Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/10/2020

Cứu trợ nạn nhân bão lụt : Nhà nước chỉ chăm bẩm vào... số tiền ủng hộ !

Nhiều tác giả

Thủy Tiên & Mặt trận Tổ quốc – Lòng dân & Quyền lực chính trị

Huy Đức, 20/10/2020

Con số trăm tỷ của ca sĩ Thủy Tiên vận động được trong tuần qua và hơn 20 tỷ của MC Phan Anh mấy năm trước không thể nào nói hết tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người dân Việt. Hàng triệu người vẫn âm thầm quyên góp và hàng ngàn người khác đang cứu trợ trong vùng lũ và đang chuẩn bị cho các chuyến đi cứu trợ miền Trung. Số tiền thực sự vận hành bởi lòng dân là không bao giờ đong đếm được.

tuthien1

Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân ; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo.

Trong Friendlist của tôi có nhiều bạn đang là cán bộ các hội đoàn và Mặt trận Tổ quốc hiện cũng đang ngồi thuyền cứu trợ. Tôi tin rằng các hội đoàn của Đảng, các cấp Mặt trận Tổ quốc cũng quyên góp được không ít. Nhưng, nếu phân tích các danh sách đóng góp, những người làm chính sách sẽ phải thay đổi cách tiếp cận rất nhiều.

Tôi có trong tay danh sách đóng của một "tổ chức chính trị xã hội" (cho một chương trình từ thiện khác), số tiền khá lớn, nhưng số đầu mối góp chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay ; có nơi góp dăm, ba tỷ.

Rồi Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác sẽ mở các đợt vận động cứu trợ "đồng bào miền Trung". Sẽ có nhiều người lên tivi tuyên bố góp số tiền 5, 10 tỷ. Nhưng thành phần đóng góp đầu bảng sẽ là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp "làm ăn" trên địa bàn... Cá nhân, phần lớn là cán bộ, công chức, đóng góp chủ yếu theo hình thức... khấu trừ lương. Dân chúng ngoài "hệ thống chính trị", ở các thành phố lớn, gần như chỉ góp khi những người vận động tới cùng... tổ trưởng dân phố và cảnh sát khu vực.

Mặc dù, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định "Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ". Liệu các địa phương có cam lòng ngăn cản các "tổ chức, cá nhân" làm nhà chống lũ, nấu bánh chưng, mua mì tôm, áo phao... mang đến cho dân mình khi họ đang đói rét.

Không phủ nhận là cũng có không ít trường hợp tự nguyện đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc hoặc các tổ chức chính trị xã hội của Đảng. Nhưng, quyền lực chính trị của đảng cầm quyền, quyền lực nhà nước đang ảnh hưởng rất lớn lên các cuộc vận động này. Tôi tin là nếu Mặt trận Tổ quốc chỉ có mạng xã hội thì không thể nào trong vòng một tuần lại có thể vận động được nhiều người tự nguyện tham gia và góp số tiền lớn như Thủy Tiên làm được.

Việt Nam đang có nhiều tổ chức cá nhân có thể quyên góp, có thể giúp người nghèo, người ở trong vùng thiên tai như Phan Anh, Thủy Tiên... Nhưng, không biết Thủy Tiên đã trao đổi kinh nghiệm quản trị công tác từ thiện với Phan Anh ; tôi chưa hình dung được, chưa có một pháp nhân, Thủy Tiên sẽ quản trị số tiền hơn trăm tỷ đồng này như thế nào.

Việc chỉ có rất ít người xin được giấy phép lập QUỸ và các rào cản trong Nghị định 64 hạn chế dân chúng nhận tiền cứu trợ, không chỉ đã đánh mất rất nhiều cơ hội bày tỏ lòng "thương nhau" của "người trong một nước", mà người nghèo, nạn nhân bão lụt cũng khó tiếp cận với các nguồn trợ giúp.

Hoạt động của Quỹ Học Trò Nghèo Vùng Cao và một số quỹ được cấp phép cho thấy nếu không có pháp nhân thì rất khó có chiến lược giúp dân bài bản và hiệu quả.

