Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/08/2020

Hội đồng Liên tôn Việt Nam lên tiếng, Nhóm Hiến pháp bị kết án tù

Giang Nguyễn

Hội đồng Liên tôn Việt Nam ra tuyên bố mới nhất về tình hình Việt Nam

Giang Nguyễn, RFA, 06/08/2020

Hội đồng Liên tôn Việt Nam vừa ra tuyên bố về tình hình Việt Nam và Thế giới, trong đó lên án hành động đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, đồng thời ủng hộ chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trên Biển Đông.

lienton1 (3)

Đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam vào sáng ngày 18/9/2019 có cuộc gặp với Đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tại Chùa Giác Hoa, Sài Gòn. Courtesy FB Linh mục Paul Lộc

Tuyên bố đề ngày 1/8, đề cập đến những biến động trong nửa năm đầu 2020, mà Hội đồng Liên tôn cho là "có thể thay đổi cục diện thế giới".

Bản tuyên bố, do các đồng chủ tịch của 5 tôn giáo tại Việt Nam ký, đặc biệt có phần "cực lực lên án mưu đồ thống trị thế giới của Trung Quốc, những vi phạm nhân quyền và việc che giấu dịch bệnh Coronavirus Vũ Hán".

Hội đồng Liên tôn nhận định, Trung Quốc đã "bất chấp luật Biển UNCLOS 1982, xem thường phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế tại La Hayes về cái gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền.

Lời tuyên bố của Hội đòng Liên tôn như sau :

"Chúng tôi ủng hộ cuộc Trưng Cầu Dân Ý kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về Biển Đông, hiện đã có trên 900.000 người trả lời sau hai tháng với kết quả 95% đồng ý. Chúng tôi kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước tham gia nhằm tạo áp lực với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đáp ứng nguyện vọng của người dân".

Đạo huynh Lê Quang Hiển, tổng thư ký Hội đồng Liên tôn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vì sao hội đồng đưa ra tuyên bố trong lúc này :

"Bây giờ thời cuộc ngày càng nóng. Cho nên chúng tôi muốn nhân dân Việt Nam mình, và anh em tín đồ của mình phải hiểu rõ bổn phận của mình. Như đối với tôi, là Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, thì ân đất nước là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tội. Cho nên chúng tôi phải làm như vậy để nhân dân hiểu rõ những gì đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và trên quốc tế, để cho anh em tín đồ nhận thấy và hành động theo lẽ phải và lương tri của mình".

Ký tên tuyên bố còn có Hòa thượng Thích Không Tánh, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Chánh trị sự Hứa Phi, Đạo huynh Lê Văn Sóc và Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa.

Các chức sắc tôn giáo tuyên bố hoàn toàn ủng hộ chính sách của Hòa Kỳ trên các vấn đề thế giới, đặc biệt sắc lệnh hành pháp về Tự do tôn giáo quốc tế mà Tổng thống Donald Trump ban hành vào tháng 6, và lập trường của chính quyền Trump mà các vị ký tên nhận định là "cứng rắn về Biển Đông".

Ông Hiển có thêm lời nhắn đối với tín đồ, cử tri gốc Việt tại Hoa Kỳ :

"Các vị đến Hoa Kỳ vì lý do gì. Năm 75, các vị đã bỏ nước ra đi vì cộng sản đã tràn vô Miền Nam, từ ngày 30/4/75. Thì các vị phải hiểu tại sao các vị đang có mặt tại Hoa Kỳ. Cho nên, những người nào làm lợi cho đất nước Việt Nam, làm lợi cho tổ quốc cho quê hương xứ sở thì các vị phải ủng hộ. Đối với Tổng Thống đương nhiệm hiện tại, có những cái chương trình, định hướng để giúp Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, thì chúng ta tại sao không ủng hộ".

