Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2020

Hiểm họa ẩn sau chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc

Nguyễn Trường

Tám tháng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cuộc chiến toàn cầu để kiểm soát đại dịch và khôi phục trạng thái bình thường mới đang bước vào một giai đoạn mới và vô cùng quan trọng.

vaccin1

Một công nhân đóng gói vaccine do hãng Sinovac Biotech sản xuất hôm 24/9/2020 - Reuters

Trung Quốc, nơi bùng phát đại dịch Covid-19 hồi tháng 2 năm 2020 và gần như đứng bên bờ vực thẳm vào thời điểm đó, đã hồi phục. Dường như Trung Quốc đã có những bước tiến khá tốt đẹp, cho dù vẫn còn quá sớm để nói về thời kỳ phục hưng. Thặng dư thương mại của Trung Quốc, nhân tố chính dẫn đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hiện cao hơn bao giờ hết. Tháng 8 năm 2020, con số này lên tới 58,9 tỷ USD, vượt xa mức 50,5 tỷ USD mà các nhà kinh tế dự đoán. Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 62,3 tỷ USD vào tháng 7/2020, và con số này có thể tăng vọt lên hơn 500 tỷ USD vào cuối năm nay. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đạt tốc độ nhanh nhất trong vòng 1 năm rưỡi qua. 

Thế giới đã sửng sốt khi phải chứng kiến Covid-19 lây lan khắp nước Mỹ, làm tê liệt hệ thống y tế công cộng của nước này, lấy đi sinh mạng của hơn 210.000 người dân Mỹ, và làm ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của cường quốc số một thế giới này.

Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia đầu tiên bị virus SARS-CoV-2 tấn công - hầu như đã kiểm soát được đại dịch ở trong nước và kể từ tháng 3 đã đẩy mạnh một chương trình viện trợ toàn cầu, phân phối rộng rãi 151,5 tỷ khẩu trang, 1,4 tỷ bộ quần áo bảo hộ, 230 triệu kính bảo hộ và 209.000 máy thở. Trung Quốc cũng đang hy vọng sẽ sớm phân phối vaccine ngừa Covid-19.

Hiện có 44 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên người khắp thế giới, trong đó có 11 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm giai đoạn ba - giai đoạn thử nghiệm hiệu quả trên quy mô lớn. Bốn trong số các vaccine này đang được các công ty Trung Quốc bào chế. Các tình nguyện viên ở các nước như Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Maroc, Brazil và Argentina đang tham gia thử nghiệm các loại vaccine của Trung Quốc.

Trong khi các quốc gia giàu có như Mỹ, một số nước châu Âu và châu Á và Australia đã gấp rút đảm bảo các thỏa thuận được tiếp cận sớm nhất với các nhà sản xuất vaccine trong nước đối với các loại vaccine hứa hẹn nhất, Trung Quốc hiểu rõ rằng không phải quốc gia nào cũng có đủ khả năng tài chính để làm được điều này.

Và trong một năm khi Trung Quốc khiến các quốc gia láng giềng Đông Nam Á phẫn nộ vì các hành vi gây hấn ở Biển Đông và nhiều nước khác tức giận vì là nơi phát tán đại dịch Covid-19, ngoại giao vaccine - cũng giống như ngoại giao khẩu trang - có khả năng giúp khôi phục hình ảnh của Trung Quốc trên khắp thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng một khi vaccine được chế tạo thành công, nó sẽ được coi là một loại hàng hóa công ích toàn cầu và được ưu tiên chia sẻ với các quốc gia đang phát triển.

vaccin2

Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc bắt tay tại Thượng đỉnh Trung Quốc ASEAN về Covid ở Vientiane, Lào hôm 20/2/2020 AFP

Tiếp tục nhấn mạnh cách tiếp cận đa phương, ngày 8 tháng 10 năm 2020, Trung Quốc thông báo đã ký một thỏa thuận với Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), về việc tham gia COVAX - một dự án phân bổ vaccine trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định : "Ngay cả khi Trung Quốc đang đi đầu thế giới trong việc bào chế một số loại vaccine ngừa Covid-19 và có năng lực sản xuất dồi dào, Trung Quốc vẫn quyết định tham gia COVAX. Chúng tôi thực hiện bước cụ thể này để đảm bảo việc phân phối vaccine một cách công bằng, đặc biệt là cho các nước đang phát triển".

