Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/10/2020

Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị xong nhân sự tham dự Đại hội 13

Nhiều tác giả

Tôi ủng hộ về dự kiến tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Huyền, VNTB, 14/10/2020

Báo chí đưa tin là ông Chánh văn phòng Trung ương Đảng sẽ về Thành phố Hồ Chí Minh nhận chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tin vui, cần khui sâm-banh ăn mừng.

tphcm1

Khui sâm-banh ăn mừng thiệt bụng, không phải mai mỉa đâu. Vì sao ư ?

Thứ nhất, theo lý lịch về đường hoạn lộ mà báo chí đang tiếp tục khai thác, cho thấy vị sắp là tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian đến 4 năm, 250 ngày làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Chức vụ này to lắm, và ông Trần Quốc Vượng – người đang có khả năng sẽ được chọn vào vị trí Tổng bí thư ở nhiệm kỳ sắp tới đây của Đảng, cũng xuất thân là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Văn phòng Trung ương Đảng, đó là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng ; tham mưu về nguyên tắc và chế độ quản lý tài chính, tài sản của Đảng, trực tiếp quản lý tài chính, tài sản của các cơ quan đảng Trung ương và bảo đảm hậu cần phục vụ hoạt động của Trung ương Đảng; đồng thời là một trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo.

Dĩ nhiên khi là người đứng đầu Văn phòng Trung ương Đảng thì cũng đương nhiên là Bí thư Trung ương Đảng.

Với 4 năm, 250 ngày trong vai trò hầu cận các vị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem ra người sắp vào vai tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh hiển nhiên mà ít có chính khách nào so bì, đó là hiểu rất rõ tính nết từng vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chính điều này sẽ thêm cơ hội cho việc có những bước ‘lobby’ khi cần thiết của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, theo lý lịch mà báo chí đăng thì nhiều khả năng là với vẻ ngoài nho nhã thư sinh, song thật ra vị đang được cơ cấu là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lại tiến thân bằng con đường là một "thanh bảo kiếm của Đảng". Trong tương lai khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực bậc nhất ở đô thị phát triển bậc nhất đất nước, "thanh bảo kiếm của Đảng" chắc chắn sẽ góp phần giúp Đảng nắm chắc quyền lực, mà không ngại chính quyền cấp địa phương ỷ thế là nơi tạo nguồn ngân sách lớn nhất quốc gia để có những yêu sách ‘mè nheo’.

Thứ ba, báo chí có đăng người đang được cơ cấu ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mang học vị là "Cử nhân luật", song lại không thấy báo chí nào đăng rõ là ông tốt nghiệp hệ chính quy hay hệ tại chức (sau này gọi là hệ vừa học vừa làm) của trường đại học luật nào ở Việt Nam ? "Điểm mờ" về con đường học vấn của người được cơ cấu ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, như vậy là rất đáng ngại.

Cái ngại đầu tiên là ông chưa trải qua môi trường sôi động của một đô thị còn được gọi là trung tâm tài chính quốc gia. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, cường độ công việc và yêu cầu của thái độ làm việc luôn cần ở mức chuyên nghiệp cao nhất.

Đơn cử, cứ nhìn qua lý lịch khoa học của Chủ tịch và các phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ thấy ngay là những nhân sự này được đào tạo bài bản từ chương trình phổ thông đến hết đại học hệ chính quy. Nhiều vị còn từng là giảng viên đại học. Những nhân sự có vốn kiến thức nền bài bản sẽ dễ dàng tiếp cận và cập nhật cái mới của quản trị quốc gia hơn so với một người võ biền trong thời bình.

Cái ngại tiếp theo, nhìn vào lý lịch 4 năm, 250 ngày trong vai trò hầu cận các vị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho thấy cái rủi ro lớn nhất lúc này và cả thời gian tới của ông Nguyễn Văn Nên, đó là chuyện biết quá nhiều chuyện hậu trường của Ban Bí thư, nên trong đấu đá giữa phe nhóm, ông Nguyễn Văn Nên sẽ phải bất đắc dĩ đứng giữa các ‘làn đạn’. Khi ấy hệ lụy là các quyết sách của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lâu nay sẽ dễ bị vạ lây.

