Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2020

Doanh nghiệp Việt ít dám 'ho he' về thể chế ?

Ngô Ngọc Trai

Mới đây xảy ra sự việc có 8 hiệp hội ngành nghề cùng đồng loạt kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước giảm mức phí công đoàn phải nộp từ mức 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 1%.

doanhnghiep1

Tổ chức công đoàn hiện nay cần hiệu chỉnh lại tổ chức hoạt động, tinh giản bộ máy - Ảnh minh họa Chợ gốm Hà Nội 

Đây là sự kiện đáng chú ý của giới doanh nghiệp vốn lâu nay ít có những hành động có tính chất phản kháng như vậy.

Chế định tréo ngoe

Hiện nay Luật Công đoàn quy định doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội, còn người lao động đóng 1% mức lương.

Đây là điều vô lý tréo ngoe vì doanh nghiệp lại phải đóng quỹ công đoàn, tổ chức mà về nguyên tắc là đối nghịch về quyền lợi với chủ doanh nghiệp.

Mặt khác mức phí như vậy bị cho là quá cao. Lấy ví dụ nếu một doanh nghiệp có 500 lao động, lương đóng bảo hiểm xã hội của mỗi người là 5 triệu đồng, thì tính ra mỗi tháng doanh nghiệp phải đóng quỹ công đoàn là 50 triệu đồng.

Nếu số người lao động trong toàn bộ nền kinh tế tạm tính là 10 triệu người, tiền lương là 5 triệu đồng, thì mỗi tháng doanh nghiệp sẽ phải nộp quỹ công đoàn sẽ là 1 nghìn tỷ, mỗi năm 12 nghìn tỷ.

Số tiền này quá lớn, bằng cả số tiền chi ngân sách cho hai ngành tư pháp là Tòa án và Viện kiểm sát cộng lại. Đó là chưa tính khoản phí người lao động nộp bằng 1% lương.

Trong khi đó, công đoàn ở doanh nghiệp hiện nay đều là kiêm nhiệm, vừa là người lao động hưởng lương do doanh nghiệp trả.

Vậy thì với một doanh nghiệp 500 người trong mỗi tháng công đoàn cơ sở làm được những gì giúp ích cho người lao động mà chi phí cho họ lên tới 50 triệu ? Bộ máy công đoàn cả nước bao nhiêu người, mỗi tháng làm được những gì mà chi phí lên tới 01 nghìn tỷ đồng ?

Theo Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã ký kết tham gia thì người lao động được phép tự tổ chức thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, nhiều tổ chức công đoàn sẽ liên kết thành công đoàn ngành hoặc khu vực.

Khi đó bên cạnh tổ chức công đoàn của nhà nước hiện nay sẽ có thêm các tổ chức công đoàn độc lập khác.

Đứng trước tương lai như vậy, tổ chức công đoàn hiện nay cần hiệu chỉnh lại tổ chức hoạt động, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, và giảm đi về mức phí.

Nhiều thiết chế bất cập

Kiến nghị tập thể của 8 hiệp hội ngành nghề là một động thái hiếm hoi của giới doanh nghiệp có tác dụng thúc đẩy sửa đổi một chế định pháp lý bất cập, trong khi hàng vạn doanh nghiệp khác thì im lặng.

Không chỉ vậy, thực tế còn tồn tại nhiều chế định pháp lý khác đang gây ảnh hưởng xấu nhưng không thấy cộng đồng doanh nghiệp dám ho he ý kiến.

Trong cuốn sách mới in có tiêu đề Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế và lợi ích sát sườn cho doanh nhân, tôi đã tổng hợp chỉ ra một loạt chế định pháp lý bất lợi cho hoạt động doanh nghiệp.

Ví như chế định về đặt tiền bảo đảm thay thế cho biện pháp bắt ngăn chặn trong tố tụng hình sự, đây là chế định rất có lợi cho doanh nghiệp, nhưng lâu nay hiệp hội doanh nghiệp không hề có động thái thúc đẩy thực hiện.

Theo quy định hiện nay thì cơ quan tư pháp có thể quyết định mức tiền mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm thay cho bắt giam.

Đó là không dưới 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 100 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng, 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 300 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Số tiền ngần đó chỉ là nhỏ đối với nhiều doanh nhân, họ thừa đủ khả năng và sẵn sàng bỏ ra ngần ấy tiền để được tại ngoại hầu tra thay vì bị giam giữ.