Điều gì dân chúng làm được thì nhà nước, đảng cầm quyền không nên làm. Hãy sử dụng quyền lực chính trị đó làm những việc lớn như hòa giải, đoàn kết các sắc dân ; đặc biệt, nghiên cứu chính sách giúp dân thoát nghèo. Nếu có những góc khuất mà chính sách chung không tới được hãy để "bầu bí thương nhau". Đừng phung phí uy tín và quyền lực chính trị vào những việc mà dân chúng không những có thể tự làm được mà còn làm tốt hơn các tổ chức chính trị đang dùng rất nhiều quyền lực.

Huy Đức

Nguồn : fb.osinhuyduc, 20/10/2020

************************

Hành động 'quyên góp 100 tỷ' của Thủy Tiên làm đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm

BBC, 21/10/2020

Việc ca sĩ Thủy Tiên vận động quyên góp được 100 tỷ ủng hộ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại vì thiên tai đang gây tiếng vang, khiến một số đại biểu Quốc hội Việt Nam bình luận.

Trao tặng hàng cứu trợ ở Thừa Thiên Huế ngày 20/10

Hôm 21/10, trả lời báo chí, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - khen ngợi ca sĩ Thủy Tiên.

"Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch. Người dân nên lưu giữ lại các bằng chứng để sau này khi lũ lụt hết rồi, những ai muốn truy cứu hành vi có minh bạch hay không thì Thủy Tiên có căn cứ để giải trình. Tôi nghĩ đây cũng là một sự lo xa, nhưng cũng nhiều bạn khác nói rằng khi người ta đã gửi tiền quyên góp cho Thủy Tiên, người ta đã ủy thác rồi và họ tin tưởng rằng đấy là địa chỉ tin cậy, cô sẽ đưa số tiền đó nhanh nhất, đúng nhất tới đối tượng cần cứu trợ".

Bên cạnh đó, ông Vân chỉ ra rằng nên tạo điều kiện về pháp luật để các cá nhân có thể kêu gọi đóng góp thiện nguyện.

"Thủ tục ta có thể đăng ký thôi, không nhất thiết là phải qua một trình tự thủ tục hành chính phức tạp, giống như doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký một mã định danh với thông tin cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau đó, quy định về phương thức quyên góp, hình thức đi cứu trợ như thế nào một cách công khai, minh bạch... để ràng buộc trách nhiệm".

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nói nếu thông qua một tổ chức có năng lực thì sẽ hiệu quả hơn.

"Một người điều hành 100 tỷ đồng không thể bằng một tổ chức có uy tín, sức mạnh tham gia vận hành, phân phối. Thực tế, bây giờ nếu yêu cầu Thủy Tiên chứng minh chi tiết về nguồn tiền và việc sử dụng là rất khó".

"Rất nhiều đơn vị, cá nhân tự đứng ra làm thiện nguyện, kêu gọi cứu trợ nhưng với số tiền nhỏ thì có thể chuyển thẳng, tự đi làm dễ dàng hơn. Song khi số tiền lớn thì nên có tổ chức, những cá nhân, đơn vị kêu gọi được đều được ghi nhận và đánh giá đầy đủ. Điều quan trọng là tiền cứu trợ phải đến được đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, nhận xét : "Chúng ta nên ghi nhận công lao của ca sĩ Thủy Tiên trong đợt lũ lụt này, nhưng không nên để một mình ca sĩ xoay xở như vậy".

"Tôi rất hoan nghênh hành động nhân văn của Thủy Tiên nhưng tôi có một lời khuyên là Thủy Tiên hãy cùng huy động mọi người làm với mình, để hỗ trợ nhanh nhất đến bà con, tránh những câu chuyện ì xèo về tiền bạc sau này".

Ca sĩ Thủy Tiên nói gì ?

Hôm 21/10, trên Facebook của mình, cô Thủy Tiên đăng dòng chia sẻ dài.

