Đôi lời chót minh oan cho sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều
Giang Tử, VNTB, 20/10/2020
Cơn bão lũ phản ứng sách Tiếng Việt 1 bộ cánh Diều vẫn chưa hẳn ngưng trên mạng xã hội, mặc dù những người làm sách đã hứa hẹn sẽ chỉnh sửa lỗi.
Chẳng phải họ thành tâm cầu thị. Ban đầu ông chủ xị ngạo nghễ lên tiếng xỉ mắng người góp ý là "không tử tế", "cạnh tranh không lành mạnh". Mấy người biên tập sách thì mắng giới FB là "bất lương", "xảo trá"… Đủ cả.
Chỉ vì ông thủ tướng Phúc đã giận dữ tuyên bố gay gắt về bộ sách này.
Nghe nói Quốc hội cũng chuẩn bị đưa chủ đề vào kỳ họp.
Chỗ rách sẽ càng rách to hơn.
"Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ".
Nhà báo Bạch Hoàn cho biết chị đã mua đủ 5 bộ sách và đọc một mạch.
"Không chỉ bộ Cánh Diều, bốn bộ sách khác của Nhà xuất bản giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo) cũng độc hại không kém. Sau khi dành hai ngày đọc hết tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thật sự xót xa và hoảng sợ. Con cháu chúng ta bị nhồi sọ từ những bước đầu đời, bị dạy dỗ những điều sai trái, những tư duy độc hại, phản giáo dục, phản văn minh… Điển hình là Bộ sách "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" – cũng đang tồn tại vô số lỗi sai và các thông điệp giáo dục độc hại.
Thông điệp giáo dục ẩn sau bài học mà lệch lạc và độc hại thì sẽ đáng sợ hơn nhiều so với câu từ vụng về, bài học nhạt nhẽo. Thế nên, tôi thấy mình có trách nhiệm phải tập trung vào thông điệp giáo dục, thay vì chỉ nhặt sạn câu từ. Với tôi, thông điệp giáo dục sai là một liều thuốc độc".
Trong số các ý kiến phản biện, có một ý kiến lãng mạn của nhà giáo Tiến sĩ Giáp Văn Dương. Anh học nước ngoài về (nước Áo), dạy Trường Tiểu Học Times School, Hà Nội, không hề biết gì về triết lý giáo dục Việt Nam. Bởi vậy anh khẳng định với vẻ đòi hỏi thúc bách:
"Triết lý giáo dục rất quan trọng, vì nó trả lời thẳng thừng vào câu hỏi : Chúng ta định đào tạo con người nào ? Chỉ khi nào có một triết lý giáo dục đúng đắn dẫn dắt, thì các hoạt động giáo dục mới trở nên có ý nghĩa và có tính hướng đích".
Vô số giáo viên dạy học nhưng rất ít người biết Luật Giáo dục đã qui định Triết lý giáo dục.
Nếu biết Luật, thầy cô sẽ biết rất rõ sản phẩm mình sẽ đào tạo ra cần có những phẩm tính gì, và làm thế nào để đạt được điều ấy. Trò cũng phải biết rất rõ học thế nào và học để làm gì. Nhà trường, và rộng hơn là cả hệ thống giáo dục, sẽ biết cách tổ chức và vận hành làm sao để hiện thực hóa được triết lý giáo dục mà mình đã lựa chọn.
Tuy nhiên, hiện giờ về mặt thực hành thì triết lý giáo dục là một sự bế tắc và một cơn đau đầu kinh niên của giáo dục Việt Nam. Đau đầu và bế tắc không phải vì không ai biết bệnh, mà vì không dám gọi tên một cách tường minh và tìm cách chữa trị nó. Vì thế, những cải cách trong mấy chục năm qua cứ quẩn quanh giậm chân tại chỗ.
Điều này cũng giống như một người không có triết lý và giá trị sống, nên không biết sống để làm gì và mất định hướng trong việc ra các quyết định quan trọng. Hệ quả là cứ chạy theo sự vụ và dư luận để đối phó và phản ứng.
Xin thưa, các nhà làm sách giáo khoa của ta không cần phải tự xác định mà Triết lý Giáo dục của Việt Nam đã được quy định rồi :
"Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục"
"1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy Chủ Nghĩa Mác -Lê nin và Tư Tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng" (Luật giáo dục 2019).
Theo đúng Luật mà phân tích. nhà khoa học lão thành Trần Gia Ninh viết như sau :
1/ Thiên hạ phê phán chuyện Cò Cá Cua trong sách là dạy trẻ sai. Theo Mỗ, phê phán thế là chưa chuẩn. Dù sống cùng nhau trong một đầm lầy, nhưng Cá thiếu cảnh giác với kẻ địch là Cò nên bị Cò hại chết, còn Cua nhờ cảnh giác nên Cò không ăn thịt được. Đây chính là thể hiện lý thuyết Lênin về địch ta, về cảnh giác cách mạng. Dạy bài này cho trẻ là dựa trên "nền tảng chủ nghĩa Mác Lê", sao gọi là sai ?
2/ Lại nói chuyện nhóm Cánh Diều bị chê trách "dùng từ ngữ lạ hoắc, không phổ biến, khó hiểu", ví như "nhá", "chộp","tớp", "đợp","cuỗm"… Có lẽ không nên chê họ.
Ngôn ngữ là sự sáng tạo, gây ấn tượng, lúc đầu lạ sau quen, nói mãi sẽ thành hay. Ví dụ như chữ trong Tuyên Ngôn Cộng Sản của Mác là "Proletariat Dictature" dịch đúng phải là "Độc Tài Vô Sản". Tuy nhiên, dùng chữ như thế "thật quá", " nghe hãi quá". Vậy nên các tiền bối ngôn ngữ cách mạng bèn đổi "độc tài" thành ra "chuyên chính" (cả cụm từ là chuyên chính vô sản – trang chủ chú), tuy khó hiểu nhưng nghe cao siêu, hình ảnh hơn, sau thành quen, dân chấp nhận là ngôn ngữ cách mạng tiến bộ…
Noi gương đó, ngay từ đầu đời dạy các từ ngữ lạ cũng là một cách hay, không trái với phép tu từ ngôn ngữ Mác Lê. Vậy "Cánh Diều" dùng các ngôn ngữ lạ, tuy lúc đầu không hợp nhưng dần dần sẽ hay, giống như phương pháp tu từ trong Mác Lê là chuẩn. Dân mạng phê phán là do cảm tính, thiếu cơ sở lý luận !