Chính băn khoăn trên, nên tôi nghĩ rằng mọi việc thật ra vẫn chưa ngã ngũ.

Trong một diễn biến thời sự, ở họp báo vào chiều ngày 10/12, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng sẽ chỉ đạo và phát biểu tại đại hội.

Cũng theo ông Khuê, đại hội sẽ không trực tiếp bầu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, mà bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Chấp hành sẽ thực hiện các công việc của mình, trong đó có thảo luận, bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó bí thư… Về số lượng đại biểu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã giới thiệu 72 đại biểu, để đại hội chọn bầu 61 đại biểu.

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 14/10/2020

***************************

Vài ý kiến ghi nhận trước thềm Đại hội Đảng ở Thành phố Hồ Chí Minh

Cửu Long, VNTB, 13/10/2020

Nhà báo Nguyễn Thông, bình luận : "Với kiểu chỉ định bí thư và ban thường vụ đảng bộ tỉnh thành, như đảng đang làm, tốt nhất là dẹp ngay những đại hội chưa diễn ra, đang chuẩn bị tổ chức, ít nhất cũng đỡ tốn được mớ tiền, và quan trọng nhất là "đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại". Trong lịch sử hiện đại, chưa bao giờ đảng trắng trợn thể hiện tham vọng quyền lực như bây giờ. Mọi cuộc bầu bán chỉ là trò cười và vô nghĩa.

tphcm2

Một võ biền được phong tước vương thời nay…Mọi cuộc bầu bán chỉ là trò cười và vô nghĩa.

Nếu đó chỉ là chuyện nội bộ của đảng thì chả ai quan tâm làm gì cho mệt người, nhưng khổ nỗi nó lại cứ đưa người vào những vị trí khác để lãnh đạo toàn diện cơ".

Theo nhà báo Nguyễn Thông, để biết vị sắp được sắm vai tân bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là người thế nào, cứ hỏi 3X thì rõ nhất.

"Năm 2013, khi 3X đang đỉnh cao quyền lực, lấn át cả vua (khiến vua có lúc bất lực phải khóc), thì ông Nên (nghề công an chuyên nghiệp) bất ngờ được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ. Sau vài cuộc đấu, từ chỗ đang giữ thế thượng phong, 3X đã lấm lưng trắng bụng. Dư luận hồi ấy xì xào rằng 3X bị lộ hết cả tẩy, tài ba mưu mẹo như cố vấn Nguyễn Văn Hưởng cũng không cứu được.

Sau đại hội 12 (năm 2015), anh Nên được thưởng công làm Chánh văn phòng Trung ương, Bí thư trung ương, đệ tử tin cậy của nhà vua. Xin nhớ rằng, trước đại hội 11 thì trưởng của 4 văn phòng tứ trụ chỉ tương đương cỡ thứ trưởng, may lắm ủy viên trung ương, nhưng sau đại hội 11 thì khác, rất oách, quyền lực vô song, sau 12 thì thành dạng siêu bộ trưởng, bí thư trung ương dễ như chơi, thậm chí ngấp nghé ủy viên Bộ chính trị. Và kỳ này anh Nên cầm chắc chân trong bộ siêu quyền lực ấy. Không thể đùa với Tây Ninh được" – nhà báo Nguyễn Thông nhận xét.

Một thầy giáo yêu cầu nếu có dẫn tên khi đăng báo, xin được ghi ông là một ‘thầy giáo làng’ – ông đã đưa ra lập luận rằng dường như đảng rất sợ có những địa chỉ cụ thể đang biết làm ăn giỏi giang.

