Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 24

RFA, 06/10/2020

Cuộc đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam thường niên lần thứ 24 được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 bằng cách họp trực tuyến.

Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ lần thứ 24 | Báo Đất Việt

Ảnh minh họa. AFP

Cuộc đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam thường niên lần thứ 24 được tổ chức vào ngày 6 tháng 10 năm 2020 bằng cách họp trực tuyến.

Thông tin vừa nêu được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đăng tải trên website chính thức của Bộ trong cùng ngày.

Theo đó, buổi đối thoại kéo dài 3 tiếng đã đề cập đến một loạt các vấn đề nhân quyền, bao gồm tầm quan trọng của tiến bộ tiếp tục và hợp tác song phương về pháp quyền, tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền lao động. Đối thoại cũng đề cập đến quyền của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được nói vẫn là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam tiến xa hơn nữa.

Đại sứ Atul Keshap, Phó Trợ lý chính Vụ trưởng Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương khi chào mừng đoàn Việt Nam tham gia Đối thoại đã nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa hai nước khi kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Dẫn đầu đoàn đối thoải phía Hoa Kỳ là Quyền Phó Trợ lý Bộ trưởng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Scott Busby.

Phía Việt Nam có Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt dẫn đầu.

Ngoài ra, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thủ đô Washington D.C. cũng tham gia buổi đối thoại này.

Nguồn : RFA, 06/10/2020

*********************

Hội đồng Liên tôn lên tiếng nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ

Giang Nguyễn, RFA, 05/10/2020

Đối thoại nhân quyền thường niên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là dịp mà Hoa Kỳ và Việt Nam trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Khác với những năm trước, cuộc đối thoại lần này sẽ tổ chức trực tuyến. Và cũng như nhiều năm trước, các tổ chức, hội đoàn đã nỗ lực cung cấp cho Bộ Ngoại Mỹ giao những dữ kiện để nêu rõ tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Hội Đồng Liên Tôn lên tiếng nhân Đối Thoại Nhân Quyền Việt- Mỹ | Báo Đất  Việt

Hội đồng Liên tôn lên tiếng nhân Đối thoại Nhân quyền Việt- Mỹ

Trong chiều hướng đó, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, vào ngày 2 tháng 10 tuần qua đã có một cuộc gặp trực tuyến với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và đại điện là ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động.

Bác sĩ Đỗ Văn Hội, đại diện Văn phòng liên lạc của Hội đồng từ Tampa, Florida, cho biết, ông Scott Busby đã rất quan tâm lắng nghe phúc trình của phái đoàn các tổ chức vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đó có Tập hợp Dân chủ, tổ chức Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam, tổ chức Cứu người Việt Biển BPSOS, Hội đồng Liên kết Quốc nội và Hải ngoại và Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Bác sĩ Võ Đình Hữu, Trưởng ban điều hành Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại-Việt Nam cũng trình bày tình hình đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.

Ông Scott Busby, Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại buổi họp báo hôm 25/11/2013 ở Washington DC.

Ông Scott Busby, Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đặc trách vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động tại buổi họp báo hôm 25/11/2013 ở Washington DC. RFA

"Đại diện cho Hội đồng Liên tôn Việt Nam có giáo sư Phan Thông Hưng. Giáo sư Phan Thông Hưng đã trình bày sơ lược về tình hình tự do tôn giáo. Chúng tôi sau đó đã gửi 2 hồ sơ. Thứ nhất là báo cáo tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi trình bày trường hợp rất đặc biệt đối với Mục sư Nguyễn Trung Tôn".

Tù nhân lương tâm, Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, hiện đang thụ án 11 năm tù tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, với cáo buộc ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Trước đó vào năm 2011, ông đã bị kết án 2 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước.’ Vị mục sư Tin lành này và gia đình của ông từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ.

Chánh Trị Sự Cao Đài, ông Hứa Phi, cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, nói trường hợp của Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một trong những trường hợp mà các chức sắc tôn giáo chân truyền đặc biệt quan tâm và đã trình cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ :

"Ở tại Việt Nam chúng tôi quan tâm đến một số thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam mà bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện còn giam trong tù, như Ms Nguyễn Trung Tôn. Mục sư cũng tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền, đã bị bắt lần thứ hai, hôm nay cũng đang ở tù với mức án trên 10 năm. Rồi Mục sư Đinh Diêm, cũng bị ở tù, cũng tranh đấu cho nhân quyền và tôn giáo. Trong (danh sách) còn nhiều nhà xã hội dân sự như anh Nguyễn Bắc Truyển, nhà báo độc lập Trương Minh Đức, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Những trường hợp đó là nhà cầm quyền Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo. Mục đích chúng tôi đưa lên để Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nắm rõ, biết rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp nhân quyền và tôn giáo, để hành pháp chính phủ Hoa Kỳ có những hành động hạn chế sự đàn áp của cộng sản Việt Nam".

Bs Hội cho biết bản phúc trình đã được đưa ra ngày 2/10 và có thông tin mới nhất được bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Tôn, cung cấp :

"Bản này đặc biệt chúng tôi nhận được từ bà Ms Nguyễn Trung Tôn cho chúng tôi biết vào ngày 1/10/2020, trước đó một ngày. Ms Nguyễn Trung Tôn hiện bị giam tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, Pleiku, Kontum, cách xa nơi bà ở 1.000 km, mà đi về phải mất 2.000 km. Sức khỏe của Mục sư rất yếu do vết thương bị công an đánh dập dây chằng khớp gối hai chân 3 năm trước đây. Mỗi tháng bà phải đi thăm nuôi chồng một lần tốn gần 500 đô la, gồm có tiền máy bay, xe đò, tiền quà, thì rất gian khổ".