3/ Chuyện "Ve và Kiến" của nước Pháp đổi thanh "Ve và Gà" khiến những người yêu La Phông ten phẫn nộ, cho là vô lý.
Thực ra cũng vô lý thật, ve và kiến chung sống thì hợp lý quá, con gà thấy ve thì mổ xơi ngay, sao mà bạn bè giúp nhau được! Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì cũng có lý. Rõ ràng là anh chàng gà là khổng lồ so với ve, và lúc nào cũng sẵn sàng ăn tươi nuốt sống anh hàng xóm VE nhỏ bé. Nhưng Ve thì vẫn tin vào lòng tốt anh hàng xóm đó chứ sao không. Vì đại cục, vì cùng một kiểu làm ăn, cùng ý thức hệ thì sẽ gắn kết, còn được tặng 16 chữ vàng và lời hứa "bốn lành"nữa. Thế thì đổi ngụ ngôn gà thay kiến là một sáng tạo "đưa cuộc sống vào bài học", là đúng với Triết Lý xã hội chủ nghĩa, sao lại lên án ?
Còn rất nhiều thí dụ nữa, nhưng nói ra thì dài quá, mất thời gian. Thôi tự các vị theo mẫu đó mà phân tích sẽ thấy cái thiếu sót của mình. Đến ngay như Tiến sĩ Giáp văn Dương tuy đã nói rất đúng rằng phải đặt mục đích là viết sách giáo khoa sẽ được dùng để đào tạo con người nào. Nhưng Tiến sĩ lại vội tự trả lời là để "Đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm việc hiệu quả". Thế là trái với Luật giáo dục rồi!
Nhiều người phản biện có lẽ cũng nghĩ một cách lương thiện, tự nhiên như vậy.
Thực ra, theo Luật thì phải đào tạo ra "con người xã hội chủ nghĩa" chứ ! Vì vậy, tất cả các thành phần của chương trình giáo dục đều phải hướng đến việc hiện thực hóa triết lý giáo dục này.
Túm lại, cuộc tranh cãi sôi động về sách giáo khoa Cánh Diều TV1 này là không thể có kết thúc vì:
– Những người phản biện thì tin rằng, như bất kỳ nền giáo dục tiến bộ nào, giáo dục Việt Nam phải dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng, đào tạo ra những con người tự do, tự chủ, biết tự trọng và chịu trách nhiệm với mình và xã hội.
– Họ không biết hoặc quên mất rằng luật quy định giáo dục Việt Nam phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác & Lê là "đào tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa" (con người xã hội chủ nghĩa là thế nào xin tự trả lời lấy).
– Gốc là điều đã ghi trong Luật Giáo Dục. Có ai dám phản biện lại cái gốc là luật giáo dục đó không ?
Luật Giáo Dục là tập hợp của trí tuệ Việt Nam, đã được gần 500 đại biểu quốc hội sáng suốt thông qua, ngu gì mà lại dám góp ý. Vậy cho nên Mỗ rửa tai lắng nghe phản biện của những người dũng cảm, hiểu biết và lương thiện về cái gốc này.
Lời kết
Đừng quên rằng các anh đang bôi những nét mực đầu tiên lên tờ giấy trắng tâm hồn học sinh lớp một. Đó là nguyên lý giáo dục truyền thống dân tộc để lại.
Đừng quên: các anh đang đứng chân ở "vùng trũng nhất nhì thế giới về khoản này", nơi "thành tựu" còn đang ở mức "nhai lại dở dang".
Hãy nhìn vào thực tế thất bại thảm hại của ngữ văn phổ thông 20 năm qua.
Hãy cố gắng, dù chỉ một lần, nghĩ về nỗi đau khổ của người học và tổn thất mà xã hội đang gánh chịu vì phải học sách các anh soạn từ chương trình do chính các anh vẽ ra (ý kiến nhà báo Chu Vĩnh Hải).
Giang Tử
Nguồn : VNTB, 20/10/2020
Ghi chú :
Facebook nhà giáo Trần Gia Ninh
********************
Làm giáo sư có sướng hơn làm quan ?
Song Minh, VNTB, 20/10/2020
Vụ lùm xùm sách giáo khoa lớp một khiến người dân hoang mang vì toàn là những giáo sư tiến sĩ từng là quan chức, song lẽ nào lại dường như cũng không thể soạn ra hồn một cái giáo án ?
Ảnh minh họa
Rất nhiều người thắc mắc, tại sao viết sách toàn những giáo sư tiến sĩ mà không có sản phẩm nào ra hồn ? Tại sao chất lượng giáo sư lại kém cỏi đến thế ?
"Để trả lời cho câu hỏi nhức nhối này, các anh chị nên biết một câu chuyện gây bàng hoàng và nhức nhối không kém" – nữ nhà báo Bạch Hoàn, một cây bút tự do, kể :
Phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, Viện trưởng Viện khoa học tính toán, thuộc trường Đại học Tôn Đức Thắng, vừa bị Hội đồng giáo sư Nhà nước loại khỏi danh sách phong giáo sư năm nay. Một trong những lý do chính là vì phó giáo sư Nguyễn Thời Trung có hàng trăm công bố quốc tế. Số công bố quốc tế tăng đột biến trong hai năm gần đây. Trong khi tiêu chí phong giáo sư chỉ cần 3 công bố quốc tế !?
Vậy là, ít công bố quốc tế (bằng chứng cho thấy năng lực của nhà khoa học) thì được phong giáo sư, còn nhiều công bố quốc tế sẽ bị loại !?