"Trong các diễn văn, những chính khách thường chung chung về sự phát triển của kinh tế, của mặt trời vẫn chiếu sáng… Người dân rất khó tìm được diễn văn nào nói rõ về ánh sáng của mặt trời thật ra đã tắt lịm lâu rồi ở vùng đất nào đó trên xứ Việt. Người dân cũng chỉ ngờ ngợ dường như chuyện làm ăn giỏi giang đó thật ra chỉ ở vài nơi chứ không phải đầy lạc quan như mỹ từ ở diễn văn.

Và trên thực tế những bề trên ở Trung ương luôn tâm lý yếm thế về sự phát triển ấy chủ yếu diễn ra ở các tỉnh miền Nam – nơi có một nền tảng học vấn vững chắc trải suốt từ thời Pháp thuộc đến hai nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa…" – thầy giáo ngại nêu tên, nhận định.

Theo ông thầy giáo làng, rất dễ hiểu tại sao không chỉ bộ học mà cả nhiều trường đại học công không ưa mô hình trường đại học Tôn Đức Thắng và hiệu trưởng Lê Vinh Danh. Khen nó, vô hình trung lộ ra cái dở cái kém, vô tích sự của mình. Cứ để nó chết, nó phải chết, cho mình tiếp tục được sống ăn bám, sống hư danh, vô tích sự. Thời nay không phải vua Hùng thứ 18 nhưng Lang Liêu tự chủ chỉ có chỗ duy nhất đảo hoang sống kiếp lưu đày.

"Tôi nghĩ với một tay xuất xứ chắc chừng là một du kích xã, hay ‘cách mạng 30’ đầy võ biền gì đó mà lên ngôi vương ở đô thị như Sài Gòn, hóa ra sự học ngày nay quả thật hỏng mất rồi như cảm thán thuở nào của cụ Tú Xương trong "Than đạo học". Cũng chẳng thể trách, bởi một khi người đứng đầu ít chữ, bao giờ cũng dễ trị hơn :

Bất lương chiếm chỗ hiền lương

Bắt đầu từ cuộc hí trường… mua danh !"

Vị thầy giáo làng buồn bã với vẻ cam chịu.

Cửu Long (lược thuật)

Nguồn : VNTB, 13/10/2020

*************************

Lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh có Bí thư Thành ủy là một ‘võ biền’ ?

Hiền Vương, VNTB, 13/10/2020

Biền : Mũ quan võ ngày xưa. Võ biền : Hoán dụ chỉ quan võ hoặc những người ưa dùng sức mạnh mà ít vận dùng đến đầu óc, học thức.

tphcm3

Như vậy, đúng là không hề quá lời khi có nhận định bước đầu là có lẽ kể từ sau khi Việt Nam chấm dứt nền kinh tế bao cấp, thì giờ đây lần đầu tiên cơ quan Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có ông chủ là một người võ biền.

Lý lịch của người chuẩn bị đăng quang tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được các tờ báo ở Việt Nam tóm tắt như sau : ông sinh ngày 14/7/1957, quê ở Tây Ninh.

Tháng 4/1975 – 9/1985 : Chiến sĩ Cảnh sát hình sự rồi Đội trưởng hình sự Công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Tháng 10/1985 – 12/1987 : Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Phó Trưởng Công an huyện Gò Dầu. Tháng 01/1988 – 2/1989 : Quyền Trưởng Công an huyện Gò Dầu. Tháng 3/1989 – 12/1991 : Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Công an huyện Gò Dầu. Tháng 01/1992 – 4/1996 : Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gò Dầu. Tháng 4/1996 – 8/1999: Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gò Dầu. Tháng 8/1999 – 01/2001 : Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Tây Ninh.

Tháng 2/2001 – 5/2004 : Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh. Tháng 6/2004 – 1/2005 : Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe.

Tháng 2/2005 – 3/2006 : Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh. Tháng 3/2006 – 8/2010 : Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Tháng 9/2010 – 7/2011 : Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.

Tháng 7/2011 – 2/2013 : Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Từ tháng 3/2013 : Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 14/11/2013, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ngày 27/01/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 4/2/2016 được Bộ Chính trị phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Sáng 11/10/2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã công bố Quyết định số 2369-QĐNS/TW của Bộ Chính trị quyết định ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Văn Nên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025.