Nghệ sĩ Kim Chi từ Sài Gòn, cho rằng công bố của Hội đồng Liên tôn là hợp lòng dân. Bà nêu lý do bà, và nhiều người Việt Nam, ủng hộ ông Trump, ít nhất trong vấn đề này :

"Tôi cảm tình với ông Tổng thống Donald Trump ở cái điểm, tôi thấy ổng rất quyết liệt chống cái sự bành trướng của Trung Quốc. Riêng cái điểm đó, và cái điểm ông ấy rất là mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ Biển Đông, nó cũng hợp lòng với người Việt Nam. Mặc dù ông Trump ổng làm cái đó là cho cả thế giới chứ không riêng gì cho Việt Nam".

Tuyên bố của Hội đồng Liên tôn cũng nêu cụ thể những hành vi sách nhiễu đối với 5 tôn giáo :

"Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đàn áp tôn giáo có hệ thống. Vì không thể tiêu diệt được, họ đã tìm cách khống chế. Những tôn giáo độc lập bị chính quyền sách nhiễu, cô lập, khử trừ bằng mọi cách. Các chức sắc Hội đồng Liên tôn lúc nào cũng bị theo dõi".

Về Phật giáo, bản tuyên bố nói Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất dường như "bị triệt tiêu hoàn toàn", và nêu ra trường hợp nhiều ngôi chùa bị phá hủy mà không được bồi thường. Gần đây, lễ tang của cố Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ bị bao vây, phong tỏa.

Giáo hội Cao Đài chân truyền bị công an sách nhiễu, cấm đồng đạo kỷ niệm 7 năm Thánh thất Tuy An, tỉnh Phú Yên, bị ủi sập.

Về Công giáo, bản tuyên bố trích dẫn trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý, vẫn bị quản chế, Linh mục Đặng Hữu Nam bị đe dọa và ngừng mục vụ, cũng như các tài sản của Giáo hội bị tịch thu.

Tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo thì bị giam giữ, các chức sắc bị quản thúc tại gia.

Các Hội thánh Tin Lành thường xuyên bị theo dõi.

Ngoài các hành vị đàn áp tôn giáo, các chức sắc cũng nhận định rằng chính quyền Việt Nam đã gia tăng bắt bớ và giam tù những tiếng nói bất đồng chính kiến, như các thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập, những người dân oan trong vụ cưỡng chế đất tại Đồng Tâm.

Tuyên bố kết thúc có lời kêu gọi :

"Kêu gọi toàn dân trong và ngoài nước đoàn kết cứu nước cứu dân, giải thể chế độ độc tài toàn trị, thiết lập một thể chế tự do, dân chủ, đất nước được thái bình thịnh vượng, cùng nhau bảo vệ nền Độc Lập của Việt Nam".

Nghệ sĩ Kim Chi cũng cho rằng Việt Nam phải có một sự thay đổi, nhưng bà nhận xét khác về việc "giải thể" chế độ :

"Bây giờ lật đổ cái chế độ này rồi một ai đó lên thay, thì tôi chưa biết những người thay thế đó có tốt hơn không. Cho nên tôi mong là những người Việt Nam là những người lãnh đạo cao nhất, trong số đó tôi được biết không ít người đang rất có cảm tình với phong trào. Và họ cũng bắt đầu trong nội bộ họ đã có những cái mâu thuẫn với nhau, những cái đấu tranh quyết liệt với nhau. Thì mong rằng những người đó đi hẳn với nhân dân để mà làm thay đổi một cuộc thay đổi lớn, để không có đổ máu mà vẫn có sự thay đổi Cách Mạng Nhung như một số các nước Đông Âu".

Những vị chức sắc tôn giáo lên tiếng đều cho rằng họ ý thức được trách nhiệm của một người công dân trước tình hình đất nước hiện nay.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 06/08/2020

********************

Nhóm Hiến pháp kêu gọi biểu tình bị xử tù khi Quốc hội Việt Nam tiếp tục trì hoãn thông qua Luật biểu tình

Giang Nguyễn, RFA, 05/08/2020

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam nêu rõ quyền biểu tình của công dân ; thế nhưng Quốc hội vẫn chưa thông qua luật biểu tình. Vừa qua, 8 người thuộc nhóm có tên Hiến pháp cổ xúy cho quyền biểu tình bị Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tù.