Bất chấp, Hội đồng giáo sư Nhà nước không chứng minh được bất cứ một công bố nào của phó giáo sư Nguyễn Thời Trung là kém chất lượng. Bất chấp, các nghiên cứu ấy đều được đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín. Bất chấp, chỉ đến giữa năm 2019, Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung đã sở hữu trên 5.500 trích dẫn khoa học theo ISI, làm chủ nhiệm và hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, đạt giải thưởng Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của Đại học Quốc gia Singapore…
Đặc biệt, Hội đồng giáo sư Nhà nước loại khỏi danh sách phong giáo sư vì thành tích quá xuất sắc của Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung, mà một trong những thành tích ấy là Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung được Tạp chí PLoS Biology (Mỹ) đưa vào danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
Vì sao người bị loại lại có nhiều nghiên cứu công bố quốc tế – với con số mà cả cuộc đời những người ngồi ở Hội đồng giáo sư Nhà nước cũng không dám mơ ước ? Là vì Phó giáo sư Nguyễn Thời Trung giỏi giang, xuất sắc hơn người, lại đam mê khoa học. Vị Phó giáo sư này đang là phó Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng mà tự xin từ chức, để chuyên tâm làm công việc nghiên cứu…
"Đấy, người tài năng, người được nhiều tổ chức quốc tế thừa nhận, người có thành quả vượt trội, người đam mê khoa học, không tham lam quyền chức… lại bị cái gọi là Hội đồng giáo sư Nhà nước khước từ phong giáo sư. Nghĩa là, những người năng lực khiêm tốn hơn, kém cỏi hơn cả trăm lần mới được xét duyệt phong giáo sư! Đến đây thì các anh chị có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi vì sao sản phẩm của các giáo sư nhà nước mà chất lượng lại ở mức tồi" – nhà báo Bạch Hoàn, kết luận bi phẫn.
Đứng đầu Hội đồng giáo sư Nhà nước hiện tại là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ.
Ông Phùng Xuân Nhạ xuất thân khoa bảng là cán bộ giảng dạy của Trung tâm Bồi dưỡng lý luận Mác Lênin, thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ tháng 4/1986 đến tháng 8/1993.
Khi được Đảng ‘phân công’ ông Phùng Xuân Nhạ sang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì với chức tước mới này ông cũng đương nhiên đồng thời kiêm luôn chức vụ Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước. Vậy là tư đây ông Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước đối mặt với những tố cáo từ một số nhà khoa học về chuyện ông Phùng Xuân Nhạ đã ‘gian lận học thuật’.
Bản tin đăng trên BBC, cho hay ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc "sự giả khoa học" cũng như "thiếu cả về đạo đức và trình độ" của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước của Việt Nam.
Trong bản báo cáo, ông Dũng nêu chi tiết về các hành vi "tự đạo văn, trích dẫn khống, thiếu trình độ tiếng Anh, hời hợt thiếu khoa học, tạp chí giả khoa học" liên quan đến các bài báo khoa học của ông Nhạ. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cũng đặt câu hỏi về việc "Hội đồng Chức danh Giáo sư có bị thao túng ?". Ông Dũng cũng công khai diễn biến của vụ việc trên trang Facebook cá nhân.
Tuy nhiên cái kết câu chuyện tố cáo công khai ở trên đã không được Chính phủ Việt Nam quan tâm ; và chính điều này góp phần giải thích cho thắc mắc nêu ở phần đầu bài viết này, đó là "tại sao viết sách toàn những giáo sư tiến sĩ mà không có sản phẩm nào ra hồn ? Tại sao chất lượng giáo sư lại kém cỏi đến thế ?"…
Nói thêm, câu chuyện Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tố cáo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lẽ ra phải được ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm, vì theo lý lịch, ông Nguyễn Phú Trọng cũng có hàm "Giáo sư".
Song Minh
Nguồn : VNTB, 20/10/2020
******************
Có hay không chuyện ông Thuyết soạn sách giáo khoa "nhiều sạn " ?
Vi Tiểu Bảo, VNTB, 17/10/2020
Tổng chủ biên kiêm chủ biên là một đảng viên, ông ấy tất hiểu bổn phận của một đảng viên đối với sự nghiệp trồng người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị, "Vì lợi ích mười năm trồng cây – Vì lợi ích trăm năm trồng người".
Xoay quanh vấn đề sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của nhóm Cánh diều, ông Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung một số bài tập đọc không rõ ràng, từ ngữ không rõ nghĩa.
Với một người có học hàm giáo sư như ông Thuyết, việc sai những lỗi nhỏ nhặt là điều quả thật khó tin. Đó là chưa kể đến việc sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới thuộc bộ ‘Cánh diều’ có quá nhiều sạn. Vậy mà nó vẫn được hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì thật khó hiểu !
Để đạt được học hàm giáo sư như ông Thuyết, là cả một quá trình. Tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư rồi giáo sư. Có thể nói, đó là một quãng thời gian khá dài, có người phải dành hơn nửa đời để làm điều đó. Khi một sinh viên gặp vị giáo sư trong trường đại học, bên cạnh lễ nghĩa của kẻ nhỏ – người lớn mà còn là sự kính trọng khối lượng kiến thức mà vị giáo sư đó sở hữu.
Khi còn là một sinh viên, làm một tiểu luận – đề tài nghiên cứu khoa học, tôi đã phải chú trọng kỹ càng từng nội dung sao cho trúng, dư dả thời gian hơn một tí, ngồi nghiên cứu xem khi đề tài của mình đưa lên thuyết trình trước đám đông, sẽ bị "bắt giò" ở những đoạn nào và trả lời ra sao ?
Đến khi tốt nghiệp ra trường, lại càng phải chú ý hơn, không khéo trường sẽ bị mang tiếng. Cho nên, thiết nghĩ, ở vai trò là giáo sư, ông Thuyết lại càng phải cẩn trọng hơn nữa so với một thằng chỉ có bằng cử nhân. Nhất là cái mảng của ông Thuyết lại vô cùng quan trọng, tổng chủ biên kiêm chủ biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt cho học sinh lớp 1.
Vậy thì tại sao lại có những cái sai sờ sờ ra đó mà ông Thuyết lại không nhận ra ? Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nhận ra, để rồi phê duyệt, cho phép sử dụng trong giảng dạy ? Hay là ông Thuyết cũng như Bộ có một ý đồ gì khác, có một thông điệp gì khác nữa gửi gắm vào từng bài tập đọc mà nhiều người không nhận ra ? Nếu đúng như vậy, đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lên tiếng về cái ngụ ý trong những truyện được viết lại này ?
