Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2020

Chính phủ kiến tạo và chính sách kinh tế thực dụng

Phạm Quý Thọ

Bài góp ý dưới đây cho Văn kiện trình Đại hội 13 cho rằng chính sách kinh tế thực dụng được điều hành bởi "Chính phủ kiến tạo" đã tạo ra khác biệt trong nhiệm kỳ 12.

kientao1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy ô tô Vinfast ở Hải Phòng hôm 14/6/2019 - Reuters

Những sai lầm của chính sách tăng trưởng kinh tế nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước đã để lại tổn thất về kinh tế, và bất ổn về thể chế đã tạo ra sức ép phải đổi mới chính phủ trong nhiệm kỳ này. Hơn thế, đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ đòi hỏi sự nỗ lực gấp bội để thực hiện mục tiêu kép là an toàn y tế và tăng trưởng kinh tế.

Chính sách kinh tế và phương thức điều hành của Chính phủ tỏ ra thích nghi với "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" - mô hình ‘lai ghép’ còn nhiều tranh cãi về cơ sở khoa học khi mang lại những kết quả kinh tế khả quan. Điều này nên chăng cần đúc kết thành bài học cho nhiệm kỳ tới.

Thị trường và thể chế

Mối quan hệ giữa thị trường và thể chế là vấn đề luôn nóng về lý luận và thực tế đối với những quốc gia có chế độ đảng cộng sản toàn trị, trong đó có Việt Nam. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông Âu khiến Việt Nam chọn lựa đường lối đổi mới, trong đó có chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường. Chưa có tiền lệ và để vẫn duy trì chế độ, các chính sách điều hành được tiến hành kiểu ‘dò đá qua sông’, mang tính thử nghiệm dựa trên lý luận thiếu cơ sở vững vàng.

Một trong số đó là khái niệm "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", mà theo tôi, đó là mô hình kinh tế ‘lai ghép’, chứa đựng mâu thuẫn, giữa thị trường – một thuộc tính của chủ nghĩa tư bản – và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Việc chấp nhận cách lý giải rằng thị trường được coi là phương tiện thúc đẩy lực lượng sản xuất trong khi xã hội chủ nghĩa chỉ là định hướng mục tiêu đang tạo ra thách thức cho hoạch định và thực thi chính sách của chính phủ - cơ quan phân quyền điều hành nền kinh tế dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản.

Thị trường là sản phẩm tự nhiên của loài người, có quá trình phát triển lâu dài, là thuộc tính của chủ nghĩa tư bản. Thị trường đã chứng tỏ là công cụ và động lực mạnh mẽ tạo ra năng suất vượt trội so với mô hình Xô Viết trước đây.

Ngay cả đối với những nước chuyển đổi dưới chế độ toàn trị thị trường vẫn phát huy vai trò của nó với những chính sách phù hợp. Với chính sách "mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn bắt được chuột" của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài và thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế liên tục ở mức hai con số trong vòng hơn một phần ba thế kỷ và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Việt Nam với đường lối "đổi mới", cũng có giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, nhưng vẫn bị "tụt hậu" do ý thức hệ giáo điều so với nhiều nước trong khu vực.

Mặc dù thiếu vắng thể chế tương thích với thị trường như đối trọng chính trị, nền dân chủ bầu cử, sự độc lập của báo chí và quyền tự do lập hội, biểu tình…, nhưng những thành tích kinh tế như thu nhập tăng lên, hàng triệu người thoát nghèo, tầng lớp trung lưu xuất hiện… khiến cho người dân "tự bằng lòng". Người dân khi họ còn chưa ‘khá giả’ và khi nhu cầu vật chất được cải thiện thì đã là điều khả dĩ, và họ dễ đồng tình với sự tuyên truyền rằng đó là do "công lao của đảng".

Tuy nhiên, sự tồn vong của chế độ đang là nguy cơ và niềm tin giảm sút khi "bộ phận không nhỏ" quan chức tham nhũng nghiêm trọng, suy thoái nặng nề về đạo đức và lối sống… Câu hỏi chủ yếu được đặt ra là quá trình chuyển đổi sẽ tiếp tục thế nào khi thể chế chính trị đang cản trở thị trường, triệt tiêu động lực tăng trưởng kinh tế ?

