Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/10/2020

Hội đồng Liên tôn Việt Nam lên tiếng nhân Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ

RFA tiếng Việt - Giang Nguyễn

Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 24

RFA, 06/10/2020

Cuộc đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam thường niên lần thứ 24 được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 bằng cách họp trực tuyến.

Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 24 | Báo Đất Việt

Ảnh minh họa. AFP

Cuộc đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam thường niên lần thứ 24 được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 bằng cách họp trực tuyến.

Thông tin vừa nêu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng tải trên website chính thức của Bộ trong cùng ngày.

Theo đó, buổi đối thoại kéo dài 3 tiếng đã đề cập đến một loạt các vấn đề nhân quyền, bao gồm tầm quan trọng của tiến bộ tiếp tục và hợp tác song phương về pháp quyền, tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền lao động. Đối thoại cũng đề cập đến quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được nói vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam tiến xa hơn nữa.

Đại sứ Atul Keshap, Phó Trợ lý chính Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương khi chào mừng đoàn Việt Nam tham gia Đối thoại đã nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa hai nước khi kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Dẫn đầu đoàn đối thoải phía Hoa Kỳ là Quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby.

Phía Việt Nam có Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt dẫn đầu.

Ngoài ra, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thủ đô Washington D.C. cũng tham gia buổi đối thoại này.

Nguồn : RFA, 06/10/2020

*********************

Hội đồng Liên tôn lên tiếng nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ

Giang Nguyễn, RFA, 05/10/2020

Đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là dịp mà Hoa Kỳ và Việt Nam trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Khác với những năm trước, cuộc đối thoại lần này sẽ tổ chức trực tuyến. Và cũng như nhiều năm trước, các tổ chức, hội đoàn đã nỗ lực cung cấp cho Bộ Ngoại Mỹ giao những dữ kiện để nêu rõ tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hội Đồng Liên Tôn lên tiếng nhân Đối Thoại Nhân Quyền Việt- Mỹ | Báo Đất  Việt

Hội đồng Liên tôn lên tiếng nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ

Trong chiều hướng đó, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, vào ngày 2 tháng 10 tuần qua đã có một cuộc gặp trực tuyến với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và đại điện là ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội, đại diện Văn phòng liên lạc của Hội đồng từ Tampa, Florida, cho biết, ông Scott Busby đã rất quan tâm lắng nghe phúc trình của phái đoàn các tổ chức vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có Tập hợp Dân chủ, tổ chức Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam, tổ chức Cứu người Việt Biển BPSOS, Hội đồng Liên kết Quốc nội và Hải ngoại và Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Bác sĩ Võ Đình Hữu, Trưởng ban điều hành Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại-Việt Nam cũng trình bày tình hình đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.

Ông Scott Busby, Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại buổi họp báo hôm 25/11/2013 ở Washington DC.

Ông Scott Busby, Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại buổi họp báo hôm 25/11/2013 ở Washington DC. RFA

"Đại diện cho Hội đồng Liên tôn Việt Nam có giáo sư Phan Thông Hưng. Giáo sư Phan Thông Hưng đã trình bày sơ lược về tình hình tự do tôn giáo. Chúng tôi sau đó đã gửi 2 hồ sơ. Thứ nhất là báo cáo tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi trình bày trường hợp rất đặc biệt đối với Mục sư Nguyễn Trung Tôn".

Tù nhân lương tâm, Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, hiện đang thụ án 11 năm tù tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, với cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Trước đó vào năm 2011, ông đã bị kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước.’ Vị mục sư Tin lành này và gia đình của ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ.

Chánh Trị Sự Cao Đài, ông Hứa Phi, cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói trường hợp của Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một trong những trường hợp mà các chức sắc tôn giáo chân truyền đặc biệt quan tâm và đã trình cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ :

"Ở tại Việt Nam chúng tôi quan tâm đến một số thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam mà bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện còn giam trong tù, như Ms Nguyễn Trung Tôn. Mục sư cũng tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đã bị bắt lần thứ hai, hôm nay cũng đang ở tù với mức án trên 10 năm. Rồi Mục sư Đinh Diêm, cũng bị ở tù, cũng tranh đấu cho nhân quyền và tôn giáo. Trong (danh sách) còn nhiều nhà xã hội dân sự như anh Nguyễn Bắc Truyển, nhà báo độc lập Trương Minh Đức, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Những trường hợp đó là nhà cầm quyền Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Mục đích chúng tôi đưa lên để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nắm rõ, biết rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo, để hành pháp chính phủ Hoa Kỳ có những hành động hạn chế sự đàn áp của cộng sản Việt Nam".