Là một người có học, chắc là ông Thuyết sẽ biết đến cái câu gọi là "tam sao thất bản", đó là chưa kể đến việc mỗi người sẽ có mỗi khả năng tiếp thu, nhìn nhận vấn đề khác nhau. Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 do ông làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, nhiều bài tập đọc có chữ Hoàng Nam kể, Thành Vân kể, Nguyễn Minh kể….
Câu hỏi đặt ra, không biết những cái tên đó kể như thế nào, kể ra sao mà được ông Thuyết trình bày trong quyển Tiếng Việt 1 lại bị nhiều phản ứng đến thế ? Tìm một quyển sách truyện cổ nước ngoài là không khó, tại sao lại không ghi cụ thể theo truyện cổ gì đó mà lại nghe kể, rồi viết ra ?
Trả lời cho lý do tại sao kho tàng văn học dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng, ông Thuyết lại không sử dụng để cho mấy em học mà lại phỏng theo câu chuyện của nước ngoài, có lẽ ông đang muốn Việt Nam vươn ra tầm thế giới.
Phải chăng ông đang cố gắng tập ngay từ lúc nhỏ cho mấy em quen với các câu chuyện cổ nước ngoài ? Hay chăng, do những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn ở Việt Nam dở quá, không có tính giáo dục gì, là một người học cao hiểu rộng nên ông nắm rất rõ điều này ?
Nếu thật sự ông giáo sư Nguyễn Minh Thuyết sọan sách giáo khoa không phù hợp, còn nhiều "hạt sạn", vậy thì chẳng lẽ nhiều phụ huynh, giáo viên, người dân Việt Nam phản ứng nội dung là sai ?
Trẻ em là tương lai của đất nước, nếu cứ theo sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của ông Thuyết, xem ra, có cái gì đó không ổn lắm thì phải…
Vi Tiểu Bảo
Nguồn : VNTB, 18/10/2020
************************
Ồn ào sách Cánh Diều : Ba nguyên nhân nhưng chỉ một sơ sót ?
Quốc Phương, BBC, 17/10/2020
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc công luận chú ý, trong đó có nhiều khen chê trái chiều xoay quan bộ sách giảng dạy tiếng Việt của nhóm Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản tại Việt Nam, theo một chuyên gia giáo dục học từ Sài Gòn.
Giáo dục là vấn đề được quan tâm ở Việt Nam
Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân gây chú ý chỉ có một là 'sơ sót', trong khi cũng có điều đáng 'khen' vẫn theo ý kiến này.
Hôm thứ Năm, 16/10/2020, khi được hỏi có thể đánh giá thế nào về vấn đề, nguyên nhân chính mà các cuốn sách của nhóm Cánh Diều gặp phải và nên xử lý thế nào, từ đâu, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, nêu quan điểm riêng với BBC.
"Theo tôi, có ba nguyên nhân chính : ngữ liệu được chọn có một vài hạt sạn nhỏ (từ địa phương, từ thông tục) ; nội dung sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn được chỉnh sửa không hợp ý người đọc ; và phương pháp giảng dạy mới, khiến một số giáo viên không quen và gặp khó khăn trong lúc mới sử dụng.
"Trong ba nguyên nhân trên thì chỉ có nguyên nhân đầu có thể xem là sơ sót. Nếu chuyên nghiệp hơn thì cần có những quy định về tiêu chuẩn chọn ngữ liệu (ví dụ như tránh từ địa phương, nếu buộc phải dùng thì cần chú thích).
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến "khẩu vị" của người đọc nên không đáng gọi là sai sót.
Nguyên nhân thứ ba thật ra phải xem là ưu điểm ; vấn đề ở đây không phải là cuốn sách tiếng Việt mà là việc chuẩn bị tập huấn phương pháp cho giáo viên.
Có gì cần rút kinh nghiệm ?
Trước câu hỏi có thể góp ý gì để rút kinh nghiệm thêm về phương pháp luận nói chung đối với các nhà soạn thảo sách giáo khoa, như trường hợp này là sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1, Tiến sĩ Vụ Thị Phương Anh nói :
"Cần xây dựng các quy định rõ ràng, chi tiết, kỹ lưỡng về chuẩn mực liên quan đến việc chọn ngữ liệu và nội dung bài đọc, chú trọng mục tiêu dạy học và tâm lý của trẻ em lớp 1.
"Những quy định này cần được phổ biến công khai, có thể bằng cách đưa lên trang mạng của Bộ Giáo dục & Đào tạo chẳng hạn. Như thế, quá trình xây dựng, thẩm định và lựa chọn giáo trình sẽ được công khai, minh bạch và tránh được sự nhiễu loạn dư luận như vừa qua".
Là một người đã từng đi học ở miền Nam Việt Nam trước 30/4/1970, khi được hỏi có thể học hỏi được điều gì hữu ích từ việc soạn sách giáo khoa, dạy và học tiếng Việt ở tiểu học ở miền Nam Việt Nam trước đây, bà Phương Anh đáp :
"Ký ức thì bao giờ cũng đẹp, nên nhận xét của tôi về sách giáo khoa tiểu học thời Việt Nam Cộng Hòa có thể có chút ít thiên vị chăng. Nhưng tôi cho rằng việc đáng học hỏi nhất là việc khéo léo lựa chọn ngữ liệu để vừa luyện tập âm, vần và chính tả, vừa chở những bài học đạo đức nhẹ nhàng phù hợp với tâm lý trẻ em và quan điểm đạo đức của đa số người vốn ảnh hưởng văn hóa Khổng - Mạnh.
"Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh của việc dạy tiếng Việt ; tôi không dám chắc rằng cách dạy trước đây có giúp cho học sinh dễ dàng nhận biết mặt chữ và biết ghép vần, viết đúng chính tả ... dễ dàng hơn hiện nay hay không.
"Quả thật có mới mẻ" ?
