Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2020

Thiệt là hết biết : cứu trợ nạn nhân bão lụt mà cũng bị nghi ngờ và hoạnh họe !

Huy Đức và nhiều tác giả

Cứu trợ

Huy Đức, 23/10/2020

Trong mùa lũ này, ở miền Trung đã có một số cán bộ huyện, xã hy sinh khi giúp dân, cứu trợ. Nhiều cán bộ địa phương không có thời gian để lo cho nhà mình. Trong vòng sáu năm qua, chúng tôi đã chuyển hàng chục tỷ đồng qua những cán bộ Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo xã ở Quảng Bình đến dân mà không thất thoát đồng nào.

cuutro1

Thủy Tiên công khai số tiền kêu gọi chạm mốc 150 tỷ đồng, thông báo cụ thể kế hoạch cứu trợ miền Trung

Cũng cán bộ xã hiểu rõ gia đình nào cần giúp cái gì nhất.

Nhưng, cán bộ xã hay chính quyền địa phương chỉ có quyền và trách nhiệm cứu trợ công bằng đối với những khoản tiền đến từ ngân sách, đến từ các hội đoàn nhà nước. Địa phương cũng sẽ rất quan trọng với các đoàn từ thiện nhân dân nếu thiết lập được niềm tin để các đoàn nhờ cậy, chuyển tiền, hàng đến nơi đúng nhất.

Theo kinh nghiệm của tôi, trong đỉnh lũ, chỉ có lực lượng cứu trợ, cứu nạn địa phương mới có thể tiếp cận với những nơi nguy hiểm nhất. Áo phao, mì gói nếu đưa đến được vùng lũ nên giao hết cho lực lượng địa phương. Mấy ngày qua họ và lực lượng vũ trang đang làm rất tốt, dù rất ít xuất hiện trên tivi vì những nơi họ đến tivi không theo được.

Cứu trợ nhân dân cần nhất là sau lũ. Kinh nghiệm của chúng tôi là luôn tham vấn những cán bộ tốt ở địa phương, cùng họ đi đến tận nơi khảo sát trước khi đưa ra quyết định giúp ai, giúp gì và giúp bao nhiêu.

Những cán bộ Mặt trận Tổ quốc như anh Tráng Trường Sơn, chị Lan Trần... đã giúp chúng tôi rất nhiều. Đặc biệt, anh Tráng Trường Sơn tuy không còn làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nhưng, chúng tôi và các nhà hảo tâm vẫn tin tưởng anh, bà con vẫn tin tưởng anh.

Tiền cứu trợ do dân tự nguyện đóng góp nếu có ủy thác người nhận : cho ai, cho cái gì, thì người nhận phải tuân thủ. Nếu người nhận đặt niềm tin hoàn toàn (như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên) thì người đứng ra kêu gọi mới là người quyết định. Sử dụng cho những mục đích không phải như kêu gọi không chỉ đánh mất uy tín, tên tuổi mà còn có thể bị coi là "tham nhũng".

Nếu chính quyền thiết lập được niềm tin thì không những các đoàn cứu trợ nhân dân sẽ rất đỡ vất vả mà người dân địa phương cũng được nhờ. Đòi chính quyền huyện, xã trong vùng lũ phải quản lý, phải điều phối tiền hàng cứu trợ tự nguyện là giết chết lòng trắc ẩn, là bóp nghẹt tinh thần "lá lành đùm lá rách" của nhân dân cả nước.

Huy Đức

Nguồn : fb, osinhuyduc, 22/10/2020

********************

Thấy nhiều người chia sẻ, ý kiến về bài viết của anh Trương Huy San, mình đọc đi đọc lại và đây là ý kiến của mình :

1. Anh Huy Đức nói đúng khi "cán bộ xã hiểu rõ gia đình nào cần giúp cái gì nhất".

Tuy nhiên, cái dở của cán bộ địa phương là sự cả nể, làm việc xô bồ, thiếu suy nghĩ, quản lý, tâm lý "cào bằng" mọi người, để sau này còn có "chỗ đi lại", hoặc ưu tiên người nhà, họ hàng... thành ra công việc nếu giao chỉ cho họ là thường không hiệu quả.

Vậy nên anh Huy Đức đề xuất nên sử dụng Mặt trận Tổ quốc hay cán bộ địa phương như một lực lượng hỗ trợ, cái đó là nên.

Tâm lý mất lòng tin vào chính quyền dẫn tới ghét bỏ mọi thứ liên quan tới chính quyền, điều đó cũng dở. Nhìn lại lịch sử, người Việt ghét người Việt thế kỷ này qua thế kỷ khác, đánh nhau, giết nhau nhiều hơn nhiều so với các cuộc chiến với giặc ngoại xâm... Thế kỷ 21, khi nhận thức con người đã được đưa lên một tầm khác, việc này có lẽ nên cần được nhìn nhận lại.

Chính quyền có những cái xấu - hãy phản đối quyết liệt cái xấu - nhưng những cái có thể tốt, cùng đem lại lợi ích cho xã hội, có thể cùng làm được thì hãy cùng làm, tại sao không ? Xích lại gần nhau, để cùng nhau thay đổi, đó mới là con đường cần thiết cho dân tộc Việt, hơn là cắm đầu chửi bới, đánh đập lẫn nhau.

Con người là con người, trong Mặt trận Tổ quốc cũng sẽ có người tốt và người xấu, nhất là ở cấp thấp, bởi nó ít dính tới chính trị, phe này phe kia... Khi làm việc tử tế, hãy cùng làm với bất kỳ ai, nếu họ cũng thực sự muốn làm điều đó, chứ không phải họ thuộc về phía nào.

2. Đang lũ lụt, việc cứu hộ là việc của các lực lượng chuyên nghiệp, có sức khỏe. Cái đó cũng là đúng. Thiện nguyên chưa bao giờ là đem quà vào phát, quay phim, chụp ảnh đưa lên facebook cả, nếu chỉ thế thì đơn giản quá, nhất là những lúc nước sôi lửa bỏng thế này.

Nếu bạn có 1 ê kíp tốt, khỏe mạnh, có kinh nghiệm ứng phó, chịu khó, chịu khổ được, hãy vào đó lúc này. Còn nếu không, tạm thời ở bên ngoài, ủng hộ những người như thế. Vào nhiều quá, sẽ gây sự rối loạn, thậm chí cho cả các công tác cứu trợ ở địa phương, điều đó cũng là thật.

Đừng làm đại trà, hãy làm kỹ. Chọn 1 điểm, 1 làng, 1 xã, và chỉ tập trung ở đó thôi, từng nhà, từng người... xong mới đi tiếp. Chậm mà chắc. Chúng ta muốn giúp người mà, đâu phải thành tích hay số lượng đâu ? Hãy giúp đâu ra đó, thì mới lâu bền được. Chạy lung tung chỗ này 1 tý, chỗ kia 1 tý, hiệu quả kém mà mệt người, thật đấy.

3. Không chỉ "đi vào vùng lũ phát quà" mới là thiện nguyện. Suy nghĩ như vậy là chưa đúng. Thiện nguyện chưa bao giờ là show diễn, càng không phải "cuộc chơi". Có những người đứng ở tuyến đầu, thì cũng phải có những người ủng hộ phía sau : từ tài chính, vật dụng, chia sẻ kinh nghiệm... tất cả là một chuỗi dây xích, mà để làm được tốt, thì ai cũng đều cố gắng, đều quan trọng như nhau.

Thủy Tiên bạn ấy cũng không vào đó một mình, mà có cả một ê kíp có kinh nghiệm đi cùng. Nhưng ngay cả việc đứng xung quanh bạn ấy, như một bức tường chống lại sự thị phi, xuyên tạc, thì đó cũng là chúng ta đang tham gia công tác thiện nguyện cùng bạn ấy rồi đấy. Ai cũng cần một hậu phương vững chắc, thì khi đó việc lớn mới thành.

Hãy tập nghe nhau, hiểu nhau, rồi cùng nhau chung tay làm việc. Hãy luôn luôn nói với tâm thế góp ý, chứ không phải đả kích, chê bai. Khi đó xã hội sẽ thay đổi.

Việt Nam cố lên !

p.s. thực ra nếu bạn đi tại chỗ, bạn sẽ thấy là không có chính quyền rất khó làm : sẽ bị địa phương hỏi han, hoạnh họe, dân cũng nghi ngờ và bạn cũng chẳng biết đâu vào đâu, nếu không có thổ địa.

Mà rồi thổ địa không qua chính quyền cũng sẽ bị tác động, làm khó.