Cô nói : "Tiên chỉ là 1 cá nhân và Tiên sẽ làm việc theo cái tâm của 1 cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, tiền trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua 1 tổ chức nào cả VÀ CŨNG KHÔNG TẠO RA 1 TỔ CHỨC NÀO CẢ , tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy… nếu giao cho 1 cơ quan tổ chức nào thì khác gì Tiên lừa họ ??"

Cô chia sẻ : "Tiên đang gọi xin ngân hàng các khoản chi ra vì số đầu vào quá nhiều không giấy nào mà in nổi được hết các thông tin chuyển vào vì nó nhiều lắm lắm. Tiên nghĩ tốt nhất là mọi người cứ chuyển vào, ngân hàng xác nhận số tổng vào, và mình xin số sao kê chi ra chi tiết có đóng dấu ngân hàng, trên các khoản chi ra đó Tiên sẽ giải thích cho mọi người hiểu các khoản này dùng để làm gì làm gì".

"Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỷ thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân Tiên cũng không biết, có đủ hay là không đủ cho 3-4 tỉnh ngập lũ đâu, ngoài xây nhà mình còn làm cầu cống đường xá cho người dân ở vùng sâu xa, lũ này cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được nè, họ phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người"....

Vấn đề pháp lý ?

Luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".

Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết : "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo".

Ông chỉ ra : "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép, các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".

Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do Mặt trận Tổ quốc thành lập.

Ông Ngô Ngọc Trai viết : "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng".

Nguồn : BBC, 21/10/2020

***************************

Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp !

Hoài Nguyễn, VNTB, 21/10/2020

Việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân. 

tuthien3

Con số 100% đắc cử là do đảng tặng. Con số 100 tỷ đồng là do công chúng giao phó. Người đắc cử 100% do đảng tặng thì không chắc được công chúng giao phó 100 tỷ. Nhưng người được công chúng giao phó 100 tỷ thì chắc chắn sẽ đắc cử 100% nếu ứng cử.

Và xin được chia buồn với bà con Hải Lăng, dự kiến là sự cứu trợ đồng bào ở đây sẽ giảm nếu áp dụng theo yêu cầu số 1 và số 2.

Vì sao lại ngờ vực ‘lòng tốt’ của ông chủ tịch ?

Số là ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có ký một công văn đóng dấu "Hỏa tốc", với yêu cầu đại để là nếu các cá nhân, nhóm hội đoàn xã hội dân sự muốn đến Hải Lăng để cứu trợ, cần thông qua chính quyền địa phương để "có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".

Thoạt nghe thì rõ ràng đây là một quyết định không ngoài nhằm bảo vệ tính mạng của những mạnh thường quân. Tuy nhiên nếu đọc nguyên văn điều 3 ở công văn "Hỏa tốc" này thì thấy chút gì đó bất thường : "3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải thông tin về UBND huyện, Thường trực Ban chấp hành Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trước khi tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".

Tại sao ông chủ tịch Lê Đức Thịnh không yêu cầu thư ký soạn điều 3 thế này sẽ tránh được sự nghi ngờ là cấp trên đang có ‘ý đồ’ với hàng cứu trợ : "3. Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ".

Cớ sự nào mà người viết ngờ vực thiện ý của ông chủ tịch Lê Đức Thịnh ?

Cựu luật sư Phạm Công Út kể : "Lần đó đi phát quà từ thiện, Ủy ban xã nói là cứ để hết tiền ủng hộ và quà cứu trợ ở trụ sở, xã sẽ phát cho từng hộ nghèo theo danh sách đã được lập. Ai cũng phải ngoan ngoãn nghe lời, chỉ có tôi và hai bạn nữa đánh xe vào tận bản làng, gặp nhà nào nghèo thì trao tiền và quà tận tay cho họ. Hỏi ra thì mới biết, lần đầu tiên trong đời họ mới được nhận quà cứu trợ, dù hầu như năm nào họ cũng bị thảm họa lũ lụt".

