "15 năm thể chế hóa chỉ đạt 10%"
Phó Giáo sư Tiến sĩ Đào Duy Quát, trong một hội thảo được tổ chức vào cuối tháng 9, đã đưa ra nhận định rằng sau 15 năm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 được có 10%.
Áp phích tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 23/1/2019. Reuters - Ảnh minh họa.
Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tiến sĩ Đào Duy Quát, cho biết khi còn công tác ở Ban Tư tưởng-Văn hóa, ông đã tham gia triển khai Nghị quyết Trung ương 5. Tuy nhiên, tổng kết sau 15 năm thực hiện, cho thấy một điểm rất rõ là nhận thức của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quản lý về văn hóa còn rất hạn chế.
Tiến sĩ Đào Duy Quát còn đề cập đến Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 33, tại Đại hội XI về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam để đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mặc dù, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Duy Quát đánh giá có bước tích cực nhưng thành tựu về văn hóa không tương xứng với các thành tựu khác. Tiến sĩ Đào Duy Quát nhấn mạnh về những biểu hiện xuống cấp, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ghi nhận vừa rồi của nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Duy Quát được đưa ra trong bối cảnh Đảng cộng sản Việt Nam, trong năm 2019 đã thi hành kỷ luật hàng ngàn tổ chức đảng, hàng vạn cấp ủy viên các cấp và xấp xỉ 55 ngàn đảng viên, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Số liệu cán bộ, đảng viên bị kỷ luật được thống kê không thuyên giảm theo thời gian, thậm chí tình trạng này ngày càng nhiều hơn. Đơn cử mới đây nhất, truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 5/10, loan tin hàng loạt cán bộ công an cấp huyện tại tỉnh Lai Châu bị khai trừ ra khỏi Đảng vì liên quan đến ma túy và bằng tốt nghiệp THPT giả.
"Hậu quả từ Đảng cộng sản Việt Nam mà ra !"
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối ngày 6/10, lên tiếng với RFA rằng :
"Quyền lực tuyệt đối thì tư quyền sẽ tạo ra tiền. Do không được kiểm soát nên đi đến chỗ bị hư hỏng. Hư hỏng từ trên xuống dưới. Cho nên, từ hệ thống nhà nước hỏng như thế thì làm hỏng tất cả các ngành, bị tha hóa. Tất cả các niềm tin, niềm tin đạo đức và các giá trị cơ bản chân-thiện-mỹ-đức đều bị đảo lộn hết. Vì thế mà xã hội xuống cấp toàn diện, chứ không phải chỉ riêng đảng viên".
Tiến sĩ Mạc Văn Trang khẳng định hậu quả văn hóa Việt Nam xuống cấp là do chế độ độc tài toàn trị của Đảng cộng sản Việt Nam suốt mấy thập niên qua.
"Do chế độ độc tài toàn trị, tuyên truyền dối trá, lừa gạt, cướp bóc, làm giàu bất chính, rồi dùng bạo lực khai trí dẫn đến hậu quả cả xã hội bị biến dạng. Biến dạng trước hết từ quan chức, trong đảng viên. Như chúng ta thấy bao nhiêu bộ trưởng, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương tham nhũng phải ra tòa. Tướng tá, nhà giáo nhân dân, giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân…buôn bằng cấp giả, bán điểm, mua thiết bị y tế một rồi khai lên thành mười, bắt chận bệnh nhân…"
Giáo sư Nguyễn Đình Cống quả quyết hậu quả là do từ Đảng cộng sản Việt Nam gây ra.
"Vì sự tha hóa và sự yếu kém của đảng viên là do từ tổ chức Đảng sinh ra, chứ không phải nó nhiễm từ lúc nào. Trong khi đó, người chủ trì theo đường lối hiện nay là ông Trọng. Ông Trọng là người chủ chốt mà vẫn kiên định theo chủ trương Marx-Lenin, mà chính Chủ nghĩa Marx-Lenin và đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam sinh ra những bọn đảng viên biến chất, kém như như thế".