Chưa kể có chính quyền, huy động người, nguồn lực địa phương, mượn chỗ thực hiện, kho tàng bến bãi cũng nhanh và dễ hơn nhiều.

Mình KHÔNG ỦNG HỘ việc giao lại tất cả cho họ, nhưng nếu CÙNG LÀM được, thì đó là điều nên. Kinh nghiệm nhiều năm của mình thấy thế.

Phan Châu Thành

Nguồn : fb. chau.t.phan, 22/10/2020

**********************

Chuyện ăn chặn lương khô của dân và Thủ tướng đòi giám sát 100 tỷ của Thủy Tiên

Lan Anh, Thoibao.de, 24/10//2020

Việc cứu trợ miền Trung đã có dấu hiệu ăn bớt lương khô từ số 22 tấn mà Bộ Quốc phòng cấp cho dân. Sau khi thượng tướng Lê Văn Chiêm công khai thông tin này, dư luận bắt đầu nổi giận và khẳng định rằng đây chính là tham nhũng mặc dù giá trị nhỏ.

cuutro2

Ca sĩ Thủy Tiên trao tiền và quà giúp dân vùng lũ

Dư luận vẫn xôn xao xung quanh số tiền 100 tỷ mà ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được trong khi có những gợi ý rằng Thủy Tiên nên chuyển tiền cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị cô từ chối.

Một số Luật sư khẳng định việc làm của Thủy Tiên hoàn toàn phù hợp với Pháp luật và không thể áp dụng nghị định 64/2008 đối với Thủy Tiên.

Tuy nhiên tối 21/10, Thủ tướng vẫn yêu cầu giám sát hoạt động từ thiện và áp dụng theo Nghị định 64/2008.

Thủ tướng yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, theo Báo Giao thông.

Dư luận cho rằng việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với 100 tỷ từ thiện của Thủy Tiên theo yêu cầu của Thủ tướng sẽ có sự va chạm và gây khó khăn cho Thủy Tiên.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng Thủy Tiên không nên giao nộp cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bởi vì uy tín và hành động cụ thể của tổ chức này chưa đủ thuyết phục người dân. Nhiều người đặt câu hỏi về số tiền hơn 800 tỷ đồng ủng hộ chống dịch Covid-19 mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được chưa rõ được chi dùng ra sao, đến nay đã hơn 6 tháng.

Dư luận còn khẳng định rằng nếu số tiền hơn 100 tỷ mà Thủy Tiên giao nộp cho nhà nước sẽ là sự phản bội lại niềm tin của nhân dân dành cho cô.

FB Vũ Đức Tâm đưa ra ý kiến :

"Bây giờ mà cô Thủy Tiên sợ hãi hay vì lý do gì đó mà đem nộp hết số tiền trăm tỉ đó cho ai đó thì kỳ quặc quá nhỉ ?

Nhưng cô ấy nói rồi, cô ấy không làm thế đâu, "chết còn chẳng sợ thì sợ gì chứ", cô Thủy Tiên bảo thế.

Cô Thủy Tiên viết thế này trên Fb : "Người ta sống trên đời chết đi không mang theo được gì cả, tiền bạc, danh vọng, địa vị, gia đình v.v… Chết đi chỉ mang theo được cái gì người ta tạo ra bằng suy nghĩ hay hành động. Nên yêu thương được ai thì yêu thương, giúp được ai thì giúp".

Làm được đúng như vậy thì thật thánh thiện".

Trên Facebook của mình, Giáo sư Mạc Văn Trang nêu nhận định : "Thủy Tiên không thể đưa tiền quyên góp cho 1 tổ chức nào, vì sẽ phản bội niềm tin của người tin cậy và họ sẽ đòi tiền lại !"

Facebook CaoSon HD viết :

"Việc của cô Thủy Tiên giúp dân vùng lũ lụt đã lộ ra một sự thật không thể chối cãi, làm đau đầu chính quyền, đó là : DÂN KHÔNG CÒN TIN & QUYÊN GÓP CHO CHÍNH QUYỀN".

FB Hải Nguyên Hồng nêu ý kiến rằng : "Thôi vậy nè. Chính quyền muốn Mặt trận Tổ quốc làm thì tự đi kêu đảng viên, công nhân viên nhà nước góp. Còn người dân muốn giúp dân miền Trung thì gửi cho các cá nhân, tổ chức mà họ đặt niềm tin. Việc ai nấy làm, đừng có đi cướp công của người khác"

FB Lê Thế Thắng lên tiếng :

"Mỗi lần đất nước có biến cố hay đau thương, ta lại thấy bộ máy quản trị quốc gia thua dân xa quá. Từ lương tri tới trí tuệ

Mà đó mới chỉ là so với nhân dân, chứ chưa phải đặt lên bàn cân với nhân loại".

Nhà báo Phạm Ngọc Hưng đưa ra bình luận về chỉ đạo của Thủ tướng rằng :

"Nhiều người trong chúng ta đang hy vọng hoặc đang tưởng rằng Nghị định 64-2008 sẽ bị âm thầm bỏ quên như 11 mùa bão lũ đã qua, nhưng tối qua Ngài Thủ tướng đã ra lệnh dựng dậy cái thây ma ấy.

Rốt cuộc họ cũng thấy sự bất tín nhiệm đối với cả hệ thống đang bị phơi bày như thế nào và không thể chịu đựng sự cười nhạo của dân cả nước lâu hơn nữa".

FB Thanh Hằng bình luận về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam :

"Vừa đọc status của 1 bạn nói là lúc này cần vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc quyên góp và hỗ trợ đồng bào miền Trung.

Nhưng, trước hết hãy đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố số tiền nhân dân ủng hộ hồi dịch Covid được xài như thế nào đã, có được chuyển hết cho các đơn vị chống dịch như mong muốn của người ủng hộ không ?

Đặc biệt, lúc này, dịch covid không chỉ đợt 1 mà đợt 2 cũng tạm lắng, nhưng có phải còn hơn 800 tỷ tiền ủng hộ chống dịch vẫn nằm yên ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có đúng không ?

Quyên tiền là 1 việc quan trọng, nhưng dùng tiền ý như thế nào mới vô cùng quan trọng !" FB Thanh Hằng nhận định.

Theo báo VNExpress, hôm 19/10, Chính phủ đã có quyết định cấp 5.000 tấn gạo và 500 tỷ cho 5 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng của đợt lũ lụt này, gồm : Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Tại buổi làm việc ở tỉnh Quảng Trị sáng ngày 22/10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Lê Chiêm cho biết Bộ Quốc phòng đã cấp 22 tấn lương khô cho người dân các tỉnh miền Trung bị lũ lụt.

cuutro3

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố tiếp nhận 22 tỷ đồng tiền ủng hộ bão lụt và trao Giấy chứng nhận cho 55 tổ chức cá nhân đóng góp (trung bình một tổ chức góp 400 triệu đồng hôm 20/10. Cùng lúc đó ca sĩ Thủy Tiên công bố nhận được 105 tỷ đồng trong tài khoản với hàng ngàn người ủng hộ với các khoản tiền ủng hộ chỉ từ vài trăm ngàn đồng

Ông Chiêm đề nghị lãnh đạo địa phương đưa lương khô vào ngay cho dân vùng lũ. "Vừa rồi chúng tôi phát hiện một số lãnh đạo địa phương (cấp cơ sở) chia lương khô cứu trợ cho cán bộ như làm quà, vì thứ này ngon. Như thế là hỏng hết. Lương khô này gửi cho dân. Người dân đang cần", tướng Chiêm nói.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu việc hỗ trợ người dân phải đúng mục đích, đúng người và phải chuyển đến tận nơi cho đồng bào, không để thất thoát. "Không để sau này xảy ra chuyện rồi phải xử lý sẽ không vui", ông nói và cho rằng, việc một số cán bộ địa phương lấy lương khô làm quà cho nhau là ý thức chưa cao.

"Việc này không phải tham nhũng gì, nhưng đây là quà để phát cho dân. Tôi đề nghị không riêng gì Quảng Trị mà các địa phương khác phải lưu ý việc này", Phó thủ tướng nói".

Về việc cán bộ chia nhau lương khô của dân vùng lũ, nhà báo Mai Quốc Ấn đưa ra bài viết với tựa đề : "THƯA PHÓ THỦ TƯỚNG : ĐÓ ĐÍCH THỊ LÀ THAM NHŨNG !", nội dung như sau :

"Quân đội có một động thái đầy nghĩa tình quân-dân khi chuyển lương khô cho dân. Mà bản chất, lương khô ấy cũng từ thuế dân mà có.