Các thỏa thuận đã được ký và nhiều lời hứa đã được đưa ra trong những tháng gần đây mang lại hy vọng cho các quốc gia như Indonesia và Philippines, những nước đã thất bại trong việc ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 và đang phải chứng kiến số ca nhiễm không ngừng gia tăng.

Richard Heydarian, nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Manila, cho biết : "Trung Quốc đang chịu nhiều điều tiếng xấu ở Đông Nam Á" và nhận thức được rằng họ cần phải tìm cách xoa dịu. Ông Heydarian cho rằng một khi Trung Quốc đã là một siêu cường, nước này cần tham gia giúp đỡ các quốc gia khác. Đồng thời do virus SARS-CoV-2 khởi nguồn từ Trung Quốc, nước này phải "nhân đôi trách nhiệm". Điều này "làm mất đi lợi thế ban đầu" của Trung Quốc so với sự hỗ trợ của Mỹ trong khu vực.

Chuyên gia này nhận định Trung Quốc đang gặp nhiều bất lợi hơn mọi người nghĩ. "Cho đến tháng 5, Trung Quốc còn chiếm thế thượng phong trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng mọi chuyện cũng đang thay đổi. Hãy nhìn những tuyên bố phản đối từ Indonesia, từ Việt Nam, thậm chí cả Malaysia", nhà phân tích này nói.

Công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma của Indonesia đã đạt được một thỏa thuận với công ty Sinovac của Trung Quốc, và vaccine CoronaVac của hãng dược này đang được thử nghiệm trên 1.620 người ở Bandung, Tây Java. Theo thỏa thuận, Bio Farma sẽ có thể sản xuất 250 triệu liều vaccine theo giấy phép vào năm 2021.

Một thỏa thuận khác về cung cấp vaccine đã được ký với SinoPharm, trong đó quy định công ty này sẽ cung cấp 300 triệu liều cho Indonesia vào cuối năm 2021. Indonesia cũng đang tìm cách sản xuất một loại vaccine nội địa nhưng cũng phải ít nhất đến giữa năm 2021 mới có vaccine này. Vì thế, Chính phủ Indonesia dường như đang đặt cược vào các loại vaccine của Trung Quốc, một điều khiến nhà dịch tễ học Pandu Riono của Đại học Indonesia lo ngại. Vị chuyên gia này cho rằng Indonesia không chỉ nên trông đợi thỏa thuận với Trung Quốc mà "cần chờ sự đồng thuận toàn cầu" về loại vaccine nào tốt nhất.

vaccin3

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự hội nghị trực tuyến với ASEAN do Hà Nội tổ chức hôm 9/9/2020 AFP

Ngòai ra, Trung Quốc đã hứa với Tổng thống Rodrigo Duterte rằng Philippines sẽ được tiếp cận sớm với loại vaccine được bào chế thành công. Một số quốc gia khác ở Nam Á và Nam Mỹ cũng đã được hứa hẹn sẽ được ưu tiên tiếp cận hoặc vay với giá ưu đãi để mua vaccine của Trung Quốc.

Cũng giống như sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình với những lời hứa hẹn sẽ định hình lại các tuyến đường thương mại toàn cầu và nâng cao vị thế của Trung Quốc, lời hứa về một loại vaccine có khả năng cứu sống hàng triệu người và hỗ trợ các chính quyền xử lý đại dịch không hiệu quả sẽ giúp tăng cường sức mạnh mềm của Bắc Kinh.

Ở Đông Nam Á, Indonesia và Philippines, hai quốc gia đông dân nhất trong khu vực, có lẽ là những quốc gia "dễ chịu khuất phục nhất" trước chính sách ngoại giao vaccine của Tập Cận Bình. Hai nước này có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất trong khu vực : Indonesia đã có hơn 315.000 trường hợp dương tính và số ca nhiễm mới mỗi ngày là trên 4.000, và Philippines có hơn 329.000 trường hợp mắc bệnh được xác nhận và 2.500 ca nhiễm mới/ngày.

Aaron Connelly, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Singapore, cho rằng lãnh đạo cả hai quốc gia trên dường như đã "chốt" một chiến lược vaccine, điều này khiến họ dễ bị tổn thương về mặt địa chính trị".

Điều đó khiến người ta liên hệ đến tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang gây hấn với Philippines, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Đài Loan về các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và các vùng biển. Indonesia không phải là một bên trực tiếp trong tranh chấp, nhưng yêu sách "Đường chín đoạn" của Trung Quốc chồng lấn với Biển Bắc Natuna của Indonesia, nơi đã xảy ra nhiều vụ việc nóng trong năm 2020.