Không chỉ vậy, trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến được cho là từ đội ngũ dư luận viên của nhà chức trách, về hàm ý chụp chiếc mũ chính trị đối với những cá nhân, nhóm xã hội dân sự nào dám tự tay đi trao tặng quà cho người dân mà không theo sự dẫn dắt của chính quyền.

Từ thiện luôn hợp pháp

Luật sư Đặng Bá Kỹ, phân tích chi tiết về mặt pháp lý đối với chuyện đe dọa này từ một số dư luận viên :

"Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở miền Trung ! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm đồng bào, nhân dân hướng về nhau thật lớn lao ! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền tổ quốc, cũng như hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm… giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc ca sĩ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng (tính đến cuối ngày 20/10) đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ.

Tuy nhiên, có một số "Chuyên gia pháp lý", đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ ; và đã căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – để rồi đã đi đến kết luận rằng : Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp !

Xin khẳng định ngay rằng : Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn ! Xin luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan.

Xác định quan hệ pháp luật

Bản chất của việc nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp bà con vùng lũ, đó chính là việc : Tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại giao dịch dân sự phổ biến – là một quan hệ pháp luật dân sự.

Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại chủ thể :

Thứ nhất : Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – được gọi là Bên tặng cho tài sản !

Thứ hai : Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.

Thứ ba : Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như ca sĩ Thủy Tiên hay những người khác – được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.

Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.

Như vậy, trong vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự – và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản !

Quy định pháp luật được áp dụng

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự, do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do luật dân sự điều chỉnh.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định : "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng".

Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như những hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Lluật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.

Cần nhớ rằng Nghị định 64 mà các "Chuyên gia pháp lý" nêu trên, là văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ : "Không vi phạm điều cấm của Luật" – tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Do vậy, việc kêu gọi bà con, ủng hộ đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của nhân dân.

Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến ! Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau.

Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại !".

Thay lời kết

Luật sư Đặng Đình Mạnh cảm thán : Nếu có bầu cử tự do, cô ấy – tức ca sĩ Thủy Tiên, muốn ứng cử vào chức vụ gì mà công chúng đầy cảm tính lại không chiều lòng bỏ phiếu cho cô ấy, kể cả vị trí tứ trụ đang chỉ gồm những ông bà cụ lụ khụ, trông buồn bã.

Nhưng xem ra, tôi mong cô ấy không nên làm điều dại dột ấy. Vì ngắm sen giữa đầm, đôi khi cũng là một thị nghiệp không nên khuyến khích…

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 21/10/2020

*****************************

Ca sĩ Thủy Tiên và từ thiện luôn hợp pháp!

Đặng Bá Kỹ, VietnamBusinessInsider, 20/10/2020

Cho tới thời điểm hiện tại, lũ lụt vẫn đang hoành hành, tàn phá ở Miền Trung ! Chính trong những lúc nguy nan như vậy, mới thấy tình cảm Đồng bào, Nhân dân hướng về nhau thật lớn lao ! Rất nhiều bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc, cũng như Hải ngoại, đã đóng góp tiền bạc, vật tư, nhu yếu phẩm… Giúp người dân miền Trung trong cơn hoạn nạn. Một trong số đó, phải kể đến việc Ca sĩ Thủy Tiên, đã kêu gọi được hơn 105 tỷ đồng đóng góp của nhân dân, giúp bà con vùng lũ.

tuthien4

Tuy nhiên, có một số "Chuyên gia pháp lý", đã viện dẫn vài quy định pháp lý, cụ thể là Nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ; Và đã căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai – Đã đi đến kết luận rằng : Việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi và nhận tiền để làm từ thiện là không đúng quy định của pháp luật hiện hành, là không hợp pháp !

Tác giả xin khẳng định ngay rằng : Lập luận pháp lý vừa nêu là hoàn toàn sai lầm, phiến diện và vớ vẩn ! Trong bài viết này, tác giả sẽ luận giải các khía cạnh pháp luật có liên quan để Bà con tham khảo.