Khi được đề nghị bình luận về vai trò của triết lý giáo dục trong việc soạn sách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp một, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh bình luận :
"Theo tôi thì chắc chắn bất cứ cuốn sách giáo khoa nào cũng chứa trong nó một quan điểm hoặc dùng từ to tát hơn là triết lý về giáo dục. Việc cẩn trọng lựa chọn ngữ liệu sao cho trang trọng đẹp đẽ, nội dung chứa đựng những bài học đạo đức luân lý thể hiện một quan điểm về giáo dục khác hẳn với quan điểm của một cuốn sách giáo khoa tiếng Việt đặt trọng tâm vào việc cung cấp thật nhiều ngữ liệu như những bài tập rèn luyện giúp học sinh nhanh chóng nhận được mặt chữ, ghép được vần, và nhanh chóng đọc được tiếng Việt trong sách báo.
Một bên nhắm đến mục đích lâu dài là dạy người, bên kia nhắm đến mục tiêu cụ thể của môn học tiếng Việt lớp 1. Nhưng tôi không cho rằng quan điểm nào là đương nhiên tốt hơn hoặc đúng, mà tùy thuộc vào tình hình cụ thể, nhu cầu của người học hoặc mục đích của nhà trường. Nếu học sinh ngày nay lên đến lớp 12 vẫn còn viết sai chính tả và có một cuốn sách tiếng Việt giúp học sinh lớp 1 nhanh chóng đọc thông viết thạo tiếng Việt thì tại sao chúng ta lại không dùng cơ chứ ?
Cuối cùng, tôi có một điều muốn nói thêm, đó là cuốn sách tiếng Việt lớp 1 của Cánh Diều đã được đưa lên mạng và tôi đã đọc qua, thì thấy quả thật là có phương pháp mới mẻ hơn trước đây.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 17/10/2020
***********************
Soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ cần đến triết lý gì ?
Quốc Phương, BBC, 16/10/2020
Hiện tượng sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học sinh lớp Một tại Việt Nam gặp nhiều chỉ trích và phản ứng xã hội hiện nay có thể có nguyên nhân từ thiếu vắng một triết lý giáo dục giản dị, nhưng đúng đắn, phù hợp, ý kiến từ khách mời hội luận Bàn tròn thứ Năm tuần này nói với BBC hôm 15/10/2020.
Mới đây, dự luận quan tâm tới sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học ở Việt Nam tỏ ra xôn xao về một bộ sách tiếng Việt lớp một do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Đã có nhiều ý kiến và quan điểm trái chiều khen chê về bộ sách của nhóm tác giả "Cánh Diều", từ Sài Gòn, cựu giáo chức Hoàng Hưng, nhà thơ, dịch giả và sáng lập viên Tủ sách Tâm lý học Giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Tri thức bình luận với BBC về một khía cạnh mà ông quan tâm, đó là vai trò của một triết lý giáo dục đằng sau việc soạn sách và ứng dụng cần thế nào.
Ông nói : "Vấn đề triết lý giáo dục tôi thấy cũng bàn cãi rất nhiều rồi, có người nêu rằng triết lý giáo dục mang tính chất rất khái quát, ví dụ giáo dục ở miền Nam ngày trước người ta đề ra triết lý giáo dục rất khái quát là "dân tộc, nhân bản, khai phóng" những cái đó tôi thấy quá tốt, quá hay rồi.
"Nhưng xã hội của Việt Nam bây giờ, Bộ Giáo dục và các nhà lãnh đạo bảo rằng triết lý giáo dục bây giờ thì trong đường lối của đảng đã nêu ra rồi, tức là giáo dục cho học sinh trở thành những người yêu nước, yêu Chủ nghĩa Xã hội, thành những người lao động v.v… thì theo họ đấy là triết lý giáo dục.
"Như thế tức là không phải không có triết lý giáo dục mà triết lý giáo dục đó quy định như thế rồi, đó là những cái mang tính chất khái quát.
"Thế nhưng tôi xin lưu ý với mọi người là nó còn có những triết lý giáo dục đi vào cụ thể hơn, tức là cả hai "triết lý" ở trên đều tương đối khái quát, dù rằng chê hay khen thì tôi không biết và về quan điểm cá nhân tôi khen triết lý của giáo dục ở miền Nam Việt Nam trước kia, mà tôi thấy là đầy đủ, rõ ràng rồi và hay.
"Song đi vào ví dụ cụ thể, gần đây tôi có đọc ý kiến của Tiến sĩ Giáp Văn Dương, ông nói rằng nhóm của ông cũng có một triết lý cụ thể, theo đó là xây dựng, đào tạo học sinh với những phẩm chất cụ thể, còn riêng chúng tôi khi chúng tôi làm tủ sách Cánh Buồm, chúng tôi cũng có một triết lý giáo dục.
"Trong đó đề ra là học sinh của chúng tôi đào tạo ra làm sao được và phải là những người tự chủ, có tâm hồn phong phú và có sự đồng cảm với mọi người. Đó là một triết lý và cụ thể.
"Theo tôi, cái mà Việt Nam bây giờ thiếu là thiếu những cái rất cụ thể cho hệ thống mà đi vào giáo dục học sinh như thế nào, còn những cái nói chung chung yêu nước, thì cái đó chung quá".
Đốt đi thì dễ, nhưng xây mới thế nào ?
Trước một số ý kiến từ trong công luận về những bất cập của các bộ sách giáo khoa tiếng Việt, trong đó đòi hỏi nếu có sai sót nghiêm trọng, thì cần loại bỏ, ông Hoàng Hưng nói :
"Việc người ta nói là đốt hết cả Cánh Diều lẫn Cánh Buồm đi, thì tôi cho rằng đây là một sự bức xúc, cũng chẳng có gì để bình luận cả, vì người ta có quyền bức xúc vì làm mất hết cả hy vọng, người ta không còn niềm tin.
"Người ta nói là đổ nát hết rồi, không cứu vãn được gì nữa đâu, thôi đốt hết đi… thì tất nhiên đó là phát biểu trong lúc quá bức xúc, chứ còn đốt xong rồi thì làm sao ?