Bộ Công an, vào trung tuần tháng 7/2020 ra lệnh truy nã đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Bà Kim Thoa bị bị khởi tố tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. AFP - Ảnh minh họa.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, trong một lần trao đổi với RFA tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống của đảng viên, đặc biệt giới cán bộ lãnh đạo là do hệ quả của độc quyền chính trị và vấn đề mang tính bản chất, theo lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin.
Cựu phóng viên của Tạp chí Cộng sản, nhà báo Nguyễn Vũ Bình lập luận :
"Đó là vấn đề mang tính bản chất. Tại vì chúng ta cần hiểu rằng nếu không có đối trọng quyền lực, không có giám sát, kiểm soát một cách độc lập, khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự lạm quyền và tha hóa. Đó là nguyên lý, trên thực tế ở Việt Nam, tình trạng đó đang diễn ra như vậy và nó là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy".
Giải pháp và hiệu quả
Trong hội thảo diễn ra vào cuối tháng 9, tại Hà Nội, giáo sư tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, nguyên giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến rằng phải lưu ý đến chức năng điều tiết của văn hóa. Bởi vì văn hóa có khả năng tác động, điều chỉnh hành vi, nhận thức, chi phối giá trị của con người.
Đối với tiến sĩ Đào Duy Quát, thì thật sự cần thiết phải có một bộ tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, mà Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu để có thể đột phá vào văn hóa.
Theo lý giải của tiến sĩ Đào Duy Quát, văn hóa là phải nói đến ít nhất 9 lĩnh vực bao gồm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; giáo dục-đào tạo ; khoa học công nghệ ; báo chí-xuất bản ; di sản văn hóa ; văn hóa tôn giáo ; thể chế và thiết chế văn hóa ; giao lưu văn hóa… Do đó, phải cần có một bộ tư lệnh để thật sư chăm lo phát triển cả 9 lĩnh vực này.
Thế nhưng, theo ý kiến của những người quan tâm như hai vị giáo sư Mạc Văn Trang và Nguyễn Đình Cống thì bản chất của vấn đề không được nhìn nhận và do đó không thể nào đạt hiệu quả. Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhấn mạnh.
"Rất nhiều các nghị quyết để làm trong sạch Đảng để cho Đảng được hùng mạnh, nhưng đều không làm được. Tại vì sai từ gốc. Phải thay đổi từ chuyên chính vô sản, từ cái gốc Marx-Lenin, từ cái đảng độc quyền. Phải bỏ được những cái gốc ấy thì mới hy vọng có thể đào tạo ra được những đảng viên có phẩm chất".
Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra kết luận "Tôi tin rằng không thể đạt hiệu quả. Ông Trọng không thể làm nỗi đâu". Và, giáo sư Nguyễn Đình Cống từng nói rằng ông nhìn thấy tương lai dân tộc và đất nước Việt Nam càng u ám hơn nữa về mọi mặt, nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thống trị theo kiểu như từ trước đến nay.
Nguồn : RFA, 06/10/2020
***********************
Đại hội Đảng : Sự kệch cỡm ngày càng thượng thừa
Cánh Cò, RFA, 04/10/2020
Khi nhìn những chậu hoa vàng hực chung quanh cái sân khấu đỏ chót của Đại hội Đảng một huyện nào đó nhiều người dân phất tay một cách xem thường và cho rằng đó là cung cách le lói của mấy tay có căn bệnh thẩm mỹ nhà quê, nó chỉ đáng cười chứ không đáng để tâm cho nặng ruột.
Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân, Phụ trách Tư lệnh Hải quân kết luận ý kiến đóng góp vào văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI ngày 5/8/20020 - Ảnh minh họa các phát biểu bằng hoa, hoa gì cũng được miễn đắt tiền là nói lên được cái đảng cấp của những người đứng phía sau những chậu hoa đó.
Cái cung cách ấy đã có từ lâu chứ không phải mới đây, nhất là từ khi chiếm được cả một vùng tài nguyên mông mênh của miền Nam thì những người trong đảng có nhu cầu minh họa các phát biểu bằng hoa, hoa gì cũng được miễn đắt tiền là nói lên được cái đảng cấp của những người đứng phía sau những chậu hoa đó. "Chậu" chứ không phải là bó hay bình. Chỉ có chậu mới chứng tỏ quyền lực và tầm văn hóa của lời nói, cho dù lời nói ấy thường chỉ lập lại một cách chấp vá và trơn tru như thoa mỡ.
