Nếu không có gì thay đổi thì tuần tới, các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ đổ về Hà Nội dự kỳ họp thứ 10 và nếu không có gì thay đổi, trong kỳ họp kéo dài gần một tháng này (từ 20/10 đến 17/11), họ sẽ xem xét, quyết định cách thức giải quyết các dự án giao thông được đầu tư theo phương thức BOT (dự án BOT).
Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc. Hình minh họa. (Dân Việt)
***
Cuối tuần trước, Bộ Giao thông và vận tải tiếp tục nhắc Quốc hội, có bốn dự án BOT (Dự án xây dựng quốc lộ từ Thái Nguyên đi Bắc Cạn và cải tạo một phần Quốc lộ 3. Dự án cải tạo Quốc lộ 91. Dự án xây dựng hai tuyến tránh ở Thanh Hóa. Dự án xây dựng hầm Đèo Cả) đã hoàn tất nhưng nhà đầu tư không thể thu phí.
Sở dĩ bốn dự án BOT vừa kể không thể thu phí vì các trạm thu phí cho những dự án này (hai Trạm trên Quốc lộ 3 đoạn qua Thái Nguyên, Trạm Bỉm Sơn ở Thái Nguyên, Trạm T2 ở Cần Thơ, Trạm La Sơn – Túy Loan ở Thửa Thiên – Huế) nằm bên ngoài phạm vi dự án mà dân gian gọi tắt là sai vị trí (1).
Bởi không sử dụng những công trình giao thông này mà vẫn phải trả phí nên thiên hạ nổi giận, phản ứng quyết liệt tới mức nguy hại choan ninh trật tự, an toàn giao thông, thành ra hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương đành phải ra lệnhtạm ngưng thu phí bất kể điều đó vi phạm hợp đồng đã ký với các nhà đầu tư.
Đó cũng là lý do Bộ Giao thông và vận tải thay mặt chính phủ và các nhà đầu tư liên tục thúc giục Quốc hội dùng công quỹ để hoặc là mua lại toàn bộ công trình, hoặc là xuất tiền hỗ trợ các nhà đầu tư. Có như vậy mới tránh được ảnh hưởng bất lợi cho việc thu hút đầu tư tư nhân và quan trọng hơn là tránh được nợ xấu, đe dọa an ninh tiền tệ của quốc gia (2).
***
Phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT là dùng nguồn vốn ngoài ngân sách mở rộng hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thăng tiến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, các dự án BOT trong giao thông chủ yếu là giao công lộ cho các nhà đầu tư sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí dù chất lượng thường là chẳng ra gì.
Từ khi các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mọc lên như nấm, chi phí vận tải tăng vọt, giá thành, giá bán sản phẩm – dịch vụ tăng theo, dân chúng và doanh giới không thể tiếp tục nín nhịn nên phản đối gay gắt, thậm chí phản ứng quyết liệt tới mức an ninh, trật tự trở thành hỗn loạn, lưu thông đình trệ.
Đó là lý do chính phủ phải tổ chức thanh tra và kiểm toán. Kết luận Thanh tra (3) và Báo cáo Kiểm toán (4) cùng xác nhận :Trong quá trình phát triển hệ thống giao thông bằng hình thức BOT, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đều hành xử hết sức bất thường : Liên tục thay đổi qui mô để các nhà đầu tư có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn. Dễ dãi tới đáng ngờ khi cho phép các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác…
Về nguyên tắc, các dự án BOT là phương thức dùng nguồn tiền bên ngoài công quỹ để phát triển hệ thống giao thông nhưng hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương thường chỉ chọn những doanh nghiệp thiếu cả năng lực tài chính lẫn năng lực thi công làm… nhà đầu tư. Thành ra bên cạnh chất lượng công trình tồi, do 90% tổng giá trị của đa số dự án BOT là vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư vỡ phương án tài chính là chết chùm. Tính đến tháng 3 năm ngoái, các nhà đầu tư nợ ngân hàng khoảng 103.573 tỉ (5) !
***
Khi đề nghị Quốc hội xem xét - quyết định, hoặc mua lại toàn bộ công trình, hoặc là xuất tiền hỗ trợ các nhà đầu tư vào bốn dự án BOT như đã kể, lưu ý của Bộ Giao thông và vận tải vềan ninh tiền tệ quốc gia là thực họa chứ không phải dọa !Vỡ phương án tài chính không đơn thuần là nhà đầu tư phá sản mà các ngân hàng đã cho họ vay cũng vỡ nợ !