Và khi còn được tự do thì nhiều hoạt động của doanh nghiệp vẫn có thể được duy trì thay vì đình trệ. Giám đốc vẫn có thể ký quyết định trả lương cho người lao động, nộp thuế cho nhà nước, đóng bảo hiểm cho người lao động, thực hiện các nghĩa vụ thanh toán với đối tác.

Ích lợi là thế nhưng thực tế chế định này gần như bị vô hiệu hóa rất hiếm khi được thực hiện.

Hiện nay tài sản doanh nghiệp vốn được cho là được bảo hộ bởi một khung khổ pháp luật dân sự tương đối đầy đủ các quy định về sở hữu tài sản. Song những thiếu thốn bất cập chưa lộ rõ khi doanh nghiệp còn đang hoạt động bình thường.

Chỉ đến khi tài sản bị xâm hại có tranh chấp xảy ra khi đó doanh nghiệp mới thấy được tài sản của mình có được bảo hộ hữu hiệu hay không, và thấm thía khát khao về một thể chế tư pháp bảo hộ chặt chẽ cho sở hữu.

Theo đó khả năng bảo hộ tài sản khi có tranh chấp mới là thước đo chuẩn xác nhất về mức độ chặt chẽ của hệ thống pháp luật về sở hữu, chứ không phải số lượng đông đảo các quy định pháp luật về tài sản.

Thực tế hiện nay thể chế tư pháp dân sự đang kém tính năng hiệu quả chậm giải phóng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, thể chế tư pháp hình sự còn nặng tính chuyên chế tạo ma sát gây đau đớn cho cộng đồng doanh nhân.

Thể chế tư pháp còn thiếu tính dân chủ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hội nhập quốc tế và hạn chế cơ hội giao thương đầu tư thương mại.

Từ thực tế đó đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp cần rũ bỏ sự trì trệ, tích cực xắn tay thúc đẩy cho các vấn đề cải cách thể chế, từ đó đem lại ích lợi cho giới mình và quốc gia xã hội.

Xắn tay thúc đẩy

Vì sao giới doanh nghiệp lại có xu hướng thờ ơ trước những chế định pháp lý bất lợi ?

Một số doanh nghiệp trở lên lớn mạnh nhờ có mối quan hệ thân hữu nên được thụ hưởng những lợi thế mà sẽ khó thể có được ở những cơ chế công bằng, ví như được nhà nước giao cấp đất thực hiện dự án.

Có doanh nghiệp là biến thể của những đơn vị doanh nghiệp nhà nước khi xưa, đứng chân trên phần nhà đất trụ sở có yếu tố nhà nước khi trước, trở thành doanh nghiệp tư qua những phi vụ cổ phần hóa mà giá trị tài sản bị kiểm đếm tính giá bán mua ẩn chứa nhiều vấn đề.

Lại có doanh nghiệp làm giàu nhờ chỉ định thầu trong những gói dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc mua sắm trang thiết bị cho cơ quan nhà nước, khoản lợi ích chênh lệch hậu hĩnh kiếm được khiến cho họ ít có động lực lên tiếng về các vấn đề thể chế.

Hoặc như chính sách thuế phí nặng nề cộng với quy trình thuế má nhiêu khê, nhiều doanh nhân bị mời gọi trốn tránh nghĩa vụ, khiến họ yếm thế mặc cảm về thân phận pháp lý, ít có động lực thúc đẩy gây dựng cho một nền pháp quyền chuẩn chỉnh.

Nhiều doanh nhân lớn đúng ra có vai trò sứ mệnh dẫn dắt thì vì những lý do đã nêu họ lại trở thành những người có khuynh hướng im lặng trước bất cập.

Để ý thì thấy 8 hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng đã có chung kiến nghị bao gồm dệt may, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lương thực - thực phẩm, chè, da giày túi xách, điện tử cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Đây là những lĩnh vực ngành nghề phần nhiều tránh được những lối kinh doanh dễ gặp phải tình trạng tiêu cực thân hữu như đã nói ở trên, có lẽ bởi thế nên họ đã có đủ dũng khí để thực hiện một việc có tính chất phản kháng tập thể như vậy.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 12/10/20020

Luật sư Ngô Ngọc Trai làm việc ở văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 480 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)