Trong một cuộc phỏng vấn với Channel News Asia tuần này, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã tỏ ra gay gắt trước những bình luận cho rằng sự phản đối kiên quyết của nước này đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc có thể được xoa dịu bằng… vaccine ngừa COVID.

Nhưng chuyên gia Connelly lưu ý "khả năng Trung Quốc có vaccine sẽ giúp Bắc Kinh gây áp lực lên Tổng thống Indonesia Widodo Jokowi". Theo chuyên gia này, Trung Quốc sẽ không chỉ sử dụng "con bài vaccine" để gia tăng ảnh hưởng và sự hiện diện của nước này ở Phillippines. Với việc Duterte lâu nay vẫn thân thiện với Trung Quốc sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022 và hai nước vẫn đang tranh chấp về quyền sở hữu bãi cạn Scarborough, "Trung Quốc đang cố gắng tiếp cận tối đa ngay từ bây giờ".

Theo chuyên gia Heydrarian, Trung Quốc đang tiếp cận trên nhiều lĩnh vực với danh nghĩa giúp Philippines đối phó với Covid-19, bao gồm cả việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực viễn thông và sân bay ở nước này.

Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò gần đây, công chúng Philippines đang tỏ thái độ chống Trung Quốc do các hành động hung hăng của nước này ở Biển Đông và là nơi khởi nguồn của đại dịch Covid-19.

Việt Nam nằm ở đâu trong chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc ?

Thời gian gần đây, đặc biệt khi Đại dịch xuất hiện và bùng phát, Trung Quốc đã nhân cơ hội đó đẩy mạnh các hành động hung hăng của họ tại biển Đông. Tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam hồi đầu tháng 4 năm nay. Đồng thời, các tàu khảo sát, tàu hải cảnh và các tàu cá trá hình của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách trên vùng biển Đông.

Với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN luân phiên năm nay, Việt Nam đã nỗ lực tìm cách lên án các hành động phi pháp này của Trung Quốc và đang nỗ lực thuyết phục các quốc gia ASEAN tích cực tham gia việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông một các thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bào chế được vaccine sớm hơn các nước khác và thực hiện chính sách ngoại giao vaccine thông qua việc phân phối vaccine mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc, khả năng gia tăng ảnh hưởng và quyền lực của họ tại khu vực Đông Nam Á rất cao. Nhiều quốc gia ASEAN sẽ vì vaccine mà chấp nhận bảo vệ cho lợi ích của Trung Quốc tại biển Đông. Đây sẽ là thách thức không nhỏ cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á trực tiếp đối đầu với Trung Quốc.

Ngược lại, sự kỳ vọng cao cũng có thể đẩy Trung Quốc vào thế nguy hiểm không lường trước được và hiện chưa thể khẳng định rằng Trung Quốc đã cầm chắc chiến thắng.

Riêng với Việt Nam, ngày 21/9/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đã đặt mua vaccine Covid-19 của Nga, Anh, Mỹ nhưng không nêu chi tiết số liều vaccine sẽ mua, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Nhưng trước đó, ngày 24/8/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết tại Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo Hợp tác Lan Thương -Mekong (LMC) lần thứ 3 rằng Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho các nước vùng Mekong khi vaccine này được phát triển và đưa vào sử dụng. Thủ tướng Lý Khắc Cường còn cho biết, Trung Quốc sẽ thành lập các quỹ đặc biệt để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng trong khuôn khổ Quỹ Đặc biệt LMC, đồng thời tiếp tục cung cấp các tài liệu và hỗ trợ kỹ thuật chống dịch cho các nước vùng Mekong trong khả năng của Trung Quốc.

Không dễ mà tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm ngày 29/9/2020 giữa Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam, 71 năm Quốc khánh Trung Quốc và trong năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định " trong 70 năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính".

Trong tình "hữu nghị" đó, nếu vaccine Covid-19 của Trung Quốc đạt tiêu chuẩn quốc tế và giá cả phải chăng, vừa túi tiền của người Việt Nam thì tại sao không mua ? Còn có thoát ra được ảnh hưởng của chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc hay không lại là bản lĩnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong nhiệm kỳ đại hội 13.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 14/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trường
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)