Cũng theo Bs Đỗ Văn Hội, đơn của bà Lành gửi Tòa án Tối cao yêu cầu giám đốc thẩm coi lại bản án 12 năm tù, mãi sau một năm mới được hồi âm.

Ông nói thêm : "Đơn của bà Mục sư gửi 21/10/2019. Không biết tại sao Tòa án Tối cao lại gửi về báo với bà là họ nhận được vào ngày 1/10/2020, tức gần 1 năm trời. Có lẽ họ nghe ngóng gì là có cuộc trao đổi giữa Hoa Kỳ với Việt Nam nên cái gọi là tòa án tối cao mới trả lời bà và đòi bà phải cung cấp những văn bản của tòa dưới đã kết án cùng chứng cớ mà bà yêu cầu tòa tối cau phải xét lại bản án đó".

Trước cuộc đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ, Bs Hội cho biết Hội đồng Liên tôn Việt Nam đã đề nghị với ông Scott Busby như sau :

"Thứ nhất, phải buộc cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thứ 2 là phục hoạt các giáo hội đã bị nhà nước cấm đoán. Thứ 3, trả lại tài sản cho các tôn giáo đã bị nhà nước tịch thu. Thứ 4, các tôn giáo độc lập và chân truyền phải được tự do hành đạo, mở trường đào tạo cho các tăng ni, thực hiện công tác xã hội cho đồng bào. Thứ 5 trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có tù nhân tôn giáo, đặc biệt là Ms. Nguyễn Trung Tôn, thành viên của Hội đồng Liên tôn Việt Nam. Thứ 6 là trao việc điều hành đất nước cho người dân qua các cuộc bầu cử tự do hợp với tiêu chuẩn quốc tế".

Chánh trị sự Hứa Phi cho rằng sắc lệnh về tự do tôn giáo quốc mà Tổng thống Hoa Kỳ ký vào tháng 6 vừa qua đã khiến chính quyền Việt Nam dè dặt hơn và ông bổ sung thêm về yêu cầu của các chức sắc :

"Vừa qua Tổng thống Donald Trump có đưa ra đạo luật về tự do tôn giáo thế giới. Khi đưa ra đạo luật này thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng có phần dè dặt hơn. Vì sao có đạo luật tự do tôn giáo ? Xin thưa thật rằng Ủy ban của Tự do Tôn giáo quốc tế cũng đến gặp Hội đồng Liên tôn Việt Nam rất nhiều. Trong những ngày đối thoại nhân quyền, chúng tôi nêu rõ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lúc nào cũng đàn áp tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi nêu 3 vấn đề chính : Thứ nhất, nếu bang giao với Việt Nam thì phải đặt quyền tự do tôn giáo lên hàng đầu. Thứ 2, về tài trợ ủng hộ tài chánh cho Việt Nam, thì nên ủng hộ cho người dân, chứ không cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vì họ sẽ bỏ túi. Thứ ba, tôi có yêu cầu các cơ quan quốc tế những người nào đàn áp phải được đưa vào đạo luật Magnitsky toàn cầu để họ bớt hung hăng, và yêu cầu các nước tự do ủng hộ dân tộc Việt Nam để thoát khỏi cảnh xâm chiếm của Tàu Cộng vì Đảng cộng sản Việt Nam là khác và dân tộc Việt Nam là khác".

Trong tuần qua, ba dân biểu Hoa Kỳ đã gửi một lá thư chung đến Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 05/10/2020

Additional Info

  • Author Giang Nguyễn, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn

Hội đồng Liên tôn Việt Nam ra tuyên bố mới nhất về tình hình Việt Nam

Giang Nguyễn, RFA, 06/08/2020

Hội đồng Liên tôn Việt Nam vừa ra tuyên bố về tình hình Việt Nam và Thế giới, trong đó lên án hành động đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, đồng thời ủng hộ chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

lienton1 (3)

Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam vào sáng ngày 18/9/2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Courtesy FB Linh mục Paul Lộc

Tuyên bố đề ngày 1/8, đề cập đến những biến động trong nửa năm đầu 2020, mà Hội đồng Liên tôn cho là "có thể thay đổi cục diện thế giới".

Bản tuyên bố, do các đồng chủ tịch của 5 tôn giáo tại Việt Nam ký, đặc biệt có phần "cực lực lên án mưu đồ thống trị thế giới của Trung Quốc, những vi phạm nhân quyền và việc che giấu dịch bệnh Coronavirus Vũ Hán".

Hội đồng Liên tôn nhận định, Trung Quốc đã "bất chấp luật Biển UNCLOS 1982, xem thường phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế tại La Hayes về cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.

Lời tuyên bố của Hội đòng Liên tôn như sau :

"Chúng tôi ủng hộ cuộc Trưng Cầu Dân Ý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Biển Đông, hiện đã có trên 900.000 người trả lời sau hai tháng với kết quả 95% đồng ý. Chúng tôi kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước tham gia nhằm tạo áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đáp ứng nguyện vọng của người dân".

Đạo huynh Lê Quang Hiển, tổng thư ký Hội đồng Liên tôn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vì sao hội đồng đưa ra tuyên bố trong lúc này :

"Bây giờ thời cuộc ngày càng nóng. Cho nên chúng tôi muốn nhân dân Việt Nam mình, và anh em tín đồ của mình phải hiểu rõ bổn phận của mình. Như đối với tôi, là Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, thì ân đất nước là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tội. Cho nên chúng tôi phải làm như vậy để nhân dân hiểu rõ những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và trên quốc tế, để cho anh em tín đồ nhận thấy và hành động theo lẽ phải và lương tri của mình".