I. Xác định quan hệ pháp luật

Bản chất của việc Nhân dân quyên góp tiền bạc, tài sản để giúp Bà con vùng lũ, đó chính là việc : Tặng cho tài sản (tiền, hiện vật như nhu yếu phẩm). Đây là một loại Giao dịch dân sự phổ biến – Là một quan hệ pháp luật Dân sự.

Trong giao dịch tặng cho tài sản này, có sự xuất hiện của 03 loại Chủ thể :

1. Thứ nhất : Những người quyên góp tiền bạc, vật chất khác – được gọi là Bên tặng cho tài sản!

2. Thứ hai : Bà con nhận cứu trợ tiền bạc, nhu yếu phẩm – được gọi là Bên nhận tặng cho tài sản.

3. Thứ ba : Nhóm những người kêu gọi và trực tiếp đi tới vùng lũ như Ca sĩ Thủy Tiên hay những người khác – được gọi là Bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản.

Nó đơn giản như việc ông A tặng cho ông B một chiếc xe máy, nhưng thay vì trực tiếp trao cho nhau, thì ở đây ông A nhờ ông C chuyển giúp. Y chang như vậy, không có gì khác cả.

Như vậy, trong Vụ việc này, quan hệ pháp luật được hình thành giữa các bên là quan hệ pháp luật dân sự – Và giao dịch dân sự giữa các bên là giao dịch tặng cho tài sản !

II. Quy định pháp luật đã áp dụng

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật được hình thành giữa Các bên là quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, quan hệ pháp luật này sẽ do Luật Dân sự điều chỉnh.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định : "Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng". Trong khi đó việc kêu gọi ủng hộ và từ thiện của Thủy Tiên, cũng như Những Hội nhóm thiện nguyện khác, không bị quy định nào của Luật cấm, nên không có gì là trái luật, và đương nhiên không trái đạo đức xã hội. Không những vậy, việc tặng cho tài sản là hợp pháp.

Cần nhớ rằng : Nghị định 64 mà các "Chuyên gia pháp lý" nêu trên, là Văn bản do Chính phủ ban hành, chỉ là Văn bản dưới luật. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định rõ : "Không vi phạm điều cấm của Luật" – tức phải là Văn bản do Quốc hội ban hành, mới có giá trị cấm. Hay nói cách khác, không thể viện dẫn bất kỳ quy định nào của Nghị định 64, để nói rằng Nghị định này cấm, nên không được làm. Vì Bộ luật Dân sự do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định của Chính phủ.

Do vậy, việc kêu gọi Bà con, ủng hộ Đồng bào vùng lũ của Thủy Tiên hay bất kỳ ai khác, là một hành động hợp pháp, đầy tính đạo đức và rất nhân văn, thể hiện tình cảm tương thân tương ai của Nhân dân ta. Giả định rằng, nếu có ai đó lợi dụng việc kêu gọi từ thiện, để rồi sau đó trục lợi cá nhân, thì đây là một câu chuyện khác, một vấn đề khác, không phải là điều chúng ta đang bàn đến ! Cho nên, cần phải tách bạch và phân biệt đúng bản chất pháp lý của các vấn đề khác xa nhau. Và dù nhìn từ góc độ nào, tư duy pháp lý hay triết học đạo đức, thì việc từ thiện, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn, luôn luôn là giá trị nhân ái cốt lõi của nhân loại !