Với bản tóm tắt như trên, thì từ năm ông 18 tuổi ông đã tham gia vào công an xã rồi ‘lên’ dần tới huyện, không rõ thời gian trước 1975 ông đã đi học xong tú tài hay chưa ? Tuy vẫn thấy ghi phần trình độ học vấn của ông là "Cử nhân luật".

"Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đồng chí Nguyễn Văn Nên là cán bộ trưởng thành từ lực lượng vũ trang nhân dân, được đào tạo và trưởng thành từ cơ sở và trải qua nhiều nhiệm vụ công tác tại địa phương và trung ương.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng, có kiến thức, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó là nắm vững công tác xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước ; có uy tín, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ, có bề dày kinh nghiệm đã công tác trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau" – Trích nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, hôm 11/10/2020 (*).

Như vậy, nếu truy ngược về thời gian mà ông Nguyễn Văn Nên giữ các chức vụ quản lý nhà nước và cả quản lý Đảng ở tỉnh Tây Ninh, sẽ nhận ra những nhận xét của bà chủ tịch Quốc hội chỉ dừng lại ở mức nghi thức của một bài diễn văn về công bố quyết định nhân sự do Bộ Chính trị lựa chọn.

Có ý kiến, chức vụ Chánh văn phòng trung ương Đảng – nói theo ngôn ngữ miền Bắc, đó là một nghề của phục vụ "điếu đóm các cụ", nên giờ được ơn mưa móc chốn thiên đình, phong cho một tước vương để nắm quyền cai trị tại Thành phố Hồ Chí Minh, với những bổng lộc ở đô thị được mệnh danh là làm ra tiền của vào loại bậc nhất đất nước.

Đơn giản chỉ là vậy.

Hiền Vương

Nguồn : VNTB, 13/10/2020

Chú thích :

https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thanh-uy-tphcm-cong-bo-quyet-dinh-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-can-bo-1491870472

********************

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên : bàn tay sắt ?

Chi Mai, VNTB, 12/10/2020

Với một bí thư thành ủy mới như vậy có thể nói Bộ Chính Trị đã quyết định sử dụng một bàn tay cứng rắn cho thành phố kinh tế đầu tàu của cả nước vốn luôn cần có một nhà kỹ trị 

tphcm4

Phù hợp nguyện vọng của nhân dân !

Tại Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ sáng 11/10, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc phân công lãnh đạo chủ chốt về Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị cân nhắc toàn diện và có sự thống nhất từ Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố.

Bà Ngân cho biết sau khi cân nhắc nhiều mặt, Bộ Chính trị quyết định để ông Nguyễn Văn Nên thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ; điều động, phân công, chỉ định ông Nên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và giới thiệu bầu làm Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ tới.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng không được biết đến quyết định điều động của Bộ Chính trị.

Theo bà Chủ tịch quốc hội, phương án để ông Nguyễn Văn Nên giữ chức vụ này là để đảm bảo tính kế thừa, phát triển từ đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, và hơn hết là cơ cấu cán bộ lãnh đạo là người miền Nam thuộc các lĩnh vực địa bàn khác nhau, bên cạnh đó là một quyết định phù hợp, thống nhất nguyện vọng của Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo rằng nguyện vọng của nhân dân Sài thành trong việc điều động tân Bí thư Thành ủy có lẽ không hợp lý chút nào vì nói thẳng ra, cho đến ngày ông Nên nhận quyết định, dù trước đó đã có nhiều đồn đoán, nhưng chẳng mấy người dân thành phố biết được ông Nguyễn Văn Nên là ai để mà bày tỏ nguyện vọng.

Ngay cả dàn lãnh đạo thành phố lẫn đảng viên cũng còn không được phép bày tỏ nguyện vọng gì khi bầu cử chỉ có một ứng viên duy nhất để lựa chọn thì nói gì là dân thường ?