Ký tên tuyên bố còn có Hòa thượng Thích Không Tánh, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Chánh trị sự Hứa Phi, Đạo huynh Lê Văn Sóc và Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa.

Các chức sắc tôn giáo tuyên bố hoàn toàn ủng hộ chính sách của Hòa Kỳ trên các vấn đề thế giới, đặc biệt sắc lệnh hành pháp về Tự do tôn giáo quốc tế mà Tổng thống Donald Trump ban hành vào tháng 6, và lập trường của chính quyền Trump mà các vị ký tên nhận định là "cứng rắn về Biển Đông".

Ông Hiển có thêm lời nhắn đối với tín đồ, cử tri gốc Việt tại Hoa Kỳ :

"Các vị đến Hoa Kỳ vì lý do gì. Năm 75, các vị đã bỏ nước ra đi vì cộng sản đã tràn vô Miền Nam, từ ngày 30/4/75. Thì các vị phải hiểu tại sao các vị đang có mặt tại Hoa Kỳ. Cho nên, những người nào làm lợi cho đất nước Việt Nam, làm lợi cho tổ quốc cho quê hương xứ sở thì các vị phải ủng hộ. Đối với Tổng Thống đương nhiệm hiện tại, có những cái chương trình, định hướng để giúp Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, thì chúng ta tại sao không ủng hộ".

Nghệ sĩ Kim Chi từ Sài Gòn, cho rằng công bố của Hội đồng Liên tôn là hợp lòng dân. Bà nêu lý do bà, và nhiều người Việt Nam, ủng hộ ông Trump, ít nhất trong vấn đề này :

"Tôi cảm tình với ông Tổng thống Donald Trump ở cái điểm, tôi thấy ổng rất quyết liệt chống cái sự bành trướng của Trung Quốc. Riêng cái điểm đó, và cái điểm ông ấy rất là mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ Biển Đông, nó cũng hợp lòng với người Việt Nam. Mặc dù ông Trump ổng làm cái đó là cho cả thế giới chứ không riêng gì cho Việt Nam".

Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn cũng nêu cụ thể những hành vi sách nhiễu đối với 5 tôn giáo :

"Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đàn áp tôn giáo có hệ thống. Vì không thể tiêu diệt được, họ đã tìm cách khống chế. Những tôn giáo độc lập bị chính quyền sách nhiễu, cô lập, khử trừ bằng mọi cách. Các chức sắc Hội đồng Liên tôn lúc nào cũng bị theo dõi".

Về Phật giáo, bản tuyên bố nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất dường như "bị triệt tiêu hoàn toàn", và nêu ra trường hợp nhiều ngôi chùa bị phá hủy mà không được bồi thường. Gần đây, lễ tang của cố Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ bị bao vây, phong tỏa.

Giáo hội Cao Đài chân truyền bị công an sách nhiễu, cấm đồng đạo kỷ niệm 7 năm Thánh thất Tuy An, tỉnh Phú Yên, bị ủi sập.

Về Công giáo, bản tuyên bố trích dẫn trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý, vẫn bị quản chế, Linh mục Đặng Hữu Nam bị đe dọa và ngừng mục vụ, cũng như các tài sản của Giáo hội bị tịch thu.

Tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo thì bị giam giữ, các chức sắc bị quản thúc tại gia.

Các Hội thánh Tin Lành thường xuyên bị theo dõi.

Ngoài các hành vị đàn áp tôn giáo, các chức sắc cũng nhận định rằng chính quyền Việt Nam đã gia tăng bắt bớ và giam tù những tiếng nói bất đồng chính kiến, như các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập, những người dân oan trong vụ cưỡng chế đất tại Đồng Tâm.

Tuyên bố kết thúc có lời kêu gọi :

"Kêu gọi toàn dân trong và ngoài nước đoàn kết cứu nước cứu dân, giải thể chế độ độc tài toàn trị, thiết lập một thể chế tự do, dân chủ, đất nước được thái bình thịnh vượng, cùng nhau bảo vệ nền Độc Lập của Việt Nam".

Nghệ sĩ Kim Chi cũng cho rằng Việt Nam phải có một sự thay đổi, nhưng bà nhận xét khác về việc "giải thể" chế độ :

"Bây giờ lật đổ cái chế độ này rồi một ai đó lên thay, thì tôi chưa biết những người thay thế đó có tốt hơn không. Cho nên tôi mong là những người Việt Nam là những người lãnh đạo cao nhất, trong số đó tôi được biết không ít người đang rất có cảm tình với phong trào. Và họ cũng bắt đầu trong nội bộ họ đã có những cái mâu thuẫn với nhau, những cái đấu tranh quyết liệt với nhau. Thì mong rằng những người đó đi hẳn với nhân dân để mà làm thay đổi một cuộc thay đổi lớn, để không có đổ máu mà vẫn có sự thay đổi Cách Mạng Nhung như một số các nước Đông Âu".

Những vị chức sắc tôn giáo lên tiếng đều cho rằng họ ý thức được trách nhiệm của một người công dân trước tình hình đất nước hiện nay.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 06/08/2020

********************

Nhóm Hiến pháp kêu gọi biểu tình bị xử tù khi Quốc hội Việt Nam tiếp tục trì hoãn thông qua Luật biểu tình

Giang Nguyễn, RFA, 05/08/2020

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam nêu rõ quyền biểu tình của công dân ; thế nhưng Quốc hội vẫn chưa thông qua luật biểu tình. Vừa qua, 8 người thuộc nhóm có tên Hiến pháp cổ xúy cho quyền biểu tình bị Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tù.

lienton2 (2)

Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến pháp tại phiên tòa xét xử ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020 - Pháp Luật

Một nhóm 8 người bị đưa ra xét xử hôm 31 tháng 7, với bản án nặng nhất là 8 năm tù và thấp nhất là 2 năm 6 tháng, chỉ vì kêu gọi biểu tình bày tỏ chính kiến của người dân. Họ bị xử với cáo buộc "phá rối an ninh" theo khoản 1, Điều 118, Bộ luật Hình sự 2015.