Bs Hội cho biết bản phúc trình đã được đưa ra ngày 2/10 và có thông tin mới nhất được bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Tôn, cung cấp :

"Bản này đặc biệt chúng tôi nhận được từ bà Ms Nguyễn Trung Tôn cho chúng tôi biết vào ngày 1/10/2020, trước đó một ngày. Ms Nguyễn Trung Tôn hiện bị giam tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Pleiku, Kontum, cách xa nơi bà ở 1.000 km, mà đi về phải mất 2.000 km. Sức khỏe của Mục sư rất yếu do vết thương bị công an đánh dập dây chằng khớp gối hai chân 3 năm trước đây. Mỗi tháng bà phải đi thăm nuôi chồng một lần tốn gần 500 đô la, gồm có tiền máy bay, xe đò, tiền quà, thì rất gian khổ".

Cũng theo Bs Đỗ Văn Hội, đơn của bà Lành gửi Tòa án Tối cao yêu cầu giám đốc thẩm coi lại bản án 12 năm tù, mãi sau một năm mới được hồi âm.

Ông nói thêm : "Đơn của bà Mục sư gửi 21/10/2019. Không biết tại sao Tòa án Tối cao lại gửi về báo với bà là họ nhận được vào ngày 1/10/2020, tức gần 1 năm trời. Có lẽ họ nghe ngóng gì là có cuộc trao đổi giữa Hoa Kỳ với Việt Nam nên cái gọi là tòa án tối cao mới trả lời bà và đòi bà phải cung cấp những văn bản của tòa dưới đã kết án cùng chứng cớ mà bà yêu cầu tòa tối cau phải xét lại bản án đó".

Trước cuộc đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, Bs Hội cho biết Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã đề nghị với ông Scott Busby như sau :

"Thứ nhất, phải buộc cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thứ 2 là phục hoạt các giáo hội đã bị nhà nước cấm đoán. Thứ 3, trả lại tài sản cho các tôn giáo đã bị nhà nước tịch thu. Thứ 4, các tôn giáo độc lập và chân truyền phải được tự do hành đạo, mở trường đào tạo cho các tăng ni, thực hiện công tác xã hội cho đồng bào. Thứ 5 trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có tù nhân tôn giáo, đặc biệt là Ms. Nguyễn Trung Tôn, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Thứ 6 là trao việc điều hành đất nước cho người dân qua các cuộc bầu cử tự do hợp với tiêu chuẩn quốc tế".

Chánh trị sự Hứa Phi cho rằng sắc lệnh về tự do tôn giáo quốc mà Tổng thống Hoa Kỳ ký vào tháng 6 vừa qua đã khiến chính quyền Việt Nam dè dặt hơn và ông bổ sung thêm về yêu cầu của các chức sắc :

"Vừa qua Tổng thống Donald Trump có đưa ra đạo luật về tự do tôn giáo thế giới. Khi đưa ra đạo luật này thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng có phần dè dặt hơn. Vì sao có đạo luật tự do tôn giáo ? Xin thưa thật rằng Ủy ban của Tự do Tôn giáo quốc tế cũng đến gặp Hội đồng Liên tôn Việt Nam rất nhiều. Trong những ngày đối thoại nhân quyền, chúng tôi nêu rõ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lúc nào cũng đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi nêu 3 vấn đề chính : Thứ nhất, nếu bang giao với Việt Nam thì phải đặt quyền tự do tôn giáo lên hàng đầu. Thứ 2, về tài trợ ủng hộ tài chánh cho Việt Nam, thì nên ủng hộ cho người dân, chứ không cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì họ sẽ bỏ túi. Thứ ba, tôi có yêu cầu các cơ quan quốc tế những người nào đàn áp phải được đưa vào đạo luật Magnitsky toàn cầu để họ bớt hung hăng, và yêu cầu các nước tự do ủng hộ dân tộc Việt Nam để thoát khỏi cảnh xâm chiếm của Tàu Cộng vì Đảng cộng sản Việt Nam là khác và dân tộc Việt Nam là khác".

Trong tuần qua, ba dân biểu Hoa Kỳ đã gửi một lá thư chung đến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 05/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn, RFA tiếng Việt
Read 423 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)