Nên thưa ông Trương Hòa Bình, hành vi chia chác lương khô của cán bộ Quảng Trị đích thị là tham nhũng. Nếu quân đội không lên tiếng kịp thời thì quà của nhân dân vào nhà quan nhân tiếp tục.

Quà cho dân, lại là dân đang đói khổ cùng cực vì mưa lũ. Có người dân đã bật khóc khi nhận phần ăn sau 3 ngày nhịn đói. Và cũng có loại cán bộ nỡ lòng nào biết dân đói vẫn xén phần dân. Loại người ấy, đê tiện như chuột bọ đục bồ lúa, chén chĩnh gạo ngân sách.

Lần nữa, thưa Phó Thủ tướng, hành vi ấy chính là tham nhũng cần nghiêm trị. Nghiêm trị, chứ không phải "chúng ta sai thì chúng ta xin lỗi nhân dân" là xong.

P/s : Trên đầu ba thước có trời. Loại cán bộ xén phần dân vùng lũ rồi cũng chẳng có kết quả tốt đẹp gì đâu. Nhân dân luôn ghi nhớ rất lâu hai đối tượng : Ai vì dân và ai phản dân". Nhà báo Mai Quốc Ấn nêu quan điểm.

cuutro4

Thượng tướng Lê Chiêm (bên phải) và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong buổi họp báo

Bác sĩ Võ Xuân Sơn viết nhẹ nhàng nhưng thấm thía với tựa đề : ĐÓI CHO SẠCH, RÁCH CHO THƠM, như sau :

"Trong những năm chiến tranh, mặc dù vô cùng đói khổ, nhưng dù là con gà, con vịt, trái cây không phải của mình… dứt khoát chúng tôi không được phép đụng đến.

Khi tôi lớn hơn, gia đình bớt khổ. Thỉnh thoảng tôi cũng được mời đi ăn cơm ở đâu đó. Mẹ tôi lại dặn dò, rằng đừng có thấy món ngon mà gắp mãi, rằng phải nhìn trong mâm, gắp làm sao để ai cũng được ăn một phần…

Mẹ tôi vẫn nói, rằng chúng tôi là con nhà có giáo dục, có người dạy dỗ, chứ không phải thứ vô giáo dục, thứ không được ai dạy, để mà tham cái của người khác. Tôi còn nhớ, có lần mẹ tôi bảo, rằng các con không có chết đói mà phải ăn hùng hục, ăn phải trông nồi, ngồi phải trông hướng. Ba tôi sửa lại, rằng dù có chết đói thì cũng không được vì miếng ăn mà làm mất đi danh dự, nhân phẩm, liêm sỉ.

Hôm nay, đọc thấy việc các quan chức ở mấy địa phương lũ lụt chia nhau lương khô dành cho dân bị nạn để ăn, thì tôi thấy tôi may mắn quá, và thật tội nghiệp cho các vị quan chức ấy. Có lẽ hồi nhỏ ông bà họ không dạy cha mẹ họ, cho nên cha mẹ họ không dạy họ, để bây giờ họ học theo cái chủ nghĩa gì mà tham lam quá, chẳng còn chút liêm sỉ nào cả".

Luật sư Luân Lê thì nói nặng hơn với tựa đề "MỘT LŨ KHỐN KIẾP"

"Vì sao dân không tin và cũng khinh bỉ trong phẫn nộ những loại người này như rác rưởi là như vậy. Thú vật còn biết chia sẻ và cứu giúp đồng loại, nói chi con người, mà lại còn nhận tiền thuế của chính người dân và quyền lực của dân nhưng lại không phục vụ nhân dân vào lúc gặp thảm kịch mà còn cướp thêm sự sống còn của dân.

Lúc thảm hoạ chúng còn ăn cướp cả miếng ăn nhỏ nhất của dân, thì lúc bình thường chúng ăn tàn phá hoại đến thế nào nữa ? Trời ơi ! Chúng đã tha hoá đến tột cùng của sự cặn bã và tanh tởm".

Nhiều người chưa quên cái đêm nước dâng khủng khiếp ở Quảng Bình, qua mô tả nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ :

"Những tiếng kêu cứu khẩn thiết rợn người van xin trong đêm tối "nước đã lên tới nóc nhà , cứu chúng tôi" những tiếng kêu bi ai vô vọng , những tiếng kêu mất hút trong trùng trùng sông nước, những tiếng kêu bơ vơ thoi thóp trong gió hú mịt mùng.

Không có ai, không một chiếc Cano cứu hộ cứu nạn nào, không một chiếc xuồng cứu sinh nào, chỉ có sóng dữ ầm ầm gào rú, không một chiếc trực thăng nào, chỉ có trời cao mênh mông xám xịt, cô đơn khủng khiếp, cô độc kinh hoàng, mưa như xối xả, nước vẫn dâng lên từng phút từng giờ.

cuutro5

Nước ngập đến mái nhà ở Lệ Thủy Quảng Bình

Dân chỉ biết ngửa mặt than trời, cúi gầm mặt mà đau mà thương chính mình, họ không thể cầu mong gì ngoài tình đồng loại nghĩa đồng bào, không mong gì ở bọn khốn phá rừng đắp đập chặn sông ngăn suối làm thủy điện, không mong gì ở những con cá mập tham lam hung ác bạo tàn đó sẽ cứu người…"

Về câu nói "ơn đảng ơn chính phủ" trong chuyện đi làm từ thiện, FB Lý Quang Sơn đưa ra bình luận rằng :

"Tôi xin cam kết với tất cả những nhà hảo tâm rằng, bất cứ khi nào người dân nhận được đồ hỗ trợ mà mở mồm ra nói câu "Ơn đảng, Ơn Chính phủ" thì tôi sẽ ngay lập tức "chỉnh" họ.

Lần trước trao hỗ trợ, có một bà cụ gọi cho người con : "con ơi, mẹ được nhà nước quan tâm cho 10 kí gạo với phong bì 100 nghìn" , thế là mình quay lại và nói : "bà ơi, chúng con chỉ là những người dân, dân với dân giúp đỡ nhau thôi, chứ tụi con không phải là nhà nước đâu, bà hiểu thế làm tụi con buồn đấy…".

Bà cụ cười "bà biết rồi, cảm ơn con, cảm ơn những nhà hảo tâm đã giúp đỡ bà".

Sau đó quay ra ngoài điểm tập kết, tôi nói với một nhóm những người dân khác rằng :

"Các bác đừng nói câu cửa miệng ơn đảng ơn chính phủ nữa. Toàn bộ số quà và tiền này đều là do những nhà hảo tâm trong và ngoài nước góp vào để hỗ trợ các bác, dù họ không hề quen biết các bác".

"Công việc giúp đỡ dân bị thiên tai đúng ra là việc của nhà nước, thế nhưng các bác có thấy mặt thằng nào đến giúp các bác không ?"

"Còn nguyên nhân gây nên lụt lội thì các bác thừa biết thằng nào phá rừng xả lũ gây ra rồi đấy".

Nói xong mình còn bồi thêm câu "Các bác mà còn nói những câu đó nữa thì sau này chả đoàn từ thiện nào muốn đến nữa đâu". Mọi người đều cười đồng tình.

Trách nhiệm của chúng ta, ngoài việc cứu trợ họ thì còn phải nói rõ cho họ hiểu rằng ai mới là những người đang quan tâm đến họ, ai mới là những người đang giúp đỡ họ. Và quan trọng hơn là phải làm cho họ biết, kẻ nào đang gây ra thảm họa cho họ". FB Lý Quang Sơn nêu nhận định.

Tiếp tục Bình luận về số tiền quyên góp 100 tỷ của ca sĩ Thủy Tiên, từ Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Lê Ngọc Luân viết :

1) Nếu Tiên mà giao số tiền đó cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hay Hội chữ Thập đỏ là Tiên vi phạm pháp luật bởi, những người gửi tiền là họ nhờ Tiên đưa đến bà con, họ không yêu cầu hay ủy quyền cho Tiên đưa đến các hội, hè. Đương nhiên, Tiên thừa hiểu và không bao giờ thực hiện việc chuyển tiền cho UBMặt trận Tổ quốc hay Hội chữ Thập đỏ ;

2) Tôi có thấy một số người chụp hình bảo Tiên có thể đi tù vì kêu gọi quyên góp là vi phạm Nghị định 64/2008. Nếu ai có nhận định như thế là không hiểu gì pháp luật và nói tầm bậy tầm bạ. Một lần nữa tôi khẳng định Tiên KHÔNG vi phạm pháp luật.

Đương nhiên, chả có cơ quan nào dại dột đến mức yêu cầu Tiên giải trình trong giai đoạn này. Nhưng chia sẻ thêm để lỡ có mà biết cách trả lời.