Trong hình ảnh từ phiên tòa, người ta thấy một phụ nữ trong áo thun hồng, đứng giữa hàng chục công an. Đó là bà Đoàn thị Hồng, người lãnh bản án nhẹ nhất, 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế.

"Tôi rất là bức xúc, tại vì tôi cho rằng những bản án trên, là những bản án mà người ta đã bỏ túi".

Chị Đoàn Thị Khánh không cầm được nước mắt khi chia sẻ với Đài Á Châu Tự do về hoàn cảnh của người em gái Đoàn Thị Hồng khi phải đi tù trong lúc có con nhỏ.

"Mẹ Đoàn Thị Hồng bị bắt cóc lúc cháu gái mới có 30 tháng thôi", chị nói. "Gần hai năm nay cháu thiệt thòi vì thiếu tình thương của mẹ rất nhiều, thiều hơi ấm của tình mẫu tử. Hôm bữa, lúc chưa kết thúc phiên tòa, tôi thấy bên Đài Á Châu Tự do có đăng hình em gái của tôi lên. Em gái của tôi mặc áo màu hồng và đeo khẩu trang. Tôi có đưa cho cháu bé, tôi hỏi cháu là, ‘Con nhìn coi ai đây nè ?" Thì cháu nhìn cháu nói "Mẹ Hồng của Na". Nghe rớt nước mắt luôn. Không chịu được. Mình người lớn mình cực khổ như thế nào cũng được, nhưng mà khi con trẻ nó thiếu hơi ấm của mẹ nó, nhìn tội nghiệp lắm em !".

Chị Khánh nói, chị không phải là người đấu tranh nhưng chị thấu hiểu được vì sao em gái và các thành viên của Nhóm Hiến pháp đã xuống đường phổ biến cuốn Hiến pháp đến cho người dân.

"Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam họ không muốn người dân hiểu về Hiển Pháp nhiều. Nếu mà càng nhiều người dân hiểu biết về Hiến pháp và biết quyền con người của mình nằm ở đâu và con người nên làm gì, thì người ta sẽ khó có thể cai trị được lòng dân lắm".

Chị cho rằng, chính phủ Việt Nam trì hoãn Luật biểu tình và từ chối đưa vào chương trình xây dựng luật cho năm nay và năm 2021, để tiếp tục đàn áp người dân.

"Điều 25 trong Hiến pháp là người dân có quyền biểu tình. Nhưng nói về luật pháp Việt Nam thì chưa có luật biểu tình. Nó là một cái gọi là… một cái bẫy để đưa công dân vào trong nhà tù của cộng sản".

Tháng 5 vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất lùi thời gian ra Luật Biểu tình, và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu (Human Rights Watch) nói việc này cho thấy, lẽ ra Bộ Công an không phải là nơi đưa ra đề xuất về Luật biểu tình :

"Bộ Công an, qua lời giải thích mới nhất, nói là họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, để luật này không bị các thành phần mà họ gọi là "phản động" lợi dụng. Cái đó thực tế đã cho thấy rằng Bộ Công an là bộ không đúng để soạn thảo bộ luật này. Một bộ luật như thế đáng lý phải bảo vệ quyền của người biểu tình ôn hòa, chứ không phải để trao cho cơ quan chức năng thêm ‘đạn dược’ để đàn áp người biểu tình".

Ông nói bản án đối với "Nhóm Hiến pháp" là "tàn nhẫn". Nhưng theo ông, có được Luật biểu tình cũng không thay đổi được bản chất của nền tư pháp Việt Nam.

"Chúng tôi lo ngại là bất cứ luật nào được ban hành sau quá trình này, cũng chỉ sẽ là một công cụ đàn áp, và Bộ Công an sẽ dùng nó để truy lùng những người chống Đảng cộng sản Việt Nam".

Ông Robertson cho rằng Luật biểu tình cuối cùng cũng sẽ theo truyền thống của những luật khác ở Việt Nam, rất mơ hồ để chính quyền tùy tiện áp dụng.

Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982. Công ước nói rất rõ về quyền biểu tình ôn hòa, quyền về hội, v.v… Nhưng theo ông Robertson, tất cả điều đó không có tại Việt Nam, vì nhà nước ban hành những luật lệ để hạn chế nó.

"Tôi có thể bảo đảm là khi Việt Nam ban hành Luật biểu tình, chắc chắn là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng sẽ lên tiếng vì luật này không phù hợp với tinh thần nhân quyền của quốc tế".

Chị Trương Thị Hà, một chuyên gia tư vấn luật, đã từng giúp tư vấn những người biểu tình bị bắt bớ, nói việc không có Luật biểu tình không phải lý do để ngăn chặn người dân đi biểu tình :

"Việt Nam hiện nay nhiều người cho rằng đi biểu tình là vi phạm pháp luật. Một số người họ hiểu biết là biểu tình là quyền, nhưng mà họ sợ bị bắt bớ hoặc bị công an đánh đập khi mà đi biểu tình, thì em muốn khuyên là chúng ta phải hiểu rõ, biểu tình là quyền, dù cả khi mà chưa có Luật biểu tình, thì người dân vẫn được đi biểu tình".

Chị Hà cho rằng, chính những ai ngăn chặn người biểu tình mới là người vi phạm luật.