"Đốt thì dễ nhưng bây giờ xây dựng thế nào mới khó. Sợ đốt xong, xây dựng lại một cái gì mà quái gở hơn thì sao ?
"Việt Nam đã làm bao nhiêu cuộc Cách mạng để "đốt" xã hội cũ rồi đấy, tốn bao nhiêu xương máu để đốt rồi đấy, đốt xong xây dựng xã hội mới.
"Rồi thấy thế rồi hóa ra nó lại không bằng xã hội cũ, thế thì nói chuyện sách cũng thế thôi, nói chuyện đốt thì dễ lắm, nhưng vấn đề là phải làm lại như thế nào ?
Trước câu hỏi, nếu có một "triết lý" và "lô-gic" khác là coi sách giáo khoa là hàng hóa, học sinh, cha mẹ học sinh v.v… là thị trường, trong trường hợp sách không đạt yêu cầu, có vấn đề chất lượng, thì có phải hoàn trả lại tiền cho "khách hàng" hay không, cựu giáo chức Hoàng Hưng đáp :
"Tôi xin nói rất thật là tôi không thích tham gia những chuyện cụ thể như thế cả, bởi vì tôi đã nói quan điểm và suy nghĩ của chúng tôi về giáo dục khác hoàn toàn, quan điểm của tôi và nhóm chúng tôi là ai cũng có quyền soạn và cứ việc đưa ra.
"Tất nhiên sẽ có một bộ phận kiểm định, tức là gì, tức là nếu như tư tưởng nó không nghiêm túc, dạy người ta những cái bậy bạ về mặt đạo đức v.v…, thì không được, hay là về mặt chuyên môn kém quá, sai sót… thì không được.
"Còn lại thì mặc, ai soạn cứ soạn, như thời xưa, thời Pháp thuộc cũng thế mà ở miền Nam trước đây cũng thế và ở các nước tư bản cũng thế thôi, ai soạn cứ soạn, vấn đề là người ta có thích, người ta có mua hay không.
"Mà việc có thích, có mua hay không đó, là phụ thuộc vào người thầy có đủ trình độ để thẩm định rằng sách này hay và người ta dạy cho học sinh và miễn làm sao đạt kết quả.
"Quan điểm của chúng tôi như thế, nên tôi không thích tham gia vào những chuyện của hệ thống giáo dục mà nó đã như thế này rồi, tôi xin thua, không biết bình luận như thế nào cả".
Học ngôn ngữ là để "học làm người"
Từ London, nêu quan điểm của mình về việc phải chăng đằng sau những vấn đề mà giáo dục Việt Nam nói chung và việc soạn sách giáo khoa như trong trường hợp sách dạy tiếng Việt cho học sinh lớp một ở tiểu học đang gặp phải hiện nay có liên quan đến thiếu vắng một triết lý giáo dục phù hợp, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên nói với BBC :
"Khái niệm triết lý giáo dục nên được hiểu một cách với nhiều tầng bậc, nếu mà cả định hướng giáo dục, thì có một triết lý giáo dục khác.
"Ở đây chúng ta đang bàn về một quyển sách cụ thể, ở một trình độ cụ thể, thì triết lý giáo dục của nó cũng có, cần phải có, nhưng triết lý giáo dục của nó rất là cụ thể.
"Đó là đào tạo tinh thần năng động cho trẻ phát triển tư duy trong lúc học tiếng, thứ hai là học tiếng để học ngôn ngữ, học ngôn ngữ để học làm người. Triết lý giáo dục nó đơn giản như vậy, nó rõ ràng như vậy.
"Cho nên đừng nghĩ rằng học tiếng chỉ là âm thanh mà học tiếng còn là học làm người. Điều đó đặt ra cho người soạn sách giáo khoa một trách nhiệm rất nặng.
"Đó là phải tìm tài liệu để mà học tiếng, phải tìm tài liệu về văn chương, chữ nghĩa để cho học trò phát triển năng lực văn học, chữ nghĩa, hay nói là ngôn ngữ đi đã, rồi từ đó nâng lên đến cả ngôn ngữ văn học.
"Thế cho nên, nếu mà nói triết lý giáo dục cho một quyển sách cụ thể, tôi nghĩ là người soạn sách cũng phải chắc chắn và phải bám sát triết lý giáo dục của mình.
"Và nếu dựa trên điều mà tôi vừa phát biểu, thì tôi thấy cần phải cải thiện một số bài đọc, cần phải cải thiện một số ngữ liệu mà những nhà phê phán đã đưa ra để cho bộ sách hoàn thiện, nhưng mà phát triển tư duy về ngôn ngữ trong bộ sách này, tôi nghĩ là điều xứng đáng được trân trọng và phát huy, chứ không phải hoàn toán nó là con số không để mà chúng ta nói đến chuyện là tiêu hủy toàn bộ".
Cần vượt qua "đầu óc bản vị" ?
Nhân dịp này, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên chia sẻ điều mà bức xúc của cá nhân ông, khi ông quan sát sách giáo khoa dạy tiếng Việt ở Việt Nam thời gian qua và hiện nay.
"Những bức xúc này làm cho tôi nhớ lại những cuộc tranh luận những năm trước qua việc sử dụng ngôn ngữ trong sách giáo khoa.
"Hình như là bao lâu nay chúng ta có một quan điểm rất là lạ, đó là dựa vào phương ngữ Hà Nội, hay là dựa vào phương ngữ miền Bắc để soạn sách giáo khoa.
"Mà còn tệ hơn nữa, khẩu ngữ, chứ không phải là phương ngữ nữa, những tiếng thông tục mà người ta nói ngoài đường phố mà chưa được thuần hóa là tiếng nói văn học, văn hóa của một vùng, miền ngôn ngữ được đưa vào, thế thì chúng ta đưa những ngôn ngữ đường phố vào trong bài học ngôn ngữ là một sự lãng phí.
"Và ở đây tôi muốn nhắc lại bức xúc của tôi là những nhà soạn sách giáo khoa cần phải suy nghĩ điều này - đó là phải phá bỏ đầu óc bản vị địa phương.
"Phải chân thành tìm hiểu ngôn ngữ phổ thông của kho từ vựng tiếng Việt.