Không cần phân tích thì ai cũng có thể mường tượng, hệ thống ngân hàng sẽ ra sao nếu gánh hàng trăm ngàn tỉnợ xấu ! Cho nên bên cạnh việc đề nghị Quốc hội xem xét - quyết định, hoặc mua lại toàn bộ công trình, hoặc là xuất tiền hỗ trợ các nhà đầu tư vào bốn dự án BOT đã kể, Bộ Giao thông và vận tải còn thay mặt chính phủ đề nghị Quốc hộihoặc cho những nhà đầu tư vào nhiều dự án BOT khác tăng phí, hoặc bố trí khoảng 5.080 tỉ để hỗ trợ các dự án BOT nếu không cho tăng phí vì ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh !
Cần lưu ý là năm ngoái, Bộ Giao thông và vận tải từng thú nhận, có tới17 trạm thu phí cho các dự án BOT bất cập, sai vị trí (6), sau đó hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tuyên bố đã cùng tháo gỡ, thành ra đến giờ chỉ còn bốn. Bộ Giao thông và vận tải không đề cập nên không rõ, 5.080 tỉ mà họ thay mặt chính phủ đề nghị Quốc hội dùng công quỹ hỗ trợ các nhà đầu tư vào nhiều dự án BOT khác có rót vào 13 trạm thu phí được cho là đã tháo gỡkhỏi tình trạngbất cập và sai vị trí hay không ?
Tuy chưa biết Quốc hội sẽ quyết định như thế nào nhưng có thể đoan chắc, Quốc hội sẽ tìm ragiải phápđể không có phương án tài chính nào bị vỡ, không có ngân hàng nào sụp đổ do nợ xấu, nhằm bảo vệan ninh tiền tệ quốc gia và duy trì sự ổn định kinh tế, xã hội. Cũng có thể đoan chắc là Quốc hội sẽ không yêu cầu điều tra – truy cứu trách nhiệm những cá nhân soạn – lập – phê duyệt các dự án BOT, biến từ hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ quốc gia, tới kinh tế - xã hội làm con tin !
Báo cáo Thanh tra về các dự án BOT được công bố từ năm 2017, Kết luận Kiểm toán các dự án BOT được công bố từ năm 2018, từng liệt kê đủ loại sai phạm, xác định trách nhiệm của không ít cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương trong soạn – lập – phê duyệt các dự án BOT song từ đó đến nay, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền đều quên trách nhiệm vạch mặt, chỉ tên những viên chức mà theo lý phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Quốc hội – nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân – cũng thế. Làm sao Quốc hội có thể làm đến nơi, đến chốn khi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến nhiều đại biểu Quốc hội - vừa đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa lãnh đạo những cơ quan công quyền lỡ dính chàm. Chưa kể làm đến nơi, đến chốn còn gây xáo trộn đội ngũ nhân sự lãnh đạo đảng cả nhiệm kỳ này lẫn qui hoạch nhiệm kỳ tới !
Chẳng lẽ ông Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Ban chấp hành TƯ đảng lại chỉ đạo ông Nguyễn Văn Thể - Đại biểu Quốc hội yêu cầu xử lý ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông và vận tải ? Do vậy không làm gì cả mới là hợp lẽ, đúng quy luật ! Vì an ninh tiền tệ quốc gia, vì sự ổn định kinh tế - xã hội,đặc biệt là ổn định chính trị, hợp lý nhất là động viên nhân dân tiếp tụ cuốc tích cực hơn nhằm lấp cho đầy lỗ hổng mà chủ trương phát triển các công trình giao thông theo hình thức BOT tạo ra !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/10/2020
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/bon-tram-bot-sai-vi-tri-phai-cho-y-kien-quoc-hoi-4174289.html
(3) https://nhadautu.vn/phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-cac-du-an-bt-bot-d5060.html
(5) https://vietnamfinance.vn/khi-ngan-hang-noi-khong-voi-bot-bt-giao-thong-20180504224223892.htm
(6) https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-ca-nuoc-co-17-tram-bot-bat-cap-sai-vi-tri-20190307145804613.htm