lienton2 (2)

Nhóm 8 người thuộc nhóm Hiến pháp tại phiên tòa xét xử ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7/2020 - Pháp Luật

Một nhóm 8 người bị đưa ra xét xử hôm 31 tháng 7, với bản án nặng nhất là 8 năm tù và thấp nhất là 2 năm 6 tháng, chỉ vì kêu gọi biểu tình bày tỏ chính kiến của người dân. Họ bị xử với cáo buộc "phá rối an ninh" theo khoản 1, Điều 118, Bộ luật Hình sự 2015.

Trong hình ảnh từ phiên tòa, người ta thấy một phụ nữ trong áo thun hồng, đứng giữa hàng chục công an. Đó là bà Đoàn thị Hồng, người lãnh bản án nhẹ nhất, 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế.

"Tôi rất là bức xúc, tại vì tôi cho rằng những bản án trên, là những bản án mà người ta đã bỏ túi".

Chị Đoàn Thị Khánh không cầm được nước mắt khi chia sẻ với Đài Á Châu Tự do về hoàn cảnh của người em gái Đoàn Thị Hồng khi phải đi tù trong lúc có con nhỏ.

"Mẹ Đoàn Thị Hồng bị bắt cóc lúc cháu gái mới có 30 tháng thôi", chị nói. "Gần hai năm nay cháu thiệt thòi vì thiếu tình thương của mẹ rất nhiều, thiều hơi ấm của tình mẫu tử. Hôm bữa, lúc chưa kết thúc phiên tòa, tôi thấy bên Đài Á Châu Tự do có đăng hình em gái của tôi lên. Em gái của tôi mặc áo màu hồng và đeo khẩu trang. Tôi có đưa cho cháu bé, tôi hỏi cháu là, ‘Con nhìn coi ai đây nè ?" Thì cháu nhìn cháu nói "Mẹ Hồng của Na". Nghe rớt nước mắt luôn. Không chịu được. Mình người lớn mình cực khổ như thế nào cũng được, nhưng mà khi con trẻ nó thiếu hơi ấm của mẹ nó, nhìn tội nghiệp lắm em !".

Chị Khánh nói, chị không phải là người đấu tranh nhưng chị thấu hiểu được vì sao em gái và các thành viên của Nhóm Hiến pháp đã xuống đường phổ biến cuốn Hiến pháp đến cho người dân.

"Bây giờ nhà cầm quyền Việt Nam họ không muốn người dân hiểu về Hiển Pháp nhiều. Nếu mà càng nhiều người dân hiểu biết về Hiến pháp và biết quyền con người của mình nằm ở đâu và con người nên làm gì, thì người ta sẽ khó có thể cai trị được lòng dân lắm".

Chị cho rằng, chính phủ Việt Nam trì hoãn Luật biểu tình và từ chối đưa vào chương trình xây dựng luật cho năm nay và năm 2021, để tiếp tục đàn áp người dân.

"Điều 25 trong Hiến pháp là người dân có quyền biểu tình. Nhưng nói về luật pháp Việt Nam thì chưa có luật biểu tình. Nó là một cái gọi là… một cái bẫy để đưa công dân vào trong nhà tù của cộng sản".

Tháng 5 vừa qua, Bộ Công an đã đề xuất lùi thời gian ra Luật Biểu tình, và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu (Human Rights Watch) nói việc này cho thấy, lẽ ra Bộ Công an không phải là nơi đưa ra đề xuất về Luật biểu tình :

"Bộ Công an, qua lời giải thích mới nhất, nói là họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, để luật này không bị các thành phần mà họ gọi là "phản động" lợi dụng. Cái đó thực tế đã cho thấy rằng Bộ Công an là bộ không đúng để soạn thảo bộ luật này. Một bộ luật như thế đáng lý phải bảo vệ quyền của người biểu tình ôn hòa, chứ không phải để trao cho cơ quan chức năng thêm ‘đạn dược’ để đàn áp người biểu tình".