Viết tại Sài Gòn, ngày 20/10/2020

Luật sư Đặng Bá Kỹ

*********************

Đại biểu quốc hội và Phó thủ tướng lên tiếng về việc cứu trợ

RFA, 21/10/2020

Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách, trong trao đổi bên hành lang Quốc hội với báo giới nhà nước Việt Nam sáng 21/10, cho rằng, không nên máy móc chỉ có tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội mới có quyền huy động kêu gọi quyên góp tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà nên quy định cá nhân cũng có quyền.

tuthien5

Người dân tại một làng quê ở tỉnh Nghệ An gói bánh chưng để cung cấp cho đồng bào vùng lũ. Ảnh chụp hôm 21/10/2020. Reuters

Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng… không quy định cho cá nhân được vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Điều 21 Nghị định này còn nêu rõ, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cũng theo báo chí trong nước, ca sĩ Thủy Tiên đã nhận khoảng 105 tỷ đồng tiền cứu trợ nạn nhân vùng lũ từ khắp nơi gởi về. Ông Lê Thanh Vân tin rằng ca sĩ Thủy Tiên và nhóm của cô không đi ban phát một cách bừa bãi. "Họ sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ quyên góp vào quỹ đó cho họ. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng để minh bạch".

Liên quan chuyện cứu trợ, tại Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung hôm 21/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định rằng, quá nhiều đoàn cứu trợ chỉ đi vào chỗ thuận lợi giao thông, còn những chỗ khó thì chưa vào. Chính vì thế có chỗ nhận được nhiều, có chỗ chẳng có gì…

Ộng đánh giá trong cả nhiệm kỳ của ông, lần này thiệt hại do lũ nặng nề nhất. Ông đề nghị Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cử đoàn vào miền Trung để xem bà con cần hỗ trợ những gì để có biện pháp cứu trợ.

Nguồn : RFA, 21/10/2020

**************************

Lũ miền Trung : Ca sĩ Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, còn Việt Nam nên sửa luật ?

BBC, 20/10/2020

Tại Việt Nam, nhiều cá nhân đã giúp quyên góp tiền bạc cứu trợ trong bối cảnh lũ lụt đang gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung.

tuthien6

Ca sĩ Thủy Tiên trao tặng hàng cứu trợ ở Thừa Thiên Huế ngày 20/10

Tuy nhiên, có luật sư chỉ ra rằng một văn bản pháp luật "lạc hậu" có thể khiến các việc làm thiện nguyện bị xem là phi pháp.

Những ngày gần đây, ca sĩ Thủy Tiên là một trong những cá nhân nổi bật khi đã kêu gọi đóng góp và nhận được hàng chục tỷ đồng cho đồng bào miền Trung.

Hôm 20/10, trên Facebook cá nhân, cô Thủy Tiên thông báo : "Số tiền quyên góp trong vòng 1 tuần cho đến thời điểm này là hơn 100 tỷ rồi".

Cô chia sẻ tâm trạng : "Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn…Nhưng nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ thì mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể".

Theo truyền thông, nhiều người nổi tiếng và công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang tham gia kêu gọi quyên góp.

Tuy nhiên, luật sư Ngô Ngọc Trai, từ Hà Nội, cho hay cần có quy định mới về pháp luật "tạo lập hành lang pháp lý bảo hộ cho những hoạt động cứu trợ như của ca sĩ Thủy Tiên".

Viết trên Facebook cá nhân, ông cho biết : "Hiện tại vấn đề vận động đóng góp cứu trợ thiên tai lũ lụt, hiện đang được điều chỉnh bởi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"".

Ông chỉ ra : "Qua tìm hiểu thì thấy nội dung văn bản này quá lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Cụ thể nghị định 64 quy định chỉ những cơ quan đơn vị có tính nhà nước sau mới được tiếp nhận và phân phối tiền hàng cứu trợ.

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Hội chữ thập đỏ Việt Nam ; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương ; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định của chính phủ.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép ; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

4. Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ".

Mới hơn, theo ông, theo thông tư 72/2018/TT-BTC của Bộ tài chính thì còn có thêm quy định về Các cơ quan thông tin đại chúng như báo, đài thì được tiếp nhận tiền hàng cứu trợ, nhưng không được phân phối đến cho tổ chức cá nhân, trừ trường hợp hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã rõ đối tượng địa chỉ.

Đối với các cơ quan đơn vị là đầu mối tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ thì số tiền huy động được sẽ phải nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban Cứu trợ do mặt trận tổ quốc thành lập.