"Ngày vui với Thành phố Hồ Chí Minh"

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những thành quả trong 5 năm qua về kinh tế – đóng góp 26-27% GDP của cả nước, truyền thống đoàn kết nội bộ, vị thế phát triển và cơ chế tốt, hướng đến hạt nhân phát triển là khu đô thị sáng tạo, Thành phố Thủ Đức " là những điểm thuận lợi để ông Nguyễn Văn Nên tiếp tục dẫn dắt Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trong nhiệm kỳ tới".

Ông Nguyễn Thiện Nhân còn tuyên bố ngày công bố quyết định cán bộ đối với ông Nguyễn Văn Nên : "Hôm nay là ngày vui với Thành phố Hồ Chí Minh", thế nhưng liệu đó có phải là niềm vui cho người dân Sài thành ?

Ông Nguyễn Văn Nên bắt đầu là chiến sĩ cảnh sát hình sự năm 1975 và trở thành Trưởng công an huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vào năm 1989.

Năm 1991, sau 16 năm công tác trong ngành công an, ông Nên đảm trách các chức vụ trong đảng và chính quyền huyện Gò Dầu trước khi thăng tiến lên vị trí bí thư tỉnh ủy Tây Ninh năm 2010.

Năm 2013 ông Nên đảm nhận chức Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương trong 6 tháng, sau đó nhận chức Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng chính phủ, và từ năm 2016 trở đi là Chánh văn phòng Trung ương Đảng.

Chưa bao giờ Thành phố Hồ Chí Minh lại có một bí thư với kinh nghiệm chính trị và an ninh dày đến như vậy so với những bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tiền nhiệm có xuất thân từ thanh niên xung phong hay đoàn thanh niên như ông Nguyễn Minh Triết, Lê Thanh Hải, hay từ Liên đoàn Lao động như ông Trương Tấn Sang, xuất thân từ kinh tế như ông Đinh La Thăng hay một người mờ nhạt dù có xuất thân từ quân đội như ông Nguyễn Thiện Nhân.

Với một bí thư thành ủy mới như vậy có thể nói Bộ Chính Trị đã quyết định sử dụng một bàn tay sắt cho thành phố kinh tế đầu tàu của cả nước vốn luôn cần có một nhà kỹ trị như đã từng làm với thành phố Hà Nội khi đưa ông Nguyễn Đức Chung về.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã hứa khi mới nhậm chức năm 2017, đã từng hứa giải quyết vụ Thủ Thiêm, nhưng đã 3 năm trôi qua, người nam nói giọng bắc Nguyễn Thiện Nhân vẫn không giữ được lời hứa, trong khi Tất Thành Cang và Lê Thanh Hải vẫn không bị xử lý.

Ông Nguyễn Văn Nên và đồng hương Tây Ninh Trần Lưu Quang, phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần liệu có thể là một liên minh mới để xử những sai phạm của dàn lãnh đạo cũ ở Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ Thủ Thiêm để phục vụ cho chiến dịch đốt lò ở phía nam của ông Trọng ? Hay đích nhắm tới vẫn sẽ chỉ là giới bất đồng chính kiến và những người cầm đầu các vụ khiếu kiện đất đai đã kéo dài hàng chục năm qua nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị và chống lại các thế lực nói xấu đảng và nhà nước ở thành phố lớn nhất miền Nam này ?

Chi Mai

Nguồn : VNTB, 12/10/2020

***************************

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam chủ trì Đại hội Đảng bộ Bộ Công an, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

RFA, 12/10/2020

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 12/10 đã chủ trì Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Đại hội Đảng bộ Bộ Công an và sẽ chủ trì Đại hội của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 12/10.

tphcm5

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội hôm 12/10/2020 - Báo Nhân Dân

Đây là các đại hội quan trọng cấp địa phương ở Việt Nam để bầu chọn các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ địa phương, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng 1 năm tới.