"Cách đây 70 năm, những người soạn từ điển tiếng Việt đã bỏ công đi sưu tập tất cả những mục từ của Nam, Trung, Bắc để mà soạn bộ Việt Nam Từ điển.
"Vậy mà ngày hôm nay, chúng ta soạn sách giáo khoa chỉ nghĩ đến người ở miền Bắc thôi, thì những người ở Huế làm sao, Nha Trang thế nào, Sài Gòn ra làm sao ?
"Chúng ta phải có một ý thức, nếu mà nâng lên thành triết lý giáo dục, thì chúng ta phải đặt triết lý giáo dục này mà tức là lợi ích của trẻ ở toàn thể nước Việt Nam.
"Chứ không thể lấy một cái bản vị, địa phương nào, và tôi xin vắn tắt những bức xúc của tôi như thế", từ London, nhà ngữ học Đoàn Xuân Kiên nói với BBC.
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 16/10/2020
***********************
Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều : 'Có sạn nhưng không đến mức phải thu hồi'
Mỹ Hằng, BBC, 15/10/2020
Sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ Cánh Diều hiện đang gặp chỉ trích dữ dội từ cộng động mạng về 'sai sót' nội dung. Những sai sót này nghiêm trọng tới đâu ? Liệu có biện pháp nào để giải quyết khi sách đã được đưa vào giảng dạy ?
Học sinh tiểu học ở một trường làng thuộc Cần Thơ, Việt Nam
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long nhận định rằng bộ Cánh Diều có một vài chỗ 'chưa hoàn thiện', nhưng không tới mức 'phản giáo dục', 'thô tục', v.v… như các bình luận trên mạng, thậm chí có nhiều đổi mới giúp tăng khả năng từ vựng và thời gian đọc hiểu của trẻ, nhất là với sự hỗ trợ của kênh hình (hình vẽ, video) và giáo viên.
Ông Long nói với BBC :
"Tôi thấy tựu chung có ba ý phê phán chính trên mạng xã hội gồm : việc sử dụng từ ngô nghê, thô tục, dùng phương ngữ thay vì từ chuẩn quốc gia ; việc chia đôi truyện ngụ ngôn (phần 1, phần 2) dễ gây hiểu nhầm ; việc truyện ngụ ngôn bị chỉnh sửa đến mức "thiếu logic, phản cảm, thiếu nhân văn".
"Mới đọc các chỉ trích này thì thấy rất có lý, thậm chí dễ gây tăng xông. Nhưng thực tế là rất ít người nêu được khía cạnh chuyên môn, sư phạm của các vấn đề trên mà chủ yếu mạt sát, suy diễn, quy chụp, thậm chí bịa đặt, để công kích người soạn và thẩm định sách, thậm chí mang cả con cháu họ lên mạng để tấn công".'
Sự phẫn nộ trên mạng xã hội
Các bình luận trên mạng chủ yếu cho rằng bộ sách dùng nhiều phương ngữ thay vì ngôn ngữ chuẩn. Chẳng hạn 'không' thì dùng 'chả', 'gà con' thì thành 'gà nhép', 'ăn' thành 'nhá' ; hoặc những từ được cho là xa lạ với trẻ nhỏ như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…
Thậm chí một số từ ngữ bị chê là 'thô tục' như 'thở hí hóp'….
Ngoài ra, cộng đồng mạng còn bất bình vì một số bài đọc phỏng theo truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng, nhưng lại 'cắt xén', 'thay đổi' nhân vật, "làm mất đi tính giáo dục". Ví dụ truyện 'gà và kiến' thì đổi thành 'gà và ve', 'quạ và cáo' thì thành 'quạ và chó'…
Nhiều bình luận giận dữ cho rằng nhóm biên soạn sách, trong đó GS Nguyễn Minh Thuyết là chủ biên, cùng hội đồng thẩm định sách, đã "ngậm miệng ăn tiền".
Vì sao dẫn đến tranh cãi ?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long, do phải đảm bảo tiêu chí học sinh học đọc xong sớm để có thời gian học các kiến thức khác, sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều đã đưa vào nhiều mẩu truyện từ các bài học đầu tiên. Khác với sách Tiếng Việt cũ chủ yếu dạy đánh vần, đến cuối sách mới có một, hai mẩu truyện.
Chính vì phải dạy học sinh đọc truyện sớm trong khi chưa học đầy đủ các vần, người viết sách lâm vào thế 'kẹt' : Họ phải chỉnh sửa, gò ép từ ngữ để đảm bảo không đưa vào truyện từ có âm vần chưa học.
Đó là lý do vì sao ở bài 1 có từ 'chả' gây tranh cãi chứa vần 'a', thay cho từ 'không' chứa vần 'ông' mãi đến bài 85 mới học. Bài 33 có từ 'nhá' thay cho 'ăn' chứa vần 'ăn' đến bài 58 mới học.
Cây bút Phan Hồ Điệp, đứng ở góc độ của người từng viết sách cho học sinh lớp 1, cũng có chung ý kiến này.
"Vì nguyên tắc đó mà người viết sách phải lập một "ma trận" để chọn đúng tiếng/ từ có chứa âm vần trẻ đã học....dẫn đến những câu gượng ép, những đoạn mà các bạn cho là ngây ngô", bà Điệp viết trên Facebook cá nhân.
Về những từ bị cho là 'thô tục' như 'chả', 'tợp', 'cuỗm', nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long không đồng tình. Ông nói : "Chúng có thể là khẩu ngữ suồng sã dùng với các đối tượng ngang hàng. Chúng không thể làm méo mó tính cách học sinh, nhất là khi có giáo viên hướng dẫn khi nào dùng".
"Trong đời sống hằng ngày nhiều từ trong số đó vẫn xuất hiện bình thường, hoặc trong thành ngữ tục ngữ, như bà nhá /nhai cơm cho cháu, tớ chả biết đâu, Ai chả biết ma ăn cỗ…"
Ông Long nói thêm : "Một số từ bị chê khác như 'thở hí hóp', các tác giả nói lấy từ thơ Trần Đăng Khoa. Quạ kêu 'quà quà' (thay vì 'quạ quạ') lấy từ tác phẩm của Ma Văn Kháng. Tôi cho rằng từ tượng thanh thì 'quà quà' hay 'quạ quạ' là dựa vào cảm nhận chủ quan mỗi người và nội dung cần hướng tới của truyện".