3) Tiên chỉ bị pháp luật xử lý nếu Tiên tư lợi tiền của người gửi. Tất nhiên, cô Tiên không bao giờ, chỉ có điên mới làm việc đó.

4) Hành động của Tiên là hoan nghênh và chúng ta ủng hộ nhưng bản thân Tiên cần "tĩnh" để xử lý đúng số tiền các cá nhân, tổ chức gửi nhờ Tiên trao cho bà con miền Trung. Tại thời điểm này, Tiên có thể thông báo tạm dừng tiếp tục nhận thêm tiền với lý do "Sắp xếp, lên kế hoạch chương trình chuyên nghiệp để trao tiền, vật chất thiết thực giúp bà con vực dậy sau lũ". Nếu mà đi mua mì tôm phát, thì 100 người như Tiên cũng không làm nổi bởi số tiền quá lớn. Tiên tạm dừng nhận không phải vì sợ gì mà để hiệu quả công việc.

5) Hành động của Tiên là tuyệt vời, tấm lòng của Tiên là bao la. Nhưng Tiên hãy bình tĩnh xử lý mọi thứ sẽ tốt và hữu ích.

Sài Gòn, 22/10/2020

LS Lê Ngọc Luân

Lan Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/10/2020

********************

Độc quyền từ thiện – Đảng muốn quảng cáo niềm tin

Thu Thủy, Thoibao.de, 24/10/2020

Trong khi xã hội dân sự đã và đang nỗ lực quyên góp, xuống tận địa bàn gặp thiên tai để ứng cứu người dân trong cơn hoạn nạn với nguồn tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, một số tiền lớn ngay cả so với quy mô số tiền cứu trợ của Chính phủ thì trên hệ thống truyền thông nhà nước gồm tivi, báo, đài… những thông tin mang ý nghĩa lan tỏa tình nhân ái lại được đăng tải rất ít để lấy chỗ phô bày cho các hoạt động của Mặt trận tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ hay các hội đoàn khác đều cho chính quyền đứng sau.

cuutro6

Ảnh chụp màn hình một thông báo trên facebook của bà Phạm Hồng Thiện, mẹ của doanh nhân Lê Hoài Anh về việc 2 facebook của con gái bà mà bị đánh sập hôm 19/10 vừa qua

Có nguồn tin cho rằng Ban Tuyên giáo đã có chỉ đạo báo chí và truyền thông không được đưa tin về các cá nhân làm từ thiện trực tiếp và có hiệu quả như ca sĩ Thủy Tiên nữa, hoặc đưa rất ít, rất hạn chế thôi, vì như thế thì tức là vô tình nói Mặt trận tổ quốc hay các cơ quan đoàn thể tổ chức là mất uy tín, không được người dân tin tưởng.

Nhà hoạt động dân sự Phạm Thanh Nghiên đã nêu hiện tượng này trong bài viết "Chúng mày không được làm, chỉ mình tao làm thôi".

Theo bà, một mặt, Đảng (khản cổ) kêu gọi nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài rút hầu bao nộp cho Uỷ ban Mặt trận tổ quốc để đi cứu trợ. Mặt khác, dùng âm mưu để gây khó khăn hoặc ngăn cản hội nhóm, cá nhân "không cộng sản" nào đó đi cứu trợ, cho dù các hội nhóm, cá nhân này không chờ ai kêu gọi đã nhanh chóng có mặt và sẻ chia, giúp đỡ đồng bào gặp nạn.

Bà dẫn chứng một trong những màn dạo đầu của trò chơi "độc quyền làm từ thiện" này là ngày 19/10 vừa qua hai tài khoản facebook cá nhân của bà Lê Hoài Anh – một doanh nhân thành đạt và khá nổi tiếng về công tác làm từ thiện đã bị đánh sập. Trang facebook cá nhân của bà Lê Hoài Anh có 325 ngàn lượt theo dõi. Mỗi dòng trạng thái bà chia sẻ đều thu hút hàng ngàn lượt like, share và bình luận, thuộc hàng "khủng" trong làng facebook tại Việt Nam.

Ngày hôm qua 18/10, nữ doanh nhân này đã thông báo trên trang facebook cá nhân của mình về những chuyến hàng từ thiện, cứu trợ của bà cho đồng bào Miền Trung gồm áo phao, nước đóng chai, mì tôm và một số vật dùng cần thiết. Bên cạnh đó, bà cũng đưa ra những ý kiến chỉ trích mạnh mẽ về nạn chặt phá rừng tại Việt Nam.

Bà Nghiên khẳng định ngăn cản, gây khó khăn trong các công tác thiện nguyện, hoặc nhân danh "chính quyền" để đòi thu gom, kiểm soát hoặc sở hữu tiền / hàng cứu trợ của người dân dành cho nhau là chuyện "thường ngày ở huyện". 

Bà dẫn chứng câu chuyện mà chính bà đã từng nghe các nạn nhân, nhân chứng kể lại năm 2008 trong chuyến đi Thanh Hoá để thăm hỏi và làm phóng sự về sự kiện ngư dân bị hải quân Tàu cộng giết hại trên vùng biển Việt Nam.

Bà đã trích dẫn đoạn nói về sự kiện cứu trợ đồng bào lũ lụt của 14 năm về trước, năm 2006 như sau : "Đoàn từ thiện chùa Giác Minh, Tân Vạn – Biên Hòa lặn lội ra tận Thanh Hoá cứu trợ cho người dân sau trận bão lũ năm 2006. Các nhà sư đã tận tay trao số tiền cho đồng bào, mỗi suất hai trăm ngàn đồng. Nhiều gia đình trong xã đã được chùa Giác Minh cứu trợ. Con dâu ông Nguyễn Văn Nhiểm, trên đường về nhà đã bị người của chính quyền xã chặn lại, số tiền bị cướp trắng. Chị giải thích rằng đây là tiền của các nhà sư cho chị, không phải tiền "chính sách" hay của chính quyền.

Nói thế nào cũng không được. Đau nhất là ông Nhiểm, các nhà sư tin tưởng, nhờ ông chuyển giúp phần quà cho một số gia đình khác. Ngay tối hôm đó, chính quyền xã cử người đến cướp toàn bộ số tiền với lý do "gom vào một mối để phát cho dễ, cho công bằng". Ông không thể không đưa vì họ nhân danh chính quyền. Nhiều người khác cũng bị tương tự. Không ai được trả lại xu nào dù đó là tiền của người dân giúp người dân khi hoạn nạn".

Sau đó bà đã đưa ra một trong những bằng chứng về "chính sách" tương tự đang diễn ra hôm nay. Đó là một công văn của Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 14/10/2020 muốn các nhà hảo tâm tới địa phương phải liên hệ và mang các đồ cứu giúp người dân tới UBMặt trận Tổ quốc của huyện, và cơ quan này sẽ đi phân phát lại cho người dân.

cuutro7

Ảnh chụp công văn hỏa tốc của Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào ngày 14/10/2020 về việc phối hợp thực hiện việc tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ mưa lũ

Theo bà Nghiên, qua những điều đó, Đảng ta muốn nhắn nhủ toàn dân là : "Chúng mày không được làm từ thiện, chỉ mình tao làm thôi".

Từ những sự việc trên, bà đã gọi Ủy ban Mặt trận tổ quốc là Qủy ban Mặt trận tổ quốc và nhận định một cách đau đớn rằng : "Thiên tai đương nhiên có, nhưng nhân hoạ cũng nhiều. Khỏi cần nói thêm, ối người hiểu. Hiểu cả trách nhiệm của nhà nước phải làm những gì, cũng không bàn ở đây. Vấn đề là, khi gặp hoạ, dân tự cứu dân xem ra cũng nhiều trở ngại và lắm gian truân".

Những động thái gần đây của chính quyền cộng sản càng chứng tỏ những nhận định của bà Nghiên là hoàn toàn có cơ sở.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây đã phát biểu : "Chúng ta phải tìm cách để hàng cứu trợ đến được tất cả người dân đang gặp khó khăn. Tôi yêu cầu các tỉnh giao nhiệm vụ cho các xã, bởi họ mới nắm được chi tiết, tường tận người dân ở từng thôn, xóm. Hàng cứu trợ phải tập trung do chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc tiếp nhận. Các đoàn thể khác cùng với người dân giám sát phân phối. Nếu không, nhiều đoàn đi cứu trợ rất hình thức, quay phim chụp ảnh là xong còn những người dân thực sự khó khăn cần sự giúp đỡ thì lại không có hỗ trợ".

Phát biểu của chính trị gia cộng sản khiến dư luận bức xúc.