Ông nói bản án đối với "Nhóm Hiến pháp" là "tàn nhẫn". Nhưng theo ông, có được Luật biểu tình cũng không thay đổi được bản chất của nền tư pháp Việt Nam.

"Chúng tôi lo ngại là bất cứ luật nào được ban hành sau quá trình này, cũng chỉ sẽ là một công cụ đàn áp, và Bộ Công an sẽ dùng nó để truy lùng những người chống Đảng cộng sản Việt Nam".

Ông Robertson cho rằng Luật biểu tình cuối cùng cũng sẽ theo truyền thống của những luật khác ở Việt Nam, rất mơ hồ để chính quyền tùy tiện áp dụng.

Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị từ năm 1982. Công ước nói rất rõ về quyền biểu tình ôn hòa, quyền về hội, v.v… Nhưng theo ông Robertson, tất cả điều đó không có tại Việt Nam, vì nhà nước ban hành những luật lệ để hạn chế nó.

"Tôi có thể bảo đảm là khi Việt Nam ban hành Luật biểu tình, chắc chắn là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các báo cáo viên đặc biệt của Hội đồng sẽ lên tiếng vì luật này không phù hợp với tinh thần nhân quyền của quốc tế".

Chị Trương Thị Hà, một chuyên gia tư vấn luật, đã từng giúp tư vấn những người biểu tình bị bắt bớ, nói việc không có Luật biểu tình không phải lý do để ngăn chặn người dân đi biểu tình :

"Việt Nam hiện nay nhiều người cho rằng đi biểu tình là vi phạm pháp luật. Một số người họ hiểu biết là biểu tình là quyền, nhưng mà họ sợ bị bắt bớ hoặc bị công an đánh đập khi mà đi biểu tình, thì em muốn khuyên là chúng ta phải hiểu rõ, biểu tình là quyền, dù cả khi mà chưa có Luật biểu tình, thì người dân vẫn được đi biểu tình".

Chị Hà cho rằng, chính những ai ngăn chặn người biểu tình mới là người vi phạm luật.

Thế nhưng, trong lúc người dân còn phải chờ đợi một bộ Luật biểu tình, như họ đã trông chờ từ 9 năm, từ khi luật này được đưa vào kế hoạch xây dựng, chị nói người biểu tình phải trang bị cho chính mình những hiểu biết căn bản về quyền biểu tình ôn hòa.

"Khi mà đi biểu tình, mà thực tế sẽ gặp rất nhiều vấn đề, thì chúng ta cần chuẩn bị kỹ hơn. Đị biểu tình chúng ta cần tránh những việc xô xát với nhau. Tránh việc đó, vì phía công an họ chỉ cần có cái cớ là họ có thể bắt bớ mình. Nên tốt nhất là mình nên tránh cái việc đó".

Khi luật pháp được dùng để bào chữa cho chính sách độc tài của nhà cầm quyền thì cho dù người dân tuân theo hiến pháp hay luật pháp, họ vẫn có thể phải chịu những án tù, như những thành viên của "Nhóm Hiến pháp" hiện nay.

Chị Khánh, chị của tù nhân lương tâm Đoàn Thị Hồng nói :

"Trong phiên tòa xét xử em gái Đoàn Thị Hồng của tôi và 7 anh chị em khác trong nhóm Hiến pháp, không một ai có mặt trước cổng phiên tòa. Tôi đã nhìn thấy nhà cầm quyền Việt Nam họ đã đem những mức án cao hoặc là những cái sự bắt bớ tùy tiện để gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng người dân và họ đã đạt được điều đó".

Theo ông Robertson, Việt Nam đang lợi dụng tình trạng dịch Covid-19 chi phối tại các quốc gia trên thế giới để gia tăng đàn áp những ai chống đối, và việc này sẽ gia tăng trước Đai hội Đảng 2021.

Cũng theo ông, Việt Nam hiện là quốc gia với nhiều tù nhân lương tâm nhất trong khối ASEAN.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 05/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nguyễn
Read 530 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)