Thế nhưng, trong lúc người dân còn phải chờ đợi một bộ Luật biểu tình, như họ đã trông chờ từ 9 năm, từ khi luật này được đưa vào kế hoạch xây dựng, chị nói người biểu tình phải trang bị cho chính mình những hiểu biết căn bản về quyền biểu tình ôn hòa.

"Khi mà đi biểu tình, mà thực tế sẽ gặp rất nhiều vấn đề, thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ hơn. Đị biểu tình chúng ta cần tránh những việc xô xát với nhau. Tránh việc đó, vì phía công an họ chỉ cần có cái cớ là họ có thể bắt bớ mình. Nên tốt nhất là mình nên tránh cái việc đó".

Khi luật pháp được dùng để bào chữa cho chính sách độc tài của nhà cầm quyền thì cho dù người dân tuân theo hiến pháp hay luật pháp, họ vẫn có thể phải chịu những án tù, như những thành viên của "Nhóm Hiến pháp" hiện nay.

Chị Khánh, chị của tù nhân lương tâm Đoàn Thị Hồng nói :

"Trong phiên tòa xét xử em gái Đoàn Thị Hồng của tôi và 7 anh chị em khác trong nhóm Hiến pháp, không một ai có mặt trước cổng phiên tòa. Tôi đã nhìn thấy nhà cầm quyền Việt Nam họ đã đem những mức án cao hoặc là những cái sự bắt bớ tùy tiện để gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người dân và họ đã đạt được điều đó".

Theo ông Robertson, Việt Nam đang lợi dụng tình trạng dịch Covid-19 chi phối tại các quốc gia trên thế giới để gia tăng đàn áp những ai chống đối, và việc này sẽ gia tăng trước Đai hội Đảng 2021.

Cũng theo ông, Việt Nam hiện là quốc gia với nhiều tù nhân lương tâm nhất trong khối ASEAN.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 05/08/2020

Additional Info

  • Author Giang Nguyễn
Published in Diễn đàn

Hội đồng Liên tôn Việt Nam

Kính gởi :

- Quý Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước,

- Quý Chính phủ dân chủ, quý Tổ chức nhân quyền trên toàn thế giới.

- Quý Anh Chị Em giáo dân Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Vụ đầu độc biển do Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra cách đây gần một năm, sẽ lưu lại trong lịch sử Việt Nam vì vô vàn hậu quả tai hại gây ra cho đất nước và dân tộc. Nó được đánh giá như một thảm họa môi trường, tai họa kinh tế, đại họa sức khỏe và hiểm họa quốc phòng. Quả thế, vụ việc đó làm lộ nhiều sự thật ghê gớm mà công luận ngày càng biết rõ và hết sức lo âu. Đó là Formosa trên danh nghĩa thuộc nhà đầu tư Đài Loan, doanh nghiệp Đài Loan, nhưng vốn chủ yếu của nó là từ Trung Quốc, với nhà thầu gian trá Trung Quốc, công nghệ lỗi thời Trung Quốc, hàng vạn binh lính trá hình công nhân Trung Quốc ! Formosa chính là mưu đồ của Trung Quốc tàn phá đất nước Việt, hủy diệt giống nòi Việt, tấn công quốc gia Việt trên phương diện chính trị, kinh tế, quân sự. Nó đã và đang làm hư hỏng nhân sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, biến nhiều quan chức cấp chóp bu trong bộ máy cai trị thành những kẻ phản dân hại nước. Nó là mũi gươm thọc vào sườn cơ thể Việt Nam, dễ dàng cắt đôi đất nước Việt Nam. Nó làm chảy máu nền kinh tế Việt Nam, gây lụn bại cho môi trường Việt Nam !

Chính vì thế, từ gần một năm qua, mọi tầng lớp nhân dân đã lên tiếng bằng nhiều cách thức : viết bài trên mạng, xuống đường biểu tình, thu thập chữ ký, vận động quốc tế, tiến hành khởi kiện thủ phạm tai ác đó cùng các đồng phạm. Thế nhưng, bất chấp các sự thật động trời và các tiếng kêu dậy đất, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn cứ bình chân như vại. Một đàng họ tìm cách bao che và tiếp tục dung túng cho Formosa ; đàng khác dùng mọi thủ đoạn để dập tắt tiếng nói và cản trở hành động đòi công lý và sự thật của người dân.

Gần nhất, ngày 14/02/2017, nhà cầm quyền đã ra tay đàn áp đoàn giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An hành trình vào Hà Tĩnh dưới sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Đình Thục, đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để đòi Formosa bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho họ.

tuyenbo1

Giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An, dưới sự hướng dẫn của linh mục Nguyễn Đình Thục, đi bộ đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để đòi Formosa bồi thường

Tin tức cho hay giới chức tỉnh Nghệ An trước hết đã cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện. Khi người dân quyết tâm đến tòa án bằng cách đi bộ và xe máy được chừng khoảng 20km, lực lượng công an đã gài bẫy bằng cách dồn dân vào một chỗ, trà trộn giữa họ rồi thình lình ném đá vào cảnh sát cơ động, để lực lượng này có cớ đánh đập đến đổ máu, làm bị thương gần 50 giáo dân, cướp đoạt và phá nát các phương tiện ghi hình. Chưa hết, công an còn bắt các phóng viên báo chí tự do, và nghiêm trọng hơn, đã tấn công gây thương tích cho Linh mục Nguyễn Đình Thục ngay trước mặt các viên chức cao cấp sở tại. Song song đó, nhà cầm quyền còn dàn dựng màn phá hoại xe giám đốc công an tỉnh để có cớ vu khống và kết tội đoàn người, chụp mũ Linh mục Nguyễn Đình Thục "kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh, tổ chức bạo loạn, gây thương tích cho nhiều cán bộ và nhân viên công lực". Mãi tới hôm nay, họ còn trâng tráo làm việc đó trên các phương triện truyền thông đại chúng do nhà nước quản lý.