Facebooker Nguyen Son phản bác : "Hàng cứu trợ của nhà nước (thực ra vẫn lấy từ tiền ngân sách dân đóng góp) thì các anh chỉ đạo, quản lý được chứ cái này là tiền đóng góp của những người hảo tâm. Họ trao cho ai, như thế nào là việc của họ. Nếu muốn tăng hiệu quả, chính quyền có thể ngỏ lời giúp chứ không thể ra lệnh được đâu. Nên hiểu biết rõ ràng, sòng phẳng thế anh ạ !"

cuutro8

Lễ phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ nhân dân miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng bão lũ chiều ngày 17/10/2020

Nhiều ý kiến bình luận còn vạch trần luôn hoạt động không hiệu quả của Mặt trận tổ quốc.

Đa số ý kiến cho rằng Mặt trận tổ quốc mà hoạt động hiệu quả, đúng như vai trò, chức trách đề ra thì dân đâu có phải gửi tiền cho Thủy Tiên, cho các nhóm thiện nguyện cá nhân hay các chức sắc tôn giáo.

Facebooker Hai Nguyen Hong viết : "Chính quyền muốn Mặt trận Tổ quốc làm thì tự đi kêu đảng viên, công nhân viên nhà nước góp. Còn người dân muốn giúp dân miền Trung thì gửi cho các cá nhân, tổ chức mà họ đặt niềm tin. Việc ai nấy làm, đừng có đi cướp công của người khác".

Facebooker Linh Hoàng Vũ nhận định : "Chắc chắn, với số tiền khổng lồ nhận được như thế, công việc quản lý và sử dụng số tiền này thế nào cho minh bạch là một việc không dễ dàng với Thủy Tiên (cũng như với những cá nhân đứng ra nhận quyên góp khác). Thế nhưng, ít nhất cô cũng công khai được số tiền đã nhận. Trong khi đó vào trang web của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan được coi là đại diện của Chính quyền trong công tác từ thiện và cứu trợ thiên tai, mình không thể tìm ra được thông tin về tổng số tiền quyên góp mà cơ quan này đã nhận cũng như các phương án phân bổ số tiền quyên được. Trong thông báo của Mặt trận, cũng chỉ có dòng sau đây" "Kết thúc đợt vận động có báo cáo kết quả vận động quyên góp và phân bổ hỗ trợ gửi về Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Cứu trợ Trung ương"., tức là sẽ chỉ có báo cáo tổng hợp gửi cho lãnh đạo Mặt trận, còn không có báo cáo cho người dân, và sẽ phải đợi cho tới "kết thúc đợt vận động" nghĩa là chắc cả tháng nữa ?

Chưa nói chuyện số tiền đóng góp cho Mặt trận có bị bớt xén hay tới đúng địa chỉ hay không, vì trong việc này, người dân không thể theo dõi và Mặt trận cũng không có cơ chế báo cáo rõ ràng và kịp thời cho nhân dân, cả người đóng góp và người thụ hưởng, thì riêng sự cồng kềnh của cả bộ máy cũng làm cho người ta có thể nghi ngờ về hiệu quả công tác cứu trợ của Mặt trận rồi".

cuutro9

Ảnh chụp màn hình thông báo ướng dẫn vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc trong đó chỉ nêu kết thúc đợt vận động có báo cáo kết quả cho lãnh đạo đơn vị chứ không nhắc gì đến việc công khai, minh bạch cho nhân dân

Nhà quan sát Đỗ Ngà phải dùng hình ảnh "con ve chó" để nói về các hội đoàn của chính quyền cộng sản.

Ông nhận định chính các hội đoàn này là thành phần hút máu dân, góp phần tạo nên tình trạng dân nghèo không đói nhưng lại thiếu thốn triền miên và cũng chính vì vậy mà miếng ăn đã chiếm hết cuộc đời của người dân, làm họ không còn tâm sức đâu mà nghĩ đến chính trị.

Được biết, mỗi năm "những con ve chó" này hút hết 68 ngàn tỷ tiền ngân sách. Mà tiền ngân sách từ đâu mà có ? Từ thuế của dân. Những hội đoàn này rất phàm ăn, nếu tiền và tài sản của những nhà từ thiện góp về những hội đoàn này thì chắc chắn, phần lớn sẽ là vỗ béo cho bọn "ve chó" chứ những người dân đang gặp họa chẳng hưởng được bao nhiêu cả. Nó tựa như hình thức "hiến máu nhân đạo" vậy. Họ kêu gọi toàn dân cho máu, nhưng thứ "máu cho" ấy lại được bán tại các bệnh viện giá rất cao. Gần như chẳng có bao nhiêu người được hưởng "máu nhân đạo" của người cho cả. Cộng sản hút "máu nhân đạo" hàng loạt nhưng bơm máu dưới dạng từ thiện thì rất nhỏ giọt. Thực chất, khi đến với người bệnh, những "giọt máu nhân đạo" biến thành "máu cắt cổ".

cuutro10

Ảnh chụp màn hình bài báo của truyền thông trong nước đưa tin cho biết mỗi năm chi phí xã hội cho các hội đoàn có thể tới trên 68.000 tỉ đồng

Hiện nay các hội từ thiện của chính quyền cộng sản kêu gọi quyên góp không bằng các nhân vật nổi tiếng làm… Người dân thà đặt lòng tin vào người nổi tiếng hơn là tin vào chính quyền vì đơn giản, cá nhân thì còn có người tốt người xấu nhưng bộ máy chính quyền cộng sản thì không tìm đâu ra người tốt…

Trong cơn lũ dữ, tất nhiên người dân cũng sẽ nhận được hàng cứu trợ từ phía chính quyền cộng sản và các đoàn hội của họ ban phát. Và thực chất, những món quà đó là của đồng bào chứ chẳng phải của đảng hay nhà nước gì cả. Mỗi người dân cần phải hiểu, khi tiền và hàng hóa qua tay "những con ve chó" thì nó phải hút trước đã rồi mới tới dân. Đừng cảm ơn đảng hay chính phủ vì những món hàng đó, mà hãy cảm ơn tấm lòng bao la của những người đồng bào chúng ta biết chung tay sẻ chia cho nhau "một miếng khi đói" lúc hoạn nạn. Việc cứu trợ là nhiệm vụ của chính quyền, họ ăn thuế dân thì họ phải có trách nhiệm chứ chẳng cần phải mang ơn họ. Bà con hãy nhớ điều đó !

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/10/2020

*********************

Bão lũ miền Trung Việt Nam : Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định 64, 'không gây khó nhà hảo tâm'

BBC, 24/10/2020

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thay thế Nghị định 64 gây tranh cãi liên quan đến việc quyên góp tự nguyện để hỗ trợ vùng thiên tai, trong khi lại có bão mới dự kiến ảnh hưởng miền Trung.

'Không gây khó nhà hảo tâm'

Hôm 24/10, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung - nơi đang chịu thiệt hại nặng nề do hai cơn bão vừa qua gây ra. Ông Phúc nêu "những việc cần làm ngay".

Theo đó, ông Phúc yêu cầu không để người dân đói, rét, màn trời chiếu đất, học sinh sớm trở lại trường học.

Để đảm bảo các điều trên, Thủ tướng Phúc yêu cầu "không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm" đang làm công tác cứu trợ cho người dân miền Trung.

Ông Phúc cũng biểu dương tinh thần "tương thân tương ái" của các nhà hảo tâm, và nói "đi trên đường thấy cứ ba xe thì lại có một xe chở hàng hóa cứu trợ".

Báo Việt Nam đưa chi tiết 500 tỷ đồng ông Phúc nói lấy từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để cấp cho năm tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh - mỗi tỉnh 100 tỷ đồng - để khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Bên cạnh đó, các địa phương được yêu cầu tùy tình hình thực tế mà có trách nhiệm dùng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng "các nguồn tài chính hợp pháp khác" để thực hiện nhiệm vụ.

Các tỉnh phải báo cáo nhu cầu kinh phí cần cho cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai lên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai. Ban này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt từ ngân sách trung ương.

Yêu cầu sửa Nghị định 64

Trước đó, chiều 23/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính 'khẩn trương xây dựng' một nghị định khác thay thế Nghị định 64 đang gây tranh cãi, liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn.

Mục đích là để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện… được hỗ trợ kịp thời, theo báo Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 64 cần được lấy ý kiến rộng rãi ctừ ác ban ngành liên quan.

Ông Phúc cũng giao cho UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ các nhà hảo tâm thực hiện cứu trợ "đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật".

Nghị định số 64 đang gây tranh cãi quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm : Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

Những nhà hảo tâm nào đang giúp miền Trung ?