Ông Ngô Ngọc Trai viết : "Như thế, xét theo quy định này thì không chỉ việc làm của ca sĩ Thủy Tiên, của diễn viên Trấn Thành, của nhiều nghệ sĩ khác hay các tổ chức tôn giáo, các doanh nhân uy tín muốn thiện nguyện phục vụ cộng đồng, đều không thực hiện đúng".

Trong khi đó, tạp chí của Hội Luật gia Việt Nam, Người đưa tin pháp luật, phỏng vấn luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn AB & Partners, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), người có diễn giải khác.

Ông Vũ Quang Bá cho rằng : "Hiện nay, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.

Ông nói : "Tuy nhiên, tại cả hai văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện".

"Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nhà nước còn quy định rõ, việc khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cho cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp, cũng như tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hay giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm".

Theo luật sư Vũ Quang Bá : "Việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như : Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện".

"Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ".

Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở miền Trung Việt Nam vẫn đang diễn tiến phức tạp.

Hôm 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã về thăm hỏi, động viên và trao quà hỗ trợ người dân vùng lũ Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguồn : BBC, 20/10/2020

*******************

Mưa lũ ở Miền Trung : Dân lên mạng kêu cứu và phản ứng của Chính quyền

Cao Nguyên, RFA, 18/10/2020

Do tình hình mưa to kéo dài, mất điện, cộng thêm việc đập thuỷ điện xả nước khiến nước lũ lên nhanh trong đêm 17, rạng sáng ngày 18/10/2020. Nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Trị bị cô lập. Nhiều người dân vùng lũ bất lực phải lên mạng Facebook kêu cứu.

VIETNAM-WEATHER-FLOOD

Một làng ở Quảng Trị bị ngập lụt hôm 18/10/2020 - Reuters

Các khu vực như thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hoá và Đakong (tỉnh Quảng Trị) bị ngập sâu trong nước. Làng xóm và các tuyến đường chính bị chia cắt vì nước lớn. Nhiều khu vực nhà dân bị nước lũ cô lập trong những ngày qua.

Theo báo chí trong nước đưa tin, trong đêm 17 rạng sáng 18/10, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng chỉ đạo các lực lượng cứu hộ trên địa bàn phải dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt.

Tuy nhiên, không phải người dân nào kêu cứu cũng được sơ tán kịp thời.

Không liên lạc được đường dây cứu nạn

Ông V, một người dân ở huyện Cam Lộ, đã đăng tin kêu cứu đêm 17/10, nói với Đài Á Châu Tự do vào trưa ngày 18/10 rằng khi anh đăng tin kêu cứu thì nước đã vào nhà gần 2 mét, không liên lạc được với đường dây nóng cứu hộ. Cũng may gần sáng có người dân địa phương dùng ca-nô chở người già và trẻ nhỏ lên chỗ cao trước rồi :

"Hiện tại bây giờ đã an toàn rồi. Nước đang xuống rồi. Sáng nay kêu ca-nô họ không tới, điện họ không tới, không thấy liên lạc gì được. Đò và ca-nô của người dân địa phương ở đây đã di dời trẻ và ông già đi hết rồi.

Đêm qua nước lên gần 2 mét, mất điện 3 ngày rồi.

Sáng nay nước có xuống. Nước trong nhà ra rồi, ngoài sân còn tầm 1 mét nữa. Giờ cứ nhai mì sống rứa thôi"

Ông H, cũng nói rằng không thể liên hệ được với cơ quan cứu hộ. Gia đình ông phải kê đồ lên cao đợi đến khi ngừng mưa, nước tự rút :

"Bây giờ nước ra khỏi nhà rồi, ngập tầm 2 mét. Nghe bảo là không ai liên lạc được hết. Sau có một ông nói là buổi đêm họ không đi được.