Cùng với Giáo phận Vinh, nhiều chính phủ dân chủ năm châu, nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế, nhiều tổ chức xã hội dân sự, nhiều cộng đồng người Việt khắp nơi, Hội đồng Liên tôn Việt Nam long trọng tuyên bố :

1. Tố cáo trước quốc dân và quốc tế nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nghiêm trọng các quyền con người đã được Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị khẳng định và Việt Nam cam kết tuân giữ ; đặc biệt là vi phạm trắng trợn quyền khởi kiện của công dân đã được điều 30 Hiến pháp công nhận. Hành vi đàn áp ấy biểu hiện sự đối đầu của lãnh đạo chính trị với nguyện vọng và sức mạnh của lòng dân.

2. Phản đối viên chức nhà nước và lực lượng công an cảnh sát Nghệ An đã tạo ra bẫy sập cách nham hiểm, dàn dựng màn vu khống một cách vô liêm sỉ, sử dụng vũ lực cách thô bạo đối với nhân dân, khi họ đang thực hiện quyền công dân của mình một cách đúng luật và ôn hòa ; đặc biệt là tấn công gây thương tích cho vị lãnh đạo tinh thần của giáo dân.

3. Lên án các phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước quản lý, cụ thể là Báo Nghệ An, đã và còn đang trơ trẽn vu khống đoàn người khiếu kiện, hầu tiếp tay cho âm mưu bắt bớ và xử tòa các nạn nhân vô tội trong tương lai. Cũng đáng bị lên án là dàn báo chí công cụ đã hoàn toàn im lặng trước vụ đàn áp đẫm máu cuộc đấu tranh cho công lý và quyền lợi chung này.

4. Cảnh báo rằng việc tiếp tục đàn áp người dân, nhất là các nạn nhân của thảm họa đi đòi công lý và quyền lợi, chẳng những không giải quyết được những vấn đề do Formosa gây ra có liên quan đến môi trường, kinh tế, sức khỏe và quốc phòng, trái lại còn đẩy đất nước vào khủng hoảng mọi mặt và nguy cơ ngoại xâm, cũng như làm dày thêm hồ sơ tội ác của Đảng cộng sản.

5. Ủng hộ tinh thần, hoan nghênh hành động và chia sẻ thảm nạn của bà con giáo dân Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục mới rồi, của bà con giáo dân Phú Yên và Linh mục Đặng Hữu Nam trước đây, cũng như của những đoàn người sẽ quyết tâm theo đuổi trận chiến pháp lý nhằm đưa ra tòa và tống xuất hẳn tập đoàn tội phạm Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Tuyên bố làm tại Việt Nam ngày 21 tháng 02 năm 2017

Các thành viên trong Hội đồng Liên tôn Việt Nam đồng ký tên.

Cao Đài :

- Chánh trị sự Hứa Phi (điện thoại : 0163.3273.240)

- Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (điện thoại : 0988.971.117)

- Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (điện thoại : 0988.477.719)

Công giáo :

- Linh mục Ta-đê-ô Nguyễn Văn Lý (điện thoại : 0932211438)

- Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (điện thoại : 0984.236.371)

- Linh mục Giu-se Đinh Hữu Thoại (điện thoại : 0935.569.205)

- Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh (điện thoại : 0993.598.820)

- Linh mục Phao-lô Lê Xuân Lộc (điện thoại : 0122.596.9335)

- Linh mục Giu-se Nguyễn Công Bình (điện thoại : 0169.249.8463)

Phật giáo :

- Hòa thượng Thích Không Tánh (điện thoại : 0165.6789.881)

- Thượng tọa Thích Viên Hỷ (điện thoại : 0937.777.312)

- Thượng tọa Thích Đồng Minh (điện thoại : 0933.738.591)

- Thượng tọa Thích Vĩnh Phước (điện thoại : 0969.992.087)

- Thượng tọa Thích Đức Minh (điện thoại : 0165.348.2276)

Phật giáo Hòa Hảo :

- Ông Nguyễn Văn Điền (điện thoại : 0122.870.7160)

- Ông Lê Quang Hiển (điện thoại : 0167.292.1234)

- Ông Lê Văn Sóc (điện thoại : 096.4199.039)

- Ông Phan Tấn Hòa (điện thoại : 0162.6301.082)

- Ông Tống Văn Chính (điện thoại : 0163.574.5430)

- Ông Bùi Văn Luốc (điện thoại : 0169.612.9094)

- Ông Hà Văn Duy Hồ (điện thoại 012.33.77.29.29).

- Ông Trần Văn Quang (điện thoại 0169.303.22.77)

Tin Lành :

- Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (điện thoại : 0121.9460.045)

- Mục sư Đinh Ủy (điện thoại : 0163.5847.464)

- Mục sư Đinh Thanh Trường (điện thoại : 0120.2352.348)

- Mục sư Nguyễn Trung Tôn (điện thoại : 0162.838.7716)

- Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (điện thoại : 0906.342.908)

Người Công giáo mất lòng tin vào chính quyền (RFA, 22/02/2017)

tuyenbo2

Những nạn nhân Song Ngọc bị hành hung khi đi nộp đơn khiếu kiện Formosa hôm 14/2/2017. Courtesy of wordpress.com

Một tuần sau vụ chính quyền Việt Nam cho công an và an ninh đàn áp những người công giáo ở Nghệ An đi tuần hành ôn hòa khiếu kiện công ty Formosa, những nạn nhân của vụ đàn áp vẫn chưa hết bàng hoàng, bất chấp những cố gắng của chính quyền địa phương nhằm xoa dịu tình hình.