Vài ngày nay tư duy của nhiều tỉnh đã có vẻ thay đổi hơn huyện, thay đổi một cách triệt để. Các ủy ban tổ chức Đại hội Đảng cấp tỉnh đã tỏ ra văn minh hơn khi chọn lựa thay vì trang trí cho sân khấu họ đã chọn trang trí cho hàng trăm đại biểu tham dự. Có lẽ đã nhận ra sự lòe loẹt của sân khấu trong khi cái cần hơn lại không chú ý, đó là khuôn mặt đại biểu, thứ mà khi nhìn vào nhân dân lập tức đánh giá phẩm chất đại hội chứ không phải là sân khấu, vốn vô hồn và dễ gây phản cảm.
Đại biểu năm nay được "tân trang" cho phù hợp với cuộc sống hiện đại của đảng viên. Đại hội nắm bắt yêu cầu cao của thời đại đòi hỏi đảng viên đại biểu tham dự phải xứng tầm với tấm thẻ mà đảng giao phó. Họ không được làm mất mặt Bí thư Tỉnh ủy, vốn là sứ quân của một phương. Họ không được làm lộ bộ mặt nghèo đói của Tỉnh qua trang phục "bình dân" như năm xưa Bác từng thủ diễn.
Họ phải được trang bị máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite như tỉnh Quảng Ninh cung cấp cho từng đại biểu có phương tiện làm việc. Họ phải đồng hồ lấp lánh, có cặp da cao cấp mà mỗi chiếc cặp được ép kim nội dung lên miếng da, khắc laser tên từng đại biểu, như Đắk Lắk, Cao Bằng. Họ phải được trang bị bút bi hiện đại và nhất là phải có vòng đeo tay thông minh của hãng Xiaomi (Trung Quốc) sản xuất, có màn hình cảm ứng, hỗ trợ cảm biến nhịp tim, đếm bước chân, nhắc nhở vận động… như Gia Lai chăm lo cho sức khỏe của đại biểu tham dự.
Chưa đủ, nếu họ có những thứ ấy nhưng không lẽ mặc một bộ veston quá thô lậu, được may từ nhiều năm về trước há không mất mặt nhân dân sao ?
Vậy là Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã lấp đầy nỗi lo lắng đó bằng cách gọi thầu 428 bộ trang phục với tổng dự toán 2 gói thầu là hơn 2,5 tỉ đồng. Yêu cầu đối với tất cả 428 bộ trang phục này là "chất liệu CASHMERE của Italy, nguyên phụ liệu : Cúc áo, khóa quần, chỉ may nhập của Đức ; chất liệu vải lót trong của Nhật". Mỗi bộ sẽ được may theo số đo cụ thể của từng đại biểu. Nhà thầu sẽ phải cung cấp sản phẩm tới tận nhà của từng đại biểu.
Ôi, chúng tôi yêu Đảng quá. Chắn chắc trong khi ngồi ở hội trường đại hội chúng tôi sẽ hết lòng chọn ra những từ ngữ đẹp đẽ, sang trọng, kêu vang và xa nhất để phát biểu cho nhân dân thấy sự quan tâm của Đảng đối với nhân dân vì thật ra chúng tôi là những người được đảng giao phó trực tiếp phục vụ nhân dân, chúng tôi là nhân dân chứ còn ai vào đây nữa ?
Tại Ấn Độ mỗi khi người Hindu tổ chức lễ hội thì con bò thường được trang trí lên thân thể những vật liệu óng ánh, sặc sỡ để tỏ lòng kính ngưỡng.
Những đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp đến cũng được mặc áo veston, mang cặp da đắt tiền với chiếc máy tính hiện đại vào dịp lễ hội của Đảng. Tuy sặc sỡ không kém những con bò Ấn Độ nhưng họ có tư duy hơn và vì vậy được dân chúng ngưỡng mộ hơn. Có điều, tư duy của họ vẫn chung quanh bó rơm khô mà đảng phân phát mỗi lần xoa đầu khen ngợi.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 04/10/2020 (canhco's blog)