Giờ đang mất điện, từ hôm qua, hôm kia, 3 ngày rồi".

tuthien10

Hình chụp hôm 18/10/2020 : quân đội đang tìm kiếm những người lính bị chôn vùi do lở đất ở Quảng Trị AFP

Chị Thảo, ở thành phố Đông Hà kêu cứu lúc 1 giờ sáng, đến 5 giờ thì được lực lượng cứu nạn đến đưa trẻ sơ sinh đi sơ tán trước. Những người còn lại trong gia đình phải giở nóc nhà ngồi chờ trắng đêm vì nước đã lên tới gần 2 mét rưỡi.

Vào năm 2013, một buổi diễn tập cứu trợ đồng bào lũ lụt diễn ra với quy mô quốc tế. Trong buổi diễn tập, Việt Nam đã huy dộng 800 nhân viên tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tìm kiếm - cứu hộ, cứu nạn Việt Nam, huy động cả trực thăng, xuồng, ca-nô cao tốc, cầu phao và nhiều thiết bị quân sự tham gia vào tình huống giả định cứu trợ khẩn cấp vùng ngập lụt.

Nhưng khi trận lũ lịch sử vào đêm qua, vẫn chưa thấy có trực thăng, ca-nô cao tốc nào được huy động để sơ tán dân bị mắc kẹt trong vùng lũ.

Nhận được thông tin trễ, người dân "trở tay không kịp"

Vào sáng ngày 17/10, hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị thông báo xả nước qua tràn với lưu lượng ước đạt 1.110 m3/s, trong khi nhiều vùng hạ du của tỉnh này vẫn đang bị ngập lụt nặng nề.

tuthien11

Một phụ nữ lớn tuổi cầm bát cơm cạnh căn nhà ngập nước của bà ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP

Ông V, cho biết do bị cắt điện từ 3 ngày trước nên khi biết được thông báo xã lũ thì nước đã lên quá nhanh khiến ông "trở tay không kịp", khu vực nhà ở đã bị cô lập :

"họ thông báo là xả đập đăng trên Facebook nhưng mà bên chỗ khu em bị cách li, cô lập nên em không biết. Chỗ khác họ gọi điện báo rồi cũng nghe báo lại vậy thôi.

Do nước lên ban đêm quá nhanh nên trở tay không kịp. Công văn báo trước đó ngày hôm qua nhưng khu vực em bị mất điện nên không có có biết, chỉ nghe nghe mấy người ở bên kia thông báo thôi, chứ em không biết chính xác là họ đã thông báo từ thời điểm nào".

Tương tự, nhà chị Thảo cũng bị mất điện, không có mạng internet nên không thể tiếp cận thông tin :

"Nghe nói họ có thông tin trên mạng nhưng do nhà không có mạng nên cũng không biết nữa, chỉ nghe nói họ có thông báo trên Facebook.

Khi đó đâu có biết nước lên cao như rứa, cứ nghĩ nước mới lụt, mới ra nên không nghĩ là sẽ lụt lại mô. Với họ nói xả nước thì cũng ít thôi, té ra khi xả chừng mô thì nước nó lên chừng nấy".

Thêm một công văn của Tổng cục thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng quốc gia đăng tải trên website vào rạng sáng ngày 18/10 với nội dung sẽ có lũ đặc biệt lớn trên các con sông ở Quảng Trị, nước sẽ dâng cao kỷ lục, hơn cả mức lũ lịch sử năm 1999. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu xảy ra trên diện rộng.

Đáng nói, thời điểm đăng tải công văn này là rạng sáng ngày 18/10/2020. Lúc này, nước lũ đã lên rất cao, người dân chỉ còn cách kêu cứu trên mạng xã hội.

Trong diễn biến liên quan, một vụ sạt lở đất xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào khoảng 1 giờ sáng ngày 18/10. Có 22 cán bộ thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp. Đến 17 giờ cùng ngày, đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 19 giờ ngày 18/10, mưa lũ tại các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên đã làm 84 người chết, 38 người mất tích, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai lên cấp 4 là mức cảnh báo gần cao nhất.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 18/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Huy Đức, Hoài Nguyễn, Đặng Bá Kỹ, Cao Nguyên, BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 738 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)