"Nhiều từ bị chê là phương ngữ vùng miền xa lạ với học sinh như giá đỗ, cá diếc, cá măng, gà gô, yểng, lồ ô, quả trám…thực tế là những từ khá phổ biến hoặc là tên gọi chính thức một loài cây hay cá, thậm chí không có từ khác thay thế".
"Hoặc bắt bẻ từ "râm bụt", cho rằng phải là "dâm bụt", trong khi từ điển tiếng Việt ghi nhận "râm bụt". Theo tôi đây có vẻ như là việc bới lông tìm vết. Làm giáo viên mà không biết hoặc không tra cứu nổi những từ này thì nên làm việc khác. Chưa nói phương châm của người soạn sách là cung cấp một số từ địa phương tương đối phổ biến (có trong từ điển tiếng Việt) cho học sinh".
"Nhiều từ địa phương rất phổ biến, có trong từ điển tiếng Việt hoặc là tên gọi động vật, thực vật thì nên học chứ không phải phụ huynh không biết thì con họ không thể hay không cần biết. Và ngoài chữ còn có kênh hình và giáo viên hỗ trợ học sinh hiểu đúng từ và cách dùng".
"Việc đưa truyện ngụ ngôn vào sách gặp rào cản là nội dung thường vượt quá số lượng từ và số dòng cho phép trong mỗi bài học, nên phải chỉnh sửa dưới hình thức "phỏng theo", "kể lại", có khi phải chia làm hai bài phần một, phần hai".
"Chỗ này cũng gây tranh cãi ác liệt, có người không chấp nhận, bảo cắt đoạn như thế gây hiểu lầm về ý nghĩa, làm hỏng học sinh, là dạy cách nói năng hỗn láo, thói gian manh, lươn lẹo. Nhưng ở đây học sinh có tự học với sách đâu, mà luôn có giáo viên hướng dẫn hiểu đúng bài học kia mà !"
Những 'hạt sạn'
Tuy vậy, nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng chỉ ra những chỗ ông gọi là 'sạn', 'thiếu logic', 'cần chỉnh sửa' trong sách.
Ông nói rằng với truyện ngụ ngôn, khi chỉnh sửa cần tuân thủ những gì phù hợp với tự nhiên và quan niệm đúng xưa nay về loài vật.
Ví dụ, cáo đại diện cho sự tinh ranh. Nếu thay bằng chó là loài vật bạn với con người thì không nên. Hay thay kiến bằng ve thì tương quan nhân vật đã thay đổi. Vì gà sẽ ăn ve ngay chứ không ở đó mà nói chuyện làm bạn hay giúp đỡ.
Có chỗ không chuẩn mực lắm hoặc hơi khó hiểu, như truyện 'Ve và gà'. Ve nói 'cho ve tí gì đi' nghe rất khó hiểu. Dù vậy, trong tình huống trò chuyện thì chấp nhận được. Sách lại có hình vẽ cái lá và những câu trước giúp hiểu rõ hơn.
Theo ông Long, trước sức ép dư luận, nhóm biên soạn sách tới đây sẽ sửa một số chỗ 'sạn', nhưng không đến mức phải thu hồi.
Những ý kiến lẻ loi
Ngoài sự giận dữ của cộng đồng mạng, vẫn có những ý kiến được coi là 'lẻ loi' khi đứng ra bênh vực bộ sách.
Bác sĩ Trần Văn Phúc - người có tài khoản hơn 56.000 người theo dõi trên Facebook - cho rằng "đây là một cuốn sách tốt". Ông viết :
"Về ý kiến cho rằng cuốn sách xuyên tạc những câu chuyện gốc, tôi không đồng tình như vậy, việc làm này cũng giống như các em học sinh vui nhộn thích "chế" lại bài hát như "Chúng ta không luộc được rau", mà trước đó ca sĩ Sơn Tùng cover từ bài "We don't talk anymore" để trở thành bản hit nổi tiếng".
"Về ý kiến cho rằng những từ địa phương, từ không phù hợp ; bản thân tôi không nghĩ thế. Rõ ràng số lượng từ vựng tiếng Việt rất hạn chế, nên việc đưa các từ địa phương vào chỉ làm cho vốn từ của các em thêm phong phú hơn thôi, chưa kể cách sử dụng từ trong cuốn sách cũng khá mới lạ tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Long cũng có một số ý kiến bênh vực cuốn sách.
Ông Long nói nhiều người 'hoài cổ', muốn dùng lại bộ sách Tiếng Việt ngày xưa với những áng văn thơ đẹp đẽ, tràn trề đạo đức. "Nhưng thực ra trí nhớ không hoàn toàn trung thành với họ", bởi thực tế sách Tiếng Việt cũ chủ yếu học vần (suốt tập một gồm 83 bài), mà không có một câu chuyện hoàn chỉnh nào.
Trong khi sách TV Cánh Diều, với ý muốn đổi mới của các tác giả : giúp học sinh biết đọc biết viết nhanh hơn, đa dạng vốn từ, gần với đời sống hơn chứ không gói gọn trong dăm câu thơ ba câu văn tả cảnh lãng mạn, chữ nghĩa luôn mượt mà trong khuôn phép, lề thói, ngay từ đầu sách (bài 3) đã có trang nghe kể chuyện không phụ thuộc vào học vần, sau đó cứ sau dăm bài lại có một câu chuyện như thế.
Cây bút Phan Hồ Điệp sau khi thanh minh cho bộ sách là cần phải tuân thủ nhiều nguyên tắc dẫn đến "nhiều ngữ liệu thiếu "độ đẹp", thiếu tính nhân văn", trích cuốn Đối thoại với tương lai của Nguyễn Trần Bạt :
"Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và vứt bỏ một cách rất yên tĩnh tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có, và bỏ vào đấy một cách yên tĩnh những cái mới".
"Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không được làm náo động tâm lý của thầy và trò".