Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa có phát biểu về phong trào 'Dân vận khéo' ở Việt Nam từ hơn 10 năm qua và cảnh báo về các 'thế lực thù địch'.
Ông Trần Quốc Vượng đang được xem là một ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư
Phát biểu tại Hội nghị Dân vận 11/10/2020 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Vượng, một trong những ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ tới, Đại hội XIII, ca ngợi ngành dân vận của hệ thống chính trị Việt Nam.
Báo chí nước này trong các bài đăng tin về sự có mặt của ông Trần Quốc Vượng, dẫn lời ông nói rằng Việt Nam trong "hơn 10 năm qua, cả nước đã có hơn 900 nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua 'Dân vận khéo' các cấp".
Theo ông Vượng, "đó là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang... đã không ngại khó khăn, bất kể ngày đêm, đồng cam, cộng khổ, gắn bó mật thiết, tận tụy giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, vì tốt đẹp hơn cho đồng bào mình".
Về tình hình Việt Nam trong những tháng Đảng cộng sản cầm quyền chuẩn bị cho kỳ đại hội quan trọng mang tính thay đổi thế hệ đầu 2021, ông Trần Quốc Vượng nói Việt Nam "đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, cùng nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải giải quyết".
"Bên cạnh đó, trình độ dân trí ngày càng cao, vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, khoa học, các phương tiện truyền thống phát triển mạnh mẽ..".
Ngăn 'nhiễu loạn tư tưởng nhân dân' ?
Vì các yếu tố này đều tác động không nhỏ đến nhân dân, đến công tác dân vận, nên bộ máy lại càng "không để thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân", ông Vượng nói.
Hồi 2009, Đảng cộng sản Việt Nam phát động phong trào 'Dân vận khéo', lấy cảm hứng từ các phát biểu của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận.
Ông Hồ từng nhấn mạnh : "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc", theo một bài trên tạp chí Tuyên giáo năm 2019 nhắc lại chủ đề này.
Thế nhưng càng về gần đây, việc kết hợp mang tính tìm tòi giữa kinh tế thị trường và cách quản trị theo mô hình Liên Xô cũ đã gây ra các bất cập lớn tại Việt Nam.
Là đảng cầm quyền duy nhất kiên quyết bác bỏ nguyên tắc kiểm soát quyền lực 'tam quyền phân lập', đảng CSVN chỉ còn cách đề cao đạo đức nói chung trong đội ngũ quan chức.
Một bài trên tạp chí Nội chính (08/2020) nói về nguy cơ "suy thoái" mà đảng này cho là nguyên nhân chính của nhiều vấn đề họ đang phải đối mặt :
"Tình trạng suy thoái này đã gây ra hậu quả xấu trên nhiều mặt : thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước và nhân dân ; làm tha hóa cán bộ, đảng viên ; ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ; làm suy yếu nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước, trở thành nguy cơ đe dọa đến sự ổn định về chính trị và sự tồn vong của Đảng và chế độ".
Công tác dân vận được cho là phương thức chữa các căn bệnh trên.
Tuy thế, chính các văn bản của Đảng CSVN cho thấy có sự khác biệt giữa cách nhìn nhận vai trò của người dân, đối tượng chính của công tác dân vận.
Một mặt, mọi văn kiện đều định nghĩa "nhân dân làm chủ", hoặc "nhân dân là người tổ chức, lãnh đạo và là nhân tố quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam".
Mặt khác, cũng vẫn những văn bản đó đặt người dân ở vị trí chỉ là "tham mưu cho Đảng, Chính phủ", và tiếng nói cùng "tâm tư, nguyện vọng, bức xúc" của họ cần được Đảng lắng nghe.
Cách nói của ông Trần Quốc Vượng, lo ngại các thế lực xấu nào đó "làm nhiễu loạn tư tưởng nhân dân", cũng phản ánh tư duy coi nhân dân là đối tượng dễ tổn thương, cần được bảo vệ về tinh thần chứ không phải là 'người làm chủ' của quốc gia.
Triển vọng lãnh đạo
Dù các phát biểu của ông Trần Quốc Vượng hôm 11/10 không có gì mới, nhưng dư luận chú ý đến sự hiện diện của ông trên truyền thông nhà nước Việt Nam vì ông là một người có cơ hội lên nắm chức lãnh đạo Đảng CSVN.
Hồi tháng 6/2020, một nhà quan sát Hoa Kỳ, tiến sĩ chính trị học Zachary Abuza dự đoán trong trả lời phỏng vấn của BBC rằng ông Trần Quốc Vượng "nhiều khả năng nhất" để trở thành tổng bí thư sau ông Nguyễn Phúc Trọng.
Sinh năm 1953, ông Trần Quốc Vượng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, từng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hiện là Thường trực Ban Bí thư.
Tuy thế, từ tháng 6 đến nay, lại có nhiều ý kiến khác dự đoán về những phương án nhân sự cao cấp khác nhau, gồm cả ý kiến nói việc lên nắm chức tổng bí thư sẽ không xảy ra dễ dàng với ông Vượng.
Trong tháng 9 vừa qua, cây bút David Hutt viết trên trang The Diplomat rằng "Thủ tướng đương nhiệm, Nguyễn Xuân Phúc, được nhiều nhà quan sát cho là ứng viên sáng giá vào ghế tổng bí thư".
Gần đây nhất, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ở Hoa Kỳ viết trên trang VOA rằng ông tin là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn ở lại sau Đại hội XIII ít ra để giữ chức chủ tịch nước một thời gian.
Tất cả các dự đoán, đồn đoán về nhân sự cao cấp tại Việt Nam đều chỉ dựa trên quan sát cá nhân của người phát biểu và có thể không đúng với tiến trình chọn lãnh đạo, đơn giản vì chính việc lựa chọn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không ngừng chuyển biến.
Từ nay đến Đại hội XIII, các kỳ hội nghị trung ương được tổ chức để hoàn tất các vấn đề văn kiện và nhân sự cao cấp.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 12/10/2020