Phát biểu tại đại hội ở Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng đã ca ngợi những thành tựu mà Đảng bộ Hà Nội đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, cho đây là những thành tựu quan trọng.

Ông Trọng đồng thời cũng kêu gọi xây dựng thủ đô thành một thành phố "mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".

Trong khi đó, phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Bộ Công an, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh : "Công an và quân đội như hai cánh của con chim hòa bình, là thanh kiếm và lá chắn vững chắc để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa".

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 12/10, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ của Thành phố. Theo thông báo tại buổi họp báo, sẽ có 72 đại biểu được giới thiệu ứng cử để bầu 61 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa tới.

Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội, truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết các đại biểu đã nhất trí danh sách đề cử 80 người vào Ban Chấp hành Đảng bộ để chọn ra 71 Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ khóa tới.

Nguồn : RFA, 12/10/2020

********************

Ông Nguyễn Văn Nên về Thành phố Hồ Chí Minh thay Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân

RFA, 11/10/2020

Sáng 11/10/2020, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ông Nguyễn Văn Nên về để thay thế Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

tphcm6

Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Nên hôm 11/10/2020 - SGGP

Mạng báo Chính phủ cho biết, theo quyết định do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương đảng, Chánh Văn phòng Trung ương đảng được thôi giữ chức vụ, đồng thời được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2020-2025.

Như vậy sắp tới ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ rời khỏi chức vụ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi lời hứa với người dân Thủ Thiêm vẫn chưa hoàn thành.

Hồi tháng 12-2018, ông Nhân từng đưa ra lời hứa "giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong năm 2019" nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Một chuyện dưới thời ông Nguyễn Thiện Nhân khiến nhiều người ghi nhớ là ngày 17/2/2019, đúng vào dịp tưởng niệm 40 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung thì chiếc lư hương trước tượng Đức Thánh Trần tại Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị cẩu đưa về đền thờ tại số 36 đường Võ Thị Sáu.

Nơi đây thường được người dân thành phố thắp hương tưởng niệm trước các cuộc chiến với Trung Quốc.

Hôm 24/9/2020, ông Nhân ra mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là đến năm 2045 thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố "ước đạt 40.000 USD, là địa điểm hấp dẫn toàn cầu".

Nguồn : RFA, 11/10/2020

**************************

Thành phố Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết mới về Thành phố Thủ Đức và Khu đô thị mới Thủ Thiêm

RFA, 12/10/2020

Vào ngày 12/10/2020, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức bao gồm 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người.

tphcm7

Khu đô thị mới Thủ Thiêm bên bờ sông Sài Gòn nhìn từ trên cao xuống - RFA

Nghị quyết mới nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, sân số phường An Khánh thuộc quận 2 vào phường Thủ Thiêm với dân số là 428 người.

Trước đó, vào sáng ngày 11/10, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030.

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trích lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là lần đầu tiên trong 23 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh có một nghị quyết về đầu tư xây dựng phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vào năm 1996 với mục tiêu xây dựng nơi đây thành một trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại và dịch vụ cao cấp. Thành phố đã tiến hành giải toả hàng ngàn hộ dân cư ở Thủ Thiêm vào khoảng đầu những năm 2000. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn hàng trăm hộ gia đình ở Thủ Thiêm khiếu kiện chính quyền địa phương vì những sai phạm trong vấn đề giải toả, thu hồi đất, bồi thường vài tái định cư cho người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân hồi năm ngoái đã hứa sẽ giải quyết dứt điểm vụ Thủ Thiêm trong năm 2019 nhưng cho đến giờ những khiếu kiện của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Kế hoạch xây dựng thành phố mới Thủ Đức hiện cũng gặp nhiều tranh cãi vì nhiều người dân cho rằng Thủ Thiêm chưa giải quyết dứt điểm thì lãnh đạo thành phố chưa nên nói đến việc lập thành phố mới Thủ Đức.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huyền, Cửu Long, Chi Mai, RFA tiếng Việt
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)