Nối tiếng nhất hiện nay là ca sĩ Thủy Tiên, với số tiền quyên góp được lên đến hơn 100 tỷ đồng. Vừa qua Thủy Tiên đã công khai sao kê các khoản chi hỗ trợ bà con miền Trung và nói 'rất áp lực', do có nhiều khoản không thể kê khai hết trong tình hình mưa bão, đi lại khó khăn, thiếu thốn.

Trước đó, cộng đồng mạng từng tỏ ý lo lắng rằng Thủy Tiên sẽ gặp rắc rối về pháp lý, liên quan đến Nghị định 64 nói trên.

Nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác như MC Trần Thành, hoa hậu Việt Nam H'hen Niê, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, v.v.. cũng tổ chức quyên góp tiền để hỗ trợ bà con vùng lũ, dù không trực tiếp đi tận nơi như Thủy Tiên.

Bên cạnh đó còn có nhiều cá nhân, tổ chức khác đứng ra vận động, quyên góp, tự tổ chức xe, thuyền cứu trợ ở miền Trung.

Bão số 8 gây mưa lớn ở miền Trung

Các yêu cầu nói trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đưa khi khi cơn bão số 8 đang ở Hoàng Sa, dự báo gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung đêm 24/10 với mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp ba.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Trong khi đó, lại có một áp thấp nhiệt đới mới hình thành ngoài khơi Philippines và được dự báo sẽ mạnh lên thành bão, dự kiến sẽ đi vào Biển Đông đêm 26/10.

Nếu đúng như dự báo thì "đây là năm lặp lại năm lịch sử năm 1983 khi tháng 10 có 4 cơn bão và 1 vùng áp thấp", theo ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia,

Nguồn : BBC, 24/10/2020

************************

Khi xã hội lên tiếng về cứu trợ nhân đạo

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 23/10/2020

Đối với các nước cộng sản, xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng, tất cả mọi việc ở tất cả các lĩnh vực và địa phương đều phải có sự tham gia, quản lý của nhà cầm quyền các cấp. Việc cứu trợ nhân đạo, từ thiện nói chung và cứu trợ thiên tai, lũ lụt nói riêng cũng không nằm ngoài sự quản lý của nhà nước.

cuutro1

Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng,

Đã có nhiều người lên tiếng, chia sẻ những khó khăn, cản trở từ phía nhà cầm quyền khi đi thực hiện việc làm từ thiện, hoặc cứu trợ nhân đạo. Đó là việc nhà cầm quyền các địa phương đòi hỏi phải đưa hàng cứu trợ cho địa phương, đại diện là mặt trận tổ quốc, hội chữ thập đỏ của địa phương để họ toàn quyền, tùy ý phát cho người dân. Nhẹ nhàng hơn một chút, cần phải đăng ký với địa phương để địa phương tổ chức người dân nhận quà cứu trợ, từ thiện. Khi không làm được hai việc đó, họ ngăn cản không cho đoàn cứu trợ tiếp cận người dân, không ngăn cản được thì họ tổ chức thu tiền với giá cao để cho thuê thuyền, ghe như đang xảy ra ở Quảng Bình, Quảng Trị hiện đang bị lũ lụt hành hoành. Điều đau lòng nhất là người dân vùng lũ đang đói khát khổ sở chờ cứu trợ từng giờ mà các cấp lãnh đạo thản nhiên để cho cấp dưới ngăn cản và làm tiền các đoàn cứu trợ, nhiều đoàn đã phải đổ, vứt hàng cứu trợ và ra về. Không thực hiện được việc cứu giúp đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn.

Cơ sở cho những can thiệp của nhà cầm quyền vào việc cứu trợ nhân đạo giữa người dân với nhau là nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ ; căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai. Các luật sư đã phân tích ý nghĩa của việc cứu trợ nhân đạo, xác định quan hệ pháp luật của hành động cứu trợ. Đó là việc cho, tặng tài sản giữa các cá nhân. Việc cho, tặng tài sản hoàn toàn không vi phạm bất cứ một điều luật hiện hành nào. Ý nghĩa đạo đức là giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn. Còn nghị định 64 là nghị định của chính phủ, đó là văn bản dưới luật. Chỉ có văn bản luật pháp do Quốc hội ban hành mới được phép cấm, như vậy sử dụng nghị định 64 cấm việc cứu trợ của người dân là hoàn toàn không đúng pháp luật.

Nguyên nhân sâu xa của việc ban hành nghị định 64 và sử dụng nghị định này trong việc ngăn cản người dân cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, lũ lụt đó là việc nhà cầm quyền cộng sản không muốn và không cho người dân giúp đỡ lẫn nhau. Điều này lại xuất phát từ việc các chế độ cộng sản không cho phép người dân yêu thương nhau. Đó là một chiến lược, một thủ thuật cai trị và một nguyên tắc của các chế độ cộng sản. Người dân yêu thương nhau sẽ dẫn tới việc liên kết, hỗ trợ và lên tiếng cho nhau dẫn tới sự phản kháng của người dân. Ngoài nguyên nhân sâu xa nhưng ít người biết này, nhà cầm quyền còn muốn độc quyền sử dụng các nguồn cứu trợ trong và ngoài nước để thêm vào nguồn lực duy trì chế độ. Việc độc quyền sử dụng các nguồn cứu trợ tất nhiên cũng sẽ dẫn tới việc việc ăn chặn, tham nhũng đối với các quan chức và cán bộ. Cuối cùng là gia đình cán bộ cũng sẽ hưởng lợi ít nhiều trong những nguồn cứu trợ trực tiếp được nhà cầm quyền các cấp thực hiện. Người dân đen thấp cổ bé họng chỉ còn lại những mảnh vụn của nguồn cứu trợ mà thôi.

Trước đây, khi mà người dân còn chưa biết, chưa hiểu được luật pháp hay các luật sư chưa quan tâm vào cuộc để phân tích pháp luật cũng như khi nhà cầm quyền sử dụng bộ máy của mình để ngăn cản, cản trở và cấm đoán người dân thì tất cả đều phải chịu đựng sự sắp đặt và thao túng của nhà cầm quyền trong việc cứu trợ nhân đạo. Nhưng hiện nay, mạng xã hội rộng mở, nhận thức của người dân được nâng cao, những trí thức, luật sư và nhiều người đã lên tiếng thì việc sử dụng nghị định 64 hay việc dùng bộ máy cầm quyền ngăn cản việc cứu trợ nhân đạo bị lên án mạnh mẽ, kịch liệt. Nếu như nhà cầm quyền còn cố tình bỏ ngoài tai những góp ý, phản biện của xã hội trong việc ngăn trở cứu trợ nhân đạo, họ sẽ bị toàn thể nhân dân lên án, nhất là những người dân đang quằn quại trong vùng tâm lũ, rốn lũ ở các tỉnh miền Trung hiện nay. Hi vọng với áp lực của dư luận nhân dân và mạng xã hội, nhà cầm quyền sẽ không còn ngăn trở các đoàn cứu trợ đang khẩn cấp ngày đêm tới miền Trung thực hiện cứu trợ giúp đỡ đồng bào./.

Hà Nội, ngày 23/10/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 23/10/2020 (nguyenvubinh's blog)

************************

Có quy định nào không cho phép một cá nhân đi phát hàng cứu trợ ?

Hoài Nguyễn, VNTB, 23/10/2020

Câu trả lời là có, và hiện có rất nhiều tổ chức thiện nguyện kể cả cơ quan báo chí nhà nước đã vi phạm điều cấm đoán vi hiến này.

cuutro12

Thông tin ca sĩ Thủy Tiên quyên góp được số tiền lên đến 105 tỉ đồng để cứu trợ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung đã gợi nhắc lại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP – một nghị định vẫn được coi như là một bước lùi, bóp chết sự phát triển xã hội dân sự trong công việc cứu trợ thiên tai, thảm họa.

Nhà nước độc quyền nhận và phân phát hàng cứu trợ

Theo diễn giải, thì nội dung tóm lược của nghị định, đó là chỉ các tổ chức, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương ; Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện (rất khó xin giấy phép)… mới được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Ngoài ra, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào khác được làm ! (tham khảo văn bản tại 1).

Việc thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là theo hướng dẫn của Thông tư số 72/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính (tham khảo văn bản tại 2).

Ở Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, tại Điều 3 "Các hành vi bị nghiêm cấm", ghi rõ 3 trường hợp cụ thể :

"1. Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.

2. Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.

3. Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi".

Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, tại Điều 5 "Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ", ghi :

"1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép ; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

4. Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này".