Chính sách kinh tế thực dụng

Các nhà nghiên cứu thay vì kéo dài tranh luận về "chính phủ kiến tạo" như ở đầu nhiệm kỳ 12, họ đang dõi theo thực tế điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với chính sách kinh tế thực dụng được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mô hình kinh tế lai ghép, như trình bày ở trên, tạo ra ‘hành lang hẹp’ để Chính phủ hành động mà không bi vướng vào ý thức hệ vốn ‘nhạy cảm’ và dễ gây ra phản ứng chống đối, đặc biệt sau những gì xảy ra trên chính trường ở Đại hội 12. Bởi vậy các tính từ ‘mạnh’ như "liêm chính, phục vụ, vì người dân và doanh nghiệp…" được thêm vào sau Chính phủ kiến tạo để nhấn mạnh phương châm : "cái gì lợi cho dân phải hết sức làm".

Thị trường vận hành mang tính quy luật và dựa trên các nguyên tắc chủ yếu : tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, sở hữu tư nhân, cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng tự quyết. Mặc dù các nguyên tắc trên còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, chưa phát triển về mặt pháp lý và thể chế, nhưng không quá khó để nhận ra Chính phủ đã đề cao quyền tự do kinh doanh cho người dân làm ‘khâu đột phá’. Gặp gỡ với các doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp trong các hội nghị đối thoại thường xuyên với sự tham dự của các quan chức bộ, ngành có liên quan là cơ sở để loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính rườm rà và thái độ thờ ơ công vụ trong bộ máy trung ương và địa phương, và hơn thế làm căn cứ để xây dựng và hoàn thiện các chỉ thị của Chính phủ về tạo môi trường kinh doanh hàng năm.

Sự điều hành năng động, "không ngại va chạm" và kiên trì của Chính phủ đã tạo ra được những động lực vật chất và tinh thần kinh doanh, nhưng đồng thời cũng làm bộc lộ những rào cản, thách thức từ thể chế và bộ máy quan chức trì trệ. Doanh nghiệp và người dân có khả năng lớn hơn để tiếp cận với nguồn vốn, thị trường và thông tin, có quyền khiếu nại, kiện ra toà khi bị chèn ép do độc quyền hay cạnh tranh không lành mạnh ; Tinh thần kinh doanh khơi dậy sự sáng tạo những sản phẩm và dịch vụ ; Quyền tài sản được đảm bảo hơn rằng những gì thuộc về bạn không thể bị nhà nước lấy đi tùy ý… Mặt khác, gót chân Achile của chế độ toàn trị, đó là chế độ sở hữu toàn dân, nhất là về đất đai, cũng được nhìn nhận là thách thức lớn nhất, đối nghịch với nguyên tắc sở hữu tư nhân, sự đảm bảo về tài sản cá nhân cần thiết cho thị trường vận hành…

Cuối cùng, khi đại dịch Covid-19 xảy ra Chính phủ đã phản ứng nhanh và thực tế để ngăn chặn và đối phó với dịch bệnh bùng phát, thể hiện ưu thế vốn có của chế độ chuyên chế trong những tình huống khẩn cấp. Kết quả chống dịch được thế giới đánh giá tích cực. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong kinh doanh và lao động mất việc do đại dịch lần đầu tiên được ban hành, mặc dù còn nhiều vướng mắc trong thực thi, cũng đáng được ghi nhận.

Trong bối cảnh như vậy Chính phủ tập trung thực hiện mục tiêu kép, trong đó nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, làm suy giảm tỷ lệ tăng GDP, nhưng đang được bù đắp bởi đầu tư công đặc biệt áp dụng với hạ tầng giao thông tuyến đường cao tốc Bắc – Nam… Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt khoảng 2,5% và kinh tế có thể phục hồi theo hình chữ V với đáy là 0,18% vào qúy II năm nay. Đây là thành tích khi tăng trưởng GDP của thế giới là âm, kể cả các quốc gia trong khối ASEAN.

Tóm lại, Chính phủ kiến tạo điều hành chính sách kinh tế thực dụng phù hợp với mô hình kinh tế lai ghép nhờ cải thiện môi trường kinh doanh để thị trường có thể tạo ra động lực lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện thiếu hoặc chưa đồng bộ các nguyên tắc vận hành. Mặt khác, thực tế chỉ ra rằng thể chế chính trị đang trở nên ‘chật chội’ để duy trì chính sách kinh tế này trong trung và dài hạn. Hơn thế, quá trình chuyển đổi dân chủ, sự hiệu quả, tính minh bạch và giải trình trách nhiệm… vẫn nằm trong khuôn khổ của chế độ độc đảng.

Phạm Quý Thọ (Hà Nội)

Nguồn : RFA, 08/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 422 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)