Mất lòng tin vào chính quyền

Đã một tuần trôi qua kể từ ngày 14 tháng 2, ngày bị an ninh mặc thường phục đánh cho đến ngất xỉu, chị Bùi Thị Lài, một giáo dân ở giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh cho biết chị vẫn còn đau :

Giờ vẫn còn đau và choáng lắm. Mấy ngày trước còn thấy đỡ đỡ. Mấy ngày nay thì thấy choáng và cứ nôn mửa thôi. Tôi cũng đi gặp bác sĩ mà họ nói là bị va đập mạnh, bị một thời gian rồi thôi.

Chị Lài là một trong khoảng 20 người bị đánh đến thương nặng phải đi bệnh viện khi tham gia cuộc tuần hành ôn hòa của khoảng 700 giáo dân giáo xứ Song Ngọc từ Nghệ An đến thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để kiện công ty Formosa xả thải ra môi trường biển các tỉnh miền trung Việt Nam hồi năm ngoái.

7 ngày sau vụ đàn áp, linh mục Nguyễn Đình Thục, người đứng đầu giáo xứ và dẫn đầu đoàn người, đồng thời cũng là một nạn nhân của vụ đàn áp, đã đến thăm những giáo dân trong giáo xứ của mình. Cảm nhận mà ông có được từ sau vụ đàn áp và những chuyến thăm viếng giáo dân là tình cảm bị tổn thương và mất lòng tin của người dân vào chính quyền :

Trước hết về người dân, những người bị nạn bị công an và an ninh đánh đập thì họ cảm thấy bị tổn thương nặng nề. Họ bị mất đi tất cả những niềm tin và thiện cảm mà lâu nay họ vẫn có với chính quyền. Không chỉ riêng những người bị đánh đập mà cả bà con của địa bàn chúng tôi đi kiện Formosa vừa rồi, và các giáo xứ hòa vào đoàn chúng tôi. Những người chứng kiến vụ đàn áp rất dã man của chính quyền ngày 14 tháng 2 thì hầu như họ mất hết niềm tin và ít nhiều thiện cảm lâu nay vẫn còn với chính quyền.

Ngày 20 tháng 2, văn phòng tòa Giám mục giáo phận Vinh chính thức ra thông báo trên trang web của giáo phận lên án vụ đàn áp. Thông báo viết ‘chính quyền Nghệ An dùng các lực lượng an ninh ngăn cản người dân đi nạp đơn khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân Việt Nam đã được các Công ước Quốc tế, Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam bảo vệ’. Lãnh đạo công giáo giáo phận Vinh cũng ‘lên án hành vi dùng bạo lực tân công người dân một cách dã man và thô bạo của các lực lượng an ninh’.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 20 tháng 2 cũng ra thông cáo lên án vụ tấn công. Theo Ân xá quốc tế đã có ít nhất 15 người bị công an bắt đi, đánh đập và đưa đến nơi xa để tự tìm đường về nhà. Theo tổ chức này, có ít nhất một người đàn ông đã bị đánh đến dập xương sống, gẫy răng trong khi ba người khác hiện vẫn phải nằm viện. Linh mục Nguyễn Đình Thục cho biết có khoảng 30 người đã bị công an và an ninh bắt khỏi nơi tuần hành. Tất cả những người này sau đó đã được thả.

Chính quyền tìm cách xoa dịu

Ngay ngày hôm sau vụ đàn áp, lãnh đạo địa phương đã đến gia đình một số người bị hại để thăm hỏi. Chị Lài cho biết :

Ông bên xã hay bên công an gì đó nói là đến thăm xem có tổn hại gì không để cho bồi thường nhưng chồng tôi nói không cần tiền của các ông.

Linh mục Nguyễn Đình Thục cũng cho biết những nạn nhân cũng thông báo với ông về những chuyến thăm của đại diện chính quyền địa phương đến nhà nhưng không được người dân đón tiếp.

Tôi đến mấy người bị đánh trọng thương ở đây thì họ bảo có mấy người ở chính quyền xã đến thăm hỏi, không giúp đồng xu nào. Họ nói sự việc xảy ra không ai muốn. Người dân bảo là thấy mấy người đó đến thì họ rất căm tức và không tiếp.

Theo linh mục Nguyễn Đình Thục, việc làm tiếp theo của chính quyền chỉ là biện pháp xoa dịu nhưng không có thực chất :

Về phía chính quyền thì tôi nghĩ là họ vẫn thể hiện rõ bản chất của họ lâu nay là độc ác và gian dối. Nghĩa là họ đánh rồi bây giờ họ tìm cách đến giải thích hoặc xoa dịu bằng cách này hay cách khác. Họ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Họ làm theo cách thức của ban tuyên giáo lâu nay là vừa đánh lại vừa xoa để lừa dối người dân. Lâu nay người dân trong địa bàn của tôi vẫn bị mắc lừa và vẫn tin vào sự tốt lành của chính quyền này. Nhưng bây giờ thì ít nhiều tình cảm còn sót lại giờ mất cả rồi.