Còn ở Thông tư số 72/2008/TT-BTC, ở nội dung đánh số thứ tự 4 "Các tổ chức, đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ", hướng dẫn cụ thể như sau :

"4.1. Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ : theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ ;

4.2. Riêng các tổ chức, đơn vị sau đây thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 9 được tiếp nhận nhưng không tổ chức phân phối tiền, hàng cứu trợ :

a) Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ ; được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ các địa phương, các nạn nhân, gia đình của nạn nhân bị thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng ; không tổ chức phân phối tiền, hàng cho các địa phương, cá nhân (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ) ; thực hiện giao nộp các khoản đóng góp cho Ban Cứu trợ cùng cấp.

b) Các tổ chức, đơn vị ở trung ương, địa phương (theo quy định tại Khoản 3, Điều 5, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 của Chính phủ) được cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cho phép tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thực hiện nộp các khoản đóng góp cho Ban Cứu trợ cùng cấp.

c) Các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp, nộp các khoản đóng góp trực tiếp cho Ban Cứu trợ cùng cấp".

Nếu răm rắp tuân thủ theo các quy định nêu trên, cho thấy hiện tại gần như mọi hoạt động cứu trợ đồng bào miền Trung đều là vi phạm pháp luật.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 23/10/2020

Chú thích :

(1)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/the-thao-y-te/Nghi-dinh-64-2008-ND-CP-van-dong-tiep-nhan-phan-phoi-su-dung-nguon-dong-gop-tu-nguyen-ho-tro-nhan-dan-khac-phuc-kho-khan-do-thien-tai-hoa-hoan-65930.aspx

(2)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/tai-chinh-nha-nuoc/Thong-tu-72-2008-TT-BTC-van-dong-tiep-nhan-phan-phoi-nguon-dong-gop-tu-nguyen-ho-tro-nhan-dan-khac-phuc-kho-khan-huong-dan-Nghi-dinh-64-2008-ND-CP-68971.aspx

**********************

Cứu trợ tự phát của người dân và chỉ đạo bất nhất từ chính quyền

RFA, 23/10/2020

Lệnh của Thủ tướng và tình hình thực tế

Trong bối cảnh khu vực miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng, vào hôm 21/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành công văn yêu cầu "chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai".

cuutro13

Nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng trong chuyến đi cứu trợ bà con bị lũ lụt ở Quảng Bình, tháng 10/2020. Courtesy : Facebook Nguyen Lan Thang

Theo đó, để công tác vận động quyên góp và hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ.

Trong khi đó, mới đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm thừa nhận rằng có tình trạng cán bộ cơ sở chia lương khô cứu trợ của Bộ Quốc phòng làm quà. Thông tin này khiến cho cộng đồng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên vào chiều ngày 23/10, trao đổi với báo giới trong nước bên hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Chiêm giải thích rằng điều ông nói là đã xảy ra những năm trước đây và ông nêu lại để cảnh tỉnh các địa phương cùng lực lượng quân đội.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm cho biết thêm rằng theo ghi nhận của ông thì mùa mưa lũ năm 2020 chưa phát hiện hiện tượng bớt xét chế độ và hàng cứu trợ. Đồng thời, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh rằng lãnh đạo địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn tình trạng này để hàng hóa cứu trợ đến được với người dân trong vùng lũ lụt.

Bà Nguyễn Thị Ba, một người dân ở Sài Gòn, chia sẻ với RFA về những thông tin như vừa nêu mà bà nghe được trong mấy ngày vừa qua. Bà Ba nói rằng dù các đại diện của chính quyền có chỉ thị hay yêu cầu hoặc đưa ra lời giải thích gì chăng nữa thì :

"Thật sự đây không phải là lần đầu, mà đã có nhiều tệ nạn trong các cấp chính quyền, các đoàn thể chức năng từng lấy tiền cứu trợ ở khách sạn 5 sao, ăn nhà hàng cao cấp, ăn sung ngủ sướng. Thành ra, lòng tin không thể nào một ngày một bữa tạo dựng được, mà phải mất thời gian và thể hiện qua hành động. Tại sao cô ca sĩ Thủy Tiên có thể kêu gọi được số tiền như thế ? Miền Trung của Việt Nam không phải lần đầu bị bão lụt như năm 2020, mà nhiều năm qua thì năm nào cũng vậy, chỉ là ít hay nhiều thôi. Tại sao không có đoàn thể, cơ quan nào đứng ra kêu gọi được số tiền ủng hộ nhiều như vậy ? Cho nên các cấp chính quyền phải coi lại".

Cứu trợ tự phát không hiệu quả ?

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo lên tiếng với RFA rằng người dân không có niềm tin vào công tác cứu hộ, cứu trợ của các cơ quan chức năng là có cơ sở.

"Mặc dù ông Thủ tướng nói như thế, nhưng chắc là trong tình hình thực tế thì bà con ở miền Trung đang rất khổ. Đến ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng mới cam kết cho trực thăng đi cứu trợ mà trong khi đó dân bị chết cả nửa tháng rồi. Rất là luộm thuộm. Cho nên nếu cứ máy móc thì dân chết hết".

Nhà báo Võ Văn Tạo đề cập đến Nghị định 64 quy định "ngoài các tổ chức, đơn vị như Mặt trận Tổ Quốc và Hội Chữ thập đỏ, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ". Mặc dù vậy, với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt và trong tình thế nguy cấp lũ lụt ở miền Trung hiện nay thì việc người dân khắp nơi chủ động cứu trợ đồng bào là việc cần thiết phải làm và không có gì đáng lo ngại khi Nghị định 64 bị vi phạm Bộ luật Dân sự.

"Con rể tôi ở thị xã Ninh Hòa, cách Nha Trang 30 km về phía Bắc, vừa mới đây kể cho tôi nghe rằng phong trào nấu bánh tét ở ngoài đó rầm rộ và có mấy chiếc xe tải cỡ 8 tấn của người địa phương Ninh Hòa, họ tuyên bố là bất cứ ai cần chở hàng cứu trợ ra miền Trung thì họ sẵn sàng giúp".

Thế nhưng, bản tin truyền hình về phóng sự cứu trợ lũ lụt của Đài VTV, do biên tập viên Liên Liên thực hiện và phát sóng hôm 20/10 gây bức xúc trong dư luận. Phóng viên Liên Liên đã tường thuật rằng, công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương.

Nhà hoạt động xã hội-blogger Nguyễn Lân Thắng, người đang có mặt tại Quảng Bình để cứu trợ cho bà con địa phương ở đó, vào tối ngày 23/10 trình bày về tình hình thực tiễn mà ông tận mắt chứng kiến, cũng như quan điểm của ông liên quan bản tin của VTV :

"Phải nói là việc thiện nguyện xưa nay vốn dĩ rất là khó. Việc điều phối tổng thể công việc trong thảm họa này thì đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, nguồn lực cũng như nhân lực. Ở Việt Nam từ trước đến nay thì người dân cũng không có kinh nghiệm trong việc cứu trợ. Nhưng vì người dân thương nhau nên người ta phải tìm cách vận động và tìm cách tự cứu lấy mình, tự cứu lấy nhau. Đương nhiên có sự thiếu kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn lực làm cho việc người dân tự cứu lấy nhau bị thiếu chuyên nghiệp. Nhưng mà tôi nói một điều là bản tin của VTV rất sai lầm, khi cho rằng việc người dân thực hiện việc cứu trợ, cứu nạn như vậy làm ảnh hưởng đến công tác cứu hộ của địa phương. Tôi nghĩ việc VTV sử dụng những lời nói đó hoàn toàn không thích hợp".

Ông Nguyễn Lân Thắng nhắc đi nhắc lại về những ngư phủ ở Quảng Bình đã nhịn ăn, nhịn khát 3-4 ngày đêm và làm đủ mọi cách để có thể cứu được người dân bị kẹt trong đồng nước mênh mông, ngập lút nóc nhà.

"Trong bối cảnh đó, người dân ngoài biển vào cứu thì phải nói ơn cứu mạng với nghĩa đồng bào là hết sức tuyệt vời".

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét về bản tin của VTV :

"Việc phát ngôn của cô biên tập viên Liên Liên thật ra cũng là một scandal gây bức xúc trong xã hội, nhất là những người có tâm ở Việt Nam. Cô này là hậu quả của sự tuyên truyền của nhà nước. Lúc nào nhà nước đề ra cũng đúng hết".