Nhận chuyển đơn nhưng không một lời xin lỗi

Vào ngày 18 tháng 2, đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An cùng đại diện công an tôn giáo đã có buổi làm việc chính thức với đại diện giáo phận Vinh về vụ đàn áp và vụ kiện của những người công giáo đối với công ty Formosa. Linh mục Phan Sỹ Phương, trưởng Ban hỗ trợ các nạn nhân ô nhiễm biển giáo phận Vinh, người có mặt trong cuộc họp cho biết về kết quả cuộc gặp :

Bây giờ lãnh đạo của Nghệ An sẽ đứng ra nhận đơn để chuyển chứ đi xa thì không đi. Theo nguyên tắc là chuyển vào tận nơi xảy ra, nơi đóng đô của công ty nhưng mà đi như vậy thì nguy hiểm cho dân cho nên chính quyền Nghệ An hứa là đứng ra nhận đơn. Có thể sắp tới một số đại diện ban sẽ chuyển đơn cho họ.

Tổng số có 619 đơn kiện của các hộ gia đình ở giáo xứ Song Ngọc dự định nộp lên tòa thị xã Kỳ Anh hôm 14 tháng 2, với tổng tiền đòi bồi thường lên đến 450 tỷ đồng. Những người nộp đơn là những người làm nghề biển và cho rằng họ đã bị thiệt hại nặng nề do thảm họa biển miền Trung mà công ty Formosa của Đài Loan gây ra từ hồi tháng 4 năm ngoái. Những hộ này không nằm trong danh sách đền bù của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã xác định chỉ có 4 tỉnh miền trung chịu thiệt hại của Formosa là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên Huế.

Chính quyền tỉnh Nghệ An hứa sẽ chuyển đơn của những người khiếu kiện lên tòa ở tỉnh Hà Tĩnh và cũng hứa sẽ trả lời kết quả. Tuy nhiên linh mục Phan Sỹ Phương cho biết ông cũng chỉ biết hy vọng chứ không chắc tòa sẽ chấp nhận đơn của người dân.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng thông báo trả lại hơn 500 hồ sơ kiện của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An kiện công ty Formosa. Lý do được đưa ra là các đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế.

Điều đáng chú ý là cũng tại cuộc họp giữa đại diện người công giáo Vinh và chính quyền tỉnh Nghệ An, phía chính quyền địa phương đã không đưa ra một lời xin lỗi chính thức nào đối với những nạn nhân của vụ đàn áp, mặc dù theo linh mục Phan Sỹ Phương thì buổi nói chuyện rất thẳng thắn :

Nhận lỗi thì tôi nghĩ là bữa đó cũng không nhận lỗi cái gì nhưng hai bên thông tin cho nhau và nhìn nhận vấn đề chứ không có nhận lỗi gì hết.

Linh mục Phan Sỹ Phương cho rằng buổi gặp khó có thể giúp hàn gắn lại lòng tin của người dân với chính quyền mà chỉ để tìm ra hướng giải quyết vụ nộp đơn kiện của người dân.

Còn đối với chị Bùi Thị Lài, vụ đàn áp mà chị gọi là dã man đã khiến chị nhận ra sự tàn bạo của chính quyền. Nhưng chị nói chị vẫn cầu nguyện chúa và đức mẹ cho những người đã đánh đập chị để chúa hóa giải cho họ.

Việt Hà, phóng viên RFA

*********************

Hội đồng Liên tôn phản đối đàn áp giáo dân đi khiếu kiện (RFA, 22/02/2017)

tuyenbo3

Giáo dân xứ Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An xuống đường đòi kiện doanh nghiệp Formosa hôm 14/2/2017. fb tinmungchonguoingheo

Hội đồng Liên tôn Việt Nam hôm qua ra tuyên bố về vụ đàn áp giáo dân Xứ Song Ngọc hôm ngày 14 tháng 2, khi họ tuần hành về tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường.

Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn Việt Nam được ký bởi chức sắc của 5 tôn giáo trong nước là Cao Đài, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo.

Một trong những vị đại diện ký tên, Hòa thượng Thích Không Tánh, cho Đài Á Châu Tự Do biết về Tuyên bố vừa đưa ra :

Việc chế độ đàn áp giáo dân, trong đó có cả chức sắc tôn giáo, chỉ phản đối việc Formosa xả độc làm ảnh hưởng đến đời sống (điều này ai cũng bức xúc, cũng bất mãn) và sự thật chính quyền không giải quyết đời sống cho người dân mà lại ngả về phía Formosa làm hại lại đồng bào. Thế nên tôi nghĩ chúng ta có bổn phận phải cùng nhau hỗ trợ việc làm chính nghĩa đó để bảo vệ đồng bào, quê hương, tổ quốc.

Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn lược thuật lại thảm họa môi trường do nhà máy thép của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng nghiệp Formosa gây nên khi thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển khiến hải sản chết và môi trường biển bị ô nhiễm dọc theo các tỉnh bắc Trung bộ Việt Nam.

Giáo dân Xứ Song Ngọc, thuộc giáo phận Vinh, ở ba xã huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dù bị tác động bởi thảm họa thế nhưng không nằm trong diện được bồi thường theo số tiền 500 triệu đô la mà Formosa trả cho chính quyền Hà Nội. Giáo dân khiếu kiện để đòi hỏi quyền lợi mà họ cho là hợp pháp nhưng lại bị cơ quan chức năng đàn áp đến đổ máu.

Hội đồng Liên tôn Việt Nam tuyên bố 5 điểm, trong đó có điểm lên án các phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước Việt Nam quản lý vu khống giáo dân ; ngoài ra một số cơ quan truyền thông khác im tiếng trước sự kiện người dân đi kiện Formosa gây ô nhiễm và bị đàn áp.

Tuyên bố công khai ủng hộ những người dân khiếu kiện vừa qua cũng như những cuộc khiếu kiện khác trong tương lai.

Additional Info

  • Author Hội đồng Liên Tôn Việt Nam
Published in Diễn đàn