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu lên quan điểm của ông :

"Tôi nghĩ mỗi lần thiên tai lớn như thế, ở những địa bàn rộng như thế thì không có cơ quan nhà nước nào có thể lo được hết đâu ; kể cả những cá nhân tự phát như Thủy Tiên hay những người nổi tiếng khác phối hợp cùng làm thì cũng không xuể được đâu. Theo quan điểm cá nhân tôi thì thêm được lực lượng nào là tốt lực lượng đấy. Và, các cơ quan hành chính của nhà nước phải tìm mọi cách để tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân tự phát làm để được hiệu quả nhất và an toàn nhất".

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Thượng tướng Lê Chiêm, khi trao đổi với báo giới vào ngày 23/10, cũng đưa ra đề nghị rằng những người đi cứu trợ muốn đưa hàng trực tiếp đến người dân, nên chính quyền địa phương phải tổ chức dẫn đường, vận chuyển hàng đưa giúp vào vùng đang cần.

Thượng tướng Lê Chiêm nhận được tin báo hiện tại các tỉnh bao gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghê An, Thanh Hóa đều bị tình trạng người dân chưa tiếp cận được hàng cứu trợ, nhưng hàng vận chuyển ùn ứ trên đường lại rất nhiều.

Trong cùng ngày 23/10, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thu nói với báo giới quốc nội rằng Nghị định 64 là để áp dụng cho các tổ chức được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo. Đây là một hình thức quản lý của Nhà nước với các tổ chức có nhiệm vụ được giao như Mặt trận Quốc quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội, từ thiện, không áp dụng cho cá nhân. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân Thu lưu ý Nghị định 64 vẫn có 1 điểm là khuyến khích những cá nhân tham gia làm công tác thiện nguyện tự nguyện. Nếu như họ làm đúng quy định của pháp luật, không làm gì sai thì phải khuyến khích và tôn vinh họ. Đồng thời, bà cho rằng nghị định này được ban hành đã lâu từ năm 2008 và cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều.

Đài RFA trao đổi với một số người dân ở khắp tỉnh/thành tại Việt Nam, và được nghe hầu hết đều giống nhau ở quan điểm như bà Nguyễn Thị Ba rằng :

"Nếu tôi là người có tiền và có lòng hảo tâm thì tôi chỉ rủ bạn bè làm, chứ tôi không đưa qua các cơ quan nhà nước. Không còn tin nữa rồi và niềm tin đã mất từ lâu rồi".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông rằng người dân không tin chính quyền quản lý tiền bạc quyên góp cứu trợ vì lo sợ tham nhũng, và nếu chỉ có duy nhất những người quyên tiền đi phân phối hàng hoá từ thiện thì lại gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng giữa chính quyền địa phương với những đoàn thể, cá nhân làm thiện nguyện thì chắc chắn đồng bào sẽ nhận được sự cứu giúp hiệu quả và ý nghĩa.

Nguồn : RFA, 23/10/2020

***********************

Quyền hoài nghi & nữ ca sĩ Thủy Tiên

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 22/10/2020

"Chủ nghĩa hoài nghi triết học (philosophical scepticism) là một trong các trường phái triết học. Chính nhờ tư tưởng quan trọng này mà nhân loại phát triển qua các phát minh sáng tạo, khám phá vũ trụ và các vấn đề trong đời sống xã hội".

Thật vậy, nếu không có thuyết Hoài Nghi, con người không thể tiến bộ. Ví dụ :

1. Nếu không hoài nghi, Gallilei và cộng sự không có thuyết Nhật Tâm - Trái Đất xoay quanh nó và xoay quanh Mặt Trời.

2. Nếu không hoài nghi, Newton không phát hiện được định luật vạn vật hấp dẫn.

3. Nếu không hoài nghi, nhân thân Hồ Chí Minh không thể dần dần lộ rõ.

4. Nếu không hoài nghi, những khuất lấp như công hàm 1958 Phạm Văn Đồng đã phơi bày trước dư luận hay mật nghị Thành Đô vẫn đang bị Đảng cộng sản Việt Nam che giấu (và sớm muộn gì mật nghị này cũng sẽ phơi bày nhờ quyền Hoài Nghi).

5. Nếu không hoài nghi, những khuất lấp về ông Joe Biden không bị phơi bày như hiện tại.

Tôi cố gắng giải thích ở mức đại chúng về quyền Hoài Nghi để nhận được đồng thuận từ quý độc giả. Đó là lý do, tôi đưa 5 ví dụ dễ thấy nhất, từ cổ chí kim như trên.

Tất nhiên, còn hàng triệu ví dụ sống động trên thế giới cũng như tại Việt Nam mà mỗi người đều có thể đưa ra. Nói điều này để thấy Triết học ngỡ trừu tượng nhưng thật dễ hiểu vì tính cụ thể của nó.

Cũng chính nhờ thuyết Hoài Nghi mà có khái niệm "tư duy phản biện", "giám sát". Cũng từ đó mới nảy sinh các phương pháp quản trị : kinh doanh, quốc gia, xã hội.

Cũng từ đó mới có tam quyền phân lập ; cũng từ đó mới có "quyền lực thứ tư" (báo chí) ; cũng từ đó mới nảy sinh xã hội dân sự với quyền biểu tình, quyền tẩy chay, quyền lập hội v.v...

Có lẽ một câu hỏi cũng nên đặt ra : Sống trong hoài nghi như vậy làm sao mà sống cho nổi ?

Thưa rằng, câu hỏi ngỡ đúng nhưng sai hoàn toàn. Tại sao ? Bởi như tôi đã trình bày, nghi ngờ có căn cứ là khoa học. Chỉ khi nào nghi ngờ vô căn cứ mới thể hiện tính thành kiến, võ đoán và hồ đồ.

Ví dụ mới nhất về quyền Hoài Nghi : Nữ ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi quyên góp được tới hơn 100 tỷ đồng để cứu giúp đồng bào miền Trung bị bão lụt, bên cạnh những ủng hộ, đồng tình với cô thì cũng có luồng dư luận đang hoài nghi cô có phải người của Việt Cộng hay không ? Hoài nghi về tính trong sáng và tấm lòng của cô ấy có thật hay không ? Hoài nghi về sự an toàn tính mạng và sinh mạng chính trị của cô ấy có bảo đảm hay không ? v.v...

Điều này có nghĩa Hoài Nghi mang tính đa nguyên (cũng là một khái niệm về Triết Học). Nói điều này để khẳng định : Hoài nghi không phải là luôn "nghĩ xấu" theo kiểu cộng sản Việt Nam hay chụp mũ tất cả những ai nói trái ý họ. Điều này là phản khoa học. Đó cũng chính là một trong các bản chất của cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng.

Hoài nghi không có nghĩa chỉ trích vô tội vạ.

Để khẳng định hay kết luận sự việc thông qua quyền hoài nghi phải làm thế nào ? Thưa rằng : Càng có nhiều căn cứ xác đáng, cụ thể càng nhanh chóng hoàn thành. Ngoài ra, việc này còn phụ thuộc rất lớn và rất nhiều vào... TỰ DO mà trong đó TỰ DO TƯ TƯỞNG là quan trọng nhất - Điều vẫn còn thiếu vắng tại Việt Nam !

Từ hoài nghi đi đến khẳng định, kết luận để đưa sự việc ra ánh sáng công luận, rồi trả lời trước tòa là một quãng đường thăm thẳm cho đến khi Việt Nam có tự do !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 22/10/2020 (nguyenngocgia's blog) 

Ghi chú :

1. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin phép chưa đề cập đến nghi ngờ trong phạm vi mâu thuẫn tình cảm giữa : vợ chồng-cha mẹ-con cái-anh em-bạn bè v.v...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, Phan Châu Thành, Lan Anh, Thu Thủy, Nguyễn Vũ Bình, Hoài Nguyễn, Nguyễn Ngọc Già, BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 815 times

1 comment

  • Comment Link chim cò mercredi, 28 octobre 2020 01:47 posted by chim cò

    Phan châu Thành.
    "tại sao không ? Xích lại gần nhau, để cùng nhau thay đổi, đó mới là con đường cần thiết cho dân tộc Việt, hơn là cắm đầu chửi bới, đánh đập lẫn nhau"....giam cầm (gần 40 năm sống gần nhau rồi, họ có hiểu cho dân đâu )
    "Hãy tập nghe nhau, hiểu nhau, rồi cùng nhau chung tay làm việc. Hãy luôn luôn nói với tâm thế góp ý, chứ không phải đả kích, chê bai, (bắt bớ, giam cầm). Khi đó xã hội sẽ thay đổi."Đảng có đủ tiếng nói cho dân, còn dân mà nói thì đảng phát cho cái bằng " phản động ".((gần 40 năm sống gần nhau rồi, hiểu nhau quá rồi.)

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)